"Con đường tình ta đi" dẫn về đâu?
(Đọc "Những hoàng hôn ta đã đi qua" của Trần
Đình Hoành)
Con đường tình ta đi (*)
Quanh co
Qua những hàng cây rợp lá
Những cánh đồng xanh cỏ mạ
Những đàn bò sữa
Nhẩn nhơ
Nắng hong vàng
Nhẩn nhơ
Nắng hong vàng
Những hành trình bình an
Thân ái
Chỉ hai đứa
Một chiếc xe
Thân ái
Chỉ hai đứa
Một chiếc xe
Một con đường
Và bầu trời mênh mang
Và bầu trời mênh mang
Những hoàng hôn vàng tím
Hồn ta thấm ngập
Mênh mông sắc màu
Từ những hoàng hôn ta đã đi qua...
Hồn ta thấm ngập
Mênh mông sắc màu
Từ những hoàng hôn ta đã đi qua...
(*)
"Con đường tình ta đi" là tên của một con đường ở Virginia.
Bài thơ tựa một
khúc du ca trong trẻo, cất lên giữa chiều thu yên bình, giữa khung cảnh thiên
nhiên tuyệt đẹp của một miền quê Bắc Mỹ, xuyên qua một con đường quanh co rợp
bóng cây mang tên "Con đường tình ta đi"- cái tên như một thứ
"định mệnh" ngọt ngào đối với hai người...
Họ đi trong buổi
hoàng hôn, ngẩng nhìn bầu trời mênh mang có những chiếc lá vàng loáng ánh chiều
tà đang xoay tít, và rơi mãi vào trong hoài niệm... "Chỉ hai đứa/ Một
chiếc xe..." Họ đi bằng gì, điều đó không quan trọng. Có thể là một chiếc
xe du lịch đời mới. Có thể là một chiếc xe đạp. Có thể là một chuyến xe bò thổ
mộ giống ở miền Trung Nam Bộ hồi nào. Cũng có thể dắt tay nhau đi bộ... Nếu
không có "những cánh đồng xanh cỏ mạ" và "những đàn bò sữa nhẩn
nhơ nắng hong vàng" làm hậu cảnh thì người đọc hoàn toàn có thể hình dung
hai người đó giống đôi bạn Nàng Thơ và Nhà Thơ trong tranh của danh họa Pháp
Henri Rousseau hồi đầu thế kỷ trước ( sáng tác năm1909 ). Con người và cảnh vật
hài hòa, đồng cảm, quyến luyến, xa lạ với mọi thứ ồn ào dung tục, con người
khao khát "Những hành trình bình an/ Thân ái" - như trong mộng tưởng
cao vời của nhân loại từ thuở xưa...
Nhưng hiện tại thì
đôi lứa trong bài thơ lúc này cũng đang được hưởng " Những hành trình bình
an/ Thân ái" đó mà chỉ con đường vắng xa ngái và "Những hoàng hôn
vàng tím" làm xáo động tâm can. Chỉ có điều, tâm can xáo động ấy lại là
"Mênh mông sắc màu" khi ký ức ùa ngập về "Từ những hoàng hôn ta
đã đi qua..." Hai con người say đắm thiên nhiên và biết lắng nghe những gì
sâu thẳm nhất của lòng mình lên tiếng. Họ như hiểu nhau qua từng ánh mắt, nụ
cười, và không hề giống như những kẻ đang phải chạy trốn khỏi những khung cảnh
gay gắt, máu lửa - bởi họ cùng mang theo trong mình vẻ đẹp của "những
hoàng hôn ta đã đi qua", biết sống trọn vẹn với từng cung bậc cảm xúc
trong lành nhất, đặc biệt là trước Thiên nhiên kỳ diệu, vĩnh cửu. Đột nhiên họ
trở thành thi sĩ- dù chỉ là trong những khoảnh khắc, nhưng cũng đủ tạo ra bao
hạt ngọc quý của tâm hồn góp phần làm bền chắc hơn, tỏa sáng hơn những giá trị
Nhân bản của cuộc đời.
Đọc bài thơ này tôi
bỗng nhớ tới đoạn kết một bài thơ buồn của nhà thơ Pháp G. Apollinaire, bài
"Automne malade" (Mùa thu đau ốm) :
Les feuille/ Qu'on foule/ Un train/ Qui roule/ La vie/ S'écoule
(Những chiếc lá (rơi) / Gót người đi / Một con tàu / Đang lăn bánh / Cuộc đời /
Cứ thế trôi )
Có điều, nếu
trong "Automne malade", cảm
xúc của nhà thơ buồn tê tái, khi mà "Gió và rừng cứ khóc mãi không
thôi" ( Le vent et forêt qui pleurent), thì trong bài thơ "Những
hoàng hôn ta đã đi qua" lại thấy
"Hồn ta thấm ngập" những "sắc màu" và mối đồng cảm với vẻ
đẹp của chiều tà trong những kỷ niệm êm đềm, thi vị. Âu đó cũng là hai trạng
thái tâm hồn khác nhau của con người trong một đời người...
__________________________________________________
HÀ ĐÔNG TRONG NỖI NIỀM CỦA MỘT NHÀ THƠ
Đúng hôm cột ranh giới giữa Hà Nội - Hà Đông được dỡ bỏ, tôi có
dịp đi qua và dừng lại, chụp một kiểu ảnh tư liệu; chợt nhớ đến bài thơ Hà Đông
của Phạm Đình Ân. Về nhà, tôi lục tìm đọc lại nó trong tập Những hoàng hôn ngẫu
nhiên ( NXB Phụ nữ, 2001) và bâng khuâng suốt một buổi chiều…
Bài thơ được làm vào năm 1985, khi đất nước ta đang chuẩn bị bước
sang thời kỳ đổi mới. Ai cũng biết, từ năm 1985 trở về trước, đời sống của nhân
dân ta còn cơ cực lắm! Thơ tình của Phạm Đình Ân thường kín đáo lồng ghép các
vấn đề xã hội, hoặc cao hơn thế- nảy sinh từ chính vấn đề xã hội, và bài thơ Hà
Đông có thể nói là một điển hình …Chẳng ai có thể cãi rằng: đây không phải là
thơ tình! Mà thơ tình bao giờ chẳng có
chút buồn, hơn nữa ở đây lại là sự chia ly, xa cách. Có điều, nhà thơ đã diễn
tả nỗi thất tình của mình thông qua một địa chỉ là Hà Đông, có những địa danh
cụ thể: Vạn Phúc, Đường số 6, sông Đà, v.v, và gửi gắm một cái gì đó sâu xa hơn
nỗi buồn của tình yêu…Những câu thơ như lời tâm sự thường tình, không gọt rũa,
không cố tình làm thơ mà cứ thế dẫn người đọc vào cõi rung cảm chân thật, sâu
lắng của nhà thơ:
Hà Đông vốn thuộc về Hà Nội
nay thì không mà vẫn cứ Hà Đông
Xưa Hà Đông thuộc Hà Nội. Nay thì không. Em có thể thuộc về anh,
nay thì không, và mãi mãi không bao giờ anh có em nữa…Hà Nội cách Hà Đông chỉ
hơn chục cây số, cách nơi ở của “tôi” có thể chỉ vài chục phút xe đạp. Nhưng
“dăm cây số thoắt bước sang tỉnh khác” mất rồi! Em đã rất gần mà nay hoá xa
xôi- cái xa xôi không còn chỉ là địa lý, không gian nữa…ở đây, tác giả mượn cái
này để nói cái khác, “vẽ mây nảy trăng”
một cách khá ngọt ngào, tinh tế. Và nhà thơ đã giải thích ngay cái ý
tưởng “ vẫn cứ Hà Đông” một cách ý nhị:
Em ở lại thị xã này mãi mãi
Những buổi chiều em đã có tôi
mong
Cái lý do bâng quơ nhưng “giăng lưới nhện” này chỉ có thể giải
thích bằng logich tình cảm, và chỉ thi sĩ mới có!
Sau đấy, nhà thơ diễn tả thêm sự gắn bó của mình với mảnh đất của
tình yêu bằng ba khổ thơ- cũng bằng cách nói giống lời nói thường, tưng tửng:
Dăm cây số thoắt bước sang tỉnh
khác
đường mới làm, nắng gió thảnh
thơi hơn
Tôi trót có những chiều vàng hư
ảo
vui, trôi qua mắt của em buồn.
Phố lớn nhất nằm trên đường số
Sáu
lên Xuân Mai, Hoà Bình, Mai
Châu
Qua Hà Đông, xin đừng nhìn hờ
hững
điện sông Đà hé sáng giữa gian
lao.
Làng Vạn Phúc ở bên bờ sông Nhuệ
Sử sách từng ghi biết mấy mươi
lần
Xưa lắm lụa mà đến nay lại hiếm
Những làng La tôi đã quá yêu
thân.
Lúc đầu chúng ta hơi ngạc nhiên, vì sao thơ Phạm Đình Ân lại có vẻ
dễ dãi thế, anh dùng những từ ngữ, cách diễn đạt dường ít thơ- nếu không muốn
nói là khá mòn sáo. Nhưng, ngẫm ra mới hiểu, anh đang cố ghìm cảm xúc của mình-
đó chính là chỗ thể hiện bản lĩnh của một nhà thơ giàu kinh nghiệm, đã làm theo
lời khuyên của Viên Mai: ‘ý thâm, từ thiển” ( ý sâu mà lời dung dị) .
Tôi trót có những chiều vàng hư ảo
vui, trôi qua đôi mắt của em buồn.
Hai câu thơ trên tựa như sự lạc lõng của một chàng thi sĩ đa đoan
đa cảm giữa một không gian xô bồ ngổn ngang; và anh chợt ngậm ngùi nhận ra tình
yêu đơn phương của mình, niềm vui hò hẹn của mình chỉ là “ những chiều vàng hư
ảo”. Chúng ta có cảm tưởng tác giả đã từng đọc thầm nhiều lần hai câu thơ trên
để thấm thía một nỗi buồn khôn tả! Điều đáng nói là: sự phát hiện đó được nói
ra bằng cách riêng của Phạm Đình Ân, khó lẫn được với ai ( trót có; vui, trôi
qua đôi mắt của em buồn). Ta liên tưởng đến cái mỉm cuời buồn bã ẩn giấu sự hóm
hỉnh của anh trong một bài thơ tình khác: “Tôi cất đi những cái giật mình…” (
Những cái giật mình ). Và chính hai câu thơ trên, vốn được dụng công chọn lựa
chữ nghĩa lại giống như một sự “xuất thần” - đã làm “xương sống” cho không
những ba đoạn thơ, mà còn cho cả bài thơ; nó khiến những điều giản dị mà nhà
thơ quan sát và kêu gọi trở nên rung động thấm thía: Xin đừng nhìn hờ hững, hé
sáng giữa gian lao, sử sách từng ghi, đã quá yêu thân…Những điều tưởng chừng là
sự “liệt kê” ấy, thực ra là niềm tiếc nuối không che giấu nổi của nhà thơ về vẻ
đẹp và sản vật của quê hương Đất Nước- chúng được “bảo hiểm” bằng mối tình vô
vọng nhưng đáng trân trọng, và chúng đã kín đáo nuôi cảm xúc cho độc giả, để
đến đoạn cuối, cảm xúc của nhà thơ ùa mạnh vào lòng người đọc một nỗi xót xa,
nghẹn ngào, thương nhớ, nuối tiếc thăm thẳm:
Hà Đông có thuộc về Hà Nội
Hay là không thì vẫn cứ Hà Đông
Phố thưa vắng, mà tìm người đâu
dễ
Nghìn buổi chiều tôi đến, phải
về không.
Đến đây, nỗi buồn thất tình của riêng nhà thơ đã vô tình được nâng
lên trong nỗi nhớ của nhiều người về một vùng đất, một địa danh nổi tiếng…Nhà
thơ mới chỉ phác hoạ ra mấy nét đơn sơ về một vùng “địa linh nhân kiệt”, nhưng
đủ gợi lên trong lòng người đọc biết bao cảm xúc về xứ Đoài- một vùng châu thổ sông
Hồng cổ truyền, nơi tích tụ tinh hoa của ngàn đời dân tộc …Tình yêu không đạt
được mục đích, song những gì mà nhà thơ đã có trên mảnh đất này giống như một
sự “đối trọng” với nỗi buồn- sự thất tình, và vô tình điều đó đã vẽ ra cái tâm
hồn vững chãi, cái nhân cách đáng trọng của một thi sĩ- công dân. “ Nghìn buổi
chiều tôi đến phải về không”, nhưng Hà Đông “thì vẫn cứ Hà Đông”. Nỗi buồn dù
lớn đến đâu cũng chẳng khiến lương tri nhà thơ bị sứt mẻ mảy may. Cuộc đời vốn
là thế, cái gì riêng là của riêng ta, còn cuộc sống vẫn là cuộc sống, không thể
“ giận cá chém thớt”- hơn thế nữa, cái riêng ấy đã hoà tan trong một niềm tự
hào, trong nhận thức về lẽ đời rộng lớn. Tới khổ thơ cuối, đằng sau nỗi buồn và
sự tiếc nuối khiến người đọc cũng phải ngẩn ngơ xa xót cùng, nhà thơ đã “cài”
được một niềm tin, một lời nhắn nhủ kín đáo: “ tôi” và “chúng ta” có thể “về
không” trong mối tình vô vọng, nhưng không thể “về không” trong sự đánh mất bản
sắc của Hà Đông- xứ Đoài! Chính ở đây,
trực cảm thi sĩ đã giúp Phạm Đình Ân vượt trước thời gian hàng mấy chục năm, để
từ nỗi niềm riêng, anh vô tình nói lên được một chân lý đủ sức khái quát bao
tri thức văn hoá, địa lý, lịch sử, cùng tâm tư của những trí thức chân chính:
dù Hà Đông hôm nay đã không còn là Hà Đông nữa, nhưng những gì Hà Đông ( và Hà
Tây) đã để lại cho văn hoá, cho lịch sử thì không thể bị đánh mất đi theo cột
mốc...
Hà Nội, tháng 7-2008
_______________________________________________
Những phím dương cầm tím tái
*
Bốn chín ngày
Mẹ xa bốn chín ngày rồi
chỉ còn những vật dùng quen ở mãi
còn những phím dương cầm tím tái
tay con giờ gặp lại
xạc xào rung...
ngày ba lần con mời mẹ xơi cơm
di ảnh mẹ đôi mắt
trời thăm thẳm
cây xõa bóng hiên nhà như chịu tang ngõ vắng
nhớ bước ngày nào đưa mẹ tập dưỡng sinh
có ai vẽ như ngày xưa trẻ lại
hoa rụng về cành trời thấp lại hồng lên
sao trời chỉ cho con có mẹ một lần
cho con gom những câu thơ mới
bốn chín ngày mẹ đi về mãi mãi
để con ở lại với ngày mai
gió thổi và hoa trôi
xin gió, xin hoa cho con câu thơ gặp mẹ mỉm cười.
LÊ HÀ
(Tạp chí Tháp Bút-Trung
tâm văn hóa TP Hà Nội- CLB văn học- số 17/12/2011)
Tác giả bài thơ- chị
Lê Hà là con gái thứ ba của cố nhạc sĩ Lê Lôi. Mấy năm nay, một mình chị ở với
mẹ là bà quả phụ Nguyễn Thị Sâm, chăm sóc mẹ cho đến giờ phút cuối... Ngày 1 Tết
ÂL, tôi đến thắp hương cho bà. Chị Hà nhờ tôi đưa về tặng mẹ tôi tập Tháp Bút
mới có in thơ chị. Mẹ tôi là em út của bác Lê Lôi; từ ngày bác trai mất, sự gắn
bó giữa bác gái và mẹ tôi- cô em chồng dường càng khăng khít đậm đà hơn...Tôi
thường ít để ý tới những cuốn sách của các CLB Thơ, nhưng thấy mẹ tôi đọc tập
Tháp Bút này chăm chú, rồi lại để dưới gối như sẽ đọc lại, đọc kỹ, nên tôi tò
mò giở ra tìm đọc thơ chị. Tôi đọc để cho biết, để nếu gặp chị thì có cớ làm chị
đẹp lòng: "Em đã đọc thơ chị rồi. Dễ thương lắm chị ạ..."
Nhưng chỉ lướt vài dòng
đầu, mấy câu thơ này đã "xóc" ngay vào tâm trí tôi:
còn những phím dương cầm tím tái
tay con giờ gặp lại
xạc xào rung...
Mẹ tôi vốn là một
cô giáo dạy nhạc, trong nhà tôi thuở trước (thời "Chào sáu mốt đỉnh cao
muôn trượng") luôn có cây đàn piano cũ, và tuổi thơ tôi chìm trong tiếng
đàn dương cầm của người mẹ - cũng là cô giáo nhạc của tôi ở tiểu học. Phải
chăng đó là lý do trực tiếp, đầu tiên để hình ảnh "những phím dương cầm
tím tái" khiến tôi xúc động một cách lạ lùng?
Hàng ngày, chị vẫn
đánh đàn cho mẹ nghe, để bà đỡ cơn đau và nhớ về hình bóng người chồng nhạc sĩ
quá cố. Sống đơn sơ đạm bạc, chủ yếu bằng tiền lương hưu của một cô giáo dạy
văn sử cấp hai, nhưng căn buồng khu tập thể nhỏ bé của hai mẹ con chị luôn tràn
ngập kỷ niệm, tiếng đàn và tiếng cười - nhất là khi có các cháu nội & ngoại
đến thăm bà... Chị không đi theo con đường của cha, của em trai (nhạc sĩ Lê
Dũng), nhưng chị thừa hưởng được từ cha mình năng khiếu âm nhạc. Ngoài thời giờ
dạy học, soạn chấm bài, nội trợ, chị mê mải làm thơ và...tập đàn. Cây đàn piano
cũ là tài sản đáng giá nhất ở nhà chị. Song những phím đàn màu trắng ngà dường đã
tím tái đi trong nỗi đau suốt những ngày tang tóc, và tiếng đàn không thể thánh
thót âm vang, chỉ xạc xào tựa tiếng khóc nhớ thương phải kìm lại... Phải là một
cô giáo có tâm hồn nghệ sĩ và yêu quý cây đàn dương cầm đến mức nào mới có nổi
những câu thơ giàu trực cảm như thế!
Tiếp đó, cả bài thơ
giản dị như lời nói thường ngày, nhưng ngẫm ra sẽ thấy đó là những lời tâm sự
buốt đau, chưa hết nỗi bàng hoàng của một người con quen sống với mẹ giờ chỉ
còn lại một mình trong ngôi nhà nhỏ..."Ngày
ba lần con mời mẹ xơi cơm"- cái việc làm vừa là thủ tục, vừa là lòng thành
kính thiêng liêng của một người con chí hiếu được kể lại như một lời tâm sự
thầm thì với mẹ khiến người đọc phải ứa lệ.
Dường như tất cả
mọi sinh hoạt thường ngày, mọi cảnh vật thiên nhiên nơi xóm nhỏ đều gắn với
hình bóng mẹ, đều gợi nhớ về mẹ. Đôi mắt mẹ trong di ảnh hóa thành/ hòa vào bầu
trời xanh thẳm, và cây trước hiên nhà như cũng xõa bóng râm chịu tang; việc đưa
mẹ đi tập dưỡng sinh từng bước một cứ hiển hiện như mẹ chưa hề đi xa...! Và tất
cả đều là những nốt đàn dịu ngọt! Như vậy, sau cảm tưởng phím đàn tím tái và
tiếng đàn xạc xào, khi sống với những kỷ niệm chăm sóc mẹ, ta thấy những câu
thơ tái tê của chị như bắt đầu "hồi sinh" vào cõi đời thường; nỗi đau
xé lòng ngày đưa mẹ về nơi chín suối đã lắng xuống, tuy vẫn nghẹn ngào bởi cô
quạnh nhớ nhung, oán trách số phận (sao trời chỉ cho con có mẹ một lần) để dần
nhường cho cái nhận thức tất yếu về lẽ
Sinh -Tử của kiếp người:
có ai vẽ như ngày xưa trẻ lại
hoa rụng về cành trời thấp lại hồng lên
sao trời chỉ cho con có mẹ một lần
cho con gom những câu thơ mới
bốn chín ngày mẹ đi về mãi mãi
để con ở lại với ngày mai
Và tới hai câu
cuối, những "nốt đàn" của chị dường đã hoàn toàn trở lại thanh âm
ngân nga ấm áp quen thuộc vốn có:
gió thổi và hoa trôi
xin gió, xin hoa cho con câu thơ gặp mẹ mỉm cười.
Gió thổi giữa trời
và hoa bán rong được chở đi trên đường phố như đang trôi- cái điều vẫn diễn ra
thường tình đó chợt được tác giả nhận ra: chúng thực đáng yêu biết bao, có ý
nghĩa biết bao trong cuộc sống này- khi một người thân yêu vô hạn đã khuất xa
mãi mãi... Và lời cầu xin của chị với thiên nhiên, cũng đồng thời là lòng mong
mỏi mẹ được yên bình mỉm cười ở Cõi vĩnh hằng vào ngày giỗ đoạn tang đã trở
thành một trong những câu thơ hay nhất trong đời nhà giáo làm thơ của chị: "xin
gió, xin hoa cho con câu thơ gặp mẹ mỉm cười."
Vẫn là lối thơ hồn
hậu đầy nữ tính, vẫn là những "gam đàn, nốt đàn" của ngôn ngữ thi ca,
song cách viết của chị lúc này khác hẳn so với nhiều bài thơ có vần điệu chỉn
chu mượt mà đã từng in trong tập thơ riêng "Cánh võng xanh". (Tôi đã
tìm đọc ngay tập thơ này, với lời chị đề tặng mẹ tôi). Ở "Bốn chín
ngày" là sự diễn tả theo dòng suy tưởng - quan sát (tôi tạm đưa ra khái
niệm này) - quan sát chính lòng mình, quan sát sự vật xung quanh kể từ ngày mẹ
ra đi cho tới giỗ 49 ngày theo phong tục cổ truyền. Và sự quan sát đó lồng
trong/ hòa vào suy tưởng, nỗi nhớ thương hòa quyện với sự ngẫm ngợi. Khi đó chị
chỉ làm cái việc ghi lại cảm nghĩ thảng thốt của mình mà không câu nệ vần điệu,
câu chữ, chúng giống những "hợp âm rải" tùy hứng trên dương cầm -
thực ra chị đã vô tình bước vào cái "lãnh địa" mà người ta vẫn gọi là
thơ hiện đại/ hậu hiện đại gì đó, và đồng thời vô tình minh chứng cho cái lý lẽ
vốn thường chối tai nhiều người làm thơ cố tình phá cách đến linh tinh xoèng cả
lên: vỏ hình thức như thế nào đó chỉ là sự tất yếu của cái cần được bộc lộ ra
bằng thơ ca...
Hà Nội, xuân 2012
Thơ Trần Đình Hoành và Lê Hà
Nguyễn Anh Tuấn đọc chọn
NNB vi tính giới thiệu
Thơ Trần Đình Hoành và Lê Hà
Nguyễn Anh Tuấn đọc chọn
NNB vi tính giới thiệu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét