Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

BẾN SÔNG CHỜ Thơ Nguyễn Khôi. Lời bình Anh Vũ


BẾN SÔNG CHỜ
Thơ Nguyễn Khôi. Lời bình Anh Vũ


BẾN SÔNG CHỜ
(Tặng : Nguyễn Thanh Nhã – Cần Thơ )
——————-
Bến sông ấy ta qua chiều vời vợi
Nước mênh mông trôi nổi đám lục bình
Sông thì rộng, con tàu đi chậm rãi
Trông hoàng hôn mình cũng thấy lênh đênh
Bạn có lìa xóm giềng đi xứ khác
Sóng sông quê trong tâm thức dạt dào
Tóc ai đó hong dưới hàng Phượng đỏ
Tiếng ai hò xối lòng dạ nôn nao
Bao hồi tưởng cho em và cho má
Ở nơi quê vẫn đợi bến sông chờ
Ai lỗi hẹn hận cuộc tình lỡ dở
Để riêng hồn Thi sĩ cất thành thơ
Qua sông Tiền 4-11-1997
Nguyễn Khôi
(Trang 76- tuyển thơ Trai Đình Bảng-nxb VHTT -Hà Nội ,2002)
LỜI BÌNH CỦA ANH VŨ:

Hình như ai cũng có cái tâm cảm chợt thấy mình mềm lòng nơi xứ lạ:
“Trông hoàng hôn mình cũng thấy lênh đênh”. Câu thơ này, người viết có muốn định trước cũng không được. Nhiều khi muốn góp cả đời mình cũng chả đổi được lời xuất thần như thế.
Con người và tình cảm chất chứa trong lòng đã đành,nhưng phải có cảnh ngộ cho ngòi nổ cháy tới (tức cảnh sinh tình là vậy). Nguyễn Khôi đã vẽ ra đúng cái không gian cho câu thơ thật thơ xuất hiện. Ấy là một chiều xuống chậm trên bến sông rộng vừa vào mùa nước. Mặt sóng nổi nênh cuộn trôi từng đám bèo vô định, và “sông thì rộng con tàu đi chậm rãi”. Phải quan sát tinh tế lắm mới nhận thấy con tàu…mà con người dù hối hả bao nhiêu thì vẫn thua tốc độ thời gian và sự thay đổi của thiên nhiên. Chỉ có Thi nhân khi nhập vào với cảnh trí thấm đượm cõi tràng giang, từ trời đất tới hồn người, mới mong có được thơ. May ra thì được thơ hay…
Vậy là, như ý câu thơ cổ “trong một mình bảy tám biệt ly” , Nhà thơ Nguyễn Khôi trong “Bến sông chờ” cũng phân thân phân hồn mình mấy ngả, nào ta, nào bạn, nào má, nào em, rồi nào ai đó, để làm nên một bức tranh đồng hiện, có đủ yêu mến,nôn nao, chờ và cả lỡ dở…Hết mang mang trước mắt một dòng sông đời cuồn cuộn, lại trập trùng vây bủa những đợt sóng xa từ tâm thức. Con sông đây vời vợi vỗ đập cùng “tiếng ai hò xối lòng dạ nôn nao”, thì con sông xa cũng “Sóng sông quê trong tâm thức dạt dào”…
Và, người thơ – người du khách trong chiều sông chờ đợi ấy đã cảm thấu, đã nhận lấy trách phận mình; Để “riêng hồn Thi sĩ cất thành thơ”…
Trong cách thơ Nguyễn Khôi – (thi cách),luôn hướng tới những ý tình chân mộc,đầy đủ, trọn vẹn, thì thi phẩm “Bến sông chờ” lại góp thêm một góc Lạ bởi những nét nhòa, tâm cảnh xa và rộng hơn,
.
Bến sông Thương -Bắc Giang , mùa thu 199

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét