LỜI GIỚI THIỆU
Tôi đi dạy học ngày cuối tuần, trên đường đi qua vài làng nhỏ, ở làng nào tôi cũng nhìn thấy những phụ nữ Viêt Nam bán hoa. Ngày nắng, rét, mưa, tuyết đều nhìn thấy họ. Đặc biệt người phụ nữ có hàng hoa cạnh cây cổ thụ là mẹ của ba đứa con học trong lớp tiếng Việt tôi dạy. Tôi rất xúc động khi biết điều này, xin gửi tặng những cô "Cò" chăm chỉ hết lòng vì con.
THÂN CÒ XỨ TUYẾT
Dưới bóng cây cổ thụ đầu làng
Xung quanh vài cửa hàng thưa thớt
Người phụ nữ làn da tái nhợt
Bên hàng hoa rét mướt giá băng
Nửa khuôn mặt dấu trong chiếc khăn
Tay run run lật từng trang báo
Mỏi mắt kiếm tìm nơi ẩn náu
Trên quê hương biển bạc rừng vàng
Nơi xứ người sống kiếp lang thang
Thân phận "Cò" dọc ngang xứ tuyết
Tê dại đôi chân trong giá rét
Giữ hoa tươi làm đẹp cho đời
Dấu nỗi lo tươi tắn chào mời
"Nào thượng đế hoa tươi lắm đó
Tôi đem thân mình che chắn gió
Ủ trong tim hoa chẳng héo đâu"
Trong gió mưa bão tuyết trời Âu
Những cô "Cò" lặn hụp dãi dầu
Không quản tuyết, sương cùng tuổi trẻ
Ký ức quê hương chẳng nhạt màu
Bài học xưa: Đất nước đẹp giàu
Ruộng phì nhiêu cò bay thẳng cánh
Sao "Cò" vẫn kiếm tìm đất Thánh
Vượt biển, sông để đến nơi này
Trong giá băng không quản tháng ngày
Mong đem đến cuộc đời ấm áp
Bài học xưa: Đất nước đẹp giàu
Ruộng phì nhiêu cò bay thẳng cánh
Sao "Cò" vẫn kiếm tìm đất Thánh
Vượt biển, sông để đến nơi này
Trong giá băng không quản tháng ngày
Mong đem đến cuộc đời ấm áp
Tâm hồn trẻ thơ không bão táp
Học câu ca dao "Thẳng cánh cò"
"Con cò lặn lội" trời Âu
Tuyết rơi mù mịt về đâu hỡi "Cò" ?
Tuyết, sương "Cò" chẳng thấy lo
Chỉ lo hoa hỏng thì "Cò" trắng tay.,.
Thanh Giang (Chemnitz, CHLB Đức)
ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN “THÂN CÒ XỨ TUYẾT”
Con cò đã đi vào thơ ca Việt Nam ta từ lâu lắm rồi. Nó đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho người phụ nữ lam lũ, tảo tần ở nông thôn :
Con cò lặn lội bờ sông
Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non
( Ca dao )
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo xèo mặt nước buổi đò đông
( Tú xương)
Nay, đọc bài thơ "Thân cò xứ tuyết" của nhà thơ Thanh Giang, tôi cảm thấy xót thương hơn cho người phụ nữ Việt Nam phải tha hương, cầu thực ở nơi đất khách, quê người, sương rơi, tuyết phủ :
Người phụ nữ làn da tái nhợt
Bên hàng hoa rét mướt giá băng
Nửa khuôn mặt dấu trong chiếc khăn
Tay run run lật từng trang báo
Chỉ vài nét phác họa bằng ngôn ngữ thế thôi, mà đã tê tái lòng người cảm nhận – Một phụ nữ “da tái nhợt” tay “run run” vì rét! khó ai cầm lòng nổi khi đọc tiếp những câu thơ sau:
Nơi xứ người sống kiếp lang thang
Thân phận cò dọc ngang xứ tuyết
Tê dại đôi chân trong giá rét
Giữ hoa tươi làm đẹp cho đời
Từ con người, tác giả đã vật cách hóa sang thân phận con cò, xoáy vào tâm can người đọc, làm ta càng xót xa, thương cảm cho thân phận nhỏ nhoi, yếu ớt, mỏng manh mà phải gồng mình trong sương, tuyết “Tê dại đôi chân trong giá rét” để:
Giữ hoa tươi làm đẹp cho đời
Chao ôi! Người và cò, cò và người tưởng như không còn khoảng cách trong kiếp sống lang thang, dọc ngang nơi xứ tuyết, tội nghiệp biết chừng nào! Xin hãy nghe lời mời chào khách hàng
Nào thượng đế hoa tươi lắm đó
Tôi đem thân mình che chắn gió
Ủ trong tim hoa chẳng héo đâu"
Thật tình, đọc đên đây, tôi nhức nhói tim đau. Phụ nũ Việt nam dưới trời Âu vất vả thế này sao? Coi sức khỏe của mình không bằng một gánh hoa? Một bó hoa? Một bông hoa ư? Không! Đó là sự cao đẹp của tấm lòng vị tha, hy sinh của một người mẹ đối với những người con (Như lời giới thiệu của nhà thơ Thanh Giang). Cái ăn, cái mặc của con là ở những bó hoa này đây, mẹ phải đem thân mình che tuyết, chắn sương để mang lại cuộc sống cho con. Tim mẹ có thể héo, nhưng hoa thì phải tươi, tươi như như nụ cười của các con yêu. Hiểu như thế, ta mới thấm thía khổ thơ kết :
"Con cò lặn lội " Trời Âu
Tuyết rơi mù mịt về đâu hỡi Cò ?
Tuyết, sương “Cò” chẳng thấy lo
Chỉ lo hoa hỏng thì “Cò” trắng tay !
Khổ thơ kết đưa ra cho chúng ta một câu hỏi lớn: "Về đâu hỡi cò"? Phải chăng, đây là nỗi lo cho những “Thân cò xứ tuyết” của nhà thơ Thanh Giang, xuất phát từ tấm lòng yêu thương những con người cùng quê hương, xứ sở - Một quê hương cũng rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu !
Cám ơn nhà thơ Thanh Giang đã phác họa bằng ngôn ngữ một bức tranh tả thực số phận một con người, tâm trạng một con người, nhân cách một người rất điển hình cho phụ nữ Việt Nam- Hay lam, hay làm, chịu thương, chịu khó và sức chịu đựng quả thực rất phi thường.
Xin được trân trọng và đồng cảm với với nhà thơ !
.
Hoàng Tấn Đạt
.
Thơ Thanh Giang/ Bình: Hoàng Tấn Đạt
Bài nhận qua eMail.
Bài nhận qua eMail.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét