14 khúc Đó Đưa về thơ của Nguyễn Nguyên Bảy, viết vào năm 1975, và gần 40 năm sau, mới in thành sách, do NXB Văn Học ấn hành tháng 6/2011.
THỦNG THẲNG VỚI THƠ
Nguyễn Nguyên Bảy
@
5. Nước nguồn mát trong
Nhiều bạn hỏi: Tôi đã bắt đầu công việc thơ ca như thế nào? Câu hỏi tưởng như rất thường, bởi làm bất kỳ công việc gì cũng có sự bắt đầu, với thơ cũng có sự bắt đầu. Bắt đầu công việc thơ ca như thế nào ư? Tôi đã có hàng ngàn cái bắt đầu cho từng câu thơ và cái bắt đầu cho từng bài thơ nhưng để nói được một lời đích đáng thì thực lòng không sao nói được. Cũng như hàng ngày chúng ta ai cũng nói tiếng Việt Nam mà đã mấy người hiểu được qui luật của ngôn ngữ Việt Nam, công việc tầm nguyên chưa được bắt đầu, công việc làm từ điển chưa được chú trọng, ngay cả công việc từ đôi (chúng ta quen gọi là từ lấp láy) cũng đã chuẩn định nghĩa thế nào đâu. Rồi đây các qui luật của thơ dù người ta đã định nghĩa nhiều rồi, nhưng sẽ còn định nghĩa mãi, định nghĩa mãi. Sự bắt đầu công việc thơ ca ở mỗi người khác nhau, và đoan chắc không ở người nào giống người nào. Với tôi nó đã bắt đầu như thế này: Cái nghèo! Cái nghèo mà dường như không có khúc kết, cái nghèo lập đi lập lại hàng ngày. Tôi chạy theo nó để giải thích nguồn gốc, để giải thích mâu thuẫn. Và sự thực tôi đã chẳng làm thơ, tôi chỉ ghi lại gần như là nguyên văn tiếng nói hàng ngày của cuộc đời tôi. Bên cạnh cái khổ nghèo ấy, tôi có được sự đền bù của tình yêu. Những mối tình thực kỳ diệu, khi thì như buổi ban mai, khi thì như cốc nước tưới một cơn khát, khi thì như một xoa dịu trước một phẫn nộ. Phải nói rằng: Tôi là một con người được nâng đỡ bởi tình yêu! Không hiểu tôi sẽ là ai nếu như số phận không đẩy tôi vào sự khổ nghèo. Tiếng thơ đầu tiên của tôi vang lên và lập tức có hồi âm của tán dương, đó là những khúc thơ kể về cuộc đời nghèo khổ. Tôi sinh ra trong một gia đình thợ thuyền, những ngày tuổi nhỏ với nuông chiều vật chất đã qua rất nhanh với đời tôi. Bộ xương cách trí trên cơ thể tôi là lời tố cáo đầy đủ nhất cái đói nghèo. Cha mẹ tôi đã phải lam lũ suốt cuộc đời nuôi chúng tôi – 10 anh em – Tôi cũng không hiểu cha mẹ tôi đã làm thế nào để nuôi lớn được đàn gà vịt ấy, chứ bây giờ, để nuôi một Tám (tên con trai tôi),hai vợ chồng tôi đã đuối lắm rồi. Tôi phải sống cuộc đời tự lập ngay từ năm thích thơ – 15 tuổi. năm 1960 tôi vào trường ngoại ngữ và sau đó trở thành một thông dịch viên tiếng Nga. Suốt 15 năm trời, hầu như không một ngày nào mắt tôi không đập vào tường vách của đời sống và nghe tiếng thét đáp của đói nghèo. Con mắt nhìn là chiêu thức đầu tiên của người làm thơ! Có một con mắt nhìn đúng đắn tức là có một sự vô tận của nguồn suối tuôn chảy những dòng thơ hòa đồng giữa mạch đập trái tim ta với mạch đập trái tim đời. Sự thực, nếu chỉ có nỗi thống khổ thì con người làm thể nào chịu đựng hết được những thống khổ ấy và không thể, dù khát vọng, làm được công việc sáng tạo của thi ca. Mỗi người cầm bút tìm cho mình một giải thoát nỗi thống khổ của mình, có người sung sướng với vài ba đồng tiền nhuận bút, có người hãnh diện vì cái tên, có người giải trí bằng sự thích sách (Tôi có một anh bạn làm thơ chỉ thích duy nhất những sách kiếm hiệp của Simenon – Tất nhiên anh đọc qua bản pháp văn thuê mướn khó khăn!). Còn tôi, tôi đã không sống thiếu tình yêu. Kính chào sự nghèo đói và tình yêu! Một cô gái trong lá thư đã viết cho tôi những dòng cảm động như thế này: Mỗi khi bước vào căn nhà ấy/Muốn bù lại cho anh bao mất mát của đời/ Muốn giữ cầm hạnh phúc bị đánh rơi/ Sự cần cù và đôi tay lao động/ Muốn làm chiếc khăn cho trán anh bớt nóng/ Muốn chung soi trên trang sách cùng anh… Những dòng viết ấy với tôi là một khích lệ vô giá, tôi như run lên cơn sốt cảm động vì sao lại có người cảm thông với công việc của tôi và thương yêu tôi đến vậy. Lý Phương Liên phát hiện: Khuôn mặt anh thương thương…Không chỉ có khuôn mặt và hình thể gọi dậy lòng thương. Còn một cái gì đó, khác nữa, tàng chứa rất sâu – Đó là sự thông cảm tới cuộc đời, thông cảm với việc làm và trân trọng việc làm ấy. Sức làm việc của tôi bao giờ cũng gây những ấn tượng cảm động với người xung quanh. Không hiểu những người cầm bút khác có yêu như tôi? Thú thực, nếu không có tình yêu – Tình yêu cụ thể trai gái – thì tôi chẳng thể nào làm thơ được. Có thể nói đó là động lực mạnh nhất. Bài thơ em viết gửi anh/ Nắng non lấp ló ngoài mành ngẩn ngơ / Nắng ơi, người muốn đọc thơ/ Tình yêu viết hết bao giờ mà mong/ Con gà đẻ một trái hồng/ Còn bao trái chín ở trong cuộc đời… (thơ Lý Phương Liên) Như thế đấy, có tình yêu thì chẳng bao giờ hết được thơ đâu. Cái đói và tình yêu – mà tôi gọi là hai cơ bản – chữ cơ bản theo nghĩa rộng và hẹp, đối với cả xã hội và với riêng tôi. Một người cầm bút có cả hai cơ bản ấy thì bảo sao không là may mắn. Viết về hai cơ bản ấy người cầm bút sẽ không còn mặc cảm về bế tắc, lúc nào cũng thấy dư thừa, dư thừa cả về nguồn đề tài, cả về sức lực. Vì sao lại chỉ có hai cơ bản? Đi tới nhận thức được hai cơ bản ấy không phải dễ. Đó là một nhận thức triết học, nhận thức nguồn của mọi phát sinh. Những đề tài tưởng như là nóng bỏng nhất: Chiến tranh, xây dựng, luân lý, giáo huấn…Chẳng phải đều ra đời từ tình yêu và cái đói đó sao? Hai cơ bản ấy có tính toàn nhân loại, thứ bực của nó được sắp xếp theo sự văn minh của đời sống. Đối với những nước tiên tiến thì cái thiết cốt là tình yêu, với những nước nghèo nàn lạc hậu như chúng ta thì thiết cốt là cái đói. Suy cho cùng tình yêu và cái đói cũng chỉ là một cơ bản mà thôi. Không chịu chấp nhận hai cơ bản ấy, bởi lẽ người cầm bút cố lảng tránh, cứ dương cao lên mãi ngọn cờ trừu tượng, nào là: Nền văn hiến, nào là tự do, nào là hạnh phúc…Chừng nào hai cơ bản ấy còn chưa được chấp nhận thì những vô duyên, những nghịch nghĩa còn hoành hành như những con đĩ, người cầm bút vẫn chỉ là thứ thi nô rẻ rách. Tôi gọi hai cơ bản tình yêu và cái đói là Nước Nguồn Mát Trong – Gọi như thế không có nghĩa là thi vị hóa cái nghèo và huyền ảo quá tình yêu. Rất nhiều lần tôi tự nhủ với mình: Giá mình đừng khổ nghèo như thế này, chắc là mình đã làm được nhiều việc hơn. Ý nghĩ đó không phải là không có cơ sở, bởi người cầm bút nào cũng vậy, chẳng thú vị gì khi bụng đói, khi cái thèm xúc vật cứ chồi lên trong người mình. Và nhục nhã, khi vừa nói đến tên món ăn – bất kỳ món nào – nước chân răng cũng ứa ra…Làm việc trong hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn như vậy thì bảo sao con người lại không ngu muội?. Thế thì cái nghèo đói chiếm vị trí như thế nào? Cái khổ nghèo ở đây không phải là hoàn cảnh riêng mình, mà là hoàn cảnh phổ biến xã hội, trong hoàn cảnh ấy nếu như ta ở trong một đẳng cấp khác, chẳng hạn ta sung sướng hơn, thì làm gì có sự hòa đồng giữa ta và đồng bào ta, làm gì có được thứ thơ của ta. Cái nghèo đói ở đây đồng hành với ta như một người bạn trung thành, luôn luôn thức tỉnh trong ta con đường đang đi và nhắc ta đừng bao giờ nhầm lẫn. Chỉ cần ta đi lạc ra khỏi cái quĩ đạo đẳng cấp của ta thì sự nghèo đói lại nhắc ta: Đừng bao giờ quên nhé, miếng ta ăn khác gì thức của bò, ta đang nhai rau và đẻ ra những thiêng liêng thần thánh. Bên cạnh cái nghèo đói luôn luôn làm ta bi quan thì tình yêu lại làm ta thăng bằng thần kinh, chỉnh cho ta chỗ thiếu thừa của tâm hồn, và chỉ cần một phút thôi, những trống rỗng của bao nhiêu ngày cũng liền được thủy triều dâng lên đầy ắp. Tình yêu mà tôi nói lên ở đây – hình như chưa rõ, hình như có cái gì đấy như phá ước lệ xã hội, phạm vào đạo đức bình thường, hình như tôi ca ngợi việc người cầm bút có nhiều tình yêu trai gái – Điều này tôi muốn biết tâm sự của những bạn bè cầm bút như tôi? Nói đến tình yêu, nhất thiết không phải chỉ là tình yêu trai gái. Mà ngay với tình yêu trai gái thì cũng có những tiêu chuẩn của nó. Có thể có cùng trong một thời gian, cùng trong một không gian hai tình yêu được không? Nhất định không. Tình yêu trong tôi – Đó là một khái niệm không mới. Trong anh đang ngự trị hình ảnh ai? Có thể là vợ anh và cũng có thể là một bạn gái. Nhưng đã gọi là tình yêu thì quyết không thể vợ một bên tình nhân một bên. Nói khác, trong một thời điểm không thể ân ái với hai người đàn bà. Tình yêu mà tôi nói đến không mang những khái niệm tính toán, những khái niệm về nghĩa vụ và bổn phận. Mà chỉ là một khối tròn đầy nguyên vẹn tình yêu, tình yêu của một đời người. Tại sao thơ ca lại cứ phải gắn với tình yêu? Có thể trả lời như thế này: Càng ngày người ta càng mở rộng khái niệm của thơ ca, chứ thực ra buổi ban đầu thơ tên là em, là anh là tình yêu đôi lứa đấy. Do vậy, thơ tình – rộng hơn là thơ trữ tình – là một bộ phận quan trọng nhất, nói cách khác là bộ phận quyết định cho cuộc đời một nhà thơ. Vì sao những bài thơ hay nhất của nhà thơ lại là những bài thơ tình? Điều đó thực dễ hiểu, vì khi ta đặt bút ta viết, thì trước mặt ta chỉ hiện lên, hiện lên đậm nét nhất, hình ảnh người con gái ta yêu mến, và lúc ấy có phải ta làm thơ đâu, trái tim ta đang thủ thỉ với em những lời hẹn hò, đợi chờ, giận hờn, ru dỗ… Gió thổi qua mắt em/ Gió mang theo vị mặn/ Mắt em nhìn đâu sao lâu chớp thế/ Có phải em dong thuyền ra bể / Lỡ rớt mái chéo trên sông Tương? Hỏi em anh bỗng nhiên buồn/ Chiều nhạt nắng tóc xõa vai nhạt nắng/ Sông Tương/ Sông Tương ở đâu/ Mà ai cũng đi qua sông Tương nhỉ/ Ai đi qua cũng rớt mái chèo… Nếu như tất cả những đề tài mà thơ quan tâm đến, đề tài nào ta cũng thuộc như người ta yêu mến, thì chắc chắn ta đã gặt hái được nhiều tuyệt bút. Người yêu tôi không phải nhìn thấy nơi tôi sự lấp lánh của thơ, càng không phải hy vọng mai đây tôi sẽ mang lại những vinh quang thơ ban tặng cho tình yêu. Với những thứ tình yêu ấy tôi cần gì, vì hơn ai hết tôi hiểu rằng tôi sẽ chẳng mang lại cho tình yêu một vinh quang nào bằng thơ cả, có chăng chỉ là thất vọng và đói nghèo. Tôi tha thiết mong một đơn thuần tình yêu. Và người yêu tôi đã đáp yêu tôi bằng tình yêu mong muốn. Như tôi nói ở trên, khuôn mặt tôi, giọng nói của tôi,tình cảm toát ra nơi tôi…đã quyến rũ và như một chất keo dán số phận của hai người. Mối tình có thể là mãi mãi, cũng có thể là một thoáng qua. Tất nhiên những thoáng qua khiến tôi đổ vỡ rất nhiều những suy nghĩ về con người, nhưng như vậy còn hơn, vì tình yêu hằn nét rất sâu sắc trong thơ tôi, chẳng lẽ tôi lại ca ngợi một tình yêu mà biết chắc sẽ là phản bội và tan vỡ. Những gì không phải tình yêu đều đã từ bỏ tôi không thương tiếc, nói cách khác những tình yêu ấy đã chào tôi, vâng chào tôi chứ không phải tôi chào. Nguyên do chủ yếu của chia tay lại chính là cái thực và cái ảo của thơ. Thơ thần thánh thơ cao quí, nhưng để làm ra thần thánh và cao quí ấy người làm thơ khốn khổ quá. Tôi nói tới đời sống cụ thể của người cầm bút. Cô gái ấy là một diễn viên, em đẹp và thông minh. Em đã tự nguyện đến với tôi và lại tự nguyện ra đi. Vì em không thể đồng hóa thơ với đời sống thực của tôi, căn buồng tồi tàn, đồng lương chết đói, mà những mơ mộng lại cao xa. Em xin lỗi tôi. Không, chính tôi đã cảm ơn vì em đã thành thật. Sự thành thật của em khiến tôi không một chút giận hờn. Em cần một hạnh phúc khác, một hạnh phúc đồ chơi, em đã nhầm thơ như một món đồ chơi… Em là một cô giáo. Em yêu tôi và muốn tôi hãy cự tuyệt những mơ mộng thơ ca. Cần gì thứ xa xỉ ấy, em chỉ cần anh và chỉ cần anh mà thôi…Tôi đã giải thích cho em là số phận tôi đã trót gắn với thơ rồi, mà tôi thì không muốn phản bội. Em đã ghen với tình yêu ấy và đã lánh xa tôi… Cuộc đời một người 30 tuổi, lúc nào cũng khao khát tình yêu, nhưng có phải lúc nào cũng được yêu đâu. Biết bao nhiêu lần thất vọng, lại biết bao nhiêu lần vui mừng, lại biết bao nhiêu lần thất vọng…Thơ đã ra đời cùng với vui buồn tôi. Chắc chắn tôi sẽ không có khá nhiều thơ tình trong số thơ đã viết, nếu như tôi không được yêu ai và chẳng ai yêu tôi. Nói vậy, chẳng hoá tình yêu là phương tiện của thơ? Đã gọi là phương tiện thì cái xe, cái bút, quyển sách, đồng tiền,,,đều là phương tiện, nó cũng là thơ ư? Khi yêu nhau, có ai nghĩ tới bông đùa không nhỉ? Cũng có, nhưng thơ không viết về những thứ ái tình Mã Giám Sinh, Sở Khanh ấy. Thơ tình yêu chỉ viết về tình yêu. Thế là song song tồn tại trong thơ hai vế: Tình yêu và cái đói, đó là nước nguồn mát trong cho vô tận thơ. Công việc bắt đầu của thơ ca phải đi từ hai nguồn ấy. Không một thứ gì có thể thay thế cho cái mà cuộc đời anh gắn bó. Kỹ thuật rất cần, nhưng không có thứ kỹ thuật nào thay thế được tình yêu. Không cứ cụ thể xã hội của chúng ta, mà cả nhân loại, hai nguồn mát trong ấy vẫn mãi mãi sôi nóng, là hiện đại, là kỳ diệu, là bao la của sáng tạo. Nói như vậy có phải để dẫn đến kết luận: Công việc bắt đầu của thơ chính là những công việc gần gũi thiết cốt của cuộc đời người cầm bút. Người thế nào thì sự bắt đầu thế ấy. Kẻ giàu sang bắt đầu bằng những giàu sang của chúng. kẻ không tình yêu bắt đầu bằng không tình yêu của chúng. Chính vậy mới đẻ ra nhiều trường phái thơ, tụ hợp lại thành nhiều dòng tranh cãi. Kẻ có quyền coi mình là chính thống còn đối phương là bàng thống. Kẻ không có quyền không có phương tiện đối thoại lại đành chỉ có nụ cười – nụ cười tinh kết của sự kiêu ngạo cao cả. Khi tự xác định được mình, tìm thấy mình trong nguồn nước mát trong thì sự kiêu ngạo cao cả của mình là đáng quí, nó tạo lập cho mình thế đứng vững trong thế giới của mình. Mình đã bắt đầu như thế nào thì sẽ thu hoạch được một kết thúc như thế. Tôi đã xem thường tất cả mọi công kích, tự mình vững tin vào con đường của mình. Đã là nguồn nước mát trong thì nhất định nguồn nước ấy có ích. Số phận mình là số phận làm thơ, thơ của mình sẽ có ích, còn gì hạnh phúc cho bằng. Từ nguồn nước mát trong thơ hãy ào ạt chảy ra, những khô mát của đời vốc từng vốc nước đầy đưa lên miệng, úp mặt chan hòa vào nước, sắc đẹp lại hừng lên và sáng chói những môi cười…
Vầng trăng con mắt nhìn/ Như thần linh chứng giám/ Mỗi khi gặp hoạn nạn/ Lại nhìn vầng trăng treo/ Mỗi khi tắt lửa yêu/ Lại gọi trăng xin lửa/ Nợ trăng xin trả đủ/ Thủy chung yêu một đời… (thơ BNN)
Vầng trăng con mắt nhìn/ Như thần linh chứng giám/ Mỗi khi gặp hoạn nạn/ Lại nhìn vầng trăng treo/ Mỗi khi tắt lửa yêu/ Lại gọi trăng xin lửa/ Nợ trăng xin trả đủ/ Thủy chung yêu một đời… (thơ BNN)
nguyễn nguyên bảy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét