Thứ Bảy, 7 tháng 4, 2012

Sách Thủng Thẳng với Thơ / Bài 8: Thơ là Thơ




14 khúc Đó Đưa về thơ của Nguyễn Nguyên Bảy, viết vào năm 1975, và gần 40 năm sau, mới in thành sách, do NXB Văn Học ấn hành tháng 6/2011.


THỦNG THẲNG VỚI THƠ


Nguyễn Nguyên Bảy

@

8. Thơ Là Thơ 

Trong tập viết nhỏ này đã hai lần tôi nhắc đến một luận đề nghe mơ hồ: Thơ là thơ…Cứ làm như là thiếu nữ phải là con gái vậy. Nhưng quả thực sự mơ hồ ấy đã trở thành một phổ biến trong hiện tình văn học. Thơ phải là thơ! Đưa ra luận điểm này, vì hiện đang có nhiều du nhập vào thơ, làm biến chất thơ, không phải là sự làm hiện đại nó, làm thời trang nó, mà chuyển hóa nó từ vị này trí khác, từ hướng này sang phương khác, từ khuôn này sang mẫu khác. Quá trình biến chất ấy đã xảy ra trên cả hai mặt nội dung và hình thức.

Thời đại ngày nay đòi hỏi ở thơ một trữ lượng thông tin khổng lồ. Thơ không thể chỉ là một tâm sự heo hắt, một nỗi buồn chiều, một chia ly, một hẹn hò, mà trong thơ cần – và nhất định phải có – hơi thở thông tin của hiện tại, của đại chúng. Qua thơ, người đọc có thể nhìn thấy những hình ảnh, hình tượng của thời đại, rung động với những ảnh tượng ấy để cảm thông và chia sẻ cùng tác giả. Nói cách khác, người đọc muốn tìm thấy mình trong những vần thơ ấy.
Do việc cần có một trữ lượng thông tin khổng lồ, nên sự du nhập vào thơ gỗ, đá, quặng, rác, bùn, dầu mỡ…quá ồ ạt, đã khiến người đọc bàng hoàng ngỡ những bài thơ mình đang đọc không phải là thơ nữa mà là sự lên đồng của điệu vần. Một nghi ngờ cộm lên và thơ đột ngột mất đi phần đáng kể sự chào đón nồng nhiệt vốn có.
Rõ ràng đã xảy ra mâu thuẫn: Người đọc cần loại thơ hàm chứa lượng thông tin khổng lồ, đồng thời lại báng bổ và lạnh nhạt ngay với chính loại thơ đó. Có phải vì độc giả khó tính, hay vì độc giả không thể cảm thông được với tâm hồn thi sĩ? Là người làm thơ, ta chỉ có quyền thỏa mãn nguyện vọng của người đọc, chứ không có quyền buộc người đọc phải bằng lòng tùy tiện với ta. Cũng như phê bình một tập thơ, bạn đọc có thể có những ý kiến về tập thơ và tác giả tập thơ đó, chứ chẳng lẽ lại phê phán vì sao độc giả không thích thơ của mình.
Lại xảy ra mâu thuẫn, người cầm bút chạy theo người đọc – đã chạy theo người đọc thì còn tiên tri, còn hướng dẫn thị hiếu thẩm mĩ cho người đọc làm sao được. Mâu thuẫn thứ nhất và mâu thuẫn thứ hai thực ra không phải là mâu thuẫn, mà là sự chưa hiểu biết và cảm thông giữa quan hệ của người viết và người đọc. Và cũng cần phải nói thẳng, khi độc giả chân chính đã lạnh nhạt với tác phẩm, thì đấy là tác phẩm tồi, tác giả phải chịu trách nhiệm về nó. Hay nói cách khác tác phẩm ấy đã chưa đạt đến độ thơ, và nó chưa phải là thơ…
Đòi hỏi của người đọc về lượng thông tin khổng lồ, về sự cách tân hình thức, về lối diễn đạt mới, về phương pháp tu từ mới…là hoàn toàn chính đáng. Và có như vậy thì thơ của hôm nay mới khác thơ của hôm qua và thời đại thơ này mới khác thời đại thơ trước. Nhưng nhất thiết với bất kỳ sự du nhập nào cũng phải chuyển hóa thành thơ chứ không thể bắt thơ chuyển hóa thành cái khác thơ. Hiện nay sự du nhập vào thơ có chiều hướng biến thơ thành cái khác thơ.
Có thể nói thơ là tên gọi khác của yêu. Xuân yêu, Hạ yêu, Thu yêu, Đông yêu, bốn mùa yêu tuy khác nhau về cảnh về tình về thời tiết, nhưng những khác nhau ấy không thay đổi bản chất của yêu. Bữa kia, sau khi bật ra ý nghĩ ấy, tôi viết bài thơ Bốn Mùa. Mời đọc:
/ Nếu em là hạt mưa xuân/ Anh là chồi biếc uống chầm chậm em/ Nếu em ngọn gió chiều lên / Anh xin là cánh diều êm lưng trời/ Nếu em trăng thu chơi vơi / Anh nằm trên cỏ hát cười cùng trăng/ Nếu em đơn chiếc mùa đông/ Anh là nắng ấm sưởi hồng má em/
/ Dù em chỉ muốn là em/ Nhưng anh vẫn cứ là anh bốn mùa…/
Dù muốn đưa bất kỳ sắc, màu, hương vị gì vào trong thơ đều phải qua rung cảm trái tim. Ngoài trái tim tiếp nhận mọi du nhập đều vô nghĩa.

Hãy thử phân loại một số hình thức thơ hiện nay.
Loại thơ mang tên là trí tuệ, đúng như tên gọi của nó thơ đã đi ra từ tinh hoa của óc, tính luận lý trong thơ nhiều, nặng và lạnh.
Loại thơ mang tên là anh hùng ca, thực ra là loại phản ảnh ca hay diễn ca, hát lên cung bực của những sự kiện mới, những mẫu người mới, minh họa những đường lối chính sách mới. Tính thời sự trong thơ cao, loại này lối thơ vào là cửa óc, lối ra là cửa mắt.
Loại thơ mang tên là tâm trạng, thường là những dằn vặt cá nhân, những tiếng kêu than, những lời phiền muộn, nó nhỏ nhặt, vô vi, hay dùng thanh bằng, chuốt từ, ảnh cũ và nghiêng về câu chữ. Loại này không đăng công khai, thường đọc truyền tay, và đúng như sự tồn tại của nó, ngoài da non ra nó không biết sống ở chỗ nào.
Loại thơ mang tên là trữ tình tinh tế, thực ra là những bài tả cảnh mang tính khách quan vô tư, cửa vào và cửa ra của loại thơ cùng cửa mắt.
Loại thơ mang tên bàng thống, nói cách khác là thể thơ không được thực tế xã hội thừa nhận. Loại thơ này khó đánh giá, vì nó đồng thời có những cây bút hèn hạ, tầm thường, đồng thời có những cây bút cao thượng, tâm sự cá nhân hòa chan vào những tâm sự lớn của nhân dân và đất nước.
Trong những loại thơ này, loại nào cũng cố gắng du nhập những cái mới, những cái nóng bỏng thời đại, nhưng tất cả đều đang cố gắng hết sức trong việc khắc phục những nhược điểm cũa mình. Cần có sự kết hợp với nhau đẻ ra một loại mới. Vì là thơ ta hơi nghèo chất trí tuệ, nếu đưa chất trí tuệ một cách khô cứng vào thơ thì đó chính là chất xã luận báo. Ngược lại, tràn trề tâm tình, nhưng thơ không đặt vấn đề gì, không chở theo ý đồ gì, thì nó vẫn cứ nhẹ bỗng, vẫn cứ vô bổ. Sự kết hợp này hầu như thi nhân nào cũng biết, nhưng dụng được quả thực  khó khăn.
Những loại thơ kể trên, khi mang những cái mới vào thơ thường là: Với thơ trí tuệ chất triết lý, chất chính luận, những luận cứ khoa học, triết học đơn thuần, nếu những du nhập này tiêu hóa thành thơ thì thật tuyệt. Nhưng khi không tiêu hóa được nó bỗng lạnh lùng và không hề có một giá trị xúc cảm nào. Với loại anh hùng ca, thường hiện vào thơ tự nhiên như cái đinh, mẩu gỗ công trường, bài toán vi phân trên bảng, một chân dung đầy đặn theo công thức khuôn hình con người…Do vậy, tính sao chép không gây cảm xúc, có khiến người đọc nghi ngờ chính sự thành thực của mình, và dù mình cứ che đi, độc giả vẫn thấy bàn tay làm thơ của thi sĩ. Loại thơ mang tên tâm trạng – nó vụn vặt nhỏ nhen, chẳng những không tham gia gì vào cuộc đấu tranh vì tiến hóa nhân loại, mà hình dung nó giống như một kẻ lười, nhác, chửi đổng sự chậm trễ của hạnh phúc. Loại thơ mang tên trữ tình tinh tế, cố gắng kết hợp những cái nhỏ vào những cái lớn, nhưng nó vẫn mang tính quan sát nhiều hơn chất cảm xúc, sự ví von nhiều khi khiên cưỡng cứ như là lá cây hình lưỡi mác đâm được cả máy bay giặc Mỹ và chú bé thả diều nhất định sau này trở thành phi công. Loại thơ bàng thống thường mang khối mâu thuẫn bản thân rất lớn, do vậy lối diễn đạt thường khi đỡ, khi che, rối rắm, khó hiểu, học thức khoe khoang, triết lý bí hiểm thể hiện đúng những tâm trạng hỗn loạn. Cho nên, với những cây bút thơ này, khi quá tẻ, khi cực hữu, khiến người đọc mệt nhọc khi theo dọi những chặng thơ của họ.
Vì đưa nhiều cái không thơ vào thơ nên thơ thành không thơ. Hiện tượng này đã làm mất lòng tin nơi người đọc và thơ đã không được chào đón nồng nhiệt nữa.
Mỗi sự chào đón đều quá ngắn và tiếp sau ngay là sự chán nản. Hiện tượng này hiện đang rất phổ biến. Vì sao?
Các nhà thơ đang tìm tòi. Cấp độ đời sống đang ngày một nâng cao thực sự lôi cuốn thơ và thi nhân nào cũng muốn tung mình lên, muốn dành chiếm những đỉnh cao thời đại. Một số người đã thành công, nhưng vinh quang thường ngắn. Còn đại đa số đều ở tình trạng gạo trương lên chưa kịp chín thành xôi, đậu, lạc còn sống xít.
Sự đưa một cách thô thiển hiện thực xã hội vào thơ là do sự vội vã của kiến thức, khi tiếp thu cái mới chưa kịp tiêu hóa, chưa kịp thai nghén đã đẻ cho nên chỉ thấy lổn nhổn những kiến thức là kiến thức mà chưa thấy thơ. Sự nhai kiến thức vụng về đến nỗi trong bất kỳ bài thơ nào cũng đưa vào vào những kiến thức khoa học, những điển tích Âu Châu, những Kinh Thánh, những…Họ còn khoe cả tên, hàng chuỗi, tên Tây, làm như thể hạt sỏi ở Paris đẹp và giá trị gấp muôn lần hạt sỏi ở PắcBó. Lại nữa, những tên hoa lạ, lá lạ, cây lạ, được ào ào vào thơ. Những thuật ngữ quân sự cũng được thơ hóa. Nạn lạm dụng trí thức đã dẫn đến chỗ hàng loạt các từ trừu tượng xuất hiện: Độc lập, tự do, trầm tư, trằn trọc, lặng thầm, nghĩ suy, sâu thẳm…Những từ trừu tượng được dùng như những cái mốt và lập tức (ngắn đến mức kinh ngạc) chúng liền bị mòn và sáo, bị xem như là từ cổ. Ấn tượng của người đọc rất khó chịu với những ngôn từ này. Lạm dụng quá hóa nhàm.
Do sự nhàm kiến thức, khiến người đọc thấy như thơ có một cái gì xa lạ, rất xa lạ với người đọc, nó không còn là người bạn thâm tình, là nơi chia sớt những buồn vui.
Người đọc đặt câu hỏi: Chẳng lẽ thơ bây giờ khác rồi chăng, hay mình thờ ơ, ngu lạnh không biết thưởng thức thơ?
Với người đọc cả hai câu hỏi đều vô nghĩa, vì thơ khác với suy nghĩ của họ thì họ còn cần gì thơ nữa, mà nếu họ thực sự không biết thưởng thức thơ (vì thơ không trở thành một nhu cầu tinh thần của họ) thì họ thưởng thức cái khác. Thơ phải đến với người đọc như một tình yêu, khi đã trở thành tình yêu thì chính người đọc sẽ tự tìm tình…

Không biết bao nhiêu lần tôi tự nói với mình: Thơ phải là thơ. Và để thực sự giải quyết được điều đó, tôi đã làm tất cả, không tiếc sức mình, nhưng sự bất lực vẫn luôn luôn đe dọa tôi. Khi suy nghĩ bao giờ mình cũng tỉnh táo, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, thì việc làm thường ít khi hay ho như ý nghĩ. Thất bại liên tiếp, kéo dài, tôi vẫn không nản, tôi vẫn dành cho mình một tình yêu chung thủy với thơ và cố gằng rèn luyện cho mình có được một tư duy thơ, tất cả những suy nghĩ của mình đều biến thành thơ, thơ là tiếng nói của trái tim mình, buồn, vui, mừng, giận cũng từ nơi ấy vọng ra. Quả thực việc rèn luyện này chỉ mang lại những thành công nhỏ, còn phải cố gắng mức phi thường mới có thể đạt tới cái bắt đầu của sự đạt tới, còn cái đích thì mãi mãi là ước mơ. Tôi lắng nghe nhịp đập trái tim mình từ mọi phía khác nhau của cuộc đời, sự chỉ huy không phải là bộ óc, mà là trái tim, cho nên những phấn khích nội dung nơi trái tim liền tức khắc thành thơ, những vần thơ ấy nhiều khi mâu thuẫn với chính tư duy của mình. Vì sao không có sự thống nhất giữa trái tim và khối óc mà tôi vẫn làm? Việc hôm nay chớ để ngày mai, rung cảm trái tim có lập lại bao giờ. Có điều, mình có trách nhiệm với những dòng viết của mình, lúc nào nó nên ra đời và nó có nên ra đời hay không là trách nhiệm của mình. Thơ là thơ. Bởi lẽ thơ không thể là nhạc, là họa, càng không thể là triết học, là toán học, càng không thể là lúa, là ngô, cho nên không thể lạm dụng bất cứ chất liệu gì thay đổi nó.
Nhìn vào những lao động của mình, tự nhận rằng: Tôi đã chưa thực hiện được câu nói của mình: Thơ là thơ. Vẫn còn lộ rất rõ ý đồ người viết. Khi thì bộc lộ vụng về những chính kiển chính trị, khi thì bộc lộ ngây thơ những suy nghĩ cá nhân chủ quan, khi thì nói một cách gượng ép những mối tình…Cho nên thơ vẫn chưa phải là thơ. Có một số bài tôi viết thành công, con số ấy không nhiều, thành công ấy là do trái tim và khối óc tôi đã cùng chảy ra nơi đầu bút một dòng thơ.
Cần thiết phải có một tư duy không mệt mỏi, một thái độ lao động nghiêm ngặt, chuyên cần. Tìm đủ mọi cách rèn luyện cho bằng được dòng tư duy thơ, chuyển hóa tất cả cái gì mắt gặp và khi tay cầm bút thì ghi lấy những rung cảm trái tim. Phương pháp ấy đã khiến cho mở rộng rất nhiều trong cách biểu đạt và thường là những bất ngờ mới lớn làm sao, trước khi cầm bút, ý nghĩ về bài thơ còn chưa chín, thế mà cầm đến bút, cứ thế viết, và thực sung sướng, bài thơ đã đi xa hơn trí tưởng tượng rất nhiều. Khi đã có được phong cách tư duy thơ thì việc phát hiện, tìm kiếm không còn là vấn đề khó, và mọi bế tắc đều được khai thông.
Có một tư duy vững chắc thì việc sử dụng hình thức thơ rất hiếm. Chính nội dung của vấn đề đòi hỏi hình thức, và dưới ngòi bút hình thức tự hiện ra, chứ không nhất thiết phải định trước cho nó. Cứ y như cô gái khi đã thuộc người yêu mến, chỉ nhìn người đan áo, mà tấm áo vẫn vừa khít thân tình.
/ Nếu em là hạt mưa xuân/ Anh là chồi biếc uống chầm chậm em/ Nếu em ngọn gió chiều lên / Anh xin là cánh diều êm lưng trời/ Nếu em trăng thu chơi vơi / Anh nằm trên cỏ hát cười cùng trăng/ Nếu em đơn chiếc mùa đông/ Anh là nắng ấm sưởi hồng má em/
Điều cuối cùng cần phải nói: Muốn cho thơ là thơ thì chính mình đừng bao giờ gán ép cho nó những gì không phải của nó. Tư tưởng đẻ ra thơ chứ không phải dùng thơ vá bọc tư tưởng. Nếu sự ca ngợi là thành thực đối với mình thì tự bản thân việc ấy đã thành thơ, chứ không phải cố sắp xếp thơ cho một ca ngợi gượng gạo. Vấn đề này vô cùng tế nhị, đừng bao giờ quên.
Khi thơ đã thực sự là thơ thì không cần phải chia loại nào là thơ tư tưởng, loại nào là anh hùng ca, loại nào là tâm trạng…Người đọc cần thưởng thức bài thơ hay và người đọc tự phán xét mọi điều. Không còn nghi ngờ gì nữa, khi thơ đã thực sự là thơ thì bạn đọc lại mở rộng lòng chào đón, mong đợi, hồi hộp như một hẹn hò bất tuyệt. Và khi ấy vinh quang đã thực sự thuộc về người nghệ sĩ, vinh quang không gì so sánh được, vinh quang của bất tử ngợi ca…

Và / Dù em chỉ muốn là em/ Nhưng anh vẫn cứ là anh bốn mùa…/

nguyễn nguyên bảy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét