Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Đọc trường ca "Sông Cái Mỉm Cười" của Nguyễn Nguyên Bảy


Khi sông Cái mỉm cười...

NGUYỄN  ANH TUẤN
*
.Một chiều mưa phùn gió bấc, tôi qua cầu Long Biên, dừng xe ngắm nhìn dòng sông Hồng trơ cạn... Đây là dòng sông đỏ lựng phù sa mà biết bao nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, hoạ sĩ, nhà điện ảnh… đã tìm thấy nguồn cảm hứng nghệ thuật vô tận và mãnh liệt của mình! Và tôi bỗng nghĩ đến cái Dự án "Thành phố Sông Hồng"- một công cuộc chỉnh trang lại đê điều sông Hồng lớn nhất trong lịch sử kể từ khi Hà Nội và châu thổ sông Hồng có đê ngăn lũ; và ít ai biết được rằng: Dự án đó lại xuất phát từ tình yêu sông Hồng và ý tưởng của một hoạ sĩ- hoạ sĩ Vũ Văn Thơ...
Nhưng Dự án này khi triển khai, với nhiều nhà khoa học có lương tâm thì lại nổi cộm khá nhiều vấn đề hệ trọng. Nhà sử học Lê Văn Lan đã lên tiếng cảnh báo: Dự án trên “không hiểu vô tình hay là hữu tình…về mặt lịch sử, văn hoá gắn liền với Thủ đô Hà Nội thì chẳng thấy ai đề cập đến!” Tệ hơn, như GS Lê Văn Lan đã vạch ra: Dự án còn định “cấy” một khu đô thị Hàn Quốc vào, “ như thế khác nào đánh mất mình và Hà Nội sẽ không còn nữa!” Và ông đã đặt câu hỏi hộ nhiều người: “ Hôm nay đây, chúng ta đều biết nước sông Hồng đang dần bị cạn kiệt, thì lịch sử sông Hồng, là cội nguồn của nhiều dòng đời liệu có bị cạn theo?  Trách nhiệm này thế hệ của chúng ta có phải trả lời trước lịch sử hay không? ”(Dòng chảy sông Hồng sẽ về đâu?- VN Trẻ )...Trong những ý nghĩ miên man như thế, tôi đã nhớ đến trường ca "Sông Cái mỉm cười" của nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy - một người Hà Nội đau đáu nhớ thương Hà Nội đang sống xa Hà Nội hàng ngàn cây số...

1. Không phải ngẫu nhiên mà NNB dùng trường ca "Sông Cái Mỉm Cười" để kết cho phần thơ "Kinh thành Cổ tích"*. Và trong thế giới của Kinh thành Cổ tích, Sông Cái đương nhiên cũng phải là con sông Cổ tích! Quả là dòng sông Cái, hay sông Mẹ mang trong nó và hai bên bờ biết bao huyền tích say đắm lòng người, bao linh khí của thiên thần và nhân thần hiển hiện trong các thành hoàng làng, bao chiến tích của những con người chinh phục Châu thổ và chế ngự hồ tinh, mộc tinh, thuồng luồng, cá sấu, cùng sự tưởng tượng của người dân châu thổ về sức mạnh ma quái của dòng sông qua Thủy Tề, Long Vương, Hà Bá, Bạch Xà, và đôi khi còn lập đền thờ các lực lượng siêu nhiên ấy ở bên sông để mong kìm bớt cơn giận dữ khủng khiếp của nước lũ! Với tiêu đề SÔNG CÁI..., nhà thơ NNB đột ngột mở ra trước người đọc cái thế giới tinh thần, cái hệ thống thi liệu quen thuộc của anh - thông qua một dòng sông mà những ai từng mang huyết mạch sông Mẹ của mấy ngàn năm nước Việt trong người, mang nỗi niềm cha ông vạn cổ lại không thấy lòng rưng rưng…? Đó là dòng sông mà nhà thơ Võ Văn Trực quê gốc ở miền Trung, khi xuôi bè từ miền Phong Châu đất Tổ về miền đất bãi đã có một cảm giác thật đặc biệt, ông kể lại: “cảm giác mình đang lần theo dấu chân ông cha đi về phương Đông ánh sáng”, và ông đã say sưa thốt lên: “ Đây là con sông quê chung cho tất cả dòng giống Lạc Việt!” ( Thượng nguồn và Châu thổ- Tập bút ký, Nxb Thanh niên, 2003)
Nhưng đây lại là SÔNG CÁI MỈM CƯỜI ! Sao lại Mỉm Cười? Trong ký ức của nhiều người dân châu thổ Bắc Bộ vẫn còn in đậm hình ảnh những ngôi nhà đổ sụp, từng cụm làng xóm trôi dạt, những gốc cổ thụ bật gốc cuốn đi trong cơn xoáy lũ, những bàn tay phụ nữ con trẻ chới với trong dòng nước đục ngầu gầm réo…Tiếng trống ngũ liên thúc hối hả, những ngọn đuốc đỏ rừng rực từng đoạn sông, người dân châu thổ mồ hôi chan nước mắt nắm tay nhau lấy thân mình làm bức tường chắn sóng… Đồng lúa ruộng màu bị cướp trắng trước những cặp mắt ưá lệ đau đớn xót xa… Rồi ký ức kinh hoàng của một thời: tiếng trống ngũ liên, tiếng kẻng canh đê, tiếng quát tháo của tuần đinh, cảnh nhốn nháo như ong vỡ tổ lúc một quãng đê nào đó bị vỡ; kèm theo đó là cái cuộc sống đói rách cơ hàn đến tuyệt vọng và bị áp bức đến tàn nhẫn của người dân châu thổ Bắc Bộ... Dòng sông tác giả hình dung nó Mỉm Cười cũng là dòng sông mà vị Ủy viên thông tấn Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp Pierre Gouru đã nhận định gần 100 năm trước: “là con sông chủ yếu của châu thổ Bắc Kỳ; chính nó đã tạo ra châu thổ bằng phù sa và chính nó luôn luôn đe doạ châu thổ khi tràn ngập. Sông Hồng chảy qua châu thổ như một kẻ xa lạ đáng sợ chứ không phải như một ngưòi cộng sự hữu ích; đó là do sự hung dữ và những trận lụt lớn của nó.”  ( Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ- Nghiên cứu địa lý nhân văn. Bản dịch từ tiếng Pháp, Nxb Trẻ, 2003- tr.68 )

Đồng cảm với tác giả Hoàng Xuân Họa qua bài thơ..

AI MUA HỒ TÂY RA MUA

Ai mua đi hộ Hồ Tây
Đem xa ra khỏi chỗ này cho xong
Khỏi tôi rối bối bòng bong
Khỏi nhìn sóng cộm, khỏi mong cháy hồn
Khỏi qua đây để đếm buồn
Khỏi chuông Trấn Quốc thỉnh xuông mỗi chiều
Đầy hồ sao sáng bao nhiêu
Bỏ tôi đứng đực ước điều hư không
Đã từng một giải bờ mong
Đã từng chộn rộn sóng lòng dâng chao
Quanh đi bước thấp bước cao
Quành lại gió ném ào ào lá khô
Liễu buông mành liễu vu vơ
Mộng du nện gót đến trơ khấc mình


Hoàng Xuân Họa
(Trót một thời yêu II – Nhà xuất bản Hội nhà văn 2006)

Lời bình của TRẦN VÂN HẠC:
Trên đời này có ai lại mong: “Ai mua đi hộ Hồ Tây” bao giờ, thế mà nhà thơ Hoàng Xuân Họa lại cầu khẩn như vậy đấy. Thậm chí còn mong người ta: “Đem xa ra khỏi chỗ này cho xong”. Thật là ngược đời, thật là trớ trêu! Nhưng cái lạ ẩn chứa trong cái tưởng như không bình thường ấy là những suy tư trăn trở, đau xót trước danh lam thắng cảnh Hồ Tây đang mất đi vẻ đẹp nguyên sơ, trong sáng, của một con người biết yêu, biết trân trọng nâng niu cái đẹp của quê hương đất nước.

Nhà thơ đặt ra một giả thiết là Hồ Tây không còn ở đó và không còn trong tâm tưởng mỗi người? Chỉ nghĩ đến lúc ấy mà lòng chợt quặn thắt. Hồ Tây, sản phẩm tuyệt vời của dòng Sông Mẹ – (Hồ Tây vốn là một đoạn của sông Hồng), là nơi sản sinh ra bao truyền thuyết ly kỳ: theo truyện “Hồ Tinh” thì có tên là hồ (hoặc đầm) Xác Cáo, vì truyện kể là có một con cáo chín đuôi ẩn nấp nơi đây làm hại dân. Long Quân mới dâng nước lên phá hang cáo, hang sập thành ra hồ.Theo truyện “Khổng lồ đúc chuông” thì hồ lại có tên là Trâu Vàng, gắn với câu chuyện ông khổng lồ có tài thu hết đồng đen của phương bắc đem đúc thành chuông, khi thỉnh chuông, tiếng vang sang bên phương bắc. Vì đồng đen là mẹ vàng nên con trâu vàng phương Bắc nghe tiếng chuông liền vùng đi tìm mẹ, tới đây nó quần tìm mẹ mãi, khiến đất sụt thành hồ. Từ thế kỷ 11, hồ này đi vào lịch sử với tên là Dâm Đàm (Đầm mù sương), tới thế kỷ 15 thì đã gọi là Tây Hồ.

Ngay từ thời Lý – Trần, các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí, như cung Thúy Hoa thời Lý, điện Hàm Nguyên thời Trần nay là khu chùa Trấn Quốc, cung Từ Hoa thời Lý nay là khu chùa Kim Liên, điện Thuỵ Chương thời Lê nay là khu trường Chu Văn An…

Những ngày đẹp trời, chơi thuyền Hồ Tây là một thú tao nhã, đồng thời cũng được thăm khá nhiều di tích và thắng cảnh: Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ “Bà huyện Thanh Quan” với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo; làng Nhật Tân như thiếu nữ đương thì khoe sắc hoa đào mỗi độ xuân về, tương truyền là nơi Lạc Thị đời Hồng Bàng sinh ra một bọc trứng nở thành bảy con rồng. Rồi làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng, làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh, sang làng Kẻ Bưởi có nghề làm giấy cổ truyền và đền Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng, được xây dựng từ đời vua Lý Thái Tông, nơi bách quan hội thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Làng Thụy Khuê có chùa Bà Đanh nổi tiếng một thời… Và đặc sắc nhất là đền Quán Thánh. Xưa Cao Bá Quát đã miêu tả hồ Tây là Tây hồ chân cá thị Tây Thi (Hồ Tây đích thị là nàng Tây Thi). Đây là một cách ví von độc đáo nhưng thật đúng trước thắng cảnh của thủ đô đẹp cả bốn mùa. Hồ Tây là một không gian văn hóa không thể thiếu của Thủ Đô và trong lòng người Việt.

Nhân vật trữ tình (tôi) trong bài thơ thực ra vô cùng yêu quí Hồ Tây, đồng nhất vẻ đẹp của Hồ Tây với tâm trạng của mình. Hồ Tây tự bao giờ đã gắn bó máu thịt với nhà thơ: “Đã từng một giải bờ mong/ Đã từng chộn rộn sóng lòng dâng chao”. Cái điệp “đã từng” ấy như vết khắc vào tình cảm của nhà thơ rồi và Hồ Tây đã trở thành không gian nghệ thuật cho nhà thơ trải lòng, gửi gắm tình cảm.

Có phải đã bao lần nhà thơ dạo bước quanh hồ. Đã bao lần buồn vui chia sẻ cùng Hồ và cùng Hồ ngâm nga câu ca: “Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương. Mịt mù bãi cát màn sương. Nhịp chày Yên Thái, bóng gương Tây Hồ”. Đã bao lần nhà thơ thả hồn trong mênh mông mù sương và dõi theo những cánh sâm cầm “vỗ cánh mặt trời”. Đã bao lần nhà thơ lặng trong tiếng chuông chùa ngân xuyên ba cõi… Hồ Tây đã trở thành người bạn thân thiết của nhà thơ. Bởi vậy nếu như Hồ Tây không còn, giống như một nhà thơ từng tuyên ngôn: “Nếu như không có dòng Hương/ Câu thơ xứ Huế nửa đường đánh rơi”. Thì đây có phải là tuyên ngôn của nhà thơ Hoàng Xuân Họa?

Điệp từ: “Khỏi” được nhắc lại tới năm lần như muốn dứt đi những cái “gai” trong mắt nhà thơ, những cái làm phá vỡ không gian tuyệt vời của Hồ Tây. Bốn câu thơ cuối khắc họa rõ nét tâm trạng đau đớn, khắc khoải, cô đơn, thậm chí bất lực của nhà thơ trước cảnh Hồ Tây bị thu hẹp, bị phá vỡ cảnh quan, bị đầu độc… Cảnh nhà thơ: “quanh đi”, “quành lại” thật đáng suy tư, đầy tâm trạng và xa xót khi thấy nhà thơ: “bước thấp bước cao” mà chỉ có: “gió ném ào ào lá khô”. Ai người đồng cảm? Ai người tri âm?

Cách nói tửng tửng ngược đời của nhà thơ Hoàng Xuân Họa trở thành một dụng ý nghệ thuật, phản ánh thực trạng vô tâm của con người đang diễn ra với Hồ Tây và là cách thể hiện tình cảm rất lạ, độc đáo với thắng cảnh Tây Hồ, tạo nên những dư ba, ám ảnh và trăn trở trong lòng người đọc. “Ai mua đi hộ Hồ Tây/ Đem xa ra khỏi chỗ này cho xong”! Rồi cái cảnh: “Mộng du nện gót đến trơ khấc mình” sao mà phũ phàng đến thế, nhà thơ đi như trong vô thức với ngổn ngang , bề bộn tiếc nuối và khát khao dẫu nói không thành lời: “Bao giờ trở lại ngày xưa” ? Bài thơ như một thông điệp thức tỉnh lương tri mỗi người.


Copy từ HXH.blogspot.com

Sách Thơ Bạn Thơ 2/ Thơ Huy Dung.





Ly Phuong Lien đã chia sẻ một video với bạn trên YouTube






Sách Thơ Bạn Thơ 2/ Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên chủ biên/ NXB Văn Học ấn hành 1.2013/ Phần thơ người thơ đương thời/ Thứ tự 12. Thơ Huy Dung..

Thơ Trần Vân Hạc

Hoàng Xuân Họa giới thiệu
thơ TRẦN VÂN HẠC


Đọc thơ lục bát của Trần Vân Hạc tôi có cảm giác anh đặt bút là con chữ tự nhiên tuôn trào ra đầu ngòi bút, hoặc những đầu ngón tay gõ bàn phím máy tính chảy thành những hình tượng thơ: - “Đường cày ngực đất vồng lên/ Giỏ tre gom cả nỗi niềm đầy vơi” (Bát canh cua); “Sương giăng chấp chới cánh cò/ Lập lòe hoa gạo thoáng ngơ ngẩn chiều” (Bến đò xưa); “Cánh cò chở nắng nghiêng chao/ Sông gầy bóng mẹ đổ vào chiều hôm” (Chuyến đò sông quê). Ở câu thơ khác anh dùng toàn vẫn bằng (hiếm gặp trong thể thơ này), nhưng đọc vẫn thấy đắc địa, chấp nhận được: “Canh cua rau đay mùng tơi”(Bát canh cua), hoặc “Em xưa đâu như bây giờ” (Tạ từ một mối tình xưa)…

Trần Vân Hạc là nhà giáo – nhà nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Anh thành thạo tiếng Thái, văn hóa Thái vì vậy anh có gần trăm bài viết về phong tục, tập quán, nếp sinh hoạt riêng biệt của nhiều dân tộc vùng Tây Bắc dọc dòng Đà Giang đăng trên các báo trung ương, địa phương, lưu trên trang web của mình.
Haixuanhxh xin trân trọng giới thiệu một chùm thơ lục bát của ông chủ trang web http://vanhac.org:


BÁT CANH CUA


Trưa nồng thơm bát canh cua
Mẹ hiền lặn lội nắng mưa tảo tần
Đồng xa cho đến ruộng gần
Nắng thiêu bỏng mỗi bước chân mẹ hiền
Đường cầy ngực đất vồng lên
Giỏ tre gom cả nỗi niềm đầy vơi
Mong con nên vóc nên người
Chắt trong gian khó nụ cười mẹ tôi
Canh cua rau đay mùng tơi
Bát canh có cả đất trời quê hương

BẾN ĐÒ XƯA

Xin đừng sóng nữa sông ơi
Cứ lao xao thế cho tôi được nhờ
Tôi đi tìm lại bến đò
Tìm trong sóng một tiếng hò: Đò…ơi!

Bến sông níu bước chân tôi
Lời ru nhẹ thoảng đầy vơi đôi bờ
Sương giăng chấp chới cánh cò
Lập lòe hoa gạo thoáng ngơ ngẩn chiều

Đâu rồi dáng mẹ thân yêu
Le te phiên chợ, xiêu xiêu chuyến đò
Đâu rồi ánh mắt người xưa
Con đò đã vắng lời chưa ngỏ lời

Tôi đi tìm bến. Tìm tôi
Tìm hương cỏ mật, tìm lời thề xưa
Bến sông lấp lóa trong mưa
Vẳng trong tiếng sóng nhịp khua mái chèo

THƯ MÙA ĐÔNG

Tìm trong trăng khuyết nụ cười
Khói sương mù mịt đâu người tri âm
Lẽ nào chiếc bóng âm thầm
Giữa ngược xuôi bão cát lầm gió mưa
Đem thơ hong nắng ban trưa
Mà sao gía buốt câu thơ úa vàng
Bao giờ thuyền ấy sang ngang
Bên này ấm áp nắng vàng hỡi em!

GỬI NGƯỜI EM GÁI MƯỜNG LÒ XA QUÊ

Hãy nhanh về trước cơn mưa
Bên này đèo Ách vẫn chưa ướt đường

Hoa ban ngan ngát tỏa hương
Gọi mùa xuân với người thương về cùng
Chỉ còn đôi ngọn gió đông
Ẩn trong sương sớm đồi thông trước nhà
Em ơi xuân ở quê ta
Lần đầu gặp gỡ đã là thân quen
Xuân tươi xanh xuân rất hiền
Như bà như mẹ như em mỉm cười

Khèn ai da diết lưng trời
Cho câu khắp bỗng đâm chồi nở hoa
Hãy nhanh về trước cơn mưa
Dẫu mưa xuân nhỡ câu thơ bị nhòe

KHĂN PIÊU


Bồi hồi khung cửi thoi reo
Ngẩn ngơ con gió lưng đèo mây bay
Ngửa bàn tay, úp bàn tay
Hoa văn ngưng cả bao ngày nhớ thương
Khăn mang hồn của quê hương
Má hồng dẫu nắng gió sương thêm hồng
Như muôn hoa của núi rừng
Sợi thương sợi nhớ vấn vương lòng người
Piêu nâng “còn” thắm lưng trời
Trao khăn trao cả bao lời yêu thương
Khèn ai lấp lánh trong sương
Piêu ngân sóng nhạc chỉ đường cho nhau
Khăn piêu em bắc nhịp cầu
Vòng xòe bổi hổi thơm câu hẹn hò
Piêu hồng ươm những ước mơ
Gọi mùa xuân đến ấm no bản mường
Cho tình yêu chín ngát hương
Ấm từng bếp lửa con đường quê ta

TẠ TỪ

Em nói rằng em không quên
Nhớ thương tiếc nuối bao đêm dầy vò
Em xưa đâu như bây giờ
Nghẹn ngào thổn thức đợi chờ thâu đêm…
Bây giờ mong gặp lại em
Không dửng dưng chẳng sợ ghen miệng cười
E là lòng nguội lạnh rồi
Khi em đã bế con người, không anh
Tựa đêm mà khóc cuộc tình
Lồng son tiếng nhạc sập sình trói em…
Dõi nhìn bóng nắng bên thềm
Đau từng sợi nắng tình duyên bẽ bàng!
Tan cơn mê dẫu mê vàng
Vàng thu úa cả không gian chúng mình
Em còn nhớ dáng trúc xinh
Em còn nhớ buổi đầu đình cành sen
Em còn nhớ hay đã quên
Dậu mùng tơi cánh bướm em dập dờn…
Cuộc đời hơn thiệt thiệt hơn
Nỡ nào đo đếm cái còn trong tay
Em ơi từ bấy đến nay
Em đi đi mãi lòng này nát tan

17.2.2011
Copy từ HXH.blogspot.com

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Sách Thơ Bạn Thơ 2/ Thơ Đặng Khánh Cường





Ly Phuong Lien đã chia sẻ một video với bạn trên YouTube






Sách Thơ Bạn Thơ/ Nhiều tác giả/ Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên chủ biên/ NXB Văn học ấn hành 1.2013/ Phần thơ người thơ đương thời/ Thứ tự 11. Thơ Đăng Khánh Cường...

Thơ Nguyễn Anh Tuấn

Hoàng Xuân Họa giới thiệu
thơ NGUYỄN ANH TUẤN

Gọi Nguyễn Anh Tuấn là nhà gì cho thích hợp lúc này thật là khó? Theo như thông kê của một trang web thì  Nguyễn Anh Tuấn kinh qua khá nhiều công việc. Đầu tiên là nhà giáo, viết báo, làm thơ, viết tiểu thuyết, viết truyện phim, cả làm đạo diễn điện ảnh và quay phim…
Được gặp Nguyễn Anh Tuấn đôi ba lần, toàn ở những cuộc vui ăn uống bạn bè chéo của hai bên mà nên gần. Cho dù không khí uống ăn vui đến mấy cũng thấy anh rất kiệm lời, cả tiếng cười anh cũng tiết kiệm luôn. Không phải anh ít nói ít cười mà anh ít chan hòa với bạn bè. Hình như ngay cả trong khi ăn anh cũng dành một ngăn não bộ để suy nghĩ một điều gì đó cho nghệ thuật, cho những bài viết, hoặc cho thơ. Ấy là mỗi lần tiếp xúc với anh tôi có cảm giác vậy.

Nguyễn Anh Tuấn làm khá nhiều thơ nhưng anh ít nói về thơ của mình. Hỏi thì anh bảo bận làm phim. Theo bạn bè chỉ dẫn, tôi tra trên internet kiếm được một chút thông tin về anh, cả thơ nữa. Thơ Nguyễn Anh Tuần đậm đà hương rừng Tây Bắc nơi anh hành nghề dạy học nhiều năm sau khi tốt nghiệp khoa văn trường đại học sư phạm Hà Nội:
 

“Rời rã gầm sàn tiếng chày đôi
Bếp lửa sàn lom đom hàng thế kỷ
Mùa gặt về, xôi được vài ba chõ
Những hố mài hun hút dọc đường trường…”
(Vùng đất ngày gió nắng)


Hoa ban, đặc trưng của Tây Bắc đi vào một bản trương ca trên hai trăm câu thể thơ tám chữ:


“Em hãy đến cùng anh thung lũng xanh
Ban trắng đơn sơ toả đầy núi biếc
Con chim xanh cất lời xanh ngây ngất
Hoa long lanh dải núi hoá kim cương…”
(Theo vết một loài hoa)


Nguyễn Anh Tuấn sinh năm 1952 tại Hà Nội
Nghề nghiệp chính hiện tại là đạo diễn điện ảnh.

TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN :

- Thung lũng buồn (tiểu thuyết, nxb Thanh niên)
- Người tù áo sạch (truyện ngắn, nxb Thanh Niên)
- Nỗi niềm đường xa (truyện ngắn,nxb Hội nhà văn)
- Lũ muộn (truyện ngắn truyện vừa, nxb Hội nhà văn)
- Viết một số kịch bản phim truyện điện ảnh & truyền hình đã dựng thành phim: “Vầng trăng lửa, Ông bầu ca nhạc, Chuyện học đường, Bản lĩnh người đẹp, Tầng cao nghiệt ngã, Biển lặng, Người kế thưà dòng họ, Trái tim đầu thai, v.v…"

Thơ Nguyễn Anh Tuấn

Vùng đất ngày gió nắng

Chiều miền Tây mùa đói gió miên man
Anh viết cho em trên một đồi đất đỏ
Mảnh đất có mùa ban và những chiều nắng lửa
Chuyện buồn vui nhảy nhót ngọn lửa sàn

Vẫn còn kia, như một giấc mơ buồn
Em gái khom lưng gùi ngô cõng sắn
Ngọn gió cô đơn qua một vùng hoang lạnh
Dao mẻ cùn phát rẫy đã bao đời

Rời rã gầm sàn tiếng chày đôi
Bếp lửa sàn lom đom hàng thế kỷ
Mùa gặt về, xôi được vài ba chõ
Những hố mài hun hút dọc đường trường

Ai hát ngày xưa: máu người trộn mủ sung1
Làm chát đắng cả vùng quê ban nở
Đàn tính âm thầm, kèn môi rên rỉ
Lồng lộng những ngày sương giá nắng hanh

Lửa tháng ba hừng hực đồi gianh
Ngọn gió Lào réo sôi tràn thung lũng
Anh đi qua một vùng rừng cháy nắng
Nhớ thương bao kiếp sống cơ hàn

Sương chập chờn tỉnh thức giữa mùa trăng
Như ấp ủ những lo toan bình dị
Nước lũ trôi cầu treo, máng nước trong ri rỉ
Nương lúa khô khan, ướt đẫm mồ hôi

Và có ai ngờ, những tiếng đàn môi
Lại thổn thức giữa cánh rừng ngợp trắng
Mùa hoa ban, mùa củ mài, măng đắng
Cũng là mùa của sàn gió, sàn trăng...

Lại Một Mùa Hoa Ban

Anh muốn viết bài thơ hoa ban
Nhưng mùa ban chưa lại
Em đã đi xa…

Một chiều miền Tây
Gió Lào khắc khổ
Những vệt ban rừng nở sớm
Trên sườn núi xanh mờ
Những mỏm đồi trơ trụi

Tây Bắc là đây em
Anh hỏi
Mỗi khi lòng ngơ ngác
Tự bao giờ em đến bên anh

Như rừng ban trắng muốt
Sáng một dải mờ sương
Có phải, trong thung lũng xanh ngập nhớ thương
Đang vẳng lời em nhắn lại:
"Hoa ban ơi!

Có chàng trai lần đầu biết hoa ban
Hoa chớ phũ phàng đấy nhé!”
Anh đã vui thích và ngỡ ngàng như đứa trẻ
Tìm em qua một sắc hoa rừng

Nhưng không đợi em về
Ngắt cánh ban rừng mộc mạc
Anh đã ra đi…

Nhớ Hoa Ban Bên Những
Đóa Hồng Đầu Xuân

Gửi Chu Văn Sơn

Ngày xuân, bạn gửi những đoá hồng qua mạng
thắm tươi nồng nàn
như tâm hồn của người quý thương bè bạn
những đoá hồng mang nhiều tên nước ngoài duyên dáng
nở tự tin
say đắm trong tồn tại
kiêu hãnh mang thông điệp
lòng chung thủy
tình bạn
tình yêu…

Tôi chạnh nhớ vệt ban rừng Tây Bắc
náu mình trốn chạy trận đốt rừng đốt nương
cánh hoa ngậm nỗi buồn người thiếu nữ
đi qua nghèo đói suốt thời gian…

Đầu xuân 2009
From: HXH.blogspot.com

Số Đỏ và tầm vóc Vũ Trọng Phụng




Số Đỏ và tầm vóc Vũ Trọng Phụng
Nguyễn Trọng Bình

1. Vừa qua, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn của Vũ Trọng Phụng, trong khi bàn về những đóng góp của ông đối với nền văn học nước nhà có không ít người đặt ra vấn đề: “giá như Vũ Trọng Phụng còn sống đến bây giờ?” [1].
Tôi hiểu rằng, khi nói như vậy, những người này một mặt khẳng định Vũ Trọng Phụng là một thiên tài văn chương. Mặt khác, họ cho rằng, xã hội ngày nay có nhiều mảng hiện thực còn khốc liệt hơn rất nhiều nếu so với xã hội thời Vũ Trọng Phụng sống nhưng đáng tiếc là không có nhà văn nào đủ tầm để “phản ánh” được như ông.
Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng cách đặt vấn đề này có gì đó không được ổn cho lắm. Bởi lẽ, những cách nói như thế này vô tình đã đồng nhất cái hiện thực trong tác phẩm văn học với cái hiện thực ngoài cuộc đời. Vẫn lại là cách tư duy, cách đánh giá, cách “nội soi” giá trị tác phẩm văn học bằng cái “công thức” rất sai lầm – cái công thức vốn đã làm cho Vũ Trọng Phụng (và nhiều văn nghệ sĩ khác ở xứ sở này) phải bao phen “lên bờ, xuống ruộng”.
Ở đây, tôi không có ý bàn về vấn đề mà một thời các “chuyên gia lý luận” nước nhà đã tranh luận với nhau – vấn đề “văn học phản ánh hiện thực”. Tuy nhiên, theo tôi những ai cho rằng  tác phẩm của Vũ Trọng Phụng giống như “tấm gương phản chiếu xã hội” [2] là không hiểu gì về Vũ Trọng Phụng, là chưa nhìn thấy hết “tầm vóc” lớn lao của ông.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, thực ra vấn đề “phản ánh hiện thực” (“tấm gương phản chiếu”) trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng chỉ là cái phần phụ - cái phần nổi của “tảng băng trôi” mà thôi. Tầm vóc của Vũ Trọng Phụng thực ra không phải ở chỗ đã “phản ánh chân thực” xã hội Việt Nam đương thời mà ở chỗ ông đã khái quát hóa nó bằng cách sáng tạo ra một thế giới nghệ thuật (thế giới hiện thực, thế giới nhân vật...) của riêng ông với tư cách là một nhà văn – một nghệ sĩ nhằm tiến thêm một bước là “lý giải” những vấn đề liên quan đến con người và xã hội mà ông đang sống.
Lịch sử văn học Việt Nam hiện đại theo thiển ý của tôi có hai người vượt qua tầm “phản ánh” vươn đến tầm “lý giải” là Vũ Trọng Phụng và Nam Cao. Nhờ thế mà hai ông mới trở nên bất hủ. Nếu Nam Cao đi từ cái (không gian) hiện thực có tính “vi mô” để lý giải xã hội và con người thì ngược lại Vũ Trọng Phụng xuất phát từ cái hiện thực có tính “vĩ mô”; nếu Nam Cao “đi từ bên trong để mở ra bên ngoài” thì Vũ Trọng Phụng “đi từ đi từ bên ngoài để hướng vào bên trong”; nếu Vũ Trọng Phụng là “cửa tử” thì Nam Cao là “cửa sinh”;... Hai ngòi bút này là sự bổ sung, bổ khuyết cho nhau để hoàn chỉnh một cách xuất sắc dòng văn học hiện thực phê phán Việt Nam những năm 1930-1945.
Có thể ai đó cho là cực đoan, nhưng với tôi, lịch sử văn học Việt Nam hiện đại đến thời điểm này nếu thiếu một trong hai cái tên Vũ Trọng Phụng hoặc Nam Cao thì đó là một khiếm khuyết không gì bù đắp nổi. 

2.Đọc lại Số đỏ mới thấy chàng trai Vũ Trọng Phụng khi đó mới ngoài hai mươi tuổi đã có những suy nghĩ và tư duy rất “ghê gớm” về con người và cuộc đời thông qua khối lượng tri thức và vốn sống thực tế rất đáng nể. Mở đầu Số đỏ, Vũ Trọng Phụng dự báo về cuộc đời của thằng Xuân Tóc Đỏ qua mấy câu thơ của ông thầy tướng số. Chi tiết này cho thấy, Vũ Trọng Phụng là người rất am tường về Kinh Dịch; nói cách khác Vũ Trọng Phụng rất am hiểu và tinh tường văn hóa phương Đông truyền thống.
Đến chương 19, đoạn Vũ Trọng Phụng để cho bác sĩ Trực Ngôn bàn về sự “hư hỏng” và thói dâm dục một cách “có khoa học” của người đàn bà đang độ tuổi “hồi xuân” (nhân vật bà Phó Đoan) mới biết Vũ Trọng Phụng cũng là “tay” cự phách trong việc tiếp thu tri thức và văn hóa phương Tây. Đây chỉ là hai ví dụ điển hình nhất cho thấy tài năng và tri thức của tuổi trẻ Vũ Trọng Phụng.
Không dừng lại ở đó, nghiền ngẫm lại Số đỏ
sẽ thấy ở Vũ Trọng Phụng là một cái nhìn phản tĩnh rất sâu sắc và“ghê gớm” về một vấn đề lớn – vấn đề mang tính phổ quát của nhân loại, đó là: sự “văn minh”, “tiến bộ” của con người trong xu hướng đô thị hóa ở bất kỳ xã hội nào, thời đại nào. Phải chăng, ngay những năm đầu của thế kỷ 20, qua Số đỏ Vũ Trọng Phụng đã bắt đầu hoài nghi những cái gọi là “văn minh”, “tiến bộ”, “hiện đại” cũng như con đường tiến lên “văn minh”, “tiến bộ”, “hiện đại” của tầng lớp thị dân ở các khu đô thị Việt Nam trong buổi giao thời?
Về phương diện đời sống vật chất, sự “văn minh”, “tiến bộ”, “hiện đại” của con người (nhờ thành tựu của khoa học kỹ thuật) là điều không ai phủ nhận. Nhưng nếu xét ở phương diện tình cảm, phương diện đời sống tinh thần, đời sống tâm hồn thì sao? Đô thị là nơi “khai sáng” cho con người hay là nơi làm cho con người ngày một trở nên “dã man”, trở nên “nhẫn tâm” thậm chí có nguy cơ đẩy con người đi đến chỗ diệt vong? Phải chăng môi trường đô thị chính là “thủ phạm” đã cản trở con đường tiến lên “văn minh” và “tiến bộ” thật sự của loài người; chính môi trường đô thị mới là nơi đã phản bội và làm băng hoại cái thiện tính, cái “thiên lương” của con người?
Thực tế ngày nay ít nhiều cũng đã cho thấy, nhân loại đang ngày một phát triển theo hướng “hiện đại” với tốc độ đô thị hóa chóng mặt; và con người luôn nghĩ rằng mình ngày một “văn minh” và “tiến bộ” hơn nhưng không hiểu sao họ lại có xu hướng tìm cách gây hấn; kích động; phát động chiến tranh để hủy diệt lẫn nhau? “Văn minh”, “tiến bộ”... sao người ta lại có khuynh hướng “loại diệt” hơn là “cộng sinh”? Và dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam thực ra, từ xưa đến nay giữa hai tính chất “cộng sinh” và “loại diệt” thì cái nào nổi trội hơn? Ngoài ra, cách thức và “con đường” mà người Việt “cộng sinh” hay “loại diệt” là gì? Cụ thể, qua Số đỏ chúng ta thấy con đường để Xuân Tóc Đỏ và những kẻ “cùng hội cùng thuyền” với hắn gia nhập vào thế giới “thượng lưu” thực chất là “cộng sinh” hay “loại diệt”...?
Từ đây có thể thấy, qua việc tái hiện “con đường thăng tiến” của Xuân Tóc Đỏ trong Số đỏ (từ một tên “ma cà bông” trở thành “vĩ nhân cứu quốc”), Vũ Trọng Phụng muốn cảnh báo một vấn đề mang tính sống còn của xã hội và con người Việt Nam trong buổi đầu chập chững gia nhập vào thế giới “văn minh”, “hiện đại” (những năm đầu thế kỷ 20) thậm chí là cho đến tận bây giờ. Cụ thể, Vũ Trọng Phụng muốn đề cập đến những hạn chế, những khiếm khuyết về chiều sâu“nội lực văn hóa” người Việt trong quá trình tiếp thu, đón nhận những làn gió văn hóa mới từ Âu châu đang ồ ạt thổi qua.
Một xã hội, một đất nước vì lý do nào đó để cho những loại người như Xuân Tóc Đỏ ngang nhiên và “hùng hồn” đứng lên diễn thuyết trước toàn thể quốc dân đồng bào về những vấn đề lớn lao như “cải cách xã hội”, “cải cách văn hóa” nhằm canh tân đất nước thì dù muốn dù không cũng cho thấy trong lòng xã hội ấy đang tiềm ẩn những bất ổn vô cùng nguy hiểm. Càng bất ổn và nguy hiểm hơn khi những kẻ vốn hiểu rõ bản chất thật của Xuân Tóc Đỏ nhưng vì “lợi ích nhóm” (như cách nói phổ biến của chúng ta hiện nay) chẳng kẻ nào dám vạch trần bộ mặt thật của Xuân ngược lại còn cổ xúy và tung hô, tô vẽ thêm cho hắn. Cho nên, “con thuyền văn hóa” của dân tộc vì lý do nào đó rơi vào tay những kẻ như Xuân Tóc Đỏ và đồng bọn của hắn lèo lái thì sớm hay muộn cũng gây ra thảm họa cho dân tộc, cho đất nước mà thôi.
Số đỏ
, vì thế theo suy nghĩ của cá nhân tôi không đơn giản chỉ là “phản ánh chân thực xã hội”; nhà văn không phải nhằm mục đích phơi bày những cảnh tượng nhố nhăng, giả dối của xã hội và con người VN đương thời mà quan trọng hơn ông muốn “lý giải” cái căn nguyên đã gây nên những vấn nạn ấy. Vấn đề này nhìn ở góc độ văn hóa – xã hội cũng giống cách nói của nhà thơ Tản Đà trước đây là: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn/ Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”. Đây mới thật sự là nguyên nhân sâu xa làm cho xã hội và con người Việt Nam rơi vào cảnh nhố nhăng, lộn xộn thậm chí băng hoại không chỉ ở những năm đầu thế kỷ 20 mà cho đến tận hôm nay.

3.
Cho nên, phải chăng ngay những năm đầu của thế kỷ 20 chúng ta có một nhà văn – nhà tư tưởng lớn mang tầm thời đại, tầm nhân loại mà đến tận bây giờ chúng ta vẫn chưa kịp hiểu và giải mã một cách thấu đáo?
Dĩ nhiên, đây chỉ là suy nghĩ, là cái nhìn của cá nhân tôi với mục đích góp tiếng để khẳng định giá trị và tầm vóc văn chương của Vũ Trọng Phụng mà thôi. Nhưng nếu ai đó không đồng tình và nhất định cho rằng nhiệm vụ của văn học là phải “phản ánh hiện thực” và tài năng của Vũ Trọng Phụng là ở chỗ đã “phản ánh” một cách “chân thật cái xã hội đương thời” đi chăng nữa thì cũng không nên đặt vấn đề “giá như Vũ Trọng Phụng sống lại...” làm gì?
Bởi lẽ, tôi chợt nghĩ, cái ước mơ (dẫu là không bao giờ có) này có khi nào là quá ích kỷ không? Có ác lắm không khi bắt Vũ Trọng Phụng phải “sống lại” và chứng kiến cái xã hội mà chính mỗi người trong chúng ta hiện nay ít nhiều đã góp phần làm cho nó trở nên khốc liệt và băng hoại?
Sở dĩ tôi nói như vậy là vì tôi lo cho Vũ Trọng Phụng, tôi lo với “bút lực” của nhà tiểu thuyết theo khuynh hướng “tả chân” như ông liệu có được bình an, có được sự tự do mà tung hoành với cái bàn phím vi tính nhằm “phản ánh chân thật” cái xã hội của chúng ta hiện nay (như mong muốn của nhiều người hay không)? Trước đây, Vũ Trọng Phụng gọi là cái xã hội mà ông đang sống là cái xã hội “chó đểu”; còn bây giờ nếu “sống lại” thì ông sẽ gọi xã hội hiện nay là gì nếu biết rằng chỉ với mấy dòng “phản ánh hiện thực” trong “Cánh đồng bất tận” thôi mà Nguyễn Ngọc Tư cách đây mấy năm đã phải “lên bờ xuống ruộng” vì mấy ông quan chức địa phương?
Vì lẽ ấy mà tôi nghĩ rằng, xin hãy để nhà văn thiên tài của chúng ta được yên nghỉ, đừng bắt ông phải “sống” dậy chứng kiến cái hiện thực xã hội của chúng ta hiện nay cho thêm đau lòng; xin đừng mang cái quan niệm đã lỗi thời và rất sai lầm (đồng nhất hiện thực trong tác phẩm văn học với hiện thực ngoài xã hội) ra mà giăng bẫy các văn nghệ sĩ của chúng ta. Tội nghiệp cho họ lắm.

4.
Có nhiều lúc tôi nghĩ rằng, ở Việt Nam câu nói “tài hoa nhưng bạc mệnh” là câu nói chỉ dành riêng cho nhà văn Vũ Trọng Phụng? Có thể nói, không nhà văn nào lại có cuộc đời linh ứng và “xứng đáng” hơn Vũ Trọng Phụng nếu vận vào câu nói kia. Thật kì lạ về một kiếp người; một sự tận hiến để phụng sự cho văn chương nghệ thuật, phụng sự cho cuộc đời của một nhà văn. Sẽ là dư thừa nếu phải nói lời ca tụng những đóng góp về văn học nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng đối với lịch sử văn học nước nhà. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót rất lớn nếu không vinh danh ông như một nhà tư tưởng lớn trong việc cải cách xã hội bằng tất cả tinh lực, trí lực với tư cách của một nhà văn – một công dân. Và phải chăng đây mới là đóng góp lớn nhất của thiên tài văn chương Vũ Trọng Phụng?
Thật đáng kinh ngạc làm sao, một chàng trai chỉ với 27 tuổi đời, cưới vợ chỉ sau một năm rồi vĩnh viễn ra đi nhưng đã để lại cho đời những trang văn chứa đựng những tư tưởng lớn của thời đại và nhân loại. Đây chính là bằng chứng cho thấy sự hi sinh lớn lao của thiên tài Vũ Trọng Phụng: không màng và sẵn sàng vứt bỏ những ham muốn riêng tư của tuổi trẻ để một lòng phụng sự và tận hiến cho cuộc đời; một sự hi sinh lớn lao và bất khuất nhất của một nhà văn dành cho văn chương nghệ thuật nhằm thức tỉnh lương tri con người.
---------------------------------
Chú thích:

[1]; [2]: Mời xem thêm một số bài viết:
1. Vũ Trọng Phụng – người không hề xưa cũ, Tuần Việt Nam, 29/10/2012
2. Vũ Trọng Phụng, nếu ông sống lại? – Tuần Việt Nam, 31/10/2012
3. Còn nhiều Nghị Hách, Phó Đoan, – Tuần Việt Nam, 01/11/2012


Nguyễn Trọng Bình
BT/ qua eMail

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Sách Thơ Bạn Thơ 2/ Thơ Quang Chuyền





Ly Phuong Lien đã chia sẻ một video với bạn trên YouTube





Sách Thơ Bạn Thơ 2/ Nhiều tác giả/ NXB Văn Học ấn hành/ Nguyễn Nguyên Bảy và Lý Phương Liên chủ biên/ Thơ người thơ đương thời/ thứ tự 9. Thơ Quang Chuyền

Goc Rieng Tu/ Thiệp Giáng Sinh và Năm Mới

From: nguyenlyphuongngoc
 *
Bữa nay con gái yêu tròn 8 tháng(25/12), cao 75.56 cm nặng 9.52kg, bắt đầu gia nhập hội "Chán ăn thèm chơi!" Với lại tháng này toàn dc cho đi chơi nên ăn uống hết sức lơ bờ. Bù lại con đã biết gọi Papa, Me me 1 cách thuần thục, lại còn biết lắc đầu nói "Không!" khi con ko muốn ăn nữa. 8 tháng- ko bò lười lật, ba thì nói "Con phát triển bthg", mẹ thì cằn nhằn "Chắc con mình chậm lớn!". Thôi, sao cũng dc, miễn con cứ khỏe mạnh mau lớn là cả nhà vui.
Eva is 8 months old today 21lbs 29.75inches, she can call "Papa-Mama" very clear. Sometimes, she knows how to shake her head to say "No" when she doesn't want to eat. She doesn't crawl, too lazy to flip on her tummy but that's ok. As long as she's healthy we fine with anything else..

Hình ảnh: Bữa nay con gái yêu tròn 8 tháng(25/12), cao 75.56 cm nặng 9.52kg, bắt đầu gia nhập hội "Chán ăn thèm chơi!" Với lại tháng này toàn dc cho đi chơi nên ăn uống hết sức lơ bờ. Bù lại con đã biết gọi Papa, Me me 1 cách thuần thục, lại còn biết lắc đầu nói "Không!" khi con ko muốn ăn nữa. 8 tháng- ko bò lười lật, ba thì nói "Con phát triển bthg", mẹ thì cằn nhằn "Chắc con mình chậm lớn!". Thôi, sao cũng dc, miễn con cứ khỏe mạnh mau lớn là cả nhà vui.
Eva is 8 months old today 21lbs 29.75inches, she can call "Papa-Mama" very clear. Sometimes, she knows how to shake her head to say "No" when she doesn't want to eat. She doesn't crawl, too lazy to flip on her tummy but that's ok. As long as she's healthy we fine with anything else ^^


From: nguyenlyphuongngoc