Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

ĐỌC TẬP THƠ MỘT MILIMÉT


ĐỌC TẬP THƠ MỘT MILIMÉT
CỦA NGUYỄN THỊ THANH LONG,
NHÀ XUẤT BẢN VĂN HỌC, NĂM 2011

                                              Nguyễn Văn Hòa

Một milimét của Nguyễn Thị Thanh Long không hẳn là tập thơ xuất sắc, vẫn có những bài bình thường, nhưng cũng không khó để người đọc tìm ra những bài thơ hay, câu thơ hay và những tứ thơ lạ. Cả tập gồm 50 bài, phần lớn là thơ tự do, chỉ có 14 bài là thơ lục bát. Nhưng tôi đánh giá cao những bài thơ lục bát của chị, bởi lối viết uyển chuyển, sáng tạo và có sự cách tân. Dù số lượng thơ lục bát không nhiều nhưng nó góp phần làm nên chất đằm thắm, dịu dàng rất Thanh Long. Sự kết hợp hài hòa giữa chất dân gian và hiện đại tạo nên một âm điệu riêng dễ đi vào lòng người đọc.
Bao nhiêu nước mắt
đã loang
Bao xao xác nắng
làm hoang
dấu chiều
Ta về
mượn ánh trăng thêu
Phủ lên ngày cũ những keo sơn
hờ …
      (Dấu chiều)
Chị đến với thơ sớm, nhưng mãi đến ngoài 50 tuổi chị mới xuất bản tập thơ đầu tay. Phải chăng vì thế mà thơ chị đạt đến độ tinh tế, sâu sắc và giàu tính triết lý!.
Ấn tượng đầu tiên là ngay nhan đề của tập thơ đã tạo cho người đọc, người nghe sự chú ý: Một milimét- đơn vị đo lường, xác định độ lớn-bé, dài-ngắn của sự vật. Nó vừa cụ thể, rõ ràng nhưng nó cũng vừa có cái gì đấy đặc biệt và tạo nên sự chú ý, vì rằng trong tình cảm không thể nào đếm đong, tính toán chính xác cụ thể đến từng milimét được. Do vậy, ngay tên nhan đề của tập thơ đã có ẩn ý và giàu sức ám gợi đối với độc giả.
Một milimét vậy thôi/ Mà nghe sóng ánh cả thời xa xưa/ Cùng ai đi sớm về trưa/ Cùng ai nhặt nắng gom mưa cuối mùa/ Ve kêu rưng rức nghiêng chùa/ Ai ươm thương nhớ cho vừa heo may/ Lưng chiều vương sợi khói mây/ Milimét ấy đổi thay duyên tình/ Con tim lỗi nhịp-khôi sinh/ Một milimét/  riêng mình/ đầy vơi.
Thơ Nguyễn Thị Thanh Long đã tạo được một hệ thống từ ngữ mang nét nữ tính riêng vừa da diết, ngọt ngào; vừa chân thành, đằm thắm; vừa triết lý chiêm cảm. Chị cũng khéo léo trong cách sử dụng thanh điệu để thể hiện cảm xúc của mình. Việc sử dụng thanh bằng, thanh trắc hoặc phối hợp thanh bằng, trắc để diễn tả những cung bậc, thanh âm khác nhau trong tiếng lòng nhà thơ cũng rất thành công. Điều đó người đọc có thể nhận thấy rõ qua những vần thơ của chị:
Tự thuở nào anh đã yêu/ Chút khờ khạo mỏng manh con gái/ Ký ức xưa lùi vào xa ngái/ Trách mình sao chẳng nhận ra/ Thời học trò nông nổi hương hoa/ Tiếng ve ran lạc thì thầm cánh gió/ Cuốn vở nhỏ tinh khôi bỏ ngỏ/ Khép lòng mình một cánh phượng/ rơi / nghiêng…
                                                                            (Tự thuở nào)
Đợi ai/ vơi biển Hạ Long/ Đá trơ/ sóng biếng/ thuyền cong/ trăng/ tàn

Nhớ ai/  mắt biển mơ màng/ Một ngày/ bằng cả mấy ngàn năm trôi.
                                                                        (Đợi)
…………………………………………
Âm hưởng chính trong thơ chị là những giai điệu trầm, nhẹ, đằm thắm, vui, buồn, cô đơn nhưng cũng hết sức lãng mạn, tình tứ, ngọt ngào và trong trẻo. Ngôn ngữ thơ tự nhiên nhưng giàu cảm xúc. Một số bài độc đáo với những tứ thơ lạ, bất ngờ:
Không còn gì để quên/ Cũng chẳng gì đáng nhớ….
Bởi thương ngày nên đêm tự chặt mình/ đi…
(Khúc đêm)

      Hay trong bài Tương tư:
     Nửa đời vấp phải tương tư/ Cái duyên mắc cạn/ bây chừ trách ai? …
     Tựa vai vào vạt nắng chiều/ Muốn người hò hẹn/ thử liều một phen…
Càng độc đáo hơn khi chị giãi bày những cảm xúc một cách tinh tế khi được trở về quê xưa, được gặp lại “người cũ” một thời: Em về xanh lại tóc anh/ Sông Thao ngâm khúc/ ngọt lành/ ngày xưa/ Đất cằn/ khát/ một mùa mưa/ Hạt em mỏng quá/ gieo chưa hết đồi.
Những hoài niệm về tình yêu, sự sống, người thân, bè bạn, mái trường, con phố, đi vào thơ Thanh Long một cách tự nhiên, vừa chân thành mộc mạc, vừa dịu dàng, da diết. Để rồi bất giác nhà thơ nghiệm ra nhiều điều:
Biết bao vui buồn, trăn trở của cuộc đời người làm nghề lái đò đưa khách sang sông nó cứ ám ảnh, nó cứ day dứt, nó trở thành niềm đau quặn thắt trong tâm hồn chị. Trong bài Dấu hỏi đã thể hiện rõ điều này:
Bao buồn vui một thời trên bục giảng/ Chợt trở về nguyên vẹn trong tôi/ Tháng năm trôi/ Trang giáo án khép rồi/ Mỗi lần mở tim tôi se thắt/ Ánh mắt nào gọi bình minh xa lắc/ Em nghỉ rồi/ Lớp học trống toang.
Người giáo viên chân chính bao giờ cũng ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng mà Đảng và Nhà nước giao phó. Họ yêu học trò của mình cũng giống như những đứa con của chính họ sinh ra. Vì lẽ đó mà trong lớp có đứa học trò nào có hoàn cảnh khó khăn thì thầy cô cũng đau xót lắm. Nhưng biết làm sao được khi cuộc đời của chính những nhà giáo như Nguyễn Thị Thanh Long trong những tháng năm bao cấp lo chuyện áo cơm cho gia đình, chồng con vẫn chưa đủ lấy đâu giúp đỡ học trò. Để rồi khi nghĩ lại nhà thơ cảm thấy chạnh lòng và thấy mình có lỗi.
Bao nhọc nhằn cơm áo em mang/ Thân cò hụp lặn mùa giông bão/ Giọt mồ hôi chòng chành lưng cháo thảo/ Dâng mẹ hiền leo lắt ngọn đèn khuya/ Làm gì cho em khi sáng nắng chiều mưa/ Đời nhà giáo chữ nhiều gạo thiếu/ Mây ngang đầu quặn lòng … ai hiểu/ Em đâu rồi/ Để lớp thênh thang

Biết ngày nao cuốn vở sang trang/ Bàn chân nhỏ về đâu giữa xôn xao gió thổi/ Lớp không em/ Tôi thấy mình có lỗi/ Chỗ em ngồi-lớp lớp bụi thời gian.
Phải là một người có tâm hồn nhạy cảm, có trái tim nhân hậu và bao dung như chị mới viết nên được những câu thơ ám ảnh và day dứt như thế.
Nguyễn Thị Thanh Long cũng đã nêu lên được những diễn biến và quy luật tâm lý con người:
Lúc bé sợ ma/ Lớn hơn sợ bóng tối/ Đi học sợ cô cho điểm kém/ Thuở trăng tròn sợ ánh mắt người ta …/ Tuổi hai mươi/ Đâu biết sợ gì/ Đói rét khó khăn/ Gió thổi nhà xiêu/ Vẫn đó/ Một túp lều/ Một giấc mơ xanh/ Không sợ mất nhau/ Sợ tự đánh mất mình.
                                                                                 (Sợ)
Một triết lý sâu xa được Thanh Long nêu ra: Không sợ mất nhau/ Sợ tự đánh mất mình. Vâng! Quả là rất có ý nghĩa, không phải chỉ trong tình yêu, mà trong cuộc sống thường nhật, đặc biệt là trong xã hội hiện đại khi mọi giá trị, thang bậc đạo đức đang bị chao đảo bởi những mặt trái của cơ chế thị trường thì cái đáng sợ nhất đó là sựtự đánh mất mình”!
Trước bao thăng trầm, dâu bể của cuộc sống này đã cho chị nhiều bài học, nhiều kinh nghiệm quý giá. Để rồi có lúc chị lại tự vấn chính mình:
Đã qua nửa quãng thời gian ta có, đã thấm
 mùi được mất đổi thay, sương loáng thoáng
đậu hờ trên vai nhỏ thăng trầm gầy in dấu
 bàn tay.

Em khờ dại bỏ quên thời con gái, lạc yêu
 thương đuổi bắt dùng dằng, có phải chăng trò
 chơi duyên nợ, phượng giật mình khản giọng
gọi ve ngân.
                                                                      (Tự vấn)

Đời người có là bao, mà thời gian qua đi chẳng bao giờ trở lại. Vì thế, con người thời hiện đại ý thức về thời gian một cách mãnh liệt, nó như một cuộc chạy đua để tồn tại, để sống có ích. Do vậy, Nguyễn Thị Thanh Long ý thức sâu sắc hơn về lẽ sống, cái chết và ý nghĩa cuộc đời. Tình yêu chân chính, đích thực là niềm khát khao cháy bỏng của chị. Tình yêu ấy nó đang hiện hữu, đang tiếp diễn theo năm tháng cuộc đời. Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà Thanh Long viết nhiều về thơ tình yêu. Viết về tình yêu như là cách để chị mở rộng lòng mình, giãi bày những điều sâu kín, những điều cần nói và nên nói để cảm thấy mình nhẹ lòng và thanh thản hơn.
Cái đáng yêu của Một milimét là những cảm xúc tinh tế, nhẹ nhàng, nhiệt thành mà hồn hậu, những ký ức tuổi thơ, những tình cảm bạn bè, quê hương, người thân. Đặc biệt là bóng dáng của “anh” cứ trở đi trở lại trong thơ chị. Trong tập thơ đại từ nhân xưng “anh” được lặp đi lặp lại đến 35 lần. Nó đã trở thành niềm vui, niềm hạnh phúc và có cả nỗi ám ảnh, cái tiếc nuối xa xôi của những mối tình dang dở. Phải chăng đó là vùng thẩm mỹ trong thơ chị!
Đã là thi sĩ thì có lẽ ai cũng mang trong mình sự lãng mạn, mơ mộng và giàu nhạy cảm. Với Thanh Long chị cũng không nằm ngoài cái quy luật chung ấy. Chị cũng có “những phút giây ngoài chồng, ngoài vợ”.
Trong tâm thức của em/ Miền sâu thẳm trong anh trú ngụ/ Bỗng dưng đến rồi anh đi-đi mãi/ Vẹn nguyên buồn trước vực hoàng hôn
                                                                                       (Góc lặng)
     Và chị cũng phải tự nhận ra rằng:
Không thể cùng anh trên một con đường/ Và không thể cùng anh nhóm lửa/ Dù chiêm bao vẫn mơ về đôi lứa/ Em dặn mình thương lắm cũng đành không/
Em dặn mình thương lắm cũng đành không/ Có bao nhiêu cũng để trong lòng/ Kiếp sống kia ngàn đời vẫn vỗ/ Đêm đêm phập phồng mong nhớ/ Em vẫn dặn mình thương lắm cũng đành không.
Cuộc sống vợ chồng muốn bền lâu và hạnh phúc đòi hỏi phải chân thành và tôn trọng lẫn nhau. Ý thức sâu sắc được điều đó nên chị đã thành thật xin “anh” được một lần nói dối. Nói dối như thế có nghĩa là chị đang nói thật với lòng mình, mong sự cảm thông và chia sẻ từ “anh”. Và cũng chính vì yêu “anh” tha thiết đến cháy lòng nên: Em xin anh/ một lần nói dối. Vì rằng: Không thể/ giao đời cho số phận/ Em/ trật/ trèo/ níu gió/ vít mây …/ Uống cạn chén đời/ vẫn tỉnh/ không say/ Chén cay đắng luênh loang/ bờ hạnh phúc.
Có lẽ vì thế mà “anh” đã yêu em mặn nồng, tha thiết hơn, “anh” đã yêu em hơn bất kỳ một người đàn ông nào khác, “anh” là số một, là duy nhất của đời em. Ở bài Viết cho anh là một minh chứng: Anh sẽ buồn/ nếu ngoài anh ra/ không có người đàn ông nào khác …/ Người đàn ông thứ nhất yêu em/ bởi hình hài vóc dáng/ bình minh ngủ trên má em cười/ Người đàn ông thứ hai yêu em/ bởi mùa thu biết nói/ gom lá vàng gói gió heo may/ Người đàn ông thứ ba yêu em/ bởi trái tim nồng ấm/ lòng thủy chung nhân hậu bao dung/ Anh hiểu được tại sao họ yêu em/ Vì vậy anh yêu em hơn tất cả những người/ đàn ông khác.
Trong cuộc sống gia đình làm tròn bổn phận của một người vợ yêu chồng hết mực và rất đỗi thủy chung là một việc không hề đơn giản. Nhưng Thanh Long đã làm tốt điều ấy: chị luôn giữ được gia đình trong ấm, ngoài êm. Vì vậy, dù có đi đâu, làm gì chị cũng dành những tình cảm đặc biệt đối với “anh”. “Anh” là tất cả, là tình yêu, là hạnh phúc vô bờ. Cho nên, khi: Vắng anh/ khói thuốc cũng ơ hờ lạnh lẽo/ trang thơ em nhòe … sũng bình minh.
50 bài thơ trong tập Một milimét phần lớn đều viết về tình yêu và chủ yếu là viết theo thể thơ tự do. Có lẽ chị chọn cách viết ấy để khỏi phải ràng buộc câu chữ, niêm luật nhằm bày tỏ tình cảm, cảm xúc một cách tận cùng.
Tình yêu ấy nó không ồn ào, không tuyên chiến, không nổi đình nổi đám, không phải dữ dội như kiểu:
Em đã đoạt tay anh từ tay người đàn bà kia
Cũng như người đàn bà kia đã đoạt anh từ tay người đàn bà khác
                                                                              (Đoàn Thị Lam Luyến)

Mà nó dịu dàng, tha thiết tạo nên một phong cách, một hồn thơ Thanh Long riêng không thể lẫn lộn với một nhà thơ nào khác.
Ước gì có một người/ Và chỉ một người thôi/ Cho em mượn bờ vai/ Để nỗi buồn gầy guộc được gục vào/ thổn thức/ Nước mắt em/ Cuồng phong vần vũ/ Tắm bờ vai anh chai sạn áo sờn.
Điều độc đáo mà người đọc cũng có thể nhận ra là 50 bài thơ của tập thơ này với 50 nhan đề và tất cả đều ngắn gọn, rất kiệm lời, nhan đề dài nhất chỉ 4 âm tiết (5/50 bài), còn lại chủ yếu là 2 âm tiết. Nhưng ẩn đằng sau sự ngắn gọn ấy nó chứa đựng cả những điều cần nói, muốn nói của một con người giàu lòng nhân hậu và bao dung như chị.
Một thế giới tâm hồn không đơn giản mà chứa đựng những dằn vặt, suy tư, tự vấn, có lúc có cả sự tiếc nuối và đau đớn.
Gần cạn kiếp người/ Chưa kịp hiểu chân như thật giả/ Dối lừa nào cũng mã hóa/
Trong xa hoa ngôn từ …
(Khúc đêm)
Những nơi chị đã từng đi qua cũng để lại trong chị những tình cảm tha thiết, mặn nồng. Một Hà Nội nhớ, một Hạ Long vẫn đợi, một Đà Lạt không anh. Tất cả đã trở thành niềm thương, nỗi nhớ và đi vào thơ chị như một sự trải lòng.
Là người sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Phú Thọ, mảnh đất hùng thiêng với bao truyền thống quý báu của cha ông. Vì vậy, chị cũng dành những vần thơ hướng về cội nguồn, quê hương với tấm lòng trân trọng và biết ơn sâu sắc. Chị nhớ đến cái gió heo may, hoa xoan tím chiều rơi khẽ, nhớ dáng mía gầy như dáng mẹ, những câu hát ghẹo hát xoan ngọt ngào tình tứ, bưởi Đoan Hùng nặng nợ đa đoan, hay hình ảnh hoa gạo, chè xanh, dòng sông Hồng đỏ thắt dòng trôi … Tất cả những điều ấy đã ăn sâu vào tiềm thức, vào máu thịt, vào từng hơi thở của chị. Vì thế, khi trở về miền đất Tổ, Nguyễn Thị Thanh Long bắt gặp được nhiều điều:
Trở lại trung du/ Gặp mình thời trẻ/ Bến Đá vẫn cồn cào sóng vỗ/ Người đợi đò năm ấy có còn không/ Ta trở về nơi ấy ngã ba sông/ Hút mắt đồi sim gió thổi dài tóc bím/ Hội Đền Hùng điệu hát xoan bịn rịn/ Chử Đồng Tử nghèo trời thương tặng/Tiên Dung … Để hôm nay mình gặp lại mình đây.
                                                              (Gặp mình)
Một milimét của Nguyễn Thị Thanh Long không quá phức tạp, không quá phong phú và bề bộn hình ảnh của cuộc sống. Thơ giản gị, dễ nhớ, dễ thuộc, nhiều bài hay với những tứ thơ lạ, bất ngờ. Cái đáng quý, đáng trân trọng đó là chị đã cần mẫn, tìm tòi cho chính mình một lối thơ riêng với những cảm xúc chân thành, hồn hậu.
Tôi tin rằng thơ của Thanh Long sẽ được người đọc đón nhận một cách nồng nhiệt. Vì ở đó người đọc sẽ tìm thấy những giá trị đích thực của thơ. Dẫu biết rằng từ xưa đến nay khi nói đến chữ nghĩa, khi bàn về thơ ca vốn là điều không hề đơn giản. Xin được mượn 4 câu thơ trong bài Hóa thân của chị thay cho lời kết của bài viết này:
Đẫm mình trong những trang thơ/ Mới hay chữ nghĩa ỡm ờ trả vay/ Đỏ bao nhiêu ớt thì cay/ Suối bao nhiêu thác mới gầy lãng dụ./

         N.V.H
Điệnthoại:0984.833.247
(Tác giả gửi bài qua eMail)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét