Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Thơ Hưởng Ứng Bộ Sách Thơ Hay (20)



Thơ Hưởng Ứng Bộ Sách Thơ Hay (20) 
 
( Theo eMail từ nguyennguyenbay.com)
file 20/ cập nhật bài ngày 19/4/2012, có:

33. Thơ Bàng Ái Thơ

34. Thơ Hoàng Xuân Họa

35. Thơ Nguyễn Thị Mai

36. Thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan

File 20 do Vân Hạc chọn và bình.
.

33. THƠ BÀNG ÁI THƠ
.

KHÔNG GIỜ LÀ ĐÊM CHƯA

Giữa vòng quay thế kỷ tôi như kẻ lạc loài
Lại mỗi ngày chùng chân mình quanh quẩn
Con tim nhậy bén cơ hồ như đã mất
Mắt khô đêm nghe tuyệt vọng giằng co

Đêm mòn hao ai tước đoạt những gì
Đêm cồn cào bởi đêm chẳng loãng
Ôm ước mơ chân thật mà cô đơn thảm loạn
Sự sợ hãi nào làm rêu phong đời tôi

Đành quên dần những cảm giác nghỉ ngơi
Điểm từng canh buông mình trôi trên phố
Chợt nhớ về những bước chân đã lỡ
Để quên rồi xưa phố thoảng hoàng lan      

Níu giấc mơ nuối tiếc lại vuột tan
Gom hối hả chuỗi sâu thành mộng mị
Giữa sống đời đặt mình trong hạn chế
Tôi giấu tôi vào kiêu hãnh mặt đời

Úp lòng tay lên mặt cạn khô ý nghĩ rồi
Đêm thật đêm xin một lần về lại
Tôi sẽ bước vào lòng đêm ấy
Dành lại những sát na siêu nhỏ chốn hoài nghi
Lấp đầy những khoảng trống trái tim
Mai trở dậy niềm vui không phờ phạc
Đợi không giờ
          đợi đêm
                   loài sâu rên mê mệt
Phố ứa đêm sao vẫn trắng mặt người

( Rút trong tập: "Mắt lặng", NXB Hội nhà văn, năm 2011)
.
LỜI BÌNH CỦA TRẦN VÂN HẠC

Tôi hình dung một người phụ nữ nhỏ bé, đơn côi, thảng thốt giữa mênh mông đêm trắng: "Không giờ đã là đêm chưa" ? Cái khoảng khắc của ngày cũ sang ngày mới ấy chất chứa những khổ đau, những hy vọng và tan vỡ, có lúc cả sự tuyệt vọng, đến mức tưởng như tâm hồn đã "rêu phong". Kỳ diệu thay, trong cái tưởng như tận cùng khổ đau ấy lại dồn nén, ấp ủ những khát khao cháy bỏng, như đốm lửa nồng ấm trong tim, cháy lên ngọn lửa tình yêu và cuộc sống.
Có lẽ thời điểm "không giờ" kia không đơn thuần là khoảng khắc chuyển tiếp của ngày mà còn là bước ngoặt của cuộc đời chị, khi số phận nghiệt ngã tưởng chừng đã bẻ gẫy được nghị lực sống của con người:
Giữa vòng quay thế kỷ tôi như kẻ lạc loài
Lại mỗi ngày chùng chân mình quanh quẩn
          Giữa vòng quay của cuộc sống, của tuần hoàn vũ trụ, chị bơ vơ như con thuyền không bến giữa dòng xoáy cuộc đời, không còn nước mắt khóc cho phận người bị số phận vùi dập đến tận cùng đau khổ.
Ôm ước mơ chân thật mà cô đơn thảm loạn
Sự sợ hãi nào làm rêu phong đời tôi
          Câu thơ khiến người đọc gai người. Ước mơ và hiện thực đối lập thật lạnh lùng, đẩy con người vào đường cùng, khiến tâm hồn già cỗi, chai sạn. Có lúc chị như đã buông xuôi, bấn loạn, cam chịu sự sắp đặt khắc nghiệt của số phận, mỗi lúc nhớ lại chặng đường chông gai đến lạnh người, là lại thêm một lần cố quên đi những khát vọng bay bổng của một thời tuổi trẻ.
Chợt nhớ về những bước chân đã lỡ
Để quên rồi xưa phố thoảng hoàng lan
          Mỗi lần hy vọng lại một lần tan vỡ,  mỗi lần mở vòng tay lại một lần  nhận về bao đau khổ đến mức sợ hãi, cứ ngỡ chị sẽ bị con sóng đời cuốn trôi nhưng không, bản lĩnh tiềm ẩn của con người khi bị dồn đến chân tường chợt vùng lên.
Tôi giấu tôi vào kiêu hãnh mặt đời
          Sự kiêu hãnh ấy có được từ niềm tin của một con người không chỉ có nghị lực vững vàng mà còn nồng ấm một trái tim khát sống, khát yêu, đầy lòng vị tha nhân ái.
          Bao chìm nổi trong bể khổ, vẫn le lói một nỗi niềm rất thật của chị: "Đêm thật đêm xin một lần về lại". Cái "đêm thật đêm" ấy phải chăng là tình yêu và hạnh phúc đích thực mà chị hằng khao khát, phấn đấu, thậm chí phải giành giật từ bàn tay lạnh lùng, khắc nghiệt của số phận và nếu có một phép màu trở thành hiện thực, dẫu chỉ một lần thôi, chị sẽ nâng niu và dâng hiến hết mình: "Tôi sẽ bước vào lòng đêm ấy", trân quí từng khoảnh khắc nhỏ nhất của hạnh phúc, gom góp vá lại trái tim trống trải đang ứa máu đớn đau.
Bài thơ khép lại nhưng gợi bao suy tư trăn trở về  thân phận, về tình yêu và hạnh phúc, từ "đợi" được nhắc lại hai lần đầy khắc khoải, khát khao.
Trong thơ chị, cái ảo với cái thực đan xen để diễn tả nội tâm, tạo một hiệu quả mỹ cảm, thấm vào lòng người đọc, mỗi chữ, mỗi câu như chắt ra từ những khổ đau, những trải nghiệm và khao khát của cuộc đời chị. Nỗi đau, nỗi buồn trong thơ chị không bi lụy, yếm thế. Nếu có ai đọc thơ chị mà lòng rưng rưng, xin hãy chia sẻ cùng chị: "Nếu biết khóc, khóc cho trai nhả ngọc" (Những mắt phố buồn). 
.
Hà Nội 8.2.2012
.
34. HOÀNG XUÂN HỌA
.
AI MUA HỒ TÂY RA MUA
                                     
Ai mua đi hộ Hồ Tây
Đem xa ra khỏi chỗ này cho xong
Khỏi tôi rối bối bòng bong
Khỏi nhìn sóng cộm, khỏi mong cháy hồn
Khỏi qua đây để đếm buồn
Khỏi chuông Trấn Quốc thỉnh xuông mỗi chiều
Đầy hồ sao sáng bao nhiêu
Bỏ tôi đứng đực ước điều hư không
Đã từng một giải bờ mong
Đã từng chộn rộn sóng lòng dâng chao
Quanh đi bước thấp bước cao
Quành lại gió ném ào ào lá khô
Liễu buông mành liễu vu vơ
Mộng du nện gót đến trơ khấc mình 
 Hoàng Xuân Họa
(Trót một thời yêu II – Nhà xuất bản Hội nhà văn 2006)
           
Trần Vân Hạc, bình:
Trên đời này có ai lại mong: “Ai mua đi hộ Hồ Tây” bao giờ, thế mà nhà thơ Hoàng Xuân Họa lại cầu khẩn như vậy đấy. Thậm chí còn mong người ta: “Đem xa ra khỏi chỗ này cho xong”.  Thật là ngược đời, thật là trớ trêu! Nhưng cái lạ ẩn chứa trong cái tưởng như không bình thường ấy là những suy tư trăn trở, đau xót trước danh lam thắng cảnh Hồ Tây đang mất đi vẻ đẹp nguyên sơ, trong sáng, của một con người biết yêu, biết trân trọng nâng niu cái đẹp của quê hương đất nước.
Nhà thơ đặt ra một giả thiết là Hồ Tây không còn ở đó và không còn trong tâm tưởng mỗi người? Chỉ nghĩ đến lúc ấy mà lòng chợt quặn thắt. Hồ Tây, sản phẩm tuyệt vời của dòng Sông Mẹ - (Hồ Tây vốn là một đoạn của sông Hồng), là nơi sản sinh ra bao truyền thuyết ly kỳ: theo truyện “Hồ Tinh” thì có tên là hồ (hoặc đầm) Xác Cáo, vì truyện kể là có một con cáo chín đuôi ẩn nấp nơi đây làm hại dân. Long Quân mới dâng nước lên phá hang cáo, hang sập thành ra hồ.Theo truyện “Khổng lồ đúc chuông” thì hồ lại có tên là Trâu Vàng, gắn với câu chuyện ông khổng lồ có tài thu hết đồng đen của phương bắc đem đúc thành chuông, khi thỉnh chuông, tiếng vang sang bên phương bắc. Vì đồng đen là mẹ vàng nên con trâu vàng phương Bắc nghe tiếng chuông liền vùng đi tìm mẹ, tới đây nó quần tìm mẹ mãi, khiến đất sụt thành hồ. Từ thế kỷ 11, hồ này đi vào lịch sử với tên là Dâm Đàm (Đầm mù sương), tới thế kỷ 15 thì đã gọi là Tây Hồ.
Ngay từ thời Lý - Trần, các vua chúa đã lập quanh hồ nhiều cung điện làm nơi nghỉ mát, giải trí, như cung Thúy Hoa thời Lý, điện Hàm Nguyên thời Trần nay là khu chùa Trấn Quốc, cung Từ Hoa thời Lý nay là khu chùa Kim Liên, điện Thuỵ Chương thời Lê nay là khu trường Chu Văn An...  
Những ngày đẹp trời, chơi thuyền Hồ Tây là một thú tao nhã, đồng thời cũng được thăm khá nhiều di tích và thắng cảnh: Làng Nghi Tàm, quê hương nhà thơ "Bà huyện Thanh Quan" với chùa Kim Liên có kiến trúc độc đáo; làng Nhật Tân như thiếu nữ đương thì khoe sắc hoa đào mỗi độ xuân về, tương truyền là nơi Lạc Thị đời Hồng Bàng sinh ra một bọc trứng nở thành bảy con rồng. Rồi làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng, làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh, sang làng Kẻ Bưởi có nghề làm giấy cổ truyền và đền Đồng Cổ thờ thần Trống Đồng, được xây dựng từ đời vua Lý Thái Tông, nơi bách quan hội thề: “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, xin thần minh giết chết”. Làng Thụy Khuê có chùa Bà Đanh nổi tiếng một thời... Và đặc sắc nhất là đền Quán Thánh. Xưa Cao Bá Quát đã miêu tả hồ Tây là Tây hồ chân cá thị Tây Thi (Hồ Tây đích thị là nàng Tây Thi). Đây là một cách ví von độc đáo nhưng thật đúng trước thắng cảnh của thủ đô đẹp cả bốn mùa. Hồ Tây là một không gian văn hóa không thể thiếu của Thủ Đô và trong lòng người Việt.
Nhân vật trữ tình (tôi) trong bài thơ thực ra vô cùng yêu quí Hồ Tây, đồng nhất vẻ đẹp của Hồ Tây với tâm trạng của mình. Hồ Tây tự bao giờ đã gắn bó máu thịt với nhà thơ: “Đã từng một giải bờ mong/ Đã từng chộn rộn sóng lòng dâng chao”. Cái điệp “đã từng” ấy như vết khắc vào tình cảm của nhà thơ rồi và Hồ Tây đã trở thành không gian nghệ thuật cho nhà thơ trải lòng, gửi gắm tình cảm.
 Có phải đã bao lần nhà thơ dạo bước quanh hồ. Đã bao lần buồn vui chia sẻ cùng Hồ và cùng Hồ ngâm nga câu ca: “Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương. Mịt mù bãi cát màn sương. Nhịp chày Yên Thái, bóng gương Tây Hồ”. Đã bao lần nhà thơ thả hồn trong mênh mông mù sương và dõi theo những cánh sâm cầm “vỗ cánh mặt trời”. Đã bao lần nhà thơ lặng trong tiếng chuông chùa ngân xuyên ba cõi… Hồ Tây đã trở thành người bạn thân thiết của nhà thơ. Bởi vậy nếu như Hồ Tây không còn, giống như một nhà thơ từng tuyên ngôn: “Nếu như không có dòng Hương/ Câu thơ xứ Huế nửa đường đánh rơi”. Thì đây có phải là tuyên ngôn của nhà thơ Hoàng Xuân Họa?
 Điệp từ: “Khỏi” được nhắc lại tới năm lần như muốn dứt đi những cái “gai” trong mắt nhà thơ, những cái làm phá vỡ không gian tuyệt vời của Hồ Tây. Bốn câu thơ cuối khắc họa rõ nét tâm trạng đau đớn, khắc khoải, cô đơn, thậm chí bất lực của nhà thơ trước cảnh Hồ Tây bị thu hẹp, bị phá vỡ cảnh quan, bị đầu độc… Cảnh nhà thơ: “quanh đi”, “quành lại” thật đáng suy tư, đầy tâm trạng và xa xót khi thấy nhà thơ: “bước thấp bước cao” mà chỉ có: “gió ném ào ào lá khô”. Ai người đồng cảm? Ai người tri âm?
Cách nói tửng tửng ngược đời của nhà thơ Hoàng Xuân Họa trở thành một dụng ý nghệ thuật, phản ánh thực trạng vô tâm của con người đang diễn ra với Hồ Tây và là cách thể hiện tình cảm rất lạ, độc đáo với thắng cảnh Tây Hồ, tạo nên những dư ba, ám ảnh và trăn trở trong lòng người đọc. “Ai mua đi hộ Hồ Tây/ Đem xa ra khỏi chỗ này cho xong”! Rồi cái cảnh: “Mộng du nện gót đến trơ khấc mình” sao mà phũ phàng đến thế, nhà thơ đi như trong vô thức với ngổn ngang , bề bộn tiếc nuối và khát khao dẫu nói không thành lời: “Bao giờ trở lại ngày xưa” ? Bài thơ như một thông điệp thức tỉnh lương tri mỗi người.
.
Hà Nội 24.3.2011

35. thơ NGUYỄN THỊ MAI
 bình; trần vân hạc
..
"Anh và em" là một trong nhiều bài lục bát hay của nhà thơ Nguyễn Thị Mai – (Hội phụ nữ Việt Nam, Hội nhà văn Việt Nam). Đây là bài thơ mà người đọc muốn đọc nhiều lần, không chỉ vì những nét đẹp phải chiêm ngưỡng dưới nhiều góc độ mới thấy, để rồi phải suy ngẫm về vị trí của mình trong gia đình và xã hội, mà còn bởi nhà thơ đã rất tài tình trong việc khai thác cái mệnh đề tưởng chừng như muôn thuở: Anh - Em; ước mơ và thực tại; vị trí, tính cách của Anh và Em, cùng sự cảm nhận tinh tế của Em về Anh qua trải nghiệm cuộc sống, cũng như sự tự khẳng định giá trị về giới của Em.  
.
Anh và em
.
Anh là một chấm buồm xa

Nhỏ như nắm được mà ra vô cùng
Anh là cỏ biếc một vùng
Non xanh đến nỗi ngập ngừng bước chân
Anh là lãng đãng phù vân
Mải mê với những xa gần, thấp cao
Em là vệt sóng trong ao
Nhỏ nhoi với những khát khao riêng mình
Là viên ngói cũ đầu đình
Vô tư mưa xối, vô tình mây qua
Dù anh biển rộng trời xa
Cũng không bước nổi qua tà áo em 

 .
  Anh hiện lên 4 lần trong bài thơ với những chi tiết nghệ thuật độc đáo, trong khi Em chỉ xuất hiện thấp thoáng hai lần. Em ở đây khiêm nhường chăng? Hay từ xưa xã hội vẫn đề cao vai trò của người đàn ông hơn? Mở đầu bài thơ, câu lục là sự khẳng định về Anh: "Anh là một chấm buồm xa". Tại sao lại là "một chấm buồm xa"? Anh luôn lớn lao trong Em với chí tang bồng trượng phu, với: "Gươm đàn một gánh, non sông một chèo" - (Truyện Kiều), bởi vậy em luôn bồn chồn với tâm trạng khó nắm bắt. Bởi có khi chỉ vài giây sau "chấm buồm" ấy sẽ vuột ra khỏi tầm mắt và tầm tay của Em. Để rồi câu bát chợt vỡ òa một cảm giác bất định: "Nhỏ như nắm được mà ra vô cùng". Câu thơ ẩn chưa một tâm trạng không yên ổn, lo lắng khi không làm chủ, không nắm được trong tay và sở hữu được tình yêu. Cái cảm giác bất ổn ấy được đẩy lên một cung bậc cao hơn với hình ảnh: "Anh là cỏ biếc... " đến nỗi Em phải: "Ngập ngừng bước chân". Tình yêu vốn mong manh dễ vỡ như thế đấy, người ta luôn muốn đi tới tận cùng nhưng lại e ngại làm mất đi những  khát khao và hy vọng!
Cái chính là Em ở đây đã hiểu về Anh chỉ như một áng mây dễ lạc lối, dễ tan biến trước mỗi cơn gió nhẹ với những: "xa gần, thấp cao". Người đàn ông vốn như vậy đấy, đôi khi "mải vui quên hết lời em dặn dò",  câu thơ không hàm ý trách cứ nhưng sao mà xa xót đến như vậy, Em hiểu về Anh nên làm chủ được mình,  Anh là thế đấy! Có phải vậy chăng mà khi nói về mình, Em chỉ khiêm nhường tự nhận: "Em là vệt sóng trong ao/ Nhỏ nhoi với những khát khao riêng mình/ Là viên ngói cũ đầu đình/ Vô tư mưa xối, vô tình mây qua". "Ao" đâu phải là nơi sóng dậy, và Em chỉ nhận là "vệt sóng" hiền lành có thể lặng đi  bất cứ lúc nào, ao nhà nhỏ bé tĩnh tại đối lập với buồm xa nơi chân trời góc biển. Cái hay, cái tài của tác giả gửi vào ý thơ nhẹ nhàng như thế đấy nhưng sóng ở đây không phải là "vệt sóng"vô tri, vô vị mà "vệt sóng"ấy lại đầy ắp những khát khao rất phụ nữ cho chồng, con, gia đình, dòng tộc, cho cộng đồng và quê hương đất nước: "Nhỏ nhoi với những khát khao riêng mình". Cho nên cái "nhỏ nhoi" lại vô cùng lớn lao nhưng lặn vào trong, tự giấu mình một cách tự nguyện và chân thành nên không mấy ai nhận biết được. Thậm chí Em còn tự nhận: "Là viên ngói cũ đầu đình/ Vô tư mưa xối, vô tình mây qua". Cái "viên ngói cũ đầu đình" ấy sao mà cao quí đến thế, ai muốn chiêm ngưỡng cũng phải ngước nhìn. Bởi đình làng trong tâm thức người Việt vốn  là nơi thờ Thành hoàng và cũng là nơi hội họp của người dân, ai được là "viên ngói cũ" đã là hạnh phúc lắm rồi, bởi "viên ngói cũ" ấy khi đã trải: "mưa xối,  mây qua" sẽ sống mãi với thời gian trong lòng người và rất đáng tôn thờ. Em tuy là viên ngói cũ đấy nhưng là ngói đầu đình, tưởng chừng không có gì quan thiết nhưng rất linh thiêng, đố ai dám lấy ngói đầu đình (dù đã cũ) về mà lợp riêng cho nhà mình. Hình tượng thơ ấy như một thông điệp đầy ẩn ý về giá trị của người phụ nữ trong cuộc sống. Và tình yêu phải chăng cũng là một tôn giáo, tôn giáo có nhiều tín đồ sùng kính, tôn thờ và cũng không ít người chà đạp nhất thế giới?
 Xuyên suốt bài thơ là lời tự bạch của Em, có gì đó như bi quan, hờn ghen, yếm thế… thì cặp lục bát kết bài thơ chợt lóe sáng đến bất ngờ: người phụ nữ khiêm nhường bỗng hiện lên đẹp tuyệt vời giữa đời và trong trái tim người đọc: "Dù anh biển rộng trời xa/ Cũng không bước nổi qua tà áo em". Tứ thơ được đẩy lên tột đỉnh cao trào và có tính khái quát, làm cho ai cũng hiểu cái qui luật của muôn đời. Hình tượng thơ "tà áo em" thật là độc đáo. Cái tà áo mỏng mảnh, mềm mại dịu dàng tha thướt mà có sức níu giữ khôn cùng. Đó chính là sự tự ý thức về vẻ đẹp và sức mạnh tiềm ẩn trong tâm hồn người phụ nữ Việt Nam. Cặp từ: "Dù", "cũng" sao mà tinh tế và sâu sắc đến thế, bởi nó khẳng định vị trí của Em trong Anh và trong gia đình, xã hội. Hình tượng thơ: "Tà áo" chuyên chở một thông điệp: Anh là cánh buồm lộng gió đại dương, dù có muôn dặm hải hồ nhưng rồi  con thuyền Anh vẫn cứ trở về bến Em. Câu thơ làm cho các đấng mày râu phải giật mình, cái giật mình đầy nhân bản, bởi cái ý tại ngôn ngoại ấy đánh trúng vào bản chất của giới. Nói như đại văn hào Mác-xim go-rơ-ki: "Đời thiếu mẹ hiền không phụ nữ, anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu". 
Bài thơ có tới 5 từ "là" như một sự khẳng định  các mặt đối lập nhưng xét về tổng thể lại rất đồng nhất: Anh - Em làm nên thế giới này. Để rồi khi anh nhận ra mình, nhận ra chân giá trị của Em, Anh càng trân trọng Em hơn. Em không cao ngạo đâu. Chỉ có ai đã trải qua những thăng trầm, sóng gió của cuộc sống gia đình mới hiểu được điều này.
Bài thơ tự nhiên như hơi thở của mỗi con người và cuộc sống, đầy chất trữ tình, dư ba, ám ảnh nhưng cũng mở ra những suy tư trăn trở khôn nguôi, gieo vào lòng ta những tin yêu vào con người và tình yêu đôi lứa. Cuộc sống này đẹp lên bội phần  vì có Em và có Anh, có tình yêu của chúng mình!
Anh có nhận ra không?
 Hà Nội 2011 

36. NGUYỄN THỊ THÚY NGOAN 
                                 

HẠNH PHÚC
.
Hạnh phúc như cát khô
Nắm chặt
Cát tìm kẽ tay trốn mất
Người đàn bà giữ được hạnh phúc
Nương nhẹ cát
Tưới bằng nước mắt
Cùng những lời ngọt ngào
Cát ngủ trong lòng tay.
                    (Tuyển thơ Văn Thơ Việt, NXBVH năm 2011)
.
Bài thơ vẻn vẹn chỉ có 8 câu, 37 chữ nhưng hàm chứa chứa bao những kinh nghiệm đường đời của chính tác giả và sự quan sát, chiêm nghiệm trong cuộc sống của bao đôi lứa luôn khao khát và kiếm tìm hạnh phúc.
Hạnh phúc, đó là mơ ước chân chính không của riêng ai: một nếp nhà bình yên, một đôi vợ chồng hòa thuận với những đứa con khỏe mạnh, thông minh, hiếu thảo, sống ấm áp trong tình nghĩa gia đình và làng xóm nhưng để có được những điều đó, trước hết phải có sự hòa hợp của đôi vợ chồng, bởi vợ chồng hoà thuận là nền tảng cơ bản của hạnh phúc. Song hiểu và biết cách giữ gìn điều đó đâu có dễ dàng.
 Khổ đầu bài thơ chỉ với 3 dòng, bằng sự so sánh tinh tế, tác giả đưa người đọc đến với hình tượng thơ độc đáo: “Hạnh phúc như cát khô”. Điều tất yếu là ai cũng mong sở hữu và làm chủ cái mình có được, nhưng oái oăm thay khi: “Nắm chặt”, “Cát” sẽ: “Tìm kẽ tay trốn mất”!
Sự đối lập giữa mong muốn, biện pháp và hiện thực thật phũ phàng nhưng lại vô cùng thực tế. Những hạt “cát khô” sao mà khó nắm bắt đến nhường nào, chưa nói rằng cũng thật dễ dàng bị cuốn đi dù chỉ một làn gió nhẹ. Hạnh phúc tưởng như nắm chặt được trong tay lại mong manh và dễ trôi tuột đi trong bao đau thương tiếc nuối, ân hận... với bao câu hỏi: Tại sao..? Tại sao..? và Tại sao? Từ “tìm” được sử dụng thật đắc địa, những “hạt cát” kia phải chăng luôn tìm cách thoát ra khỏi những sự trói buộc. Tác giả không trách những “hạt cát” nhưng người khác giới khi đọc ai cũng phải mỉm cười và khâm phục trước sự độ lượng bao dung của người phụ nữ với sự hiểu biết thấu đáo về người đàn ông cùng kỹ năng sống, nghệ thuật sống cần phải có để giữ vững hạnh phúc gia đình.
Để rồi khổ thơ sau, tác giả trải lòng như một sự khẳng định: “Người đàn bà giữ được hạnh phúc”... Ở đây tác giả chỉ nói về người đàn bà làm thế nào để giữ được hạnh phúc mà không nói đến nửa kia, sự bỏ ngỏ có dụng ý nghệ thuật này rất giầu sức gợi và cả sức nặng của bản lĩnh nữa.
Tôi chợt nhớ những vần thơ trong bài “Anh và Em” của nhà thơ Nguyễn Thị Mai, hai người phụ nữ, đều có chung một khát khao đi đến tận cùng hạnh phúc nhưng cũng lại luôn lo lắng, bồn chồn bất định và cảm thấy nhỏ nhoi trước nửa kia của mình: “Nhỏ như nắm được mà ra vô cùng”.
Ở đây  Thúy Ngoan cũng không nỡ trách người đàn ông, không nỡ trách những “hạt cát” vô tình kia mà chỉ bằng tình yêu vô bờ bến, bằng tấm lòng nhân ái, vị tha: “Nương nhẹ cát”. Cái từ “nương” sao mà đẹp đến thế, người phụ nữ trân trọng, nâng niu những gì đã có trong tay và tìm cách giữ gìn bằng tất cả tình yêu và trách nhiệm:
Tưới bằng nước mắt
Cùng những lời ngọt ngào
Tôi hiểu “Những giọt nước mắt” kia không phải là sự hờn ghen yếm thế, bất lực, yếu hèn, cam chịu mà là tất cả tình thương yêu, lòng vị tha và cả sự nhẫn nại không cùng của người phụ nữ. Và “những lời ngọt ngào” kia cũng không phải là những “lời đường mật” mà là những lời yêu thương chân thành tự đáy lòng. Hơn thế đó còn là nghệ thuật sống mang tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam luôn biết tiết chế và điều hòa để giữ yên mái ấm gia đình mà ông cha ta đã đúc kết: “Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê” và “Lạt mềm buộc chặt” sẽ có một sức mạnh vô cùng to lớn. Ông bà mình cũng từng nói “Đàn ông năm bẩy lá gan, lá ở cùng vợ lá toan cùng người”, cùng bao thói ích kỷ khác nhưng cách xử sự khôn ngoan  của người vợ sẽ đánh thức nhân tính và trách nhiệm của người chồng. Tấm lòng thánh thiện của người phụ nữ có sức mạnh cảm hóa được những “hạt cát”, “tìm kẽ tay trốn mất” khi bị “nắm chặt” và được đền đáp.
Câu kết của bài thơ không chỉ là sự chiêm nghiệm mà còn là khát vọng của muôn đời: “Cát ngủ trong lòng tay”. Thật là bình yên và ngọt ngào! Tác giả khéo léo nói về sự tự nguyện của người đàn ông khi nhận ra những điều tốt đẹp nhất, cao cả nhất mà người vợ yêu quí đã dành cho mình với tất cả sự hy sinh lặng thầm, nên đã biết điều chỉnh và tự nguyện chung tay xây ngôi nhà hạnh phúc, cái chất kết dính được tạo ra từ hai phía ấy sao mà bền chặt. Người phụ nữ lặng thầm đứng đằng sau những cố gắng điều chỉnh của người đàn ông như một điểm tựa vững vàng nhưng vô hình. Chính điều đó đã nâng bài thơ lên một tầm triết lý, ý tại ngôn ngoại, tỏa sáng nét đẹp cao quí của người phụ nữ Việt Nam. Và người vợ ấy đã tế nhị khẳng định vẻ đẹp và sức mạnh tiềm ẩn trong tâm hồn mình, đằng sau biết bao nhiêu day dứt, cay đắng, hy sinh chịu đựng, người đọc thấy lấp lánh một niềm kiêu hãnh của người có bản lĩnh, luôn ý thức được điều cần phải làm để chiến thắng, vượt lên những trắc trở đời thường để giữ được một gia đình trọn vẹn. Điều đó vô cùng có ý nghĩa với mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cả cộng đồng, bởi một gia đình bị tan vỡ sẽ kéo theo vô số hệ lụy ngoài ý muốn cho tất cả các thành viên và cho xã hội nữa. Muốn vậy người phụ nữ phải rất vị tha, nhân ái một cách thông thái và khi ấy người chồng nào cũng nể phục vợ. Những người đàn ông nghĩ gì khi đọc những dòng thơ này của Thúy Ngoan?
Phải chăng vì ý thức được sức mạnh tỏa ra từ trí tuệ và đức độ của người phụ nữ mà nhà thơ Nguyễn Thị Mai từng khẳng định:
Dù anh biển rộng trời xa
Cũng không bước nổi qua tà áo em
(Anh và Em)
Người phụ nữ trong bài thơ của Thúy Ngoan hiểu rõ qui luật sống và nghệ thuật sống cùng giá trị của bản thân. Đó chính là thước đo phẩm hạnh và sự nhận thức rất rõ chân giá trị của mình nên đã chủ động tự thân vượt qua những trắc trở, đau đớn. Thế giới hôn nhân với bao sắc màu, có hạnh phúc xen lẫn khổ đau, có tĩnh và động, có thực tế cùng sự lãng mạn... luôn cần có một tình yêu trong sáng, sâu sắc với bản lĩnh vững vàng, luôn cần có sự nhìn nhận lại mình và điều chỉnh hợp lý của mỗi người để đơm hoa kết trái, được thể hiện trong bài thơ ngắn nhưng hàm súc và cô đọng như một chân lý, bởi không ít người đã để tuột mất hạnh phúc vì đã không biêt ứng xử cho phù hợp. Hạnh phúc trong tay của mỗi người , tìm kiếm, giữ gìn,  và vun đắp được hay không là một nghệ thuật lớn!
.
Hà Nội 2012
File 20/ Thơ Bàng Ái Thơ/ Hoàng Xuân Họa/ 
Nguyễn Thị Mai/ Nguyễn Thị Thúy Ngoan
do Trần Vân Hạc chọn, bình.
  NNB vi tính giới thiệu  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét