Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

Ngưỡng của thơ cách tân?


TẢN MẠN VỚI ĐÂU LÀ NGƯỠNG
CỦA THƠ CÁCH TÂN


NGUYỄN-TRỌNG-HOAN

.
MÔI TRƯỜNG  VÀ THƠ HIỆN ĐẠI
Sau hơn 20 năm mở cửa , xã hội chúng ta đã tiệm cận với nền công nghiệp hiện đại thế giới  Con người được giải phóng , sức tiêu dùng được nâng cao , tư duy cũng thay đổi . Điều kiện sống xem chừng đã thuận lợi hơn xưa , song môi trường sống đưa lại không ít những sự bất an cho con người  . Cứ xem cung cách lộng hành của thông tin quảng cáo trên các phương tiện của quốc gia đã phần nào cho thấy cái tác dụng hiển nhiên  tốt xấu lẫn  lộn , thật giả song hành . Biết bao nhiêu chuyện sờ sờ ra đấy , to có , nhỏ có … Nhưng thôi không phải vấn đề của chuyên mục này .
Bây giờ ta vào chuyện thơ .
Chúng ta đều biết việc làm mới thơ là thuộc tính cơ bản của thơ . Kế đó là việc cách tân thơ . Một số nhà thơ còn bàn đến chuyện soán ngôi , đổi gác , cách mạng thơ . Nhiều tác giả đã không ngừng làm mới thơ với cấp độ cao , mở rộng biên độ thơ . Đồng thời việc cách tân thơ đã thành phong trào phát triển khá rộng rãi . Trong điều kiện sống và môi trường đầy ẩn họa , chắc chắn đời sống của thơ cũng không thể thoát khỏi ngoài vòng cương tỏa ấy . Vậy xem thử kết quả  ta đã gặt hái được gì trên cánh đồng thơ hiện đại :
- Hình thành nhiều dạng thơ và phát triển theo 3 hướng thi pháp : Thơ Đường luật , thơ truyền thống và thơ cách tân .
- Sự am hiểu về thơ đã được nâng cao . Thơ bây giờ hay hơn xưa , song thường hay về câu thơ mà ít bài đứng được lâu dài  ( Đây có thể là vấn đề mang tính thời đại )
- Tư duy thơ đã đòi hỏi thơ phải sáng tạo với cấp độ cao hơn . Đây là loại thơ khó làm và khó đọc , song hàm chứa ý nghĩa sâu sắc và cái đẹp ẩn tàng . Bởi vậy nó cũng kén người đọc .
- Trong đó thơ dở , vè , thơ ngọt ngào nhạt nhẽo , thơ vô lối , thơ sex , thơ tục tĩu cũng phát triển tưởng không thua .
- Một số người làm thơ quay lưng với xã hội , cuồng nhiệt với ham muốn riêng mình .
- Bồi bút thì ca ngợi , bốc thơm nhau . Có lẽ vì sự đời quá nhộm nhoạm nên một số người am hiểu về thơ và các tác gỉả  về thi pháp cũng lặng thinh , không nói .
- Một số giải thưởng cho thơ để lại nhiều ý kiến trái chiều , chưa khuyến khích và định hướng đúng có thể làm nhiễu loạn thêm cho môi trường thơ
- Cuối cùng thì người làm thơ thật đông đúc . Thơ sản xuất vượt cầu , vàng thau lẫn lộn , người đời lảng tránh thơ . Buồn thay , ngay cả người làm thơ cũng chẳng muốn đọc thơ nhau !
.
ĐÂU LÀ NGƯỠNG CỦA THƠ CÁCH TÂN
Thơ cách tân của chúng ta chủ yếu thử nghiệm và áp dụng  theo  thi pháp của chủ nghĩa hậu hiện đại . Nói vậy , ở đây tôi cũng chỉ là ăn ốc nói theo . Bởi ngay trong đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về thơ hậu hiện đại cũng chỉ dám nói : “  Nếu chủ nghĩa hậu hiện đại nói chung rất khó xác định phạm vi , thì đối với thơ hậu hiện đại càng khó khăn bội phần , vì nó không những gắn với cá tính và phong cách của từng nhà thơ , mà còn phụ thuộc vào đặc điểm xã hội và truyền thống văn hóa của từng khu vực.’’
Với thói quen của người làm công tác nghiên cứu khoa học , tôi muốn tìm xem đâu là thực chất của thơ hậu hiện đại , làm sao có thể  am tường về thi pháp cũng như trường ảnh của nó . Song đa phần thông tin chung chung . Tôi vẫn dè chừng đâu đó mình lại gặp mấy ông thày bói sờ chân voi . May sao , Trên báo TT&VH Cuối tuần lại có vài bài viết ngắn ta có thể tham khảo về mối quan hệ của thơ với xã hội .
- Trong bài người Pháp đọc thơ , Đặng Tiến đã viết :
Điều làm cho quảng đại quần chúng lơ là với thơ mới, thơ đương đại là ngôn từ trúc trắc, bí hiểm, xa cách với lời ăn tiếng nói ngày ngày của họ; và khi vượt qua ngôn ngữ ấy thì họ gặp phải một nội dung riêng tư, lạ lẫm, không can hệ gì đến vận mệnh của họ. Thơ đương đại nói chung xa rời những ưu tư thực tế, kinh tế , xã hội , chính trị của con người , do đó , họ tìm đến những ca khúc
Ở Mỹ thì cũng không hơn , một nghiên cứu sinh đã viết như sau :
“  Những học sinh Mỹ bình thường hầu như không biết về thơ ca nói chung. Chỉ vài trường hợp hiếm hoi, thường do giáo viên dạy họ thích thơ, khuyến khích, thì họ mới đụng đến vài bài thơ.”
“Cho nên , thật tồi tệ cho thơ Mỹ , khi mà , thơ có vẻ là lĩnh vực chỉ dành cho các học giả hoặc những con mọt sách cao cấp.”
Alex Scharhner ( nghiên cứu sinh ĐH Columbia )
Và câu chuyện bi hài của nhà thơ Nguyễn Đỗ tại Mỹ đã kể
” có biết bao nhiêu nhà thơ khác quanh năm suốt tháng chỉ được mời… đi nghe thơ, được vỗ tay, được cười cười nói nói, hỏi han nhau, và được vét ví mua một cuốn sách của bạn thơ! ”  Và kết thúc như sau:…hai số phận nhà thơ trong hàng vạn số phận khác có khi còn bi đát hơn trên cái đất nước mà chỉ cần tổng thu nhập một công ty có thể bằng tổng thu nhập của cả một quốc gia nào đó.”Và tôi không biết bây giờ, còn ai dám vỗ ngực mình là nhà thơ ở Mỹ nữa không?”
Nguyễn Đỗ ( nhà thơ, viết từ San Francisco ).
Qua trên cho thấy ít nhiều thực chất về trường ảnh hưởng của thơ hiện đại tại hai trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn của thế giới .
Còn ở trong nước ư ? Nếu các nhà thơ biết ở các viện nghiên cứu rất ít và cũng có thể nói hầu như người ta không đọc thơ . Tôi đã chọn một số bài thơ của Lê-Đạt để đọc cho vài ông bạn và anh em trẻ là kỹ sư và tiến sĩ, nhưng không được hưởng ứng . Vậy thơ viết cho ai ? Tôi cũng có mấy ông bạn làm thơ chuyên nghiệp , thế mà con cái các ông có đứa nào hỏi đến thơ đâu . Bạn tôi  là một nhà thơ in 200 tập , nhà xuất bản HNV hẳn hoi , tặng và gửi đi , thế mà thơ tồn kho cũng còn khối ra đấy . Lan man về chuyện thơ với đời . . . Vậy đấy , tôi tin rằng nhiều người còn có nhiều câu chuyện thực xót xa và cay đắng hơn .
Quay lại với thơ cách tân .
Năm 2011 vừa qua một số giải thưởng thơ  cho thấy HNV đã khẳng định phương hướng cách tân của thơ theo thi pháp hậu hiện đại .Cũng như các ngành khoa học công nghệ và các ngành nghệ thuật khác , chúng ta cũng đang học tập và áp dụng thành quả  nghiên cứu và kết quả thực nghiệm của các nước Âu Mỹ . Với thơ , bây giờ ta khẳng định cũng làm như thế . Như vậy có thể thấy tư tưởng này không có gì mới , và  cũng không sai . Song chúng ta đều biết thơ là hồn cốt của mỗi dân tộc . Vậy cần phải đặt ra đâu là kế thừa , đâu là cần làm mới , đâu là cái phải phá hủy để thay thế hoàn toàn . Để xác định một hướng đi cho bất kỳ một ngành nào chúng ta cần những đề tài nghiên cứu chứ đâu phải chỉ là một vài cuộc hội thảo , một vài bài báo hoặc ỷ kiến của một vài cá nhân nào đấy , cho dù đấy là người đầu đàn cũng không thể lĩnh xướng .

Tôi sợ lắm , những nhà thơ chúng ta thường là những người siêu thực , một tấc đến trời , có thể  thảo luận với trăng sao ! Đôi khi tôi cứ loay hoay tự hỏi một mình :
- Với một số kết quả của việc cách tân thơ ở cấp độ cao của Trần Dần , Lê Đạt , Đặng đình Hưng , Hoàng Hưng đã để lại gì cho thi đàn Việt nam , tác động của nó đến đâu trong đời sống của thơ hiện đại ?
- Những nhà thơ trẻ với sex và những chuyện chẳng của ai cả , và đâu là nguyên nhân để  người yêu thơ lảng tránh thơ !
- Một số giải thưởng thơ gây ra phản ứng trái chiều , vậy đâu là thực đâu là giả  !
.
Nói vậy , song tôi không bi quan bởi tôi cho rằng cái được của phong trào cách tân là đã tác động đến sự làm mới thơ của số đông các nhà thơ và những người yêu thơ . Trong đó có thể  kể đến sự làm mới thơ của Nguyễn trọng Tạo , kết quả cách tân của Thanh Thảo đã để lại một số bài hay và những câu thơ lấp lánh mới lạ . Cái nhìn kỳ ảo của Nguyễn thị Ánh Huỳnh , chút xót xa của Lê Khánh Mai , Tình cảm nồng nàn , chân thực và bay bổng của Nguyễn Phan Quế Mai đã có những bài thơ và những câu thơ ấn tượng , khó quên .   Cách phân tích thơ khá cụ thể và sâu sắc của Vinh Phúc , Đỗ Quyên , Nguyễn Đức Tùng thật đáng trân trọng. Vũ quần Phương  có nhiều bài viết cảnh báo về hiện trạng thơ đương thời  .  Còn nhiều tác giả có những bài viết hoặc những bài thơ và những câu thơ hay , song bị chìm khuất trong dòng hỗn độn của thơ hiện đại  . . .
Chắc chắn còn có các nhà thơ có thơ hay và  uyên bác về thơ còn dấu mình  ở nơi nào đó. Chúng ta vẫn còn có  Ngô Minh , Hồ thế Hà , Nguyễn nguyên Bảy , Trần mạnh Hảo , Đông La , Nguyễn Đăng Điệp và Trần đình Sử - người đặt nền móng thi pháp và bao người khác nữa . . . Hãy biết trân trọng , tôi tin là sẽ có những ý kiến đóng góp hữu ích cho thơ hôm nay .
Dông dài rồi , cuối cùng chỉ xin đặt một câu hỏi để chúng ta cùng suy ngẫm :
Đâu là ngưỡng của thơ cách tân ?
Cái ngưỡng ấy phải là những vẻ đẹp mới lạ của một Việt nam hiện đại , chứ không phải như những cái đầu tóc nhuộm xanh đỏ tân kỳ , hoặc cái yểu điệu uốn éo trơ tráo của cô ca sĩ hải ngoại mang theo điệu múa cột từ Mỹ về . . . Qua Đặng Tiến đã cho thấy Thơ Pháp chẳng phải là một bài học đó ư ?
Bài viết tản mạn , gặp đâu nói đấy . Chắc chắn không thể tránh được sai xót , tôi mong được thứ lỗi và xin phép được dùng câu thơ của thi hào Pêtôphi ( nước Hung ) để chấm hết cho một ưu tư đã quá miên man của mình :
“ Đi vào trong láo nháo cuộc đời , mới biết chúng ta nhầm lẫn cả”.
.
Bài viết: Nguyễn Trọng Hoan/ Tác giả gửi bài NNB vi tính giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét