Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2012

Thơ Lê Bá Duy/ Lời bình Quỳnh Trâm


ĐI NGANG MÙA HẠ
.
Nắng lật tung những luống cày
Và tơi tả đất và say mặt người
Ta vàng một cõi rong chơi
Giật mình ký ức bời bời hạ xa

Một đau đáu ngọn gió qua
Một trăn trở bước gần xa đi về
Một đời mẹ với đồng quê
Một đời cha mãi vỗ về tình con
Ta chinh phục núi thon von
Giơ tay hứng giọt mất còn thiên thu.
12/5/2011
Lê Bá Duy.

Lời bình:
MÙA HẠ ĐÃ CHÁY LÊN
Mùa hạ chói chang và nóng bỏng trong nắng và gió, trong cả những tâm tư bộn bề của con người hay trăn trở với thời gian. Đọc”Đi ngang mùa hạ”(Lê Bá Duy), bỗng thấy một mùa hạ như cháy lên cùng kí ức, cùng kỉ niệm, cùng những vui buồn của đời người...
Tựa đề bài thơ đã là một ẩn dụ:”Đi ngang mùa hạ”.Ta thấy một khoảng thời gian vốn không nhìn thấy được ranh giới rõ ràng, đã trở nên thật cụ thể, hữu hình.”Đi ngang mùa hạ”để thấu cảm những gì mà mùa hạ mang đến cho đời – cái nỏng bỏng của nắng, cái oi nồng của mưa, cái khát cháy của con người giữa mênh mông hạ trắng. Bài thơ đã mở đầu bằng cái nắng đặc trưng của mùa hạ đang tỏa chiếu khắp đồng quê:
Nắng lật tung những luống cày
Và tơi tả đất và say mặt người”
Trong câu thơ, động từ”lật tung”,tính từ”tơi tả”, “say”có giá trị gợi hình rất lớn: nắng có một sức mạnh kì lạ, nắng như một bàn tay vô hình có thể “lật tung những luống cày”, khiến cho đất khô giòn, vỡ vụn, và khuôn mặt con người cũng đỏ gay như say rượu. Có thể hình dung cả một không gian mênh mông ngập nắng với cái nóng như thiêu như đốt. Cách lặp từ “và” trong câu thơ thứ hai càng làm tăng thêm cái sức mạnh như được nhân đôi của nắng. Và giữa không gian chói chang ấy, “ta” xuất hiện lửng lơ giữa một cõi khô vàng:
“Ta vàng một cõi rong chơi
Giật mình ký ức bời bời hạ xa”
Hình ảnh “ta” sao lại cô đơn đến thế? Có phải vì đến bây giờ, giữa mùa hạ cháy bỏng, “ta” thấy mình như khô kiệt, cằn cỗi đến mức trở nên vàng vọt?Vì “ta” bỗng nhận ra suốt thời gian đã qua của mình chỉ là phù du? Phải thế không, khi ta nhận thức về quãng thời gian ấy chỉ là”một cõi rong chơi”?Và giật mình khi nhớ lại những mùa hạ trong quá khứ, bao nhiêu kỉ niệm ào ạt trở về, nó “bời bời” trong tâm trí như sóng triều dâng. Cái chữ “bời bời” ẩn giấu một niềm khắc khoải, cồn cào và day dứt! Nỗi niềm đó là gì mà khiến cho câu thơ bỗng lặng đi, và người đọc cũng phải lặng đi giữa miền xa tâm tưởng mà câu thơ đã gợi lên...
Khổ thơ tiếp theo đã hé mở ra bao nhiêu tâm trạng:
“Một đau đáu ngọn gió qua
Một trăn trở bước gần xa đi về
Một đời mẹ với đồng quê
Một đời cha mãi vỗ về tình con”
Bốn từ”một”mở đầu cho bốn câu thơ liên tiếp, vừa thể hiện cái đơn lẻ, vừa khái quát cuộc đời. Cái đơn lẻ ấy là tâm trạng nỗi niềm”đau đáu”, “trăn trở”.Vì điều gì?”Đau đáu””ngọn gió qua”đã mang đi tất cả hy vọng;”trăn trở””bước gần xa đi về”– sự trở đi trở lại kiếm tìm một niềm an ủi, một người trong mơ, hay một khát vọng chưa thành? Chỉ hai câu thơ mà cả một quãng đời nhiều thăng trầm đã ẩn hiện thấp thoáng. Tính khái quát cuộc đời là ở chỗ đó. Và càng trong lúc ngẫm về đời mình, người ta càng hay nghĩ về các bậc sinh thành:
Một đời mẹ với đồng quê
Một đời cha mãi vỗ về tình con”
Câu thơ thể hiện một suy ngẫm giản dị và cảm động về cha mẹ thân yêu. Đó là những người nông dân chân chất hiền lành cả đời gắn bó với đồng lúa quê hương. Nghĩa tình mộc mạc mà ăm ắp yêu thương của họ đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ ấu với khát vọng mai sau con thành đạt, giỏi giang nên người. Vần thơ là dòng xúc cảm thấm thía và biết ơn vô cùng công cha nghĩa mẹ của người con hiếu thảo.
Nhưng người con ấy tự ngẫm về mình: Mình đã làm được gì chưa? Mình đã từng gắng sức chinh phục những đỉnh núi của cuộc đời nhưng sao lại chênh vênh đến thế!
Ta chinh phục núi thon von
Giơ tay hứng giọt mất còn thiên thu.
Có cảm giác chênh vênh ấy là bởi đỉnh núi kia”thon von”quá! Trên đỉnh cao chông chênh ấy, làm sao có thể bình an được đây? Có lẽ vì thế mà “ta” mới càng thấu hiểu cái gì mất, cái gì được trong cuộc chinh phục này? Mất hay được cuối cùng cũng chỉ là”những giọt mất còn thiên thu”khi con người về với đất. Một chút ngậm ngùi khi ngẫm về điều ấy, nhưng thanh thản khi hiểu rằng quy luật ấy không thể khác. Nhưng dẫu rằng kiếp người là hữu hạn, là nhỏ bé, thì con người vẫn luôn giữ được tư thế ngẩng cao đầu giữa đất trời. Và”giọt mất còn thiên thu”sẽ trở thành những giọt tâm hồn quý giá long lanh sáng mãi!
“Đi ngang mùa hạ”,đi ngang một quãng đời, đi qua lòng người, chầm chậm, để cảm nhận sự trăn trở âm thầm, cái nóng ấm của tình người trong suy tưởng, cái cháy lửa của khát vọng đang nhen. Mùa hạ sẽ cháy lên nồng đượm như thế!...
9/4/2012
Quỳnh Trâm
Lê Bá Duy đọc gửi qua eMail/
NNB vi tính giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét