Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

THANH TÙNG MỘT TRÁI TIM CHƯA HỀ MỆT MỎI



THANH TÙNG MỘT TRÁI TIM CHƯA HỀ MỆT MỎI

Lê Thiếu Nhơn

Mải mê những cuộc trôi dạt, Thanh Tùng không có cơ hội ngồi xuống đọc lại tác phẩm bản thân một cách nghiêm túc, nên tập thơ “Thời hoa đỏ” ( 2000) và tập trường ca “Phương Nam hành” (2005) xô bồ và ngổn ngang như những thân cây xù xì che hết chất liệu gỗ quý. Nhắc đến Thanh Tùng, công chúng nhớ ngay “Thời hoa đỏ” vì đã được phổ nhạc. Tuy nhiên, ca khúc nổi tiếng với niềm xao xuyến “mỗi mùa hoa đỏ về, hoa như mưa rơi rơi” ru hời không ít khách tri âm nhàn hạ ấy đã không chuyên chở được nỗi xao xác lớn nhất của Thanh Tùng ẩn khuất ở bốn câu “Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ/ Không cho ai có thể lạnh tanh/ Hoa đặt vào lòng ta những vệt đỏ/ Như vết xước của trái tim”. Dù “Thời hoa đỏ” lừng danh đấy, nhưng cái cơ duyên run rủi ấy không phản ánh được toàn bộ phẩm vị thơ Thanh Tùng.

Không được mài giũa bởi bản lĩnh thẩm mỹ và năng lực trí tuệ, Thanh Tùng trình bày một lối thơ nguyên sơ được vọt khởi tùy hứng, triển khai tùy hứng và kết thúc tùy hứng. Thơ Thanh Tùng phi kỹ thuật, cấu trúc mỗi bài mông lung thường được cộng hưởng bởi câu thơ đột ngột tinh tế và ý nghĩ quyết liệt đớn đau, thỉnh thoảng lại thêm lời cảm thán não nùng. Ví dụ, bài thơ “Hà Nội” mà nhạc sĩ Phú Quang mượn hồn vía viết thành bài hát “Hà Nội ngày trở về”, có câu lấp lánh “quán ngập lá và mắt em đen thế/ rượu không say chỉ đủ để buồn thôi”, có câu dữ dằn “Hà Nội ơi, tôi đã cất giữ người cẩn thận/ như dưới làn da kia dẫu đã héo nhàu máu vẫn âm thầm chảy” và có cả câu gân guốc “mỗi lần ra đi/ nặng nề như có chửa”. Về mặt văn bản học, khó tin ba câu thơ trên cùng một người viết, nhưng đó mới thật là Thanh Tùng.

Bên cạnh những câu mỏng mảnh Tây Thi như “những vòm liễu nhúng chiều vào đáy nước”, “chiếc lá rơi vẽ lối sang chiều/ đưa tóc em về đường gió khóc” hoặc “bông lau tím lật qua chiều đông tái/ cho tôi quên cả lối đi về”, Thanh Tùng cũng có những câu ầm ĩ Trương Phi như “tôi căng mình xé nước phóng khơi xa”, “tôi khô cháy lên rồi lê lết dưới trời Nam” hoặc “tôi muốn nuốt cả bụi đường trên phố/ cả mảng tường long lở nắng mưa”. Thậm chí nhiều khi nêm nếm quá đà sự mộc mạc và sự hung hăng, Thanh Tùng bày ra nhiều câu khô nhám không mấy thân thiện vẻ đẹp thi ca như “tôi bẹp dí như mảnh lá ướt nhàu” hoặc “tôi quỳ cho mắt em tưới xuống”. Chưa hết, lâu lâu cuộc hôn phối trớ trêu giữa kiều nữ Tây Thi và vũ phu Trương Phi lại đẻ thêm vài câu nức nở lạc lõng như “Ôi đến lúc sợi tơ cuối cùng không giữ nổi” hoặc “Ôi, mỗi ngày như một mũi tên trong suốt xuyên qua tôi có sang tới em không” và nếu không “ôi” thì cực kỳ cải lương “Hai trái tim, hai trái đầu mùa/ Đung đưa vọng vang giữa thánh đường tình ái”.

Đôi khi bạn đọc cảm thấy thơ Thanh Tùng có nhiều chỗ nhộn nhạo. Hệ lụy không tránh khỏi, đọc thơ Thanh Tùng một vài bài thì trầm trồ, nhưng đọc cả tập thì thấy sự dễ dài, hình ảnh lặp lại, khái niệm lặp lại và cú pháp cũng lặp lại. Đặc biệt, hai chữ xuất hiện với mật độ khá dày trong thơ Thanh Tùng là “máu” và rượu”.  Đành rằng, “máu” và “rượu” cũng cho Thanh Tùng không ít câu thơ hay như “cái gai cũ bây giờ vẫn sắc/ chỉ máu mình đã nhuốm màu buồn” hoặc “những em gái thập thò sau khung cửa/ ánh mắt như màu rượu đã lâu ngày”, khi được đặt vào không gian hợp lý. Thế nhưng Thanh Tùng không biết tiết chế “máu” và cũng không biết tiết chế “rượu”. Nếu muốn đọc thơ Thanh Tùng một cách hệ thống, nhiều khi phải cẩn thận với nỗi ám ảnh loay hoay “máu” và “rượu” mà hồi hộp không kém gì xem các thí sinh Hoa hậu ở phần dự thi vấn đáp lúc nào cũng sẵn sàng điệp khúc… mơ ước hòa bình cho nhân loại! Không thể lấy lý do “thơ có máu của thời bom đạn” để lạm dụng “máu” vô tội vạ, hết “giữa màu cà rốt như máu” lại đến “tôi cứ để ban ngày chảy máu”, rồi đến “tôi gượng đứng lên máu chảy ròng ròng”. Và không thể lấy lý do “một nửa anh là rượu” để đổ tràn “rượu” tung tóe khắp nơi, hết chén chú chén anh “chén rượu truyền cho nhau lửa” lại đến hỏi biển “ở dưới kia là muối hay rượu/ sao tôi lảo đảo thế này” rồi đến khoảnh khắc ngất ngư “giờ ta đang lấy rượu rửa hồn ta”. Bước vào một khu vườn thơ, mà cứ như đi lạc vào rạp chiếu phim bạo lực Mỹ, cứ như ghé nhầm hội quán đệ tử Lưu Linh!

    Tuy nhiên, những khuyết điểm vô tình hoặc tắc trách không thể nào làm lu mờ rất nhiều câu thơ hay của Thanh Tùng. Một vệt ba bài viết về mùa thu, Thanh Tùng chứng minh được khả năng bật sáng ở một thi sĩ thiên phú trước một đề tài tưởng chừng đã rất quen thuộc. Gần thu rạo rực “một mặt lá mùa hè còn níu ở/ mặt kia thoáng đã thu đầy/ ta xanh lại trong ta từng hơi thở/ khi chạm vào thảng thốt heo may”, giữa thu đắm đuối “tôi rỗng ra như chiếc chai đêm qua còn lăn lóc trên bàn/ tôi van đấy, mảnh giậu nghiêng trước cửa/ đừng sắc thế, cứ xước lên mình của gió/ tôi van đấy, mắt em đừng qua nữa/ cứ dày vò tôi cũ như mùa xưa”, tàn thu ngậm ngùi “mắt ta phai dần khi hơi thu chớm nhạt/ vườn hoang tan tác bầy chim/ chân giậu nát, hoa cúc tàn ôm xác bướm/ thu lịm dần nơi chính trái tim”.  Cảm xúc thi sĩ bẩm sinh của Thanh Tùng là thứ tài sản quý giá mà không phải người làm thơ nào cũng được sở hữu. Cảm xúc của người trở về rón rén nôn nao “thành phố gầy như ngực mẹ tôi/ tôi không dám mạnh chân sợ mặt đường long nhựa/ không dám cả cười buông thả/ sợ bao vết thương bom đạn vẫn chưa lành”, mà cảm xúc của kẻ ra đi cũng dâng tràn hư ảo “tôi úp mặt dòng xanh ngàn năm/ thả bóng mình lưu lại dấu hôm nay/ tôi giật thột khi tiếng còi tàu rời bến/ như phải dứt ra từ môi người yêu”, vì vậy Thanh Tùng có cách nhận diện buổi chiều độc đáo: “có bao nhiêu chiều trong một chiều/ mà ngổn ngang mặt gió/ có bao nhiêu nhớ hòa trong nhớ/ mà dáng cây nghiêng lệch hoàng hôn”.

Mỗi bài thơ Thanh Tùng như một cuộc vượt dốc, tất cả cảm xúc được huy động để vượt dốc, dừng lại là trượt ngã, dừng lại là tuột xuống. Lắm phen chỉ có mô đất cỏn con mà Thanh Tùng cũng ngỡ dốc dựng đứng, nên dồn lực phóng tới và... chưng hửng nửa chừng. Chẳng hạn, bài thơ “Em và thu” lẽ ra nên đắm đuối trong tám câu: “Chỉ mùa thu mới cất em sâu đến thế/ Sớm nay em bỗng trở về/ Em vụt tới rung cây đổ lá/ Bốc bụi mờ trắng cả bao la/ Nỗi chia xa se lạnh đá bên thềm/ Em đạp lên tất cả/ Rồi ngã vào anh theo cách ngã của mùa thu/ Rồi hôn lên anh theo cách hôn dài của gió” thì bỗng có thêm mười câu sóng xoãi chả đâu vào đâu. Lẽ thường, người viết chủ yếu dựa vào cảm xúc thì không thể viết dài. Trường ca “Phương Nam hành” của Thanh Tùng cũng chia làm 23 đoạn, ngỡ có bố cục rõ ràng, nhưng thực chất lại manh mún và rời rạc. Cả trường ca may ra còn lưu lại hai hình ảnh đáng nhớ, thứ nhất nói về ân tình cá nhân “anh đang ở trong ngôi nhà mà em đã mua bằng giá của cả thời cô đơn thiếu nữ/ chúng ta đã vội vàng gắn kết như nếu không thì lỡ mất chuyến tàu không bao giờ tới nữa”, thứ hai nói về đất đai cưu mang “tôi đã hưởng tự do, công bằng vì tôi biết những thứ quí đó Người đã chia đều như không khí/ Người đã chấp nhận tôi bỏ qua nhiều nguyên tắc, còn tôi đã lấy mộng mơ thay cho bao giấy tờ phiền toái”.

Có thể mường tượng Thanh Tùng sáng tác mỗi bài thơ giống như một võ sĩ dùng cả tứ chi để tấn công đối phương. Theo cấu tạo cơ thể, chân luôn dài hơn tay (hình như trong lịch sử duy nhất nhân vật Lưu Bị thời Tam Quốc có đôi tay dài quá gối mà thôi!) do vậy khi chân đã chạm đối phương thì tay vẫn quơ quào giữa khoảng không. Nghĩa là chỉ đánh được một đòn trúng đích bằng chân, còn tay trở nên thừa thãi. Nếu đạt tầm cỡ cao thủ, sẽ nhoài theo, lấy vai và lưng tiếp thêm chiều dài cho tay nhằm giáng thêm một đòn đích đáng, hoặc thu tay lại để che chắn tấm thân, chuẩn bị tái đấu. Cách nhoài theo trong thơ là chất liệu suy tưởng, còn cách thu tay lại là tích lũy tri thức, cả hai điều Thanh Tùng đều không quan tâm. Sự hụt hẫng ấy còn thể hiện ngay trong thói quen đặt tên từng bài thơ. Hầu hết tên bài thơ của Thanh Tùng được đặt khá tạm bợ, đặt cho có để gọi như “Khóc mẹ”, “Lại khóc mẹ”, “Cầu xin mẹ”, mà người đọc có thể đặt lại theo sở thích lắm lúc còn ấn tượng hơn chính tác giả!

Hành trình Thanh Tùng tìm thơ chìm nổi theo đời ông. Gặp được sự mới mẻ kích thích thì lập tức có thơ. Dễ dàng phát hiện những nơi Thanh Tùng từng ở, từng đến qua thơ ông. Rời thành phố cảng Hải Phòng “mai tôi đi rồi/ để lại đây tiếng búa khắc vào hồn phố/ cùng mộng mơ lảng vảng cuối con đường”, ghé qua Huế “tôi ngỡ mình đang bước trên mặt sông Hương/ tôi sẽ bay lên nếu không có người bạn đón tôi làm đối trọng/ đi trong đêm tôi thầm đoán ra tất cả/ và có thể là sông Hương đang chảy vào tôi”, gặp gỡ sương mù Đà Lạt “một vùng trời trong đến nỗi/ tôi thành vẩn đục mà thôi”, hạnh ngộ nắng gió Nha Trang “em quăng cho con sóng/ lẽ nào tôi không biển/ em ném cho sợi buồn/ lẽ nào không sương khói/ chỉ một chớp hôn thôi/ thì đã Nha Trang rồi”. Năm 1996, Thanh Tùng được đi giao lưu thi ca ở Hy Lạp, và có được bài thơ “Lần đầu ra nước ngoài” viết lúc 61 tuổi nhiều rung động: “Trong tôi nôn nao đầy tiếng sóng/ Tôi đã ở ngoài vòng tay Tổ Quốc/ Giờ thì tôi phải là tất cả/ Từ ngọn cỏ dại quê hương đến máu những anh hùng/ Như người thủy thủ sắp ra khơi kiểm tra lại phần nước ngọt/ Tôi hát thầm bài Tiến Quân Ca”.

Thơ Thanh Tùng thưa vắng sự chiêm nghiệm. Ông cứ áp sát cuộc sống để từng va đập đền bù cảm xúc thi ca “mỗi cơn gió mỏng tơ cũng giật thành cơn bão”. Thơ Thanh Tùng giằng dặc chia lìa và giăng mắc đổ vỡ “em để lại trong tim tôi một mũi dao/ thỉnh thoảng lại nhấn sâu thêm một chút”. Thơ Thanh Tùng hơi rối rắm, nhưng nếu bỏ công gọt dũa và chọn lọc lại khoảng 40 bài, thì những tác phẩm được viết từ “một trái tim chưa hề mệt mỏi” sẽ có được một vóc dáng nhà thơ mà không ít kẻ cầm bút bon chen hưởng nhiều phúc lộc và xưng tụng , ắt cũng phải ganh tỵ đấy!

Sài Gòn, 8-2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét