BẢN NHẠC MÙA THU
Y PHƯƠNG
Trong kho tàng dân ca, người Tày có nhiều điệu lượn. Lượn slương ở Đông Khê Thạch An, Thất Khê Tràng Định. Lượn tại ở Hòa An, Nguyên Bình, Bảo Lạc. Lượn Nàng Ới ở Hà Quảng. Lượn Then ở Quảng Nguyên, Trà Lĩnh,Trùng Khánh và Hạ Lang là phổ biến nhất. Hầu như ai cũng biết hát. Người kém cỏi nhất cũng học đòi được dăm bài phòng thân. Sở dĩ nói vậy là khi đi đâu xa, đành phải ngủ lại nhà người. Đêm đó ắt sẽ có những người bạn lạ khác giới mó mé tìm đến để làm quen:
vằn nẩy mà pây háng tốc đăm
xam thuổn bản mí mì gần dăng
chủa rườn mì slương chẳng hẩư khửn
chủa bản mà xam mì viểc răng…
Dịch:
Hôm nay đi chợ trời tối rồi
khắp làng hỏi trọ mãi không thôi
chủ nhà thương tình mới cho trọ
giờ này chủ bản hỏi gì tôi..
Cuộc hát giao duyên bén lên, họ sẽ cò cưa từ đầu hôm đến sáng. Bởi thế, buộc ai cũng phải có đôi bài tủ. Người nào mù tịt không biết nửa câu, sẽ bị đối phương hát mời xuống chuồng, ngủ lẫn với trâu bò lợn gà. Tất nhiên, đấy chỉ là những câu hát đùa hù dọa cho vui. Nhưng quả thật, cho dù chỉ là đuà vui, nhưng nếu không biết hát lượn một hai câu trọn vẹn thì nhục lắm. Không gì xấu hổ bằng.
Làng quê tôi nhỏ bé, chỉ có dăm chục, chứ chưa đến một trăm nóc nhà. Người ra kẻ vào đều nhớ mặt. Chỉ cần nghe tiếng bước chân, là biết ai đang đi, ai đang về. Người nào mang theo câu chuyện vui hay buồn, cứ nghe tiếng bước chân là đoán biết.
Làng tôi cách chợ huyện không xa. Nhưng vào những ngày dưng thật buồn. Nghe tiếng lá rơi loác khoác, làm lòng người vắng teo. Vắng đến nỗi có cái áo treo lâu ngày, cũng loang ra những vết nấm. Tháng tám tháng chín lúa má vào chật nhà. Ngoài cánh đồng chỉ còn trơ lại gốc rạ và bày đá đen. Đá đen như những bà già ham chuyện. Họ xúm xít thì thầm truyền nỗi buồn niềm vui sang nhau. Người rỗi rãi chả biết làm gì, đành bẻ cây đếm lá. Đàn bà con gái thì ngồi tỉa lông mày, đánh lông má, nhổ lông nách. Đàn ông thì chụm năm chụm ba ngồi đánh bài. Những con bài kêu ten tét xuống chiếu. Người thua thì nhăn nhó giả tiền. Người thắng thì vênh váo hàm râu, vơ hết tiền bạc vào túi. Còn các cụ già thì há miệng đếm răng. Đếm chán, không còn chiếc nào, bèn nhắc con cái nấu cơm cho nát. Con trâu con bò thì miệt mài nhai rơm rột roạt. Con lắc sừng ngửa cổ út hút gọi nái. Tiếng gà gáy trưa ò ó o . Tiếng lợn ủn ỉn húc máng rầm rào.
Bản nhạc mùa thu hiu hắt diễn ra ngày lại ngày. Buồn như chó con liếm chân. Buồn lâu, buồn dài, nên râu tóc ba bốn phiên chưa nhớ cắt. Mặt người như mặt lá. Lâu lâu mới được một làn gió thổi làm rung reng cười lên. Mỗi khi làng có khách, là người ta có cơ hội làm vui. Khách con trai chưa vợ, hoặc con gái chưa chồng, thì trời ơi! Đêm đó vui đổ nghiêng núi đá, lở bung núi đất:
hai xinh nưa fạ dú phả lương
mừ vải nàng hai mí lồng chường
mừ vải nàng hai mí lồng tuộng
mí ngợ nàng hai nẳm định rườn…
Dịch:
trăng đẹp trên trời lẫn mây vàng
tay vẫy nàng trăng chẳng xuống giường
tay vẫy nàng trăng chẳng xuống hội
chẳng ngờ nàng trăng có người thương…
Bạn bè cùng lứa sẽ truyền tin cho nhau, rằng tối nay nhà Sa Kiu Kin có khách. Thế là các cô gái xung phong đến giúp gia chủ nấu nướng. Thậm chí họ còn mang theo chai rượu, con gà để góp vui, đãi bạn đường xa. Còn lũ trẻ con thì trèo lên bám đầy vào vách. Chúng nó bâu người lủng lẳng như quả bòng. Tranh nhau ngó qua cửa trăng, đoán xem khách hãy còn trai hay nay đã thiu. Chúng thì thào chỉ trỏ, làm đất vách rơi xuống sàn nhà kêu lọp đọp. Gia chủ cho một câu dọa. Thế là chúng ù té. Để lại những chuỗi cười giòn tan như ngọc.
Đấy là câu chuyện ngày xưa. Còn bây giờ, trong đám thanh niên làng tôi bói không ra một người biết hát lượn. Chúng chỉ quan tâm ăn diện và rong chơi. Rong chơi là nghề nghiệp chính. Nagy nay mỗi cặp vợ chồng chỉ được đẻ hai con. Nên ai ai cũng coi những đứa con của mình như hai cục vàng. Chúng muốn gì, cha mẹ phải chiều lòng bằng được. Nếu không, chúng nó ốm mất. Vía trẻ con ngày nay khôn lắm. Khôn hơn thuở ông bà thời phong kiến đế quốc. Nếu chúng không được chiều ắt sẽ bị ốm.
Hãy nhìn. Khi ra đường, chúng bấu chí nhau, tròng nghẹo nhau, chỉ làm khổ mấy người già, và những người có học hành tử tế. Buộc họ phải nghe, phải nhìn, cái cảnh trai gái nói cười hô hố ha há, chửi thề nói bậy. Hình như thời bây giờ không nói tục chửi bậy, không phải là người hiện đại. Dù ở nơi phố thị, hay trong làng, cũng tỏ ra mình là người sành điệu. Chúng nói năng với các bậc cha chú không thấy câu vâng dạ. Chẳng bao giờ được nghe lời thưa gửi, xin lỗi hoặc cảm ơn. Trước các bậc bề trên, chúng coi như bạn bè cùng lứa. Thậm chí chúng còn nói mấy ông cụ “khốt”. Mấy lão nhà quê. Bọn giặc già…thì biết gì.
Trách ai đây? Gia đình? Nhà trường? Hay đoàn thể, xã hội? Tôi còn nhớ như in. Cách đây hơn năm chục năm. Có một lần, khi đi ngang qua nhà bác cả Thiệu. Vì đang mải đùa nghịch, nên tôi quên không khoanh tay cúi đầu chào bác. Ông nghiêm nét mặt lại, gọi tôi vào. Nhìn thấy bác, tôi run. Tôi đứng ngây như cây cọc rào vườn.
Bác tôi trước đây từng làm việc cho người Nhật. Nên ông vẫn giữ thói quen nếp sinh hoạt một thời. Ông cạo đầu trọc lốc, nhẵn thín. Để một tý ria nằm đúng chỗ nhân trung. Ria giống như một dấu chấm than. Dấu chấm than chạy dọc từ sống mũi xuống mép miệng. Dấu chấm than nhìn tôi sáng quắc. Tay ông cầm một chiếc tẩu bằng ngà voi. Chiếc tẩu chạm trổ hai con rồng phượng trông rất đẹp. Nó đang bốc khói thơm ngút ngít. Một làn thơm lâng lâng nhẹ vòng vèo. Chợt ông vung tay, dùng chính cái tẩu bằng ngà voi gõ lên đầu tôi. Câu thứ nhất, ông hỏi: Mày tên gì? Dạ! Cháu tên Sước! Bác tôi trừng mắt, quát: Tên đầy đủ? Dạ! Cháu là Hứa Sước ạ! Câu thứ hai, ông hỏi : Mày là con nhà ai? Dạ cháu con ông Tào Cường. Câu thứ ba: Mày là cháu ai? Dạ! Cháu là cháu của bác Thiệu ạ! Kèm theo một câu trả lời của tôi, là một tiếng “cốc” từ tay người bác.
Tôi lĩnh trọn ba cái “cốc” lên trán. Ba cái “cốc” là lời dạy của người bác trưởng họ, làm tôi nhớ mãi và xúc động đến tận bây giờ. Đấy là bài học đầu đời về tính lễ độ. Ba cái “cốc” khiến tôi tự hào về dòng tộc của mình. Một dòng tộc có nền nếp, lễ giáo từ đời cụ tổ truyền lại.
Thế hệ các anh chị em chúng tôi đều một lòng phục tùng phép tắc. Trên ra trên. Dưới ra dưới. Nếu người trên không bảo được người dưới, thì tự tay tát lên má của mình. Tát đến mức đỏ tấy cả hai bên má chưa thôi. Vì thế, hầu hết các anh chị tôi, đều nêu tấm gương sạch, cho đàn con cháu noi theo.
Còn bây giờ….
Các con cháu tôi…
Một nỗi buồn man mác dâng lên như khói.
Nguồn Lethieunhon.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét