Thứ Năm, 26 tháng 4, 2012

Thơ Nguyễn Thái Sơn



nguyenthaison

           
    Bố mẹ tôi
    .
Tết nào cũng chỉ đủ tiền mua mỗi con gà
đầu cánh thắp hương đón giao thừa,
                  mình gà cúng trưa mùng một
năm ấy mất mùa mề gà lép xẹp
Bố cảm khái làm câu đối tết
“vợ con còn đói / gà vịt chưa no”
Tết năm sau “hoá” Trống Hoa Mơ
gà vật vã, diều căng đầy thóc
ra bờ giếng Mẹ thẫn thờ ngồi khóc:
-“miếng ăn chưa trôi cái chết ập đến rồi !”
Bố Mẹ ta khổ ải một đời
chiếu nào cũng sờn áo nào cũng cũ
trà vụn pha dăm bảy lần nát như dưa khú
nghe nhờ đài hàng xóm qua khe cửa
qủa trứng độn nước cơm nhúng đũa cả nhà
suốt cả thời trai trẻ tất tưởi đi xa
quà về phép
        áo trấn thủ sờn vai, dăm thìa mì chính
những người mẹ người cha có con đi lính
nhện sa trước mặt lo lắng khóc thầm…
                           ***
Bia tràn ly thịt cá đầy mâm
nhiều bữa tiệc ta nghẹn không nuốt được
khi có đủ tiền mua trà thơm sữa ngọt
Bố Mẹ chỉ còn ẩn hiện trong nước ảnh mờ !
                                                  Tết Mậu Thìn. 1988
Tiếng đêm
 .     
Quán trọ vùng cao
sương lạnh vênh liếp nứa
lang bang hồ lang bang chợ lang lang rừng
cơm lam bản Thái phở chua chợ Nùng
đom đóm lập lòe đồi mận
trẻ khóc dạ đề rấm rứt đêm
hoang dại điệu ru buồn
                      khê nồng ngái ngủ
lửa cháy cong đóm nứa
ông ké vẩy râu đẫm rượu ho khan
những âm thanh từ lán chợ vọng sang
tôi thảng thốt giật tung cánh cửa
như tiếng khóc của con ?
giống tiếng ho của bố ?
mai kia về nhà ở phương Nam
tha hồ nghe con khóc con cười
bố mẹ từ lâu về Đất về Trời
nhiều đêm trở lạnh
tôi áp tai vào đêm
                        kiếm tìm trong gió...
              Phố ga Bảo Hà, Yên Bái, 1999
.
Gặp nấm mộ người cùng quê
ở Tây Nguyên

.
Chị tháng bảy tôi tháng mười
sinh cùng năm, cũng gốc người Nam Sang
rừng cao su lá ngập vàng
mảnh bia mờ chữ chân nhang nhạt màu
Tha hương thân phận như nhau
đá lăn khỏi núi quả cau rã buồng
đời người như chỉ treo chuông
biết rằng dài ngắn tròn vuông thế nào
Quê nhà thóc kém gạo cao
người lên Mèo Vạc kẻ vào Đắc Nông
đành rằng ruộng hẹp người đông
thiếu đâu dăm thước đất đồng chị ơi !
Ngổn ngang vải nát “ván thôi”
nước dâng nửa huyệt, cát bồi lưng bia
người thân đã đón chị về ?
gạch Châu Sơn, đá Kiện Khê lập “nhà”
gò cao dứa ngộ trắng hoa
đất nâu ấm cốt phù sa mát hồn
đêm rằm trăng sáng đường thôn
lúa đồng ngậy sữa bưởi vườn toả hương
lang bang đã đủ chín phương
mảnh áo dẫu ấm bát cơm dù đầy
mình như thuyền mộc thương cây
rồi ra cũng nhẩm tính ngày về quê…
                            Phương Nam, 1998
.
   Gọi thầm trong đêm
                        
                        Tặng Nguyễn Trọng Tạo
 .       
Tôi thương thành phố này
dù bạn chưa đến
không còn ở đây
tàu qua Đập Đá
sông Hương trăng sữa buồn
cam chịu
         trôi xuôi buông xuôi
                                      không dậy sóng
dằng dặc những đoàn người rũ đất rẽ nước trồi lên
ngơ ngác
chẳng hiểu vì sao không được sống ?!...
 gọi thầm đêm gọi thầm bạn gọi thầm em
 - người thiếu phụ không phải không thể không nỡ của mình !
hành quân đến đâu đánh trận ở đâu ngã xuống ở đâu
chúng mình không chọn lựa
bản thảo rơi vãi sau mỗi trận bom
yên bình
những người lính làm thơ chỉ biết làm thơ
làm chồng làm bố
người lên trung du kẻ ra vùng mỏ
bạn cư ngụ Huế tôi dạt vào Nam
Thương nhớ khôn nguôi xứ Bắc cội rễ bao đời
những mảnh đồng nát hằn vết móng tay cậy cháy cơm khoai
chiếc niêu đất đựng núm rốn cuống nhau
                                                 cha vùi gốc tre gai
bao cánh diều chưa nhả hết dây
                      toạc giấy gẫy tre chòng chành ngược gió…
Dạ cổ hoài lang, Nam ai, Nam bằng buồn như Ví dặm
ngậm ngùi Bèo dạt mây trôi
nhớ Bắc tôi tựa gốc sầu riêng
bạn ngồi mòn gốc đa thương Huế
văn liền mạch câu thơ nối nhịp
nhưng phương Nam phương Bắc nóng lạnh chẳng cùng mùa
kẻ trước người sau
bạn về Bắc
tôi làm sao xa lìa mãi sông Đáy sông Châu đất lề quê thói !
Mai này
thỏa thuê gió bấc mưa phùn mắm cua nước vối
có những đêm áo nhàu khuy đứt
quặn lòng thắt dạ
ta lại nhớ thương nắng gió phương Nam…
.
Bài thơ tình ở Hà Nội
                               Nhớ LMT
.
Những mùa thu xưa có thổn thức vậy đâu
ta còn trẻ liễu quanh hồ mới lớn
tháng ba ném bàng tháng tư lựa cốm
bố mẹ chưa già chị gái còn son
lạnh giá đến nao lòng ngút ngát gió heo may
lá sấu rụng rối chân mưa Ngâu mềm rễ cỏ
Hà Nội mấy ngàn đêm thở dài thương nhớ
chiều nay như người lạ tìm về
đến Ngọc Hà hỏi làng ra Yên Phụ tìm đê
xóm Vẽ bến Chèm vắng thuyền nan đò gỗ
đường Cổ Nhuế không tãi rơm quạt lúa
xa nhau - ổi non khế xanh
gặp lại vẫn giữa mùa đang vụ
đằm ngọt nhãn lồng tròn đầy bưởi dọ
rượu cũ sủi tăm cốm mới ngậy hương
hẹn anh đi chợ Tó rủ em xuống Kẻ Mơ
trưa vào Bách Thảo tối lên Tây Hồ
một nửa ngậm ngùi
                   đắp bù cho nhau một nửa...
đừng nhớ mình bao nhiêu tuổi
đừng nhìn từng sợi tóc nhau
đừng tiễn em về tận ngõ
đừng lộ niềm vui nỗi đau
Hoàn Kiếm vơi nước Tô Lịch cạn dòng
xưa lạc khăn chìm nón - dối mẹ cha
bây giờ áo sờn nhẫn gãy - dối người ta
chẳng còn của riêng nhau nữa !...
                           ***
Yêu nốt ruồi son may mắn rắc vừng trên ngực
cả mụn ruồi đen chia lìa chìm dưới tóc
nụ hôn dài ngạt thở rã rời vòng tay
mắt mở dại ngây da trần cháy lửa
dìu nhau liêu xiêu đồng chiều ngợp gió
cánh sen rã cuống thơm ngậy bùn non
khoai sống cũng bùi nuớc sông vẫn ngọt
cá ngần gỡ xương vải thiều nhằn hột
thả tóc che nắng cởi áo ngăn mưa
tàu chuối che sương vạt đê mượt cỏ
đệm lá ấm nồng
                   núm vú trái dâu mọng đỏ…
kim xuyên ứa máu ngậm khô ngón tay
nao lòng tóc rụng xót sa vai gầy
tươi trẻ qua rồi già nua trước mặt
chẳng yêu được nữa không thương được mãi
những gì mang theo bao điều gửi lại
ta lại chờ nhau cuối chân Trời khác
thương nhau đến thế đời sau có lạc ?...
dằng dặc ngàn dặm em giờ đã xa
cầu Lạc Trung nghiêng chợ Thanh Nhàn vắng
liễu hồ Tây lá rụng trái mùa
                     cành héo quất roi vào nắng
Kim Ngưu lặng sóng thương nhớ trâu vàng
bày vạc ướt sũng mưa lẩy bẩy mò tép ngang bến Linh Đàm
cô đơn lạnh tóc phổi đen khói thuốc
nhiều đêm thức giấc lang thang ngoài đường
chẳng lẽ trách Thăng Long không níu giữ em ở lại
bữa mai
            tháng tới
                            năm sau…
thôi thì phải quên
                     cũng đành lòng vậy !
              
                               Lạc Trung, Hà Nội, 2005
.
Lỡ hẹn với Hội Lim
.
Sông nghẽn đường chen
                               Hội trễ ngày
Lim bạc mưa phùn buốt gió may
lạnh dần những dấu hài trên cỏ
trúc ngậm hương người ngơ ngẩn say
bầy Tiên dứt áo về Tiên cảnh
tứ bình - Tố Nữ ẩn vào tranh
Tấm về Nội Duệ, qua Như Nguyệt ?
tìm Người
             tát cạn rượu làng Vân…
.
    Ao nông cá vượt
   .
Mũi kim lạc giữa đường may
chỗ kia tràn nước nơi này cơm khê
bao nhiêu người đổ ra hè
phố phường tắc nghẹn, ngựa xe chợt dừng
Pháo nghênh pháo tiễn pháo mừng
dập dìu bên ấy rưng rưng bên này
dây diều đã vuột khỏi tay                        
người xinh nhất tổng bữa nay lấy chồng
Xe hoa nửa trắng nửa hồng
tàn thu, ngọn gió lúc đông lúc nồm
mẹ ơi xin mẹ đừng buồn
lỗi tại con, chỉ vì con vụng về !
Người ta “trả lễ”. Rồi đi…
ngẩn ngơ khắp huyện, riêng gì nhà ai  
đau lòng cả đám con trai
ao nông cá vượt ra ngoài sông sâu
Nhạt vôi héo cả cau trầu
từ khi người ấy làm dâu đất người
sân rêu lớp lớp lá rơi
buồn chia khắp xứ ngậm ngùi cả quê…
                                              Hà Nam, 1992
.
    Thơ & người làm thơ
   .
Sau muà vật đẻ
cá hồi bơi ngược dòng tìm nơi gửi xác
viết xong bài thơ tâm huyết
mờ mắt hụt hơi
may mắn ngắt được dăm cọng cỏ
trên Cánh đồng Thơ của Đất - Trời
nước mắt rơi nhoè mực
tảng đất sét vừa lăn khỏi ngực
lại thay bằng hòn đá nặng hơn…
giếng sâu nuốt dây ruộng cạn mẻ gầu
lòng hạn hán mọc thơ gầy úa
đỏ mặt với thứ thơ nêm bột canh, váng mỡ
vẫn chưa dám đặt bài thơ nào cạnh bát hương
                                những lần Giỗ Mẹ Cha
làm thơ nào khác thả chài quăng lưới
mừng bạn luôn gặp cá chép tôm hùm
thơ toàn những Aka, Cách cách (*)
tôi nhạt thính nhỏ mồi chỉ được cá mương
có tờ giấy phết diều gió đẩy vượt ngọn cây
có tờ giấy gấp thuyền chìm nghỉm trong chậu nước
vẫn ngon lành miếng bánh chưng ngoài góc,
mía ngọn, mít cành, rượu dưới, chè trên…
thơ vẫn chỉ…lá đa - sãi chùa chẳng phải
ta đi bộ trên hè
đường lớn ngại chen…
                                              Tháng 5/2007
.
Nhà thơ
.
Hết ngày
chẳng làm được việc gì có ích
mười hai tháng sắp cạn
lại một năm uổng phí
buông xuôi....
rồi cũng sẽ trôi qua một đời
sau bao tháng cân nhắc đắn đo
                         bao nhiêu năm rụt rè
                                  những thập niên e ngại
xuôi - ngược
                  đỏ - xanh
                               phải - trái ?...
mực tím mực đen bút sắt bút bi
một đời nhà thơ
                   trăm lọ mực mấy ngàn cây bút
nhưng không thể nhưng không được lấy máu mình để viết !                                                 
mấy trăm năm
Thiên hạ còn khóc Tố Như
ngàn nhà thơ hơn mình như mình
chẳng lẽ phí hoài vô tích sự
vài tháng vài năm
              và cả khi đang sống
                                 đã không ai nhớ...
                                       Hà Nội, 11-2009
.
Những người Đàn Bà không có chồng
.
Tiểu Kính Tâm từng  muốn tận hưởng hạnh phúc vợ chồng
không mơ thành Quan âm
một lần ái ân
đêm trăng ấy đã thành truyền thuyết
Thị Nở chỉ muốn là đàn bà
 giao phối đủ “ba vạn chín nghìn” lần
rồi già
rồi chết    
không sợ điều tiếng chẳng cần nổi tiếng
tiên nữ trường sinh bất lão múa hát trong mây ngũ sắc
xiêm y lộng lẫy ban ngày ban đêm hoen nước mắt
không vì ai không cho ai
                            đẹp phí đẹp hoài
ngàn năm trôi cô đơn héo hắt
làm duyên với những tiên đồng tóc quấn trái đào
                              tiên ông râu dài như cước
những người phụ nữ muộn chồng không chồng
trứng chín rụng như sung
hông lẳn vịt bầu te tái gà mái ghẹ
mặn mà đằm thắm mỏng mày hay hạt
đàn ông vô tâm vô tìnhh trốn chạy đâu đâu
trong thân gỗ bồ đào cây vĩ cầm không dây lặng câm
nở chán lại tàn héo quắt những dò phong lan
                                    Nghênh phong, Hoàng thảo…
hạt dẻ vùi dưới cỏ khô, trái vả ứa mật trên cành
những người đàn ông chí thú vợ con
đầy trách nhiệm và tròn nghĩa vụ
chống nhà khi bão canh trộm trong đêm
nắng hạn vét ao mùa lũ chống thuyền
giúp người đàn bà hàng xóm đơn chếc
                trẩy dừa ngọn cây mò gầu đáy giếng
gỗ lệch mạch cưa đinh không trúng búa
người đàn ôn liều lĩnh có con rơi vợ giấu
“ăn xổi ở thì” dơi chao cò đậu
trồng cây nêu ở nhà mình đón giao thừa ở nhà mình
để mặc những đứa trẻ bánh chưng không biết gói
                                        giò nây không biết cột    
    những người đàn bà hắt rượu cúng ra sân
                                       pháo tép không dám đốt                                                                                                                                      
    chồng hờ vợ tạm cha chui con lẩn
    đàn bà trẻ con cam chịu, có còn hơn không!...
                                                                                                                                                                                                                       
    chỉ có hai bàn tay cho tám mươi sáu phím đàn trắng đen
    xong dăm bản nhạc có khi mỏi nhừ tê dại 
    thuận tay nhàm tai quen mắt
    đánh đi dạo lại vài trích đoạn
    không có gan làm chủ bao tuyệt tác
    nếu Thượng Đế tạo thêm đàn ông
    để mọi người phụ nữ được suốt đời làm chủ một người chồng
    (một nửa một góc cũng đành cũng được !)
    thế gian sẽ bớt đi bao cánh tay gối đầu đêm đêm đầm đìa nước mắt
    hàng triệu người đàn bà không phải chịu khát thèm suốt thời son trẻ
    gánh nỗi xót đau nghẹn ngào vào tuổi già
    oằn lưng bỏng vai cả khi không còn gì để gánh
    những người đàn bà không chồng
    quay cuồng săn đón đàn ông chẳng vì khao khát ái ân
    - không có con cậy ai cúng giỗ
    đàn ông vợ đẹp con đàn ăn nằm với người đàn bà xấu già lỡ dở
    - nhiều khi không vì “ham của lạ”
    “Ngũ giới” và “Thập giới” (*)
    Phật ở Tây Thiên, Chúa ngự trên Trời
    thương cảm ngậm ngùi…
                                Linh Đàm -  Nha Trang, 18/8/2010
   
    _____________________________
    Ngũ giới, Thập giới: năm điều cấm của Đạo Phật và mười điều cấm của Đạo Công giáo,
    có một điều giống nhau: không được giao phối với vợ (chồng) của người khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét