Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Thơ Hưởng Ứng Bộ Sách Thơ Hay (26)


Thơ Hưởng Ứng Bộ Sách Thơ Hay (26) 
 
( Theo eMail từ nguyennguyenbay.com)
file 26/ cập nhật bài ngày 22/4/2012, có:

42. Thơ Hoàng Gia Cường


.
HOÀNG GIA CƯƠNG
Điện thoại: (04).38.437.868; 0985.709.150
Email: cuonghoanggia@gmail.com/


Phố cụt

Đoạn này phố cụt, không tên
Một bên nhà nguyện
Một bên nhà chùa ...

Tiếng chuông gióng tự tinh mơ
Đều đều tiếng mõ cả trưa lẫn chiều !

Mặt đường mưa nắng xiêu điêu
Kẻ cầu Đức Phật
Người kêu Chúa Trời …

Vô thần, tôi tự trách tôi
Đọc “Tư bản luận” một đời chưa thông !

Đường cong mãi vẫn hoàn cong
Long đong đâu chỉ long đong kiếp mình ?

Rì rầm phía ấy cầu kinh
Phía kia khấn Phật
Lặng thinh phía này !

Gió nồm rồi gió heo may
Lạc vào phố cụt
Bụi bay mù trời !

Nguyên Tiêu Kỹ Mão

Lời bình của nhà thơ Trinh Đường (*):

Bài thơ có ba đối tượng: tín đồ Phật giáo, con chiên và tôi là tác giả học mãi vẫn
chưa sao hiểu hết nghĩa lý sâu xa của Tư bản luận.
Ở đời ai nghèo hèn cũng muốn mở mày mở mặt, ai giàu sang rồi cũng muốn giàu
sang hơn, lại còn mưa nắng thất thường, đời nhiều bất trắc. Bên những phố cụt, ngõ cụt ngoài
đời, lại còn có những phố cụt, ngõ cụt trong lòng không sao có lối ra... Chính vì vậy mà tuyệt đại
đa số người trong xã hội, ngoài sự cố gắng bản thân, đều thấy cần thiết phải cầu thánh, cầu thần,

cầu Phật, cầu Chúa trời...
Hiện nay hạnh phúc đã đến với bao người nhưng số đông vẫn loay hoay trong ngõ
cụt chưa sao ra thoát được. Bài thơ đề cập đến số người này, một đối tượng xã hội ở nhà không
mái, ăn bát không cơm, có sống mà chưa khai thông được ngõ cụt...
Bức tranh vốn dĩ là trang giấy hay tấm voan trắng mà nhà hoạ sĩ thể hiện lên đó ý
đồ nghệ thuật qua hình khối, đường nét và màu sắc. Bài thơ cũng vậy. Không tìm đâu ra một sự
vật hoàn chỉnh nếu không lắp ghép các hiện tượng từ nhiều nơi chốn, từ nhiều thời và hoàn toàn
có quyền cho luồng điện dương gặp luồng điện âm để có một tiếng sét phá vỡ sự im ắng và tăm
tối của trời đêm./.

*In trên tạp chí Nhật Lệ 9/1999

Ghi chú: Bài này tuy đã in trên tạp chí Nhật Lệ nhưng khi đem in vào các tập thơ thì NXB Hội Nhà Văn không duyệt.


Biển chiều

Em ở đâu sao để biển buồn tênh ?
Con sóng cứ lan dài theo nỗi nhớ
Chú còng lẩn trốn vào trong hang nhỏ
Dải bờ cong hàng liễu đứng chênh vênh !

Tìm em đâu trong khoảng trống mông mênh ?
Mặt biển lặng, mặt biển xanh huyền ảo
Ráng chiều đỏ báo trước ngày giông bão
Hoàng hôn nhoà, sương xuống trải mong manh!

Em ở đâu - con thuyền nhỏ lênh đênh ?
Biển cứ đợi, dải cát vàng cứ đợi
Biển thăm thẳm cho lòng anh vời vợi
Dòng sông nào đưa đẩy chiếc thuyền em ?

Con nước ròng - con nước lại trào lên
Trăng cứ khuyết - trăng lại tròn vành vạnh
Sóng hết lặng - sóng sẽ dồn sức mạnh
Thuyền xa trôi ...
Có về biển không em ?

7-1993

Lặng lẽ thời gian

Một hạt sạn vô tình
Dính vào lòng trai bể
Một tứ thơ vô hình
Lọt vào hồn thi sĩ ...

Giữa dòng đời cuộn trôi
Hạt thời gian tích luỹ
Tứ thơ kết nên lời
Sạn kết thành ngọc quý !

Thời gian dù lặng lẽ
Vẫn làm nên diệu kỳ
Cái tưởng chừng không thể
Cũng gieo mầm đam mê !

Vịnh Lan Hạ 8/95

Cơn bão nhỏ
vênh đêm

Dù căm ghét chiến tranh
Anh vẫn thành người lính
Ngưới lính không một niềm sùng tín
Khẩu súng bên mình
Khẩu súng muốn lặng im !

Chiến trận tràn qua
Như chớp bão vô tình
Cuốn trụi sạch
Vào khoảng không trống rỗng !

Đâu thể chọn trước dầu sôi lửa bỏng ?
Chiếc lá mỏng manh gió cuốn tơi bời !

Anh đành xa
Phiêu bạt mấy phương trời
Dang dỡ khép những trang đời xanh ngọc
Em nán đợi, đành rẽ qua lối ngoặt
Cánh chim trời xa lạc trước bình minh !
*
Bỗng gặp nhau giữa buổi chiều yên
Lời ứ nghẹn ...
Chỉ thấy lòng quặn thắt !

Bão đã dứt
Cơn lũ nguồn đã dứt
Ráng chiều buông ...
Cơn bão nhỏ vênh đêm !

Thu 1985

Hòn non bộ

“Hay chi cá chậu chim lồng mà chơi!”
(Lời giáo huấn của nhà Nho)

Cũng đền, cũng miếu, cũng am
Cũng khe, cũng núi, cũng hang, cũng hồ
Cũng cầu bắc giữa ất ơ
Cũng cây cổ thụ ngất ngơ chống trời ! ...

Ai xui cây cứ đâm chồi
Cong queo trong một niềm vui vĩnh hằng ?
Ngoài kia có gió, có trăng
Có xanh lồng lộng, có vằng vặc soi !

Vui gì mà cá cứ bơi
Một khoanh nước cạn dưới vòi rỉ hoen ?
Vui gì mà nháy thâu đêm
Cái hang cắc cớ ngọn đèn đam mê ?

Ai tha khối đá kia về

Tôn làm chi cái sù sì mốc meo ?
Con thuyền bám kín rong rêu
Vì ai ngư phủ ôm chèo lẻ loi ?

Ngỡ là tìm thấy niềm vui
Mà sao cảnh vật bùi ngùi, quạnh hiu !
Đêm hè ngọn gió phiêu diêu
Hòn non lạnh, chiếc lá vèo rơi ngang !

Hè 1999

Trên bến
Ninh Kiều

Ngẩn ngơ với đất với trời
Giữa Cần Thơ
Biết ai người cần ... thơ ?

Mênh mang nước dợn, sa mù
Ninh Kiều bến đợi, sông chờ ...
Không em !

Người đi Vĩnh Thuận, Long Xuyên
Trà Ôn, Long Mỹ ...
Biết lên thuyền nào ?

Nắng xiêu chợt đổ mưa rào
Nửa đi, nửa đợi ...
Lòng nao nao lòng !

Một nguồn sông mấy ngã sông ?
Mấy ngã sông - mấy ngã lòng ...
Ngờ đâu !

Hậu Giang lòng rộng nước sâu
Bâng quơ chiếc lá thả vào bâng quơ !

8/1997

Ở đền Bến Dược

Vẫn đội ngũ chỉnh tề
Như trong cuộc điểm danh
Những dòng tên các chị các anh
Xếp hàng thẳng tắp !

Chẳng thể đọc
Bốn vạn bốn ngàn ba trăm năm bảy dòng tên một lúc
Dù hệ thống đèn tự dõi theo mắt người, lần lượt
Rực sáng mỗi dòng tên !

Tôi đứng lặng im
Cúi mình thành kính
Như một tín đồ sùng tín
Trước Thánh Tông Đồ
Trước Đấng Cứu Tinh !

Những dòng tên các chị các anh
Đã ngả xuống trên chiến trường Sài Gòn - Gia Định
Những dòng tên được khắc sâu trong niềm yêu kính
Bằng nét chữ vàng
Trên đá hoa cương !

Tôi kính cẩn nghiêng mình dâng một nén hương
Giữa nghi ngút trầm hương của bao người đến viếng
Không thốt lời khấn nguyện
Tất cả lặng yên !

Có thể nào phá vỡ sự bình yên
Của bốn vạn bốn ngàn ba trăm năm bảy dòng tên hy sinh thầm lặng
Bằng vài lời sáo rỗng ?

Trời Củ Chi trong xanh lồng lộng
Trời nơi nào cao hơn ?
Địa đạo Củ Chi bốn tầng sâu mắc giăng như thiên la địa võng
Đất nơi nào dày hơn ?!

1998

*Đền Bến Dược ở khu vực địa đạo Củ Chi
thờ 44.357 liệt sĩ (con số chính thức năm 1998).

Về quê
Thân tặng các bạn trẻ xa quê

Quanh năm bươn chải theo đời
Lâu lâu về với mặn mòi quê xa ...

Vẫn là bến nước, gốc đa
Hàng cau, khóm chuối, vạt cà, ruộng khoai
Ngày thì ngắn, đêm thì dài
Chuyện làng
Chuyện phố
Lai rai chuyện đời...

Phên thưa gió lộng sao trời
Chõng tre cót két đượm lời tri âm
Dài lưng nửa tựa, nửa nằm
Xuýt xoa tiếng mẹ, lầm rầm giọng cha.

Lơ mơ, chợt rộ tiếng gà
Í ơi xuống chợ, ới a ra đồng
Dậy cũng dở, nằm khó trông
Cấy cày chẳng thạo
Gieo trồng chẳng quen !

Ngẫm từ bùn đất mà nên
Sao thành lạc lõng, vô duyên lạ đời
Chân xa đất, cật xa trời (*)
Phải đâu hạt thóc rụng rơi qua mùa ?!

7/2001

(*) Tục ngữ: “Chân không đến đất,
cật không đến trời”

Viếng đền thờ
Nguyễn Trãi

Ngôi đền bên dốc núi
Dưới tán rừng mát rượi
Trời chiều lặng buông sương khói
Ta nghiêng mình thắp một nén tâm nhang ...

Núi Côn Sơn thông đứng chen hàng
Xanh biếc điệp trùng hào khí.
Tiếng thông reo hay đàn ngựa hí ?
Hịch Bình Ngô thúc giục cuộc hành quân !

Người đi xa ngót sáu trăm năm
Bàn cờ tướng gió sương vẫn động
Lục Đầu Giang đôi lần dậy sóng
Vẫn thanh bình tha thướt cánh buồm trôi !

Ta thắp hương tưởng nhớ một CON NGƯỜI
"Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy chí nhân để thay cường bạo"(*)
Đưa chân lý vĩnh hằng vượt qua giông bão.

Hương một nén tấm lòng thơm thảo
Xin dâng Người - Người rọi sáng hồn ta !

Côn Sơn 19/3/2006

*Trích Bình Ngô đại cáo

Trước gương

Ai đó mà trông có vẻ ... quen ?
Soi nhìn thì hắn rướn mắt nhìn

Hình như tóc hắn nhôm nhoam bạc
Đuôi mắt chân chim, mắt ... rỉ nhoèn!

Thử cười thì hắn cũng nhếch môi
Mếu xệch, nhe răng, đứng lại ngồi ...
Hắn cứ i chang theo tuốt tuột
Bực mình, chỉ muốn ... đập gương thôi !

Đập vỡ gương thì sợ ... vợ la !
Đành che gương lại, để góc nhà.
Buồn tình lấy giấy ra ngồi viết
Văn chán đằng văn, lại viết ... thơ !

Thơ chẳng ai mua, cứ xếp chồng !
Hay là mình cũng thử ... chơi ngông ?
Làm thơ "ấn tượng", thơ "sắp đặt"
"Bí hiểm", "sếc xy" ... dễ được dùng !

"Đổi mới tư duy" lại muốn ... soi
Khoác "mầu thời đại" chắc là vui ?
Mình cười sao hắn ta đang ... mếu
Mình mếu mà sao hắn lại ... cười ?!

8/8/2005

Thơ Hoàng Gia Cương
.
File 26/ Thơ Hoàng Gia Cường
NNB vi tính giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét