Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Thơ CẢNH GIANG

Thơ
CẢNH GIANG


Trinh nữ Trường Sơn

Em vẫn là bông hoa trinh nữ
Hương bay bay khắp núi khắp rừng
Nươc suối gội đầu róc rách rưng rưng
Tiếng gọi Mẹ vọng vào vách đá

Anh đi tìm em hỏi cây hỏi lá
Con đường xưa hun hút Trường Sơn
Bom đạn xới đào dốc núi chon von
Thành Đại lộ Hồ Chí Minh huyền thoại

Các em gái Trường Sơn xanh mãi
Tuổi 20 vành vạnh trăng tròn
Hoa trắng trong lồng lộng những linh hồn
Rạo rực tình yêu trong lòng đất mẹ

Xin nhẹ bước cho thời gian lặng lẽ
Ru em tôi giấc ngủ ngon lành
Thành gió thành mây thăm thẳm trời xanh
Cho mỗi chúng ta nhói lòng nỗi nhớ!

Để mỗi ai cũng nhớ mình mang nợ
Những linh hồn  vương vấn Trường Sơn
Soi lại mình càng thấy yêu hơn
Trinh nữ ngát hương con đường một thưở


KẾT NGHĨA VỚI NGƯỜI DƯỚI MỘ

Thương tặng liệt sĩ Đặng Thị Chốc
 Bí thư chi bộ, Đại đội trưởng TNXP đoàn 283 Hải Hưng

Em bây giờ :- “  Là em gái của Anh  ! ”
Dẫu muộn màng nhưng phần đời còn lại
Một chút sẻ chia những gì mãi mãi
Gửi  ân tình đỡ lạnh chốn âm cung …

Mới biết em cô gái  Hải Hưng
Tạm biệt quê hương lên đường cứu nước
Em nằm lại với quê Anh hơn 30 năm trước !
Cùng trăm ngôi mộ vô danh .

Ôi ! bạo tàn ngọn lửa chiến tranh
Thiêu cháy tuổi xuân một thời con gái
Em hẹn Mẹ : “- Không ngày trở lại
Ngày giỗ  Con là ngày Con ra đi …!”

Em hoá thân vào đất nước khắc ghi
Em hoá thân cho mùa xuân mãi mãi
Cho  quê Anh ngọt ngào hoa trái
Rì rào sông Gianh ru em ngủ giấc lành …

Không còn người thân ! “ Em đã có Anh !
Có Tổ quốc và trời xanh trên nấm mộ
Anh thay Mẹ  lo  Em ngày giỗ !
Có hương , hoa, và nỗi nhớ vô cùng …!”

Và từ nay giữa nghĩa trang chung
Trong  tình yêu  cho muôn ngàn ngôi mộ
Ấm lòng hơn , “ Anh trai mình đến đó !
Nặng nghĩa tình cùng sông núi GHI ƠN .

5/9/2009

Ngày 13/01/1973 Đế quốc Mỹ ném bom sát  hại 156 TNXP, bộ đội, công nhân  tại thôn Quyết Thắng , Thanh Trạch , Bố Trạch Quảng Bình.( Tất cả các liệt sĩ đều chung mộ vô danh )
Ngày 28/3/1972 chia tay Mẹ lên đường , Em dặn Mẹ , ngày này là ngày giỗ của con .Sau khi bài thơ được đăng trên các báo: Gia đình cô Đặng Thị Chốc, ở thôn Cổ Dũng, huyện Kim Thành, Hải Dương; Vô cùng phấn khởi, đã làm thủ tục đưa hài cốt về quê, ngày 30/10/2009, sau 36 năm  gia đình tưởng là mộ vô danh.


ĐỘNG THIÊN ĐƯỜNG

Anh đã đến bao nhiêu hang động
Những kỳ quan huyền ảo thiên nhiên
Từ lòng Mẹ ngàn năm tích tụ
Để bây giờ thăm thẵm hang Tiên.

Như hoa thơm trãi khắp mọi miền
Mà Thiên Đường đóa hoa trần thế
Để cho ai bồi hồi giọt lệ ?
Tí tách thời gian thạch nhũ hóa trong lòng.

Ở ngoài kia nắng gió,  bão giông
Giữa lòng em một miền yên ả
Em mượt mà, đắm say từng nhũ đá
Măng nhú lên -  thân thể trắng ngần.

Thiên Đường ơi! Vương vấn muôn lần
Ai vén màn the cho vòm hang mát lạnh ?
Nơi chốn bồng lai ngọt ngào Tiên cảnh
Nồng nàn,  ngất ngây,  đằm thắm hết mình.

Nơi giao hòa non nước lung linh
Ai khám phá suối ngầm trầm tích ?
Từng giọt trắng trong,  mân mê da thịt
Chảy vào lòng  khát bỏng làn môi.

Mai ta về thành phố xa xôi
Ước được  mang theo một trời hoang giả
Ước được  mang theo tình yêu nhũ đá
Ngọc ngà lung linh, lộng lẫy Thiên Đường.26/5 Nhâm Thìn (13/7/2012

Thơ Cảnh Giang/ Ngô Minh đọc chọn
nnb vi tính giới thiệu


Nguyễn Anh Tuấn bình ba bài thơ về mẹ của Nguyễn Nguyên Bảy

Mẹ Việt Nam anh hùng có 9 người con liệt sĩ đã từ trần

Copy từ Hoangxuanhoa.blogspot.com

Trưa hôm qua, HXH, Lý Viễn Giao, Trần Vân Hạc, Nguyễn Anh Tuấn cùng Bích Ngọc ngồi nói chuyện với nhau về chùm thơ mới nhất của thày phong thuỷ Nguyễn Nguyên Bày khi gửi cho bạn bè; cứ người nào có trang web hoặc blog đều post lên trang. Kèm theo những giới thiệu ngắn của tb nhưng đọc rất xúc động, lay đến tận cùng cảm xúc.
Chiều tối nay, đi tập thể dục về, mở máy đã thấy Nguyễn Anh Tuấn gửi emai cho một bài bình khá dài. Anh Tuấn "giải trình" cặn kẽ từng bài những điều nếu đọc qua chưa cảm ra thấy. Thôi thì dài dòng vặn tự cũng đến vậy. Xin mời bạn bè, văn bản có đấy tiếp cận lấy để cùng nhau thành kính hướng lòng về tình mẹ. Mẹ Việt Nam vinh quang.
Xin cảm ơn Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Nguyên Bẩy và mọi người...
.    
Người Mẹ
trong hoài niệm của một người con.

 ( Đọc ba bài thơ viết về Mẹ của Nguyễn Nguyên Bảy)
.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy có ba bài thơ liên hoàn viết về người Mẹ đã khuất của anh.
Nếu như trong "Thơ NNB I", nhà thơ đã dựng được tượng đài tinh thần kỳ vĩ về người cha của mình qua trường ca "Sông Cái mỉm cười", thì trong "Thơ NNB II" này, với ba bài thơ ngắn về mẹ, anh làm thế nào để hình tượng mẹ tương xứng với hoài niệm của chính anh?
Ta hãy đi vào từng bài.

.
1. Phật Hát
Yếm thắm không bỏ bùa sư
Mà sư cứ đòi xoa yếm thắm
Mẹ bảo này trọc đầu
Trong ngực tôi có Phật
Trọc đầu có sợ ố cà sa ?
 

Giữa chợ lực điền yếm thắm gặp cha
Cha thẳng đường cày cầu xin yếm thắm
Mẹ bảo trong ngực tôi có Phật
Nếu ngực Phật anh thuận lòng
Thì yếm thắm này thuyền xin theo sông
 

Tôi ấp môi son vú mẹ
Lè phè nằm nghe Phật hát
Phật hát lời cò trắng muốt
Trắng muốt vì cò không phải là công
Phật hát lời cua đi ngang
Dẫu đi ngang cua vẫn chẳng lạc đường…


Suốt tuổi thơ tôi bú lời Phật hát
Quay sa mẹ hát lụa tơ
Ra đồng mẹ hát nắng mưa thuận hòa 
Lời trăng thủ thỉ vai cha
Cỏ hoa mẹ hái bao la dành riêng con
Mẹ nhấn véo von
Lòng buồn cũng chớ nhuộm buồn cỏ hoa
 

Ngày tôi phải rời xa yếm thắm
Mẹ bảo từ nay trong ngực con có Phật
Con thưa trong ngực con có mẹ
Mẹ khóc nhòe và ngực tôi bỗng hát
Lời mẹ hát cò lời mẹ hát cua
Ngực con đầy tiếng mẹ ru…

Chúng ta chưa thấy ai nói "Phật hát" bao giờ cả, và từ cái đầu đề khiến không ít người lạ lẫm này, diễn đạt của nhà thơ suốt toàn bài lại là cách nghĩ cách cảm dân gian khiến người đọc dễ dàng đồng cảm với triết lý thâm trầm mà tác giả gửi gắm.
Vào bài, những câu thơ gợi nhớ đến ca dao cổ (Mấy cô yếm thắm bỏ bùa cho sư/ Sư về sư ốm tương tư) và cái không khí đậm cổ tích thế sự (Những chàng trai lực điền của Cây tre trăm đốt, Lang Liêu, Thạch Sanh...) Trong thế giới đó, Phật không phải là một khái niệm triết lý cao xa, hoặc một hình ảnh xa lạ, mà gắn với, hòa quyện với đời thường dân dã. Người mẹ của đồng quê Việt ngàn đời đã coi Phật ở tâm mình (trong ngực tôi có Phật); họ là những Phật tử (vãi) thành tâm với những tín điều đẹp đẽ do Phật đường dưới lũy tre đem lại - đó là sự mong mỏi yên bình, mối từ tâm, lòng bác ái, tính ngay thẳng... Và "Sông Cái mỉm cười" trước lời hò hẹn tình tứ nơi bến sông của những Phật tử thuần thành:
Nếu ngực Phật anh thuận lòng
Thì yếm thắm này thuyền xin theo sông
Cuộc đời bình dị và ấm cúng nơi thôn dã diễn ra trong những lời mẹ ru mà người thơ đã hình tượng hóa (và lạ hóa) thành lời "Phật hát"; và thêm một lần nữa NNB trở lại với "Cánh cò trắng muốt" từng che rợp đắm đuối hồn thơ anh; có điều ở đây là "Phật hát lời cò", cũng nao lòng, cũng tồi tội đáng yêu, không khoe mẽ làm duyên làm dáng mà nhập với phận người lam lũ, và được cảm nhận qua tâm hồn trẻ thơ: "Trắng muốt vì cò không phải là công" - hơn thế, qua sự đánh giá của đạo lý người lao động cả ngàn đời: "Phật hát lời cua đi ngang / Dẫu đi ngang cua vẫn chẳng lạc đường…"
Dường như sau khi đã giải thích cho người đọc hiểu lời Phật hát là gì và cội nguồn sâu xa của lời Phật hát, người thơ đã cho chính Phật hát bằng một đoạn thơ lục bát ngọt ngào nói về cuộc đời gian lao song kiêu hãnh của mẹ, về tâm hồn tinh tế dịu hiền mà bao la thánh thiện của mẹ:
Quay sa mẹ hát lụa tơ
Ra đồng mẹ hát nắng mưa thuận hòa 
Lời trăng thủ thỉ vai cha
Cỏ hoa mẹ hái bao la dành riêng con
Mẹ nhấn véo von
Lòng buồn cũng chớ nhuộm buồn cỏ hoa
Rồi sau cùng, có lẽ chính nhà thơ cũng không ngờ bản thân mình sẽ là người thay Phật để hát về sự "ngộ" ra của một đời người - kể từ khi rời xa lồng ngực Phật của mẹ và từng cố gắng giữ gìn những gì mà mẹ trao gửi qua lời Phật hát :
Ngày tôi phải rời xa yếm thắm
Mẹ bảo từ nay trong ngực con có Phật
Con thưa trong ngực con có mẹ
Mẹ khóc nhòe và ngực tôi bỗng hát
Lời mẹ hát cò lời mẹ hát cua
Ngực con đầy tiếng mẹ ru...
Câu thơ cuối cô đọng lại mối quan hệ nhân quả Phật giáo của số phận quấn quýt tình nghĩa Mẹ - Con thiêng liêng, trong một hình thức ngôn từ biểu tượng nhưng lại đầy trực cảm, và tựa một tiếng khóc nghẹn ngào cố nén lại: "Ngực con đầy tiếng mẹ ru"Và nếu đọc liền ngay bài thơ sau, chúng ta chợt nhận thấy: Phật hát, hay Mẹ khóc thực ra cũng chỉ là một mà thôi.
 
2. Mẹ Khóc
Mỗi khi con thấy mẹ ngồi bệt xuống hè
Tay cầm cây quạt nan
Là con biết mẹ đang đè buồn nuốt giận
Khóc ở trong lòng
Khóc trong lòng nước mắt chảy đi đâu?

Cầu cho nước mắt chảy vào gan vào ruột
Để nước mắt trôi ra ngoài
Nhưng nước mắt không chảy vào gan ruột
Mà chảy vào tim rồi hòa vào máu
Chẳng bao giờ con có thể lau
Những lúc ấy con qùy trước mẹ
Hai tay dụi gọi Mẹ ơi!


Trên trời tất nhiên có Giời
Nhưng sao Giời nỡ bất công
Để con càng lớn càng cao mẹ càng già càng thấp
Ôm con mặt mẹ úp ngang vai
Mẹ bảo mẹ khóc mừng khóc phúc
Mừng phúc mẹ khóc như mưa
Phùn xuân rào hạ
Mầu khóc hồng son
Con tắm trong khóc mẹ ngập hồn
Tinh chất khóc ngấm vào da vào thịt
Con không chùi không lau
Con không trả khóc về mắt mẹ…

Con biết ở cõi trời
Mẹ muốn khóc cũng không thể khóc
Vì thế ở cõi người
Ngày ngày con đem tiếng khóc mẹ ra phơi
Lạy trời đừng phạt mẹ tôi
Tội đón nước mắt con bay ngược về mắt mẹ
Để mẹ lại được khóc
Âm dương cũng đạo làm người
 
Trong bài thơ này, khi hồi tưởng, người thơ bung ra tất cả những cảm xúc trực tiếp về mẹ. Đầu tiên là sự thấu hiểu đến tận cùng những nỗi đau "chảy vào tim rồi hòa vào máu" của mẹ mà "Chẳng bao giờ con có thể lau". Những nỗi bất công mẹ phải chịu trong cõi đời này đâu phải chỉ là "Giời nỡ bất công / Để con càng lớn càng cao mẹ càng già càng thấp"! Và trái tim người thơ tưởng rạn vỡ mỗi khi mẹ khóc- kể cả việc "mẹ khóc mừng khóc phúc". Nhớ lại mỗi khi mẹ khóc, sự nhập thân của người thơ vào nỗi đau của mẹ đến độ khiến người đọc phải bàng hoàng:
Con tắm trong khóc mẹ ngập hồn
Tinh chất khóc ngấm vào da vào thịt
Nhưng trong nỗi đau đã hóa thành "Tinh chất khóc ngấm vào da vào thịt"đó, người thơ vẫn gắng tách ra khỏi tâm trạng riêng trĩu nặng để lý giải một cách nghệ thuật nhất, thơ nhất về nước mắt của mẹ cũng như đạo lý ứng xử của một người con chí hiếu:
Con biết ở cõi trời
Mẹ muốn khóc cũng không thể khóc
Vì thế ở cõi người
Ngày ngày con đem tiếng khóc mẹ ra phơi
Lạy trời đừng phạt mẹ tôi
Tội đón nước mắt con bay ngược về mắt mẹ
"Đem tiếng khóc mẹ ra phơi"! Một hành động thực chẳng bình thường, một cách diễn đạt thật kỳ lạ, nhưng bởi có "Tinh chất khóc ngấm vào da vào thịt" kia làm nền, câu thơ càng cắm sâu trong tâm trí người đọc, và hành động lạy trời tha cho mẹ cái "Tội đón nước mắt con bay ngược về mắt mẹ" khiến chúng ta vừa thán phục một câu thơ độc đáo đậm siêu thực vừa chảy nước mắt vì thương cảm! Và cuối cùng người thơ trở lại "cõi người" trong thực tại, rút ra kết luận giản dị nhưng lại mang sức nặng chiêm nghiệm của triết lý Á Đông - Việt :
Để mẹ lại được khóc
Âm dương cũng đạo làm người."
Cũng trong mạch Âm Dương Ngũ Hành đó của vạn vật và của thân phận Mẹ, nhà thơ lại đưa chúng ta vào mùa Tứ Quí ( tức là 18 ngày cuối của các tháng Ba, Sáu, Chín, Chạp là 72 ngày, thuộc hành thổ - theo giải thích của chính tác giả vốn là một nhà phong thủy học) - góp phần hoàn chỉnh thêm chân dung Mẹ hằng sống động trong tâm tưởng và lòng biết ơn sâu nặng của anh:


3. Mùa Tứ Quí 
Mười tám ngày tháng Ba
Mẹ cãi dân văn không chịu trông vào
Mẹ gọi rét Bân về cho cha mặc áo
Áo Bân dệt với mưa phùn
Cha mặc vừa in bảo ấm

Mười tám ngày tháng Sáu
Mẹ tần đồng xa mẹ tảo đồng gần
Tép cà gia bản
Cơm ngô khoai độn với sum vầy
No cười như mưa bóng mây
 
Mười tám ngày tháng Chín
Mẹ theo hịch dân văn trông ra
Váy phùng đòn gánh yếm tơ
Cùng dân làng mẹ đi đón mùa thu
Hớn hở mùa thu chào mẹ

Mười tám ngày tháng Chạp
Mẹ đồ xôi đóng oản
Mẹ nấu chè kho
Mẹ bảo khổ thế nào cũng phải vui ba ngày tết
Rước tổ tông về
   
Vì thế, và thế
Càn Khôn đón mẹ tôi về mùa tứ quí

Mùa tứ quí có suốt quanh năm
Chả thế tôi làm sao thành một lực điền
Cầy cuốc quanh năm không mỏi mệt
Chả thế làm sao tôi yêu em
Yêu lâu thế mà sông tình vẫn đẹp
Chả thế tôi làm sao nuôi dậy các con
Nếp tẻ đều thành người tử tế
Lạy Càn Khôn, tôi nguyện sống tu thân theo mẹ
Sau trăm tuổi xin cho tôi về làm mùa phú quí
Để tôi hầu hạ mẹ tôi…

Từ một câu nói của dân gian: "Đói tháng Tám trông ra, đói tháng Ba trông vào", nhà thơ dẫn người đọc qua các mùa của Tứ quý trong Xuân, Hạ, Thu , Đông- cũng là khái quát cả một vòng tuần hoàn của thân phận Mẹ giữa số phận dân tộc. Những hình ảnh gần gũi thân quen biết bao đối với người dân Việt trong nhiều thế kỷ được kể lại bằng lời lẽ của dân dã đời thường song lại có sức gợi rất lớn, bởi đặt trong tâm thế hồi ức ngập tràn ánh hào quang và âm hưởng dịu dàng về mẹ:
...Áo Bân dệt với mưa phùn
...Mẹ tần đồng xa mẹ tảo đồng gần
...Tép cà gia bản
   Cơm ngô khoai độn với sum vầy
...Váy phùng đòn gánh yếm tơ
...Mẹ đồ xôi đóng oản
   Mẹ nấu chè kho...Người Việt hôm nay ở bất cứ phương trời nào trên trái đất, ai mà chẳng lặng người xúc động trước lời căn dặn của người mẹ bên hương khói nhớ tổ tiên chiều cuối năm:
Mẹ bảo khổ thế nào cũng phải vui ba ngày tết
Rước tổ tông về  
Hành động tâm linh thân thuộc này sẽ là nguyên nhân, đồng thời là sự tiếp nối của một hiện thực lớn lao khi người mẹ về với tổ tiên, với thăm thẳm Đất Trời- nơi mà khi còn ở dương gian, mẹ hằng mơ ước:
Vì thế, và thế
Càn Khôn đón mẹ tôi về mùa tứ quí
Tôi nghĩ, nhà thơ mượn Mùa tứ quý để nói về cái khát khao của người Việt ta ngàn đời nay về "trời yên bể lặng", về "chân cứng đá mềm" để được sống trong "hớn hở mùa thu", và "hớn hở" suốt các tháng ngày dù còn lam lũ, khổ ải, rình rập bao hiểm họa từ thiên tai và từ chính con người... Khi mơ ước chưa thành hiện thực, thì nhà thơ, nương nhờ trong thế giới tình thương vô tận của mẹ đã hình dung ra : "Mùa tứ quí có suốt quanh năm"...
Người con lực điềnMùa tứ quý này nối tiếp người cha trai cày trong Phật hát, cùng các hình ảnh của một hệ thống thi liệu thống nhất ở cả ba bài thơ về Mẹ, được đặt trong trường cảm xúc mạnh mẽ của nhà thơ khi viết về quá khứ cho ta cảm tưởng: nhà thơ dù có đi suốt đời cũng không qua hết vòm trời của Kinh thành cổ tích...Nhưng đó lại là điều may mắn của nhà thơ, và cũng là điều may mắn của người đọc hôm nay - nhất là những người đọc trẻ tuổi, được tiếp nhận một bài học về đạo lý ông cha về nghĩa tình, về nuôi dạy con cái... một cách mộc mạc giản dị mà cũng đầy sức lay động:
Mùa tứ quí có suốt quanh năm
Chả thế tôi làm sao thành một lực điền
Cầy cuốc quanh năm không mỏi mệt
Chả thế làm sao tôi yêu em
Yêu lâu thế mà sông tình vẫn đẹp
Chả thế tôi làm sao nuôi dậy các con
Nếp tẻ đều thành người tử tế Nếu ở bài thơ trên, nhà thơ lạy trời đừng phạt người mẹ vì đã quá yêu con mà phá đi cái quy luật đời thường "nước mắt chảy xuôi", thì đến đoạn kết bài thơ này, anh lấy cả Trời - Đất ( Càn Khôn) làm chứng giám cho mình khi nguyện ước- và có lời nguyện ước nào thiêng liêng hơn, giàu ý nghĩa hơn, và cảm động hơn thế này:
Lạy Càn Khôn, tôi nguyện sống tu thân theo mẹ
Sau trăm tuổi xin cho tôi về làm mùa phú quí
Để tôi hầu hạ mẹ tôi…
Mùa tứ quý vừa là sản phẩm của tâm hồn mẹ, vừa là phần thưởng xứng đáng cho mẹ trong cõi đời này, vừa là cái đích mà người con vươn tới và mong hóa thân vào nó- trước hết là dành cho mẹ nơi vĩnh cửu- cũng có nghĩa là cho cả thế gian... Sự chuyển hóa của những phạm trù đời sống, của những quy luật phong thủy biến ảo được soi rọi bằng tầng cảm xúc sâu đằm và trí tưởng tượng đột phá của một thi sĩ trong bài thơ này đã vô tình liên kết tận trong chiều sâu với hàng loạt bài thơ khác của NNB - mà trước hết, gần nhất là với hai bài Phật hátMẹ khóc. Thử hỏi, trong tất cả những người đang đọc thơ NNB đây, ai không từng mơ một Mùa Tứ quý trong mình? Tuy mỗi người có một cách khác nhau để đến với Mùa Tứ quý đó, nhưng có một điểm chung là sự gắn bó với Mẹ - rộng hơn là với Đất Mẹ, Hoàng Thổ. Vấn đề là, nếu ai biết cách, hơn thế - chân thành thủy chung với Đất Mẹ, như thần Ăng- tê của thần thoại Phương Tây gắn với Đất Mẹ, thì sẽ có cơ đạt tới mục tiêu sớm nhất, và chắc chắn nhất... Tới bài thơ Mùa Tứ quý, Mẹ đã hoàn toàn trở thành Phật, và tiếp tục hát những bài ca cổ vũ sự sống cùng những vẻ đẹp cần nâng niu gìn giữ ở thế gian...
Trộm nghĩ: trong thơ ca xưa nay, thật hiếm có những bài thơ nào viết về Mẹ một cách vừa biến ảo khôn lường vừa chân cảm đến ứa lệ như ba bài thơ này.

Nguyễn Anh Tuấn
Copy từ Hoangxuanhoa.blogspot.com


Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2012

Thơ BÀNG BÁ LÂN


Thơ BÀNG BÁ LÂN

TRĂNG QUÊ
Trời cao, mây bạc, trăng tròn,
Đê than hiu quạnh, tre buồn nỉ non.
Diều ai gọi gió véo von,
Cảnh xoan đùa ánh trăng xuông dịu dàng…
Hỡi cô tát nước bên đàng!
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?

Thứ Tư, 26 tháng 9, 2012

Hoangxuanhoa.blogspot.com: Ra mắt..


Tin về buổi ra mắt sách THƠ BẠN THƠ tại Hà Nội

 Hoàng Xuân Họa

Giữa không gian sách và sách của thư viện Café Đông Tây, nhà N11A, Trần Quý Kiên, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Vào lúc 15h, ngày 25 tháng 9 năm 2012. Đôi vợ chồng thơ Nguyễn Nguyên Bảy & Lý Phương Liên từ thành phố HCM đã mang ra hai tập sách THƠ BẠN THƠ, quyển 1 do chính hai thi sĩ biên tập, tuyển chọn, nhà xuất bản Văn Học ấn hành tháng 8 – 2012, gồm 65 tác giả trên toàn quốc.
Phần A: Là 99 câu thơ chọn từ 99 bài thơ của 99 tác giả cổ đại, cận đại, hiện đại từ nền thơ Việt.
Phần B: Là thơ của 10 tác giả đã mất: Hoài Anh, Trần Hòa Bình, Nguyễn Trọng Định, Bùi Giáng, Hải Kỳ, Nguyễn Lâm, Lưu Trọng Lư, Dương Kiều Minh, Tường Vân, Lê Trí Viễn.
Phần C: Là thơ của 55 tác giả đương thời, gồm các nhà thơ đã thành danh và nhiều người chưa thành danh.
Sách thơ thứ hai: 99 Khúc Tặng Liên của Nguyễn Nguyên Bảy, do Lý Phương Liên tuyển chọn, nhà xuất bản Văn học ấn hành cùng tháng 8 năm 2012.
99 Khúc Tặng Liên là 99 khúc vui ca thơ và nước mắt trong đó; vui có, buồn có của một đời người, cũng là hạnh phúc và sự thủy chung. Kẻ đưa những dòng tin này, đã bắt chước người xưa ép 99 Khúc Tặng Liên nơi hai bàn tay, xin với Quốc Tổ nền thơ Việt (Lục Bát) được mở bài bất kỳ. Quốc Tổ cho trang 104, với bài (không phải Lục Bát. Nhưng là):
.
Đoạn sống
Mất việc

.
Bạn cho mượn chiếc máy may
Cấp vốn một chỉ vàng
Vợ te te đi mua vải
Chồng thành thợ may hiên ngang
.
Áo trẻ em hàng Vi ni lông đen
Chồng cắt may theo mẫu bìa hàng loạt
Vợ chào bán ngọt ngào như hát
Tôm tươi dọc phố Hàng Đào
.
Niềm vui nửa tháng tiêu dao
Vi ni lông đen đã đen ngòm phố xá
Đầu hôm vợ ôm đi một giỏ
Khuya cõng về một giỏ ế sưng
.
Chồng kiên gan sáng tạo không ngừng
Lót bao tải áo trần hình quả trám
Rồi trần mũ tai bèo quân giải phóng
Rồi trần áo gió trần chăn
.
Thương vợ mòn chân đi ký gửi hàng
Học Tú Xương ơn ca cò lặn lội
Người có lúc biết đâu ngày mai hỡi
Khúc sông này bát ngát một tình ca
.
Chở máy khâu trả bạn cười xoà
Vàng hẹn sẽ có ngày trả đủ
Vợ ôm con nhìn chồng cười nắc nẻ
Trên trời máy bay Mỹ đã bay xa
(Trang 104 – 99 Khúc Tặng Liên)
.
 Tới dự có các nhà nghiên cứu văn học, nhà văn, nhà thơ: Lê Hoài Nguyên, Trần Nhương, Nguyễn Hiếu, Y Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Việt Hằng, Lê Minh Khuê, Văn Giá, Chu Văn Sơn… đặc biệt còn có các bạn thơ ở xa như Nguyên Văn Hòa (tỉnh Phú Yên), Đinh Văn Y, Nguyễn Thế Thược (tỉnh Bắc Ninh), Chu Thị Linh Quang (Thị trấn Sơn Tây – HN), Nguyễn Đăng Hành (Văn Giang – Hưng Yên) không quản ngại đường xa, cùng về dự buổi ra mắt sách THƠ BẠN THƠ cùng nhiều người yêu thơ, bạn thơ khác. Do nhà văn Lê Hoài Nguyên (Dương Phương Toại) dẫn chương trình. Buổi ra mắt sách THƠ BẠN THƠ hôm nay không có chuyện bán và mua THƠ!
 
Sau đây là một số hình ảnh về buổi sách THƠ BẠN THƠ và 99 KHÚC TẶNG LIÊN chào bạn thơ Hà Nội.

.
Free Image Hosting at www.ImageShack.us
Nhà văn Lê Hoài Nguyên giới thiệu những người đến dự
.
Free Image Hosting at www.ImageShack.us
Đôi vợ chồng thơ Nguyễn Nguyên Bảy & Lý Phương Liên nhận hoa của bạn thơ tặng
.
Free Image Hosting at www.ImageShack.us
Nữ sĩ Lý Phương Liên trả lời phỏng vấn của phóng viên
.
Free Image Hosting at www.ImageShack.us
Nhà thơ Trần Nhương đọc thơ chúc mừng
.
Free Image Hosting at www.ImageShack.us
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và nhà thơ Hoàng Việt Hằng (hai người cùng áo đen)
.
Free Image Hosting at www.ImageShack.us
Thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy ký tặng sách bạn thơ
.
Free Image Hosting at www.ImageShack.us
Một bạn thơ trẻ nhận sách tặng
.
Free Image Hosting at www.ImageShack.us

Nhà nghiên cứu văn học Chu Văn Sơn, thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy, Nhà phê bình văn học Văn Giá và Nguyễn Thế Thược
.
Tin Hải Xuân – ảnh Vân Hạc

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Thơ TRÚC THÔNG


Thơ
TRÚC THÔNG


ĐỨNG Ở CHỢ SÔNG

Ai đi lâu lắc tận đẩu tận đâu
|bến vẫn bèo xưa trôi xuôi sông Châu
quán chợ quê hương gạch tường long đỏ
còng cây đa đứng vẫn như thuở nào

mẹ tôi đội thúng đậy mảnh vỉ buồm
đường hè chân rát đường đông bấm bùn
tôi rắc tuổi thơ loanh quanh phố chợ
chút tình thơ dại bây giờ tôi buôn

bán cho vợ con lần đầu thăm quê
bán gởi cho ai xa nước chưa về
bán cho chị tôi thuở hai mươi ấy
cùng những linh hồn lơ lửng trên quê...


LÁT SÔNG QUÊ

Bến từng quãng, những đứa trẻ nghịch bơi tung tóe nước. Như mình vậy chiều hè bao năm trước.

tôi đang dọc sông quê tha thẩn. Bỗng từ ngõ sâu hiện dần ra mái tóc bạc. Một bà cụ lưng còng gần rạp đất

có phải bà từng hai tay hai lọ nước, bến sông lên từng bậc... Vẫn bà ư ngày xưa ấy về đây?

bên kia sông đã vợi nắng chiều. In thẫm hai gác chuông nhà thờ làng Móng. Nhịp chuông vọng qua sông theo bóng chiều đổ gấp

cậu-bé-tuổi-thơ-xưa tim hơi loạn nhịp. Mẹ ơi đi lâu thế, sắp tối rồi sao mẹ vẫn chưa về...

muốn sang đò ngang, ra giữa dòng, ngắm và nghe những gì thật lắng
của mẹ của cha của tuổi thơ xa lắc

vẫn sông Châu êm lặng thế thôi mà...
.
BỜ SÔNG VẪN GIÓ
Chị em con kính dâng hương hồn mẹ

lá ngô lay ở bờ sông

bờ sông vẫn gió
người không thấy về
xin người hãy trở về quê
một lần cuối... một lần về cuối thôi
về thương lại bến sông trôi
về buồn lại đã một thời tóc xanh
lệ xin giọt cuối để dành
trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha
cây cau cũ giại[1] hiên nhà
còn nghe gió thổi sông xa một lần
con xin ngắn lại đường gần
một lần... rồi mẹ hãy dần dần đi...

Thơ HỒ BÁ THÂM

Thơ
HỒ BÁ THÂM 

HỘI TỤ SÔNG THƠ

 (Nhân ra mắt tập thơ Thơ Bạn Thơ 1
(nhiều tác giả, Lý Phương Liên- Nguyễn Nguyên Bảy chủ biên), và 99 Khúc Tặng Liên của Nguyễn Nguyên Bảy, đêm 18-9-2012 tại Sài Gòn)

Đêm nay
Sông Sài Gòn lấp lánh ánh sao rất lạ
99 đôi mắt long lanh
Của em
Của anh…

Em đi từ “Ca Bình Minh”
Anh đi từ “Quan họ không ngoại tình”
Ai đi từ hè Bảy hai đỏ lửa
Ai đi từ Lam giang rằng đục, rằng trong
Ai đi từ đất Cảng rực hoa lửa Phượng
Ai đi từ Chín khúc Cửu Long
Ai sông Hàn xanh, Huế tím
Ai đi từ cây Kơnia bóng xanh tỏa Tây Nguyên…
Hội tụ về đây đều có Nàng thơ yêu dấu
Nàng dịu dàng nhỏ nhẹ câu ca tám sáu
Nàng tự do như cánh Hạc vỗ cánh đồng bằng
Nàng vũ điệu cùng ta nhảy sạp
Nàng tung váy cao ào ào nhạc Rốc…
Các nàng cùng ta múa nhảy hát hò
Rạo rực lửa tim nàng tim ta
Máu tình đỏ thắm
Rượu tình say say cỏ non da thịt quê nhà
Sữa tình ngọt ngào vú mẹ
Hương tình lâng lâng hương sả
Áo tình ai mặc cho ai
Lửa tình ấm đêm gió bấc
Linh hồn tình - linh hồn thơ không mất
Vượt qua sông Lú sông Mê
Tụ về đây…
Đêm nay!
Muôn hạt nước trở về tụ thành sông Thơ - sóng hát
Lời ai dìu đặt
Lời ai sang sảng quảng trường thơ
Bàn tay nối bàn tay vỗ nhịp đàn hóa nhạc
Hóa dòng sông Thơ quê da diết
Trong lành
Hồn ta tắm mát
Cánh cò bay trắng muốt đồng xa
Bên rừng bên biển mẹ cha
Bên đông bên tây Trường Sơn, từ đó…
Cây Thơ hồn ta sóng vỗ địa cầu
Nghe con cháu xa kia hello nao nao hồn Việt
Câu lục bát nghìn đời mang sắc điệu sông Mơ
Dẫu mảnh đất nào cũng có dòng sông thơ Hồng Hà, Long Cửu
Sông Cái sông Con cái vạc cái cò
Mang hồn ta về đây hội tụ sông Thơ
Tinh hoa sắc màu hương nhụy
Cùng Lý Phương Liên - Nguyễn Nguyên Bảy
Một đời tâm huyết vì thơ
Vì Thơ Bạn Thơ
Ôi 99 khúc ca
99 dòng sông
99 bạn tình
99 ngọn núi
99 linh hồn…
99 câu thơ thắm đượm tình ta da diết nhớ
Đây giao hưởng thơ bốn mùa…
Thơ Bạn Thơ ơi
Sông Sài Gòn đêm nay đã hóa sông Thơ…
Lấp loá mồ hôi trên từng con chữ
Nghiêng sông thơ Ngân Hà…
Nâng cốc ánh sao Ngưu say ta đọc
Nghe rì rầm biển Đông sóng vỗ rất gần…

21-9-2012


Thơ Hồ bá Thâm/ Tác giả gửi bài/ NNB vi tính giới thiệu


Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Thơ Lê Đình Cánh

Thơ
Lê Đình Cánh


Hồ Hoàn Kiếm

Mượn thì nhớ. Trả thì quên
Nơi Rùa đòi kiếm thành tên của hồ

Liễu gầy sặc khói mô tô
Mái bằng cửa sắt mấp mô khoảng trời
Áo em trễ ngực như mời
Tràn bia Thủy Tạ lắm lời giả say…

Mặt hồ sương tỏa cay cay
Tuổi già ít ngủ Rùa hay khóc thầm!


Phố Hỏa Lò

Thủ đô có phố Hỏa Lò
Ai xui kiếp vạc thân cò đến đây
Bịt bùng bùng bốn phía tường vây
Âm âm mùi đất. Gây gây vị trời…
Vào đây ai cũng ít lời
Mấy khi lệch đất nghiêng trời ở chung
Vào đây mươi vị anh hùng
Vào đây dăm kẻ cố cùng liều thân
Vào đây dù chỉ một lần
Ai mơ gặp thánh. Ai cần gặp ma!
Lối vào giăng mắc lối ra
U mê nhện hát bài ca tò vò
Thủ đô ai kiếp Hỏa Lò
Ai xui kiếp vạc thân cò đến đây!

Chợ tình

Chợ tình tháng họp mấy phiên
Ô xòe chếch núi che xiên nắng đồi
Nhấp nhô cây đứng đá ngồi
Bồng bềnh mây kết chùm đôi thầm thì
Chợ tình xa mấy cũng đi
Rơm khô tự cháy trước khi lửa kề
Tình yêu như thể chơi đề
Đợi con độc đắc lại về trắng tay
Chợ tình họp chốn mây bay
Người xưa thương thật người nay yêu vờ
Ấy ơi nhớ tạm mong hờ
Chông chênh phố núi đèn mờ giăng giăng
Chợ tình chơi khuyết vầng trăng
Tre gầy. Nứa héo . Mùa măng vội già
Đố ai hết nợ đàn bà
Để tôi cắt tóc bỏ nhà đi tu
.
Thơ Lê Đình Cánh/ Hoàng Việt Hằng chọn đọc
nnb vi tính giới thiệu

Thơ NGÔ THẾ TRƯỜNG

Thơ
NGÔ THẾ TRƯỜNG

Thơ NGUYỄN MINH KHIÊM

Thơ
NGUY
ỄN MINH KHIÊM

Bạn thơ HỒ BÁ THÂM tặng thơ


Thơ Hồ Bá Thâm


Chân thành cảm ơn nhà thơ Hồ Bá Thâm đã gữi tặng 5 tập thơ xuất bản trong mấy năm gần đây: Dưới ánh mặt trời (Nxb Thanh niên, 2010); Thơ tình triết học (Nxb Thanh niên, 2009) ; Gửi nhớ gửi thương (Nxb Thanh niên, 2011). Nỗi niềm-  thơ và trường ca (Nxb Văn học, 2011); Có một Trường Sơn như thế­  thơ/ văn (Nxb Thanh niên, 2009), Xin trân trọng giới thiệu mấy bài thơ trích trong các tập thơ đó.

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

Ra Mắt sách THƠ BẠN THƠ tại Hà Nội

THƯ MỜI

TRÂN TRỌNG THÔNG BÁO VÀ KÍNH MỜI
TỚI DỰ BUỔI GIỚI THIỆU SÁCH


THƠ BẠN THƠ 
 
Nhiều Tác Giả
Chủ biên: Lý Phương Liên – Nguyễn Nguyên Bảy

Thời gian:
15h thứ ba , ngày 25/9/2012
Địa điểm:
Thư viện cà phê Đông Tây, nhà N11A, Trần Qúy Kiên,
Cầu Giấy, Hà Nội





* Mọi chi tiết xin liên hệ: thuviendongtay@gmail.com
* Sách tặng: 99 KHÚC TẶNG LIÊN Thơ Nguyễn Nguyên Bảy


.
Tệp tin đính kèm


.
Tập: “Thơ Bạn Thơ” -  nhà xuất bản Văn học năm 2012, chủ biên: Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy vừa mới ra mắt độc giả đã thu hút được sự chú ý của những người yêu thơ hay, yêu cái đẹp.

Điều quí giá ở tập “Thơ Bạn Thơ” chính là sự “chí công vô tư” của hai vợ chồng nhà thơ chủ biên, là tấm lòng đầy ắp tình thi hữu của anh chị với các bạn thơ, với cuộc đời. Trong số tác giả có bài in trong tập, có  nhiều  gương mặt đã thành danh, đã có nhiều bài thơ “đi cùng năm tháng”, còn có một số tác giả chưa bao giờ tự nhận mình là: “Nhà thơ”. Người đọc nhớ tới quan niệm về thơ trong: “Thủng thẳng với thơ” của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bẩy: “thơ là thơ”, hay nói một cách khác, thơ hay, thơ chân chính đồng nghĩa với cái đẹp, mà cái đẹp thì không phân biệt vị trí xã hội và trường tồn với thời gian.

Tập thơ được chia làm ba phần, phần một là 99 câu thơ hay của 99 tác giả, do nhà thơ Hoàng Xuân Họa tuyển chọn đã được giải chính thức, công bố trên Tuần báo Văn nghệ số 1+ 2 ngày 2.9.2010. Phần 2  là thơ của 10 nhà thơ đã khuất: Hoài Anh/ Trần Hòa Bình/ Nguyễn Trọng Định/ Bùi Giáng/ Hải Kỳ/ Nguyễn Lâm/ Lưu Trọng Lư/ Dương Kiều Minh/ Tường Vân/ Lê Trí Viễn. Phần 3 là thơ của 55 tác giả ở mọi miền đất nước và để thể hiện sự công tâm, hai chủ biên đã không đưa thơ của mình vào, mặc dù hầu hết những ai trưởng thành vào những năm 70 về trước, đều thuộc lòng thơ của hai người.

Cầm tập thơ được trình bày công phu, trang trọng và đẹp mắt bạn đọc cảm nhận được tình yêu thơ của hai vợ chồng nhà thơ Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy chưa bao giờ tắt lửa. Chưa nói đến công phu chọn đọc và bỏ kinh phí ra  tạo một sân chơi bổ ích cho những người yêu thơ chân chính.

Những bài thơ trong tập đủ các đề tài, thể loại và cách thể hiện, mỗi bài đều như những vì sao, tỏa ra những ánh sáng lấp lánh trong dải ngân hà. Đây là những lời chân tình, mộc mạc mà trĩu nặng tình người của cố nhà thơ Hoài Anh:
Cầu thang nhà em
Lên rất khó, xuống rất dễ
Nhưng với anh
Lên rất dễ, xuống rất khó
Lên: Lồng ngực lao về phía trước
Xuống: Trái tin rớt lại đằng sau
(Cầu thang)
Chỉ mấy câu thôi mà tâm trạng, tình cảm, sức hút vô hình với bao cung bậc của tình yêu được diễn tả một cách chân thành, dung dị, đặc biệt với hình ảnh “Lồng ngực lao về phía trước” và “Trái tin rớt lại đằng sau” thật là độc đáo.
Và đây là những quan sát, suy tư của nhà thơ Trần Ninh Hồ trong bài: “Giá sách và dòng sông”:
Nhìn giá sách ngàn vạn trang
Không hiểu sao người viết được
Có dòng nào trùng lặp không
Như ngàn ao tù nước đọng
Giá sách – nơi lưu trữ tri thức của nhân loại được so sánh với dòng sông chuyên chở phù sa ươm những mùa vàng tạo một dụng ý nghệ thuật sâu xa. Tác giả hỏi bao thứ để tìm đến ngọn nguồn và rồi vỡ òa trong chiêm nghiệm về con người, còn mất và những gì để lại cho muôn sau trong dòng đời đầy sóng gió:
Những trang văn dồn nước xiết
Những câu thơ lọc ánh trời
Ôi cả những dòng sông chết
Đáy bùn vân sóng còn trôi
Tháng giêng 2012
Còn đây là những sắc màu thổ cẩm và tình yêu chân thành của người vùng cao Tây Bắc. Hy vọng rồi tức tưởi, thẫn thờ trước tình yêu khó nắm bắt như nắng thổ cẩm trong thơ của nhà thơ trẻ Phùng Hải Yến:
Anh dắt trâu đến hỏi con gái bản bên
Em tức tưởi chạy ào vào khung dệt
Gỡ tấm chăn đêm, ngày thêu tay từng chút
Thẫn thờ ra sân
Em tung tấm chăn trên dây phơi
Tấm chăn làm sợi nắng lung linh màu
Ôi, nắng thổ cẩm
Nắng thổ cẩm rất gần mà tay không thể với
(Nắng thổ cẩm)
Người đọc thấy đã phát lộ những tia sáng của chất thơ đích thực. Ba bài thơ trên có phải là những bài hay nhất của tập thơ hay không, xin thưa đây chỉ là sự chọn đọc ngẫu nhiên.
Trong khi độc giả đang dần quay lưng lại với thơ bởi chất lượng và những vụ xì căng đan, thì tập “Thơ Bạn Thơ” như tấm gương trong vắt, mà khi soi mình vào đó ta thấy nhan sắc của thơ và phẩm hạnh của người cầm bút, nhan sắc và phẩm hạnh của những người biết trân trọng nâng niu thơ hay, trân trọng cái đẹp và nâng niu tình thi hữu. Điều đó không chỉ làm chúng ta tin rằng những tập tiếp theo chắc chắn sẽ thu được nhiều thành công hơn nữa mà còn làm cho chúng ta thêm tin yêu vào sức sống kỳ diệu của thơ.
Hà Nội 8.2012
Dương  Hiền Nga
ĐT: 0917 331 221
Mail: hiennga.yenbai@gmail.com