Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

NHÌN THẬT GẦN NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT


NHÌN THẬT GẦN NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT
                     
PHAN THỊ THANH NHÀN

Khi nhà thơ Vũ Từ Trang viết về nhà thơ Phương Thúy, một bạn thơ thân thiết của tôi từ những năm 1975-1980 của thế kỷ trước với bài thơ “Đôi mắt trong tựa ngọc” của chị đã phổ nhạc và được nhiều người ưa thích, rằng hiện chị đang ở “ trại tế bần” mà thực tế là  nhà dưỡng lão, bên Bắc Ninh, tôi gọi ngay cho Hồng Ngát. Chị thở dài: “Em cũng vừa đọc bài của anh Trang. Phương Thúy là em con chú của ông xã em hiện nay mà chị. Hôm nào chị em mình sang thăm chị ấy nhé!”
Và chủ nhật ấy, Hồng Ngát đã đem ô tô của chị đến đón tôi. Hồng Ngát lái xe rất “sành điệu”, và hai chị em đã vừa đi vừa hỏi thăm, mãi mới đến được nơi nhà thơ Phương Thúy đang ở dưới chân ngọn núi có ngôi chùa Phật Tích nổi tiếng. Chúng tôi đã nhắc lại bao kỷ niệm đẹp thủa còn trẻ trung. Năm 1976, tôi vào Sài Gòn, vô tình gặp Phương Thúy ngoài phố, thế là chị kéo tôi đến tổ ấm của chị và anh Tuân Nguyễn ở mạn Thanh Đa, giữ tôi ở chơi mấy ngày. Anh Tuân Nguyễn, một trí thức với đôi kính dày cộm gần như suốt ngày đọc sách, những cuốn sách in bằng tiếng nước ngoài mà tôi nhìn vào chẳng hiểu gì. Thấy tôi có vẻ tò mò, anh ngẩng lên cười rất hiền: “Cuốn này dịch rồi mà, nhưng tôi thích đọc nguyên bản hơn”. Đến thăm anh chị dạo đó, tôi chợt nhớ tới câu “một mái nhà tranh, hai trái tim vàng” vì anh chị sống vất vả, nhưng rất thương mến quí trọng bạn bè, bởi chính họ rất yêu quí trân trọng nhau.

     Trên đường về, Hồng Ngát và tôi ngậm ngùi cho số phận có phần hẩm hiu của nhà thơ Phương Thúy. Hôm ấy Hồng Ngát đã tặng cô em họ bên nhà chồng  một món tiền nhỏ và than: “May mà có chị đi cùng chứ sau lần này, chẳng biết có dịp nào em sang thăm Phương Thúy được nữa không?”

     Hồng Ngát cũng giống tôi, thích tụ tập bạn bè. Chị thường mời các bạn từ miền Nam ra, hoặc các anh đã lớn tuổi, ít có dịp tiếp xúc với bọn làm thơ chúng tôi. Có lần, đến Hội Điện ảnh mà chị đang là Phó chủ tịch thường trực, để lấy cuốn sách mà chị đang cầm, tôi được Hồng Ngát nhất quyết mời đi ăn trưa cùng các đạo diễn nổi tiếng từ miền Nam vừa ra, là   diễn viên - NSUT Lý Huỳnh, đạo diễn - NSND Huy Thành, nhà văn - nhà biên kịch  Trần Kim Thành.  Hôm ấy, mọi người chuyện trò vui vẻ, và anh Lý Huỳnh nhất định không để Hội Điện ảnh trả tiền…
         Một lần khác, nhân dịp nhà thơ Hoài Anh từ Sài Gòn ra, chị  mời nhà thơ Hoài Anh , nhà thơ Võ Văn Trực, nhà thơ Vũ Từ Trang và tôi đến  nhà để gặp nhau ăn uống cho vui. Chị nấu nướng chu đáo và khi ra về còn tặng Hoài Anh chút tiền để anh đi taxi. Hôm chị mời nhà thơ “Cửa mở” Việt Phương, nhà thơ Bằng Việt và tôi cùng hai nhà thơ nữa đến ăn chiều, hai nhà thơ kia đều kêu là bận không đến được, còn Bằng Việt thì đang họp trên Vĩnh Phúc, không biết có về kịp không…Tôi gọi cho Hồng Ngát: “Hoãn sang hôm khác đi, mọi người đến không đủ sẽ mất vui”. Hồng Ngát kiên quyết: “Nếu chỉ có mình chị, em vẫn cứ theo kế hoạch đã định, không thay đổi gì cả. Ai đến được thì đến, không thì thôi có sao đâu!”
        Thế là chiều ấy,  khách mời chỉ có hai nhà thơ Việt Phương, Bằng Việt cùng tôi và hai vợ chồng Hồng Ngát, mà anh Việt Phương lại chỉ…ăn chay! Vậy mà Hồng Ngát vẫn nấu nướng chu đáo lại không quên mua riêng cho  anh Việt Phương các món chay rất ngon… Người vui nhất có lẽ là anh Phan Hồng Giang, vì khác với mọi lần, anh thường “trốn”,  lần này, anh chuyện trò rất vui vẻ và chụp ảnh cùng chúng tôi như gặp lại những người bạn thân thiết.

        Đã định làm gì là thực hiện bằng được, đó là tính cách quyết đoán của nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, đến nỗi khi chị báo tin chị mới có ngôi nhà nhỏ ở quê, tôi vô cùng ngạc nhiên. Lần trước, chị dẫn tôi về quê nội ở thôn Phú Thị, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang – Hưng Yên  có thấy chị nói gì đâu. Bố chị ở với cậu em trai , quây quần quanh đó là nhà anh chị em của Hồng Ngát. Thấy tôi ngạc nhiên, nhà thơ lại rủ tôi về quê. Tôi nghĩ, chắc là ngôi nhà cấp bốn nhỏ xinh thôi. Nhưng khi ô tô của Hồng Ngát đưa hai chị em về đỗ trước cổng, tôi vô cùng thích thú thấy ô tô có thể vào tận đường làng, và cổng cùng sân nhà lát gạch đỏ rất rộng, có thể đưa ô tô vào sân gọn gàng. Chà, ngôi nhà tuy chỉ có một tầng nhưng khá đẹp và đầy đủ tiện nghi, nếu ở Hà Nội, chắc phải đáng giá lắm đây! Bà cô của Hồng Ngát tên là Nguyễn Thị Lục năm nay 65 tuổi ở một mình, bà  không có chồng con  lại rất yêu quí cháu nên đã cho cháu gái  mảnh đất 200m2 để xây nhà. Ngôi nhà của bà ở liền kề ngay đó, nên bà cũng là người chạy đi chạy lại trông nom giúp ngôi nhà cho cháu. Chúng tôi về, bà tất tả đi chợ, nấu cơm và sau đó cô em dâu của Hồng Ngát, một phụ nữ nông thôn khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tháo vát cũng đến chơi, rất tự nhiên, đi quét nhà, lau nhà và rửa bát cho chị chồng, y như một cô em gái vậy. Bà cô và em dâu Hồng Ngát nói với tôi: “Thấy cô cho đất, may mà chị ấy  làm nhà ngay, chứ bây giờ mới xây  mọi thứ đều  đắt gấp đôi  khó lòng xây được”. Hồng Ngát cười: “Tính em, chị biết quá rồi, thích là làm ngay mà! Dù phải vay mượn chút xíu cũng cứ xây. Hôm nào chị em mình về lâu lâu, xách máy tính theo, em sẽ đi chợ nấu cơm, nhà có đủ hết, khỏi phiền cô”. Và Ngát dắt tôi vào phòng bếp cùng nhà vệ sinh, cũng bóng loáng với đầy đủ bếp ga, máy giặt, bình nóng lạnh, bàn ăn, tủ bát, rồi một bể nước to cũng xây trong nhà có hệ thống lọc chu đáo.
                                                                                             
“Ngôi nhà ở quê” là nơi Hồng Ngát có thể về lâu dài , khi chị nghỉ hưu để không phải ở nhờ nhà các em. Còn bây giờ, khi vẫn đang là Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh, chị chỉ có thể thỉnh thoảng ghé qua để sống với không khí thân thương của quê nhà yêu dấu. Hôm ấy gia đình có giỗ, nhưng Hồng Ngát vẫn cứ dẫn tôi ra chợ quê, thăm ngôi đền Chử Đồng Tử, ngôi chùa làng và đi loanh quanh các xóm. Tình yêu quê của Hồng Ngát thật sâu đậm và chi tiết. Chị dẫn tôi ra con đường làng to đẹp, nhỏ nhất cũng đủ cho một ô tô, một xe máy tránh nhau, to hơn thì hai ô tô tránh nhau thoải mái, có nơi còn trồng hàng cau vua tỏa bóng mát như trong một khu đô thị mới giữa thủ đô. Tôi thở dài: “Ngát biết không, quê chị ở ngay phường Tứ Liên quận Tây Hồ của Hà Nội, mà  phần nhiều đường đi trong các xóm chỉ đủ cho một xe máy, nếu hai xe ngược chiều nhau thì phải dắt bộ, chán vô cùng”. Hồng Ngát rất tự hào khoe với tôi: “Quê em là quê của  Chu Mạnh Trinh, ông chính là người  thiết kế và  xây ngôi đến Chử Đồng tủ từ thế kỷ 18 đấy, cũng là quê của dòng họ Dương nổi tiếng với Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Dương Bích Liên, Dương Thị Xuân Quí…Các cụ từ lâu đời rồi đã có ý thức xây dựng quê hương  với đường làng to đẹp, trồng cây, làm nhà theo qui hoạch đàng hoàng mà chị”.

Tôi đòi Ngát dẫn ra thăm ngôi nhà cổ của dòng họ Dương, vì trước  năm 1970 của thế kỷ trước, nhà văn Dương Thị Xuân Quí bạn tôi đã nói chị là cháu ruột của cụ Dương Quảng Hàm và muốn dẫn tôi về quê chị ở xã Mễ Sở, nhưng hồi đó còn chiến tranh, chúng tôi chưa đi được. Ngôi nhà cổ của dòng họ Dương làm tôi và Hồng Ngát muốn rơi lệ, vì  vẻ tráng lệ xưa cũ cổ kính và nghiêm trang, nhưng giờ có vẻ lạnh lẽo có lẽ vì thiếu người chăm sóc.
Khi chúng tôi thăm đến thờ Chử Đồng Tử, các bác là thủ từ, bảo vệ…đều nhận ra Hồng Ngát là con gái nổi tiếng của quê nhà. Một bác cười:
     - Hôm trước vừa gặp cô khi đài chiếu phim “Nhìn ra biển cả”, hình như cô còn ngồi kiệu trong vai bà thái hậu Từ Cung phải không?
Hồng Ngát cười :
     - Em chỉ đi qua màn hình có mấy giây, chả nói năng gì mà bác cũng nhận ra ư?
      - Chúng tôi tự hào về cô lắm chứ. Quê mình có mấy ai làm việc trên nhà nước trung ương như cô đâu!.
Ngát quay sang tôi, vẻ ngượng ngùng, lắc đầu chịu trận.

Lúc ra thăm ngôi chùa làng, bác thủ từ cũng nhận ra Hồng Ngát ngay, nhanh nhẹn đi mở rộng cửa điện thờ để chúng tôi vào thắp hương rồi dẫn ra căn lều nhỏ bên bờ sông tìm sư trụ trì, nhưng không gặp. Lúc chúng tôi về nhà, sư trụ trì gọi di động cho Hồng Ngát, tiếc là có việc phải đi, không được gặp nhà thơ của quê hương.
Hai chị em tôi đi khắp nơi trong làng, tôi nhắc: “Hôm nay có giỗ, mình về sớm chút đi, không thì thất lễ quá!”. Hồng Ngát cười: “Khi nào xong các em nó sẽ gọi mình về, chị ạ. Chị cứ yên tâm, cả nhà chiều em lắm, không ai trách giận bao giờ đâu”. Và thế là Ngát lại quay ra chợ, lấy 1kg cá mòi chị mua và nhờ cô bán hàng làm hộ từ sáng sớm, nay chỉ cầm về nhờ các cháu rán qua để…mang về Hà Nội cho anh Giang - chồng chị và con cháu ở nhà thưởng thức quà quê!

     Tôi nhớ có lần tôi và Ngát đi ăn món chim quay phố Bát Đàn, tôi còn đang ăn thì chị bỗng đứng lên đi ra quầy bếp. Lúc ăn xong, các cháu nhà hàng mang đến một gói to. Hóa ra Ngát đặt thêm để mang về cho ba ông cháu ở nhà mỗi người một con , vì “em có rủ ông xã cũng chẳng bao giờ chịu đi, mình ăn miếng gì ngon, lại nghĩ đến người ở nhà”.

     Nhà thơ, nhà biên kịch tài hoa  Nguyễn Thị Hồng Ngát, bạn gái của tôi cũng là một phụ nữ tính tình nồng nhiệt, chu đáo và rất quyết đoán trong mọi việc. Tôi yêu mến và thân thiết với chị, một người phụ nữ nhìn thì mảnh mai yếu ớt nhưng có một nghị lực đáng để tôi nể phục. Chị đã vượt qua một tuổi trẻ nhiều khó khăn vất vả để về chiều có thể thảnh thơi, tương đối an nhàn trong một gia đình hạnh phúc với con cái phần nhiều thành đạt, với một ông chồng uyên bác nhưng “hiền ngoan” hiểu chị và yêu chị. Chúng tôi, lúc đang ở quê đã vô cùng vui thích khi mở mạng vi tính, thấy tên chị và tên anh Phan Hồng Giang chồng chị có  trong danh sách những người  sẽ được trao tặng Giải thưởng Nhà Nước về Văn học Nghệ thuật đợt này.


Phan Thị Thanh Nhàn/
Lethieunhon.com  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét