Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2013

Sách Thơ Bạn Thơ 1/ Phần 1/


NHIỀU TÁC GIẢ
Lý Phương Liên-Nguyễn Nguyên Bảy
(Chủ biên)

 
THƠ BẠN THƠ. 1


NXB VĂN HỌC




 Lời thưa,

Cảm ơn các đấng sinh thành và gây dựng Thi Đàn Việt, cảm ơn các thi nhân tiền bối giờ này nơi cõi khác vẫn mong đợi ngâm ca tình thơ con cháu. Cảm ơn và kính dâng lên miền thiêng thơ những áng thơ thời chúng tôi đang sống.
Cảm ơn thơ, Cảm ơn các người thơ cao cả đã ban cho chúng tôi vinh dự thực hiện ước mơ tự nguyện được đọc chọn và nhân bản quảng bá những bông thơ bầu bạn. Bảo là ước mơ tự nguyện, bởi đây là sự tri ân đạo lý với thơ và các bạn thơ đã sinh dưỡng đức tin, trợ cứu đời sống, chỉ dạy chúng tôi tu thân sống làm người tử tế.
Cảm ơn các bạn thơ mở lòng đón nhận sách Thơ Bạn. Xin hỷ xả chúng tôi kiến văn giới hạn trước vườn thơ trăm hoa, khó tránh việc đọc chọn còn nhầm quên mạch nguồn tiềm ẩn. Xin hỷ xả chúng tôi tâm chưa đắc bồ đề còn chịu áp lực đời thường, tình thơ còn vướng lụy sân si. Xin hỷ xả và nuôi dưỡng đức tin, đã là thơ đúng nghĩa và hay, không sớm thì muộn, chưa hôm nay sẽ ngày mai, chưa kịp quảng bá trong sách Thơ này sẽ được in trong sách Thơ tiếp sau, chúng tôi sót quên, các bạn thơ khác sẽ nhớ, sẽ đọc chọn, là Thơ hay, nhất định sẽ hiển lộ sắc hương.
Cảm ơn thơ kết nối tình thơ. Cảm ơn Thơ Bạn góp điệu vần vinh danh Thi Đàn Việt. Cảm ơn bạn thơ đã hưởng ứng, trợ sức chọn đọc, phát hiện thơ . Xin nắm tay nhau, đồng lòng, hiệp sức cùng đi tiếp hành trình Thơ Bạn.

Hè 2012
Lý Phương Liên, Nguyễn Nguyên Bảy


A  99 CÂU THƠ
Thả về trời ngày Rằm Giêng
năm Ngàn tuổi Kinh Thành Cổ Tích

1. Thốn tam thù vị như hôi thố
  Văn thuyết tiên hoàng lệ ám huy
Ý nghĩa: Tấc lòng này hẳn chưa nguội lạnh như tro đất
 
Nghe nói đến Tiên hoàng luống gạt thầm giọt lệ ( Chu Văn An - Miệt trì)

2. Tạp tải hư danh an dụng xứ
  Hồi đầu vạn sự phó Nam kha
  Ý nghĩa:
  Ba chục năm hư danh có dùng được vào việc gì
 
Quay đầu lại vạn sự phó cho giấc Nam Kha.
  (Nguyễn Trãi - Loạn hậu cảm tác)

3. Áo chàng đỏ tựa ráng pha
  Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
  (Đoàn Thị Điểm – Chinh phụ ngâm khúc)

4. Tuyết in sắc ngựa câu giòn
  Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời
  (Nguyễn Du)

5. Mành rủ liễu, tán dương tùng
  Trúc khua vách đá, lan lồng áo tiên
  (Phạm Thái – 1776 – 1813)

6. Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,
  Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh!
  (Hồ Xuân Hương - Tự tình 3)

7. Tình ấy trăng kia ai biết với,
  Chia làm hai nửa dọi hai bên
  (Nguyễn Công Trứ - 1778 – 1858)

8. Nghĩ nguồn cơn thẹn với trời xanh,
  Tường nông nỗi giận cùng trăng bạc
  (Cao Bá Quát – 1809 - 1855)

9. Nào ai có tiếc ai đâu Áo bông ai ướt,
  khăn đầu ai khô?
(Tú Xương - Nhớ bạn)


 10. Câu thơ nghĩ đắn đo không viết
Viết đưa ai, ai biết mà dưa
(Nguyễn Khuyến – Khóc Dương Khuê)
...

Thơ Nguyễn Minh Khiêm



Thơ
NGUYỄN MINH KHIÊM

Huyền thoại đã bắt đầu như thế
Trích: Bầu trời màu hoa gạo


Hãy bắt đầu từ nơi dòng sông nghìn năm dệt lời ca nuôi đất
Trăm năm thơ sinh nở với cây cầu
Cờ đỉnh Ngọc tiếng hát mang màu lửa
Sông Mã mở buồm phù sa mướt nương dâu

Hãy bắt đầu từ nơi truyện Trạng Quỳnh chảy xuyên bao thế kỷ
Roi rói xanh lá cỏ đồng làng
Thơ Tản Đà miên man sóng vỗ
Câu hò Xứ Thanh nắng gió mênh mang

Hãy bắt đầu từ cổng làng Đông Sơn cổ
Trống đồng rung từ thuở các vua Hùng
Miếng trầu quả cau dắt nhau về lễ hội
Mắt mẹ cười ăm ắp lúa trĩu bông

Hãy bắt đầu từ bến đò Nam Ngạn
Lời giao duyên chật cả khoang thuyền
Ánh trăng khuya rơi đẫm vào sợi tóc
Trai gái cười như rượu thôi miên

Êm dịu quá! Xuân rực màu hoa gạo
Ngực quê ta khao khát cháy lên trời
Đêm cũng sáng giấc mơ ngời hạnh phúc
Mỗi bông hoa chót vót một nụ cười

Gió nồm nam bờ đê cong hương lúa
Cả núi Rồng dào dạt cánh ong bay
Chùm phong lan nở lời ru cổ tích
Bình minh gieo nắng mật cọng rơm gày

Sông Mã trong nghìn năm soi tận đáy
Thấm vào ta cả ngày xửa ngày xưa
Chạm nguồn cội những tên làng tên đất
Mẹ ru hời thanh thản tiếng gà trưa

Thuyền ngược Tén Tằn, thuyền xuôi Độc Cước
Muối mặn gừng cay no gió cánh buồm lên
Đò cập bến quế thơm trầu cánh phượng
Bà Triệu cũng về đầu ngõ hát giao duyên

Nhưng mẹ ơi không còn êm dịu nữa
Bom đã rung núi Ngọc núi Rồng
Hoa trái quê ta đã hú còi báo động
Giặc Mỹ điên cuồng trút lửa
Tiếng thơ rung
Đất sinh núi sinh sông đất sinh trang sử mới
Đất dựng phố dựng làng đất dựng niềm tin
Khuôn đúc trống đồng thành khuôn đúc tượng đài chiến thắng
Dân vũ dân ca thành đạn bay lên

Vai ai cũng thành vai chị Tuyển
Vác trăm cân băng chiến lũy chiến hào
Giọng ai cũng thành giọng chị Hằng hô bắn
Thiêu lũ giặc trời mọi tầm thấp tầm cao

Trâu cày ruộng, trâu cũng về kéo pháo
Súng trường mũ rơm trận địa rộng hơn làng
Cầu Hàm Rồng bắc trong từng hơi thở
Đạn bom cày, ngọn cỏ hát hiên ngang

Bom nổ Xứ Thanh làm chuyển rung nước Mỹ
Sông Mã hiên ngang dựng hai chữ Anh Hùng
Nhói mắt giặc ngọn đồi Quyết Thắng
Máu đẫm phù sa thành nhạc cả rừng thông

Huyền thoại đã bắt đầu như thế
Mẹ mở ra từ chiếc cối giầm trầu
Ngày mùng Ba mùng Bốn tháng Tư năm ấy
Giọt máu hiện về kể mãi tới muôn sau...

Thơ Nguyễn Minh Khiêm/ Tác giả gửi bài


Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

Thơ LÊ QUANG TRẠNG


Thơ
LÊ QUANG TRẠNG


GIẤC MƠ VỀ CÁNH ĐỒNG KÝ ỨC

Trở về giấc mơ cánh đồng
Tôi thấy những chỏm tóc thằng Cu thằng Tí
Bọn nó thả cánh diều vào ước mơ
Con cá rô vừa bắt vẫy vùng đòi về vũng chân trâu khô nước.
Ngoài hè
Kẽ lá vàng từng giọt nắng
Tiếng ru ngọt lịm nhỏ vào yêu thương
Mẹ gánh đôi thúng hàng rong tôi ngồi đùa nghịch
 Trong giấc mơ tôi thấy thằng bé ngồi trong gánh mẹ cười tươi.
Trong giấc mơ
Tôi gặp con cá lia thia thổi bọt vào ký ức
Lớp lớp khóm lục bình trôi
Bàn tay bé bỏng nâng niu từng đàn trứng nước
Tôi tắm tuổi thơ trong hương khói đốt đồng.
Trở về giấc mơ cánh đồng
Tôi thấy thằng bé ngày xưa đẹp lắm
Tôi bây giờ tìm lại tôi ngày ấy
Trong mơ!

 
NHỮNG CƠN MƯA CỦA MẸ TÔI

Những cơn mưa của mẹ tôi
Về trong đôi mắt
Mẹ gánh cả dòng đời
Lời ru vẫn ngọt lịm tận con tim.

Đôi mắt nhạt nhòa đi theo năm tháng
Những cơn mưa ướt áo cuộc đời

Nắng đã làm vơi đi dấu vết những cơn mưa.

Tôi lượm chiếc nón lá bạc màu
Mẹ đã đội suốt thời tôi thơ ấu

Vành vạnh những giọt sương ngày mới
Hơi tóc thân quen tôi nhớ cả cuộc đời.


Thảng thốt nỗi nhớ tôi gọi: Mẹ ơi!

Tôi đã thấy dáng mẹ đi trong cơn mưa theo năm tháng
Cơn mưa cuộc đời tôi mẹ đã che bằng cả hình hài.


 LŨ VỀ TRÊN KHÚC SÔNG MỸ LUÔNG

Con cá ru mùa
Điên điển dệt thành cổ tích

Mưa dầm
Ngọn gió cứ đi rồi về
Hoa rơi vàng cả một khúc sông.
Lóng lánh sao đêm
Những ngọn đèn làm vũ hội
Chợ đêm vừa nhóm
Đứa trẻ ngủ say trong góc xuồng chở đầy bông súng
Giấc mơ giữa chợ xôn xao
Sáng mai này đi học.
Lắc lẻo cầu tre
Mênh mang sóng nước
Xuồng ba lá
Lũ trẻ đến trường
Nụ cười
Đẹp như bông điên điển.

Thơ Lê Quang Trang/ NVH đọc chọn

THƠ NÚI VÀ LỤC BÁT HIÊN SÔNG CỦA TRẦN THẾ VINH


THƠ NÚI VÀ LỤC BÁT HIÊN SÔNG CỦA TRẦN THẾ VINH

  Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2012

Nguyễn Văn Hòa

Núi và lục bát hiên sông (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2012) của Trần Thế Vinh không hẳn là tập thơ xuất sắc, vẫn có những bài bình thường, nhưng cũng không khó để người đọc tìm ra những bài thơ hay, câu thơ hay và những tứ thơ lạ. Cả tập gồm 72 bài và được chia làm 2 phần:
Phần 1: Núi (gồm 51 bài thơ, chủ yếu là thơ tự do)
Phần 2: Lục bát hiên sông (gồm 21 bài thơ lục bát)          
So với thơ tự do và các thể thơ khác thì số lượng thơ lục bát chỉ chiếm khoảng 1/3. Nhưng tôi đánh giá cao những bài thơ lục bát của anh, bởi lối viết uyển chuyển, sáng tạo và có sự cách tân.
Tôi rất tâm đắc với quan niệm về thơ của Trần Thế Vinh:
Thơ là sóng trên mặt ao
Vỗ vào vách nứt xôn xao lòng hồ
Quan niệm ấy của anh mới nghe qua tưởng chừng như giản đơn nhưng ngẫm lại nó vô cùng sâu sắc và giàu ý nghĩa. Phải chăng, Trần Thế Vinh đã rất thành thật với quan niệm cầm bút của mình. Anh cũng không phải một nhà thơ dễ dãi chỉ cần có độc giả thôi là đủ. Với anh cuộc đời là mãi đi lên theo chiều hướng vận động, phát triển không ngừng. Người làm thơ cũng phải đặt mình trong guồng quay này của cuộc sống để cảm nhận cũng như sáng tác. Những người làm nghệ thuật nói chung, làm thơ nói riêng  hơn bao giờ hết cần tư duy nhạy bén và tầm tư tưởng tiến bộ để thơ mình hôm nay không lặp lại hôm qua. Trần Thế Vinh hiểu sâu sắc điều cấm kị của lao động nghệ thuật là lặp lại chính mình hay rập khuôn máy móc. Anh không chấp nhận sự lặp lại nhàm chán mà cần sự linh hoạt, nhạy bén theo quy luật của cuộc sống, theo sự phát triển của thời đại.

QUÊ MÌNH HÀ NỘI/ Văn ký NNB


QUÊ MÌNH HÀ NỘI

Văn ký Nguyễn Nguyên Bảy


Nhà hộ sinh Cây Đa Nhà Bò, căn nhà ngói nhỏ dốc Thọ Lão, vượt lên chừng hai mươi thước dốc là phố Lò Đúc thuộc bàng Cò, ngược lên là chợ Hôm, phố Huế, Vân Hồ…xuôi xuống là cửa ô Đông Mác, làng Thanh Nhàn, trường Lương Yên, xa nữa là Lò Lợn, là đê, là sông Cái…Tôi đã sống và lớn lên quanh quẩn vùng đất với những tên ký ức vừa nhắc thức, tính đến ngày rời Hà Nội, 1976, là gần ba mươi lăm năm. Cuộc ly hương trên chính quê hương mình nào ngờ dài quá, lâu quá, sau 30 năm, nửa đời người, tôi mới trở lại thăm quê lần nhất. Loạt bài viết dưới đây, chép lại cảm nhận tôi sau những lần trở về quê, như một chuộc lỗi vội vã, khi thấy tuổi tác đã đến hối thúc chân chậm chạp bước về nguồn cội đời người. Mời đọc để yêu quê mình, Hà Nội.

1. Sau Ba Mươi Năm, Trở Về…

Tựa của Bài tạp văn này viết đầy đủ là Sau Ba Mươi Năm, có một người trai Hànội, trở về quê mình – Kinh Thành Cổ Tích
Cớ chi lâu vậy,người trai? Sài gòn Hà Nội nào có xa gì mà tha hương ba chục năm hôm nay mới một lần quay về? Cớ chi người trai không thưa lời, lại khóc.
Tôi là người trai ấy. Rời Hànội vào Sài gòn lúc tuổi ngoài ba mươi tóc còn xanh mướt, nay tóc dẫu nhuộm vẫn trắng gầy. Tôi tháo kính mắt, dang tay hít một hơi dài cái gió còn lạnh Bân của Nội Bài Hànội. Gió lạ mà quen hay gió quen mà lạ? Không biết. Chỉ biết rằng, ngày ra đi nơi này, Nội Bài, chỉ là những cánh đồng ngô lúa, mà nay đã là một sân bay, tuy chưa hùng vĩ như sân bay Bắc Kinh hay Seattle nhưng cũng đáng mặt con gái nước mình đi dự thi hoa hậu hoàn vũ vậy. Tôi lên xe bus, bảo là xe của hàng không, về Hànội thu vé ba mươi ngàn đồng. Rẻ thuận. Xe vào đường cao tốc. Bác tài tuổi chừng tuổi ngày tôi xa Hànội. Tôi nhìn bác, bỗng thấy gần, thấy mến, vì chẳng hiểu ngẫu nhiên gì bác lại mở băng nhạc dân ca đồng quê Bắc Bộ, ru đưa tôi về Kinh Thành Cổ tích :


Nơi ấy
Tôi là đứa trẻ đẻ rơi
Mẹ dệt lụa trên cầu giải yếm
Các bà tiên chuyền tay nhau bú mớm
Chuyền tay nhau hát hò
Chày Yên Thái tôi nghe
Trái bàng rơi tôi nhặt
Gạo Làng Gióng tôi ăn
Sông Cái lắm thủy thần
Rằm Mồng Một dâng hoa chùa Bộc…

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

Nguyễn Anh Thuấn/ Đò đưa thơ Nguyễn Tiến Lộc

larung

“THAY LÁ” MỘT BÀI THƠ HAY – Nguyễn Tiến Lộc


THAY LÁ

Không thể giữ mãi những lá cũ trên cành
Những phôi lá còn nằm trong ruột gỗ
Dù phải xót xa, dù tột cùng đau khổ
Cây vặn mình thay lá để mà xanh.


Nguyễn Anh Thuấn, đò đưa

Bài thơ ngắn, rất kiệm lời mà có nhiều ý hay, kín đáo. Nếu liên hệ với tình hình xã hội hiện nay, ta thấy có nhiều thú vị, thích hợp. Đầu đề bài thơ là “THAY LÁ”, ”thay” có nghĩa là chủ động bỏ một thứ này, vật này, người này để dùng một thứ, một vật, một người khác mà chắc là phải tốt hơn, đẹp hơn, giá trị và hữu ích hơn.
“Không thể giữ mãi những lá cũ trên cành “
Câu thứ nhất này như một định đề, lá cũ rồi , “không thể giữ mãi”, chữ “mãi” phần nào nói được thời hạn, hữu ích của lá đã quá hạn rồi, cần phải thay thôi. Nhưng thay như thế nào, cứ để nó tự úa vàng đi, khắc tự rụng xuống, lá rụng về cội, rồi nó tự mục, theo quy luật sinh, bệnh, lão, tử cũng là môt cách thay. Nhưng tác giả không nói đến sự tuần tự nhi tiến, cái quy luât của muôn đời và muôn loài ấy mà để độc giả tự hiểu, thơ đâu có phải là quần áo mà cứ đòi nhau phải “cởi phăng” ra.
Trở lại vấn đề “thay”, tác giả chỉ yêu cầu thay, chứ không phải loại hay bỏ, cho nên tác giả nói “không nên giữ mãi” là nêu vấn đề một cách không gay gắt, mà có chừng mực.” Thay “ có nghĩa là thay cũ, đổi mới, chứ không phải đốn bỏ, cách mạng.Và thay ở đây là thay lá, lá trên cành, mà cành là nơi lá thoát ra để đón nhận ánh năng măt trời, một thứ không thể thiếu được đối với tất cả côn trùng,cỏ cây, hoa lá, động vật ,con người.
Ở trong bài thơ này, cành và lá là những bộ phận của cây sẽ thay đổi, còn thân, gốc, rễ, những cái cốt lõi vẫn giữ nguyên. Đến đây, chủ đề của bài thơ được dần dần hé mở.
Tại sao phải thay? Vì không thích nữa, không hợp nhau, vì mâu thuẫn, vì thiếu năng lực,hoặc ghét nhau .. đây là nói về người, tác giả không nói đến, người đọc tự hiểu, đó là điều rất tế nhị. Còn về “lá”, tác giả nói là vì “cũ” . “Lá cũ” nên phải thay là rất chính đáng. Bởi vì, lá có chức năng tiếp nhận ánh nắng mặt trời để chuyển hoá các chất dinh dưỡng lấy từ đất mà nuôi cây. Lá cũ,-
chức năng ấy không còn, cây sẽ chết. Nhưng đừng lo. Đội quân thay thế đã sẵn sàng :
“ Những phôi lá còn nằm trong ruột gỗ”
2–Những mầm non,lá non đang ủ ở trong thân, trong cành đã hội tụ đủ điều kiện để thành lá rồi, chúng đang ở tư thế một sớm, một chiều để thay thế vị trí của những chíếc lá cũ. Đã là lá cũ, hết chức năng chuyển hoá diệp lục tố chắc hẳn phải là lá vàng. Lá vàng nhường chỗ cho lá xanh là hợp đạo lý.Vậy tại sao ở câu thứ ba, thứ tư tác giả lại viết:
. “Dù phải xót xa, dù tận cung đau khổ”
“Cây vặn mình thay lá để mà xanh. “
Một câu thôi mà nhắc lại hai lần chữ “dù”, chắc hẳn, không thể là sự vô tình đối với một nhà thơ đã cho ra đời năm tập thơ. Phải chăng, vì “lá trên cành” là những bộ phận hữu cơ của cây, có chức năng vô cùng quan trọng trong việc duy trì sự sống của cây, đã có “vấn đề” rồi, nên bây giờ phải thay đi, nhưng chúng cứ ì ra thì cũng phiền cho quá trình “thay lá” đấy. Và phải xa những gì mình trước đây gắn bó nhất với sự sống còn của mình, cây tại sao lại không đau xót cơ chứ, nó đau sót vô cùng là nó rất “người’. Ở đây, cây là chủ thể của sự “Thay Lá’, là nhân vật quyết định, còn lá là đối tượng của sự thay lá. Phải thay những gì gần gũi nhất của mình, giống như những cây bạn bè,những thân, những cành, những lá, đã từng ở cạnh nhau, đã từng chịu bao trận phong ba bão táp, gió mưa sấm sét , nay phải rời xa nhau, hỏi sao lại không đau khổ; đau khổ đến tột cùng là phải lắm.
Nhưng không thể không thay,nếu không thay, cây không thể xanh được, mà sẽ tàn lụi rồi chết, chết cả lũ . Cho nên thân cây mới phải “ vặn mình” , còn nếu chỉ “nghiêng mình”, “lắc mình” , tự đung đưa, rung rinh thì dù là “lá cũ” , nhưng với bản năng tham sống sợ chết, ham nọ, cố kia của tất cả muôn loài, lá vẫn cứ muốn bám lấy cây, bám đến cùng, còn lâu mới chịu rụng. Phải chịu “vặn mình”, tức bản thân “cây” phải chịu những cơn đau đớn mới rũ được những chiếc lá cũ kĩ kia, giống người đàn bà phải chịu đau đớn mà dặn mạnh thì đứa con mới ra đời được. Ai dám bảo rầng công cuộc đổi mới của chúng ta không có những cơn đau.
Thay lá “để mà xanh” vì lá cũ rồi, đừng để đến lúc lá vàng rụng xuống sẽ muộn mất, lập luận của bài thơ rât là lô-gích. Bài thơ của Nguyễn Anh Thuấn được in ở báo Văn Nghệ Số Tết Kỷ Sửu, 2009, đã phản ánh đúng bản chất công cuộc đổi mới ở nước ta. Bài thơ thấu tình đạt lý, nói it mà hàm ý sâu xa, lớn lao .Chỉ tiếc một điều, về mặt từ ngữ, chữ “gỗ” ở câu thứ hai không chuẩn, vì gỗ là một thân cây đã chết, không thể chứa “phôi lá” được. Nhưng thôi, trách làm chi, ngọc nào cũng có vết.
Vanhac.org

Văn luận TRẦN HUY THUẬN




HẢI NHƯ
MỘT QUAN NIỆM VĂN HỌC


Trần Huy Thuận


Xuất phát từ nhận định: “Mỗi con người là một vũ trụ riêng” (Emerson, triết gia Mỹ), nhà thơ Hải Như thường tự nhủ rằng: “Văn học là khoa học khám phá LÒNG NGƯỜI” – ông viết: “Con người ngày càng làm chủ kỹ thuật hiện đại nhưng mãi mãi không làm chủ được lòng mình1. Và ngay từ khi bước sang tuổi ngoài “thất thập”, ông đã tâm sự: “Người làm văn học – các nhà văn, nhà thơ có sứ mạng cao quý giúp con người nhận diện được mình qua những trang sách, giúp con người tự vấn lương tâm, thanh lọc mình1. Ông còn quan niệm rằng “Văn học mang tính độc lập và đòi hỏi độc lập cao… Người làm văn học phải dám là mình với niềm tự tin cao1. Đầu xuân năm nay, trả lời phỏng vấn vietnamnet.vn, Hải Như đã nói: "Làm thơ, viết văn là sáng tác ra tác phẩm nói lên những vấn đề của con người gắn với thời cuộc, thời đại. Người cầm bút cần phải có năng lực dự báo, là cánh chim báo bão, là người đi đầu phản biện góp phần cho sự phát triển các giá trị Chân-Thiện-Mỹ trong xã hội; đem hồn thơ làm thắm đượm hồn người, thơ không nên chỉ lo phục vụ chính trị, mà phải "văn dĩ tải đạo"( http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/tuanvietnam/108450/nha-van--xin-dung-tu-troi-buoc-minh.html)


Khi tranh luận với Nguyễn Khắc Phê (nhân đọc bài của nhà văn này “Không nên tự trói buộc mình” trên tờ Văn Nghệ 23/6/2007), Hải Như đã  dẫn chuyện nhà chí sĩ Nguyễn Thượng Hiền, một người nổi tiếng thời Đông Kinh Nghĩa Thục: “Đã mượn lúc say tự tay lấy tập thơ của mình ra châm lửa đốt”. Giải thích cho việc làm đó, Nguyễn Thượng Hiền nói: “Thơ ta trau chuốt bởi hám danh / Say đốt quách đi dạ chẳng đành / Chưa dễ về sau lừa kẻ khác / Mà còn giữ mãi mệt thân mình” và Hải Như khẳng định: mọi thời đều có hai dòng văn chương song hành, đó là dòng văn chương ưu thời dòng văn chương xu thời. Nhà thơ cho rằng ngay trong một nhà văn, nhà thơ, cũng có khi phân thân, lúc xu thời, lúc ưu thời, như trường hợp Chế Lan Viên, khi cuối đời nhà thơ này đã viết:
… Mậu Thân hai ngàn người xuống đồng bằng Chỉ một đêm còn sống có ba mươi Ai chịu trách nhiệm về cái chết hai ngàn người đó? Tôi – người làm những câu thơ cổ võ Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong…
Quan niệm trên của Hải Như, nhất quán trong hầu hết các phát biểu cũng như bài viết của ông.
Trong bài “Chỉ có một nhà văn2 nhà thơ Hải Như đã vạch trần một thực tế của hội Nhà văn Việt Nam, đó là vấn đề HỘI VIÊN. Ông viết: “Có thể nói chưa có nền văn học nào có nhiều phân biệt như nền văn học chúng ta. Chúng ta có nhà văn địa phương, nhà văn trung ương, nhà văn trong đảng, nhà văn ngoài đảng, nhà văn hội viên, nhà văn chưa hội viên, nhà văn ban chấp hành, nhà văn ban thư ký… Có nghĩa là muốn được công nhận (đồng nghĩa với được đứng trong biên chế hưởng đặc quyền đặc lợi). Trở thành một hội viên hội nhà văn Việt Nam hôm nay, người cầm bút phải phấn đấu từng mức thang trong mục tiêu, mà quên một mục tiêu duy nhất để trở thành nhà văn, đó là TÁC PHẨM – Không ít nhà văn hội viên chúng ta chưa có tác phẩm. Ở đây chúng ta đừng lẫn lộn giữa đầu sách được in với tác phẩm văn học”. Ông nhấn mạnh: “Nói đến nhà văn là phải nói đến độc giả. Độc giả không chỉ một thời mà độc giả lâu dài do sức bền của tác phẩm nhà văn tạo nên”. Và (nhà văn) hãy “Bằng vào tác phẩm, làm giấy thông hành cho mình”.
Trong bài thơ “TRẢ LỜI BẠN ĐỌC”, Hải Như đã thẳng băng:
Trên báo Văn Nghệ khi điểm các nhà thơ thế hệ chống Pháp
Không thấy nhắc tên Hải Như
Trên báo Văn Nghệ khi điểm các nhà thơ chống Mỹ
- cũng không thấy!
Xin cho hỏi nhỏ: Tại sao vậy?
- Tại nhà thơ bạn mến mộ không nằm trong Dàn Đồng Ca...
(Sài Gòn, tháng 5 – 2003)
Trong Đề cương kịch bản Trương Chi – tiếng hát bị nhốt”, Hải Như đã có một tuyên bố rất mạnh, rằng “Khi người nghệ sĩ mang tài năng và nghệ thuật của mình phục vụ nhà cầm quyền thì nghệ thuật đó trở thành công cụ của nhà cầm quyền. Nghệ thuật dần dần bị “cung đình hóa”3.
Trước sau, Hải Như luôn khẳng định: “Đề tài của nhà thơ, nhà văn phải là đề tài có tính nhân loại, cái mà nhân loại quan tâm. Con người thuộc mọi dân tộc, mọi mầu da, mọi thời đại đều yêu cái đẹp, cái thật và ghét cái xấu, cái ác – đều hướng về chân-thiện-mỹ. Chức năng của văn học là làm thức tỉnh con người trở lại “chân thân”. Đối tượng của văn học là con người, không phân biệt đức vua với lê dân. Đức vua cũng cần được nhà thơ, nhà văn thức tỉnh như một người cùng dân4. Một lần tôi được nhà thơ tâm sự: w.withman ( nhà thơ Mỹ: 1819 -1892) có nói: ai xúc phạm con người là xúc phạm chính Tôi. Tôi tự hỏi, không biết có bao nhiêu người cầm bút chúng ta đã nghĩ và nói được như thế?!.
Nhà thơ không chỉ là pháp sư ngôn ngữ mà phải là nhà tư tưởng. Người làm thơ phải ý thức được quyền lực thơ ca và quyền uy thi sĩ”. Hải Như khẳng định.
Ngay trong bài thơ TỰ BẠCH (viết năm 1978), Hải Như đã trải lòng:
Thơ của anh viết ra không để cho người lười suy nghĩ đọc
Anh không thuộc dòng thù tac – sân chơi
Nhiệm vụ thơ ca với anh phải có ích cho đời
Em xem đó con người vẫn còn bị con người xúc phạm
Trong bài thơ viết sau đó hai năm, bài MỘT TRĂM NĂM SAU, Hải Như thêm một lần khẳng định quan điểm của mình:
Nhưng không phải ai cũng nhân danh nhà thơ em nhỉ Tiêu chuẩn nhà thơ: Bênh vực con người”.
Do “bênh vực con người”, nên:
Mọi người sinh ra đều sống một lần. Riêng nhà thơ hai lần được sống
Lần thứ hai không giới hạn trăm năm
” (trích Thơ: “Trò chuyện với Kỳ Anh” – con trai nhà thơ Hải Như)
Trong suốt cuộc đời làm thơ của Hải Như, ông là bạn bè thân thiết của rất nhiều thế hệ nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ, trí thức như nhà viết chèo Tào Mạt, nhà thơ Quang Dũng, nhạc sĩ Văn Cao, học giả Đào Duy Anh, nhà nhiếp ảnh Võ An Ninh, KTS Nguyển Cao Luyện, nhà báo Phùng bảo Thạch, hòa thượng Thích Đức Nghiệp… Hải Như cũng là bạn thân của khá nhiều chính khách như Phan Điền, Đoàn Duy Thành, Hoàng Tùng, đặc biệt là Trần Xuân Bách. Ngay cả thời gian ông Bách bị “quản thúc lỏng” cho đến khi được “phục hồi”, năm nào vợ chồng Hải Như cũng ghé thăm nhà, ngược lại, vợ chồng ông Bách cũng nhiều lần đến thăm gia đình Hải Như. Đó tuyệt nhiên chỉ là những mối quan hệ trong sáng, giữa con người với con người! Ông được mệnh danh là nhà thơ có nhiều bài thơ viết về Hồ Chí Minh, nhưng cách viết của ông là cách viết rất riêng, không hề lẫn với nhiều nhà thơ khác. Ông tâm sự: “tôi đề ra cho mình phương châm: Không thần thánh hóa mà người hóa Bác Hồ”. Để chứng minh quan điểm ấy, ngay từ năm 1990, nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Hồ Chí Minh,  Hải Như đã có bài viết nhan đề “Bác Hồ cũng có những hạn chế - tại sao không?5. Bản thân Hải Như là nhà thơ chiến sĩ (ông tham gia quân đội từ năm 1946), có hàng trăm bài đăng trên báo Nhân Dân; em và con trai ông là liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Vậy mà chưa bao giờ ông nghĩ mình phải đừng trong hàng ngũ của đảng. Có lần một chính khách thân thiết đã đem điều đó hỏi ông, ông trả lời: Tôi muốn mình như một gián quan, một nhà thơ gián quan!  
***
Hải Như là nhà thơ dịch chuyển, hay đi đây đi đó. Ông để lại dấu ấn tình nghĩa với rất nhiều địa phương ông ghé qua bằng những vần thơ say đắm được rất nhiều nhạc sĩ tiếng tăm phổ nhạc: Từ “Thành phố hoa Phượng đỏ”, đến “Thành phố tiếng thoi”; từ “Hà Nội thành phố của niềm tin” đến “Hà Nội hôm nay, Hà Nội ngày mai”; từ “Ninh Bình điểm hẹn” đến “Khúc tình ca Bình Định”; từ “Nụ cười Đà Lạt” đến “Gửi Phan Thiết”; từ “Hát từ bán đảo Phương Mai” đến “Sông Hàn nước vẫn xanh”… Năm nay Hải như bước qua tuổi 90, sức khỏe nhà thơ có phần giảm sút, nhưng sức sống, sức sáng tạo và tình yêu đất nước, con người trong ông thì như vẫn tràn đầy. Ông vẫn sáng tác, vẫn trả lời phỏng vấn, vẫn đọc văn chương của bạn bè, của cả thế hệ sau ông. Ông không hề có tư tưởng ngơi nghỉ, dưỡng già. Gần đây thấy tôi mắc bệnh trọng, ông vẫn thường xuyên gọi điện động viên: “gắng vượt qua nhé, chúng ta còn phải tiếp tục sống, chưa thể buông tay bút được”.
Tôi quý trọng tài thơ của Hải Như, trước hết là quý trọng tấm lòng của ông với CON NGƯỜI, đặc biệt là lớp người cùng đinh. Và đó chính là những gì tôi nhận ra khi được tiếp xúc ông và sau khi đọc tập “CÓ HAI DÒNG VĂN CHƯƠNG” của nhà thơ./.

Nam Định, 26/3/2013
THT
Tác giả gửi bài
---------------
“CÓ HAI DÒNG VĂN CHƯƠNG” – Hải Như. NXB Trẻ 2009.
1.Sách đã dẫn, trang 176-179.
2. Sách đã dẫn, trang 180.
3. Sách đã dẫn, trang 134.
4. Sách đã dẫn, trang 166.

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

Thử xem ảnh nude nghệ thuật của Dương quốc Định

Huy chương vàng: "Chất liệu sống"
... và hơn nữa


Dương Quốc Định, sinh năm 1967, tại Đồng Nai, tốt nghiệp chuyên ngành đồ họa công nghiệp năm 1989. Sở trường của anh là chụp ảnh nude. Anh đã có 8 năm trải nghiệm với thể loại nhiếp ảnh nhạy cảm nhưng đầy tính nghệ thuật này. Điểm đặc biệt là mỗi năm, anh chỉ đầu tư tâm sức để chụp cho một người mẫu nude duy nhất.

Bức ảnh nude đầu tiên của Dương Quốc Định là "Chất liệu sống". Anh kể, có lần một tiệm tóc thời trang nhờ anh chụp các mẫu tóc quảng cáo. Cô người mẫu nhà ở gần đấy, sau đó trở nên thân thiết với vợ chồng anh. Qua tâm sự, anh biết cô ấy có một chuyện tình rất buồn và cảm nhận được ở cô sự nhọc nhằn của kiếp người, cái nghiệt ngã của hồng nhan đa truân. Anh trình bày ý tưởng và đề nghị cô làm người mẫu trong một bức ảnh nude. Cô đồng ý và bức "Chất liệu sống" ra đời. Lúc đầu Định chỉ có ý chụp tặng nhưng sau đó đọc được những thông tin về cuộc thi ảnh nghệ thuật ở Ấn Độ, anh gửi tham gia và bức ảnh đoạt huy chương vàng. Đó cũng là kỷ niệm đầu tiên khi bước vào làng nhiếp ảnh của anh.

"Chất liệu sống" là bức ảnh nude đầu tiên của Dương Quốc Định

Anh quan niệm: "Nude không phải là ghi nhận lại hình thể của người phụ nữ một cách dung tục, sexy, gợi dục mà muốn mượn vẻ đẹp trời phú cho thân thể người phụ nữ để làm chất liệu, thể hiện ý tưởng nghệ thuật của mình".

Để thuyết phục một người mẫu chụp nude cho mình, nhiều khi anh phải mất nhiều tháng để tìm hiểu rồi giải thích và khiến họ hiểu rõ ý nghĩa đích thực của ảnh nude. Chỉ đến khi họ cảm nhận được những giá trị nghệ thuật bằng cái tâm thì mới có thể thoát tục, hòa mình vào những bức ảnh để đời, lưu giữ vẻ đẹp tuổi thanh xuân. Cũng có không ít trường hợp thuyết phục không thành công vì nhiều lý do liên quan đến những định kiến xã hội.

Trước khi thực hiện bộ ảnh, anh cũng như nhiều nhiếp ảnh gia khác, sẽ cùng người mẫu ký vào một văn bản ràng buộc, đảm bảo họ ý thức được rõ công việc mình đang làm và tránh những sự việc đáng tiếc sau này. .
Sở trường của Quốc Định là chụp ảnh nude. Anh đã có 8 năm trải nghiệm với thể loại nhiếp ảnh nhạy cảm nhưng đầy tính nghệ thuật này.
Sự nghiệp ảnh nude của Dương Quốc Định những năm qua chủ yếu dựa trên 8 người mẫu và anh tự nhận rất khó tính trong tuyển chọn mẫu. Người mẫu ảnh của anh phải trẻ đẹp, biểu cảm có hồn mà tư cách đạo đức phải tốt và không thể thiếu sự đồng thuận của gia đình. Chụp thể loại nude khá nhạy cảm nên ban đầu đa phần người mẫu không chuyên nên tỏ ra e ngại và xấu hổ vì thế, việc rất quan trọng của nhiếp ảnh gia là phải tạo ra một không gian nhẹ nhàng và tâm lý thật thoải mái cho người mẫu.


"Để một bộ ảnh nude thành công, trước hết, nhiếp ảnh gia phải tôn trọng người mẫu của mình từ trong tâm. Có như thế mới khiến người mẫu dễ dàng tạo dáng, thả hồn vào những bức ảnh", anh chia sẻ thêm. Điều đặc biệt, những người mẫu chụp nude cho Quốc Định đều đồng ý chụp miễn phí bởi họ ý thức được công việc của mình là đang cống hiến và lao động vì nghệ thuật.
.
Mỗi năm, anh chỉ đầu tư tâm sức để chụp cho một người mẫu duy nhất.

Dương Quốc Định từng đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước, trong đó nổi bật nhất là giải cao nhất tại cuộc thi ảnh quốc tế Giuliano Carrara lần thứ VII ngày 11/5/2008 tại Italy. Tại giải thưởng này, Quốc Định chiến thắng ở cả 5 hạng mục, vượt qua gần 4.000 bức ảnh dự thi của 368 tác giả thuộc 33 nước.

Hiện anh là nhiếp ảnh gia tự do ở Đồng Nai, để kiếm sống, mỗi tháng anh chỉ chụp một bộ ảnh duy nhất, bất kể thể loại gì và dành rất nhiều tâm huyết để trau chuốt và đầu tư cho tác phẩm của mình. Ngoài nude, phong cảnh và tĩnh vật cũng là những lĩnh vực khiến Quốc Định say mê.

Bộ ảnh thiếu nữ khỏa thân của Dương Quốc Định:

.

.

.

..

.

SuZi Nguyễn/ From songthu

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2013

Chùm thơ mới của Việt Phương


Thơ
VIỆT PHƯƠNG

Học nhìn thời thế từ dân
Thấy trong thấy đục  thấy gần thấy xa Tuần Việt Nam trân  trọng giới thiệu

THƯỜNG

Cái đời thường gọi đời thường
Bao nhiêu cao cả đều nương  đời này

Dẫu cho bẩn thỉu bủa vây
Dẫu cho lừa mị phơi bày nhiều  nơi

Đời thường đời của con người
Bao nhiêu đau khổ không lời kêu  than

Chất chồng nỗi ức niềm oan
Một lòng tha thứ muôn vàn tình  thương

Bao năm gánh vác dặm trường
Phũ phàng trĩu nặng buốt xương vai  gầy

Ngày qua rồi lại qua ngày
Đêm đêm giữ đức tin này trong  sương

Cái đời thường gọi đời thường
Đẹp như cô gái góc đường bán  xôi



NGHIÊNG

Đám mây đang vẫy ở phía trời xa
Hãy vươn mình lên đừng  sa sút xuống

Nhặt mớ rau muống chọn mấy củ hành
Vắt nửa quả chanh thơm  đĩa bánh cuốn

Ở ven bờ ruộng có con cào cào
Nơi cõi đời nào người thao  thức gió

Trên đầu ngọn cỏ triết học nằm nghiêng
Cắt mấy lát riềng mà  kho khúc cá


DUYÊN

Nhìn mưa lại thấy không  mưa
Không thừa không thiếu chỉ vừa đủ thôi

Những gì được gọi là  đời
Khi vui thì khóc khi cười thì đau

Lúc nào chậm lúc nào mau
Đêm  qua đã hết bắt đầu hôm nay

Lòng thành mở rộng vòng tay
Ôm không gì cả  cho đầy cơ duyên

Trên sông trôi một lá thuyền
Giữa đường vọng một ước  nguyền xa xôi


ĐÔI

Xin giấc mơ là giấc mơ mãi  mãi
Lá miên man chờ đợi dọc con đường
Lòng hững hờ bỗng trở thành mê  mải
Bông hoa rừng không hái lạ lùng hương

Xin dòng sao là dòng sao mãi  mãi
Tất cả thôi trống trải ấm chân trời
Không có gì đầy tràn manh áo  vải
Mầm non tơ thơ dại nhú từng đôi



XIN

Xin người là một giấc mơ
Để  còn trắng một đợi chờ trên mây

Xin người là một vòng tay
Để còn rớt  một mê say giữa đường

Xin người là một chiều sương
Để còn đọng một xót  thương trong lòng

Xin người là một cuối đông
Để còn ấm một ráng hồng  đầu xuân

Xin người là một rất gần
Để còn vọng một tiếng ngân dịu  dàng



MỜI


Học nhìn thời thế từ  dân
Thấy trong thấy đục thấy gần thấy xa

Thấy chân thành thấy gian  tà
Thấy ai đủ rõ thấy ta thật người

Bao nhiêu là những xu thời
Bấy  nhiêu là những đua đòi lợi danh

Nào đây thủ đoạn gian manh
Nào kia mưu  mẹo xoay quanh ghế ngồi

Rồi thì cũng đến tháng mười
Để còn nghe được  những lời yêu thương

Yêu từ ngọn cỏ đầm sương
Thương từ những kiếp lạc  đường bơ vơ

Đã từng chín đợi mười chờ
Thuở xưa năm ấy bây giờ mai  sau

Đợi chừng nào gọi là lâu
Chờ làm chi  bước qua cầu mà  đi

Vẫn còn phượng đỏ mùa thi
Vẫn còn rừng núi mấy kỳ chiến  tranh

Vẫn còn một giọt nắng hanh
Vẫn còn dòng sữa long lanh giữa  trời

Còn nhiều ấp ủ sinh sôi
Còn bao trai gái của thời ngày  nay

Cầm niềm tin vững trong tay
Ngày mai đang đợi phút giây vào  đời.

Còn tha thiết lắm cõi người
Còn năm mới đến gọi mời  đầu hiên

Copy từ LXQ.org


Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

Mỹ thuật nữ

Châu Giang, Quỳnh Giang, Chinh Lê, Thắm Poong…
Những nữ họa sĩ tài năng tại Art Vietnam 


Nhân dịp Ngày Quốc tế Phụ nữ vừa qua, Art Vietnam đã tôn vinh các nữ họa sỹ tài năng.
Art Vietnam Gallery nhân cơ hội rất đặc biệt, là ngày Quốc tế Phụ nữ, xin tôn vinh những nghệ sỹ nữ tài năng mà chúng tôi có vinh hạnh được hợp tác trong những năm vừa qua.
Mỗi họa sỹ, với những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của họ, theo những cách khác nhau, đã khắc họa thế giới nội tâm của phái nữ và những khó khăn họ phải vượt qua để giữ sự cân bằng trong một thế giới vẫn bị đàn ông chi phối.
Hãy cùng với chúng tôi, chúc mừng những người phụ nữ tuyệt vời này.

1. Tranh của Nguyễn Thị Châu Giang thể hiện thế giới bên trong của một phụ nữ Việt. Đó là những khoảng riêng tư mà hầu như không bao giờ mở cửa với bên ngoài. Ở đó ta thấy niềm vui lẫn cả những nỗi buồn khó tả, từ việc sinh con và vì thế mất đi cái tôi của họ, những phức tạp về văn hóa, khó khăn trong cuộc sống với chồng và mẹ chồng. Một số tranh lụa gần đây của cô thể hiện nỗi thất vọng xuất phát từ việc mơ ước quá nhiều, bốn trong loạt tranh này đã được bảo tàng Nghệ thuật Singapore sưu tập.
Loạt tác phẩm Khiêu vũ với Mặt nạ gần đây khắc họa sự khó khăn và vất vả của một người nữ trong thế giới của phái mạnh, sự đấu tranh giành lấy thân phận và cái tôi của mình.
Cô là một trong bảy họa sỹ nữ của Việt Nam có tranh trưng bày tại các bảo tàng trong triển lãm quốc tế Thay đổi thân phận: Các tác phẩm gần đây của họa sỹ nữ Việt Nam. Còn là một nhà văn thành công, Châu Giang đã xuất bản và nhận được nhiều giải thưởng văn học cũng như hội họa và được đánh giá là một trong những phụ nữ tài năng hàng đầu của Việt Nam.

Nguyễn Thị Châu Giang, “Going to sleep”, 2010, màu tự nhiên trên lụa, 160 x 80cm.


Nguyễn Thị Châu Giang, “There is a Devil Inside Everybody”, màu tự nhiên trên lụa, 180 x 90 cm.

2. Lý Trần Quỳnh Giang là một trong những họa sỹ nữ đặc biệt nhất ở Việt Nam và là một tài năng đầy hứa hẹn. Giũ bỏ hết quy tắc, Giang luôn theo đuổi một phong cách riêng độc đáo trên một con đường cô độc. Vốn được đào tạo về in tranh khắc gỗ, cô đã từ bỏ nó ngay sau khi thực hiện bản in đầu tiên.
Chuyển động sang mảng tranh sơn dầu với gam màu xanh dương, xanh lá cây trầm, với phong cách gợi nhớ nhiều họa sỹ trường phái ấn tượng châu Âu, Giang thấm đẫm tranh của cô một bầu không khí như của một cô gái trẻ Việt Nam ẩn mình trong thế giới riêng, cái thế giới luôn đối nghịch với cuộc sống quanh cô. Tranh của Giang đã đi vòng quanh thế giới trong triển lãm “Thay đổi thân phận” của bảy họa sỹ nữ Việt Nam. Phụ nữ trong tranh Lý Trần Quỳnh Giang ít khi tuân theo những tiêu chuẩn truyền thống về cái đẹp hay sự tao nhã, những khuôn đúc cho phụ nữ Á châu. Thay vào đó, Giang chọn cách vẽ từ cuộc sống nội tâm bên trong cô, sáng tạo những tác phẩm thể hiện mặt trí tuệ và cảm xúc của nữ giới Việt Nam thế kỷ 21.
Các tác phẩm khắc gỗ gần đây của Giang là những tác phẩm mạnh mẽ nhất từ trước đến nay. Những bức chân dung được khắc tỉ mỉ nhìn chòng chọc vào người xem một cách đầy khiêu khích. Những con cú ngậm đầy miệng, những con ong nhung nhúc bu quanh người tạo ra một ấn tượng mãnh liệt mà không ai có thể bỏ qua hay trốn chạy. Sử dụng vẻ đẹp phức hợp của cú và ong cho thấy nghệ sỹ bị cuốn hút mạnh mẽ vào những mâu thuẫn đối nghịch của cuộc sống. Tối sẫm và nguy hiểm, lo sợ và điên loạn, sự mãnh liệt của những sinh vật này tạo ra một sự trầm tĩnh trong thế giới riêng của cô nơi ấy cô có thể ẩn náu.

Lý Trần Quỳnh Giang, “Sleeping season I”, 2009, khắc gỗ, 98 x 72 cm.


Lý Trần Quỳnh Giang, “Self portrait”, sơn dầu trên canvas, 70 x 150 cm.

3. Nguyễn Lan Hương là một phụ nữ trẻ trầm lặng người thể hiện cảm hứng của mình từ hình ảnh người dân tộc H’mong miền Bắc Việt Nam. Hương đã sống ở vùng cao với người H’mong trong nhiều tháng, quan sát cuộc sống hàng ngày và lối sống du cư của họ. Những tác phẩm sơn mài tuyệt đẹp của cô kể cho ta nghe câu chuyện về người H’mong và từng ngày của họ đã như thế không đổi hàng trăm nay nay rồi. Ta sẽ thấy hầu hết đều được bao quanh bằng thức ăn và âm nhạc, một sự pha trộn đơn giản nhưng đầy ý nghĩa của lao động, sinh tồn và vui sống.
Hầu hêt các tác phẩm của Hương khắc họa những người phụ nữ như là trung tâm của cuộc sống bền vững của cộng đồng, trong khi những người đàn ông chuẩn bị nơi ở mới. Các tác phẩm sống động và đầy màu sắc phản ánh tình yêu và sự gắn bó của người H’mong với thiên nhiên cũng như lối sống du cư yên bình của họ.

Nguyễn Lan Hương, “Love of the Sisters”, 2009, sơn mài, 60 x 60 cm

4. Nguyễn Thị Chinh Lê là một họa sỹ, nhà điêu khắc và nhà thơ. Cô đã dùng rất nhiều phương pháp khác nhau để thể hiện sự ôn nhu của tâm hồn mình với những đề tài như thiền, tình mẫu tử, thế giới tâm linh cũng như chuyện gia đình. Từ tác phẩm của cô tỏa ra một sự tĩnh lặng lạ thường, cái bình yên tràn ngập những căn phòng nơi treo tranh của cô. Cô là một trong những họa sỹ truyền thống nhất trong hội họa đương đại Việt Nam, và một trong những họa sỹ hứa hẹn nhất. Chinh Lê đến từ một gia đình nghệ sỹ và điều này thấy rõ hơn với sự đa dạng trong tác phẩm của cô. Tranh lụa, sơn dầu, sơn mài, tượng đồng, thể hiện sự đa dạng trong tài hoa của cô.
Những tác phẩm gần đây nhất của Chinh Lê là loạt tượng đồng với đề tài Thiền và Phật học, cuộc sống thường nhật với những đấu tranh khổ cực để sinh tồn trong thế giới phức tạp ngày nay. Được khắc họa bằng chất liệu đồng, những nhân vật của cô trở nên sống động khi họ được bước ra sân khấu của cuộc đời.

Nguyễn Thị Chinh Lê, “Sunshine”, 2011, 13 tượng bằng đồng, mỗi tượng nhỏ 18 x 7 x 13 cm


Nguyễn Thị Chinh Lê, “Pointing at the moon”, màu tự nhiên trên lụa, tượng đồng, 143 x 38 cm / 8 x 12 x 22 cm

5. Maritta Nurmi, một họa sỹ Phần Lan sống và làm việc tại Hà Nội từ năm 1993, là một trong số những họa sỹ người nước ngoài của gallery. Được đào tạo như một nhà hóa học trước khi cô trở thành họa sỹ, tại Hà Nội, cô bắt đầu học kỹ thuật sơn mài truyền thống Việt nam, điều này thể hiện trên nhiều tác phẩm gần đây của cô. Nurmi thử nghiệm với các lá đồng và lá bạc, cũng như những màu sắc acrylic tươi sáng, khiến cho các tác phẩm của cô ẩn hiện những lớp kim loại mỏng như giấy. Bằng việc sử dụng các lá vàng, đồng và bạc, tranh của Maritta có một năng lượng mạnh mẽ, bùng phát tỏa sáng từ mặt toan vẽ. Nguồn năng lượng này xuất phát từ những mảng vẽ mạnh mẽ, được cân bằng bởi sự kết hợp của những lá bạc đặt bên trên sơn dầu, đây như một bước tạo đà cho cuộc hành trình của cô bay cao lên những đỉnh núi để đến với các vị thần.
Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội mới đây đã đề cử Maritta Nurmi là “Con người Sáng tạo của năm” trong chương trình văn hóa kỷ niệm 40 năm quan hệ hữu nghị với Việt Nam. Nurmi đã sống và làm việc tại Việt Nam 18 năm và đã có gần 20 triển lãm cá nhân tại Phần Lan, Việt Nam, Thái Lan, Thụy Điển và Mỹ.

Maritta Nurmi, “Memento Mori II”, 2007, nhựa acrylic, nhôm và lá bạc trên canvas, 180 x 130 cm.

6. Đinh Thị Thắm PoongĐơn giản là tôi không thấy có gì khác biệt giữa một con người và một con cá.”
Tranh của Thắm Poong tươi sáng và chân thật, gợi cho người xem những cảm giác kinh ngạc và tự hỏi vì sao con người có thể tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt, kinh ngạc với tình yêu vốn ở quanh ta, kinh ngạc khi chiêm nghiệm sự tĩnh lặng tuyệt đối. Thắm Poong nói, “Đối với tôi, mọi thứ đều có hai nửa tách biệt. Như một con cá, là nửa động vật, nửa thực vật. Với con người, cũng thế. Mọi thứ đều chứa đựng nhau, bao bọc nhau và kết hợp với nhau.” Chính là suy nghĩ này về sự hai mặt của thế giới tự nhiên và sự kết nối không ngưng nghỉ của nó đã được thể hiện trong các tác phẩm của Thắm Poong. Cô đã kết hợp những hình ảnh thừa kế từ dòng máu Mường/Thái trắng của mình với một quang cảnh siêu thực – cả về hình  thái và cảm xúc – với chất lượng nghệ thuật thực sự độc đáo. Sự bay bổng thuần khiết của trí tưởng tượng với những hình ảnh chi tiết về cuộc sống thường nhật đã tạo nên những tác phẩm bay lượn trong miền đất siêu thực của tâm hồn.

Đinh Thị Thắm Poong, “White Thai village”, 2010, màu tự nhiên trên giấy dó, 120 x 80 cm.


Đinh Thị Thắm Poong, “Clouds and Flowers”, 2010, màu tự nhiên trên giấy dó, 60 x 80 cm.

*
Nguồn: Hanoi Grapevine