Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

HẦU CHUYỆN THI HÀO NGUYỄN DU



HẦU CHUYỆN THI HÀO NGUYỄN DU

 NGUYỄN ANH TUẤN

Nguyễn Du: Cậu đừng hoảng hốt lên như thế... Bản thân ta đâu có gì đáng sợ... cả những gì cậu sẽ nghe thấy đêm nay cũng vậy...
- Vâng...vâng...thưa...thưa cụ...thưa đại thi hào...
Nguyễn Du: Sinh thời, mọi người vẫn gọi ta là "Thanh Hiên Nguyễn tiên sinh"...  Đêm nay, ta không chỉ đến trò chuyện với cậu, ta còn đến với tất cả những ai mà ta có thể tìm thấy dù chỉ một thoáng tri âm... Ta đã từng sống nhiều trong cảnh "Ai tri âm đó mặn mà với ai", từng trăn trở không hiểu ba trăm năm sau nữa có người nào rỏ lệ cho ta- đúng hơn là khóc cùng ta trước nỗi khổ đau của nhân quần hay không...
- Vâng, thưa cụ... thưa Thanh Hiên Nguyễn tiên sinh... Không phải đợi đến ba trăm năm đâu ạ...
Nguyễn Du: Phải, ta đã biết điều đó...Và ta còn được biết thêm, trong thời buổi của cậu, không thiếu người có ít nhiều chữ nghĩa mà lắm tự trọng, lại "dư nước mắt khóc người đời xưa" phải ôm mối hận giống ta, phải chịu cảnh "Thân lươn bao quản lấm đầu / Chút lòng liêm sỉ từ sau xin chừa"... Dù sao thì với loại người đáng thương và cũng rất đáng trọng này, ta sẽ lập thêm danh sách vào bản Văn chiêu hồn buồn thảm của ta, nó sẽ là Chiêu hồn thập nhất loại chúng sinh chẳng hạn! À, nói tới Văn chiêu hồn, ta cảm thông với nỗi thất vọng của cậu khi định làm phim về Chùa Diệc ở thành phố Vinh- ngôi chùa duy nhất đã lưu giữ văn bản của thiên Quốc âm này mà từ đó, nhờ thầy Lê Thước mọi người mới được biết tới, nhưng khi tìm đến nơi thì chùa đang bị dỡ ra ngổn ngang để trùng tu. Chẳng hiểu Chùa Diệc có rơi vào thảm cảnh tựa rất nhiều di tích khác hay không? Ta hy vọng sẽ không phải rỏ lệ máu lần nữa dưới mồ sâu để viết chiêu hồn cho Chùa Diệc...
- Thưa Thanh Hiên Nguyễn tiên sinh, theo thiển ý của con thì có nhiều điều đáng lo hơn ạ, ví như chuyện người dân Quảng Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh hiện đang sống trong cảnh màn trời chiếu nước thực thương tâm...
( Hình như có tiếng thở dài nhẹ )
Nguyễn Du: Ai dám quả quyết rằng: cái cảnh ngộ đau lòng ở miền trung đó không có mối quan hệ nhân quả nào với việc hành xử vô đạo, vô văn hóa đối với di sản quá khứ, đối với tài sản thiên nhiên, và đối với thân phận của chính đồng bào mình? Không phải là cậu cũng vừa nhìn thấy hàng đống gỗ quý bị chặt vô tội vạ trôi từ thượng nguồn sông Cả về vùng lũ đấy sao, chúng đâu phải để dùng làm cột đình chùa mà để làm giàu cho bao kẻ bất lương sống bằng máu của rừng!... Hồi ta trở về quê sau nhiều năm gió bụi trốn chạy chui lủi, ta có lên núi Hồng để tạm lánh thời cuộc nhiễu nhương biến động. Dù sống trong cảnh "đói không tìm ra cái ăn, rét không tìm ra cái mặc", còn "sách chỉ dùng để kê lưng cho khỏi đau xương", ta cũng đã được ngao du sơn thủy nơi non xanh nước biếc mê hồn, tự làm nhà để ở ẩn, tự xưng là Phường săn núi Hồng và Nhà chài biển Nam...Trong thời đau đớn nhất đó của ta- "Hồng Lĩnh vô gia, huynh đệ tán"- dưới chân Hồng Lĩnh gia đình không còn, anh em ly tán, ta đã viết được thiên Đoạn trường tân thanh tâm đắc cũng nhờ rất nhiều ở vùng non nước cẩm tú này...

- Vâng, có một chiều thu trên quê hương cụ, con lặng ngắm núi Hồng sông Lam và chợt nghĩ: phải chăng đây chính là một trong những ngọn nguồn sinh ra những viên ngọc thi ca như thế này của nước Việt: "Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc, non phơi bóng vàng"...
Nguyễn Du: Đừng ngắt lời ta!... Chao, khi đó trên dải Hồng Lĩnh và khắp núi non vùng Châu Hóa rừng vẫn bạt ngàn rậm rịt!... Ta không thích chốn quan lại vào luồn ra cúi, nên mấy lần xin về mà cậu cháu Nguyễn Hành của ta gọi đó là "dũng thoái"; nhưng dù sao ở các thời Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức cũng có những bộ luật nghiêm khắc với việc bảo vệ rừng đầu nguồn... Quê hương Tiên Điền của ta, vào đầu thời Lê còn là bãi bồi hoang vu, người thưa thớt, nằm ven bờ sông Cả - Lam Giang, mang cái tên buồn thảm Vô Điền (không ruộng), U Điền (ruộng hoang dại). Họ Nguyễn Tiên Điền ta vốn gốc ở huyện Thanh Oai xứ Đoài. Cụ tổ ta, Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm- cháu của trạng nguyên Nguyễn Thiến thời nhà Mạc là người đầu tiên vào Tiên Điền cuối thế kỷ XVI để sinh cơ lập nghiệp, hướng dẫn cư dân trong vùng đắp đê, ngăn mặn, biến mảnh đất cằn nơi đây thành cánh đồng xanh tốt... Còn ta nhận lời ra làm quan triều Nguyễn, trước hết là vì sinh kế, nhưng khi đã buộc phải làm "phụ mẫu chi dân" thì chỉ còn biết tìm mọi cách để xứng với cái danh vị ấy! Điều này có căn rễ từ phụ thân ta, một vị quan nhất phẩm qua các triều đại; không chỉ là một vị quan công chính thanh liêm mà còn là một người người cha mẫu mực, đã khổ công dạy dỗ rèn cặp con cái nên người! Trong nhà Tư Văn do cha ta dựng có đôi câu đối đáng nhớ: Lễ nghĩa môn đăng học thường chi/ Cương thường chi huấn ghi văn dạ ( Lễ nghĩa thì phải chăm học/ Đạo cương thường phải luôn ghi nhớ. ) Đàn tế và bia đá tưởng niệm ông nội ta- cụ Nguyễn Quỳnh do cha ta và con cháu dòng họ Nguyễn Tiên Điền dựng có chữ khắc trên đầu bia: Hồng nguyên tuấn lưu - Nguồn lớn dòng mạnh. Hai bên mặt bia có câu đối: Cảm thời tuy nhật nguyệt /Truyền ngữ thử giang sơn (Khi tưởng nhớ đến cứ dõi trông vầng nhật nguyệt/ Những lời truyền dạy sống mãi với núi sông này). Ta luôn luôn tự hào về dòng họ, về gia đình, và vì vậy lại càng thêm xót xa trước sự suy đồi của phong hóa, của đạo lý từ trong tế bào gia đình tới thượng tầng xã hội - suốt trong thời của ta cho đến tận thời của cậu! Chuyện mua bán bằng cấp chức vụ trắng trợn, chuyện không ít kẻ có quyền thế lẽ ra phải biết xót thương dân thì lại tàn nhẫn cưỡng bức dân lành, đổi trắng thay đen, chỉ chăm chăm vơ vét cho bản thân, rồi chuyện mẹ hành hạ con như kẻ thù, con giết cha, thầy hãm hiếp trò... khiến những cánh bướm chết khô muốn vĩnh viễn yên thân cũng phải rùng mình vụt bay khỏi sách của ta, và ta thì suýt nữa phải viết "Phản chiêu hồn" cho chính ta khi muốn đội mồ vùng dậy kêu trời!
- Thưa cụ... thưa Thanh Hiên Nguyễn tiên sinh! Con hiểu nỗi niềm của tiên sinh khi kêu gọi hồn của Khuất Nguyên đừng trở về nơi ai ai cũng là kẻ gian nịnh hãm hại trung thần như Thượng quan, nơi đâu đâu cũng có sông Mịch La để Tam Lư đại phu phải trẫm mình phẫn uất... Dù vậy, con cũng thấy run người trước những lời lẽ nghiêm khắc chất chứa căm giận của Người... Nhưng... Vì đâu nên nỗi ạ?
Nguyễn Du: Cậu hỏi như vậy thì tức đã có sẵn câu trả lời, nhưng cậu cũng mắc vào cái thói thường của người đời là sợ mang họa vào thân! Cậu thử nhìn lại mình đi, cũng mang tiếng là trí thức đấy nhưng có thoát được vòng tục lụy của phường "giá áo túi cơm", của bầy người "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" không?!
( Sau một lúc im lặng )
Cậu đừng vội tự ái! Ngay cả ta thời làm Tri phủ Thường Tín, làm Cần chánh điện học sĩ, rồi làm Hữu Tham tri bộ lễ cũng nhiều khi phải "cười khóc theo đời buổi loạn lạc" (tiếu đề tuẫn tục can qua tế ), phải nương vào cái lý "mọi người say chỉ mình ta tỉnh" của cụ Khuất Nguyên để lẩn tránh những điều ngang tai trái mắt, thực ra là mua lấy hai chữ "yên bình" cho bản thân! Chẳng lẽ "Chữ Trinh còn một chút này/ Chẳng cầm cho vững lại dày cho tan"? Nhưng muốn làm "một viên ngọc trong đá giữ nguyên được bộ mặt thật" ( thái phác bất toàn chân diện mục) thì khó xiết bao! Ta cảm thông với cậu lắm...
- Vâng, con cảm ơn cụ... cảm ơn Thanh Hiên Nguyễn tiên sinh...
Nguyễn Du: Đừng vội cảm ơn ta! Ta đã nói hết đâu! Không lẽ cứ hèn nhát buông tay đứng nhìn rồi thở than? Ta vốn chỉ là kẻ bị giam trong lồng cũi không tìm được phóng khoáng tự do (Thử thân dĩ tác phàn lung vật/ Hà xứ trùng tầm hãn mạn du?), và chỉ còn sống bằng nỗi thất vọng: "Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ Hùng tâm sinh khí lưỡng mang nhiên" - Tráng sĩ đầu bạc ngẩng nhìn trời, lòng bi đát/ Hùng tâm và sinh kế, cả hai đều mờ mịt như nhau... Đó là số phận của ta, số phận của cả Đất Nước lúc bấy giờ! Còn thời của cậu giờ khác xa thời của ta lắm rồi! Cậu đương sống trong một thế giới mà ở đó mọi giá trị đều có thể và cần được kiểm nghiệm, sàng lọc khắt khe giữa thanh thiên bạch nhật- điều mà lúc sinh thời ta chưa thể nghĩ tới! Và mong rằng nỗi xót đau bi phẫn của ta sẽ trở thành một sức mạnh tinh thần hữu ích dành cho hậu thế - trong đó có cậu! Hãy nuôi chí chim bằng! Và hãy đừng bao giờ để nguội lạnh lòng xót thương trước nỗi bất hạnh của đồng loại, đồng bào! Có thế, cậu mới góp được thiết thực mồ hôi trí não của cậu vào một đại nghiệp khả dĩ làm cho cái cảnh lũ chồng lũ đau đớn kia cùng bao nỗi thương tâm khác phải lùi dần vào dĩ vãng!
- Thưa Thanh Hiên Nguyễn tiên sinh! Tháng trước về quê hương của cụ, con được nhà thơ trẻ Vân Huyền- một người của dòng họ Nguyễn Tiên Điền đưa tới thăm bến Giang Đình... Dòng sông Lam ngày đêm soi bóng núi Hồng Lĩnh như còn văng vẳng nỗi u hoài của cụ gửi trong bao vần thơ viết trên bến sông này: "Bách niên đa thiểu thương tâm sự " - Cuộc đời trăm năm biết bao chuyện thương tâm... Nhưng, chính cụ khi xa quê hương cũng lại từng viết: "Thi thành thảo thụ giai thiên cổ"-  Bài thơ làm xong, cỏ cây (nơi này) cũng trở thành bất tử... Con thấm hiểu: nỗi lo lắng thương đời mênh mông, niềm trăn trở trĩu nặng đối với vận mệnh giống nòi của cụ đã khiến sự nghiệp văn chương của cụ trở thành bất tử, và cũng góp phần làm bất tử sông núi quê hương Việt Nam...
Nguyễn Du: Ta không cảm ơn cậu bởi những lời tụng ca quen thuộc đó đâu! Nhưng ta và cậu phải ngàn lần cảm ơn sông núi quê hương của chúng ta...
 NGUYỄN ANH TUẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét