Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Thơ Hưởng Ứng Bộ Sách Thơ Hay (18)

 


Thơ Hưởng Ứng Bộ Sách Thơ Hay (18)

( Theo eMail từ nguyennguyenbay.com)
  file 18/ cập nhật bài ngày 18/4/2012, có:
  31. Thơ  Hoàng Xuân Họa
Nguyễn Anh Tuấn giới thiệu
.

31. HOÀNG XUÂN HỌA

THÊM MỘT TẤM LÒNG ĐAU VỚI LÀNG QUÊ
 .
Lần đầu tiên tôi được gặp nhà thơ Hoàng Xuân Họa, trong cuộc gặp mặt giữa vợ chồng nhà thơ Nguyễn Nguyên Bảy&Lý Phương Liên với những người hầu hết mới chỉ biết nhau qua mạng, tại Nhà văn hóa TN Hồ Thuyền Quang chiều mùng 3 Tết Tân Mão. Lúc được biết Hoàng Xuân Họa là người đã chép hai bài thơ của LPL để trong ba lô suốt những năm tháng chiến trường và còn giữ tới ngày hôm nay, tôi tò mò thích thú rồi lân la tới làm quen. Ông tặng tôi tập thơ "Trót một thời yêu" mới xuất bản. Trong lúc trò chuyện giao lưu cùng những người bạn mới đều yêu thơ NNB&LPL, tôi lật giở vội vài trang của tập thơ TMTY, và có một tên bài thơ (cùng một vài câu của bài thơ đó) kịp in vào ấn tượng của tôi... Nhưng phải đến hơn một tháng sau, khi tôi lục tìm tư liệu để chuẩn bị cho một phim tài liệu sắp thực hiện, giở đến cuốn sách cũ "Thiên nhiên Việt Nam", lúc dừng lại khá lâu ở một đoạn do tôi gạch chân ba mươi năm trước và đã từng thuộc nó, thì tôi mới sực nhớ lại tên bài thơ của HXH. Tôi tìm tập thơ tặng để đọc- và trước hết là bài này:

LÀNG TÔI
.
Làng ta tên gọi An Khang
nửa làng thiên Chúa, nửa làng Thích ca
đầu làng xòe tán cây đa
cuối làng cây gạo đỏ hoa cháy chiều
nửa kia kính Chúa cũng nhiều
nửa này tâm Phật vạn điều ước mong
sông Hồng vẫn nghẹo khúc cong
con đê ngăn lũ uốn vòng con đê
làng tôi như ngậm bùa mê
ăn hạt lúa chét, hạt kê mấy đời
khuyên nhau chín bỏ làm mười
ra đường chỉ gặp nụ cười nửa môi
Thánh thần ăn thịt ăn xôi
còn nồi cháo thí dân ngồi chia nhau
tội thân ba vị đầu rau
đội nồi nước xuýt đục ngầu nhìn xuông
làng tôi cà pháo dầm tương
vẫn vui như tết!...Nghĩ thương cái làng!

( Trót một thời yêu II- HOÀNG XUÂN HỌA
Nxb Hội nhà văn, 2010)

Còn đoạn văn mà tôi tìm lại được trong cuốn sách địa lý tự nhiên nổi tiếng của cố GS địa lý học Lê Bá Thảo là những dòng đẹp như thơ viết về làng quê Bắc Bộ như sau: “… Từ thuở nhỏ, ai mà chẳng được sống trong lời ru của bà, của mẹ, mà âm điệu du dương của chúng mang bóng dáng của đất đai làng mạc đã tạo nền cho tình yêu quê hương đất nước thắm thiết lắng sâu vào tâm hồn… Những cảnh vật quen thuộc của đồng bằng đã đến với tuổi thơ bao thế hệ thông qua những câu ca dao ca ngợi lao động và tình yêu quê hương, những bài tập đọc trong sách giáo khoa, những bức tranh miêu tả những cánh đồng thẳng cánh cò bay, những thôn làng nằm yên ả sau luỹ tre, có giếng nước ao làng, có mái đình chùa rêu phong cổ kính, có những cây đa cổ thụ chơ vơ ngoài gò, ngoài bãi …”      ( Địa lý tự nhiên Việt Nam- Nxb Khoa học kỹ thuật, Hà Nội -1977)

Hầu như người Việt Nam nào cũng có một quê hương thi vị của tuổi ấu thơ in hằn trong tâm tưởng, và chắc hẳn đều có thể tìm thấy sự đồng vọng thân thương ở những dòng văn trên...
Nhưng cái "thôn làng yên ả" đó giờ đây sao mà buồn thế - qua thơ văn của nhiều tác giả hiện đại, mà bài thơ "Làng tôi" của HXH đang hiển hiện trước mắt tôi là một trong những dẫn chứng tiêu biểu!
Như nhiều làng quê khác, ở đây vẫn còn cây đa đầu làng cây gạo cuối xóm, vẫn còn tiếng chuông chùa văng vẳng, chuông nhà thờ ngân nga khi hoa đỏ "cháy chiều", vẫn dòng sông chở nặng phù sa "nghẹo khúc cong" qua những đoạn đê ngăn lũ, song nơi đây, cuộc sống đã mang một nội dung khác lạ mà HXH khái quát bằng câu thơ: " làng tôi như ngậm bùa mê..."  Bùa mê gì vậy? Điều gì khiến một người trí thức xa quê lâu ngày trở về phải bàng hoàng than thở: "Thi thư hồn vía để đâu/ Mà sao cảnh ngộ xót đau thế này..." (Nguyễn Huy Hoàng, CHLB Nga). Cái bùa mê đã được tung ra trên làng quê HXH bởi những dự án làm sân gol, làm khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí với những lời hứa hẹn xuông để rồi ném người nông dân ra khỏi đất canh tác nông nghiệp truyền thống, để họ choáng ngợp với khoản tiền đền bù chẳng bõ bèn gì nhưng cả đời nằm mơ chẳng thấy, để sa vào đề đóm cờ bạc, cuống cuồng hưởng thụ đồ thứ phẩm, đồ bãi rác thành thị, để rồi sau đó làm kẻ nuốt hận trước sự lật lọng của các ông chủ mới, trước cảnh xả ô nhiễm đầu độc sông suối và bầu trời, hoặc cảnh đất bỏ hoang của những dự án treo nhằm trục lợi... Cái bùa mê được tung ra bởi những kẻ có chức quyền mà đầu óc thì quay cuồng trước lợi ích cá nhân và trái tim thì đã đông cứng lại trước tình đồng bào đồng chí! Chủ nghĩa thực dụng và chủ nghĩa cá nhân cực đoan đã theo chân những kẻ trọc phú, những "ông chủ mới"- đúng hơn là những cường hào mới về tận ngóc ngách của làng quê yên bình, gặm nhấm, đục khoét, hủy hoại biết bao giá trị văn hóa truyền thống quý báu được tạo dựng trong nhiều thế kỷ, biến cái cái đạo lý thật đẹp: "Người ta - Hoa đất" thành "Người ta - Hoa tiền"- mọi thứ đều đo đếm bằng tiền nong lợi lộc, thời buổi mà mọi nghĩa tình chân thật xưa nay hầu đã biến thành vẻ bề ngoài:
khuyên nhau chín bỏ làm mười
ra đường chỉ gặp nụ cười nửa môi
Lòng căm giận của nhà thơ trước những bất công xã hội, trước cảnh buôn thần bán thánh, cảnh mua danh bán tước trơ tráo đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trong làng quê thân yêu có tên An Khang dường khiến ông như không kìm được sự nổi khùng buộc phải thốt lên lời chửi bới cho hả, song ông kìm lại được để buông ra sự miêu tả có bình phẩm, vừa trực diện vừa thâm thúy:
Thánh thần ăn thịt ăn xôi
còn nồi cháo thí dân ngồi chia nhau
Hai câu lục bát "Thánh thần ăn thịt ăn xôi/ còn nồi cháo thí dân ngồi chia nhau" mang màu sắc ca dao rõ rệt, chứa đựng sự thật đau xót và cả thái độ phản kháng cố ghìm lại thành vẻ khách quan, như lời ru, lời răn dạy con cháu trong hai câu ca dao cũ: "Con ơi nhớ lấy câu này/ Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan." Hình ảnh "nồi cháo thí" là một sáng tạo đột xuất của tác giả, vì cháo thí thường chỉ dùng trong ngày xá tội vong nhân, cháo được múc vào những chiếc lá đa dành cho cô hồn lang thang, hoặc bát cháo thí dành cho những người cơ nhỡ xin ăn lạc qua làng..."Nồi cháo thí" ở đây tượng trưng cho sự bố thí thảm hại dành cho những người vốn là chủ nhân thật sự của đất đai, ruộng vườn giờ đang bơ vơ tuyệt vọng ngay trên mảnh đất ông cha không còn là của họ nữa! Câu thơ "còn nồi cháo thí dân ngồi chia nhau" vừa có sức khái quát lay động vừa cụ thể đến run người, sao mà gợi chua xót đến vậy, khiến người đọc phải lặng người tê tái! Chưa dừng lại ở đó, tác giả còn bồi thấn thêm về cảnh ngộ của dân bằng hai câu  nữa:
tội thân ba vị đầu rau
đội nồi nước xuýt đục ngầu nhìn xuông
Ba vị "thổ công, thổ địa, thổ kỳ "* là những hình tượng dân gian quen thuộc, gần gũi đối với cuộc sống dân dã cũng phải chịu sự đối xử bất công không kém những người bạn bần hàn chung thủy suốt cuộc đời của họ, những người nông dân đầu tắt mặt tối. Tác giả bộc lộ trực tiếp sự cảm thông: "tội thân ba vị đầu rau", rồi dùng hình ảnh nhân hóa cùng sự hài hước mà khiến người ta trào lệ: "đội nồi nước xuýt đục ngầu nhìn xuông."
Khốn khổ thay cho người dân xứ quê HXH, những người vốn từ xa xưa đã phải sống trong cảnh: "ăn hạt lúa chét, hạt kê mấy đời", thì đến nay, sau bao sự đổi thay, bao cuộc cách mạng long trời lở đất, vẫn không khá hơn là bao bởi quan tham, bởi những chính sách đúng đắn không đến được với dân lành thấp cổ bé họng! Họ vẫn phải mót lượm thứ lúa chét (Tôi đã phải hỏi han khá nhiều người rồi mới vỡ lẽ ra: đó là thứ lúa dại mọc lên từ cây rạ sau khi đã thu hoạch xong vụ qua một thời gian, mà chỉ vùng chiêm trũng mới có thứ lúa chét này, ăn đắng ngắt, song vẫn còn hơn là đứt bữa! ). Và quê hương ông vẫn là "tương cà gia bản" như bao đời nay: "làng tôi cà pháo dầm tương". Nhưng: "vẫn vui như tết!..." Ôi, cái lạc quan đáng yêu, và cũng thực đáng thương biết bao!
Khi nhà thơ thốt lên: "Nghĩ thương cái làng!", ta có cảm giác đôi mắt ông lúc này cũng đang "ầng ậng nước" (mượn từ mà nhà văn Nam Cao đã dùng trong truyện ngắn "Lão Hạc".)
Cái hay của một bài thơ thường vượt ra ngoài chữ nghĩa thuần túy để hé lộ cho người đọc cảm nhận được một cách thấm thía tấm lòng của người làm thơ là như vậy!

__________________________
* Ba ông đầu rau, theo truyền thuyết dân gian Việt Nam được gọi chung là Táo quân, và chung cho cả 3 ngôi: Thổ công, Thổ địa và Thổ kỳ. (Thổ công được giao nhiệm vụ trông coi việc bếp núc; Thổ địa trông coi việc trong nhà; Thổ kỳ trông coi việc chợ búa.)

Nguyễn Anh Tuấn
 .
File 18/ Thơ Hoàng Xuân Họa/ NAT chọn
  NNB vi tính giới thiệu 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét