Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Về bài thơ LÁ DIÊU BÔNG - Lời bình của Nguyễn Khôi




LÁ DIÊU BÔNG
 - Chiêu độc của HOÀNG CẦM

LỜI DẪN: Theo nhà thơ Hoàng Hưng (VN Lagi & Talawas ngày 19-09-2010) thì: Nhà thơ Hòang Cầm viết tập thơ " về Kinh Bắc" từ 1959 - 8 / 1982, chủ yếu lưu truyền bằng chép tay (ngoài luồng)- đây là một sự kiện " hậu Nhân văn- Giai Phẩm", trong đó bộ 3 " cây-lá- quả" (cây tam cúc-lá Diêu bông- quả vườn ổi) là nổi bật nhất " vì chúng được (giới Văn nghệ) xì xầm diễn giải như một lời oán trách của " Em" ( văn nghệ sĩ) với " chị... lãnh đạo văn nghệ". Đại khái là " Em" yêu "chị" , nhưng "chị" đã lừa "Em", cho "Em'' ăn toàn "quả rụng", rồi bỏ mặc "Em" bơ vơ để đi lấy chồng!

Theo Hoàng Cầm kể, thì 1974 chính quyền có kêu tác giả lên răn đe về việc lưu truyền những bài thơ "có nội dung xấu ấy" ... Hoàng Cầm phải ngưng... hậu quả vụ án " về Kinh Bắc" là :

-         Hoàng Cầm bị đi thực tế lao động ở cơ sở sản xuất 16 tháng.
-          - Hoàng Hưng vì xin được, có trong tay mấy bài thơ trên nên bị đi “thực tế lao động” 39 tháng.
-         - Nam Dao (Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng) - Việt kiều yêu nước ở Canada do phổ biến bài “Lá diêu bông” nên bị "cấm nhập cảnh" về nhà trong 20 năm.
-         Sau" Đổi mới" (1986), mãi tới 1994 "Về Kinh Bắc" mới được NXB VH in bằng loại giấy xấu.

LÁ DIÊU BÔNG

         Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
         Chị thơ thẩn đi tìm
          Đồng chiều
                              cuống rạ
         Chị bảo
         Đứa nào tìm được Lá Diêu Bông
         Từ nay ta gọi là chồng

          Hai ngày Em tìm thấy lá
          Chị chau mày
                               đâu phải Lá Diêu Bông
          Mùa đông sau Em tìm thấy lá
          Chị lắc đầu
                            trông nắng vãn bên sông

         Ngày cưới Chị
                               Em tim thấy lá
         Chị cười  xe chỉ ấm trôn kim

         Chị ba con
                         Em tìm thấy lá
         Xòe tay phủ mặt Chi không nhìn

         Từ thuở ấy
                 Em cầm chiếc lá
                 Đi đầu non cuối bể
          Gió quê vi vút gọi
                 Diêu Bông hời...
                ... Ới Diêu Bông... !

BÌNH :
Bài này có 2 cách hiểu:

1/ Theo kiểu ngây thơ, coi đây là một bài thơ tình thứ thiệt, là một khúc hồi tưởng ( viết trong một cơn mơ " vô thức" mà "Thần Linh đọc Diêu Bông, tôi chép Diêu Bông, thế thôi.)
Đó là mối tình đơn phương của cậu bé 12 tuổi (HC) với Chị Vinh ( 20 tuổi) ở ga Việt Yên, Bắc Giang thời trước 1945 ...một thứ tinh yêu đơn phương của một chú bé ngây thơ huyễn tưởng với một bà Chị sành sỏi "tung ra cái Lá Diêu Bông ( ảo huyền) "dứ " trêu chú bé ngây ngốc?
Bài thơ mở đầu bằng " Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng" là  Thi Sỹ đã lấy cái địa danh (quê Vua Lý ) với cái Váy lưới Chai của gái Đình Bảng nổi tiếng thời bấy giờ để tạo sức hút (gây ấn tượng) chú em si tình... tiếp theo là Tác giả tung ra cái Lá Diêu Bông ( lá Trời , huyền ảo, sắc sắc không không như một phép thần thông của" Chị" bủa vây giăng lưới "bẫy" Chú "Em" ngây thơ chạy theo mối tình hư ảo vô vọng...
Thủ pháp "Váy Đình Bảng/ Lá Diêu Bông" quả thực là LINH NGHIỆM đã mê hoặc bao lớp độc giả say thơ Hoàng Cầm... Để rồi có Nhạc sỹ phổ thơ Lá Diêu Bông, Cô Nàng Sài Gòn mở " Quán Diêu Bông" như một tình thơ đẹp thu hút  rung động bao con tim, trí tưởng tượng của một thời "gió quê vi vút gọi ..."  

2)   Hiểu theo cách : Thơ "ẩn dụ" , cái thâm nho của Thi sỹ (con nhà chữ nghĩa người làng Hồ-xứ Kinh Bắc) mượn chuyện tình (bịa) để nói chuyện Đời của một thời sau vụ NV-GP... Để ai đó tự suy diễn mà chia sẻ nỗi đau với tác giả.

VỀ NGHỆ THUẬT bài thơ : Đây là nghệ thuật bậc thầy Thi Sỹ Hoàng Cầm tạo ra hình tượng thơ "Lá Diêu Bông" huyền ảo gây mê hoặc lòng người: - Yêu (tình) thì rất tình mà đau (hờn đời) thì thấm tới cõi Thần Linh ma quái... Phải có một hồn thơ siêu viêt, một bút pháp kỳ tài (như viết trong mơ, nỗi đau tình, đau đời,ẩn hiện trong nhau, chữ ít ý nhiều - kể cả đầy ẩn ý ... Về ngôn từ: Thi Sỹ dùng cách nói của người Kinh Bắc rất Quan họ như: Trông nắng vãn bên sông (lưu ý tử VÃN) , xe chỉ ấm trôn kim, xòe tay phủ mặt... rất dân gian mà cũng rất Hàn lâm ; Tất cả ý tứ chữ nghĩa quyện vào nhau để  Lá Diêu Bông còn  mãi với Đời .
Tóm lại : Bài thơ Lá Diêu Bông nằm trong tập thơ liên hoàn Về Kinh Bắc là "một lâu đài tráng lệ với không gian văn hóa cổ kính hòa trộn với tâm linh hiện đại , những ẩn ức về thân phận con người cùng khát vọng sống của nó- qua phía âm bản của thơ ta thấy được tiếng kêu bi thương thầm thĩ của người nghệ sỹ tài hoa đầy tính nhân văn, sự ám ảnh về thân phận con người nghệ sỹ trí thức, nỗi thất vọng to lớn giữa lý tưởng và hiện thực cuộc sống của một thế hệ văn nghệ sỹ .Theo thiển ý của NK thì có lẽ sau Tây Tiến (Quang Dũng) thì Lá Diêu Bông của Hoàng Cầm là một trong những đỉnh cao trên thi đàn Việt Nam hiện đại. Sáng tác Lá Diêu Bông là Hoàng Cầm muốn gửi một thông điệp đến bạn đọc để giãi bày cái đau tình, đau đời mà Thi Sỹ ẩn nhẫn câm nín bao ngày không nói ra được.
"Lá Diêu Bông" là một bài thơ "thần khẩu hại xác phàm" thời nay, nó rất định mệnh-  rất ĐỘC- ai nặng tình vướng phải nó (ở một thời chưa Đổi mới mở cửa) thì đều chuốc lấy TAI HỌA !

Này đã qua 50 năm, mấy nhân vật chính đã đi vào thiên cổ...thế mà nghe  chuyện cũ (đọc) lại vẫn thấy sởn tóc gáy :
Diêu Bông hời ...
Ới Diêu Bông ...
Góc Thành Nam Hà Nội 20-09-2010
Nguyễn Khôi


Copy từ hoangxuanhoa.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét