Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Thơ Vương Trọng/ Lời bình Nguyễn Mậu Hùng Kiệt

Về một cuộc hội thoại...
Trò chuyện với nàng Vọng Phu

 Vương Trọng

- Về thôi nàng ơi
Niềm sum họp đã vào từng cánh cửa
Sao nàng còn đứng trong mưa, trong gió
Cô đơn giữa mây trời?

- Thế để đâu những lời
Ta đã hẹn với người ta thương nhớ
                       
- Người ấy chẳng bao giờ về nữa
Mấy ngàn năm ngắn ngủi lắm sao
Đất nước qua trăm trận binh đao
Lở bồi, dâu bể...

- Người đời biết thân ta hoá đá
Nhưng hay đâu ta hoá đá niềm tin
Hoá đá nỗi cô đơn
Và thời gian chờ đợi!

- Nhưng nàng chẳng thể nào đợi nổi
Ngày người ấy trở về
Thân thể đã thành tro bụi
Còn nhớ sao câu hẹn lời thề?

- Người ta thương không thể trở về
Chẳng ai hiểu bằng ta điều đó
Chẳng ai hiểu bằng ta nổi khổ
Của người vợ chờ chồng...

Ta hoá đá đợi triệu lần nỗi đợi
Để những người vợ muôn đời thoát khỏi cảnh chờ mong.
.
(Rút trong tập Về thôi nàng Vọng Phu
NXB Quân đội nhân dân)

           
Đi tìm lời giải cho câu chuyện tình buồn: vợ bồng con chờ chồng hoá đá, nhà thơ Vương Trọng đã có cuộc Trò chuyện với nàng Vọng Phu. Và cuộc trò chuyện theo kiểu hư cấu nghệ thuật này lại có lắm điều để ta suy ngẫm.
            Người thơ đã chủ động "đối thoại” với nàng Vọng Phu bắt đầu bằng lời khuyên: "Về thôi nàng ơi / Niềm sum họp đã vào từng cánh cửa / Sao nàng còn đứng trong mưa, trong gió / Cô đơn giữa mây trời ”. Cứ ngỡ khi cuộc sống đã có niềm vui sum họp thì nàng sẽ quay về. Thế nhưng lời mời gọi đó chẳng những không thuyết phục được nàng mà còn đưa cuộc đối thoại đến những vấn đề khác của tình yêu cuộc sống.
            Không chối từ, nàng chỉ hỏi buồn: "- Thế để đâu những lời / ta đã hẹn với người ta thương nhớ”. Như đã lường trước được điều này, người thơ đã đưa ra được những luận chứng, luận cứ xác đáng với một lập luận hết sức chặt chẽ để khẳng định một sự thật, một sự thật đau lòng: "người ấy chẳng bao giờ về nữa” để nàng thôi hy vọng. Xét trên một góc độ nào đấy thì lời của người thơ cũng dễ làm nàng đuối lý mà xiêu lòng bởi thời gian đằng đẵng "mấy nghìn năm”, đất nước đã trải "qua trăm trận binh đao” và cuộc đời "lở bồi, dâu bể” thì hy vọng gì nữa mà chờ đợi, đợi chờ. Thế nhưng, người đọc bị bất ngờ khi nghe lời thoại của nàng:
                        - Người đời biết thân ta hoá đá
                        Nhưng hay đâu ta hoá đá niềm tin
                        Hoá đá nỗi cô đơn
                        Và thời gian chờ đợi!
            Thì ra là vậy! Người đời thương cảm cho nàng nhưng đã chắc gì hiểu được ý nghĩa của sự đợi chờ.  Nàng Vọng Phu là hiện thân của niềm tin, của nỗi cô đơn và của thời gian chờ đợi. Dường như người nắm thế chủ động của cuộc hội thoại đã bị cuốn vào những nghịch lý của cuộc đời con người. Anh "xuất chiêu" cuối, "đánh" thẳng vào lòng trắc ẩn của người thiếu phụ:
                                    - Nhưng nàng chẳng thể nào đợi nổi
                                    Ngày người ấy trở về
                                    Thân thể thành tro bụi
                                    Còn nhớ sao câu hẹn lời thề?
            Những tưởng nàng Vọng Phu đã rơi vào thế bí, nhưng hơn ai hết nàng ý thức rất rõ cái điều mà nàng chờ đợi. Bởi "Chẳng ai hiểu bằng ta điều đó / Chẳng ai hiểu bằng ta nỗi khổ / Của người vợ chờ chồng...". Và cái lý của nỗi đợi chờ được nàng nói ra khiến ta sửng sốt, giật mình:
                        Ta hoá đá đợi triệu lần nỗi đợi
                        Để những người vợ muôn đời thoát khỏi cảnh chờ mong.
            Cuộc hội thoại khép lại nhưng lại mở ra một vấn đề khác buộc người đọc phải suy ngẫm bởi có người vợ nào không hơn một lần mong ngóng đợi chờ.
Chúng ta vẫn biết những bài thơ về thế thái nhân tình của Vương Trọng thường có những ý tưởng có thể đem lại những thay đổi trong cách làm, cách nghĩ của người đời để cho cuộc sống tốt đẹp hơn, hợp lý hơn. Ý tưởng đi tìm một cách lý giải khác nhân bản hơn cho câu chuyện về nàng Vọng Phu của nhà thơ Vương Trọng thì quả là một sáng tạo nghệ thuật đầy ấn tượng!
Nguyễn Mậu Hùng Kiệt
Quảng Nam
.
Lê Bá Duy đọc chọn/ Gửi qua eMail
NNB vi tính giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét