Thứ Hai, 5 tháng 3, 2012

Lại đây thơ tý hỡi người "Điêu ngoa"

Free Image Hosting at www.ImageShack.us
.
Trần Vân Hạc
.
Sau những ngày bôn ba du ngoạn Tây Bắc và dự trại sáng tác ở Mộc Châu về. Hà Nội oi nồng nắng nóng nên đành giam mình trong nhà làm bạn với cái máy tính không bao giờ biết kêu ca đòi hỏi, thì bất ngờ nhận được lời bình của nhà thơ Hoàng Xuân Họa về tập thơ: “Mục xó xỉnh cười” của Du Nguyên, XNB Hội Nhà văn-2011.
Thơ Du Nguyên đã mới, đã “điêu ngoa”, đã lạ, lại được “chàng trai” Hoàng Xuân Họa, sinh năm 1939 với hai lần “Trót một thời yêu” và viết cuốn “Luật thơ, thể thơ và cách làm thơ”, người đã từng cả gan rao: “Ai mua đi hộ Hồ Tây/ Đem xa ra khỏi chỗ này cho xong”, vì không cầm lòng được trước sự vô trách nhiệm và vô lương tâm của con người đang làm méo mó cảnh quan của Hồ Tây yêu dấu bình thì còn gì bằng nữa. Một người “điêu ngoa” trẻ trung gặp một người “điêu toa” thâm trầm, uyên bác. Đúng là một cặp bài trùng trời sinh giữa biển thơ thời mở cửa!
Những cái Du Nguyên viết có phải là thơ không nhỉ? Mới đọc vài dòng thì thật không thể nhịn cười rồi lặng đi trong suy ngẫm. Cấu tứ lạ, ngôn từ lạ, tràn ngập âm thanh và hình ảnh lạ, cách thể hiện lạ nhưng đằng sau những con chữ “điêu ngoa” lạ kia là cảm quan của người viết trước bộn bề cuộc sống, trước lòng người và nhân tình thế thái một cách tinh tế và sâu sắc:
ngày hiu hiu
lòng hiu hiu
líu tíu như quả cà kiu
chiều tiu híu
em buông xíu xíu.…
à ơi bé tí
à ơi lớn tí
à ơi hay xí
em già rồi mà tâm hồn lí tí.
Rồi:
Và lại bắt đầu buồn bằng ngón chân phờ phạc
đốm nắng điệp ngôn bằng những ca từ mụ mị
căn nhà, mạng nhện, giá sách, quạt điện
tôi đang gõ
những điêu ngoa
Cái cách thể hiện độc đáo, đôi khi mang âm hưởng dân gian tạo một ấn tượng khó phai đến mức ám ảnh khi đã hiểu và cảm. Ô! Thế là thơ chứ còn gì nữa, thơ đích thực ấy chứ, mà cái thú là thơ Du Nguyên không hề giống ai, không như bây giờ đọc thơ cứ phải nhấc mũ chào liên tục, hoặc “mới” và ” “hiện đại” đến mức người đọc không hiểu họ viết cái gì!
Tôi không có duyên may được đọc hết cả tập thơ của Du Nguyên nhưng chỉ đọc mấy bài: Lại đây thơm tý, Điêu ngoa, Mùa hạ cuối cùng, Lẻ, Niệm nhưng đã để lại trong tôi một ấn tượng khó phai. Tôi yêu cái “điêu ngoa” của Du Nguyên khi nói rằng:
Tôi cũng điêu ngoa
Giống họ
Khi nói yêu anh.
Tôi đồng cảm cùng Du Nguyên trước những miệng lưỡi “điêu ngoa” của thế gian, giấu đi bao thói hư tật xấu sau những mỹ từ bóng bẩy, những khuôn mặt từ bi, những huyễn hoặc và tự thỏa hiệp mình. Và cái “điêu ngoa” của Du Nguyên sao mà thật và trong sáng đến thế.
Rồi bài: “Mùa hạ cuối cùng”, hình tượng thơ “những chiếc bong bóng” để lại cho người đọc bao ám ảnh và suy ngẫm. Những câu cuối làm cho người đọc day dứt mãi trước cảnh:
Cô gái có thói quen thổi những chiếc bong bóng
Nghe những điệu hát của người Digan khi buồn
Cô gái ấy cũng ra đi vĩnh viễn
Theo mùa hạ tụt huyết áp cuối cùng.
Hình tượng thơ: “Theo mùa hạ tụt huyết áp cuối cùng” chắc chỉ có trong thơ của Du Nguyên.
Và khi đọc: “Lẻ” tôi gai người trước lối thể hiện độc đáo của Du Nguyên. Tôi tự hỏi mình: có phải ta cũng mang mấy đồng xu lẻ để mua những khát vọng cuộc đời, để khi hiểu ra thì đã muộn:
Tôi đã khóc
Vì trong giấc mơ ấy, tôi không thương mình
Mà đi thương nỗi cô đơn thuộc về người khác
Rồi giấc mơ bỏ tôi đi
Đồng xu cuối cùng cũng biến thành đường chỉ tay mới
Đứt gãy những quãng mùa buồn bỏ lại phía sau.
Tôi là kẻ khất thực đêm
Trắng tay đi yêu nỗi cô đơn không phải của mình.
Đến ngay cả bài “ Niệm” cũng có những cách tân với những sắc màu, âm thanh, nhịp nhạc rất lạ:
cây cơm nguội rắc vàng xuống phố
Tháng Ba hoe xanh sũng mắt cào cào
Sầu đông tím chở quạnh buồn lang thang trên dốc gió
Rưng rức heo may
Trong khung cảnh đó:
Nơi cơn giông màu đỏ tháng Ba chưa tắt
Anh đi ngược phía em
Cầm chiếc ô ố màu mận chín
Tìm cỏ cô niệm.
Và rồi:
Chúng ta đã không tìm thấy nhau dưới gốc thược dược già
Tháng Ba vẫn thế
Xanh xưa trong ánh mắt veo tròn.
Đúng là một giọng điệu lạ, đầy sự sáng tạo và hiện đại, đầy cá tính, sắc sảo, dân dã mà không kém phần sang trọng, hứa hẹn sẽ có những bài hay hơn, những tập được nhiều bạn đọc mến mộ hơn. Ai không tin chứ tôi tin chắc như vậy. Đâu có phải tự nhiên mà Khoa sáng tác và lý luân-phê bình văn học (tiền thân của trường viết văn Nguyên Du) ĐHVHHN phải trên 10 rồi, đến năm nay mới có hai điểm 10 cho hai luận văn, một của Lữ Thị Mai với 15 bài thơ rút từ tác phẩm GIẤC- NXB Hội Nhà Văn VN; và 15 bài thơ rút từ tác phẩm MỤC XÓ XỈNH CƯỜI của Du Nguyên (Đậu Thị Dung) do các phó giáo sư Văn Giá, tiến sĩ Chu Văn Sơn và các nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Bằng Việt, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý vừa hướng dẫn vừa phản biện- phản biện chéo đều đi đến thống nhất cho điểm 10. Còn tôi chỉ lo, yêu thơ Du Nguyên, nếu có ngày duyên may được gặp lại lỡ miệng: “Lại đây thơm tý hỡi người điêu ngoa” thì có khi lại chuốc vạ vào thân!
.
Trần Vân Hạc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét