Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Hà Nội Bốn Mùa – Hè


Hà Nội Bốn Mùa – Hè 

 .

Nguyễn Anh Tuấn






Trong một ngày giao mùa từ xuân sang hè, cố nhà văn Băng Sơn- người chuyên viết về Hà Nội đã có những dòng nói hộ tâm tư nhiều người như sau: ” Ta cảm nhận được thiên nhiên cũng như thời gian đang chầm chậm lướt qua bên ta như cánh buồm bình thản dong về chân trời, mang theo bí mật mà suốt đời ta tìm hiểu cũng không thể nào thấu được…Hà nội mến yêu ơi, đất nước kỳ vĩ ơi, ta muốn chắp tay cảm tạ, bởi lòng ta cũng đang dào dạt sang mùa…”

Mùa hè Hà Nội là mùa có “những cuộc chia ly màu đỏ” của bao người phụ nữ tiễn chồng ra nơi chiến tuyến… Đó cũng là mùa cá bột trên sông Nhị, mùa của những cuộc hộ đê hùng tráng, là thời điểm diễn ra những lần duyệt thủy chiến, xem rối nước của quan quân Lý – Trần trên hồ Tả Vọng- tức hồ Gươm, là mùa của những cánh buồm sải cánh trên sông Nhị – sông Tô tấp nập giao thương xuôi ngược giữa đất Kinh Kỳ Kẻ Chợ với các miền thượng nguồn hay hạ nguồn sông Cái…
Mùa hè Hà Nội có những loài cây loài hoa cùng những cảnh vật thiên nhiên đặc sắc mà vẻ đẹp của chúng khiến nhiều người muốn dậy thật sớm ra đường, hít hà bầu không khí trong lành và giơ máy ảnh tìm vài góc chụp để lưu lại cho mình những khoảnh khắc ban mai ngập nắng.Ta hãy nghe nhà văn Vũ Bằng khi sống ở đô thành Sài Gòn kể lại ấn tượng đầy thơ và họa về một sớm đầu hè Hà Nội trong Thương nhớ mười hai nặng trĩu của ông: “Tháng tư yêu dấu có nóng có oi, có muỗi đốt, nhưng tất cả những cái đó có thấm vào đâu so với những buổi bình minh nạm vàng, mở mắt ra nhìn lên cao thì thấy mây bay thong thả như trời khảm bằng xà cừ, gió hây hây mát, mở cửa đi ra đường thì cảm thấy cả trời đất trong như là pha lê mà cái thân mình nhẹ tênh tênh như là có cánh…”
Lúc này, những tán bàng đã tắt đi các ngọn nến xanh để phủ lên tấm thảm lá dày đương chờ đón bản nhạc mùa hè của dàn đồng ca ve sầu lanh lảnh… Năm cây vông bên hồ Gươm lúc này cũng xòa ra những bó đuốc khổng lồ chói lọi khiến cho nước hồ đã xanh càng thêm xanh thăm thẳm… Những chùm hoa bằng lăng gọi hè tím ngát ngẩn ngơ nở dọc phố Thợ Nhuộm và chen vai rực rỡ cùng hoa phượng đương khoe sắc đỏ thắm bên hồ Gươm. Khi đó, bờ hồ Hoàn Kiếm tựa những bó đuốc cháy ngùn ngụt – như cách nói của một nhà thơ. Cũng may, làn nước xanh biếc hồ Lục Thủy xưa cùng với những nét  dịu dàng cổ kính của Tháp Rùa, Cầu Thê Húc, Đền Ngọc Sơn đã làm trung hòa bớt gam màu nóng gay gắt của hoa dưới ánh nắng chang chang. Hoa phượng chói lòa thì đã quá quen thuộc, bởi chúng gắn với học đường tuổi thơ- dù bên hồ Gươm chúng hiện ra thật rực rỡ và hòa hợp thật kỳ lạ với màu xanh của rêu phong… Còn Hoa bằng lăng thì ít quen thuộc hơn với ngay chính người Hà Nội. Những bông hoa cánh mỏng như lụa khẽ rung rinh dưới ánh nắng mặt trời. Trên cùng một cây mà hoa có tới hai màu: trắng và tím. Những bông hoa đầu cành phơn phớt trắng, dịu dàng, trinh bạch. Còn những bông hoa cuối cành lại mang màu tím biếc, thuỷ chung…
Truyền thuyết Hà thành kể: ngày xưa Ngọc Hoàng có mười hai nàng công chúa yêu, mỗi người một vẻ. Một hôm Ngọc Hoàng tuyên bố sẽ cho các con gái làm chúa của các loại hoa dưới nhân gian. Các cô đòi làm chúa của loài Hoa Hồng, hoa Mẫu Đơn, hoa Lan, hoa Huệ, v.v. Riêng cô công chúa Út xin được làm chúa loài hoa nào đó mang màu tím, vì cô rất yêu thích màu tím. Ngọc Hoàng cho nàng làm chúa loài hoa Bằng Lăng Tím.
Có chàng thư sinh nghèo, thấy loài hoa tím Bằng Lăng vừa xinh lại dịu dàng, liền đem về nhà trồng. Chàng thư sinh dần dần đem lòng yêu thương hoa. Nàng công chúa Út thì say mê văn tài của chàng thư sinh, xin Ngọc Hoàng được xuống dương gian làm vợ chàng. Ngọc Hoàng cương quyết từ chối. Công Chúa Út buồn phiền và khước từ tất cả những ai đến cầu hôn nàng. Nhưng loài hoa Bằng Lăng không phai nhạt màu tím đi, và chàng thư sinh vẫn một lòng si tình hoa. Bởi vậy người đời bảo hoa Bằng Lăng là loài hoa chung thủy, và sự ngây thơ của màu tím đã tượng trưng cho mối tình đầu…Truyền thuyết này quả đã làm rung động biết bao thế hệ học trò Hà thành tầng lớp tiểu tư sản – những người về sau còn yêu cả Màu tím hoa sim của thi sĩ Hữu Loan và cũng sẵn sàng gác bút nghiên lên đường theo Kháng chiến…
Còn hôm nay, tuổi teen Hà Nội đã nghĩ gì về truyền thuyết về hoa bằng lăng? Một cô gái vừa qua hết phổ thông trung học đang giai đoạn ôn thi đại học đã say sưa kể với chúng tôi về thú sưu tầm tìm hiểu hoa của mình.
Và hoa sấu! Không ít người trước khi xa Hà Nội vào thời điểm này đã đi lang thang dưới con đường có những tán sấu tỏa rộng như ôm trọn Hà Nội vào lòng, để rồi sẽ nhớ thương, vương vấn mãi cái mùi hương thoang thoảng đến say lòng kia…Đường Hà Nội trồng rất nhiều cây sấu, và mỗi khi hoa sấu nở, chỉ một làn gió thoảng qua là những “cơn mưa” hoa rắc xuống mặt đường – những cánh hoa li ti có màu trắng bàng bạc rụng trắng xóa một góc phố khiến Hà Nội đẹp đến nao lòng. Loài hoa bé nhỏ và mộc mạc này lại mang trong nó một vẻ đẹp kiêu sa, đài các mà chỉ những ai chịu khó quan sát kỹ và biết đồng cảm với thiên nhiên mới có thể nhận ra.


Rất nhiều du khách nước ngoài tới Việt Nam đều tỏ ra tò mò và thích thú với loài hoa nhỏ bé có màu trắng thanh cao và tinh khiết đến lạ kỳ này. Đợi cho lớp hoa tàn hết là những  quả sấu non bắt đầu nhú lên rồi già dần và rụng đầy vỉa hè. Quả sấu từ lúc còn non cho tới khi chín vàng ươm đều hấp dẫn đủ mọi lứa tuổi. Từng chùm sấu sai trĩu lấp ló sau tán lá che mát cả một khoảng sân, góc phố hay những con đường trước ánh nắng hè chói chang. Khi những cơn mưa đầu hạ xuất hiện và ve sầu râm ran khắp phố phường thì cũng là lúc ngoài chợ xuất hiện những trái sấu xanh xanh, nhỏ xinh. Những chùm sấu nhỏ, màu xanh và hơi xù xì đã làm thơm mát bát canh mùa hè của các gia đình bình dân, và tạo ra không ít món ăn đặc sắc. Với nhiều người dân miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng, những lọ sấu ngâm vào những ngày hè được xem như loại nước giải nhiệt không thể thiếu. Không phải là thứ nước uống cầu kì, tốn tiền, nó có mùi vị đặc biệt nhưng lại đơn giản trong cách chế biến. Chỉ cần một chút khéo léo, tỉ mỉ, ai cũng có thể tự tay chế biến một lọ sấu ngâm vàng thơm cho gia đình. Cốc nước nhỏ mà lại chất chứa nhiều hương vị ngọt ngào, sấu ngâm mang nét dân dã, giản dị như chính hồn quê Việt. Chả thế mà những kiều bào từ xa về nước, cứ đòi tìm bằng được vài quả sấu làm quà cho người thân phương xa- thứ quà chỉ Hà Nội mới có.


Mùa sấu đến, ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ tay cầm những chiếc sào dài, đầu ngẩng nhìn vào những tán lá rậm rạp – đó là những “chuyên gia đi hái sấu”. Và theo chân chúng là những đứa bé hơn cùng xóm cùng phố trốn mẹ đi bắt ve, nhặt mót từng trái sấu rụng dưới gốc cây- cái hình ảnh mà hầu hết những người lớn từng sống ở Hà Nội đều có thể tìm thấy mình trong đó và trở thành kỷ niệm đi theo suốt cuộc đời…
Một người từng sống và học tập ở nước Nga nhiều năm đã kể lại cái cảm giác khó tả khi được nhìn thấy lọ sấu dầm được bày bán ở một góc phố Mascơva.
Hè về, Hà Nội trở nên ồn ào và náo nhiệt hẳn. Khi những tia nắng đầu tiên lấp ló sau rặng cây, những cụ ông cụ bà đã rủ nhau đi tập dưỡng sinh, những người bán hàng tranh thủ bày hàng. Những bóng áo trắng học trò hối hả đến trường cho kịp buổi học. Ở một góc đường, ông lão xích lô tranh thủ ngả lưng trên chiếc xích lô đánh một giấc dưới tán cây rợp bóng. Đằng kia, mấy người bán hàng rong nằm dài trên ghế đá sau một ngày chồn chân rong ruổi khắp phố phường. Trong khi thiên hạ đổ xô đi hóng gió, đám con nít quanh quẩn chơi Ô ăn quan. Chúng là những đứa trẻ bán vé số dạo, đánh giày thuê, bán kẹo cao su cho khách du lịch, trên vai, trên tay chúng còn nặng trịch những món đồ nghề…Phải chăng, đó cũng là nguồn cảm hứng và nguyên mẫu cho danh họa Nguyễn Phan Chánh vẽ nên tác phẩm quan trọng nhất của ông và là niềm tự hào của nền hội họa Việt Nam hiện đại: tác phẩm Chơi ô ăn quan?
Còn đêm tới, hè Hà Nội cũng náo nhiệt không kém ban ngày. Nắng nóng khiến người ta ngủ muộn hơn và lao ra phố để hóng gió. Gần khuya, ngõ phố Hà Nội hè lại sinh động với sự ồn ào của những quán, những gánh hàng ăn đêm. Mấy người hối hả đạp xe về kia chắc chắn là các cô cậu sinh viên đi làm thêm tan ca làm muộn. Đã khuya, nhưng anh bạn trẻ sinh viên đang ướt đẫm mồ hôi này cũng không nỡ từ chối cuộc trò chuyện nhỏ với chúng tôi.
Cái nóng đã bắt đầu râm ran trong lòng Hà Thành từ đầu tháng 5, và từ đầu tháng 6 trở đi thì nắng bắt đầu đổ lửa, các đường nhựa bốc khói vì nắng nóng hầm hập, và thực may mắn, Hà Nội đã có khá nhiều đường cây xanh, vườn cây xanh. Ai qua Hà Nội vào mùa hè mà không từng một lần phải dừng chân dưới những tầng tán lá cổ thụ dọc đường hay trong công viên Bách Thảo, trong một ngôi đền để thở và ngắm nhìn những khoảng trời xanh xa tít sau vòm lá? Hà Nội hiện đại cũng là đất Kinh kỳ xưa lưu giữ rất nhiều di tích văn hóa lịch sử, rất nhiều đền chùa miếu mạo cổ – tại những nơi chốn tâm linh đó còn tồn tại  biết bao cây đa, cây đề, cây muỗm cổ thụ từng bất chấp gió mưa bão táp hàng thế kỷ- như cây trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám, trong đền Quan Thánh, đền Voi Phục, chùa Kim Liên, trong quần thể kiến trúc Tháp Bút – Đài Nghiên – Đền Ngọc Sơn,v.v. Và mùa hè dội lửa xuống đất Hà Thành dường cũng phải nể nang tạm dừng bước nương tay trước những tán cổ thụ linh thiêng đó, để nhường cho con người những khoảnh khắc thư thái, mát mẻ, yên bình…
Mùa hè Hà Nội có những cơn mưa rào vội vàng lúc đến cũng như lúc đi để lại trong lòng người đa cảm những xao động thầm kín giữa khoảng trời mênh mông nắng… Dẫu cho cái nắng nóng mùa hè khiến ta đổ mồ hôi thì cạnh đó, cảm giác được tản bộ trên những con đường lộng gió ban đêm và nhìn ngắm một Hà Nội không ngủ thật thú vị, và người ta đã yêu Hà Nội từ những khoảnh khắc bình dị như thế…

Nằm ngay trên con phố cùng tên, kem Tràng Tiền từ lâu nay vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức người Hà Nội. Dù là người dân Hà Nội xưa đã từng sống hay những người chỉ mới lần đầu đến với mảnh đất Hà thành này đều bị cuốn hút bởi hương vị đặc biệt của những chiếc kem Tràng Tiền. Người đến ăn kem rất đa dạng, từ những cô cậu nhỏ tuổi, các bạn học sinh, sinh viên cho đến những người lớn tuổi, khách du lịch trong và ngoài nước, mọi người đều thích kem Tràng Tiền.


Và những thức ăn mùa hè ở Hà Nội có một đặc trưng khác hẳn mùa đông- không chỉ ở trong các cửa hàng có thương hiệu trên phố cổ như bún chả Hàng Mành, đậu phụ mắm tôm ngõ Phất Lộc, bánh cuốn cà cuống Hàng Gà, mà còn được bày đơn giản trên nhiều vỉa hè- như gánh cháo đậu xanh với đậu phụ cà muối, như bánh cuốn Thanh Trì hay xôi lúa làng Hoàng Mai, như bánh đa kê từ làng Xù Giạ, như cơm nắm muối vừng từ Lạc Đạo- Hải Dương v.v- những thứ ăn nguội mang lên các phố mỗi sáng…Những thứ quà bánh dân dã ấy cũng tạo nên nét riêng biệt của mùa hè Hà Nội và trở thành nỗi nhớ quay quắt của nhiều người khi xa phố phường Hà Nội…
Hè Hà Nội cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo cho một tác phẩm điện ảnh độc đáo của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng – bộ phim Mùa hè- chiều thẳng đứng.

Ta bắt gặp trong từng cảnh quay là những bức tranh đầy mầu sắc về Hà nội. Quán Cà-phê của nhân vật Liên khiến ta liên tưởng tới quán cà-phê “Lâm” nổi tiếng và những mảng tường tróc vôi nhiều mầu giống như những vệt sơn dầu của nhiều danh họa Việt nam một thời đã vẽ tranh để đổi lấy cà-phê… Góc nhìn khá hẹp tạo cảm giác như khi ta đi trong “36 phố phường” hay chen vào những khu nhà ống. Những khung cửa cũ kỹ, những chậu cây cảnh, những chiếc lọ hoa ở góc nhà trong làn ánh sáng nhẹ nhàng, những con người Hà Nội sống, vui đùa, yêu đương hờn giận, tưởng nhớ quá khứ và đối diện với nắng nóng cùng những nghiệt ngã của đời thường… Tất cả những điều quen thuộc như thể ta vẫn gặp hàng ngày giữa lòng Hà Nội trong những ngày hè. Bộ phim bắt đầu bằng ngày giỗ và cũng kết thúc bằng một ngày giỗ, có chút gì giống như vòng quay của bốn mùa, và của kiếp luân hồi. Nhà làm phim đã cung cấp cho người xem những ấn tượng để thâm nhập vào cái “chất người Hà nội” một cách giản dị và chính xác nhất, thông qua những đặc tính không thể trộn lẫn được của mùa hè Hà Nội…


Chúng ta lại quay về với hồ Tây…Hồ Tây trong những chiều hè mặt nước vàng rực sánh như mật ong và lóng lánh tựa những vẩy rồng, đưa người ta vào không khí đậm màu huyền thoại- những huyền thoại mà hồ Tây từng lưu giữ hàng ngàn năm qua về lịch sử hình thành hồ Tây, hình thành kinh đô Thăng Long. Chung quanh hồ có nhiều làng cổ truyền thống gắn với tên tuổi không ít danh nhân văn hóa lịch sử nổi tiếng: Làng Nghi Tàm, quê hương Bà Huyện Thanh Quan, có chùa Kim Liên với kiến trúc độc đáo; làng Nhật Tân có nghề trồng hoa đào nổi tiếng, tương truyền là nơi Lạc Thị đời Hồng Bàng sinh ra một bọc trứng nở thành bảy con rồng; làng Xuân Tảo với đền Sóc thờ Thánh Gióng; làng Trích Sài có chùa Thiên Niên thờ bà tổ nghề dệt lĩnh; làng Kẻ Bưởi có nghề làm giấy cổ truyền và đền Đồng Cổ là nơi bách quan hội thề thời Lý; làng Thụy Khuê có chùa Bà Đanh đặc sắc… Và đặc sắc nhất là đền Quán Thánh ở góc đường Thanh Niên – trấn phía Bắc của Kinh thành Thăng Long… Cái “hùng vĩ” của mùa hè Thăng Long- Hà Nội có lẽ đã được thể hiện khá rõ qua bài Tây Hồ phong cảnh phú của tác giả Ngô Thì Sĩ:
 Sóng in mầu lụa bạch, Đầm lạnh ngút mù tan.
Chùa Trấn Quốc sen tươi, hoa cao chục trượng ,
Bãi Nghi Tàm dâu tốt, lá trải trăm làn
Thuyền ngư phủ lướt mưa bay, bơi rẽ bờ rau lên, xuống,
Sáo mục đồng tung bóng xế, thổi ran lũng lúa mau, khoan…


Và chúng ta hãy đi lang thang trong những đầm sen quanh Hà Nội vào độ sen nở- nhất là những đầm sen Hồ Tây, nơi lưu giữ bao kỷ niệm từ thời thơ ấu của không ít người Hà Nội…Hãy rời xa chốc lát phố phường đông đúc, bụi bặm mùa nóng nực, để thả hồn với thiên nhiên trong lành thơm nức hương sen, để cho lòng mình lắng lại, thanh thản đến lạ kỳ trước một vùng hoa giống như huyền thoại…


Chẳng biết người dân xứ Kinh Kỳ có cái thú chơi sen tự bao giờ, và cách chơi sen cũng rất sành. Nhiều người không quản ngại công sức dậy sớm để đến tận đầm mua được những bông sen tươi mởn buổi sớm mang về cắm bình. Sen Hồ Tây được hái bán là những bông đã chúm chím nở để có thể nhìn thấy những lớp cánh bên trong và đài sen. Sen Hồ Tây nhiều lớp cánh hơn sen trồng ở các nơi khác, bông hoa khi nở ra rất to, vì vậy còn có tên là Sen Bách Diệp – tức Sen trăm cánh. Sen Hồ Tây mang về nhà cắm, qua một đêm, sáng hôm sau dậy thấy hoa nở bung, tròn to hơn cái bát tô canh, cánh hoa hồng rực, hương thơm ngát cả căn phòng.
Hè về, sen Tây Hồ như bao thế kỷ nay vẫn khoe sắc tỏa hương, và lắng đọng một góc hồn Thăng Long – Hà Nội… Bạn đừng bỏ qua bất kỳ cơ hội nào để có thể thưởng thức hương vị trà sen trong cảnh hồ sen tinh sương mát lạnh buổi sáng sớm …
Hoa sen tuy không phải là một trong “tứ quý” như tùng, mai, cúc trúc trong quan điểm mỹ học phương Đông, nhưng nó lại ẩn chứa trong mình một vẻ đẹp vừa dân dã, vừa quý phái, vừa nồng nàn vừa ý nhị hiếm có. Còn trong đời sống thường nhật, từ lâu sen cũng đã trở thành một vị thuốc nam chữa bệnh quý, và đi vào nghệ thuật ẩm thực tinh tế của người Tràng An thanh lịch. Hương sen lạ lùng từ trong nhuỵ của nó mà được gọi một cách dân dã là “gạo sen” -là nơi chứa hương thơm tinh túy của cả bông sen, được cầu kỳ ướp vào cánh chè để tạo ra trà sen- một trong những vẻ đẹp độc đáo của “Trà đạo Việt Nam”. Người Hà Nội từ xưa đã nổi tiếng với thói quen thưởng trà của mình. Rất cầu kì từ chế biến đến thưởng thức, người ta thường ướp trà mộc với hoa sen, hoa nhài, hoa cúc để thưởng thức hương vị thanh khiết của những bông hoa trong chén trà. Trong ba loại trà thường gặp đó, trà sen là thứ trà quý chỉ đem ra tiếp khách tri âm, hoặc dùng làm thứ quà biếu gói trọn hương vị đất Hà Thành. Loại trà này có thể để đến hàng năm tùy cách bảo quản. Đặc biệt nhất được biết đến là cách uống trà mộc được ướp trong bông sen tươi để giữa đồng – cách thưởng trà này đã được nhà văn Nguyễn Tuân tả lại tỉ mỉ trong  bài ký thú vị: “Chén trà trong sương sớm”.
Những chiều hè oi ả, khu đầm sen bát ngát ven Hồ Tây trở thành địa chỉ hấp dẫn một cách lạ lùng đối với khá nhiều người Hà Nội. Góc hồ này, xưa kia là cả một cánh đồng sen rộng mênh mông, và mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước, hai đầm sen rộng còn viền lấy hai bên đường Đội Cấn. Mấy năm gần đây, sen Tây hồ chỉ còn lại ở khu vực xung quanh Công viên nước Hồ Tây thuộc phường Nhật Tân và khu đầm Trị thuộc phường Quảng An, song cứ vào độ trung tuần tháng 5 đến đầu tháng 9, một vùng sen hồng tỏa hương thơm mát và tinh khiết, xanh mát một màu lá sen dập rờn vẫn làm nên nét đẹp đặc trưng rất riêng, rất quyến rũ của Thăng Long – Hà Nội.
Chị Trần Thị Hà – người có hơn 10 năm gắn bó với nghề trồng sen, ướp trà sen ở ven Hồ Tây vừa hướng dẫn khách cách pha chế chè được ủ trong những bông sen vừa tâm sự. Chị Hà cho biết, Sen được trồng ở khu vực hồ Tây này là loại sen hương, cánh có màu hồng tươi và có hương thơm đậm đà nhất. Lớp cánh hoa bên ngoài của loại sen này lớn còn lớp cánh bên trong bé dần cho đến nhụy. Mỗi sáng ra ruộng sen hái sen,  chị thường để ý vài bông sen đang hé nụ, tỏa hương thơm ngát, đó là những bông sen phù hợp nhất dùng để ướp trà. Trà được đổ vào trong bông sen, rồi lấy lá sen buộc túm vào, sau đó sẽ được ướp hương ngay trên hồ sen trong suốt một ngày để hôm sau có thể ra lấy búp sen chứa đầy trà để thưởng thức. Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 3, củ sen nảy mầm, lên lá, người trồng sen lại bắt đầu chuẩn bị cho một mùa hoa sen sắp đến. Với những chỗ sen đã bị hỏng, không lên cây được, người trồng phải khéo léo tách củ, trồng bổ sung với mật độ thích hợp. Những cơn mưa rào mát lành đầu tháng 3 chính là liều “thuốc kích thích” giúp sen đẻ nhánh, mọc rất nhanh. Muốn sen nhiều hoa, cuống dài, bông thắm, người trồng sen phải biết bón lượng phân vừa phải, bởi nếu bón quá nhiều, sen sẽ chỉ tốt lá mà lại ít hoa.
Vào mùa sen, mỗi sáng sớm, những người hái sen ở các đầm sen ven Hồ Tây bắt đầu đi thuyền hái hoa. Anh Nguyễn Trung – ông chủ của khu đầm rộng hơn 2 ha ở ven Hồ Tây cho biết: người hái sen trước hết phải đưa thuyền đi dọc mép đầm trước, rồi sau đó mới thả mình lạc giữa đầm sen. Công việc tưởng đơn giản song đòi hỏi kĩ thuật phối hợp ăn ý và khéo léo. Người hái sen mắt phải tinh, phát hiện nhanh những búp nở vừa đủ hay lấp ló giấu mình sau tấm lá. Cách hái bông sen cũng phải nhanh, bẻ đúng đoạn ngó non vừa và để sen rơi tự nhiên nhưng lại chính xác vào đúng mạn thuyền. Trồng sen ở các đầm ven Hồ Tây giờ đây vừa là nghề kiếm sống mà cũng là cái nghiệp, là niềm yêu thích của những người đã nhiều năm gắn bó với sen hương Tây hồ như chị Hà, anh Trung, họ đã vượt qua bao sóng gió của thị trường để hy vọng giữ lại cho Hà Nội một góc nhỏ rất đẹp, rất thi vị.
Có chị giáo viên cấp II thường lên ngắm sen, mua chục hoa, dăm ấm chè ướp hoa sen về đã tâm sự: “Lên đây, tôi thấy lòng nhẹ lại, yêu thành phố của mình hơn… Những bông sen tỏa hương thơm ngan ngát, dịu nhẹ ngay trong lòng thành phố là “đặc sản” của riêng Hà Nội mà không nơi nào có được…”  Gia đình  anh Vũ Anh Tuấn ở phố cổ Hàng Muối có nghề gia truyền ướp trà sen từ nhiều đời nay, và anh đã tận tình hướng dẫn chúng tôi cách ướp trà sen cũng như cách pha một ấm trà sen như thế nào là đúng kiểu- và phải chăng, đó cũng là một vẻ đẹp của tình người Hà Nội do hương sen thuần khiết đem lại?

Cũng vào mùa này, các bà nội trợ đảm đang còn có cơ hội thể hiện món chè long nhãn hạt sen. Hạt sen luộc chín được lồng vào cùi nhãn đã tách hột sau đó nấu trong nước đường giống như chè sen, tạo ra một món ăn đặc thù Hà Nội.


Nhà văn hóa lớn Nguyễn Văn Siêu, một người con của Hà Nội, cũng là người hiểu Hà Nội đến từng chân tơ kẽ tóc đã từng gợi ý rằng: nên gọi Hồ Tây là hồ Sen trong sách Phương Đình văn loại của cụ: “… sau thời Lê Trung hưng, họ Trịnh vẫn đặt Hành cung ở Hồ Tây, lại trồng nhiều sen ở hồ này, nay vẫn còn, sao người ta không đặt tên cho Hồ Tây là Hồ Sen?”
Và trong mùa hè này, khi Hà Nội sắp bước sang nghìn tuổi, có một cuộc tranh luận thú vị đã diễn ra: nên lấy lòai hoa nào làm Quốc Hoa? Nhiều ý kiến đã nghiêng về đề xuất hợp tình hợp lý: nên lấy Hoa Sen làm Quốc Hoa, đồng thời cũng là một trong những biểu tượng quan trọng của Thăng Long- Hà Nội; giống như ngàn năm trước, vương triều độc lập tự chủ đầu tiên của nước ta là nhà Lý đã cho xây chùa Một Cột theo hình dáng của một đóa sen nở vươn lên trời xanh- biểu tượng cho vũ trụ nhất thể và sự hài hòa tuyệt diệu giữa Con người với Thiên nhiên… Đó cũng là một thông điệp lý thú của mùa hè Thăng Long- Hà Nội có khả năng đi xuyên qua không gian và thời gian…
(còn tiếp…)


lyphuonglien.blogspot.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét