Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Nguyễn Anh Nông/ Đó đưa thơ Đỗ Trung Lai



CÁI NHÌN MƠN MỞN CUỘC ĐỜI
Ngần ấy người ấy ơi
.
Người ấy như là mẹ ta
Lo từng miếng cơm ngụp nước
Ta dẫm phải gai mùng tơi
Người ấy buốt vào tận ruột!
Người ấy như là chị ta
Không cần biết ta được, mất
Thấy ta mặt ủ mày sầu
Thì lén co khăn thấm mắt!

Người ấy như là em ta
Ta lỡ một lời khinh xuất
Thì buồn suốt mấy tuần liền
Mặc kệ bờ xôi ruộng mật!

Người ấy như người ta yêu
Tiễn ta lên tàu ra trận
Rồi quay về nhà lấy chồng
Để ta phương trời lận đận!

Người ấy như người yêu ta
Trời cũng chưa là to nhất
Thấy ta bắt đầu bất công
Thì “đứng về phe nước mắt”!

Người ấy như là trò ta
Coi lời ta như pháp luật
Thấy ta lành lặn trở về
Thì chân đi không bén đất!

Người ấy như là bạn ta
Ba năm không nhìn thấy mặt
Nhưng ta gặp vận hạn gì
Thì đến cùng ta sớm nhất!

Người ấy như là vợ ta
Xinh xắn, dịu dàng, chân thật
Thấy ta về nhà đúng giờ
Thì tươi hơn đào, hơn quất!

Người ấy càng như vợ ta
Bình thường là đường là mật
Tam bành đã nổi lên rồi
Thì vua cũng là cục đất.

Ngần ấy người ấy đâu rồi!
Sao không cùng về họp mặt?
Lâu lâu mới gặp một người
Thì giờ trôi đi chán ngắt!

Ngần ấy người ấy đâu rồi!
Ngoài đường đã đầy tết nhất
Nói dại, ngần ấy cùng về
Cầm chắc là ta tan xác!

Thơ Đỗ Tung Lai
.
Nguyễn Anh Nông, đò đưa 
.
Bài thơ Ngần ấy người ấy ơi được nhà thơ Đỗ Trung Lai viết cách đây chưa lâu, đọc xong tôi nhớ mãi. Với 11 khổ thơ, 44 câu thơ 6 chữ mà nó nói được nhiều điều. Ngần ấy người ấy ơi là những ai vậy? Này nhé “Người ấy như là mẹ ta../Người ấy như là chị ta../Người ấy như em ta.../ Người ấy như người yêu ta../Người ấy như là trò ta../Người ấy như là bạn ta../Người ấy như là vợ ta...”. 
Nội dung bài thơ này toát nên tình yêu thương giữa con người với con người, giữa muôn người với một người, giữa đơn người với đa người.Yêu thương nhau cũng phải có cách? Nếu yêu nhau quá, không biết cách yêu thì cũng bằng ... mười phụ nhau. Nhưng đã yêu nhau thì phải có cuồng nhiệt, đắm say, ai còn hơi đâu mà nghĩ tới đúng sai, phải trái, minh bạch? 
Mỗi người thân thương của ta yêu ta một cách? Mà trong cái yêu thương ấy cũng thật muôn hình muôn vẻ... nhập nhằng, dây dưa, bi hài làm sao? 
Âý thế như vắng đi một trong những người ấy thì ta thấy thiếu, thấy nôn nao nhớ? Nôn nao thương? Nôn nao ngẫm nghĩ.. mông lung, bứt dứt. 
Nếu xa một trong những người ấy thì: “Lâu lâu mới gặp một người/ Thì giờ trôi đi chán ngắt”. Đọc đến đây tôi cứ tủm tỉm cười một mình và liên tưởng đến cái giọng khôi hài, tinh quái của một nhà thơ dân tộc Ai-Va: Ra-Xum-Gam-Da Tốp khi ông viết : “Có nhà thơ viết bài thơ tặng vợ/ Ôi em yêu, em là ánh sáng là sao đêm/ Khi xa em, anh đau buồn, anh tưởng nhớ/ Ôi , sung sướng chừng nào khi được ở bên em”.Đấy là khi nhà thơ viết tặng vợ, chỉ tặng thôi đấy nhé? Còn đời sống thực tế thì sao? Ta hãy xem : “Và , ánh sáng sao đêm- vợ nhà thơ, lúc ấy/ Hé cửa đi vào đứng cạnh nhà thơ/ Nhà thơ quát -Ô , lại cô, gì vậy?/Mời cô đi, tôi bận việc, tôi nhờ!”. Đấy là nhà thơ của xứ sở núi đá: Đa-GheXtan. Còn nhà thơ của xứ lụa Hà Đông, Việt Nam thì sao? Này nhé: “Ngần ấy người ấy đâu rồi/ Ngoài trời đã đầy tết nhất” nghe mà buồn đứt ruột, tím gan chưa? Âý vậy mà : “Nói dại, ngàn ấy cũng về / Tin chắc là ta tan xác”. 
Không hẹn mà gặp - hai nhà thơ ở hai phương trời, với những trạng huống khác nhau, nhưng cùng có chung chất bi hài của giọng thơ. Tính kịch trong hai phong cách thơ rất rõ nét. Hóa ra cuộc đời như một vở kịch lớn, mọi người đều đóng vai nào đấy, hoặc có lúc đổi vai cho nhau, không ngừng nghỉ, âm thầm, bền bỉ, vui- buồn, thiện- ác, đục-trong, thanh- trọc ...nối dài đến vô cùng, vô tận.
 * 
Xin chép hai khổ thơ của Đỗ Trung Lai về “Người ấy như là vợ ta”, bạn đọc cùng tham khảo: “Người ấy như là vợ ta/ Xinh xắn, dịu dàng, chân thật/ Thấy ta về nhà đúng giờ/ Thì tươi hơn đào, hơn quất/ /Người ấy càng như vợ ta/ Bình thường là đường là mật/ Tam bành đã nổi lên rồi/ Thì vua cũng là cục đất”. 
Cái hay của bài thơ là vẽ lên được chân dung chân thật những người gần gũi, yêu quý của ta. Nó vừa là mưa vừa là nắng; vừa là gió nhẹ vừa là bão tố; vừa là hương hoa vừa là gai sắc; vừa là ngày vừa là đêm; vừa là âm vừa là dương; vừa là hai vừa là một ? Nếu thiếu một trong những yếu tố đó liệu có còn là cuộc sống hạnh phúc như ta mong muốn nữa không? 
Hóa ra, cái lão nhà thơ hiền lành, chất phác, với thân hình khô khan khắc khổ như cây bàng mùa đông thế kia lại có cái nhìn mơn mởn, hóm hỉnh, lịch lãm và tinh quái đến vậy./.
  
Nguyễn Anh Nông
NAT đọc chọn/ NNB vi tính giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét