Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Thơ NGUYỄN KHOA ĐIỀM


Thơ
NGUYỄN KHOA ĐIỀM

CHIỀU HƯƠNG GIANG

Sau chiều nay, còn buổi chiều khác nữa
Có thể mây cao, có thể nắng vàng
Cơn gió thổi những buổi chiều chưa tới
Tóc bao người bay rợi cả không gian
Nhưng chiều nay con bò gặm cỏ
Bên dòng sông như chưa biết chiều tan
Tôi với nó lặng im bè bạn
Mắt nó nhìn dìu dịu nước Hương Giang
Những buổi chiều, những buổi chiều quê hương
Tôi đã sống và tôi chưa được sống
Nhưng chiều nay vô tình trong nắng muộn
Mắt tôi nhìn trong suốt nước Hương Giang
 
MẸ VÀ QUẢ

Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả mọc rồi lại lặn
Như mặt trời khi như mặt trăng

Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi

Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ vẫn chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn là một thứ quả non xanh.


BẾP LỬA RỪNG

Bếp lửa quây quần suốt mấy anh em
Không ai nhìn ai, chúng tôi nhìn lửa
ở đó cháy cùng ý nghĩ
Và tỏa hồng trên mỗi trán say mê.
Đêm Trường Sơn. Lá với nước rầm rì
Hơi đá lạnh nép mái nhà nghe ngóng
Chúng tôi ngồi xòe tay trên lửa nóng
Máu bàn tay mang hơi lửa vào tim
Bếp đầu hôm tỏa sáng hồn nhiên
Như trẻ nhỏ - lửa reo cười nhảy múa
Nổ lách tách. Bọt sôi trong lõi nhựa
Chuyện đầu tiên vẫn chuyện một ngày
Bếp vào đêm còn lại dăm cây
Thân lớn nhất chụm đầu im lặng
Lửa không ngọn mà màu hồng rất đọng
Chuyện bây giờ mở suốt đời nhau
Đất nước. Tình yêu. Mơ ước mai sau
Tên mấy đưa đêm này không sưởi lửa
Tên dãy phố ta mơ về gõ cửa
Sâu chập chùng giữa than củi lung linh
Bỗng thấy thương nhau hơn khi vai bạn sát vai mình
Bẻ củ sắn, chia đôi điều giản dị
Bếp lửa soi một dư vang bền bỉ
Ơi Trường Sơn đốt lửa mấy năm trời...
Ta vẫn nghe tim bạn đập bồi hồi
Trong ánh cuối một ngày kháng chiến
Ơi ta yêu phút này đây: khói, cây, những tiếng
Cùng bạn mình, như ánh lửa, kề bên
Vẫn như xưa mà như buổi đầu tiên
Ta thấy bạn và mình đều có lớn
Bạn đã đến những ngày ta sẽ sống
Ta cùng về thăm bạn nẻo ưu tư
Và chúng ta với sức trẻ tràn bờ
Chân bay tới những nẻo đường có giặc
Chia điếu thuốc ngắm chấm lòe quen thuộc
Lòng bập bùng những bếp lửa xa xôi

Mai ta đi. Súng vác, đạn gùi
Ta về giáp ranh, ta tràn xuống biển
Trăm bếp lửa, rải đường, ra trận tuyến
Có bếp nào không bóng bạn và tôi?

ĐẤT NƯỚC 

(trích đoạn)

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…

Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm[1]
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất.
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai.
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt.
Đèn thương nhớ ai
Mà đèn không tắt.
Mắt thương nhớ ai
Mắt ngủ không yên.
Đêm qua em những lo phiền
Lo vì một nỗi không yên mọi bề.">[1]
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”[2]
Thời gian đằng đẵng
Không gian mệnh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuát
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hàng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ

Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…

o O o

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu[3]
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái[4]
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại[5]
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương[6]
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm[7]
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút non Nghiên.[8]
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh[9]
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm[10]
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta…

Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn ngàn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Những em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”[11]
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội[12]
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Ôi những dòng sông bắt nước từ đâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi…

NGƯỜI NẰM BÊN HỒ TÂY
Kính tặng nhà thơ Phùng Quán

Người nằm chân đưa về Hồ Tây
Gió mùa đông thổi lạnh chân gầy
Cuộc viễn du nào buồn đến vậy
Người hùng thời niên thiếu của tôi ơi ?

Người mơ mộng một thời đánh giặc
Người tóc râu một thời thị trường
Cuộc viễn du nào buồn đến vậy
Người hùng  thời niên thiếu của tôi ơi ?

Gió vẫn gió của nghìn năm trước
Sóng vẫn sóng của nghìn bể dâu
Hồ Tây đang mùa sương khói
Hồ Tây đang độ hoa đào...

Người hùng thời niên thiếu của tôi ơi !

Ngày 24-1-1995


CỎ NGỌT

Đứng đấy tự bao giờ, bên dòng sông cũ
Con bò gặm cỏ

Chậm rải
Một ít bóng đêm và ít hạt bình minh
Từng miếng một,
Nhai và thở.

Không nghe tiếng người, tiếng xe cộ lại qua
Bụi bặm một ngày kiếm sống
Nó nghe thấy vị ngọt từng cọng cỏ

Đầy khao khát
Nó để lại trong làn sương mỏng ven sông
Mùi bất chợt của cỏ dại
Chút ẩm ướt của thời gian

Ngày 21.7.06

BẠN THƠ
Tặng Đồng Đức Bốn

Bạn chừ đóng gạch nơi nao
Văn chương lấm láp, vêu vao mặt người

Bất ngờ bạn đến thăm tôi
Gửi cho mấy tập, ôi trời, là thơ

Câu dài, câu ngăn, ngẩn ngơ,
Những rơm với tửa, những tơ với tình

Một người hoang dau một mình
Đường xa thương vết chân trần bạn tôi

Mong sao bạn bớt bùi ngùi
Cố làm thơ nữa để rồi gặp nhau

Tháng 12.2000


CÕI LẶNG

Cõi lặng. Anh soi thấy mặt mình
Với nỗi buồn trong sạch

Cõi lặng. Không tiếng động nào khác
Tiếng đập trái tim anh

Người ơi, tôi yêu người tha thiết
Tôi sống với người, chết vì người

Cõi lặng. Tôi vượt qua ghềnh thác
Đến những miền trong xanh...
Ngày 17.3.2003

Thơ Nguyễn Khoa Điềm/ Ngô Minh đọc chọn
nnb vi tính giới thiệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét