Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Thơ Nguyễn Việt Chiến

NG. VIỆT CHIẾN

Chiều xuống rồi, về nhà đi con              
Mẹ đang cầu nguyện
mỏi mòn chuỗi hạt tháng năm
bóng mẹ in trên vách thời gian
như pho tượng tạc bằng nước mắt
Mẹ bảo: nước mắt ban ngày chảy xuôi
                               đánh thức những ngôi đền
còn ban đêm nước mắt chảy ngược vào trong
thấm đến một miền đức tin cứu rỗi
bởi thế
            trên gương mặt thời gian
            trên gương mặt người đời
nước mắt không bao giờ ngừng chảy
rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ làm bằng nước mắt
rồi mẹ bảo: có ngôi đền chỉ xây bằng đức tin
rồi mẹ bảo: có ngôi đền làm bằng lời cầu nguyện
rồi mẹ bảo: chiều xuống rồi về nhà đi con

                                                                           5-2008

Mưa và chữ

1

Mưa
là một cái cây
trong lành và tươi tốt

đang đòi mọc rễ
trong cái đầu cũ kỹ của anh
Thức ăn của anh
bao năm chẳng có gì
ngoài mưa
và một nắm ngôn từ sống sít
mưa thì giời cho
còn chữ
               thì anh phải trồng
Những con chữ sinh nở
trong bóng đêm cần được chăm bón
nhưng đôi khi anh bỏ quên chúng
những con chữ cọc còi
không được dưỡng sinh
2
Anh là kẻ vô tâm vô dụng
                                        vô hại vô ưu
chẳng cần thiết cho ai
chẳng làm ai bất hạnh
nhưng lại khoác lên lưng mình
cái ách trâu cày khó nhọc
Mỗi ngày là một cuốn sách mở ra
thấy bóng anh
                         như con trâu lầm lũi đi trước
kéo - theo - chiếc - cày- bút - trên - cánh - đồng - ngôn - ngữ
từ sớm tinh mơ đến tối xẩm mặt người

Chữ

là một cái cây
                        trong lành và tươi tốt
đang đòi nở hoa
trong cái đầu mệt mỏi của anh

Người vẽ

              Tặng Thành Chương

Không gian của anh

một thế giới
đang thở
trong sự sống của mầu
những cuốn sách
                     bị dồn về một phía
những đứa trẻ trốn chạy
những đổ vỡ bị dồn về một phía
cùng với niềm tin
*
Chỉ còn lại những bức tường
trống rỗng và khản đặc
cái đẹp bị dồn về một phía
sự bất hạnh và cô đơn
bị dồn về một phía
trong tuyệt vọng con người
nét vẽ của anh
như một cây cầu
mong manh
nối hai bờ đời sống
*
Có một người đàn bà
đang cắm hoa
trong một người đàn bà khác
vừa rời bỏ bức vẽ này
trở lại trần gian
có một đứa trẻ
cất giấu
trong chiếc tủ bí mật của mình
một đứa trẻ khác
và anh
nét vẽ giản đơn
nâng đỡ cây cầu
                     Ngày 19 và 20-4-2004
Tổ quốc nhìn từ biển
.
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc

Các con nằm thao thức phía Trường Sơn

Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả

Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn


Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển

Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng

Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa

Trong hồn người có ngọn sóng nào không


Nếu Tổ quốc nhìn từ bao quần đảo

Lạc Long cha nay chưa thấy trở về

Lời cha dặn phải giữ từng thước đất

Máu xương này con cháu vẫn nhớ ghi


Đêm trằn trọc nỗi mưa nguồn chớp bể
Thương Lý Sơn đảo khuất giữa mây mù

Thương Cồn Cỏ gối đầu lên sóng dữ

Thương Hòn Mê bão tố phía âm u


Nếu Tổ quốc nhìn từ bao thương tích

Những đau thương trận mạc đã qua rồi

Bao dáng núi còn mang hình goá phụ

Vọng phu buồn vẫn dỗ trẻ, ru nôi


Nếu Tổ quốc nhìn từ bao hiểm hoạ

Đã mười lần giặc đến tự biển Đông

Những ngọn sóng hoá Bạch Đằng cảm tử

Lũ Thoát Hoan bạc tóc khiếp trống đồng


Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo

Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn

Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy

Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân


Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả

Những chàng trai ra đảo đã quên mình

Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước *

Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh


Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát

Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời

Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất

Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi


 
Trại viết Văn nghệ Quân đội Hạ Long 4-2009----------

*
Mới đây người dân huyện đảo Lý Sơn đã tìm thấy một sắc chỉ của
vua triều Nguyễn năm 1835 cử dân binh ra canh giữ đảo Hoàng Sa

.

Để nhớ về em

Tôi yêu khóe miệng không tắt
những ban mai lầm lẫn sương mù
em chẳng vàng thu
em dìu dặt một bờ bến lạ
Tôi đi qua
               bóng một sân ga
chẳng con tàu nào chở tôi về phía thương yêu cũ
chẳng con tem nào đưa tôi về địa chỉ yêu dấu cũ
chẳng câu thơ nào cõng tôi về tuổi thơ cũ
chẳng ánh sáng nào giúp tôi thoát khỏi những ám ảnh cũ
chẳng con đường nào nâng tôi lên qua những dằn vặt cũ
chẳng máy giặt nào giặt hộ tôi những đau khổ cũ
chẳng máy điều hòa nào có thể cứu nổi một sa mạc cũ
đang phổng phao lớn dần những đói khát trong tôi
Bởi thế
tôi chỉ dám cất giấu trong câu thơ chật hẹp của mình:
một ít gió còm cõi từ mùa hạ cũ
một ít nắng đăm chiêu từ mùa đông cũ
một ít mây chiều bơ vơ trên mái phố cũ
một chút bụi tư tưởng rơi ra từ cuốn sách cũ
một hơi ấm thì thào trong bài hát cũ
một mùi vị hoang dại ngọt ngào trong da thịt cũ
Để nhớ về em.
                                              

Thời gian của trăng

  Lần tay. Mở áo đêm ra
Trăng. Nhu nhú sáng. Như là trăng non
Đặt môi lên. Đỉnh trăng tròn
Để hư vô. Biết ta còn. Chiêm bao

    Trăng đầy đặn. Trăng hư hao
Tuổi trăng lồ lộ. Trong dào dạt. Đêm
    Mở rằm. Trăng đến rước. Em
Con thuyền vô định. Ngủ quên. Bên trời
    Ta. Là ngọn gió. Mải chơi
Hái trăng đêm. Rải. Khắp đồi núi. Xa
    Những sông. Không bóng thuyền qua
Mượn trăng. Ta đón em ra. Sông này
    Những rừng. Trụi lá. Không cây
Em. Gieo trăng xuống. Cho. Đầy ắp trăng
    Một mai. Trăng. Mọc thành măng
Để sông gặp núi. Để giăng gió còn
   Biển. Ngoài kia. Sóng đã mòn
Mà anh. Vẫn sóng. Đang còn hư vô
   Trăng ngoài kia. Đã san hô
Mà trăng anh. Vẫn. Còn mờ mịt trăng
   Cát ngoài kia. Đã vĩnh hằng
Mà anh. Vẫn cát. Đang. Dằng dặc xe
   Suốt đêm. Sóng. Biển. Nằm nghe
Chuyện. Trăng và cát. Kể đi. Dã tràng
                                                               2004-2006

Gửi bạn bè                

Mùa đã vắng những cánh chim lẻ bạn
Đất ấm dần sông chảy mộng mơ hơn
Cái còn lại sẽ trở thành dĩ vãng
Cái mất rồi không phải đã hư vô
Cái mới gặp – người hồn nhiên đón nhận
Cái rời xa – ta nuối tiếc dầy vò
Cảm ơn bạn, những người tôi yêu mến
Như anh em như máu thịt của mình
Trong thế kỷ đã quá nhiều đổ vỡ
Ta gắn hàn chút giá trị mong manh
Xin đừng hỏi vì sao ta gục ngã
Ta yêu thương như Mẹ - núi sông này
Khi ngay thẳng sống làm người thật khó
Ta dọn mình cho bữa tiệc đắng cay
Xin đừng hỏi vì sao ta phải sống
Ta bản năng không chay tịnh thánh thần
Ta bụi bặm ta hồn nhiên đến thở
Trên chiếc giường của mộng mỵ ăn năn
Khi số phận chọn ta làm ngọn bút
Phất lên đầu sóng dữ một bài ca
Ai biết được ta sẽ chìm tận đáy
Rồi vượt lên bao bất hạnh, trầm kha
Ngày lại ấm từng câu thơ con viết
Mùa vẫn dài trong mắt mẹ buồn thương
Khi mẹ nhắc chiều muộn rồi con biết
Bài thơ kia đã ở sát chân tường
Khi bạn hỏi bóng tôi trên mặt sách
Câu thơ nào viết dưới đáy thời gian
Trong tuyệt vọng chỉ còn thơ là bạn
Chỉ còn thơ cứu rỗi mọi suy tàn
Nghe bạn hỏi bóng hoa trên mặt sách
Mùi hương nào thấm đẫm một chia phôi
Mai hay cúc, hay thuỷ tiên tưởng tượng
Bóng hoa đen ám ảnh chúng ta rồi
Trên gương mặt thời gian năm tháng ấy
Có một phần gương mặt của chúng tôi
Trán kiêu hãnh mang vần thơ hy vọng
Dẫu trái tim đa cảm bị thương rồi
Dẫu trái tim nhiệt huyết đã nguội rồi
Dẫu trái tim bị bòn rút cuối đời
Dẫu trái tim nhân bản nát tan rồi
Hãy tin rằng vẫn còn có chúng tôi
Mây tơ tằm
      Sớm nay. Lác đác. Sen đồng
Một vài bông. Nở bên sông. Lập loè
      Con sông. Vừa ngủ. Vừa đi
Áo phù sa. Bạc mấy khi. Được lành
      Em về. Vá áo sông anh
Về. Mau kẻo sóng. Nhuộm. Thành sông mê
     Đường lên. Thạch Thất. Ba Vì
Lúa đồng sắp chín. Chim ri đang còn
     Em giờ. Vẫn chửa có con
Bánh dầy. Xôi đỗ. Vẫn còn người. Mong
    Lụa. Còn đau đáu. Hà Đông
Mây tơ tằm. Phủ miền sông. Đáy vàng
  Ngàn dâu. Xanh. Suốt thoi ngang
Đất. Như lụa dệt. Bóng. Làng quê xưa
   Đầu làng. Ngựa đá. Gặm mưa
Cuối làng. Chó đá. Sủa chờ trăng. Lên
   Xứ Đoài. Thăm thẳm. Mắt sen
Mây tơ tằm. Nở trên miền. Đá ong
   Chiều. Mưa lác đác. Sen đồng
Con sông. Chảy mãi. Mà không sóng. Về
   Mắt xưa. Sen. Bỏ bùa. Mê
Tằm tơ em. Lấy mái đê. Làm nhà
   Sông gần. Bến cũng chẳng. Xa
Quê sông. Vẫn. Chốn thật thà. Cỏ may
   Hẹn em. Ở. Hội Chùa Thầy
Tháng giêng. Lại gặp đò đầy. Chùa Hương
   Trái mơ tơ. Tưởng còn vương
Thẹn thò. Ngực áo đầm sương. Tơ tằm
   Nón Chuông. Buông. Mắt lá dăm
Em. Xuôi đò dọc. Anh. Lầm đò ngang
   Để. Cho bầu rượu. Dở dang
Một miền mây lụa. Hoang mang. Nỗi gì
   Con sông. Vừa ngủ. Vừa đi
Mây tằm tơ. Dẫn lối về. Trần gian
                                         2001-2005

Gặp Nguyễn Du trên sông đêm
.
Đêm ấy mưa thật to. Bốn bề tối đen. Vạn vật thiếp đi trong giấc ngủ sợ hãi. Tôi như bị cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Tôi như bị chìm rất sâu trong một đêm mưa lớn. Không cha mẹ. Không vợ con. Không bạn bè. Bốn bề gió mưa tăm tối. Bốn bề thăm thẳm cô đơn. Ngoài trời. Họ nhà sấm một mình gieo rắc tai hoạ. Sét gầm gào, xé toạc cả một vùng đêm bằng những ngọn roi điện khét lẹt, nhức nhối. Thị giác tôi, thính giác tôi, thân thể tôi, tâm thức tôi, ký ức tôi… bị bỏng rát, nát tươm. Bởi những tia chớp quất xuống liên hồi như muốn dày xéo. Như muốn hành hạ.
   Không thể gì cản nổi cơn thịnh nộ cuồng điên của gió mưa trong đêm ấy. Gió như muốn bứt trụi những mái nhà yên lành bằng bàn tay đen tối của mình. Có cảm tưởng, chỉ những gì thấp bé hơn ngọn cỏ, chỉ những gì xác xơ nén chịu mới được tồn tại một cách phù du, vật vờ trong kiếp sống ấy. Mưa đêm xối xả đập xuống mặt sông. Một con sông lớn đang dâng lên trước mặt tôi. Dâng lên mãi. Nuớc lạnh. Mưa cũng thật lạnh. Chỉ còn lại trái tim trong ngực tôi thoi thóp ấm và phù sa. Phù sa như máu của một miền châu thổ trong tôi bị dẫm đạp, bị hành xác.
   Rồi mưa cũng ngớt dần. Rồi trăng lên trên sông vắng. Và trên bãi cát đêm chảy dài như một mộng mị. Một ám ảnh dưới trăng. Tôi mơ thấy mình bất ngờ được gặp cụ Nguyễn Du đi câu trên sông đêm. Hoá ra cụ ra sông câu từ lúc trời còn mưa to lắm. Nón áo đến giờ còn lướt thướt uớt ròng. Trên tay cụ là một chiếc cần trúc. Và cụ mang theo một bầu rượu, giắt ở thắt lưng. Đầu đội nón lá, chân đi đất, cụ Nguyễn câu gì trong đêm mưa ấy. Chỉ có giời mới biết. Và chỉ có thi ca được biết mà thôi.
   Được gặp một thiên tài viết mấy ngàn câu lục bát khiến quỷ thần cũng phải rung động, tôi bàng hoàng hỏi thăm cụ: “Thưa đại thi hào, trong đêm mưa lớn thế này, người ra sông đêm câu gì vậy? Cháu nghĩ đêm nay hình như cụ không phải ra sông câu cá chơi, có phải vậy không, thưa cụ?”. Nghe tôi hỏi, cụ Nguyễn Du đăm chiêu nhìn tôi chốc lát, như muốn phán truyền điều gì đó. Rồi cụ tươi tỉnh chỉ dòng sông trước mặt và nói: “Anh bạn thơ trẻ, anh nghĩ cũng gần đúng đấy. Trong đêm mưa lớn thế này, ta ra sông không phải để câu cá chơi đâu. Dòng sông lớn đang cuồn cuộn chảy trước mặt chúng ta kia đâu phải là dòng sông bình thường. Đó là dòng sông văn đấy. Nó đang thức dậy khát khao sau nhiều đêm thiếp ngủ trong lãng quên, anh bạn trẻ ạ ! Và đêm nay, ta ra câu chữ trên dòng sông văn ấy. Ta nói điều này cho anh biết. Chỉ có trong những đêm mưa lớn của đời người như anh đang từng phải trải qua, người thơ mới có thể ra sông văn câu được những bài thơ, tứ thơ, những câu chuyện văn chương hay nhất trong cuộc đời cầm bút của mình, nghe chưa…”
  Nói xong, cụ Nguyễn Du lấy bầu rượu tưới xuống dòng sông văn trước mặt, rồi vừa đi, vừa ngâm nga mấy đoạn Kiều. Bóng cụ khuất dần sau mưa đêm. Cũng trong đêm mưa ấy, khi trăng đã lên và mưa đã ngớt. Tôi còn nghe thấy trên sông văng vẳng tiếng hát của một người con gái trẻ ở làng bên ra sông giặt lụa. Tiếng hát trong văn vắt như một dải lụa mềm dưới trăng. Tôi choàng tỉnh dậy, sau giấc mơ kỳ lạ ấy và thức suốt một đêm mưa lớn để làm bài thơ Gặp Nguyễn Du trên sông đêm dưới đây. Mong ghi chép lại cuộc gặp gỡ thú vị, may mắn vừa diễn ra, để ghi nhớ những lời dạy bảo ân tình của cụ Nguyễn Du: 
                                                                                                          
Đêm. Mưa. Gặp Nguyễn. Trên sông
Đầu đội nón lá. Chân không mang giày
   Ông ra câu cá. Sông này
Một chiếc cần trúc. Phất đầy mưa đêm
 Ông. Dốc bầu rượu. Tưới lên
Dòng sông mặt sách. Còn thiêm thiếp nằm
   Các người ngủ. Suốt trăm năm
Nguồn thơ đã cạn. Nguồn văn đã mòn
Dậy. Đi thôi. Nước. Vẫn còn
Sông. Vẫn đang chảy. Từ nguồn cội xa
   Sông. Là bạn học của ta
Ta học sông. Cách phù sa đắp bồi
Sông văn. Chảy. Dọc cuộc đời
Nguyễn ngồi câu chữ. Dưới trời mưa. Đêm
   Có cô gái trẻ. Làng bên
Ra sông. Giặt lụa. Vào đêm Nguyễn về
Thế rồi. Đêm ấy. Bờ đê
Mưa. Thì đã tạnh. Trăng. Thề đã rơi
   Hình như họ. Đã thành đôi
Sông thơ. Chảy. Suốt một trời. Nguyễn Du
Truyện Kiều. Ông viết. Trong mơ
Ngoài sông. Tiếng đập lụa. Như vẫn còn
   Lụa như trăng. Giặt chẳng mòn
Nàng Kiều đêm ấy. Vẫn còn. Trên sông
Người lụa. Đã nhận ra. Ông
Đầu đội nón rách. Chân không mang giày
 Ông. Ra câu chữ. Sông này
Một chiếc cần. Bút phất đầy. Trăng đêm                          
                                                                         6-2008

Trăng nơi đáy sâu

Ta đã chìm rất sâu trong một đêm mưa lớn
không ai đến được với ta
nhưng ở nơi tận cùng của đáy sâu kia
ta vẫn nhận thấy hơi ấm của em
vị mằn mặn của ánh trăng
thứ ánh sáng không bị huỷ hoại
                        bởi bùn tối của những đáy sâu
và có lẽ ta đã được cứu thoát bởi chất muối ấy
*
riêng điều bí mật này
em không được biết
ánh trăng không được biết
bóng đêm không được biết
cả những đáy sâu cũng không được biết
khi ta lạc đường trong biển tối cô đơn
chỉ có trăng mới làm ta ấm được
người đàn bà trong suốt
đã đi vào trăng
*
khi nàng dốc cạn chiếc bình
                        hy vọng của trăng cho ta thở
thì ta lại ngủ
khi nàng vén chiếc cửa lụa khao khát của trăng
để đón ta vào
thì ta còn xạc xào thao thức ở đâu đâu
khi nàng tưới đẫm ta bằng những giọt trăng lành
để cho bụi bặm tăm tối trôi khỏi cuộc đời ta
thì ta lại trốn vào những câu thơ mộng mỵ
*
nhưng ở nơi tận cùng của đáy sâu kia
ta vẫn nhận thấy hơi ấm của em
vị mằn mặn của ánh trăng
thứ ánh sáng không bị huỷ hoại
                     bởi bùn tối của những đáy sâu                     

 
9-2008

  Trăng Nguyễn Du

Lẳng lặng
                trần gian ở lại

mắt em xưa

tiếng nhạc sỏi trong mưa
chầm chậm con đường cũ
những hoa không nở
                người chẳng nhớ
những hoa nở rồi
                người cũng quên
*

Một bông trăng

nở giữa chiếc bình đêm
chầm chậm đến sáng
                                   nở thành ban mai
trước mùa trăng sinh nở
Nguyễn Du là người mộng du ân ái cùng trăng
nhưng chưa đến nửa đêm thì Truyện Kiều đã viết xong
và Nguyễn Du đạp mây trở về sông Tiền Đường
để lại một bông trăng
thức trong chiếc bình đêm
thức chầm chậm đến sáng thì nở
nở thành một nàng Kiều trắng trong
giữa vẩn đục cõi người
*
Khi Nguyễn Du về
bụi giang hồ
trần thế vẫn như xưa
ông lại gặp trăng đêm
nở một đoá sững sờ
nở chầm chậm đến sáng thì tắt
nở chầm chậm đến sáng rồi chết


thơ Nguyễn Việt Chiến
Nguyễn Khắc Phục chọn gửi
Nguyễn Thái Sơn vi tính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét