Thứ Năm, 22 tháng 3, 2012

Cựu binh Úc và 40 năm dằn vặt vì lưu giữ bài thơ của người lính Việt

Một cựu binh Úc từng tham gia chiến tranh Việt Nam đã lưu giữ bài thơ của một người lính Việt Nam trong suốt 40 năm và canh cánh, khắc khoải chừng đó năm về người lính, về bài thơ, về cuộc chiến mà khi tham gia ông chỉ có những hiểu biết "nhảm nhí".

Wildeboer của hiện tại.
Vào thời gian cựu binh Úc tới Việt Nam, một trong những “kẻ thù” bên kia chiến tuyến của ông được cử ra trận đã dừng lại sau một đêm hành quân. Người lính ngồi xuống, mang cây bút và cuốn vở học sinh ra và viết lên đó một bài thơ. Người lính đã gọi đó là “Lá thư xuân” và gửi nó cho “tình yêu của tôi nơi quê nhà”.

Tình yêu của người lính không bao giờ được thấy bài thơ và nét vẽ tinh tế trên đó. Nhưng binh sỹ Úc đã được thấy, mặc dù ông không thể đọc, nhưng hiểu rõ ý nghĩa lớn lao của bài thơ.

Ngoài tình yêu, người lính Việt Nam viết về nghĩa vụ yêu nước thiêng liêng của mình, về mặt trận, về đêm trước cuộc chiến mà anh hi vọng sẽ đánh bại được giặc ngoại xâm, chúng sẽ “bị chôn xuống bùn đen”. Anh đã viết bài thơ bằng nét chữ nghiêng phóng khoáng, trang trí bên trên bài thơ bằng một bức vẽ với con chim nhỏ đậu trên cành cây mảnh dẻ nở đầy hoa.

Người lính Việt Nam đã không sống để được thấy những gì anh mong ước, thậm chí khi giặc ngoại xâm đã bị đánh đuổi. Anh có thể đã nằm trong đất mẹ.
 
Lá thư Xuân trong cuốn sổ của người lính họ Phan.
Người lính Úc cũng không được chứng kiến chiến tranh kết thúc. Đến nay ông vẫn không được thấy, mặc dù vẫn sống và đã trở về nước, mang theo bài thơ của người lính bên kia chiến tuyến.

Người lính Úc đó là Laurens Wildeboer. Ông đến miền nam Việt Nam vào tháng 1/1968, khi 20 tuổi, để ở bên kia chiến tuyến của Việt Cộng. Phan Van Ban, người lính viết bài thơ, là một trong những chiến sỹ Việt Cộng. Tháng 1/1968, anh cũng 20 tuổi.

Vào thời điểm người lính viết “Lá thư xuân”, lực lượng Việt Cộng đang tiến hành một cuộc tổng tấn công khắp đất nước, cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Cuộc chiến đã khiến nhiều chiến sỹ Việt Cộng ngã xuống, song quy mô và sức tấn công của nó đã khiến quân Mỹ (và cả Úc) choáng váng và nó đã trở thành ngã rẽ chính trị quan trọng trong cuộc chiến.

Wildeboer chưa bao giờ gặp người lính Phan Van Ban đó, và mới gần đây ông vẫn không hề biết tên của anh, nơi anh sinh, liệu anh có gia đình hay không – mặc dù ông đã canh cánh suốt 40 năm.

Nhưng trong suốt 40 năm ấy, ông đã giữ bài thơ viết tay của người lính Việt Nam, một cuốn sổ với chi tiết về cuộc đời anh, cùng một chiếc khăn quàng, mà ông nhặt nhạnh từ chiến trường người lính họ Phan đó ngã xuống vào tháng 3/1969.

Wildeboer, giờ đây đã 64 tuổi và đang sống ở Kyneton cùng với vợ Roni. Việt Nam, cuộc chiến không bao giờ nguôi ngoai trong ông. Đến cuối tháng này, ông sẽ trở lại Việt Nam, đất nước ông đã lần đầu tiên đặt chân đến từ 43 năm trước.

Ông sẽ mang theo cuốn sổ và chiếc khăn, bởi giờ đây ông đã biết người lính Phan là ai. Ông biết người lính Phan có một gia đình, và mẹ người lính Phan vẫn còn sống. Tên bà là Nguyen Thi Hieu, hiện đã 85 tuổi. Ông sẽ trả lại cho bà những gì của con trai bà. Ông hi vọng bà sẽ được an ủi phần nào và bản thân ông sẽ được thanh thản đôi chút.

Hành trình đến với bài thơ
Trong cuốn sổ tay của người lính Phan còn có những bài thơ khác, một trong số đó được sáng tác vào năm mới 1966.
Làm thế nào Wildeboer có được và giữ được những bài thơ của người lính Phan là cả một câu chuyện. Và làm thế nào những cựu binh Việt Nam có thể tìm ra danh tính và tìm ra gia đình người lính họ Phan lại là một câu chuyện khác.

Năm 17 tuổi Wildeboer gia nhập quân đội vì hiếu kỳ. Ông không hề có chút khái niệm nào về cuộc chiến đang bùng nổ ở Việt Nam. “Tôi không biết gì hết”, ông nói. “không một chút nào. Tôi không biết rằng một số kẻ nhẫn tâm thực ra muốn đưa tôi đến một cuộc chiến và cuối cùng là bắn vào mọi người”.

Tất cả những gì ông biết là những gì ông được nói: “Tất cả những chuyện nhảm nhí về mối đe dọa của Việt Cộng, những từ xúc phạm họ dùng để làm mất tính người trong cuộc huấn luyện của họ”.

Tại Việt Nam ông ở trong đội Kỹ sư điện máy hoàng gia Úc, sửa chữa và bảo dưỡng những hiệt bị lớn, như xe tăng. Nhìn nhận của ông về cuộc chiến bắt đầu thay đổi và ông bị giằng xé giữa những gì đã được dội vào tai khi huấn luyện và những gì thực sự nhìn thấy. Ông đã tự nhủ: “tôi chỉ là du khách”. Và đó là cách ông tự tách mình ra khỏi những gì đang diễn ra xung quanh ông.

Vào tháng 3/1969, ông đóng gần căn cứ Mỹ ở Long Bình, đông bắc Sài Gòn khi đó.

“Chúng tôi ở đó vài ngày và có rất nhiều cuộc giao tranh xảy ra. Một ngôi làng địa phương đang bị tấn công. Tất cả những thứ vớ vẩn này lởn vởn quanh đầu tôi…”, ông dừng lại.

“Tôi nghĩ sáng hôm sau khi lính bộ binh trở lại, tôi nghĩ họ là người Australia, sẽ có một đống đồ họ để lại gần căn cứ của chúng tôi. Và chuyến du lịch của tôi sắp kết thúc. Tôi nghĩ tôi sẽ vớ một số đồ.”

Đồ mà ông nói đến gồm cả vũ khí, ba lô của những người lính bên kia chiến tuyến được lấy từ chiến trường. Cũng có cả những cuốn nhật ký có thể hữu ích cho thông tin tình báo. Nhưng một cuốn sổ thơ và những hình ảnh đẹp không có giá trị cho quân Mỹ, Úc.

“Tôi đã giở qua những cuốn sổ”, Wildeboer. “Tôi chỉ nhìn vào đó và ngay lập tức cảm thấy tình người ẩn chứa bên trong. Nhìn vào những nét bút tuyệt đẹp và bài thơ, tôi càng bị thôi thúc: “Tại sao chúng tôi ở đây, gây ra sự đổ vỡ này?”

Nhưng ông đã ở trong quân ngũ đến tận năm 1985, về hưu sau 20 năm và 3 ngày phục vụ. Năm 1992, ông bị chẩn đoán rối loạn stress hậu sang chấn.

Nỗi dằn vặt 40 năm
.
 
Wildeboer trong một lần chuẩn bị đi tuần ở Việt Nam năm 1968.
Trong suốt bấy nhiên năm, ông đã canh cánh về người lính đã viết những bài thơ. Ông đã canh cánh làm thể nào để có thể gửi lại những cuốn sổ tay và chiếc khăn cho người đáng giữ chúng.

Rồi sau đó, vào khoảng ngày Anzac (25/4) năm ngoái, ông đã đọc được bài viết trên tờ The Sunday Age về công việc của những cựu binh như ông, hiện giờ là những nhà nghiên cứu khoa học. Họ đã làm bản đồ mộ của những người Việt Nam đã chết và khuyến khích các cựu binh trả lại thư, nhật ký cùng ảnh họ đã lấy trong chiến trường.

Các nhà nghiên cứu là Bob Hall và Derrill de Heer tại trung tâm nghiên cứu xung đột vũ trạng và xã hội Úc tại Đại học New South Wales, tại Học viện quốc phòng Úc.

Vì vậy Wildeboer đã liên hệ với họ. Đổi lại, họ cho ông gặp Ernie Chamberlain, nhà ngôn ngữ tiếng Việt, cựu thiếu tướng và từng làm tình báo trong quân đội Úc.

Chamberlain đã giúp xác định danh tính, đơn vị của người lính Phan, đơn vị trinh sác đặc nhiệm được biết đến với cái tên C205.

Người lính Phan tham gia du kích năm 1963, tự miêu tả mình là một “nông dân nghèo”. Và cuốn sổ ghi những chi tiết cá nhân có tên của cha mẹ người lính. Người lính đã được nhận giấy khen trong trận chiến chống Mỹ vào năm 1967. Anh em trai của người lính Phan, cũng là một chiến sỹ Việt Cộng, đã hi sinh trong cuộc chiến năm 1965. Và người lính đó thú nhận có hai điểm yếu: “dễ buồn” và “dễ nóng giận”.

Những nhà nghiên cứu đã liên lạc tiếp với một thượng tá về hưu ở Việt Nam, Nguyễn Thị Tiến, người dành suốt nhiều thập niên qua để tìm kiếm những người đã mất trong chiến tranh và trả lại hài cốt cho gia đình họ.
 
Người mẹ của người lính họ Phan trong bức ảnh chụp cùng con cháu bà.
Từ Hà Nội, bà xác nhận danh tính của người lính Phan và cho biết mẹ anh vẫn còn sống. Ngoài ra bà còn có 2 người con gái và 2 cháu gái. Song bà rất yếu và gần đây đã phải nằm viện.

Do bà đã cao tuổi, nên rất cần phải trả lại những vật dụng của con trai bà ngay. Với Wildeboer, việc tìm lại được người thân của người lính Phan đã giúp ông vượt qua được mặc cảm tội lỗi ông mang từ trong chiến tranh, mặc cảm khiến ông không dám trở lại Việt Nam.

Khi được hỏi ông cảm thấy có lỗi về điều gì, ông nói: “Sự đổ vỡ. Giết chóc ở một nước Thứ Ba, hầu hết là làng mạc. Chúng tôi đã đi qua và dùng tất cả những thiết bị đồ sộ và tinh vi của chúng tôi. Chúng tôi lái qua những cánh đồng lúa, hất đổ hàng rào. Chúng tôi phá hủy làng mạc của họ. Hủy hoại người dân còn kinh tởm hơn”.

Khi được hỏi khi nào ông sẽ trở lại, ông cho biết: “Rất khó nói. Nhưng đó là điều tôi phải làm, cố tìm chút bình yên, giống như bạn, bởi trong tôi không có nhiều bình yên”.

“Khi Derrill de Heer nói với tôi họ đã tìm thấy người mẹ, điều quan trọng nhất với tôi là trả lại những cuốn sổ cho bà. Liệu điều đó kỳ lạ hay không, tôi không biết là dùng từ gì, nhưng tôi đã có mối liên hệ này và tôi muốn trả lại những thứ đó cho người mẹ, cho gia đình”.

Wildeboer cũng được vợ Roni động viên. Bà có mối liên hệ với Việt Nam theo cách riêng, với tư cách là người thành lập “Các nghệ sỹ mồ côi”, một tổ chức từ thiện gây quỹ cho những em nhỏ mồ côi Việt Nam.

Bà muốn ông thực hiện chuyến đi, nhưng bà cũng rất lo lắng. “Tôi lo cho ông ấy”, bà nói. “Nhưng tôi hi vọng ông ấy sẽ tới đó và thấy “Ồ, Việt Nam thật đẹp”. Tôi hi vọng điều đó sẽ cho ông ấy chút thanh thản”.
 .

Vũ Quý
 Theo The Age 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét