Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Sách Thủng Thẳng với Thơ / Bài Tôi ơi, đừng bao giờ chán nản…


14 khúc Đó Đưa về thơ của Nguyễn Nguyên Bảy, viết vào năm 1975, và gần 40 năm sau, mới in thành sách, do NXB Văn Học ấn hành tháng 6/2011.


THỦNG THẲNG VỚI THƠ

Nguyễn Nguyên Bảy 
@

    Sáng,14/12/2010 bỗng tìm thấy trong thư viện gia đình cuốn chép tay viết năm 1975, có tựa đề Luận Văn Thứ Nhất, bèn lôi ra lau bụi,đọc và chép lại dưới đây, trước là lưu giữ, sau là một chia sẻ tham khảo với bạn đọc có nhu cầu…

3. Tôi ơi, đừng bao giờ chán nản…
.

Tôi thói thường hay ngửa mặt hỏi trời. Lần ấy ngửa mặt chỉ thấy trời cười, cười chan hòa nắng, cười mãi không thôi, cưới đến ứa nước mắt để nắng vụt tắt nhường  lại cho mưa, mưa phập phồng bọt, và tôi liền đọc thấy những phập phồng bot ấy chậm chạp từng lời trời: Đừng bao giờ chán nản. Bọt mưa viết lan man nhiều chữ lắm, nhưng tôi đọc mà chẳng hiểu nghĩa, liền vớt bọt uống mà ngẫm nghĩ.

Khi đã có niềm say mê chân chính thì thơ chính là cái bả tình yêu của phù thủy – là cái nghiệp mà mình càng muốn rũ ra thì  như giây nó càng buộc lại. Đã là (sự) nghiệp, như đã nói, tất có chướng, nghiệp chướng, thì nhất định phải đuổi đeo, phải trả nợ, và luôn luôn phải tự nói với mình: Đừng bao giờ chán nản…
Tại sao lại chán nản?
Chán nản thật đấy, chán nản khi ta vừa viết thành công bài thứ nhất đã liền sụp đổ liên tiếp những bài tiếp theo. Cái ảo tưởng về tài năng vừa đến thì cũng liên tiếp xảy ra cái vỡ mộng. Tài hoa chăng hay ta chỉ họa tai? Bài thơ thứ nhất là bài thơ phải trả bằng bao nhiêu mộng mơ, ngẫm nghĩ, biến hóa thành ngôn tình lời lòng, nhưng đâu phải những bài thứ hai cũng dập khuôn giá ấy mà trả, là mua xong. Cũng có khi những bài tiếp sau vẫn thành công xuôi chèo mát mái, cái tên hình như quen với độc giả. Nhưng đùng một cái, buổi chiều kia ngồi đọc lại thơ mình, thấy nó viển vông bông phèng  khôn tả xiết, nó cũng hệt như một cái tin rao vặt, có chăng được viết với điệu vần. Thế rồi chẳng dám đọc to cho chính trái tim mình nghe lại. Hoặc, ngược dòng, thảm thương cho ta, chỉ với bài thơ đầu đời tung lên cột báo đã  khiến ta hoang tưởng bàng hoàng về giấc  mộng tài năng. Sự ngộ nhận càng cao bao nhiêu thì sự chán nản càng sâu nặng bấy nhiêu, vì tiếp sau đó chẳng báo chí nào thèm đăng in thêm bài thứ hai, thứ ba của ta nữa. Thế là, suối chán nản bắt đầu rỉ chảy…
Có hai cách ngăn chặn sự rỉ chảy chán nản ấy.
Một là ta tự trách ta.
Tôi đưa tay tát lên má mình, thật mạnh, má phải, rồi má trái, rồi má phải, rồi ngưng, cộng là ba, bỗng ngộ được đôi dòng mưa bọt khi nãy mơ hồ chưa hiểu. Dẫu bay lên sao Hỏa, sao Kim cũng bay từ mặt đất/ Dẫu lớn tựa thiên thần cũng sữa ngọt mẹ ru/ Hãy chuyên cần như con ong làm mật/ Quả chín trên cây là  quả chín dần dà… ( Bốn câu thơ tự răn này ảnh hưởng thơ Chế Lan Viên quá lậm, tỉnh ngay). Ta phải tự trách ta, là ta chưa đủ kiên trì, chưa đủ liên tục và quan trọng hơn cả là chưa đủ sự say mê, để hồn ta cuốn vào thơ, xác ta cuốn vào thơ, vô tự, tự nhiên như thế cái chướng yêu mà ta ngụp lặn mò tìm cái ta nợ phải trả, cái ta yêu phải sịnh, cái ta ghét phải diệt. Hỉ nộ ái ố cùng thăng hoa trong  hồn ta, thành điệu vần làm ấm áp lòng ta, lòng người, thành mái nhà, thành cánh đồng hoa, thành buổi chiều lũ trẽ chăn trâu thả diều hát gió dọc triền đê. Ba đức: Say mê, kiên trì, liên tục chính là quá trình trồng cấy cây thơ cho mùa ra hoa kết trái. Chí có ba đức: Say mê, kiên trì, liên tục mới đủ sức khơi nguồn con suối chán nản, thành con suối nước chảy qua lòng đá cuội trong veo mà ngân nga …
Hai là ta tự tin ta.
Nói vậy có vẻ buồn cười. ta chẳng tin ta thì tin ai nhỉ? Vậy mà nhiều lúc (đôi khi cả đời) ta chẳng tin ta mà ta lại tin người, thứ tự tin a dua bầy đàn, thứ tự tin giết dần mòn cái tự tin ta để nhập vào cái tin người thành ra một thứ nước ao, nước sông chứ không phải thứ nước máu của riêng ta, nuôi cây ta sống mà đẻ ra cái hoa, cái trái tạ đời. Cái sự tự tin ta, nói vậy mà không vậy, khó giữ vô chừng, vì cái quyền lực mặc áo thi vương, thi bá , tưởng ảo mà hóa thực, bởi chúng có đủ những nhân danh chẳng những chính trị mà cả đạo đức, luôn uốn bắt ta theo khuôn phép bầy đàn, nhắm mắt ngậm miệng bay theo chúng, thơ mà như thế được sao? Ta mà không theo, chúng chế nhạo, phổ biến nhất là chúng mím nụ cười “chuyên nghiệp” mỉa ta “nghiệp du”, cao hơn chút là chúng bôi đen ta, vu khống ta, gán ghép đẩy ta vào thiên lạ chính trị, địa võng đạo người. Sức ta yếu nhát, thật khó lòng đượng cự lại chúng. Thôi thì đành nhường thi đàn cho chúng nhi nhăng, ta về với thi đàn của ta, của bằng hữu ta mà hát lời lòng cho nhau nghe. Tôi, giữa bốn bể anh em, tám phương bằng hữu thường hát hai câu Hoa Nhài về sự tư tin tôi: Ướp trà em. Cài tóc em. Mà vẫn khinh em. Hoa nở đêm / Em vẫn cứ nở đêm. Tắm mình trăng. Tắm mình sương. Cho ngon trà. Cho ngọt tóc. Em vẫn cứ là em. Hoa Nhài.
Nói thêm về sự chán nản đến từ những nguồn tưởng như vô lý khác.
Nguồn đến từ những cơn choáng, ví dụ choáng trước một câu thơ hay, một bài thơ hay hay một thủ pháp thơ hay của tây ta nào đó. Thế mơi là thi nhân, thi nhân là kẻ hay choáng nhất, thất thường nhất, mơ hồ nhất, trước bất kỳ mới lạ nào cũng choáng, khi choáng lập tức phủ nhận mình, và muốn được thành nỗi choáng. Trước mọi nỗi choáng mình sinh ra chán nản bi quan, dâng lên tột độ mối nghi ngờ mình và chán chính mình. Lại bảo, người làm thơ không có nỗi chán mình thì nhất định không thể thành nhà thơ được! Chán mình như thế nào và phải thường trực nỗi chán ấy ở đâu để biến nỗi chán thành một động lực xúc tác tài năng, câu trả lời đã thuộc một phàm trù luận bàn khác.
Viết như vậy hình như mâu thuẫn, vừa muốn phỉ báng nỗi chán lại vừa muốn ngợi ca mãnh lực của nó. Thực không có gì là mâu thuẫn. Nỗi chán nản cần tiêu diệt, để không mệt mỏi làm lụng và luyện rèn. Còn nỗi chán mình là nỗi chán cần thường trực để đừng bao giờ ngộ nhận mình trong suốt quá trình chuyển hóa từ hoa lên quả và dần dà quả chín.
Gặp khó khăn sinh chán nản không là phẩm hạnh thi nhân.
Nếu dễ dàng con đường lên núi, thì cần gìờ vinh quang chinh phục được non xanh? . Thiếu gì kẻ lắm bạc vàng, cao sang quyền chức, muốn nhúng năm ngón tay vào nghiên mực của thảo dân viết lên trang giấy xã tắc năm bài thơ run dế để lưu tên mình vào sử sách, thời gian. Những bài thơ run dế ấy nhất thời vang lên cùng gươm giáo, nhưng đã phải tắt lịm khi thơ nhạc của tình yêu và yên bình cất tiếng. Thơ cao quí như tên gọi của nó. Sự cao quí thần linh. Sự cao quí bất tử. Sự cao quí vốn chỉ trao cho những con người có đầy đủ tình yêu và  nghị lực gieo trồng và thu hoạch nó. Sinh ra đất trời bèn sinh ra bể/ Có bể trời bèn sinh sông/ Chẳng để buồn sông trời bèn sinh cá/ Giận lũ trời bèn sinh rừng/ Có rừng trời bèn sinh cỏ/ Sinh cỏ trời bèn sinh voi/ Lúa trới người dưỡng thành lúa nước/ Sinh ra lúa người  sinh ra nhà người sinh ra thuyền/ Sinh ra thuyền người cao hứng sinh thơ/ Thuyền thơ chở đầy trăng thơ/ Đầy trà đầy rượu đầy hoa/ Và đầy nhân tình…(Thơ BNN) Mình sinh được ra thơ, cớ chi mình lại chán nản?
Con đường thơ là một con đường chẳng những nhiều chông gai mà còn xa ngái, không thể đi một ngày, một năm, mười năm mà tới được , có khi đi cả đời đích vẫn xanh tận chân trời. Trên con đường xa ngái  ấy, may thay, có hạnh phúc, có vui buồn, đã có vậy, chẳng lẽ lòng còn chán nản. Chỉ nguyên điều chấp nhận sự hiện diện của mình trên con đường ấy đó là một tự tin    hạnh phúc. Đã tin vậy, thì cứ đi, đi mãi, đích đó luôn trước mặt, luôn xao xuyến  tâm hồn ta và tôi thầm hiểu rằng đời mình còn duyên nợ với thơ.
Những thất bại ban đầu chính là những cái hôn của mối tình đầu tan vỡ. Nó còn lịm ngọt mê mẩn mãi trong lòng ta, vừa như một kỷ niệm, vừa như một trách móc, vừa như một háo hức, vừa như một bâng khuâng…Nếu mối tình đầu chẳng để lại trong ta một cảm động gì, thì còn gọi gì là mối tình đầu đáng nhớ. Trước đổ vỡ cần một tỉnh táo.
Nhiều cầu gãy trên đường đi, đây mới chỉ là một cầu gãy, nhưng có qua được cầu này thì mới mong qua được những cầu khác.
Khi đã qua được chiếc cầu gãy đầu tiên, ta bỗng mặc cảm một gắn bỏ không gì phá vỡ nổi giữa ta và thơ. Ta cứ ngỡ rằng mình sinh ra để phải trả món nợ đời bằng thơ. Thế là không chán nản nữa. Nhưng, muốn tiêu diệt tận gốc mọi chán nản thì phải có đường đi. Con đường đi của thơ. Có như thế mới không ăn sổi ở thì, có như thế mới nhận biết mọi thất bại như một thường tình. Có như thế mới có nỗi chán mình thường trực, tác phẩm hay nhất chưa phải là tác phẩm mình viết ra, bài thơ sắp viết còn nhiều hứa hẹn hay hơn. Đỉnh núi cao và nhọn đầu hình chóp, cho dẫu ta lên tới đỉnh thì ta cũng chỉ là một điểm nhó xíu của đỉnh núi mà thôi. Đỉnh núi thơ cớ chi xếp ghế thi vương, thi bá?
Hành trình lên núi thơ. Mỗi chặng nghỉ hay mỗi đỉnh nghỉ là một đỉnh tài hoa  ta đấy, nhưng tuyệt nhiên không phải đích cuối cùng.
Không ai bắt ta phải leo lên núi  thơ, con đường tự nguyện, và cũng có thể bỏ cuộc, nhưng nếu như giữa đường nản lòng thì âu thượng đế đã không cho người đó yêu một tình yêu.
Chiến thắng tuyệt đối sư chán nản như thế nào? Chỉ có thể chiến thằng tuyệt đối nỗi chán nản bằng một say mê phi thường, say mê vô tư, không đặt trước cho say mê mình một đời tự vẽ. Say mê thơ kỵ nhất danh vọng và tiền tài. Không có say mê, thì đừng bao giờ nghĩ rằng mình có thể đi trên con đường cheo leo, gập ghềnh lên đỉnh núi thơ.
Lại vẫn chưa đủ nếu chỉ có say mê. Thơ mãi mãi như miếng đất hoang, những miếng dễ người ta đã khai phá rồi, bây giờ chỉ còn những miếng xương xẩu, có khi ngay miếng xương cũng không còn, mà chỉ còn sự đi mót, sự cào xới lại, thâm canh lại…cho nên cũng khó lắm. Thơ được coi là nghệ thuật thứ nhất trong bẩy nghệ thuật của con người, cho nên nếu không quá lời nó cũng là sự khó thứ nhất. Đi mót cũng như đi câu – thứ nhất tốt mồi, thứ nhì ngồi dai – phải kiên trì và liên tục.
Tôi rèn luyện mình thói quen ngày nào cũng làm việc với thơ ca. Có thể là một chữ, có thể là một câu, có thể là một bài…ít hay nhiều cái đó tùy vào sức, nhưng đừng hôm nào nhãng quên công việc thơ ca. Thói quen lập đi lập lại nhiều lần tự gây ra hưng phấn, do vậy không hôm nào viết hết được những điều suy nghĩ, nên hôm nào cũng có thơ. Nhiều người hay nói đến cảm hứng. Cảm hứng là cái gì? Thần thánh nó quá. Cảm hứng chính là thói quen như buổi sáng dậy ăn lót dạ, và 12 giờ trưa, 6 giờ chiều dạ dày nhớ bữa ứa nước ở chân răng. Ngày nào cũng ngồi vào cái bàn chỉ còn lại 3 chân, ngày nào cũng viết trong càu nhàu của vợ, trong tiếng khóc của con…thế thôi, hôm nào không ngồi vào bàn, nhớ như đói vậy. Làm gì có cảm hứng bỗng nhiên nếu chẳng thấy thú vị phải có thơ, người thi sĩ nghèo càng cần phải loại bỏ lối cảm hứng của bọn giàu sang, chúng có cảm hứng bởi mùi bơ, sữa, thịt cá, trái thơm…Còn chúng ta chỉ có cảm hứng rau muống.
Biết rằng mỗi một ngày sự hủy hoại không biết bao nhiêu tế bào óc, mà rau muống không thể đắp bù lại được, nhưng biết làm thế nào, khi ta đã tình nguyện đi trên con đường thơ.
Nhưng cũng có khi hàng 5 – 6 tháng liền, cói khi cả năm trời không viết một dòng nào. Nhiên liệu đã hết và lò cũng đã ốm, tất nhiên cần phải lên rừng lấy củi hay ra mỏ lấy than. Sau những quãng nghỉ này thường là sức làm việc trở nên cường tráng lạ lùng. Bao nhiêu cái mới, bao nhiêu cái muốn viết, khi ấy một tập thơ ra đời chẳng còn khó khăn gì nữa.
Tôi không có thói quen chọn mùa làm việc, chọn tháng làm việc và chọn giờ làm việc. Với người nghèo thì phải tranh thủ, bất cứ lúc nào có thời gian cũng tự động làm việc. Cứ có 30 phút nhàn rỗi là có thể làm thơ! Đừng bịp đời và kiểu cách rằng trước lúc làm thơ phải hương khói, phải tắm rửa sạch sẽ, phai hút thuốc thơm, uống trà ngon, và sau khi làm việc xong phải được vợ vuốt ve, được bát cháo gà…Chẳng có đâu, chỉ có những cằn nhằn: Nếu cứ làm việc thế này thì anh chết mất! Mà để làm gì? Mai nhà không còn gạo, không một đồng keng nào để mua rau!…
Thực tế bao giờ cũng tàn nhẫn, chứ phải đâu thực tế đẹp như thơ!
Đã có những năm khổ sớ quá – như 1972 chẳng hạn, chúng vu cáo khốn nạn, 8 tháng không được làm việc – Tôi chuyển sang làm thợ may. Đồng tiền kiếm được không ít, nhưng lạ lùng sao cứ thiếp vào giấc ngủ là y như nàng thơ đến (như Đạm Tiên ấy!) và bảo: Nghiệp còn nặng chưa thể bỏ được đâu! Thế là lại gạt nước mắt, lại trút tất cả những khó khăn lên vai vợ và lại làm thơ. Nhiều người tỏ vẻ xót xa thương cảm, nhưng gánh nặng đời ai dễ sẻ cho ai.
Cái khó thực của thơ và cái khó ảo của thơ cứ luôn luôn dày vò, đã mấy ai vàng đá mà không chán nản bi quan. Nhưng ĐỪNG BAO GIỜ CHÁN NẢN là một điệp khúc thơ, vỗ về an ủi tôi. Tôi toát mồ hôi lưng, tôi run lên trước những thất bại, bởi liền sau đó biết chắc là thành công, một thành công không lớn, nhưng là một thành công đã được trả giá.
Đừng bao giờ chán nản – Điệp khúc ấy khi ngân lên thường có hồi âm, hồi âm của niềm vui chân chính, bởi lẽ khi đã không chán nản thì thế vào đó chỉ là niềm mê say lao động, thế vào đó chỉ là nghị lực sáng tạo không ngừng. Và cũng như sự duy trì đức kiêu ngạo cao cả đã đánh át đi những quyến rũ thấp hèn, sự chán nản chỉ còn dành cho chán chính mình, nói nhỏ lại, là không bao giờ bằng lòng với mình, luôn luôn đi về phía trước. Với hồi âm ấy, khi nhận được bao giờ cũng là những khích lệ rất đáng mừng.
Tôi đã viết trong 15 năm cuộc đời, nhưng kết quả còn lại chỉ là trong vòng từ 1970 đến nay, với 1 số lượng những trang viết khá lớn, cái đó đã thực sự tôi rèn nên tôi và đã thực sự làm tan biến đi những ảm đạm cuộc đời, mà động lực chính của nó là: Tôi đã KHÔNG BAO GIỜ CHÁN NẢN. Soi gương vui cả mặt gương/ Tình yêu nhón một cánh chuồn chuồn bay…(Thơ BNN)
Bay đi, bay đi, con chuồn chuồn chán nản.

@

Sách Thủng thẳng với Thơ / Ba tác giả NNB/ LPL và Nguyễn Lý Phương Ngọc
NXB Văn Học 2011.
.
Lyphuonglien.blogspot.com giới thiệu 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét