Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Đến với bài thơ Đêm ấy đêm này


Đến với bài thơ
Đêm ấy đêm này

.
Đêm ấy, đêm này
.
Đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng
Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn
Anh đến với em đêm thần tiên ấy
Trăng với đèn chuếnh choáng hơi men
.
Lê Trí Viễn
.
"Ta cách xa nhau một tiếng nấc, một thôi đường”(1) , chỉ "một tiếng nấc”, "một thôi đường” thế mà Đêm ấy, đêm này là một khoảng thời gian, không gian diệu vợi. Nhà giáo, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, giáo sư Lê Trí Viễn đã bắt đầu từ "đêm ấy”, "đêm Thúy Kiều sang nhà Kim Trọng” đến với "đêm này”, "anh đến với em”.
Có lẽ, đã là người Việt Nam không ai không biết Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du và không ai không nhớ đến mối tình của hai nhân vật Kim – Kiều "Người quốc sắc, kẻ thiên tài” có một không hai trong lịch sử văn học Việt Nam. Đêm Thúy Kiều "xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” để sang nhà Kim Trọng, Nguyễn Du đã dành cho đôi tình nhân "tình trong như đã, mặt ngoài còn e” này một không gian cảnh gặp gỡ thật lý tưởng:"Nhà lan thanh vắng một mình, / Gẫm cơ hội ngộ đã dành hôm nay”. Bằng một trái tim thương cảm và trân trọng, "Nguyễn Du tắt bớt trăng và vặn thấp ngọn đèn”. Người đã rất khéo điều tiết ánh trăng và ngọn đèn để tạo ra một không gian huyền ảo hư thực: "Nhặt thưa, gương giọi bóng cành, / Ngọn đèn trông lọt trướng huỳnh hắt hiu”.Và Thúy Kiều đã không bỏ lỡ cơ hội để "Xắn tay mở khóa Động Đào, / Rẽ mây trông tỏ lối vào thiên thai”. Dẫu "ngày vui ngắn chẳng tày gang”, thế nhưng Kim - Kiều đã kịp "tạc một chữ "đồng” đến xương” và hơn thế nữa còn tạo nên một "sóng tình” chuếnh choáng.
Đêm ấy thì đã rõ, chúng ta có thể xác định được thời gian không gian, nhân chứng vật chứng. Còn đêm này là khoảng thời gian không gian nào? Anh là ai? Em là ai? Không xác định! Chỉ biết là "anh đến với em đêm thần tiên ấy”. Người thơ không hé lộ điều gì nhưng ta biết đó là một đêm đẹp lắm, lung linh lắm, huyền ảo lắm. Đó là một đêm thần tiên!
Nếu đêm của Kim - Kiều, trăng và đèn chỉ là vật chứng cho hai trái tim yêu thổn thức, bùng cháy yêu thương thì đêm "anh đến với em” trăng và đèn lại được nhà thơ Lê Trí Viễn hình tượng hóa thành những nhân vật trữ tình "Trăng với đèn chuếnh choáng hơi men”. Với cách ẩn mình như thế, nhà thơ dễ dàng bộc lộ cảm xúc ngây say của tình yêu đôi lứa. Cảm giác chuếnh choáng của trăng với đèn làm ta liên tưởng đến trạng thái tình cảm "Sóng tình dường đã xiêu xiêu” của hai nhân vật Kim – Kiều. Thế mới biết, men tình muôn thuở vẫn làm ta say đắm.
Nghĩ cũng lạ, chỉ với bốn dòng thơ mà có đến ba cặp đôi: Thúy Kiều - Kim Trọng, anh - em, trăng - đèn. Tất cả được gắn kết với nhau nhờ diệu pháp của thi nhân phủ mờ đường tình. Chính nhờ tấm lòng ưu ái đó mà Thúy Kiều có thể vượt qua những khắt khe của lễ giáo phong kiến để đến với "đêm thần tiên ấy”; anh với em và trăng với đèn - hai đối tượng hóa thân (hay chính nó) - cũng ngấm men tình ngây say chuếnh choáng. Hơn thế nữa, người thơ còn làm mờ nhòe ranh giới giữa "đêm ấy”, "đêm này” để chỉ còn lại một không gian nghệ thuật "thần tiên” của tình yêu với vẻ đẹp vĩnh hằng, bất biến.
Có thể nói, nếu không đem lòng "đọc Nguyễn Du”(*) thì làm sao nhà thơ Lê Trí Viễn có thể viết được những câu thơ giàu giá trị nhân văn đến thế. Và nếu không có trái tim "lửa đỏ” thì đã chắc gì nhà thơ cởi bỏ được niêm luật của một bài tứ tuyệt để câu chữ trong thơ ông tự do nổi sóng.
Nhà thơ Lê Trí Viễn thường tạo được ấn tượng trong lòng người đọc bằng những vần thơ chân mộc, chắt lọc và lắng đọng. Thế nhưng nhà thơ không thiếu những câu thơ tài hoa và Đêm ấy, đêm này là một bài thơ như thế.
Vẫn biết, giáo sư Lê Trí Viễn rất tinh tế và sắc sảo trong việc bình văn song với lòng ngưỡng mộ tôi vẫn muốn viết đôi dòng cảm nhận về một bài thơ của ông để tiễn biệt một con người, một tấm gương về học tập, lao động, nghiên cứu và sáng tạo.
.
Nguyễn Mậu Hùng Kiệt
(*) Câu thơ và ý thơ của Chế Lan Viên trong bài "Đọc Kiều”

Lê Bá Duy đọc chọn/ Bài gửi qua eMailNNB vi tính giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét