Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Thơ Trương Nam Hương- Lời bình Lê Bá Duy


QUÁN THỜI GIAN

Mời em vào quán thời gian
nâng ly kí ức uống làn hương xưa
Mời em vào quán không mùa
ta chia nhau ngọn gió lùa rét căm
Mời em vào quán không năm
để lau nỗi nhớ ướt đầm ngón tay
Mời em vào quán không ngày
để nghiêng trời thả heo may-Để buồn...
Đắng lòng môi chạm yêu thương
thời gian quên bỏ chút đường đó em!
.
TRƯƠNG NAM HƯƠNG


VỊ ĐẮNG THỜI GIAN
Lời bình: Lê Bá Duy

Tôi may mắn được đọc bài thơ "Quán thời gian" của nhà thơ Trương Nam Hương. Tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần và đọc bằng cả tâm hồn mình. Sau cùng, không cầm lòng ghi lại những cảm nhận về bài thơ như một tri ân với tác giả vì chính cái hồn, cái tình và những triết lý giản đơn nhưng sâu sắc trong bài thơ, giúp tôi nhận chân nhiều điều về giá trị thời gian, từ đó biết trân trọng hơn về những cái đẹp của cuộc sống ...
10 câu lục bát nhẹ nhàng, tứ thơ hình thành trên cái nền cảm xúc, không phải bất chợt, mà phảng phất nỗi buồn xót xa về ký ức, về những kỷ niệm tháng năm đã đi qua, với một cách nói thật hay bằng thể thơ truyền thống: lục bát - ngắn gọn mà tình ý dằng dặc...
Mời em vào quán thời gian
Nâng ly ký ức uống làn hương xưa

Hai câu mở đầu bằng một lời "Mời em..." rất trân trọng. Nhưng không phải "quán cà phê" mà "quán thời gian" - một cái quán tưởng tượng của nhân vật trữ tình để "nâng ly kí ức uống làn hương xưa". Cả "quán thời gian" và "ly ký ức" đều là hình ảnh tượng trưng - tượng trưng cho một kỉ niệm đẹp một thời đã đi qua.

Hai câu tiếp theo: " Mời em vào quán không mùa/ Ta chia nhau ngọn gió lùa rét căm..." lại tiếp tục một hình ảnh tượng trưng khác: "quán không mùa" Thời gian là khái niệm vô hình cho nên "quán không mùa" xuất hiện là hợp lý. Ở "đây" không giới hạn mùa thời tiết trong năm. Cái "gió lùa rét căm" đó thổi dọc suốt đời anh. "Rét căm" gợi cảm giác lạnh, trống trải, cô đơn đến nao lòng. Đọc đến đây, tôi lại nhớ đến cái giá lạnh tâm hồn đeo đẳng tôi suốt mấy năm qua. Tôi liên tưởng đến một người - người đó đã xa tôi - dù trong tôi lúc nào hình ảnh ấy cũng ăm ắp đầy kỷ niệm - kỷ niệm đẹp đẽ một thời gắn bó cùng nhau...

Cặp lục bát thứ ba và  tư  "Mời em vào quán không năm/ để lau nỗi nhớ ướt đầm ngón tay/ và mời em vào quán không ngày/ để nghiêng trời thả heo may. Để buồn..." đến đây thì tứ thơ đã tròn trịa, ý thơ hình thành, lời thơ nhẹ nhàng nhưng quặn lên nỗi nhớ đẫm rơi dòng lệ. Lại cái lối diễn đạt theo mạch cảm xúc nói về thời gian, câu đầu thì mời em "vào" "quán thời gian" "quán không mùa" "quán không năm" "quán không ngày" câu sau là sự chia sẻ "làn hương" " ngọn lúa lùa rét căm" " lau nỗi nhớ.." và để "thả heo may" - Để buồn....

Tôi thích hình ảnh "để lau nỗi nhớ ướt đầm ngón tay..." của Trương Nam Hương. Thì ra "nỗi nhớ" không "vô hình" mà "hữu hình" nó "hữu hình" trong tâm tưởng của nhân vật "tôi" - nhân vật trữ tình trong bài thơ- Cho nên "nỗi nhớ" đó cứ "chảy" - chảy trong niềm thương nỗi nhớ, ướt đẫm những ngón tay. Tôi cứ băn khoăn "ngón tay" em hay anh? Nhưng hiểu là chủ thể bài thơ đúng hơn! Nếu vậy thì "nỗi nhớ" ấy sâu sắc lắm, quằn trĩu lắm tình yêu thương...

Đến hai câu kết "Đắng lòng môi chạm yêu thương/ thời gian quên bỏ chút đường đó em"... thì tứ thơ đọng kết lại, đắng chát bờ môi, và nỗi buồn xa xót những kỷ niệm đẹp của một thời đã qua giờ chỉ còn lại trong ký ức, bờ môi. Thời gian quên bỏ chút đường? hay con người thiếu chút "vị ngọt tình yêu", để rồi thời gian đi qua trong tiếc nuối, nhớ thương vô hạn... Tính nhân văn bài thơ là ở chỗ ấy. Nói mà không nói, không nói mà người đọc cảm nhận được thế mới là biết cách nói...

Bài thơ phảng phất nổi buồn mà không bi lụy. Cái tài của nhà thơ ở chỗ đưa ra những hình ảnh tượng trưng để hoài niệm, đau đáu, nuối tiếc quá khứ, và cuối cùng sự an ủi với lòng mình hoặc với em ngày xưa cũng là một cách dằn lòng trước những bước đi nghiệt ngã của thời gian...

Sau cùng, với tôi, "Quán thời gian" là một bài thơ hay, đáng đọc! Những cảm nhận nói trên cũng chỉ là chủ quan theo cách hiểu, cách cảm cá nhân. Tất nhiên, sự vi diệu của bài thơ toát lên từ nội dung và hình thức làm nên giá trị tác phẩm, không thể nói hết được. Tôi tin bạn đọc sẽ khám phá thêm nhiều điều hay từ bài thơ theo cách của riêng mình. Cảm ơn nhà thơ Trương Nam Hương đã góp vào vườn thơ lục bát một bài thơ hay - hay cả ý tưởng và cách diễn đạt!

Quê nhà 4/6/2010
Lê Bá Duy
.
Tác giả gửi bài qua eMail
NNB vi tính giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét