Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Thơ NGUYỄN HUY HOÀNG (LB Nga)

Phạm Thế Quang Huy

Thơ
NGUYỄN HUY HOÀNG
(LB Nga)

THU HÀ NỘI

Trở lại với mùa thu Hà nộiThấy nhớ nhung một mái tóc dài
Môt vành nón nghiêng bên hàng liễu rủ
Một mảnh vườn trong trẻo gió ban mai

Ồn ào phố, dòng người đi hối hả
Những con đường chật muốn vỡ tung ra
Tất bật đến. Tất bật đi. Tất bật .
Cuốn chân nhau như lo trễ chuyến phà

Ở đâu rồi nẻo đường xưa, phố cũ
Thong thả rơi lá cơm nguội hanh vàng
Nghe guốc gõ dọc vỉa hè tĩnh mịch
Giọt chuông chùa buông tận đáy không gian?

Đâu xao xác heo may chiều quán nhỏ
Tiếng leng keng xe điện bến tan tầm
Điệu rao bánh buồn như câu vọng cổ
Lối em về thoang thoảng dạ hương lan?

Trở lại với mùa thu Hà nội
Em đã xa như chuyện cổ một thời
Chỉ mặt nước Sông Hồng là vẫn thế
Sóng vô tình xoáy vào nỗi đau tôi

Chậm rãi bước bên dòng người xuôi ngược
Nghe bâng khuâng gió se lạnh trở mùa
Chẳng còn em giấu cái nhìn rạng rỡ
Vào khoảng trời ráng lụa, lất phất mưa ...
NGƯỜI TA KỂ…

Người ta kể, mới gặp nàng tuần trước
Vẫn dịu dàng và quyễn rũ như xưa
Dù đuôi mắt vài nếp nhăn kín đáo
Và hình như đã hơi chút đẫy đà

Người ta kể, nàng hoàn toàn mãn nguyện
Chồng quan to, con du học bên Tây
Có biệt thự ngay giữa lòng phố cổ
Thuộc vào hàng quyền quý của thời nay

Nếu thưở ấy, đắm chìm vào sách vở
Nếu dại rồ, nàng gắn với đời tôi
Thì giờ đây, dưới mái nhà cấp bốn
Mắt trũng sâu, tóc tổ quạ rối bời!

Chắc con cái chỉ học hành dang dở
Chạy xe ôm, hoặc phó mộc, phu hồ
Với ông chồng, lưng thưỡn dài, tốn vải
Vẫn chi hồ, giả dã, sống như mơ

Hãy cảm ơn cơn cuồng phong số phận
Đã hất nàng ra khỏi cuộc đời tôi.
Người ta kể, người xưa, nàng có hỏi
-Vẫn làm thơ, lay lắt sống xứ người!


ĐỌC RAĐISEV*

"Các người chiếm hàng ngàn mẫu đất
Vô số lâu đài, dinh thự, điền trang
Vũ hội tiệc tùng, liên miên yến ẩm
Tôi tớ, con sen phục dịch hàng đàn

Mọi điều luật là roi da, gươm súng
Đám nông nô, những kiếp thợ cày
Sống hay chết, do các người định đoạt
Đòi tự do là chịu kiếp tù đày

Các người hãy thử nhịn ăn một bữa
Hãy ở trong lều chịu rét một đêm
Hãy bỏ một ngày nai lưng làm việc
Và thử tra chân vào khóa gông xiềng

Thì các người mới hiểu thế nào là đói
Hiểu thế nào là rách rưới, lầm than
Hiểu thế nào là mồ hôi, nước mắt
Và lòng dân sôi tận đáy căm hờn!

Tất cả các người đều đáng đem xử bắn
Chẳng cần luật sư, chẳng cần đến quan tòa
Tội của các người sáng tỏ như toán học!"
Tôi đọc những trang sách này trên chuyến tàu
từ Xanh Peterbua tới Matxcơva

*Rađisep A.N.(1749-1802) Nhà văn quý tộc Nga nổi tiếng, là tác giả cuốn “Cuộc hành trình từ Xanh Peterburg tới Matxcova”. Nghiêng mình xuống số phận những người lao động, ông lên án và phơi bày tội ác chế độ phong kiến nông nô Nga thối nát, kêu gọi  thay đổi thể chế tàn bạo và lỗi thời này.

GIÓ THU

Khi cánh chim mất hút giữa thinh không
Rừng nổi gió, cả đại ngàn đổi sắc
Khi chiếc lá thả vàng về với đất
Bóng thời gian như vó ngựa tung trời

Cánh đồng hoa chạm hơi thở tháng mười
Đã bất chợt rùng mình cơn gió lạ
Cỏ xanh nốt những đốm xanh vội vã
Lá rối mình xao xác những âu lo

Vầng trăng trong, gió lay động mặt hồ
Sóng lấp lánh vỡ ra ngàn nén bạc
Đã chớm lạnh làn sương buông man mác
Tiếng mơ hồ mép nước vỗ lăn tăn

Trên gò cao, ngày đã ngắn lại dần
Gió từng đợt rung vòm sồi cổ thụ
Như đánh thức, như cồn cào nhắn nhủ
Một mai thôi, mưa tuyết dội phũ phàng

Khoảng rừng già, không địa chỉ, tháng năm
Vương quốc núi, cửa ngàn đời vẫn khép
Gió len lỏi như mang lời thông điệp
Nấm mùa thu thấp thoáng mọc chen dày

Bãi sông chiều lau trắng phất phơ bay
Nắng thiêm thiếp giấc vàng trên bãi cát
Giữa bạch nhật, thanh thiên cao bát ngát
Nhìn mây trôi mà xao xuyến trong lòng

GIỮA MƯA THU ƯỚT ÁT

Không rả rích cơn mưa, cũng đã đủ buồn rồi
Thu đang đến, ào ào lá rụng
Mái hiên cũ, tường rêu mờ ướt sũng
Con đường mòn lầy lội dấu chân qua

Chút nắng hè, mới đó đã rất xa
Ngỡ mộng tưởng, ngỡ chưa từng có thật .
Cũng như em, phía chân trời tít tắp
Có hay không? Hay ảo ảnh xa vời?

Tuổi trẻ bỏ ta đi, viên đá cuội chìm rồi,
Những vòng sóng, dư âm còn sót lại
Như tiếc nuối, như mơ hồ nhắc mãi
Như bâng khuâng, điều đã có một lần.

Hỏi có gì bền mãi với thời gian?
Rồi tất cả thành bụi mờ dĩ vãng,
Cả mái hiên, cả bức tường rêu xám
Cả con đường tầm tã lá vàng rơi.

Và cả anh, cả em, cả bao người
Sẽ có lúc bỗng trở thành quá khứ,
Đến tên tuổi chẳng còn ai nhớ nữa
Như chúng ta chưa có mặt bao giờ!

Anh một mình đối diện với cơn mưa,
Với em ở phía trời xa tít tắp,
Thì có nghĩa một điều đang có thật
Vẫn còn ta giữa ướt át thu buồn...

Vẫn như là người lính lúc ra đi

Người thương binh già qua đời sáng nay
Đồng đội cũ còn dăm người lác đác
Mắt nhoà lệ. Suốt một đời trận mạc
Những tấm lưng rũ xuống chiếc quan tài

Chiếc nạng gỗ nửa đời không thiếu được
Giờ thừa ra, lặng lẽ xếp bên tường
Dưới hốc tủ, những chiếc giày một phía
Trên ngăn bàn, đầy các loại huân chương

Con chó già bỏ ăn bên bếp lạnh
Nằm dài ra, hiểu rằng chủ không còn
Vòi nước cũ lâu ngày, không khoá chặt
Chảy giọt dài, giọt ngắn suốt đêm hôm

Một tấm áo màu hoa cà thấm máu,
Quyển vở rách bươm với chiếc nơ hồng
Theo trăng trối của người quả cố
Được đặt vào phía trái tim ông.

Người thương binh già qua đời sáng nay
Người ta liệm bộ áo quần quân phục
Ông cất kỹ hồi chiến tranh kết thúc
Vẫn như là người lính lúc ra đi!

Xứ Nghệ

Chập chờn ngủ, vẫn nhận ra xứ Nghệ
Tiếng xe lăn khó nhọc dọc triền đồi
Trong hơi gió nghe mặn mòi muối biển
Bụi con đường đất đỏ lấm mồ hôi.

Nơi cây cỏ cũng cỗi cằn, khắc khổ
Tựa vai vào vách núi đỡ thiên tai
Mặt gió nóng, lưng đã là bão lụt
Cơm độn khoai đắp đổi tháng năm dài.

Tiếng mộc mạc, nhận ra nguời xứ Nghệ
Đi muôn nơi, giọng nói vẫn quê nhà
Bền chí lớn chịu nhọc nhằn, lam lũ
Trên đất nghèo mơ sải cánh bay xa.

Sống tằn tiện, chắt chiu từng hạt muối
Cần hy sinh, hiến hết cả gia tài!
Người xứ Nghệ rạch ròi yêu với ghét
Đã hứa rồi, chẳng một chút đơn sai

Đi tìm nhận đồng hương nơi đất khách
Cứ ngỡ như gặp bạn cũ lâu ngày
Một bát gạo cũng sẵn lòng san sẻ
Chim thêm đàn, tay nối những bàn tay

Thật kỳ lạ, mảnh đất cằn xứ Nghệ
Mỗi cổng làng thành trang sử biên niên
Nơi đòn gánh gồng hai đầu đất nước
Nơi sinh ra những hào kiệt, thánh hiền.

Hưu rồi

Đã hưu ngót nghét năm trời
Xót xa nhớ tiếc cái thời chưa hưu
Lâu đài, biệt thự quạnh hiu
Lối xưa, xe ngựa dập dìu bấy nay

Hưu là như thế này đây:
Chẳng còn xếp nọ, xếp này, kính thưa
Chẳng còn kẻ đón, người đưa
Quen theo cửa trước, lạ chờ cửa sau
Hứng lên, chém gió vài câu
Khiến cho khối kẻ rập đầu, dạ ran!

Từng đêm lén mở ngăn bàn
Đếm xanh, cùng đỏ xếp tràn phong bao
Thôi thì váy ngắn, chân cao
Thôi thì đặc sản, năm sao ê hề
Cửu trùng lọng đỡ, ô che
Phì gia, ấm tử, phong thê một đời
Đã hưu thấm thoắt năm rồi
Mà sao vẫn cứ rụng rời chân tay

Hưu là như thế này đây:
Chẳng ai lai vãng, tối ngày vào ra
Mới vừa thưa gửi, lân la
Hưu rồi, giáp mặt, như là người dưng
Chẳng quen, chẳng biết, lạnh lùng
Hẫng người, ngượng tím sống lưng, ê chề
Kinh vàng, ý ngọc xưa kia
Hỡi ôi, giờ đố ai nghe một lời!

Chiều chiều ngồi ngắm cơ ngơi
May còn kịp tỉnh cái thời chưa hưu!

NÓI VỚI CON

Ở quanh con, người tử tế vẫn nhiều
Vẫn còn có bao điều tốt đẹp
Xa danh lợi, hãy chịu bề thua thiệt
Hãy vì người, nếu mong họ vì con.

Rách cho thơm, dẫu đói thì phải sạch
Tình thương yêu không mua được bằng tiền
Cần gỗ tốt, nước sơn còn phải tốt
Oán bên lòng, ơn khắc dạ đừng quên.

Nếu vấp ngã, con tự mình đứng dậy
Muốn tập bơi, cứ nhảy xuống giữa dòng
Thà mất cả, cố giữ gìn danh dự
Sống thẳng mình, mặc kệ thế gian cong.

Biển đo được, lòng người đo sao nổi
Thức tàn canh mới biết hết đêm dài
Phải hy vọng dẫu bên bờ tuyệt vọng
Nuôi gan bền, mặc đá nát, vàng phai

Tiếng gõ cửa vận may thường rất khẽ
Biết lắng nghe, nó chỉ đến một lần
Trước khổ đau, mọi thứ đều bé nhỏ
Trải đoạn trường, hết thảy chỉ phù vân.

Những cạm bẫy thời nay nhiều vô kể
Dối trá thường mang tên gọi mỹ miều
Đừng tin kẻ quen nói lời sáo rỗng
Suốt cả đời chỉ hót giọng vượn hươu.

Chuyện cổ tích xứ sở nào cũng thế:
Chốn kinh kỳ đầy rẫy thói bất lương
Nhưng cũng có người giàu sang đức độ
Quan thanh liêm vẫn sót giữa công đường.

Con hãy lượng sức mình khi gánh nặng,
Biết đến đâu là đủ giữa cuộc đời
Điều không muốn chớ mong người gặp phải
Trồng cây nào, hái quả ấy con ơi

TIẾNG HÁT NGA

Có giọng hát vang xa, khoan nhặt
Người đàn bà giặt áo bên sông
Dải cát lặng, ngựa bình yên gặm cỏ
Trời trong veo, hoa dại nở khắp đồng

Ôi tiếng hát qua ngàn năm bất tử
Sống trong lòng bền bỉ nước Nga xưa
Như dòng suối cuốn âm thầm, mãnh liệt
Nguồn âm thanh chảy mãi tận bây giờ.

Tiếng khung cửi dệt sồi gai kẽo kẹt
Tiếng phạng khua phát cỏ giữa trưa hè,
Tiếng lách tách dòng sông băng vỡ rạn,
Tiếng thì thầm rặng liễu lúc đêm khuya.

Tiếng vó ngựa tung bụi mù truy sát,
Tiếng gươm đao, lửa cháy đỏ biên cương,
Hồi chuông gióng, kinh nguyện cầu thảng thốt
Tiếng súng vang chát chúa giữa pháp trường.

Tiếng roi quất dọc luống cày thấm máu
Tiếng xe lăn qua cát sỏi nhọc nhằn,
Tiếng ai oán kẻ ăn mày vỉa chợ
Tiếng còi tầm trong xưởng thợ lầm than.

Tiếng nức nở bên nấm mồ trơ trọi,
Tiếng gầm rung, đạn cày nát chiến trường,
Tiếng vỡ vụn của xích xiềng buộc trói,
Tiếng dịu dàng như gió giữa rừng dương

Những âm thanh tự muôn đời thăm thẳm
Hồn nước Nga mười thế kỉ bi hùng.
Người đàn bà ngồi bên cầu giặt áo
Tiếng hát buồn như khói toả trên sông

VỚI MẸ

Rồi con biết nói thế nào với mẹ
Khi bước chân dừng lại trước hiên nhà
Cửa không khép, chiều cuối đông buốt giá
Mẹ mỏi mòn bên bếp lửa trông ra

Con trở về với trái tim thương tích
Không chiến công, không vó ngựa vinh quang
Tuổi trai trẻ đã phí hoài đánh mất
Phía sau lưng, gió bụi những con đường

Con dốc hết cuộc đời cho canh bạc
Tìm vận may hoang tưởng một cánh buồm
Sóng xô đẩy xa bờ không kịp nữa
Nản mái chèo, phó mặc giữa trùng dương

Rồi con biết nói thế nào với mẹ
Với quê hương về những vết thương lòng
Nỗi đen bạc của nhân tình thế thái
Cảnh phù vân, nay còn đó, mai không

Con mang nợ với đường làng, ngõ xóm
Nơi cho con chập chững bước ban đầu
Với ruộng lúa nồng nàn mùi đất ải
Với mảnh vuờn ngan ngát nở hoa cau

Con mang nợ với xóm làng cô bác
Những người thân chưa đủ bát cơm đầy
Với bè bạn gửi mình nơi trận mạc
Miền vĩnh hằng vắng cả khói hương bay

Dù có muốn quay lưng hay chối bỏ
Mảnh lòng con sao dứt nổi với đời
Con đã thấm đến tận cùng đau đớn
Đến không còn nước mắt để tuôn rơi

Con mang tội muôn ngàn lần với mẹ
Khi mái tranh mưa vẫn dột tứ bề
Mỗi đêm ngủ canh ngọn đèn phấp phỏng
Che bên này lại sợ gió bên kia

Con chẳng dám than thân cùng trách phận
Mặc thế gian vinh hiển với sang giàu
Chỉ xin được binh yên ngồi bên mẹ
Bên mảnh vườn ngan ngát nở hoa cau.

MỖI KHI BUỒN
ANH LẠI NHỚ VỀ EM

Mỗi khi buồn, anh lại nhớ về em
Khi từng đợt xao xác chiều lá đổ,
Lửa tàn tro, tuyết mịt mờ cửa sổ
Trăng nửa vầng sắp lặn cuối đồi cây.

Em xa rồi, sao anh lại ở đây?
Điều vô lí, kẻ lên rừng, xuống biển.
Hai số phận, hai con thuyền lạc bến
Mỏi cánh buồm giữa trời nước lênh đênh.

Vì lẽ gì, em chẳng thuộc về anh
Hoa là của mùa xuân, ngày là của nắng?
Gió là của mây ngàn và bãi bờ của sóng
Vì lẽ gì, anh chẳng thuộc về em?

Những tưởng rằng cách biệt sẽ nguôi quên
Mốt cũ sẽ qua đi, bài lâu không thuộc nữa!
Như khúc hát giữa chừng, như câu thơ dang dở
Vời vợi xa, lại da diết vô cùng!

Nhớ về em, mỗi lúc anh buồn
Nghe lá rụng mơ hồ sau cửa sổ,
Thao thức sáng nửa vầng trăng. Một nửa
Như con thuyền không bến đỗ phương em.


Thơ Nguyễn Huy Hoàng/ Châu Hồng Thủy mách giúp
Bài nhận qua eMail/ nnb vi tính giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét