Thứ Năm, 28 tháng 2, 2013

Tin ảnh/ Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam

THIỆP CHÚC SỨC KHỎE 

Nghe tin ông bà tuổi nhiều sức nhọc, cháu Va Va gửi thiệp ảnh về thay thuốc chúc khỏe ông bà. Ông bà thay mặt Va Va, mượn ngày Thầy Thuốc Việt Nam chúc sức khỏe bầu bạn văn chương cao tuổi.
Cháu ngoại  EVA ISABELLA STEINER,10 tháng tuổi

Nguyennguyenbay.blogspot.com


Góc riêng tư/ Thư phong thủy, gửi con, cháu..

THƯ PHONG THỦY








Gửi con, cháu..

Đừng quá bận tâm về căn nhà cư ngụ lớn hay nhỏ, sang trọng thượng hay bình dân hạ, mà trước hết hãy hỏi mình có thích ? Thích là yếu tố đầu tiên hàm chứa ý nghĩa hung cát môi trường vùng căn nhà cư ngụ, thứ đến hướng căn nhà và sau hết là không gian nội thất. Từ yếu tố thích dẫn đến yếu tố bằng lòng. Hai yếu tố này cấu thành hạt yêu. Rồi, gieo chăm hạt yêu mà nẩy sinh, lớn dần thành cây phúc của dương trạch.

Thầy u nhận được thư con đọc đi đọc lại dòng văn: Cả nhà thích lắm, thích như một giấc mơ. Con cháu đã thích, thì lý do gì thầy u không mừng không vui?

Hãy yêu căn nhà cư ngụ. Đấy là lời kêu gọi. Chữ yêu trong ý nghĩa phong thủy gồm ba tầng nghĩa chính.

Tầng nhất, chữ yêu quan nghĩa với hai chữ tương thích. Trước là, Tương thích giữa người với người cư ngụ trong căn nhà với nhau và với tiện ích đồ đạc nội thất sao cho ấm áp, thân thiện, thoải mái và lợi ích. Sau là, Tương thích giữa những người cư ngụ trong căn nhà với môi trường xung quanh, gọi vắn  là thân thiện tình nghĩa xóm giềng.

Tầng nhị, chữ yêu tương nghĩa với bốn chữ giải pháp phong thủy. Giải pháp phong thủy là thế nào? Nhớ nằm lòng và suy nghĩ rộng ra ý nghĩa sau: tất cả những gì gây ra nguy cơ hung cát bởi gió khí (phong) và nước khí ( thủy) thì nhất thiết phải sửa chữa, chỉnh sửa, thay đổi, hoán chuyển đạt đến mức thuận lý. Cánh cửa sổ hư không chữa ngay e ho cảm. Bóng điện hư cháy lưi thay e đau mắt. Vòi nước khóa vẫn chảy, tiếc dùng, để lâu e bệnh thận..

Tầng ba, chữ yêu quan nghĩa với hai chữ tu thân. Tu thân mình để yêu căn nhà, vì nơi ấy là chốn xum họp gia đình, ít nhất cũng nhị đại đồng đường. Tình chồng vợ, nghĩa cha con.. Bảo rằng tu thân cho đạt đích của căn nhà phong thủy là được đức của cái giếng: uống mãi không cạn, vơi lại đầy, đầy không tràn. Cái sự tu thân này phải tự giác, phải nhắc nhở dậy bảo nhau, nói thật dễ nhưng tu thân gian khó lắm.

Thầy u thật lòng mừng vui, toại nguyện vì giấc mơ khi tuổi trẻ của mình đã được cháu con hiện thực lúc tuổi chiều. Bài thơ viết lâu lắm lắm rồi, chép lại dưới đây cho con cháu đọc mà hiểu lòng thầy u..

TỰ HỌA SAU CÙNG

Hì hụi cháu vẽ biếu ông
Một căn nhà phong thủy
Chu tước thoải bờ sông
Vườn rừng xanh huyền vũ

Bàn này ông ngồi thảo chữ
Võng này bà hát hoa sen
Ngoài thềm vầng trăng xanh gió
Chuyền tay chữ hát xuống thuyền

Bến sông cháu bắc cầu tiên
Bà khỏi lội đò sang chợ
Vườn rừng bao nhiêu là hoa cỏ
Ông bà hái thỏa tặng nhau..

nguyennguyenbay.blogspot.com
 
 
 

Thơ Vũ Đình Phàm

Thơ
Vũ Đình Phàm

NÚI BA VÌ
Ba đỉnh cưỡi mây, mây trắng trời
Với trăng vẫy gió ngắm trùng khơi
Thế tựa ngàn đời kinh thành vững
Tản Viên linh khí thuận thiên thời...

THÀNH SƠN TÂY
Phế tích cổng thành thành Sơn Tây
Vòm cây xanh phủ đầy hoang trống
Chợt thoáng mưa bóng mây
Giật mình tưởng cổng thành mở đóng...

...Cõi linh xưa âm âm đồng vọng
Trống dục cầm canh năm canh chầy
Loa truyền hịch tiên hiền lương đống
Điểm binh kiểm tướng thành Sơn Tây...

MỘC THẦN HỘ QUỐC
Rặng ruối Đường Lâm đứng thẳng hàng
Mộc thần hộ quốc dáng hiên ngang
Dẫu trải thăng trầm bao chính sự
Vẫn nguyên hào khí Bạch Đằng giang...

ĐỀN VÀ
Rừng lim già ngàn năm vẫn kể
Chuyện Vua Hùng kén rể Sơn tinh
Trong đền, kẻ hành hương hành lễ
Mải cầu danh lợi đến vô tình...

ĐÁ CHÔNG
Đá Chông trông xuống Đà giang
Ngước trông non Tản, bái sang Đền Hùng
Lao xao gió hát rừng thông
Chuông chiều tĩnh lặng, thinh không hạc ngàn...

Ô hay ! Tiên cảnh trần gian
Rượu chưa rót đã mang mang sơn hà
Mây lành non Tản la đà
Đá chông chênh đá, giang ngà ngà say...

Ba Vì 1980

  Thơ Vũ Đình Phàm/ Trần Huy Thuận đọc chọn.
 

Thơ QUỐC LONG

IQ6C6093-copy-jpg-1355911296_500x0.jpg

Thơ
QUỐC LONG


NHỦ LÒNG


Làm lá phải xanh
Làm cây phải thẳng
Làm cành thì ngang...
Phận làm gió phải lang thang
Làm trăng thì trải lụa vàng muôn nơi
Làm sông bên lở bên bồi
Làm người...khó lắm...
Người ơi ...khôn lường!

NHỚ


Trăng cuối vườn lấp ló
cỏ ngoài ngõ ướt đầm
hàng chối đứng lặng câm
toả sắc màu lấp loáng

Sương mờ trôi lãng đãng
làng bồng bềnh chơi vơi
hương đồng xen hương cốm
lòng ơi sao bồi hồi...

Thậm thịch tiếng chân người
bếp nhà ai đang đỏ
chỉ có mùi nếp xôi
bao trùm lên đâu đó!

Đêm thu dài vò võ
gợi nhớ bao miền quê
tóc phai màu năm tháng
người đi mãi chưa về...

CHIẾC  BÌNH


Nghĩ mãi về giọt nước
Sinh ra vốn không màu
Đựng trong bình trong suốt
Nhìn tinh khiết thanh cao
Đựng trong bình tối màu
Thấy đen như tù ngục
Đựng trong bình xanh lục
Nước dịu hiền xanh lam
Đựng trong bình màu vàng
Nước kiêu xa diễm lệ...
Có phải vì như thế
Đua nhau đi chọn bình?...

Thơ Quốc Long/ Tác giả gửi bài

Hoa cỏ vườn nhà góp vui

Hoa thủy tiên tượng trưng cho sự giàu có
ThơNGUYỄN NGUYÊN BẢY

VÃNG LAI THƠ
Vãng Lai Thơ này tôi gửi tôi..

Phận sự đời tôi là gieo trồng săn bắt
Sáng ra ruộng trưa vào rừng
Không tự biết phận mình cần lao
Đem thân dấn vào vườn thơ
Vênh vang vài ly rượu tiên
Men tiên thăng hoa đống chữ mọn hèn
Tưởng chín thành lúa thật
Thăng hoa điệu vần thành bầy hươu nai
Ý thích mới bay ra lửa đã thui giòn phức
Tiên cảnh thiên thai

Lúc tôi về với bổn phận tôi
Lúa thiếu mồ hôi lúa không chịu chín
Củi rừng bó đợi lưng ai
Không gạo củi nấu rượu
Tiên khóc
Tôi ngồi uống khóc cùng tiên
Và sau bữa tửu thi hoang đường ấy
Tôi phận sự đời suốt bốn mươi năm
Chiều nay bỗng nhớ lửa cháy
Ghé vườn thơ uống thèm

Cúi mình một vãng lai thơ
Vườn thơ san sát lều chõng
Nơi bán lục bát nơi bán trường ca
Nơi bán thẻ bài nơi bán lọng
Nơi nhồm nhoàm bình thơ nơi lắp bắp hát thơ
Bầy đàn lượn bay chết sống

Có thất vọng không gọi là thất vọng
Thơ tiếng lòng
Không thất vọng tiếng lòng ta
Tôi đem tiếng lòng chia sẻ với cỏ hoa
Rồi đẹp lời chia sẻ với bạn thơ
Và nống lời thưa thốt vãng lai thơ…

(99 KHÚC TĂNG LIÊN)

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2013

Thơ TRẦN VĂN THUYÊN

ThơTRẦN VĂN THUYÊN

XUÂN MAI CHÂU

Vú đồng trinh đỏng đảnh
Em xuống suối tắm trần
Thác tung bờm ngựa trắng
Rối chân ai phân vân.

Tây Bắc mùa hoa ban
Trắng một miền biên giới
Biết có ai mong đợi
Sao lòng cứ bâng khuâng.

Ngực nõn phơi trắng ngần
Xao lòng bao du khách
Dòng suối tuôn róc rách
Mai Châu tràn mùa xuân…

Mây trắng trời biên giới
Gái Mường Lay rất hiền
Váy xòe ngang sườn núi
Dập dờn khoe dáng tiên

Sương giăng mờ rừng sâu
Nhà sàn thơm nếp mới
Một lần rồi nhớ mãi
Vàng xuân chiều Mai Châu !

Thơ Trần Văn Thuyên/ Tác giả gửi bài

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2013

Về Sách Thơ Bạn Thơ 2


VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC SÁCH THƠ BẠN THƠ 2

(Chủ biên: Lý Phương Liên, Nguyễn Nguyên Bảy,.
 Nhà xuất bản Văn học 1.2013)

Nguyễn Văn Hòa

Thơ Bạn Thơ 1 được ấn hành vào tháng 8/2012, được bạn đọc cả nước nhiệt thành đón nhận với những lời khen ngợi hết sức xác đáng thì đến tháng 1/2013 sách Thơ Bạn Thơ 2 tiếp tục được đến tay bạn đọc. Ngày 23/1/2013 tại Thư viện cà phê  Đông Tây, số N11A Trần Quý Kiên, quận Cầu Giấy, Hà Nội buổi giới thiệu sách Thơ Bạn Thơ 2Văn Bạn Văn 1 được tổ chức trong không khí ấm áp với sự tham dự của đông đảo các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học và bạn bè yêu thích văn chương của cả nước.
Trước tình trạng thơ “loạn chuẩn”, giá trị của thơ chưa phân định rạch ròi trong đời sống văn học hiện nay thì việc ra đời Bộ sách Thơ Bạn Thơ là một điều đáng quý và đáng trân trọng. Dự kiến ban đầu Bộ sách Thơ Bạn Thơ sẽ in trọn bộ là 5 tập nhưng với sự cổ vũ, động viên, khích lệ của bạn bè, anh em văn nghệ sĩ và căn cứ vào tình hình thực tế, tại buổi ra mắt sách hôm 23/1/2013 vợ chồng thi sĩ Lý Phương Liên- Nguyễn Nguyên Bảy cho biết: sẽ cố gắng thực hiện trọn bộ 10 tập nếu điều kiện sức khỏe cho phép. Việc bỏ tiền túi, bỏ công sức ra để tập hợp thơ, in thơ cho bạn thơ cả nước của vợ chồng Lý Phương Liên và Nguyễn Nguyên Bảy là một nghĩa cử đáng được ghi nhận và tôn vinh.
Dương Hiền Nga nhận định: “Thơ Bạn Thơ ra đời là một sự kiện thực sự có ý nghĩa, nó như một luồng gió mát lành trong trẻo, như tấm gương trong vắt, mà khi soi mình vào đó ta thấy nhan sắc của thơ và phẩm hạnh của người cầm bút, nhan sắc và phẩm hạnh của những người biết trân trọng nâng niu thơ hay, trân trọng cái đẹp và nâng niu tình thi hữu”.
Sách Thơ Bạn Thơ (Tập 2) dày 306 trang, bìa cứng, khổ 20 x 20, Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 1/2013, tập hợp gồm 85 tác giả (10 tác giả đã mất, 75 tác giả đương thời) với 251 bài thơ. Tác giả góp mặt ít nhất 1 bài, nhiều nhất là 7 bài.
Sách được chia làm 4 phần:

Phần 1
: Là 99 câu thơ hay của 99 tác giả trong nền văn học Việt Nam qua các thời kỳ, được Nhà thơ Hoàng Xuân Họa công phu đọc chọn. 99 câu thơ của 99 tác giả được chọn, một lần nữa cũng là sự ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của họ đối với nền thơ ca nước nhà.
Phần 2
: Thơ của 10 nhà thơ đã khuất ( Tô Như Châu, Vũ Đình Hạnh, Xuân Hoàng, Bàng Bá Lân, Thế Mạc, Phùng Quán, Lâm Quý, Nguyễn Đình Thi, Nhật Thu, Trần Huyền Trân)- vì theo chủ định của Chủ biên bộ sách và trong khuôn khổ có hạn nên ở tập 2 chỉ chọn chừng ấy nhà thơ. 26 bài thơ của 10 nhà thơ đã khuất trong sách Thơ Bạn Thơ- Tập 2 cũng tạo nên sự chú ý đối với người đọc. Qua sự kiểm chứng và sàng lọc của thời gian có những bài đã khẳng định được chỗ đứng của nó, nó đã thực sự được sống, thực sự là những bài thơ theo cùng năm tháng. Chúng ta sẽ không thể nào quên và không thể không thích thú khi được đọc lại bài: Có phải em mùa thu Hà Nội (Tô Như Châu) với những lời thơ ngọt ngào đến lạ:
Tháng Tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ/ Từ độ người đi thương nhớ âm thầm/ Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Tuổi phong sương ta cũng gắng đi tìm
…………………………………………………………
Có phải em là mùa thu Hà  Nội/ Nghìn năm sau ta níu bóng quay về/ Ôi mùa thu của ước mơ …

Hay trong bài Khi nào thấy của Xuân Hoàng, thể hiện tính chất trữ tình ở cách cấu tứ bài thơ dựa trên những cảm xúc tâm trạng, tất cả những khía cạnh tâm hồn được phơi bày, thổ lộ ra theo dòng suy nghĩ… Cấu tứ bài thơ là liên kết tất cả những biểu hiện đó thành một hệ thống, một chỉnh thể. Có lẽ vì thế mà bài thơ này có sức sống vượt thời gian:       
Khi nào thấy trên đường dài mệt mỏi
Cần nghỉ ngơi đôi chút cạnh dòng sông
Em hãy đến tìm tôi nơi bến đợi
Tán đa tôi bóng mát vẫn quen dừng
Khi nào thấy đời buồn gặm nhấm
Cần một lời tiếp sức để đi xa
Em hãy đến tìm tôi nơi bãi vắng
Biển tôi chờ, con sóng mãi ngân nga.
Khi nào đó, lòng mang thương tích
(Những vết thương vô ý tự gây nên)
Em hãy đến bên tôi, chiều tĩnh mịch
Tôi xin làm con suối tắm cho em.
Nếu cần nữa, tôi là hồ trên núi
Trong hoang vu, im lặng ngắm mây trời
Em hãy đến, chim thiên nga cánh mỏi
Đậu yên lành trên gương mặt hồ tôi

Phần 3
: Là sự góp mặt của 75 tác giả (tăng 20 tác giả so với Thơ Bạn Thơ 1) đến từ mọi miền của Tổ quốc, có cả những kiều bào của ta đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài, với đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi thành phần, công tác ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Có những tên tuổi đã thành danh, quá nổi tiếng, quá quen thuộc như: Nguyễn Khoa Điềm, Lê Đình Cánh, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Nguyễn Trọng Tạo, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Khắc Thạch, Trần Vàng Sao, Thanh Quế, Mai Văn Hoan, Nguyễn Ngọc Hưng, Nguyễn Thanh Mừng …
Nhưng cũng có những cái tên còn khá mới mẻ với bạn đọc cả nước, chỉ mới xuất hiện trên văn đàn trong thời gian gần đây.

Tác giả trẻ tuổi nhất có bài được chọn trong Tập 2 Sách Thơ Bạn Thơ là Vĩnh Thông (hiện đang học lớp 11 ở tỉnh An Giang) và Đào Mạnh Long (hiện đang học lớp 12 ở Thành phố Hải Phòng). Như vậy nếu ở Thơ Bạn Thơ 1, tác giả trẻ tuổi nhất là Am Các Minh, 21 tuổi thì đến Tập 2 lại có 2 tác giả trẻ tuổi hơn nhiều.
Sự góp mặt của 75 tác giả đương thời với 225 bài thơ thuộc nhiều chủ đề, đề tài, nhiều phong cách, nhiều thể thơ, nhiều lứa tuổi khác nhau…   tạo nên một “vườn hoa thơ” đa sắc hương. Nhiều bài để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc bởi cách viết tự nhiên nhưng tràn đầy cảm xúc. Những xao động của tâm hồn trong cuộc sống được nhà thơ ghi lại một cách chân thật, giản dị. Nhưng ẩn đằng sau mỗi câu thơ, bài thơ có thể là những câu chuyện, những số phận, những mảnh đời, những vấn đề thế sự, nhân sinh …để lại cho người đọc những dư âm và sự ám ảnh.

Phần 4
: Tuyển chọn 65 câu thơ của 65 tác giả trong Sách Thơ Bạn Thơ 1 (Tóm lược Tác giả và Tác phẩm Sách Thơ Bạn Thơ 1), người đọc có dịp thưởng thức lại những câu thơ hay của 65 tác giả góp mặt ở Tập 1.
85 tác giả với 251 bài thơ (tăng 48 bài so với Thơ Bạn Thơ 1) góp mặt ở sách Thơ Bạn Thơ- Tập 2 là một sự lựa chọn, sắp xếp vô cùng cẩn trọng của hai vợ chồng Chủ biên tập sách. Nhà thơ Lý Phương Liên cho biết: “Số lượng bài gửi về tham gia nhiều lắm, có ngày gửi về nhiều đến nỗi mà vợ chồng tôi đọc không hết, không kịp. Với số lượng bài nhiều như thế, đọc chọn bài để đưa vào tập sách là công việc không hề đơn giản. Dù đã làm hết sức vô tư và công tâm nhưng nhiều khi có thể có những sự lựa chọn chưa thật chính xác hoặc có sự nhầm quên những mạch nguồn thơ còn tiềm ẩn”.

Mặc dù, có thể đâu đó trong tập thơ này có một vài bài chưa hay, chưa thật sự là thơ theo đúng nghĩa của nó. Nhưng tôi tin rằng sách Thơ Bạn Thơ- Tập 2 sẽ là món quà bổ ích cho những người thực sự tâm huyết với văn chương, những người yêu thơ chân chính nước nhà.


N.V.H
/ Tác giả gửi bài

Tin ảnh/ Ngày Thơ VN lần thứ 11

  HOẠT ĐỘNG CỦA CLB HAI KƯ HÀ NỘI tại Ngày Thơ VN lần thứ 11


Khai mạc quán thơ tại ngày thơ VN lần thư 11

Khách thăm quán thơ chụp ảnh lưu niệm

Nguyễn Nguyên Bảy, Lý Phương Liên, Nguyễn Anh Tuấntới thăm quán thơ 

Nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy chăm chú đọc Nội San của CLB

Nhà thơ Lý Phương Liên ký tên lưu niện




Nguồn: Hai Kư Việt Hà Nội

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

HỘI NGUYÊN TIÊU Quý Tỵ/ THƠ THẢ LÊN TRỜI


 

HỘI NGUYÊN TIÊU, THƠ THẢ LÊN TRỜI

1.Muôn hồng nghìn tía làm gì nhỉ
Hoa nở vì ai đẹp thế kia!
TRẦN THÁNH TÔNG

2.Dầm bút đề thơ lên thắng cảnh
Giữ làm nghiên mực cả dòng xuân
PHẠM SƯ MẠNH

3.Thuyền về trằn trọc không yên giấc
Mượn ánh đèn chài soi sách xưa
TRẦN NGUYÊN ĐÁN

4.Chân mây góc bể dạo qua rồi
Đâu chẳng nhà ta, giữa đất trời
NGUYỄN DU

5.Nước mắt trên hoa lối cũ
Mùi hương trong nệm đêm thâu
HỒ XUÂN HƯƠNG

6.Ta ngẩng đầu lên nhìn tận ngoài trời
Muốn vin mây mà lên cao mãi
CAO BÁ QUÁT

7.Hỏi hoa xin mượn mùi hương
Hỏi trăng mượn tấm gương vàng thử soi
NGUYỄN THƯỢNG HIỀN

8.Vén mây muốn bước lên cao tít
Đoái lại vầng trăng lẽo đẽo theo
HUỲNH MẪN ĐẠT

9.Một gánh mây chiều, ngàn dặm thẳm
Tình nhà nghĩa nước nặng lòng ta
ĐOÀN NGUYỄN THỤC

10.Lạ cho vừa bén màu thiền
Mà trăm não với nghìn phiền sạch không
CHU MẠNH TRINH

11.Ngẩng đầu, mái tóc mẹ rung
Gió lay như sóng biển tung trắng bờ
TỐ HỮU

12.Em rất thực nắng thì mờ ảo
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
THU BỒN

13.Tiếng chim rơi tịch mịch
Nỗi người đi muôn trùng
TRÚC THÔNG

14.Anh bất chợt thấy mình đứng đợi
Cánh buồm thơ đầy gió tháng giêng xuân
TRÚC CƯƠNG

15.Trái tim nhặt lời xưa
Mượn nắng vàng gói lại
BÙI NGỌC TRÌNH

16.Một cơn gió rùng mình, cành thông rơi tuyết
Tôi rùng mình nghe tháng năm rơi
VŨ QUẦN PHƯƠNG

17.Nắng mưa miền cố thổ
Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê
SƠN NAM

18.Chỉ muốn làm mây trắng
Bay cho chiều bình yên
TRẦN ĐĂNG KHOA

19.Tôi đi mãi vẫn lạ
Cái đẹp làm cho mỗi vật không cùng
NGUYỄN ĐÌNH THI

20.Có người lính trẻ hiền như đất
Mùa hạ tưng bừng thương núi sông
CHÍNH HỮU

21.Có ai nghe thấy một tiếng vọng
Thì thả con thuyền sang với tôi
TRẦN LÊ VĂN

22.Lá chàm bay lả trên vai rách
Áo bạc hồng lên lớp bụi rừng
NGUYỄN XUÂN THÂM

23.Thương nhớ cắm hoa mờ bia trắng
Hương trầm thấm xuống mấy tầng sâu
HOÀNG TRẦN CƯƠNG

24.Gươm báu trả thần súng thiêng trăng đậu
Vượt nỗi bể dâu thanh lịch vẫn đầy
NGUYỄN HỮU QUÝ

25.Mùi hương hoa dại thơm lừng
Từ thăm thẳm núi bỗng dưng thơm về
NGUYỄN DUY

26.Hạnh phúc cháy như ngọn đèn hạt đỗ
Anh khum tay che gió tự trăm chiềc
CAO XUÂN SƠN

27.Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
NGUYỄN VIỆT CHIẾN

28.Bây giờ trời đất  cả đêm dài
YẾN LAN

32.Sẽ xa lòng vỗ thác ghềnh
Sẽ tình xin gửi chông chênh kiếp này
LÊ ANH XUÂN

33.Hương cháy lên tắt đi rồi lại cháy
Các anh cứ trẻ măng khi nhân loại đã già
TRẦN CAO SƠN

34.Năm ngón tay có bốn mùa trái đất
Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân
NGUYÊN SA

35.Thu trôi trong ánh bời bời
Ta và em một bầu trời phiêu diêu
TRẦN ANH THÁI

36.Tôi bỏ nhà đi mười mấy tuổi
Mà sao còn nhớ tóc em dài?
NGUYỄN HỒI THỦ

37.Không đủ sức sướng vui hay buồn khổ
Chỉ còn là bậc cửa đợi chờ em
LƯU QUANG VŨ

38.Trời đất vốn thênh thang
Ngay cả trên đường hẹp
ĐẶNG HUY GIANG

39.Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót
Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ
TRẦN ANH TRANG

40.Mùa xuân đi qua không nở được
Còn giữ lại cái mầm trong suốt đời tôi
VĂN CAO

41.Nhân loại đã qua mọi vui buồn nghiệp chướng
Để được đúng là mình đâu phải bé đi hơn
BẰNG VIỆT

42.Ta đi còn giữ đôi dòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù
BÙI GIÁNG

43.Sương như khói bay mờ trên mái phố
Trăng mơ hồ trong lá biếc vòm cây
Ý NHI

44.Khi ta đến gõ lên cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
NGUYỄN KHOA ĐIỀM

45.Mùa xuân chim én bay đôi
Có người đứng ngóng xa xôi lặng buồn
TRẦN THỊ HUYỀN TRANG

46.Tôi van đấy mắt em đừng qua nữa
Cứ dày vò tôi cũ những mùa xưa

 THANH TÙNG

47.Chiếc bánh xe trâu một nửa đã qua đêm
Một nửa thùng cỏ tươi còn trong bóng tối
NGUYỄN QUANG THIỀU

48.Sớm mai gương lược chải đầu
Em làm duyên - để người đâu được nhìn
  BẾ KIẾN QUỐC

49.Gần gũi đấy mà mịt mù xa khuất
Như là em, như không phải là em
VŨ DUY THÔNG
 
50.Mẹ của chúng con chiến tranh và giông bão
Người chắt chiu đến nước mắt cũng để dành
PHẠM ĐƯƠNG

 *
Nguồn: nguyenhuuquy.vnweblogs.com/post/


Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2013

Hoa cỏ vườn nhà hát Rằm Giêng


Hình ảnh: Bên nhà thái học Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Bên nhà thái học Văn Miếu - Quốc Tử Giám/ Ảnh HXH
 
thơ nguyennguyenbay


MƯỜI RẰM MỒNG MỘT


Cha không biết mình thuộc chi trứng nào ngày xưa
xuống biển
Nhưng đều đặn suốt đời mồng một lịch trăng
Cha thắp ba nén nhang lạy về hướng biển
Mẹ không biết mình thuộc chi trứng nào ngày xưa
lên rừng
Nhưng đều đặn suốt đời mười rằm lịch trăng
Mẹ thắp ba nén nhang khấn về hướng núi
Như thể hẹn nhau từ kiếp trước
Cha đón mẹ luân hồi nơi cửa sông
Thành đôi chồng vợ
Tổ yêu kết ở ven thành
 
Nơi những cây sao cao vút trời xanh
Rợp từng đàn cò trắng
Nơi một thời vua đúc tiền và súng
Gốc đa Nhà Bò trẻ chơi ô ăn quan
 
Tổ tình nhỏ một vuông khăn
Đủ cho các con rửa mặt
Môn tiền trông về hướng biển
Sáng mồng một cha thắp hương
Môn hậu trông về hướng núi
Đêm rằm mẹ vọng nhang
Cha không là sĩ là quan
Cha chỉ là ba sào thổ
Mẹ lúng liếng khắp vùng Sấu Giá
Thạo nghề dệt lụa ươm tơ
Gái tầm tang da bóc trứng gà
Lưng ong cong mềm khung cửi
Dạy con mẹ hay hát giỗi
Lời nào cũng hạ cung thương
 
Cha tôi sát cá lạ thường
Bữa nào con đào bơ giun
Là bữa ấy ba câu đầy rổ cá
Mẹ dừng tay dệt lụa
Chạy đi hái lá bờ rào
Mẹ có biệt tài nấu cỏ thành canh
 
Hỏi vì sao cha sát cá thế
Cha cười nhìn về hướng biển
Hỏi vì sao mẹ tìm rau giỏi thế?
Mẹ mắng yêu nhìn về hướng núi.
Bảy đứa con mẹ khóc khổ vì tôi nhiều nhất
Và tôi sợ đêm rằm nhất
Sợ lời giải cầu của mẹ linh thiêng
Con đừng vượng hỏa thành điên
Mê thơ phú hóa đời rồ dại
Sao không đi bắc cầu sông Cái
Không đi lái đò sông Con
Không là thấy giáo làng
Không xuống bến Phà Đen làm phu khuân vác?
 
Mẹ ơi lạy mẹ đừng khóc
Đừng bán khoán con cho đền phủ làm gì
Con chỉ là con của mẹ
Mẹ nhắm mắt mở môi khe khẽ
Khấn âm âm lời Chinh Phụ lời Kiều
Cha linh cảm lời cầu phiêu diêu
Bến sông buông câu lặng núi
Bao chiều,Bao chiều,Bao chiều
Canh rào không cá
Cả nhà cơm suông
Tiền bán cá cha mua giấy bút
Trao tình cho con
 
Dặn chép thơ tích đời trăm chi trứng
Tích đời ông bà sinh ra cha mẹ
Tích đời cha mẹ sinh ra các con
Và tích các con
Những tích đời mười rằm thắp hương
Hướng núi
Núi xanh hồn người
Những tích đời mồng một vọng nhang
Hướng biển
Biển hồn xanh khơi
 

Con đón lời ký thác
Hết nhìn cha lại nhìn mẹ bồi hồi
Tay đồi mồi cha trang mẹt cơm phơi
Mai thả xuống hồ nuôi cá
Mẹ luồn kim rắn rồng từng mũi vá
Áo lành con mặc sáng ma
Và sáng mai
Mồng một đầu đời
Cha cho con trông về hướng biển vọng nhang...

thơ nguyennguyenbay
(99 khúc tăng Liên)



Thơ Nguyễn Khôi

Thơ
NGUYỄN KHÔI

NHỚ NHÀ VĂN TRẦN HOÀI DƯƠNG

Bạn giờ lủi thủi trời nao ?
Mùa xuân Yên Thế hoa Đào nhớ ai ?
Ra giêng ngày rộng tháng dài
Hội quê xới vật vắng người trai quê.

Phồn Sương còn vẳng lời thề
Đồn xưa như thể cụ Đề còn đây
Một thời khởi ngĩa cờ bay
Còn vang tiếng súng đánh Tây một thời...

Bạn đi xa tít phương trời
Một "miền xanh thẳm" thương người tóc xanh
Mình về đi "chợ Rừng Quanh"
Bước qua Sông Máng chẳng đành đứng lâu
Ai kia đứng tựa bên cầu
Hát câu Quan Họ... rầu rầu nhớ ai ?

Bạn đi mây trắng phương trời
Bỏ trâu Bến Nghé, rã rời trang văn
Quán bia, bạn cũ thương thầm
Ai thương lũ trẻ lủi lầm bến quê ?

Thôi rồi, mờ áng mây che
Hoài Dương vàng đóa Dã Quỳ tàn phai
Rượu quê đặt xuống nâng hoài
Rót vung tưới niệm phương trời Hoài Dương.

Quê rằm tháng giêng Quí Tỵ -2013
Nguyễn Khôi

Hoa cỏ vườn nhà vui xuân/ Ngủ cội bồ đề

thơ nguyennguyenbay

Đêm ngủ cội bồ đề


Mơ hồ nghe sông trôi
Đến bên thềm nhà mẹ
Mẹ thả phiến thuyền lá
Bươn bả sang chợ mưa

Mơ hồ nghe tuổi thơ
Quấn những con chỉ gió
Phơi đầy triền đê cỏ
Thả hát bay thành diều

Mơ hồ nghe quạ kêu
Kể chuyện thời loạn lạc
Bao nhiêu là đại bác
Bắn lên trời pháo hoa

Mơ hồ nghe tuổi già
Thanh minh người tảo mộ
Lá đã cuốn vãn chợ
Gươm còn múa chờ ai?

Thức dậy đi đêm ơi
Chú gà tre gọi cỏ
Cỏ gọi lúa gọi mẹ
Mẹ gọi làng gọi sông

Một đời gọi một đêm
Một đêm bừng thức dậy
Thấy một triền lau sậy
Vui hát cùng sông thu..

thơ nguyennguyenbay
(99 khúc tăng Liên)

Nguyễn Trọng Tạo viết về Vân Long

NGUYỄN TRỌNG TẠO
Nhà thơ Vân Long

Nhà thơ Vân Long

Trong sáng tạo thơ có 2 hiện tượng khá phổ biến: 1/ Có nhà thơ xuất hiện sáng chói như sao băng rồi vụt tắt. 2/ Có nhà thơ xuất hiện lặng lẽ như ngôi sao nhỏ nhấp nháy bên trời, rồi càng ngày càng tỏa sáng.
Vân Long thuộc dạng nhà thơ thứ 2.
Anh làm thơ từ năm 20 tuổi, và đến nay đã vào tuổi bát thập, vẫn viết đều, viết khỏe. Anh không chỉ viết thơ, mà còn viết báo, viết chân dung văn nghệ sĩ, viết tiểu luận văn chương. Với 30 đầu sách đã xuất bản, ta thấy ở anh một sức làm việc kiên trì liên tục thật đáng nể trọng.
Nhìn lại 60 năm thơ Vân Long, tôi tự hỏi, làm sao mà anh lại có được một chặng thơ dài đến thế. Một chặng thơ không mệt mỏi, một hành trình thơ sánh bước cùng nhiều thế hệ với những nỗ lực sáng tạo từ hồn nhiên đến nghiệm sinh, từ bản năng đến vượt thoát để hồi sinh những tế bào thơ đúng như một câu thơ anh viết về cây lim xanh: Lặng lẽ xanh ngàn tuổi.
Làm sao giữ được tâm hồn mãi xanh tươi? Đó là bí quyết của nhà sáng tạo, bí quyết của sự sống. Nói như Huy Cận là phải biết “giữ vệ sinh tâm hồn”. Có lẽ Vân Long cũng đã làm được điều đó, anh biết giữ cho mình một tâm hồn sạch. Đó là lối sống giản dị và nhân hậu với người, với đời. Đó là sự trân quý văn chương nghệ thuật. Đó là cái tâm luôn chia sẻ tài năng của bạn bè, thi hữu… Nhờ thế mà Vân Long đã lọc được ra từ đời sống bụi bặm, lầm than những câu thơ sạch, những câu thơ run rẩy xúc cảm về cái đẹp.
Ngay từ tập thơ đầu tiên, tập Tia nắng (1954-1962) anh đã để lại cho người đọc ấn tượng khó quên với 2 bài thơ ngắn làm xao xuyến tâm hồn tuổi trẻ. Đó là bài “Qua mưa” và bài “Lầm”. Hai bài thơ này chỉ đọc một lần là thuộc, bởi nó có cái tứ ngồ ngộ, có cái tình trong trẻo, trẻ trung, và thông minh một cách dễ thương. Ai đã viết về thơ Vân Long cũng đều dẫn hai bài thơ này. Bởi nó lay động lòng người. Bởi nó nói thay tiếng lòng của những kẻ đang yêu:
Qua dải sân mưa tôi ngắm em
Màn mưa nhòa những nét thân quen
Tình yêu mới nở sao mà đẹp
Một thoáng nhìn nhau, mưa cũng ghen!

“Qua mưa”
Gần nhau non buổi chiều
ngẩn ngơ tròn buổi tối
đường về quên mất lối
rẽ lầm tới… nhà em
.
“Lầm”.
Hai bài thơ ấy không chỉ nằm trong sổ tay của nhiều bạn trẻ thời bấy giờ, mà nó còn theo những người lính ra trận, hay nằm trong những lá thư người ta gửi cho nhau. Nó sống đã hơn nửa thế kỷ qua, và còn tiếp tục đời sống kỳ diệu mà chỉ có thơ mới có. Hôm nay cũng có người vừa khoe với tôi là họ đã từng “mượn” thơ Vân Long để tán gái… Đó cũng là hạnh phúc của nhà thơ khi thơ anh được chép, được thuộc hay được “mượn”.
Sau tập thơ đầu tay đó, Vân Long rời Hà Nội nhập cuộc với nhóm thơ Hải Phòng đất cảng trong những ngày chiến tranh ác liệt. Không khí công nghiệp và chiến tranh với thủy lôi, bom đạn và những con tàu, những người bốc vác cần lao trên bến cảng đã ập vào thơ Thanh Tùng, Đào Cảng, Trịnh Hoài Giang, Thi Hoàng, Đào Trọng Khánh… và cả Vân Long nữa. Thơ các anh vạm vỡ, phá mở theo chiều kích công nghiệp hiện đại, nó tạo nên những tần số xung động mới. Dù không có tuyên ngôn hay chủ trương cách tân nghệ thuật, nhưng nhóm thơ Hải Phòng đã tạo dựng được gương mặt thơ mới của thời mình đang sống. Tuy vẫn chưa thoát khỏi được dòng mạch tự sự kể lể trong thơ, nhưng các anh cũng đã cất lên được những tiếng nói hào sảng, thô ráp chứa đầy sự sống thời đại. “Thành phố như một con tàu chở đầy thuốc nổ/ Cuốn đi số phận mỗi con người” (Đào Trọng Khánh). Hiền lành như Vân Long cũng như muốn thét lên: Một tiếng bom rung phòng triển lãm/ Những ô cửa chì than trương mày phẫn nộ. Ở đây, cách tân như một nhu cầu tự thân của sáng tạo, nó khác với nhóm “Sáng tạo” có tuyên ngôn nghệ thuật ở Sài Gòn thời bấy giờ, nhưng nhìn chung đều có những đóng góp đáng kể cho tiến trình đổi mới của thơ Việt những năm 60 của thế kỷ trước.
Người ta nói tình yêu không có tuổi, thơ không có tuổi, nhà thơ không có tuổi… là nói cải bản chất hồn nhiên, tự nhiên nhi nhiên của hồn cốt sự vật. Nhưng một người sáng tạo thơ lâu dài thì phải trải qua tích lũy. Tích lũy năng lượng sống. Tích lũy kinh nghiệm sống. Tích lũy văn hóa sống, văn hóa đọc và văn hóa viết. Nếu một bình acqui không được tích đầy điện năng thì làm sao có thể phát sáng được. Vân Long rời Hải Phòng sau chiến tranh trở về với Hà Nội thấu hiểu điều đó. Anh lại hòa vào những người bạn văn chương của thủ đô để tích lũy nghề. Anh đi đây đi đó để thâu nạp hiện thực và mở rộng biên độ cảm xúc, mở rộng câu thơ. Anh để lại thơ trên nhiều địa danh với nhiều suy ngẫm sâu sắc. Anh thổi tư tưởng vào cảm xúc, và nhiều khi, khám phá ra tư tưởng nhân sinh và tư tưởng thẩm mỹ qua chân dung cuộc đời những người bạn.
Cày ta cày hết sức
Uống ta uống cật lực
Uống nghiêng trời đất Mường Khương
… Bửa đời mình ra bán lẻ…
(Với nhà thơ Pờ Sảo Mìn)
Không thể hình dung
Một Nguyên Hồng không có Hải Phòng
… Nhưng không ông
Không trọn vẹn
Hải Phòng!
(Nhớ Nguyên Hồng)
Rốt cuộc thì Vân Long nghiệm sinh được gì cho thơ? Thơ không phải là cứ kéo dài ra mà phải là nén lại. Nén chặt chữ lại, nén chặt cảm xúc lại, nén chặt thời gian không gian lại thì sức nổ của thơ mới thành nguyên tử. Đấy là khi anh nhận ra anh không thuộc tạng viết thơ dài. Cũng không phải tạng viết thơ diêm dúa, kiểu cách. Và nhịp thơ của thuở ban đầu đã trở lại với anh với một độ nén hàm súc mang chứa tư tưởng, triết lý cuộc đời. Và hình như Vân Long thật thành công ở những bài thơ ngắn.
Tôi sững sờ trước hai câu thơ với sự phát hiện lạ lùng về loài chim bay trên bầu trời lại mang hình chữ “nhân”:
Viết chữ nhân lên nền trời
Bầy chim trách người trườn mặt đất
Theo tôi thì hai câu thơ ấy đã là một bài thơ lớn.
Tôi thú vị khi thấy anh phát hiện ra sự lớn lên của đứa trẻ trong khi ngủ:
Bé vừa ngủ vừa cười
Vừa ngủ vừa lớn lên…
Và đặc biệt là bài thơ “Không chiến trường” với tứ thơ nhân văn độc đáo bất ngờ, chỉ có ở Vân Long:
Đất nước im súng bom
Lòng lại bày trận mạc
Tươi tắn thế, chả lẽ em là giặc?
Bất chợt mình chưa đánh đã mong thua.
Phải trải qua mấy cuộc chiến tranh, mấy núi quặng chữ mới đúc ra được một bài thơ 26 từ như thế. Thơ ấy như vàng ròng, như hương thơm, như lá xanh không bao giờ rụng xuống. Thơ ấy là máu huyết, là tâm hồn tươi trẻ của nhà thơ. Đó là thơ hay. Thơ hay không bao giờ cũ.
60 năm thơ và 80 tuổi đời của một nhà thơ thật chả có gì đáng nói nếu anh không có những bài thơ đi lại, sẻ chia, chung sống với bạn đọc. Tôi thích và nhớ những bài thơ ngắn của Vân Long thời anh 20 tuổi, và giờ đây thơ ở tuổi 80 của anh vẫn còn lay động không chỉ riêng tôi. Và tôi tin, có những bài thơ của anh sẽ trường thọ hơn chính tác giả của nó. Đó chính là hạnh phúc đích thực của nhà thơ – hạnh phúc của một tâm hồn lặng lẽ xanh trên suốt hành trình sáng tạo có tên là Vân Long.

Hà Nội, 20.2.2013