Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Thơ Nguyễn Minh Khiêm/ Hưởng ứng 2

 

Nguyễn Minh Khiêm
Yên Trung. Yên Định. Thanh Hoá
ĐT : 0164 8381555.


Nỗi buồn Bạch Tuyết

Nếu cuối đường kia không có bảy chú lùn
Em tránh làm sao khỏi nanh vuốt quỷ

Khi trái đất này hẹp hơn cánh tay phù thuỷ
Em trốn đi đâu trong dải Ngân hà

Khi quyền hành lọt vào tay kẻ yêu ma

Thì trái đất là quả táo bị tẩm nửa thuốc độc

Đến mặt trời cũng đành bất lực
Để hành tinh một nửa là đêm

Chúa Jesu và thánh
Ala không che chở được cho em
Em nào khác chiếc lá non trong bão

Gươm thần kia không nịnh quân tàn bạo
Cũng bị ném xuống sàn nhà

Những chú lùn trung thực thật thà

Muốn sống được phải tự mình dị dạng

Cái ác độc tàng hình trong cái thiện
Em biết đâu cạm bẫy để mà lường

Chốn trần gian địa ngục lẫn thiên đường

Bạch Tuyết ơi kinh thành nào cũng vậy

Từ bên kia trái táo cuộc đời em trở lại
Nửa trái táo bên này câu thơ hát ru tôi.

Sông Mã vẫn chảy bên chái nhà ta
.
Sông Mã vẫn chảy bên chái nhà ta
Sợi dây đàn căng từ thời tiền sử
Kể cho ta nghe những khúc ca về máu
Máu đã sinh ra đất thế nào
Máu đã sinh ra tên làng tên nước
Không có máu thì các thày địa lý không có cách nào  nhìn ra
thế núi hình sông rồng cuộn hổ ngồi
Không có máu thì không có cách nào tìm ra huyệt đất
phát vương phát tướng
Máu kể về nơi những nghệ nhân chọn đất làm khuôn
Đúc trống đồng  dâng lên các vua Hùng làm Quốc nhạc
Kể về sự sạt lở của các triều đại
Bao nhiêu ấn tín , lâu đài thành trầm tích
trong giai thoại, ngụ ngôn, truyền thuyết

Sông Mã vẫn chảy bên chái nhà ta
Chiếc khăn cũ mèm lau mồ hôi hết thế hệ này sang thế hệ khác
Lau những ánh mắt mệt mỏi vật lộn trong cuộc mưu sinh
Lau những lưỡi cuốc, lưỡi cày mẻ quằn mòn vẹt tìm về hạt lúa
Lau những khuôn mặt tàn tro đốt rơm đốt rạ sau mùa
Làm rạng lên những nụ cười khô cằn lem luốc

Sông Mã vẫn chảy bên chái nhà ta
Tiếng nấc nghẹn của những con thác hắt lên da thịt nghìn năm
Những nỗi đau chưa tan xé vào ruột đất
Và những thứ chỉ còn là bong bóng
Chiếc bè gỗ quẫy đạp không muốn chết vì mắc cạn
Sợ chạm vô hài cốt những con thuyền
Con hến con trai đêm đêm ngoi lên thở trộm
nơi chôn rau cắt rốn của mình
Thỉnh thoảng vọng tiếng mõ dân chài thả lưới tìm hồi ức.

Sông Mã vẫn chảy bên chái nhà ta
Sông Mã vẫn chảy bên chái nhà ta…
9.1.2009


Ba Trăm sáu lăm ngày

Ba trăm sáu lăm ngày trên lịch
Ba trăm sáu lăm bước chân trên mặt đất
Tôi đi ...
Có bước trong như gương
Có bước đen như huyệt
Có bước nở đầy hoa
Có bước vào xác chết
Tôi đi ...
.
Tôi đã gặp
Những cái ao cố phình ra làm biển
Những con rắn giả nhả mật ong
Những cây tre cúi xuống cho gần cây sậy
Những cây đại thụ bị nghiền ra làm bột giấy
Những người trung phải mượn đến vai hề

Cuộc đời đầy thuốc lú bùa mê
Tôi cố giằng ra khỏi cái vòi bạch tuộc
Câu thơ tôi đã từng ngộ độc
Đôi chữ bầm đen
.
Tôi nghiền nát mình ra không tuổi không tên
Quăng ra khỏi thiên đường và địa ngục
Trong cõi hư vô tưởng yên làm bụi được
Nhưng con kiến lại tha về cái miệng chén ngày xưa
.
Đi tận cùng trong nắng
Trôi tận cùng trong mưa
Bỗng sống lại trong lời ru của mẹ
Ba trăm sáu lăm ngày tôi đã đi như thế
Những bước đi tưởng chừng như không thể
Đem câu thơ này kịp đến mùa xuân .

Tản mạn trong đền An Dương Vương

Nên khóc An Dương Vương hay là khóc Mỵ Châu
Con lầm lẫn hay là cha lầm lẫn?

Biết kẻ thù đến cầu hôn sao vua còn chấp nhận
Để lỗi lần trút cả xuống Mỵ Châu!

Nếu trong tình yêu còn cảnh giác, dối lừa nhau
Thì nhân loại này tìm đâu trung thực.

Người làm vua không hết tầm mưu lược
Nước mất rồi kết tội: Giặc-là con!

Giữ giang sơn chỉ cậy một nỏ thần
Ngai vàng mất có điều chi là lạ.

Vua thất trận chạy vào lòng biển cả,
Che chở Người sao không phải lòng dân?

Lông ngỗng kia nếu quả thật tâm gian
Sao người đời vần tìm về soi mình vào Giếng Ngọc?

Câu thơ này nếu thần Kim Quy đọc
Xin một lời…
Sau mấy ngàn năm.

18-9-1997.


Nếu không về Lam Kinh

Nếu không về lam kinh, có lẽ mãi mãi ta là kẻ có tội,
mãi mãi ta bị ám thị bởi một triều Lê ngai vàng. Vua
chúa gắn liền với kinh đô, gắn liền với nhữn cung điện,
đền đài nguy nga tráng lệ.

Rồi thời gian cứ lặng lẽ trùm lấp mắt người. Như cây đa
ngàn năm buông rễ. Thật giả đều trở thành cổ kính. Không ai dám lật xem bên dưới lớp nền xanh viễn khứ. Chỉ biết ngước mắt, chắp tay tụng niệm cõi mơ hồ. Và như một giọt nước
thượng nguồn về cập bến kinh đô, trong tâm thức ta định vị một triều Lê uy quyền ngự lãm.

May thay vẫn còn một Lam Kinh, gần sáu trăm năm  cháu
con trở lại. Sông Lương vẹn nguyên. Rừng Lam vẹn nguyên. Những bia đá vẹn nguyên. Những chứng tích lịch sử lộ thiên chưa cần khảo cổ. Bao nhiêu đời vua Lê quy tụ về đây đủ bấy nhiêu nấm mộ.

Không ai chiếm của kinh thành một tấc đất làm của riêng
mình. Đến nắm hài cốt cũng đưa về đặt nơi Đất Tổ!

Đánh giặc là vì dân. Mở nước là vì dân. Không biến kinh đô thành trang ấp gia đình. Không biến kinh đô thành nghĩa trang dành riêng cho vua chúa.
Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng. Lê Lợi dặn không được
xây lăng tẩm đền đài, tốn tiền của, làm nhọc nhằn trăm họ.

Mộ người đắp bằng đất rừng. Bốn bề không gạch đá. Chỉ có gió trăng và thiên nhiên hoang dã. Con sông quê vẽ nét thanh bình.

Nếu không về Lam Kinh, ta chỉ là kẻ bị chói nắng hắt ra từ trang sử, chỉ biết Lê Lợi với cuộc kháng chiến chống giặc Minh, một anh hùng bất tử. Đâu hiểu sâu xa Lê Lợi một con người…

Làng tôi không có tượng


Làng tôi không có tượng
Chỉ có những hòn đất chằng chịt trăm thứ rễ
Các cụ bảo cứ để nguyên  như thế mà thờ.

Làng tôi không có tượng,
Sống đã quen, không biết tự bao giờ
Trong cơn bão cả một vườn lá rách
Chỉ giữ cho một vài chiếc lá lành.

Làng tôi không có tượng,
Chỉ có những giọt mồ hôi
Ngày hội làng thắp làm hoa đăng
Khênh những giọt mồ hôi lên chùa dâng hiến
Các cụ ghi vào gia phả:
- Đó là của chìm của làng ta đấy  !
Thần hộ mệnh của làng ta đấy !

Làng tôi không có tượng,
Mỗi khi cầu nắng cầu mưa,
Giọt mồ hôi đi ngang trời lừng lững…


Lý ngư vọng nguyệt

Làng của tôi ơi
Người đang già cỗi
Sự lão hoá chưa bao giờ nhanh thế
Không còn người tập cho thiếu nhi vui hát trung thu
Không tìm ra một thanh niên làm bí thư đoàn
Việc gì cũng giao cho Hội người cao tuổi
Việc gì cũng giao cho phụ nữ
Việc gì cũng giao cho Hội cựu chiến binh!
Ba phần tư chi bộ là những người hưu trí mất sức
Ba phần tư làng là người già!
Mặt làng được trang sức bằng nhiều kiểu dáng  bê tông
Bê tông chạy từ trong buồng thông ra nghĩa địa
Buổi trưa không dám bước ra đường
Cổng ngõ như nung
Những đường cây Bác Hồ không còn vết tích
Những ao cá Bác Hồ không còn
Không còn bờ tre mắc võng
Không còn ai hát chèo, hát bội
Lời ru rơi vào cổ tích
Chuyện cổ tích rơi vào cổ tích
Những cánh diều sáo theo lớp người xưa cũ đi xa
Cơm nắm muối vừng đã thành dĩ vãng
Tục ngữ ca dao sống lay lắt trong trí nhớ người già
Sống lay lắt trong bài học thuộc lòng trẻ con ngái ngủ
Đầu thôn quán chát
Giữa làng bi a
Con gái mặc quần đùi, áo cộc
Con trai xâu tai, kẹp tóc
Bán ruộng đi làm thuê!

Làng của tôi ơi!
Bây giờ nhà không có nóc
Cổng sắt, tường xây, mảnh sành, khoá chống trộm
Không ai biết tranh tố nữ là gì
Không ai biết giá gương là gì
Mặt làng nghìn năm soi nơi đáy giếng
Tôi thả thơ vào ký ức múc lên
Đom đóm lập lòe bao nỗi niềm bị đập vỡ
Gió đồng thơm cơm nắm muối vừng
À ơi chõng tre, võng lác
Chum tương, vại cà khoác áo mùa đông
Sau lớp bồ hóng diều nằm mơ gió hú
Làng của tôi ơi
Bao nhiêu chiếc cày được đẽo giữa đường
Bao nhiêu ếch kêu dưới vũng tre ngâm
Bao nhiêu bông hoa không được cắm vào bình
Bao nhiêu chiếc chổi đào ao
Bao nhiêu diều hâu bị gà con cắn cổ

Tôi là chiếc gàu sòng sứt miệng hai ba lần cạp lại
Múc đầy ánh trăng đổ vào ca dao
Tôi là cây đa còm cho bầy trâu đứng cụi
Là cây đẻn, cây găng cho lũ trẻ đẽo cù
Là cỏ mướt cho tóc làng xanh lại
Là lá sen đùm vị cốm ngày xưa
Tôi là con cá trong bức tranh Lý ngư vọng nguyệt
Ngớp hồn làng thăm thẳm ánh trăng khuya…

14.8.2010



Hát với cánh đồng


1.
Rút ruột cánh đồng bằng rễ cây, rễ cỏ
Nống rỗng đêm cho những giấc mơ gặt đập
Nghĩ suy ta cắm dày những ống ti ô vào da thịt đất.

Lưỡi cày lóc ra sự màu mỡ
Lồng ngực ta ngột hơi thở cuốc cào
Xé cánh đồng thành ô, thành mảnh
Ước muốn nảy mầm phồn thực.

Ta vượt đại dương nghèo bằng mái chèo  đòn gánh
Trâu nai lưng kéo lên những cánh buồm
Giai  điệu xe bò
Chở khúc dân ca vừa đi, vừa ngủ
Nhai sự nhọc nhằn mấy trăm năm không  đứt.

Xuân - Hạ -Thu – Đông
 Là chiếc dạ dày bốn ngăn trống rỗng
 Mồ hôi bao nhiêu thế hệ đổ không đầy!
Cha mẹ đem sức lực tưới cuộc đời nẻ toác.

Vũng trâu đằm hoá bàn tay Phật Tổ
Ta tưởng bay đến tận chân trời góc bể
Ai hay vẫn cơm nắm muối vừng bờ ruộng
Được  đánh dấu bằng mùi khai nồng nặc tuổi thiếu thời
Câu tục ngữ mẻ quằn lưỡi cuốc.

Làng nghĩ ra cổ tích nuôi mình
Trẻ con bao đời không nhai nuốt lửng
Chúng bỏ quên muối mặn gừng cay buộc võng
Bỏ quên giọt mồ hôi lưng áo bạc màu
Cò về núi ấp câu hát đúm
Hoàng hôn buông vũ  điệu cào cào
Lũ lụt nghèo rửa trôi ký ức
Ta  đơm ngày mai nơi ngọn nguồn hương khói
Mẻ lưới đầu tiên đem về là những dấu chân toẽ ngón
Gánh thời gian cha mẹ chạy lệch người.

2.
Mẹ xay giã ta thành hạt gạo
Bọc dẻo thơm dâng lên thần phật
Mong ta thành chiếc bánh Lang Liêu
Cả đời mẹ chép miệng thèm hạnh phúc!
Lòng từ bi đùm gói để dành
Sợ ta đói ăn nhầm quả độc!
Truyền cho ta ma lực phân tro
Truyền cho ta đôi vai chín rạn
Truyền cho ta những nốt sần chai
Ta lạy nhận gia tài bỏng rát
Cất trong da thịt làm bùa hộ mệnh
Biết chống chèo qua những lúc trắng tay
Biết dọn dẹp những giấc mơ đổ vỡ  .

Trước cánh đồng ta là con bạc lớn
Cá cược bằng gia phả ông bà
Lúc mất mùa uống truyền thuyết cầm hơi.

Mẹ chưa được ăn chiếc bánh chính tay mình làm bột
Bọc nắng mưa, nhân thịt da vàng
Trong chiếc khuôn bờ vùng, bờ thửa
Nỗi nhớ nham nhở cuốc ra  đắp lại.

Ta buộc nghìn năm treo vào cổ tích
Làm lương khô lúc trượt ngã ăn dần 
Tục ngữ, ca dao chưa từng đổi món
Kinh nghiệm là thứ muối trường trong ký ức
Nén chặt vào kẽ tóc chân tơ
Cha mẹ liêu xiêu dáng hình chong chóng
Những cuốn từ điển thở dồn khi gánh nặng
Những kho lưu trữ dễ vỡ lúc trái gió trở trời
Ta lo núi Thái Sơn không còn hút thuốc lào
Lo Sông Cái không còn ăn trầu buổi tối
Mỗi sáng đánh trâu đi mà không có ngọn nguồn
Ta loi thoi gặt mùa lúa chét
Lòng chơi vơi bó nhật thực vào.


3.
 Hát với cánh đồng là những ngôn từ thước tấc
Đo  đất  đai nứt nẻ trong lòng
Ta úp mặt xuống đầm lầy từ trong bào thai mẹ
Sau nhát cuốc trăng sao tá hạ
Nước ối vỡ ra lênh láng rãnh cày

Tiếng khóc ta là hạt giống đầu tiên mẹ gieo vào đất
Vị  phù sa nước mắt đầm  đìa
Nằm trong mộ nỗi đau còn kết.

Hát với cánh đồng là câu thơ hăng mùi bùn đất
Là ổ rơm ủ chín mùa đông
Hạt thóc chuốt vàng qua từng ngón tay bấm đốt.

Hát với cánh đồng là tình yêu lươn trạch
Đắm say trong giấc mộng sình lầy
Không muốn phá vỡ thói quen yếm khí
Con cháu giữ bài vị dưới vàng son rơm rạ
Ngóc đầu lên đớp nắng lại chui vào
Nhảy múa dưới bình minh lấm láp.

Hát với cánh đồng là con  đường dày bước
chân trâu già cỗi
Từ ngày xưa vỡ xuống bây giờ
Khảm vào đó những dáng người thắt lưng con cón
Không nhớ hết vòng tuần hoàn tái sinh…
Giọt nước về thưa mẹ

Con đã đi xa hơn nỗi lo của mẹ
Không quay về đúng chỗ mẹ ngồi bấm đốt ngón tay
Con trượt ngã chỗ mẹ thường mất ngủ
Ngọn đèn khuya tóc  trắng sang ngày

Con đã lạc chỗ ngọn roi mẹ không đụng tới
Chỗ những lời đắng đót mẹ chừa ra
Chỗ mẹ để con đứng ngoài tâm bão
Nghe giọt mưa thút thít phía sau nhà

Con dừng lại chỗ mẹ không mong đợi
Chỗ ngày xưa mẹ tránh tiếng thở dài
Bao nhiêu bã trầu đi vòng qua đó
Để nỗi buồn không chạm vào ai

Con cúi lạy chỗ mẹ chưa từng chợp mắt
Cửa bể mở ra chỗ bục cửa mẹ ngồi
Những câu Kiều giấu bao nhiêu mảnh vỡ
Giọt nước về thưa mẹ sóng trùng khơi...

5.4.2010


Chuyện kể ở thành Nhà Hồ

Chuyện kể rằng
Trong lúc xây thành
Ngày mỗi ngày
Có một giành ngón tay bị đứt!
Máu và nước mắt
Làm bao nhiêu đoạn thành trôi!

Chuyện kể rằng
Trước lúc lên ngôi
Hồ Quý Li đã giết vua nhi nhà Trần trong hang Ấu Chúa?
Và dưới chân núi Đún
Chôn bao nhiêu quần thần!

Và từ đấy
Hoàng hôn buông xuống
Bình minh
Mãi không về.

Một triều vua qua đi
Để lại rộng, dài : Một cây số đá!
Bốn cửa thành như bốn con mắt giả
Gió ù ù hăn hắt những mùa đông!

Một triều vua còn bốn bức tường không!
Kinh đô không thực, kỳ quan không thực!
Cái dấu lặng của một thời dựng nước
Giọt máu bầm đọng lại buốt thời gian!


Thơ Nguyễn Minh Khiêm/ Hưởng ứng 2/
Tác giả gửi bài đến eMail LPL

  NNB vi t
ính gii thi
u


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét