Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Trần thị Tuyết Hạnh/ Đò đưa thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn



Cái ghen của Thanh Trắc Nguyễn Văn
.
Giận em đập nát câu thề
Nắng hồng rơi vỡ dầm dề mưa tuôn
Bão dông giăng kín mây nguồn
Gió tan tác nhớ, sóng cuồn cuộn đau…

Bây giờ người ấy trầu cau
Dửng dưng qua bến sông sâu, xuống đò
Lơ ngơ tôi đứng trên bờ
Lời thương hoá đá…Hết chờ, hết mong!

Lội đò tiễn sáo sang sông
Câu thơ xưa thả bềnh bồng hoàng hôn
Vung tay bỏng lửa ghen hờn
Dở dang giờ nhặt cô đơn bốn mùa...
 
 Một mối tình tan vỡ có rất nhiều nguyên do và chẳng nguyên do nào giống nguyên do nào. Ấy thế mới là tình yêu! Tình yêu đâu có sẵn một lối mòn, có chung một công thức? Ở bài thơ này, mối tình kia tan vỡ là do người con trai đã ghen – cái ghen bỏng lửa. Những câu thơ trĩu nặng nỗi niềm tiếc nuối, đớn đau và sám hối bởi một mối tình đã mất…Thể thơ lục bát quen thuộc, đề tài cũng không mới và thi liệu mang đậm chất truyền thống, song bài thơ đã gây ấn tượng và cuốn hút người đọc chính bởi tâm trạng của nhân vật trữ tình.
Ghen là một trạng thái sẵn có, thường trực và tiềm ẩn trong tình yêu. Chúng ta, những kẻ đã yêu và đang yêu, chắc cũng hơn một lần có cảm giác ấy. Và khi cơn ghen “bốc hoả”, thì người trong cuộc không còn sáng suốt nữa: “Giận em đập nát câu thề”. Hai chữ “đập nát” cho thấy tính chất quyết liệt, sôi sục trong hành động. Thế rồi bao nhiêu thề bồi, hẹn ước bấy lâu đã tan tành. Vây quanh nhân vật trữ tình chỉ còn lại sóng gió, mây mưa và dông bão. Nỗi đau ở đây lớn quá! Tác giả phải mượn đến những trạng thái của thiên nhiên để diễn tả: Nắng vỡ, mây buồn, mưa thì dầm dề, bão dông lại giăng kín…Dường như vẫn chưa đủ, nỗi đau lại trào lên, quặn thắt, tan tác, cuồn cuộn trong sóng, trong gió.

Người đọc không biết nhân vật trữ tình đã ghen vì cớ gì, chỉ biết rằng, giờ đây, trong tâm hồn anh cứ ngồn ngộn đớn đau và cô đơn. Cơn ghen quyết liệt và mù quáng của kẻ si tình đã dẫn đến một hiện thực phũ phàng, đôi lứa phân li, chia lìa, xa cách: “Bây giờ người ấy trầu cau/ Dửng dưng qua bến sông sâu xuống đò”. Người thương năm nào nay đã “xuống đò”, “sang sông”. Mà lại sang sông một cách “dửng dưng”, lạnh lùng. Còn lại phía bên này là nỗi lẻ loi, hẫng hụt như dâng ngập cả bến sông:

                       Lơ ngơ tôi đứng trên bờ
                Lời thương hoá đá… hết chờ, hết mong!

Thì ra, người trong cuộc tuy ghen nhưng vẫn còn yêu, vẫn chờ vẫn mong, vẫn còn nặng tình lắm! Mà càng nặng tình lại càng quặn đau, ngậm ngùi. Người thương đi lấy chồng đâu phải người ta phụ bạc, chỉ tại mình nông nổi “ vung tay quá trán”. Chỉ một cơn ghen bỏng lửa trong khoảnh khắc ngắn ngủi, si mê và mù quáng mà nỗi đau cứ dằng dặc cả đời người. Hai chữ “vung tay” chất chứa cả một nỗi sám hối ghê gớm của người trong cuộc.

Bài thơ có tên là “Ghen”, song điều tác giả muốn nói không chỉ có vậy. Ghen chỉ là biểu hiện bên ngoài của sự ích kỉ, hẹp hòi và mù quáng. Dẫu biết rằng đã yêu thì phải ghen, song để có được một tình yêu trọn vẹn thì phải biết độ lượng, vị tha…Đừng để phải ân hận muộn màng!
.
Trần Thị Tuyết Hạnh
.

NAT đọc chọn/ NNB vi tính giới thiệu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét