Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Thơ Triệu Lam Châu

 

ĐỀ THƠ CHO NHỮNG BỨC ẢNH
THỰC TRẠNG GIA ĐÌNH ĐOÀN VĂN VƯƠN

.

TRIỆU LAM CHÂU
.

AI PHÁ NHÀ ANH?
.
Ngôi nhà bị phá tan hoang
Có vườn chuối biết sài lang phá nhà
Thế mà miệng lưỡi người ta:
“Dân tình bức xúc, phá nhà bị can!”

.
THÔI THÌ…
.
Thôi thì dựng túp lều xanh
Làm nơi trú ngụ an lành con tim
Dựng lên cờ đỏ niềm tin
Dẫu cho công lý nổi chìm lênh đênh…
.

LỐI VÀO LỀU NHỎ BÊN ĐẦM
.
Lối vào lều nhỏ bên đầm
Thanh bình là vậy… mùa xuân đang về…
Mà lòng cứ muốn sẻ chia
Hình như bão nổi bốn bề cuộn dâng…

.
KHÔNG ĐỀ
.
Ngôi lều có tội tình chi
Mà quân khốn kiếp phá đi tan tành
May mà trời vẫn còn xanh
Lá cờ vẫn đỏ, long lanh nắng ngời…
.


TRÒ CHUYỆN VỚI CHÓ MẸ MẤT CÚN CON
TRONG VỤ QUAN THAM PHÁ NHÀ CHỦ

.
Chó ngoan thân tín của ta
May con thoát lưới sai nha hôm nào
Con ngước lên, lệ tuôn trào
Cún con… hồn đã bay vào trời xanh…
.  
Tuy Hoà, Phú Yên, đêm 26 – 2 - 2012
Lethieunhon.com

NẮNG HOÀNG LIÊN SƠN


Trần Nhương

.
Chuyến đi chớp nhoáng lên Lào Cai nhưng vẫn đủ để Trần lão gia ghi lại tài liệu để về dựng bức tranh Nắng Hoàng Liên Sơn. Ôi cái nhịp điệu, cung bậc của Hoàng Liên cứ làm lão già mê mẩn nên không thể không vẽ ra toan.
 Hôm đến thăm Hội Văn nghệ tỉnh, các anh lãnh đạo Hội mang tặng cuốn Một thế kỉ văn thơ Lào Cai dầy đến nửa gang tay. Lão già có bài thơ Sapa đóng góp trong tập này. Nhân đây xin đưa bài thơ ấy lên cho Thi Họa tương phùng...
  Hóa ra Lào Cai cũng hút hồn ông già đấy chứ...
.
 
Sa pa

Sapa vừa mới đặt chân
Nghiêng nghiêng phố núi tần ngần theo em
Nhuộm chàm tay vẫn xanh nguyên
Sợi lanh cuốn với trăng liềm non tơ
Váy thêu hoa núi tỏ mờ
Cổ kiêu vòng bạc níu bờ ngực xuân
Có gì líu ríu bước chân
Có gì lãng đãng như gần như xa
Có gì như ngọc như ngà
Có gì như nụ như hoa bềnh bồng
Chẳng hay phong tục người Mông
Em ăn mặc thế có chồng hay chưa?
Em cười đôi mắt đơng đưa
Sapa nghiêng ngả rượu vừa đủ say
Bàn tay tìm đến bàn tay
Và người và núi đã lây sắc chàm...

.
Thơ, tranh Trần Nhương

Thơ Bùi Văn Bồng


 Chùm thơ ĐẤT và NHÀ NÔNG

Bùi văn Bồng

1-  MÀU XANH TIÊN LÃNG
          
   (Kính tặng đồng chí Đoàn Duy Thành, nguyên Phó
    Thủ tướng, nguyên Bí thư Thành ủy Hải Phòng 1982-1985)

Biển gầm gào xô bờ đê mới đắp
Biết bao công sức trôi xuống biển sâu
Những cái lắc đẩu
Bậm môi mặn chát dồn thêm ý chí
Ôi, công dã tràng
Thôi, đành đắp lại
Người gánh, người gồng đẫm mồ hôi muối biển
Người kè, người chống ngăn sóng trào dâng
Lấn biển, cần trí dũng
Lấn biển, phải kiên cường
Ông nhìn nông dân mà buồn cay khóe mắt
Đất đai - máu, mồ hôi và nước mắt
Ông họ Đoàn, lo sao toàn dân đoàn kết
Duy Thành, duy nhất chỉ có thành công
Gian nan nào bằng lấp biển đào sông
Cơ khổ nào bằng ngực trần chắn sóng
Người lao động
Họ thật xứng anh hùng
Vai cùng chung
Trí hiệp sức
Nay đã ngời xanh Tiên Lãng trước biển Đông
Người bí thư Thành ủy kiên cường
Đoàn Duy Thành, người Hải Phòng vẫn nhớ
Nhớ khi ông quên ăn bỏ bữa
Cùng nông dân ngăn sóng giữ đê
Nhớ khi ông ngồi bên đồng lửa
Cùng nông dân bàn chuyện gieo trồng
Đất chật, người đông
Cần lấn biển
Những làng quê trù phú
Mùa vụ gió đồng hòa khúc hát biển xanh.
       Hải Phòng, 1987
.
2- ĐẤT LÀNG

Dấu chân ngày thơ bé
đi dày sít đường kim vá víu ngõ làng
tìm lại chẳng thấy
những ngón chân bấm trơn đường  mưa
nằm dưới lớp bê tông đường mới
Hơn ba mươi năm xa bến sông
bậc đá rêu phong chẳng thấy
bến vắng
        thuyền xa
                   lá rụng đầy
xóm Vạn Chài xanh ngắt vườn cây
nghèo cá sông cất công kiếm nghề xa xứ
Tôi ngược dốc cũ
rợn chiều một mình nghĩa địa
nhang khói cuối năm cay nồng gió
đứng trước mộ ngoại
tôi, tạ lỗi
mải miết theo đường công danh
không kịp về chịu tang bà ngoại
ân hận giờ chỉ biết gửi cỏ may
Bước qua ngõ Chùa
chẳng còn “ông già say”
theo mây tận đẩu tận đâu
ông có mang theo rượu bầu bánh tráng?
mây trắng trên đồng trôi bảng lảng
Đường làng
thưa thớt cỏ hoa đồng nội
xạc xào bờ tre níu chân mùa vụ
chợt thấy mầm non nhú
                        đất làng vào xuân.

3- VẾT CHAI TRONG BÀN TAY MẸ

Những lo toan rơi rụng xuống luống cày
Nắng bỏng rát vết chai tay cằn cỗi
Giọt mồ hôi
Chưa gặp đất đã bốc hơi
Nắng nung trời
Đất ruộng mùa khô như ai vừa nướng
Mẹ tôi
Tay chai sạn
Chân nhiều vết sần
Đất dưới chân vụn tan
Những ngón chân tỏe ra
                     ôm hết nhọc nhằn
Cái mầm mạ vần xoay chùm rễ trắng
Cây mạ non thầm lặng
Nắng như đun sôi ruộng cạn
Lúa vẫn xanh
Hai bàn tay chai sạn dày thêm
Vết chai sạn lặn vào đêm
Đêm ngụp lặn trở trăn mùa vụ
Mây vần vũ
Khát cơn mưa ruộng nứt nẻ chờ mong
Đứng bóng giữa trưa nồng
Bầu trời như cái chảo rang úp ngược
Mắt nhoèn mồ hôi vẫn mặn mòi mơ ước
Lúa vàng đầy sân
Thầm trách ai
Tay không vết sần chai
Không thao thức đêm dài trở trăn mùa vụ
Chân chưa chạm vết bùn mùa lũ
Đầu không đội nắng gội mưa
Sống quá dư thừa
Nhưng quá thiếu tình thương với nhà nông
                            tảo tần chân bùn tay lấm...
Muốn là chút dầu thoa luôn bên gối mẹ nằm
Hằng đêm
Dịu xoa lên vết chai trên bàn tay mẹ
Dịu xoa lên gót chân nứt nẻ
Nghĩ mà đau
         đã mấy lần làm được như thế
Giờ mẹ đã đi xa.

4- CHUYỆN TÌNH HAI LÚA

Cái tên cha mẹ đặt cho ông - ít ai nhớ
Đến lão nông vẫn Hai Lúa tên quen
Ngày đi hăm hở, đêm đêm trăn trở
Chuyện tình của ông trải dài như dòng sông
Ông không yêu người con gái
Đời sắp đặt nên vợ nên chồng
Hai vai nặng trĩu gánh gồng
Mùa vụ cứ xoay vần
                           đi rồi trở lại
Cái vòng quay của đất cuộn xoáy suốt thời trai
Giờ đã sang Giêng, Hai
Bão cuốn tận ven trời
Lũ lặn sâu ký ức
Người vợ tật bệnh hoài đã ra đi
Chỉ còn Hai Lúa
Nhung nhúc cháu con dắt đàn ngõ vắng
Đời vẹn nguyên những dấu lặng
Đời chao chát thăng trầm
Hai Lúa cuộn thuốc rê bên thềm
Nhìn mây trời nhả khói
Khói quyện mây chiều bối rối.
.
5- PHỐ LẦU
.
Người ta san lấp mặt bằng
Và tôn nền nhà vượt trên đỉnh lũ
Đất đen nhánh lấp lánh sa bồi
Đất nâu tươi rối bời cỏ dại
Màu của mồ hôi và máu
Những hố mắt thâm quầng
                         dài đêm thao thức
Trong đất cát san nền
Những giọt nước mắt
                            lặng rơi
Cao vút khách sạn chục tầng lầu
Trên nền đất trận địa năm xưa
Lá dừa nước và đám lục bình che khuất
Đây chiến công trận đánh tàu địch trên sông
Có người lính đã đi xa
Có người lính còn bôn ba
Có người lính chưa cửa nhà
Màu áo lính chưa phôi pha
Mảnh đất nhỏ giao tranh quyết liệt
Nay ngan ngát phố lầu
Tôi, kẻ đến sau
Rưng rưng thuở hào hùng theo câu hát
Nghe gió bưng biền chao chát
Và sông vẫn trong mát vỗ bờ
Bỗng ngẩn ngơ
Người năm xưa
                 nay chẳng có ai
                        được ở trong phố lầu
                               mới tinh và hào nhoáng?

6-  KHÓI ĐỐT ĐỒNG

Bung nở lên cuồn cuộn níu mây trời
Khói đốt đồng cuối mùa gió chướng
Trời đồng bằng mây bông trắng nõn
Sông Hậu xanh thăm thẳm trời xanh
Khói đốt đồng nồng nàn hương đất
Hương rạ rơm, hương cỏ làng quê
Ngun ngún cháy thẫm tươi màu mật
Tiếng cười em ngọt lịm  triền đê
Nổ lép bép gốc rạ mùa ngậm lũ
Ngậm sương đêm khao khát uống trời mai
Nước mắt lẫn mồ hôi dồn tụ
Những tro than mùa vụ mãi thơm hoài
Nhà nông vẫn đầu trần chân đất
Bấm đường trơn xẻ ngoác kẽ chân phèn
Mùa vụ đến tiếng cười loang gió chướng
Múc nước lu uống cạn cả mây trời
Mùa đốt đồng gió chiều hăng hắc khói
Là mùa vui nối vụ quánh sa bồi
Cứ lội bộ tắt đồng chân không mỏi
Những hạt mầm thao thức đợi mưa rơi.

.
7- TỨ GIÁC TRẮNG

Cuối mùa trào dâng nước lũ
Tha La, Trà Sư trắng xóa đập tràn
Mưa trắng đất trắng trời vần vũ
Hòn Đất, Kiên Lương ngập chứa chan
Cây muống biển úa cành hoa nở muộn
Phù sa dâng lênh láng Vàm Rầy
Tứ Giác Long Xuyên lại mùa trắng
Nước mênh mang đồng bưng
Giờ trời đã vào xuân xanh lúa
Nón trắng hoa đồng
Trắng cánh cò bay
Nhà nông xòe rộng bàn tay trắng
Gom nắng mùa thơm gọi lá mầm
Tứ giác trắng làn da em ngần trắng
Em như hoa thơm thảo đất làng
Rồi vườn xoài xôn xao hoa trắng
Trắng dòng kênh ngan ngát hương tràm
Làng mới trên phù sa vượt lũ
Nắng lên trắng lóa mái tôn chiều
Xuồng em ngược dòng lên Tứ Giác
Tóc em cài hoa trắng mộng mùa vui.

8- PHÙ SA QUÊ BIỂN

Có ai hát điệu Lới lơ(*)
Từ vùng đất mặn bây giờ lúa xanh
Từ con đê biển uốn quanh
Hàng cây vẫy gió mát lành chiều quê
Nơi câu hát ấy bay về
Có màu nón trắng mải mê trên đồng
Cánh buồm mắc nợ dòng sông
Phù sa mắc nợ ruộng đồng quê em
Chân trời con nước triều lên
Mồ hôi lấn biển tan trên đất phèn
Bao người thức trắng qua đêm
Loáng trơn cán cuốc thẫm đen màu bùn
Những đêm mưa lạnh chân run
Bồn chồn chớp giật mây đùn trời đông
Những trưa nắng cháy mặt sông
Vẫn xanh đáy mắt cánh đồng hôm nay
Tầm nhìn mở đến chân mây
Để cho câu hát đắm say trong chiều
Bây giờ sóng lúa vờn reo
Mới hay đồng đất chẳng nghèo phù sa
Lới lơ – câu hát bay xa
Điệu chèo ai nối quê ta quê mình.
------------
(*) Lới lơ, một làn điệu hát chèo Bắc bộ.
Thơ Bùi Văn Bồng
trannhuong.com

Thơ Thi Nhung

tamtay.vn - photo - NHỮNG CÁNH HOA RƠI



KIẾP HOA

Thi Nhung
 
Tháng hai phảng phất hương xuân
Mùa đi hờ hững nhặt vần thơ rơi
Mẩn mê  xâu cuộc khóc cười
Vá miền ký ức rạc rời vai cong

Tháng hai chấp chới giữa dòng
Mơ hồ phím nhạc lạnh lùng tay quen
Nụ xuân đã rụng ngoài hiên
Giọt buồn khẽ đọng mi huyền xa xăm

Ừ thôi chẳng níu mùa xuân
Đưa tay...
bất chợt chùng lòng
kiếp hoa

Thơ Thi Nhung

Đi Mũi Né, chia vui tranh con gái vẽ Một Thoáng Miền Tây

Glimpses of the Mekong Delta 1
(Một thoáng miến Tây 1}

Making trips to the Mekong Delta, living with the river and its people, I recorded the the local scenes with my colors.
Material : Oil Painting

" Nhân chuyến đi thực tế miền Tây Nam Bộ năm thứ 4 Đại Học, sống với sông nước và con người miền Tây, tôi đã có cơ hội ghi chép lại cuộc sống nơi đây bằng ngôn ngữ hội họa nhiều màu sắc"
Chất Liệu : Sơn Dầu




































Nguồn: Nguyenlyphuongngoc.blogspot.com


Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Chùm thơ viết về sự kiện Tiên Lãng Hải Phòng, 2.



GỬI VỀ TIÊN LÃNG

Chu Văn Keng

NGẪM...?

Hai câu thơ của Bảo Sinh
Ngang tầm tâm thức…sánh bì ca dao:
“Ra đường sợ nhất Công - Nông
Về nhà sợ nhất vợ không mặc gì“
Bảo Sinh ơi! Ông thật tài
Thời đại thâu tóm…nói gì hôm nay?
Ông dùng “sợ nhất“ thật hay!
Lại còn thật đúng…hiện nay dân mình
Thơ ông sao ngẫm…thấu tình
Nhưng vẫn đạt lý để đời…tạc ghi!

HỌA ĐỜI

Trở trời nhìn gió quẩn mưa
Cầm tay em dắt...chắc chưa, ở đời?
Gió mưa đã trả hộ lời
Mong manh là vậy…cùng đời ngẫm suy
Thả hồn nơi chốn Biên Thùy
Vọng Phu còn đó…Biên Thùy vẫn đây
Sự đời chóng vánh vơi đầy
Mong manh góp lại…Thêm  dầy đức tin

GIÓ HOANG

Ghét ơi là ghét gió hoang
Cứ nhè xao xác, thổi loang sang... đời
Gió hoang có hiểu lòng trời?
Bao dung bù đắp,  đầy vơi tháng ngày
Nhưng đời luôn lẫn tỉnh say
Lợi danh- Danh lợi, loay hoay kiếm tìm
Luân hồi đổi kiếp nổi chìm
Vui buồn thế sự, đức tin phập phồng
Gió hoang còn chút tình không?
Thổi đời xao xác, lại hồng hoang xưa….
Berlin, những ngày đầu năm 2012

Chu Văn Keng - Berlin
E-Mail: cv-keng@gmx.de



HẾT THUỐC

Thủy Nguyên
.
Giật mình nghe lính của ông
Càng giật mình khi nghe ông tỏ nhời
Ông Thành là ông Thành ơi
Bí thư sao nói những lời thật kinh
Cán bộ cao cấp triều đình
Sao ông không sợ dân khinh, chửi thề
Sao ông vẫn nhịp một bè
Loanh quanh chối tội, chắn che quân mình!
Ôi thôi “kiểm điểm phê bình”
Ôi thôi “nghiêm túc” lình nhình đến hay
Nghe ra một kiểu tớ thầy
Trời bằng vung, đám dân cày, chấp chi!
Đường ta thì ta cứ đi
Miệng ta cứ nói, tay thì cứ vung…

Đúng ông bị bênh tâm thần
Mới bảo các Cụ “hùa cùng thằng Vươn”?!
Lẽ nào các cụ ươn hèn
Lẽ nào báo chí lèm nhèm như ông
Bí thư Thành ủy Hải Phòng
Dân hỏi “sao thế?”- động lòng thế gian!
Đâu rồi một đảng vì dân
Đâu rồi phục vụ, mà tâm tâm xà
Vì biết đâu đó như ta
Hay vì đã trót trét ra cho đầy
Mà ông nói chuyện bài bây
Dân nghe thất vọng lắm thay hỡi Thành
Đang kỳ chỉnh đốn chỉnh quân
Hay muốn chơi trội “lập công” trận này!
Nghe mà thối ruột lắm thay
Dưới ông bao kẻ chung tay ăn thề
Mà cùng giọng điệu ê chế
Mà cùng ngoắt ngoé “vụng về” khôn ranh!

Khôn thì từ chức đi anh
Để còn một chút thanh danh ở đời
Cho con cho cháu nó vui
Đỡ thân tủi hổ cái thời “Vinh Quang”!
Cái thời Cống Rộc bẽ bàng
Ngỡ rằng thắng lớn, quan tham chạy… dài
Đường về Cống Rộc rợn người
Bao quân cưỡng chế một thời còn kia!
“Bảo vệ chế độ” thôi ư?
“Bảo vệ Đảng” nữa, còn chừa dân ra!
Coi dân như địch gần xa
“Nội xâm” mới dám trị đè dân thôi!
Ông mang “phản động” dọa người
Nghe ông các cụ buồn cười lắm thay!
Họ nên mới kiến nghị ngay
Cách chức ông, thật thương thay ông Thành!

Bỏ đường dài, lội đường quanh
Ông ơi vào viện tâm thần đi thôi!
- Ta đây vốn tự con trời
Đừng ngu ngon ngọt đem nhời dụ ta
Đường ta tiến hãy còn xa
Không đây thì đó…, thât mà, hãy xem…
- Thế thì hết thuốc rồi em!!!
Thuốc lào Tiên Lãng nhớ đem theo cùng!
.
26-2-2012
.


ĐỒNG DAO HẢI PHÒNG


Hà Văn Cốt

Thấy trên Blog Bọ Lập có câu :
Tin đâu như sét đánh ngang
 Ông Thành đang tốt chuyển sang cù nhầy
Ở Hải Phòng, từ tết đến nay truyền trong dân gian câu này. Nó vừa là câu đối, lại như một lời đồng dao, và lại như một lời chú. Xin chép ra đây để mọi người cùng đọc và cùng và suy ngẫm.
 Câu đó như sau:
 Tiễn Tân Mão súng hoa cải Vươn xa ngàn dặm
 Đón Nhâm thìn sóng Bạch Đằng Thành bại từ đây.
Tiễn Tân Mão, súng hoa cải Vươn xa ngàn dặm, thậm chí lan cả thế giới thì rõ rồi. Nhưng Xuân Nhâm Thìn sóng Bạch Đằng có làm Thành bại hay không, mời bà con chờ xem, chờ xem.







NGỌN LỬA ĐỒNG NỌC NẠN LẠI CHÁY LÊN…

Hồ Bá Thâm

Ngọn lửa Nọc Nạng cháy hồng
Vẩn cứ âm ỉ, ỉ âm bao đời
Trăm năm là mấy kiếp người
Khai hoang lập ruộng chơi vơi bão bùng
Quân đâu đến cướp quá chừng
Căm thù uất hận máu đồng chảy loang
Liều mình đâm giặc một phen
Rơi vào tù tội bao phiền lụy đau!
Cường hào tham máu sang giàu
Thực dân ức hiếp biết đâu mà lường!
Cánh đồng ngùn ngụt hờn căm
Trời như thấu cảnh tang thương máu đào…
Lòng ai Trung Nghĩa bút cao
Đằng đằng sự thật đớn đau thế này
Chánh tòa đứng giữa ban ngày
Cảm thương…
                   ra lệnh…
                                 thả ngay cáo tù!

Một trời ngập gió tự do
Mừng vui nước mắt dân ta ngập tràn
Ngọn lửa Nọc Nạng run run
Ngọn lửa bác ái, như còn mãi soi …
Gần trăm năm mấy kiếp người
Vẩn cứ âm ỉ bao đời còn đây
Ngọn lửa phản kháng giặc Tây
Phản kháng áp bức có ngày bùng lên
Thành “súng hoa cải” Văn Vươn…
Ngọn lửa nhân ái có còn như xưa?
Công bằng, chính nghĩa có về?
Bao nhiêu luật pháp cũng vì dân thôi!
Ngọn lửa Nọc Nạng cháy rồi
Người dân yêu nước bồi hồi con tim…
Đoàn Văn Vươn còn tù oan
Trái tim lạnh của bao quan, không hồn
Ngẫm xưa thăm thẳm nỗi buồn
Lấy thơ thắp lửa cháy hồng trời cao
Lửa đồng Nọc Nạng còn đâu
Kẻ không tim óc cái đầu trơ trơ!!!
Lấy lửa Nọc Nạng làm thơ
Mài sắc ngọn bút để chờ… quan tham!
.
18-2-2012
Chùm thơ trang này nguồn từ Trannhuong.com

Thơ Song Thu viết ở Hải Phòng


NGHIÊNG

Song Thu


Bến Nghiêng*. Chiều cũng dốc nghiêng !
Biển đục. Sương giăng níu mạn thuyền
Em ra hòn Dáu xa tít tắp**
Ẩn trong xanh lục miếu đền thiêng

Thanh thoát, nhẹ tênh,  Thực hay Thiền?
Riu riu gió hú cõi vô biên
Âm u rừng rậm trăm năm tuổi
Đáy mắt soi ai dáng nghiêng nghiêng ...

Ơ, sao nín lặng? nhìn chẳng đặng
Nay còn mai mất có sao đâu!
Hải Đăng vẫn đó đu ngàn gió
Nghiêng ngắm nhìn ai, Sóng Bạc Đầu? 

---------------------------
 *Bến Nghiêng (Đồ sơn): Bến đưa du khách đi du lic.h Hòn Dáu, Cát Bà và nhiều nơi khác...
** Hòn Dáu( theo tiếng đi.a phương)-hòn Dấu, tên goi chính thức. Tương truyền đây là nơi người dân tìm thấy thi haì không đầu cuả mô.t vi tướng nhà Trần trong cuô.c kháng chiến chống quân Nguyên-Mông, trâ.n Ba.ch Đằng. Miếu thờ ông linh thiêng lắm, vì vây nơi đây còn giữ đươ.c vẻ nguyên sơ nghìn năm...

Haỉ đăng Hòn Dáu, đã đứng vững hơn 100 năm trên đỉnh ngọn  hòn Dáu


Thơ Song Thu



Bài thơ cuối cùng của Đỗ Nam Cao


CÓ KHÔNG
Đỗ Nam Cao
Đây là bài thơ cuối cùng của Đỗ Nam Cao. Anh làm trước khi từ giã cõi trần (10:45 ngày 08-11-2011) có vài ngày!



Có không trong cõi vĩnh hằng
Có cô cắt cỏ với trăng lưỡi liềm
Có không trong cõi thần tiên
Rượu ngon lại uống bạn hiền lại chơi
Chỉ còn sờ sợ chút thôi
Có thơ không để tôi rơi xuống trần



11-2011

Nguồn: Đỗ Nam Cao
Thơ
. NXB Hội Nhà văn, 02-2012.

Thơ Ngô Khắc Tài



CON CHIM TẬP HÓT
Ngô Khắc Tài


Bài Vô Đề

Nhìn theo khói  thuốc chẳng thấy thơ đâu
        tình cờ thấy cuộc phân ly
Khói bay lên về trời
        tàn tro rơi xuống đất
Ở trên cao nhìn xuống
        bao giờ cũng lạnh lẽo
bên dưới trông lên
        hình như chưa đủ lửa
làm sao gặp được nhau, bỏ cuộc giữa chừng chăng để đầu óc được tĩnh táo. Hay vẫn tiếp tục men say hề tỉnh quăng nổi buồn ra và, đứng lên cất tiếng ca…


Bài tập cuối cùng viết trước

Vé khứ hồi mua đã từ lâu
quên bẳng đi, đến chừng ngọn gió
từ nơi đâu thổi về đánh thức
từng lượng sóng xô bờ ký ức mặt hồ xa
***
bài hát nhiều chùm đôi, chùm ba
bản nhạc đắc nhất lại là dấu lặng
cho phép nghỉ bao lâu cũng được
bỗng dưng chàng ca sĩ ngập ngừng
***
Yêu gấu mẹ vĩ đại to lưng
Vú to, mông to, gì to cũng thích
Nhưng cái để cho anh xúc động
là sự dịu dàng độ lượng tay em
***
Những MC, những diễn giả quen quen
Có đứng trước gương soi trước khi ra sân khấu
như Út Trà Ôn ngày xưa thọc đầu trong lu nước
luyện giọng ngơ ngác lắng nghe, tiếng xề dội lại như có ai đang hỏi mình
Người cần gì
Ngặt nghèo sao, pháp thí một bài ca
***
Thời gian dần trôi trong lãng quên, đi qua
tất cả rồi trở thành vô ích
còn để lại gì, huy hoàng rồi chợt tắt
hay cuối đường hầm
đốm lửa tiếp tục thắp lên
***
“Học để không ai giết được mình” ai nói đó đúng hay sai để tôi nghi ngờ toàn bộ quá trình chuẩn bị mình làm người bất tử. Tôi chỉ yêu những ai nhẹ nhàng đón nhận vé khứ hồi vào buổi ban mai nắng lên. Vé khứ hồi. Chuyến tàu cuối cùng từ mặt đất mang theo gì đây rồi cất cánh bay về lên bầu trời xanh lơ.
Hoa rụng để gì
ở chỗ hoa rơi

Thơ Ngô Khắc Tài
Lethieunhon.com


Thơ Đoàn Thuận


Mối tình hòn Bà – núi Ông

Đoàn Thuận

.
Dưới trăng xa lắm nơi huyền thoại
Con bấc mênh mang, sóng bạc đấu

Đôi vần thơ biếc xanh trời đất

Như một lời nguyền để mai sau.
1.*
Ngày xưa, một chuyến bè sang biển
Núi tiễn đời Đảo nhỏ vào thơ
Mảnh Thiên Y choàng lên sóng biếc
Dòng sông Dinh hoa kết đôi bờ.
.
Đảo bé bỏng bên bờ biển nắng
Tưổi hồng thơm trăng nhỏ tròn đầy
Vần thơ biếc cho lời thứ nhất
Khi mùa về gió lạnh ngàn mây.
.
Những lá thắm thả theo dòng bích
Giữa rừng xanh và biển mộng mơ
Tin chưa đến Đảo buồn dậy sóng
Dòng chưa trôi Núi đã ngóng chờ.
.
Buổi xa cách lạnh sông nhạt nắng
Con gió nào làm rối tóc mây
Một chút muối mặn trên môi sóng
Giọt thu vàng xưa chợt vơi đầy
.
Thuở ban sơ, tự nhiên nhiên thơ mộng
Cũng thoáng buồn qua buổi đợi mong
Trong cách biệt có niềm chung thuỷ
Khi Đảo về giữa biển mênh mông.
.
2.*
Từ dạo ấy, vẫn còn đâu đó
Một vầng trăng lặng lẽ thinh không.
Và năm tháng làm phai màu núi
Giữ ngàn non Núi đã lên Ông.
.
Núi ghì chặt tình vào hồn đá
Giữa cánh rừng xanh thẳm lạnh băng
Dòng La Ngà tiếng đàn trầm lắng
Ru cõi bờ tím ngát bằng lăng.
.
Và như thế bao mùa rừng cũ
Tóc sương mềm trên vai lặng yên
Núi vẫn đứng ngóng về biển biếc
Tinh đất trời đâu dễ nào quên
.
Đất La Gi biển rừng xanh biếc
Thoảng hương nguồn một thuở nên thơ
Núi và Đảo cùng phương trời nhớ
Tinh nước non không thể phai mờ.
.
Chính tình yêu đưa xa gần lại
Cho núi sông thêm nghĩa yêu thương
Và hạnh phúc ở đâu cũng vậy
Rất đơn sơ trong cõi vô thường.
3.*
Nằm trấn giử giữa muôn trùng sóng
Hòn đảo xưa được gọi tên Bà
Vẫn thơ mộng như lời thơ biếc
Tình thuỷ chung đâu luận trẻ già
.
Cũng từ đó nơi miền biển cũ
Dòng sông Dinh đưa nguồn về khơi
Động Tiên Sa lắng hồn lặng tĩnh
Của tình yêu rừng biển muôn đời
.
Mây theo gió mây về viễn xứ
Sóng ru bờ, bờ ngủ bao năm
Đàn chim biển ngang trùng dương biếc
Mang lời ru từ cõi xa xăm
.
Trong lời gió có lời của biển
Của rừng xa và núi ngàn xưa
Đã thắm biếc đôi bớ dương liễu
Để ngàn sau nhịp võng đong đưa.
.
Ai rót mật cho lời mây nước
đêm ca dao có tự bao giờ
Mùa trăng sáng bắc cầu dải yếm
Chính tình yêu đã nén thành thơ.
4.*
Huyền thoại nào chẳng từ sự thật
Cuộc tình nào chẳng có mưa ngâu
Cầu ô thước bắc qua dòng bích
Không tình yêu chẳng có mai sau
.
Đêm cổ tich không còn cổ tích
Khối tình Bà thành đảo Thiên Y
Nỗi nhớ Ông đã cao thành núi
Dòng sông Dinh mạch nối nguồn về
.
Nơi hoa mộng chân trời xanh thẳm
Hương trăng xưa thơm thoảng ngàn năm
Lời thơ cũ ghi vào đá núi
Đời bên nhau từ lúc chưa rằm
.
Đêm sao sáng thay vầng trăng khuyết
Ước mong thầm đời mãi dài lâu
Nếu đã có tình cao như núi
Cũng có tình sóng vỗ bạc đầu.

Thơ Đoàn Thuận

Về Thi Sĩ Hàn Mạc Tử




HÀN MẶC TỬ ANH TÔI
Nguyễn Bá Tín

Năm mươi năm rồi! Hàn Mặc Tử, một tài năng thi phú của nên văn học Việt Nam, mà cuộc đời bất hạnh với chứng bệnh phong hủi đã chết đi trong cô đơn tẻ lạnh, giữa lúc 28 tuổi thanh xuân.
Từ đó, thi văn Anh, tình duyên Anh, và nhất là nếp sống khép kín của đời Anh, trở thành một băn khoăn lớn.
Gần một nửa thế kỷ nay, người ta nhắc nhở văn thơ Anh, ca tụng có, thêu dệt có, nhất là giới văn nghệ sĩ đã huyền thoại hóa những mối tình Anh trong các vở ca nhạc kịch, mà vỏn vẹn chỉ dựa trên tài liệu nghèo nàn, được phổ biến trong cuốn “Hàn Mặc Tử”, do nhà văn Trần Thanh Mại xuất bản, ít lâu sau khi Hàn Mặc Tử qua đời.
Các nhà văn, kể cả thân hữu Anh, tranh luận dồi dào qua các hồi ký ngắn đăng tải trên các báo, qua các buổi diễn thuyết về Anh. Nhưng tựu trung vẫn chưa khai thông được những bí ẩn cuộc đời Anh – nói chi đến thi văn Anh, thì lại để lạc hướng hơn mà, thường thì kết luận mệt mỏi:
Hàn Mặc Tử, Anh là ai?
Đã nhiều lần, với ít nhiều kinh nghiệm trong quá trình sống bên Anh, tôi toan viết lại cuộc đời Anh – một cuộc đời nhiều đổi thay bất thần kỳ lạ, từ nội tâm đến hình thể, mà gia đình không ai quan tâm, bạn bè ít ai nhận thấy.
Tôi hằng để tâm lo lắng muốn đóng góp vào việc nghiên cứu, mở rộng tìm hiểu Anh, để cho những người yêu mến Anh biết rõ tài năng bạc mệnh đó, biết rõ những gì mà dư luận vẽ vời thêm thắt về Anh.
Tuy nhiên, mỗi lần toan tính làm một cái gì liên quan đến Anh, có kích thước một chút, là hay gặp nhiều trở ngại khó hiểu, nhất là trong việc cải táng xây mộ phần Anh, mà những điều xảy ra trở thành nghi vấn khó tin được.
Ngay cả khi dự tính viết tập Hồi ký này, trong giới bạn bè có người báo cho tôi biết trước khó tránh khỏi tranh luận gay go, điều mà tôi đã từng phen né tránh.
Năm 1942, khi ở Lào về, tôi bị đặt trước một tình trạng đã dĩ lỡ:
Từ việc xem nhẹ bút tích của anh Trí mà gia đình đã khoán trắng cho ông Quách Tấn, đến cái quan niệm “cỏ phong” xem bệnh hủi như một chứng tích tủi nhục cho dòng họ, đến đỗi không ai muốn nhắc nhở đến anh Trí nữa.
Mẹ tôi lại càng tha thiết hơn, buộc tôi phải hứa không bao giờ đả động gì đến Anh, kể cả nói đến văn thơ Anh. Điều mà tôi, vì chữ Hiếu xem trọng cho đến ngày nay, để linh hồn mẹ tôi được yên nghỉ.
Nói đến văn thơ Anh, thì thất là điều bất hạnh rồi.
Thơ Anh tôi để lại rất nhiều, những thất lạc cũng không ít. Có nhiều người thấy trước giá trị thơ Anh tìm cách chiếm hữu làm của riêng, mà nhiều bài thơ, tôi đã mơ hồ đọc qua, đến nay vẫn không thấy phổ biến.
Một số thơ khác, ông Tấn đã bỏ rơi ở Nha Trang, có người nhặt được, mang về sửa đổi ít nhiều để dành quyền thủ đắc hay sáng tác.
Mặc dù đã hứa với Mẹ tôi, không nhắc đến văn thơ Anh, nhưng lòng vẫn xốn xang, trăn trở trên niềm uất hận từ bao nhiêu năm rồi.
Làm sao tôi quên được, cả sự nghiệp văn chương Anh, mà mỗi bài thơ là máu xương nhức nhối con tim Anh, rút tỉa não cân Anh.
Quên sao được những lời Anh than thở:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.
Cho đến nay, những tưởng:
Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió, trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ.
Nhưng, không đâu, Anh ơi.
Bao nhiêu người bạn tình nghĩa, xưa kia của thành phố Quy Nhơn, đầy kỷ niệm mà Anh trông ngóng từ trên điểm cao Gành Ráng, nay đã trở về bên Anh, quán xuyến Anh, tu bổ mộ phần Anh và đang phục hồi vinh dự thơ văn Anh, càng thêm tươi thắm hơn từ nửa thế kỷ nay, trong hai “Tuyển tập” và “Thơ Hàn Mặc Tử”.
Tôi rất phấn khởi, và càng xúc động hơn, khi những người bạn từng gần gũi Anh, mà ngày nay tuy sự nghiệp đã thành, vẫn còn tự hạ, xem Anh là bậc thầy. Những người đó, than ôi, lại vẫn còn thốt lên, như một lời than thở:
Hàn Mặc Tử! Anh là ai?
Thì ra họ vẫn  còn băn khoăn thao thức về Anh.
Lòng toôi rộn lên một niềm tin tưởng và khích lệ, nên quyết tâm viết lại tập Hồi Ký về Hàn Mặc Tử, dù muộn còn hơn không.
Tuy nhiên, tôi không khỏi áy náy, vì viết lách là một việc không quen đối với tôi. Hơn nữa, tuổi tôi đã vượt quá ranh giới Cổ lai hi của nhà thơ Đỗ Phủ rồi, liệu tôi còn đủ minh mẫn sắp xếp được cảm nghĩ và tình tiết sự việc đã qua 50 năm, để trình bày lại có mạch lạc, có hệ thống không.
Tôi không phải là nhà văn chuyên nghiệp dù có cao hứng được một vài câu thơ thì sợ e cũng chưa đủ ngôn từ diễn tả cho hết ý. Đó là chưa nói lời lẽ đôi khi phóng khoáng không tránh khỏi va chạm vô tình, mà tôi rất tiếc.
Viết lại tập Hồi ký này, trước hết tôi phải xin tạ lỗi linh hồn Mẹ tôi, để nhận lấy một chút trách nhiệm đóng góp vào việc nghiên cứu cuộc đời Anh Trí cho lịch sử Văn học. Tôi không hề có tham vọng giải thích thơ văn Anh. Cái vốn liếng duy nhất để tôi làm nhiệm vụ viết lách này chỉ là ký ức của một thời sống bên Anh tôi từ thơ ấu. Chia xẻ với Anh vui buồn sướng khổ, chúng tôi đã trở thành quá quen thuộc nhau, biết nghe ngóng nhau cùng suy nghĩ với nhau qua truyền giao cảm ứng của dòng họ.
Tôi cũng không hề nghĩ tập sách nhỏ này có thể mang đến quý bạn đọc cảm nghĩ kỳ bí nào đó về cuộc đời Anh. Nhưng mà, chỉ trung thực kể lại tỉ mỉ Anh đã sống với nhiều hiện tuợng mà rõ ràng đã ảnh hưởng thật sự con người bình thường của Anh, biến cải thơ Anh từ phàm tục đến thoát tục.
Vì vậy, để trung thành trọn vẹn với ký ức, tập Hồi ký này không khỏi có nhiều đoạn ngược lại cảm nghĩ hay nhận thức của nhiều bạn hữu khả kính, mà suy luận cao kiến đã vượt quá những cái tầm thường nhưng thiết thực của đời Anh tôi. tôi rất lấy làm tiếc khi phải trung thực đến như vậy.
Tôi cũng rất mong bạn hữu xa gần dành cho tôi một thái độ bao dung hơn, khi tôi nhận xét khách quan về Anh không được tròn trịa, bóng láng như lâu nay đã được cảm nhận.
Nhân đây, tôi cũng xin gởi đến những người bạn, đã từng yêu mến, giúp đỡ Anh tôi khi còn sống và sau khi đã qua đời, một tấm lòng thành kính tri ân sâu xa của gia đình tôi và riêng tôi.
Sau hết viết được tập Hồi ký này, tôi không quên ghi nhớ mỗi thịnh tình giúp đỡ và khích lệ quý báu của các bạn hữu, nhất là các bạn vong niên mà tôi được hân hạnh tiếp xúc.
Xin gởi đến quý bạn đó lòng ngưỡng mộ và cảm mến thân tình.
Thiện Nam Nguyễn Bá Tín
(Viết xong mùa Giáng Sinh năm 1988 tại Sài Gòn)

VÌ VUI QUÁ ĐỘ NÊN THÀNH RA ĐIÊN



VÌ VUI QUÁ ĐỘ NÊN THÀNH RA ĐIÊN
Lê Minh Quốc


Trong tập tiểu luận Ngày tháng ngao du (Nxb An Tiêm 1971), Bùi Giáng viết: “Nó điên? Nhưng điên một cách vui vẻ. Bạ đâu gọi đó là mẫu thân bát ngát của con. Người ta bảo rằng nó không điên. Có kẻ bảo rằng nó giả vờ điên, thì trước hết phải đặt câu hỏi: Sao gọi là điên? Nhưng mà? Nhưng mà đó là một câu hỏi chưa hề có lời giải đáp dưới gầm trời và suốt xưa nay vậy”. Ông không điên, ông chỉ là một tâm trạng bi đát của một người bị hồn thơ bủa vây một cách khốc liệt. Trong lời tựa Tư tưởng hiện đại của mình, Bùi Giáng viết: “Sử dụng chi ngôn ngụ ngôn trùng ngôn phản ngữ hầu mong đạt tới cõi vô ngôn trong lời”, hoặc ông tự thú một cách rất tỉnh táo: “Tôi làm thơ chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm giông bão một lúc một thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu, chuồn chuồn mang trên hai đôi cánh mỏng bay bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng thăm một vong hồn bát ngát, rồi quay trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu”. Có thể xem đây là một quan niệm về sáng tác rất độc đáo của Bùi Giáng? Thiết tưởng, trong vài ngàn trang tiểu luận về thơ và thơ của Bùi Giáng, chúng ta choáng ngợp trước những tiếng nói tỉnh táo dị thường: “Chúng ta quen thói ngong ngóng chạy đuổi theo mọi thứ trào lưu chủ nghĩa, chúng ta tuyệt nhiên không còn giữ một chút tinh thể cỏn con nào để thể hội rằng lục bát Việt Nam là một cõi thi ca hoằng viễn nhất, kỳ ảo nhất của năm châu bốn biển ba sông bảy hồ” . Chính vì ý thức được như vậy, bằng tài năng tót vời của mình, Bùi Giáng đã trở thành một hiện tượng ngôn ngữ trong nguồn thơ lục bát. Ít có ai sử dụng từ ngữ, vần, nhịp nhuần nhuyễn, hiện đại, dân dã mà đầy tính triết học như thế trong thể thơ lục bát như Bùi Giáng. Ông không điên. Ông chỉ là một tâm trạng tuyệt vọng nhằm nỗ lực giải quyết những vấn đề tư tưởng đặt ra trong thời đại ông: “Hãy mang tôi tới bất ngờ/ Giết tôi ngẫu nhĩ trong giờ ngẫu nhiên”. Không ai hiểu Bùi Giáng hơn Bùi Giáng, ông đã từng hoảng hốt kêu lên: “Chán chường thi ca mà vẫn cứ làm thơ hoài là đạo vậy”. Trong “đạo thơ” thì ông là một người đã “đốn ngộ”. Mọi sự lý giải đều không đứng vững trước hai câu lục bát bất tuyệt của ông: “Ông vua kỳ vĩ thập thành/ Vì vui quá độ nên thành ra điên ” .
Đơn giản vậy thôi. Vậy mà từ tập thơ đầu tay Mưa nguồn (1962) đến nay, chưa ai có thể hiểu trọn vẹn về hiện tượng Bùi Giáng trong thi ca Việt Nam hiện đại. Tôi chỉ biết chắc chắn rằng, chưa một nhà thơ Việt Nam nào tự đặt và được thiên hạ đặt cho nhiều tên trào lộng như Bùi Giáng. Có lúc ông tự nhận là: Trung Niên Thi Sĩ, Brigitte Giáng, Brigitte Giáng Bardot, Giáng Monroe, Đười Ươi Thi Sĩ, hoặc Bùi Bê Bối, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Giúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê... Và tôi đã nghe thiên hạ gọi ông là Bùi Hiền Sĩ, Bùi Tiên Sinh, Bùi Chân Không, Bang Chủ Cái Bang, Quái Vật Linh Thiêng, Bùi Giáng Chủ, Bùi Số Dách... Điều đó cho thấy ngay bản thân ông, sự tồn tại của ông cũng là một hiện tượng cà rỡn không kém. Và khi ông điên cũng là một sự cà rỡn mà chính ông là người duy nhất đã thấu thị.

Tâm sự ông vua điên
Kiến thức ngày nay số 95, 1/1/1992.

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Chùm thơ viết về sự kiện Tiên Lãng Hải Phòng


Nhà thơ Triệu Lam Châu tâm sự: “Việc tổ chức Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương vào dịp đầu xuân Nhâm thìn vừa qua tại Quảng Ninh và Hà Nội, đã được Hội Nhà văn Việt Nam lên kế hoạch và chuẩn bị chu đáo từ lâu. Và Liên hoan thơ này đã diễn ra thật thắm tình hữu nghị, đoàn kết, hợp tác và hoà bình. Có thể gọi là thành công. Nhưng… cuộc đời sao lại có chữ nhưng oái oăm thế này cơ chứ?... Thực ra tôi đâu có trách gì Hội Nhà văn đâu (hơn nữa tôi cũng là một hội viên của Hội)… Nhưng… thôi thì, lòng mách bảo gì, mình cứ mạnh dạn thổ lộ bằng tác phẩm của mình về một vấn đề đang nóng bỏng trong cõi lòng của người dân cả nước. Đó là vấn đề người nông dân Đoàn Văn Vươn bị cướp đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng…Và tôi có bài thơ “Thế rồi…”, xin trân trọng gửi tới bạn đọc yêu quý”


THẾ RỒI…

TRIỆU LAM CHÂU

Một người nông dân ở Tiên Lãng, Hải Phòng
Chống lại lũ cường hào cướp đất
Tết đến, xuân về bị nhốt trong song sắt
Ngôi nhà cũ dịu lành bị tàn phá tan hoang

Bà con thương tình giúp vợ con anh
Dựng lên một túp lều nho nhỏ
Trên nền gạch vỡ
Nơi trú ngụ một niềm tin
Tưởng chừng cũng bị vỡ…

Căn lều nhỏ như trái tim
Phập phồng bên đầm
Chan chứa bao nỗi niềm
Của người dân cả nước
Một vệt nồng công lý cuối đại dương…

Thế rồi
Ngôi lều nhỏ trái tim bên đầm
Cũng bị lũ côn đồ ngang nhiên dập nát
Công lý cũng bị dồn tới chân tường…

Thế rồi
Liên hoan thơ Châu Á – Thái Bình Dương
Vụt sáng lên đúng dịp xuân chói ngời rạng rỡ
Trên mảnh đất Quảng Ninh văn hiến ngàn năm
Láng giềng của Hải Phòng

Bao vần thơ, tham luận vô song
Về Hợp tác – Hoà bình – Hữu nghị
Lồng lộng toả hào quang
Một góc trời Châu lục…

Thế rồi
Một Liên hoan thơ quốc tế
Không hề có một dòng
Về người nông dân hiền lành bị cướp đất
Bị nhốt trong song sắt
Ở Tiên Lãng, Hải Phòng…

Tuy Hoà, Phú Yên, chiều 25 – 2 – 2012
.



THƠ CON CÓC MINH OAN
CHO ÔNG BÍ THƯ THÀNH ỦY HẢI PHÒNG

NGUYỄN YÊN THẾ

Bài nói chuyện của Bí thư tỉnh ủy Hải Phòng tại CLB Bạch Đằng: “báo chí nói sai, ghép ảnh, có biểu hiện bôi nhọ, có bậc lão thành nói không chuẩn; ông Vươn xây nhà không trong quy hoạch, trốn nợ thuế, không có tý công tích gì…"( Theo Blog Cu Vinh)

Tôi không có lý do để dự cuộc gặp mặt của các cán bộ lão thành đất Hải Phòng
không được trực tiếp nghe những gì ông nói
điều mà clip quay lén được kia chắc cũng chỉ là "ghép ảnh"
( thời kỹ thuật số mà lị, ông có khoahọc kỹthuật làm hậu thuẫn hiệu nghiệm lắm )
rất có thể bị truy tội giả mạo hay làm lộ bí mật Quốc gia!
Nhưng thôi, chẳng cần tranh cãi về chuyện này
chuyện nhỏ như con thỏ
bởi nếu đúng là ông có nói như vậy
thì người nghe đã hiểu sai ý ông
không biết đọc ở đằng sau những gì ông muốn truyền đạt và dạy dỗ!
Một cán bộ chính trị cao cấp như ông
mỗi lời nói ra đều có thể trở thành khuôn vàng thước ngọc
và chứa đựng đằng sau chúng những thông điệp quý giá dành cho Nước cho Dân
tôi xin mạn phép ông giải mã những thông điệp ngầm sâu ấy
đặng giúp những người non nớt về chính trị như tôi có thể trưởng thành
trong cuộc đấu tranh vì quyền lợi của Dân của Nước...

***

Thưa các cụ các bác, trước hết, cần phải nện đạn AK hay nã pháo
chứ không phải đạn hoa cải hoa cà
vào miệng những kẻ to mồm, những kẻ mệnh danh nhà báo
dám phá hoại lòng tin thiêng liêng của cán bộ và dân chúng nhiều địa phương
với những người cầm cân nảy mực
trên mảnh đất Hoa phượng đỏ Anh hùng từng đi vào nhạc họa thơ ca
các vị thực láo xược
kẻ cả những vị nguyên là này nọ mà tôi lịch sự gọi là đồng chí cùng mỹ từ hóa: "nói không chuẩn"
đã dám bênh vực những kẻ dân đen con đỏ chỉ là những con tốt trên bàn cờ tiến lên chủ nghĩa xã hội tươi đẹp
và chĩa mũi dùi sắc nhọn vào những người có trách nhiệm thúc đẩy sản xuất và ngày đêm canh giữ vùng biển tiền tiêu...
thử hỏi:
nếu kẻ thù của chúng ta đang lăm le xâm phạm bờ cõi cùng chủ quyền biển biết được mâu thuẫn nội bộ đau xót này
sẽ nhảy cẫng lên ca bài "Vầng trời Đông" và "nỉ hảo, nỉ hảo"các đồng chí!
Tôi đang có ý định đặt ra những giải thưởng văn nghệ với số tiền thưởng mà nhiều văn nghệ sĩ vốn đói rách mằm mơ cũng không thấy
để trao cho những cho những tiếng hát chân thành ngợi ca-
không phải ngợi ca lãnh đạo- đừng có vội xuyên tạc
mà ngợi ca chiến công của những người dũng cảm lấn biển, chinh phục thiên nhiên
dĩ nhiên phải là những công dân gương mẫu
biết lắng nghe và biết thấu hiểu cho tâm tư cùng bao nỗi gian nan của những người lãnh đạo
trên sự nghiệp hoạn lộ chông gai được xây lên bằng mồ hôi xương máu của đồng chí đồng bào!
Những đồng chí thân thiết của tôi (và chúng tôi )
dù có chót gặm tí đất đai hoặc làm trệch pháp luật đi chút ít
tôi cũng phải tìm cách xuê xoa
biến to thành nhỏ
biến nhỏ thành không có gì
vì đó cũng là một cách ngầm tưởng thưởng
cho công sức "khuyển mã" bấy lâu phục vụ công quyền
Vậy mà những kẻ to mồm (xin lỗi các nhà báo "chân chính")
cứ châu châu vào làm tan hoang mọi sự
làm méo mó lòng tử tế của tôi!
Còn cái anh chàng Vươn tội nghiệp kia nữa
thực chẳng biết điều!
làm ăn được thì cũng phải biết nhìn lên, biết trông trước trông sau
ông cha ta dạy rồi: "Sởi lởi trời cho"
sao cứ chỉ biết cúi mặt cho biển, bám lưng cho trời
mà không nhìn thấy bao kẻ thèm thuồng rỏ rãi
bao kẻ ăn không ngồi rồi chực dây máu ăn phần
sao không biết quỵ lụy với các ông to trong xã trong huyện để kết bè kết cánh?
đã có mấy chữ "Đoàn kết là sức mạnh" làm bình phong còn mạnh hơn mọi đê bao của anh ta và hàng xóm!
Tôi nói: anh ta trốn nợ thuế, không có tý công tích gì, thì cần phải hiểu rằng:
tôi đang ngầm trách anh ta không biết cách ứng xử, nên phán xét như thế là còn quá nhẹ!
Âu cũng là một bài học đạo đức thời hiện đại
dù có lướt hàng trăm trang mạng cũng không thể nào học được cho ra hồn
nếu không thực tâm cúi đầu chiêm nghiệm !
Nhưng nếu anh ta biết xám hối
tự nhận tội lỗi- cả lỗi to lẫn lỗi nhỏ, cả lỗi quá khứ lẫn lỗi mới đây
với một thái độ thật thành khẩn
tôi sẽ chỉ thị cấp lại cho anh ta toàn bộ đất đai
bồi thường toàn bộ mất mát cả vật chất lẫn tinh thần
sẽ chỉ thị cho Tòa án gỡ bỏ ngay tội danh "Giết người thi hành công vụ"
và phong ngay cho anh ta là người Anh hùng
trong cái thời buổi than ôi rất hiếm Anh hùng!
tôi- thủ lĩnh tối cao của một tỉnh
xin thề trước linh hồn biển cả!
Nhưng than ôi!
ai có thể hiểu thấu cái tình thương tôi dành cho dân đen bất hạnh Đòan Văn Vươn?
ai có hiểu thấu tấm lòng trăn trở cho Dân cho Nước của tôi?

Nguyễn Yên Thế
.


MÙA XUÂN ĐÃ ĐẾN

VÀ NỖI ĐAU CÒN LẠI


Nguyễn Thị Hồng Ngát 

Mùa xuân đã đến 
Sao lòng không thấy hân hoan như mọi năm?
Sao lòng trĩu nặng làm vậy?
Con chim nhỏ lẻ loi vẫn về hót ở đầu hè như ngày nào
Sao lòng không thấy thanh thản để lắng nghe
Sao ngực mỗi ngày cứ dâng lên  đau tức
Nhà bên cạnh cãi nhau vì cô vợ bị anh chồng phản bội
Những lời lẽ ngọt ngào trong bức thư anh chồng gửi cho gái
Như ngàn mũi tên đâm vào trái tim cô
Cô bảo như vậy còn đau hơn cả khi cô nhìn thấy họ trần trụi
Không nỗi đau nào giống nỗi đau nào
Nhưng lại có chung một trái tim tan nát
Những nỗi đau riêng tư liệu có đau hơn nỗi đau của người
nông dân mất đất
Người nông dân lam làm  xưa - sao nay lại bỏ hết cả công việc
Lên ngồi kêu ở trước cửa quan...
Cơn dư chấn từ Tiên Lãng dóng lên một tiếng chuông bàng
hoàng
Khiến những người có lương tri không thể ngồi im được mãi...

Mùa xuân  đến vườn phải xanh cây trái
Sao nỡ phá tan  khiến vợ xa chồng
Khi người nông dân không còn đất gieo trồng
Họ biết lấy gì để ăn lấy gì để sống?
Điều tưởng giản đơn như hơi thở
Giản đơn như cuộc đời cần có yêu thương và chung thủy
Giản đơn như ngôi nhà sinh ra
Dù bé nhỏ nhưng đó là tổ ấm
Không ai được quyền phản bội lại nó
Đùa cợt với nó
Phá bỏ nó dù bằng bất cứ lý do nào
Đó là tội ác
Và sự trừng phạt
Sẽ không thể lường trước được

Không có hậu quả nào mà không có nguyên nhân
Mùa xuân nhẽ ra là rất đẹp nhưng lại buồn khôn xiết...

Cuối tháng 2-2012
.

Vài lời gửi một nhà thơ Hải Phòng trước khi tấu thơ hài: “Anh Thanh Tùng ơi, cùng sống ở Sài Gòn nhưng tôi dễ gì gặp được anh. Đã 2 năm tôi không đến cuộc “gặp gỡ cuối năm” nên cũng chẳng gặp được những nhà thơ nhà văn mình còn muốn “nhìn mặt”. “Thương” anh quá, và “thương” mọi người Hải Phòng trong những ngày tháng ê chề vì vụ Tiên Lãng này. Tôi chỉ học ở Hải Phòng có một năm lớp Bảy và tháng đầu của lớp Tám (1962-1963), lâu nay thấy Hải Phòng sang, Hải Phòng giàu, Hải Phòng “chỉ biết nghển đầu” nên không dám “bắt quàng làm họ”, nhưng nay, trong cơn “bão táp búa rìu” mà Hải Phòng đang hứng chịu, tôi lại muốn “nhận quê” để được “chia cay đắng” với anh. Anh Tùng ơi, “cái thời lắm quỷ nhiều ma/ thơ tình gác lại chuyển qua thơ hài”, nghĩ vậy nên tôi đã tập tọe học làm “thơ hài”, cho dù “thơ tình” học vẫn chưa đâu ra đâu, chỉ như “đánh cờ chưa sạch nước cản”. Anh đọc chơi mấy câu “vần vèo nôm na - thơ ca đ’… phải” này nhé, như một sự cảm thông của tôi với anh và những người Hải Phòng khác đang cư ngụ tại Sài Gòn. “Nói lái” theo kiểu phía Bắc là “phỏng hài”, phía nam là ”hỏng phài”, tôi “chơi kiểu Bắc” để tránh chữ HỎNG, dù thật ra nó đã HỎNG từ lâu rồi”


HẢI PHÒNG CHỐI PHĂNG:
KHÔNG PHẢI QUÊ TA “PHỎNG HÀI”



NGUYỄN THÁI SƠN


Con tôi lắm bạn nhiều bè

trường trên lớp dưới cặp kè với nhau

đứa vịn trước đứa ôm sau

bạn nghèo vẫn mến bạn giàu càng yêu

bồ bịch thuộc cỡ…hơi nhiều (kém xa bác Thanh Tùng và…bố)

chăm ngoan học giỏi

sớm chiều ríu ran…


Miệng mếu máo, mắt…chứa chan

bạn bè lảng tránh

                      - “tan đàn xẻ…trâu”
- tớ nào có tội gì đâu ?

- quê mày “Đuổi Chợ” “Rào Cầu” “Cấm Sông”,

(chợ Đuổi, cầu Rào, sông Cấm quê Thanh Tùng)

cỡ tuổi bác đáng bậc ông

mà thiếu nhân tính, vẫn không nên người !...


Vỗ về con, méo miệng cười:

“tao đây, mày tưởng hổ ngươi kém à ?

chỗ đông - cúi mặt lảng xa

chối phăng: không phải quê ta…Phỏng Hài !...


Thơ Nguyễn Thái Sơn

.

SÚNG HOA CẢI
VÀ NHỮNG VIÊN ĐẠN MỒ HÔI



THANH TÙNG


Những gì cần đến đã đến
Dẫu vài viên hoa cải không cản nổi nhiều bàn tay đập nhà, cướp cá


Từ tình yêu đất đai chân thật

Anh giương súng uy nghiêm

Không phải bắn ra đạn chì

Mà bắn ra những giọt mồ hôi nhọc nhằn chắt chiu bao năm tháng


Và cũng chính những viên đạn mồ hôi ấy

Đã phá tan nỗi sợ hãi của riêng tôi!

.
Viết cho Đoàn Văn Vươn, tháng 2-2012


Trang thơ này tải từ nguồn Lethieunhon.com