Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Soi tận ngọn nguồn để thấu cao xanh



Soi tận ngọn nguồn để thấu cao xanh


CÁI NHÌN
Mai Văn Phấn
.
Vũng nước nhỏ dưới chân núi
Soi
Tận đỉnh.

.
(Rút trong tập: “Hoa giấu mặt”, NXB Hội nhà văn, năm 2012)

 Câu mở đầu tưởng chừng đơn thuần chỉ miêu tả thực ra đã mang chủ đề của bài thơ.

Để rồi khi triển khai ý ở câu thứ hai, dẫu tác giả chỉ dùng một từ: “Soi” nhưng đã gợi bao suy tư cho người đọc. Ai “soi” đây, “soi” để làm gì, để thêm một lần nhìn lại chính mình, từ bề ngoài tới bên trong, hay đơn giản chỉ để làm duyên..?
Ý thơ chợt vỡ òa với câu kết: Tận đỉnh. Thì ra thi sĩ họ Mai kia đã bắc một nhịp cầu giữa“vũng nước nhỏ” khiêm nhường dưới chân núi kia với chiều cao ngút ngát của “núi”. Từ “soi” sao mà đắc dụng, đây đâu phải là sự ngẫu nhiên mà là sự xem xét lại mình, từ cội nguồn, nơi bắt đầu của đời người tới những đỉnh cao đã đạt, hình như có tiếng thầm thì đâu đây: “Xưa, núi kia cũng sinh ra từ “vũng nước nhỏ” này” . “Vũng nước nhỏ” tưởng như bị bóng núi che khuất lại làm cho đỉnh núi kia phải giật mình, cái giật mình rất nhân văn. Bởi nếu không có “vũng nước nhỏ” kia thì làm sao “núi” biết mình cao hay thấp, nếu không có cội nguồn sao có những đỉnh cao và phải chăng nếu không biết soi mình trong tấm gương đời trong vắt thì làm sao có thể biết ta đang ở đâu trong cõi nhân gian. “Vũng nước nhỏ” bình lặng kia lại ẩn chứa những điều lớn lao. Bài thơ gợi cho ta liên tưởng tới câu ca của ông bà truyền lại: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Bài thơ lắng lại với sự chiêm nghiệm về đời người và nhân tình thế thái, tự nhiên không chút gượng ép, chuyển tải những triết lý sâu xa mà nhẹ như không.
Bài thơ mang hương vị Việt. nhà thơ tựa vào “núi”, “soi” vào tấm gương đời để thấu từ ngọn nguồn tới cao xanh. Bài thơ thanh thoát, lịch lãm, tinh tế,  ý tại ngôn ngoại mang tầm khái quát cao và là một trong những bài làm nên thương hiệu Mai Văn Phấn không thể trộn lẫn!
.
Hà Nội 25.5.2012
Trần Vân Hạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét