Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

Góc Riêng Tư lyphuonglien.blogspot.com

Good Name Is Like Prayer

Nhà em chạy đến nhà anh
Vừa ra khỏi cửa đã thành ngã ba...

Thơ LPL
.

thơ lý phương liên
trần vân hạc giới thiệu
.
CA BÌNH MINH
.
Em đi làm ca ba
Đêm buông đầy đường phố
Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ
Em đi giữa lòng đường
Hát khẽ…
Tuổi ca ba rất trẻ
Đêm ca ba lại dài
Mười tám, đôi mươi
Tuổi như em khỏe ăn khỏe ngủ
Bạn bè em có nhiều ý lạ
Khi nói tới ca ba
Ca của những đêm hè trời đầy sao hoa
Ca của những đêm đông bập bùng ánh lửa
Còn em với niềm vui bé nhỏ
Em gọi ca ba là ca bình minh
Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình
Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ
Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ
Đưa bộ đội lên đường
Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường
Đón bình minh đất nước
Và một đêm ca ba hôm trước
Chị hàng xóm nhà em trở dạ đầu lòng
Nước mắt lưng tròng
Ôm bụng đau quằn quại
Miệng lẩm bẩm những điều sợ hãi
Em dìu chị đến nhà hộ sinh
Sáng hôm sau gió cao trời xanh
Chị hàng xóm đón em tiếng oa oa con khóc
Ai cũng muốn mỗi ngày đời là một ngày sống đẹp
Đêm thao thức cho ngày
Ơi ca ba! Ca ba em đi vào hôm nay
Đã thấy bình minh trước mặt
.
(Lý Phương Liên, rút trong tập "Ca bình minh",
nhà xuất bản Văn học, năm 20`11)


.
 LỜI BÌNH CỦA TRẦN VÂN HẠC:

.
Bài thơ trên, nhà thơ Lý Phương Liên viết đầu những năm 70, khi chị còn rất trẻ, đang là công nhân nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. "Đi làm ca ba” ngày ấy có gì mà lạ đâu, cả nước đang phấn đấu hết mình cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH, làm ca ba để hoàn thành công việc, để có nhiều sản phẩm hơn cho đất nước, đặc biệt lúc đó miền Bắc là hậu phương lớn của miền Nam. Nhà thơ chắt ra từ hiện thực cuộc sống đời thường ấy những tinh hoa, nâng lên tầm nghệ thuật, chuyên chở những ý tưởng mới lạ, đầy sáng tạo và lạc quan chắp cánh cho tứ thơ bay lên.
  Lúc đó chị cùng các bạn còn trẻ lắm, vô tư, yêu đời: “Em đi giữa lòng đường/ Hát khẽ…”. Hát bởi yêu đời và yêu người, hát bởi tin yêu vào cuộc sống. Câu thơ trẻ trung và trong sáng sưởi ấm cho các chị trong đêm. Hai câu thơ “Tuổi ca ba rất trẻ/ Đêm ca ba lại dài” như hai vế của một câu đối, rất hiện thực và cái cách thay đổi kết cấu ấy làm cho khổ thơ chở đầy suy tư với câu hỏi: tại sao “tuổi ca ba thì rất trẻ”, còn “đêm ca ba lại dài”? Những ai đã từng đi ca ba trong điều kiện đất nước lúc đó mới có thể hiểu được ý tứ sâu xa qua câu thơ tưởng chừng đơn sơ ấy.
Bài thơ đưa người đọc đến với những ý tưởng lạ lẫm, vô tư, bay bổng của tuổi trẻ. Các bạn của chị coi đấy là: “Ca của những đêm hè trời đầy sao hoa/ Ca của những đêm đông bập bùng ánh lửa”. Tuổi trẻ đầy mơ mộng và viễn cảnh về cuộc sống mới tốt đẹp làm sao. Còn chị: “Em gọi ca ba là ca bình minh”. Từ cái rất thực là mỗi khi tan ca về gặp bình minh mai sớm đã được thi vị hóa thành một thủ pháp nghệ thuật tạo nên hình tượng thơ đắc địa. “Ca bình minh”, của một ngày mới, của một chân trời mới, của mỗi người và đất nước. Chị ý tứ: “Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình” nhưng đâu có “vô tình” mà có được hình tượng thơ đẹp và sâu sắc đến như vậy, chị đã từng bao đêm đi ca ba, bao lần: “Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ/ Đưa bộ đội lên đường/ Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường”. Ngày ấy đất nước còn bị chia cắt, “tất cả vì miền Nam ruột thịt. Các chị đi ca ba hay các anh bộ đội “thẳng tới chiến trường” để một ngày không xa được: “Đón bình minh đất nước”. “Ca bình minh” mang một tầm cao mới đầy chất sáng tạo với hình tượng thơ: “bình minh đất nước” phơi phới tinh thần lạc quan. Phải có tố chất bẩm sinh của một thi sĩ , một tâm hồn trong sáng, tình yêu sâu sắc với quê hương đất nước và lòng tin tưởng vào tương lai của dân tộc mới có thể phát hiện và xây dựng được hình tượng thơ đẹp và độc đáo đến như vậy.  
      Trong bài thơ cất lên một âm thanh rất lạ, dù lúc đó chị còn rất trẻ nhưng có lẽ cái thiên chức của người phụ nữ và sự nhậy cảm của một hồn thơ dẫn cho mạch thơ của chị đến được âm thanh tuyệt diệu của cuộc sống ấy: “Chị hàng xóm đón em tiếng oa oa con khóc”. Cuộc sống vốn như thế đấy, mãi sinh sôi bất tận bất chấp những nghiệt ngã. Tiếng oa oa của đứa trẻ đầu lòng mới chào đời trong “gió cao trời xanh” ấy hứa hẹn một mùa xanh cho tương lai đất nước.
 Khổ thơ cuối như một phương châm sống của chị, của những người tử tế: “Ai cũng muốn mỗi ngày đời là một ngày sống đẹp”. Có ước muốn nào đơn sơ và thánh thiện hơn không, nhất là đấy là ước muốn của một thiếu nữ. Song con sông đời kia đâu có phải lúc nào cũng óng ả những lọn sóng ngời lên dưới ánh mặt trời, mà nhiều khi thác ghềnh giận dữ, vô cớ cuốn đi tất cả. Bởi vậy muốn có: “mỗi ngày đời là một ngày sống đẹp”, đâu chỉ trông chờ vào tự nhiên, mà hơn thế phải biết: “Đêm thao thức cho ngày”. Bài thơ được đẩy lên một cung bậc mới mang tầm triết lý, sâu sắc và tinh tế: nếu sau mỗi ngày, mỗi con người không nhìn nhận lại mình để ngày mai sống tốt hơn thì đó chỉ là sự tồn tại mà chưa phải là sống và cái phần người tốt đẹp kia đâu đã có nhiều. Tác giả rất tài tình trong việc sử dụng biện pháp tu từ để chuyển tải những tư tưởng, tình cảm của mình. Cao trào của bài thơ chợt căng lên như dây đàn rồi nhẹ nhàng ngân lên giai điệu về tình yêu cuộc sống với điệp từ cùng sự đối lập của hiện tại và tương lai. Cái hiện thực “ca ba” như một điểm tựa để vươn tới: “bình minh”: “Ơi ca ba! Ca ba em đi vào hôm nay/ Đã thấy bình minh trước mặt”. n dụ: “ca bình minh” xuyên suốt bài thơ chợt tỏa sáng tươi hồng như ngọn lửa ấm mãi trong mỗi con người. Ngày đó “Ca bình minh” được in trang trọng trên báo Văn nghệ, báo Nhân dân… được phổ nhạc hát trên các sân khấu của những người lao động, trên sàn diễn các nhà văn hóa, bài ca ấy luôn được phát trên làn sóng đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Lớp lớp thanh niên ra chiến trường, trong ba lô là cuốn sổ tay chép thơ chị. "Ca bình minh" tiếp thêm nghị lực và niềm tin cho mỗi người, sáng trong ánh mắt nụ cười, nồng ấm trong tim, trong sáng trong từng ý nghĩ. Mấy chục năm rồi, niềm tin vào “ca bình minh” ấy đã thành hiện thực. Đất nước hòa bình thống nhất và gia đình chị hôm nay cùng bao gia đình khác của đất Việt thân yêu luôn có: “bình minh trước mặt”.
Đọc bài thơ của nhà thơ Lý Phương Liên sáng tác từ bốn mươi năm trước mà vẫn tươi mới trong cuộc sống hôm nay. Ca ba – Sự phấn đấu ngoài cái thông thường: đêm – ngày, thức – ngủ… kia sẽ đem lại bao điều tốt đẹp.
Hà Nội 2011

LỜI RU TỪ LỬA CON TIM
(Mấy suy nghĩ nhân đọc bài thơ
“Lời ru với anh” của Lý Phương Liên)

LỜI RU VỚI ANH
.
Chim bằng ngoan của em ơi
Đêm nay ngon ngủ sáng mai lên đường
Em ngồi nhìn ngắm yêu thương
Cho no mắt nhớ ngày thường chim bay
Em muốn anh như bàn tay
Xòe ra là gặp
Chim bằng trời biếc
Chim bằng con trai
Ngủ ngoan anh nhé sáng mai lên đường
Ở nhà bên cạnh người thương
Để chim nghỉ cánh dặm trường đời xa
Lồng son phòng hẹp đôi ta
Chim bằng chẳng thể quanh ra quẩn vào
Xa anh nói nhớ làm sao
Chân đứng tổ kiến lòng chao gió cành
Lẽ nào em buộc cánh anh
Buộc cánh anh
Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu
Trời lộng chim reo
Mắt em mai sớm dõi theo chim bằng
Nỗi nhớ trong lòng
Cho chim cánh gió
Cho ngày nắng nỏ
Chim bay
Ngủ ngoan anh nhé đêm nay
Để mai xa suốt tháng ngày có em…
(Trích trong tập Ca bình minh, NXB văn học năm 2011)
.
LỜI BÌNH CỦA TRẦN VÂN HẠC:
.
Bài thơ trên nữ sỹ Lý Phương Liên viết vào năm 1969, lúc mới hơn hai mươi tuổi, bởi vậy những câu thơ của chị trong sáng, mát lành, lóng lánh như giọt sương mai, vừa trẻ trung vừa lãng mạn và tràn đầy khát vọng về tình yêu cuộc sống. Bằng sự rung cảm từ trái tim son trẻ, khao khát cháy bỏng yêu thương; Trái tim đang yêu rung lên hình tượng nghệ thuật làm cho bài thơ tự nhiên như hơi thở, như khí trời, câu chữ không cầu kỳ mà hàm xúc, mỗi chữ mỗi câu như ủ lửa bên trong làm rung động, xao xuyến trái tim hàng vạn người đọc một thời.
Những năm 70 thế kỷ 20, khi đất nước đang chiến tranh, thơ của Lý Phương Liên được coi là một hiện tượng văn học thúc đẩy niềm tin cho người ra trận. Nhiều bài thơ của chị được in trên báo Nhân dân, báo Lao Động, báo Văn nghệ… nhiều chiến sĩ ngoài mặt trận chuyền tay nhau đọc những bài: “Ca bình minh”, “Em mơ có một phiên tòa”, “Ngã ba”, “Thư gửi người bạn gái Mỹ”… “Ca bình minh” được phổ nhạc, được hát trên các sân khấu của những người lao động, trên sàn diễn các nhà văn hóa, bài ca ấy luôn được phát trên làn sóng đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Lớp lớp thanh niên ra chiến trường, trong ba lô là cuốn sổ tay chép thơ chị. Có cuốn sổ tay xém lửa bom đạn chiến tranh nhưng bài thơ chép trong đó còn nguyên vẹn, tươi rói, tiếp thêm nghị lực và niềm tin cho những chiến sĩ chiến đấu và chiến thắng. Còn giới nghiên cứu thơ ngày đó đã dành cho chị một sự trọng thị, với lời thẩm định quý như vàng cho một người mới cầm bút: “Một bông hoa vừa nở đã ngát hương…” (Báo Nhân Dân, năm 1970). Thơ Lý Phương Liên đi vào tình cảm người đọc tự nhiên bằng bản sắc riêng, cụ thể, khá sinh động, không trộn lẫn với những người khác mà rất gần gũi với người thưởng thức. Từ những sự việc tưởng như bình thường, chị đã nâng tầm thành cảm xúc thơ trong sáng đạt đến ý nghĩ rộng lớn của đời sống…
Lý Phương Liên sinh ra, lớn lên giữa lòng Hà Nội có bề dày văn hiến và thơ ca. Là một người lao động bình thường mà chị có được tư duy thơ như vậy thì thật đáng nể phục.
“Lời ru với anh” - lời ru tình yêu, là bài lục bát biến thể xuất hiện đột ngột, bất ngờ tạo một ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc lúc bấy giờ, bởi một thi pháp lạ, mới mẻ, không gò bó bởi khuôn mẫu truyền thống, cả về cảm xúc, ý nghĩa, hình ảnh, nhạc điệu. Người yêu thơ, sau thoáng ngỡ ngàng là cảm giác thích thú, cảm phục trước hiệu quả nghệ thuật đầy tính mỹ cảm do bài thơ đem lại. Người đọc ấn tượng với những điệp ngữ vòng tròn, nó chở được cái khao khát của muôn đời để có một tình yêu nồng thắm. Chính thế đã làm nên những câu thơ mang giá trị thẩm mĩ cao, tạo được cảm giác mênh mang, bằng điệp khúc triền miên:
Lẽ nào em buộc cánh anh
          Buộc cánh anh
          Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu
Một đêm ở bên nhau, trong căn phòng hẹp, một người ngủ, một người thức và lời ru cất lên đong đầy mắt, đầy môi chuần bị cho ngày mai phải xa nhau:
Ở nhà bên cạnh người thương
Để chim nghỉ cánh dặm trường đời xa
 Chị nói với tình yêu của mình bằng tất cả lòng yêu thương tha thiết:
Chim bằng ngoan của em ơi
          Đêm nay ngon ngủ sáng mai lên đường
Em ngồi nhìn ngắm yêu thương
          Cho no mắt nhớ ngày thường chim bay
Những vần thơ đầy nữ tính ẩn chứa ngọn lửa tình yêu nồng đượm ở bên trong. Chất dân ca cùng những ẩn dụ được nhà thơ sử dụng nhuần nhuyễn đẩy nỗi yêu thương cháy lòng khi người mình yêu “sáng mai lên đường” lên một cung bậc mới:
Xa anh nói nhớ làm sao
          Chân đứng tổ kiến lòng chao gió cành
Bài thơ xứng đáng được đưa vào hàng những bài thơ tình hay nhất Việt Nam với những câu:
Em muốn anh như bàn tay
          Xòe ra là gặp
          Chim bằng trời biếc
          Chim bằng con trai
 Cái điều mà người đời phải tốn bao giấy mực vẫn chưa nói hết được, là khao khát nắm giữ trọn vẹn được hạnh phúc trong tay, thì nhà thơ bằng những điệp ngữ vòng tròn, cùng sự cách tân lục bát một cách táo bạo, ý tại ngôn ngoại hàm xúc đến độ vi kỳ diệu đã đạt đến đỉnh cao dụng ý nghệ thuật và tư tưởng. Lời ru tuy chỉ nói đến hiện tại là: “Đêm nay” “mai xa” nhưng đã trải rộng trong một không gian nghệ thuật và thời gian nghệ thuật không có giới hạn, chừng nào còn tình yêu trên trái đất này thì “Lời ru với anh” còn ngân lên những giai điệu tuyệt vời những cung bậc bất tận của con tim.
Nhiều người yêu, lo lắng cho sự bền vững của tình yêu đã tìm mọi cách trói buộc nửa kia của mình, còn nhà thơ Lý Phương Liên, tình yêu của chị lại như một điểm tựa, tiếp thêm sức mạnh cho đôi cánh chim bằng của người mình yêu bay cao, bay xa đến những chân trời rộng lớn:
Trời lộng chim reo
          Mắt em mai sớm dõi theo chim bằng
          Nỗi nhớ trong lòng
          Cho chim cánh gió
          Cho ngày nắng nỏ
          Chim bay
Chị chỉ ao ước người mình yêu có một giấc ngon trong tình yêu thương vô bờ bến của mình để ngày mai vững vàng trước bao thử thách ở phía trước, tình yêu của chị sẽ mãi ấm lòng và là sức mạnh tinh thần cho anh:
Ngủ ngoan anh nhé đêm nay
          Để mai xa suốt tháng ngày có em…
Người bà ru cháu, người mẹ ru con, người chị ru em, (và ru người yêu trước giờ ra trận chắc chỉ phụ nữ VN mới có) … là một nét đẹp truyền thống của người Việt và lời ru không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người, bởi:“Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn” (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Nguyễn Duy). Còn đây là lời người thiếu nữ trẻ trung ru tình yêu của mình bằng tất cả tình thương yêu vô hạn. Nhân vật trữ tình mang tên: “Em” cất lời ru ngọt ngào, man mác, mà thực ra là tiếng lòng của mình trao gửi tới người mình yêu quí. Cả bài thơ không một câu chữ  to tát mà vẫn vút lên tiếng nói đích thực của con tim, không một lời kêu gọi hô hào mà vẫn ngân mãi thông điệp vĩnh hằng về tình yêu cuộc sống. Ở đây ta thấy tình yêu lớn lao, thiêng liêng như một tôn giáo, được thể hiện thật đơn giản và sâu sắc, như bản thánh ca sống mãi với thời gian.
Ôi! Có gì lớn hơn sức mạnh của tình yêu hay không. Có gì cao quí hơn tình yêu chân chính hay không. Và những ai khao khát một tình yêu đích thực có mong được người mình yêu cất tiếng: “Lời ru với anh” đằm thắm, thiết tha, nhân ái như vậy không?
.

Góc Riêng Tư lyphuonglien.blogspot.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét