NỖI NGƯỜI ĐI MUÔN TRÙNG
Phạm Khải
.
“Chầm
chậm tới mình” - Tôi rất thích cách Trúc Thông đặt tên cho tập thơ đầu
tay của anh. Việc thơ cũng như việc đời, không phải lúc nào cứ “nhanh”
là thắng. Hiện nay, nhiều người đang chủ trương phải sống chậm lại.
Chậm để cảm nhận được thật sâu, thật đậm dư vị cuộc sống. Chậm để hiểu
kỹ mình, hiểu đúng người. Tất nhiên, với một nhà thơ, để “tới mình” đã
khó, để từ “mình” tới được “người”, từ “chân trời của một người tới
chân trời của mọi người” như Paul Eluard nói, hẳn còn khó hơn. Song với
đời thơ Trúc Thông, không thể nói cái sự “chậm” của anh là không cần
thiết. Chí ít, nó tạo cho thơ anh một dấu ấn riêng, không như một số
bạn thơ cùng trang lứa, cứ von vót, nhạt nhòa lao đi để rồi…nhanh chóng
mất tăm trong biển thơ vô tận.
Đọc thơ Trúc Thông, ta thấy cái ý thức của người làm nghề luôn đắn đo, cân nhắc trước khi hạ một từ, một chữ, như thể người tạc tượng, khắc gỗ cân nhắc từng nhát búa, đường dao. Trúc Thông muốn không chỉ chữ tạo nên nghĩa, mà nhịp điệu của câu, của chữ cũng góp phần bổ trợ thêm cho nghĩa của chữ thêm đầy đặn.
Viết về danh họa Nguyễn Sáng (bài “Người ấy chiều giáp tết”), Trúc Thông có cách diễn đạt gọn, sắc:
Sáng đang đi
má phơi gió bấc
mũ cũ vải mềm
như một nhân vật trong tranh Vangốc
Câu đầu chỉ 3 chữ, cho thấy tư thế cứng cỏi của một người sẵn sàng đối mặt với phong ba bão táp. Câu cuối loang ra 8 chữ, như gợi sự dài dặc của con đường mà người họa sĩ này đang dấn bước. Tới những câu sau đây thì thật là một sự pha trộn đầy sáng tạo của cả kỹ xảo nhiếp ảnh lẫn kỹ xảo điện ảnh, khiến bức tranh thơ trở nên hoành tráng, ấn tượng:
mọi tốc độ đang phóng về chói lọi giao thừa
Đến đây, tác giả buông rơi một hình ảnh rất tạo sự đối lập:
ông như thể bên lề hạnh phúc
chén rượu nồng trong ngực
nâng màu lên
mà vẽ trần gian
Hạnh phúc không phụ thuộc vào tốc độ. Giao thừa có thể đem đến niềm vui nhưng không phải là cho tất cả mọi người. Nguyễn Sáng bị rớt bên lề hạnh phúc hay bên lề cuộc sống? Chưa dễ có câu trả lời. Với người họa sĩ, sự cô đơn nhiều khi lại tạo nên những hưng phấn trong sáng tạo. Hình ảnh “nâng màu lên/ mà vẽ trần gian” thật đẹp. Nó cho thấy tầm vóc cũng như cốt cách của một họa sĩ lớn. Trước bài thơ của Trúc Thông, tôi từng được đọc bài thơ “Thầy Sáng” cũng viết về danh họa Nguyễn Sáng của thi sĩ Nguyễn Lương Ngọc (không rõ bài nào ra đời trước). Tương tự Trúc Thông, khổ cuối bài của Nguyễn Lương Ngọc cũng nói tới hành trình lẻ loi của một con người, cũng nhắc tới chữ “ánh sáng” như một cách chơi chữ dựa theo tên nhà danh họa: “Thầy, thầy, xin thầy đừng đi vội/ Đường nhiều gió mà người ta bận bịu/ Thế kỷ quáng quanh đèn những quầy hàng/ Đang tìm về sáng”. Ở đây, tôi không có ý so sánh bài thơ nào hay hơn mà chỉ muốn nói rằng, cả hai tác giả Trúc Thông và Nguyễn Lương Ngọc đều thể hiện chân dung nhà danh họa bằng những nét vẽ khỏe khoắn, khoáng đạt, phù hợp với phong cách hội họa và lối sống đậm chất Nam bộ của ông.
Thơ Trúc Thông rất chú trọng tới mặt tạo hình. Trong cách thể hiện vẻ đẹp thiên nhiên, chữ nghĩa của anh cũng gọn ghẽ chứ không dềnh dang. Trong bài “Ngẫm dọc đường”, Trúc Thông viết: “Sao anh chẳng gần/ gió với cây xanh/ sao anh xa cách thế/ nạp sao lắm chữ/ cản đường/ gió/ với cây xanh”. Đúng là nhiều khi chữ nghĩa đan nối với nhau một cách lớp lang lại vô tình tạo nên rào cản giữa thiên nhiên với con người. Khi Trúc Thông viết: “trái đất mỉm cười mặt mình ngũ sắc/ cười rung….gió cây” (bài “Khúc trẻ thơ”), hoặc: “Trên cánh diều từ hạ sang thu/ con vượt nấc thời gian bao giờ không biết/ chỉ biết diều vẫn ru ru gió/ con vẫy từ cao tít/ tiếng con cười lấp lánh vào xa” (bài “Nhờ ở các con”), ta thấy việc tác giả khéo sắp xếp chữ nghĩa mà không phải sử dụng đến các liên từ đã giúp câu thơ trở nên tự nhiên, gần gũi và…tốc độ hơn nhiều. Đặc biệc, với đoạn thơ này:
Trời xanh rót xuống tràn ánh sáng
chị em bé xíu khoác vai nhau
Chưa bao giờ như thế cây xanh
và lá vàng mặt đất
chưa bao giờ như thế nước hồ
rời nhau
hét
chạy
thân thể các con đồng vọng bao la…
ta thấy giữa thiên nhiên tạo vật và con người gắn kết với nhau một cách thật sinh động, nó như hòa nhập làm một. Phải là người có bút pháp khá cao cường mới điều khiển đội quân chữ nghĩa “nhập thần” được như vậy.
Trong thơ Trúc Thông, nếu nói bài thơ thể hiện rõ nhất tài nghệ đẽo câu gọt chữ thì có lẽ đó là bài “Đường lưng đèo Gió”. Câu mở đầu bài thơ thoạt nghe thấy cũng…thường, thậm chí còn không có vẻ gì là thơ, nhưng cả bài thơ thì thật gợi:
Nhoài lên, quành xuống
Giữa núi xanh
Tiếng chim rơi tịnh mịch
Nỗi người đi muôn trùng
Bài thơ rất kiệm lời. Câu chữ được đẽo gọt chính xác. Câu thơ đang từ 4 chữ “Nhoài lên, quành xuống” bất ngờ bớt đi một chữ, chỉ còn 3: “Giữa núi xanh”. Việc bớt chữ khiến câu thơ gây cảm giác…hẫng, rất hợp với tư thế của người vừa “quành xuống”. Không những vậy, nó còn hỗ trợ cho sự… rơi ở câu sau: “Tiếng chim rơi tịnh mịch”. Chữ “rơi” tạo sự bất ngờ, phần nào thể hiện sự hốt hoảng của khách đi đường. Kết hợp với hai chữ “tịch mịch”, nó càng cho thấy núi rừng âm u, hoang vắng. Và, giữa sự quanh co của rừng núi, sự nhọc nhằn “nhoài lên, quành xuống” của người đi, sự hóc hiểm của đường sá, tác giả hạ mấy chữ: “Nỗi người đi muôn trùng” cho thấy bao chất chứa trong hồn người. Chữ “nỗi người” dùng ở đây thật đắc địa. “Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh” (Truyện Kiều) - chữ “muôn trùng” cũng rất gợi sự thương cảm nơi người đọc.
Thiên nhiên trong bài thơ hiện lên có độ sâu như xem trên màn hình 3D vậy. Cách bố trí câu chữ lúc ngắn, lúc dài ở đây rất tạo nhịp chuyển động, rất tạo hình. Việc nhịp thơ hỗ trợ cho hình ảnh là một trong những điểm mà không nhiều nhà thơ ta chú ý khai thác. Còn nhớ, trước Trúc Thông, trong bài “Đèo cả”, thi sĩ Hữu Loan cũng khéo…thả chữ (thơ bậc thang) và việc làm ấy khiến nhịp thơ rất bổ trợ cho hình ảnh kỳ vĩ, thâm u của vùng núi non mà tác giả muốn đề cập tới.
Không chỉ kiệm chữ, Trúc Thông còn luôn ghìm nén câu chữ, tạo cho chúng lực ma sát, không để vần điệu kéo tuột chúng đi theo quán tính. Anh chủ trương câu thơ giản dị, tự nhiên, gần với khẩu ngữ. Anh cũng không ngại đưa các chữ “tập đoàn”, “cực đoan”, “khoan hòa”, rồi cả các chữ Tây như “rông-đô”, “hip-hop”, “mô-đec”, “ma-ra-tông”… vào trong thơ. Có cảm tưởng, anh muốn tiết chế ngôn ngữ đến độ mỗi câu, mỗi chữ phải làm sao cho săn chắc hơn, hiện đại hơn. Đã có chỗ Trúc Thông làm được điều đó. Tuy nhiên, thơ ca cũng như cơ thể con người, đâu phải chỉ thể hiện ở phần xương cốt. Nó còn cần sự nở nang, mỡ màng của da thịt nữa chứ. Vả chăng, trong cuộc sống bao la rộng lớn này, sức hấp dẫn của thơ Trúc Thông đến đâu khi thơ anh vừa ít về số lượng, vừa không phong phú về đề tài; không đặc sắc về cấu tứ cũng không thật dạt dào về cảm xúc? Chính bởi lẽ ấy, mặc dù được tiếng là nhà thơ có cách diễn đạt hiện đại, cách tân, song khi nhớ về Trúc Thông, bạn đọc vẫn thường nhớ về bài thơ “Bờ sông vẫn gió”, một thi phẩm được anh viết theo lối truyền thống với một giai điệu da diết quấn quyện với những hình ảnh đầy rung cảm:
Lá ngô lay ở bờ sông
Bờ sông vẫn gió
người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối…một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một đời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha…
Mặc dù đọc bài thơ, ta có thể bắt gặp một số hạt sạn về ngôn từ (như chữ “ở” trong câu “Lá ngô lay ở bờ sông” mà một nhà thơ đã tỉ mẩn tìm cách ứng cứu bằng những chữ như chữ “tận”, chữ “cạnh”…. song vẫn không ổn; hoặc chữ “về” lặp đi lặp lại ở chỗ bắt vần của câu thứ hai và câu thứ tư - mà những người sành điệu xem là lỗi “quẩn vần”), song chính cái tình của tác giả đã cứu bài thơ. Đây là một trong những bài thơ khóc mẹ được xem là hay nhất trong thơ ca Việt Nam hiện đại, là một trong những bài thơ có nhiều… gió nhất trong thơ Việt Nam. Ngọn gió ấy vừa của thiên nhiên, vừa của hồn người: “Cây cau cũ giại hiên nhà/ Còn nghe gió thổi sông xa một lần/ Con xin ngắn lại đường gần/ Một lần… rồi mẹ hãy dần dần đi”, nên dẫu bài thơ đã khép rồi mà sức lay động của nó vẫn không ngừng gây xao xác trong tâm can người đọc.
Cuộc sống có nhiều chuyện thật lạ. Vẫn biết điều mà Trúc Thông đau đáu hướng tới không phải là những bài thơ viết theo lối truyền thống, và những bài thơ ấy không phải không bộc lộ ở anh một số hạn chế, song nếu tìm một món ăn chính mà Trúc Thông có thể góp vào bàn - tiệc - thơ thiên hạ, ta không thể không nhớ tới món ăn có tên “Bờ sông vẫn gió”. Vâng, có lẽ sẽ có nhiều người đồng tình với tôi trong sự lựa chọn này. Bởi nhìn vào đời thơ của Trúc Thông, một số bài thơ khác - được xem là hiện đại của anh - hình như mới chỉ phần nào có tác dụng như món rau dưa lạ, “đưa đẩy” cho đỡ chán trong một bàn tiệc vốn dĩ quá nhiều món ăn quen thuộc mà thôi.
13-5-2012Nguồn: Văn nghệ Công an số 176, ra ngày 21-5-2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét