Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Vũ Nho / Đò đưa thơ Phạm Đình Ân



Đầu năm mua muối

Đột nhiên chiều mùng một
Ai mua muối ra mua
Một rao, mười tiếng vọng
Mặn về nghìn năm xưa.

Hạt cắn đôi cơ cực
Dưa cà kiếp rủi may
Bạc mồ hôi, mủn áo
ớt mặn dầm đắng cay.

Rắc muối vào vô cảm
Rắc muối vào vô ơn
Xót tan lòng muối xát
Hạt đổ vào vết thương.

Ngẫm lẽ thường mặn nhạt
Muối biển đời trắng tinh
Ngày đầu năm mua muối
Cầm lên tay, giật mình.

Phạm Đình Ân
1997
.
Cái ngày đầu năm bao nhiêu là hi vọng, ước mơ, bao nhiêu là tíu tít nhộn nhịp chúc tụng thăm hỏi, nhâm nhi chén rượu, vần thơ, giở trang báo tết, nghe văn nghệ trên đài, coi ti vi lai rai....Ai ai xem chừng cũng thơ thới trong sự bận rộn thảnh thơi.
Bỗng nhiên có tiếng người rao bán muối.
Đột nhiên chiều mùng một
Ai mua muối ra mua
Nói "đột nhiên" vì là sự "bán muối" từ lâu đã không áp dụng phương thức "bán rong" nữa rồi. Hơn nữa, ngày đầu năm, người ta đâu chú ý đến sự bán mua. Làm ăn theo cơ chế thị trường thì sự "tiếp thị" muối xem chừng chẳng có bao nhiêu lời lãi. Vậy mà vẫn có người bán muối đầu năm.
Thì ra cái "phong tục" bán mua của người dân Việt vẫn cứ vững bền, bất chấp thị trường, bất chấp các quy luật cung cầu chặt chẽ. "Một rao mười tiếng vọng". Cái tiếng vọng ấy là tiếng rao vọng trong ngõ hay là sự vang vọng của truyền thống văn hoá. Có lẽ cả hai, nhưng tiếng vọng của truyền thống văn hoá mới là chủ yếu. Nghe tiếng rao muối ấy, nhà nào mà chẳng ra mua một hai nghìn để mua lấy sự may mắn, mua lấy sự mặn mà cho suốt một năm.
Mặn về nghìn năm xưa
Mua muối đầu năm là làm theo phong tục của ông bà để lại. Cái việc mua muối hoá ra là một ứng xử văn hoá, là giữ lấy vị mặn trong khao khát của nghìn đời về sự mặn mà trong tình người, tình đời, và cả tình quê hương đất nước.
Tác giả vốn là người dễ nhạy cảm cho nên khi vị muối mặn gợi về nghìn năm xưa cũng là lúc hoàn toàn tự nhiên, dòng liên tưởng cập đến những vất vả đắng cay của những cuộc đời lam lũ vất vả:
Hạt cắn đôi cơ cực
Dưa cà kiếp rủi may
Bạc mồ hôi, mủn áo
ớt mặn dầm đắng cay.
Từ một hạt muối cắn đôi nói về sự dè sẻn, chi chút đến một kiếp người rủi may, cái ăn thấm muối mặn đắng cay, cái mặc thấm mồ hôi mặn bạc màu, mủn vải, người viết như đã rưng rưng thấm thía nỗi vất vả, cơ cực nhưng cũng thật bền bỉ, ân tình của người lao động.
Nếu chỉ bấy nhiêu thôi cũng đã rất quý đối với một tấm lòng. Nhưng tác giả bỗng chuyển mạch thơ đột ngột:
Rắc muối vào vô cảm
Rắc muối vào vô ơn
Xót tan lòng muối xát
Hạt đổ vào vết thương.
Hoá ra mua muối không chỉ là để lấy may. Mua muối là để đem cái văn hoá nghìn đời bền chắc để mà chống lại những căn bệnh nảy sinh trong cuộc sống đầy biến động và phức tạp. Chao ơi cái xót xa của muối xát trong những câu ca dao xưa giờ tăng lên gấp bội trong câu thơ hiện đại.
Xót tan lòng muối xát
Xót xa vì bây giờ nảy nòi ra cái tính vô cảm. Con người bị chai lì, chỉ còn cái quan hệ lạnh lùng "tiền trao cháo múc" ngự trị. Chưa hết, lại còn cái tính vô ơn mới thật là tệ hại. Cái quan hệ thuỷ chung ơn nghĩa: Ơn lại một chút chẳng quên. Nợ ai một chút để bên dạ này giờ cũng bị xói mòn. Vậy thì phải chữa chạy, phải rắc muối vào đấy. Mua muối đầu năm để nhắc người ta về lại nguồn cội đầy ân tình, để trị bệnh vô ơn, vô cảm, và tất cả những gì làm tổn thương đến giá trị văn hoá, giá trị nhân văn...
Bài thơ có thể kết thúc ở đây. Nhưng sợ nói chuyện nát tan lòng, sợ nói chuyện tẩy chay, chuyện lên án đầu năm sẽ xui xẻo chăng, nên tác giả viết thêm khổ thơ cuối với giọng trầm lắng suy ngẫm:
Ngẫm lẽ đời mặn nhạt
Muối biển đời trắng tinh
Mặn nhạt ấy là tại lòng người, lòng người làm nên lẽ đời. Còn muối thì muôn đời vẫn mặn mòi, vẫn trắng tinh. Vẫn là những tốt đẹp của biển đời kết tinh.
Tác giả cầm hạt muối đầu năm mà giật mình.
Nếu đọc kĩ Phạm Đình Ân, ta có thể nhận xét anh là người hay giật mình. Trong các bài thơ áo nâu, Tóc mẹ, Ngắm trời cao, Khi mùa xuân sắp qua, Những cái giật mình, anh đã có những câu thơ giật mình đầy ý nghĩa. Nhưng cái giật mình khi mua muối đầu năm của anh tôi tin là sẽ thành phản ứng dây chuyền làm giật mình những ai yêu thơ, những ai muốn bảo tồn những nét văn hoá nhân văn trong hồn dân tộc.
.
Vũ Nho
NAT đọc chọn/ NNB vi tính giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét