Thứ Hai, 19 tháng 3, 2012

SỰ VẮNG MẶT NỖI BUỒN TRONG THƠ HIỆN ĐẠI



SỰ VẮNG MẶT NỖI BUỒN TRONG THƠ HIỆN ĐẠI

Nguyễn Khắc Thạch
 

(Tham luận Hội thảo thơ tại Sầm Sơn, Thanh hóa 7-8/9/2011)
 
Có một thời người ta kì thị, qui kết nỗi buồn trong đời sống văn học nghệ thuật nói chung và với thơ nói riêng. Có những nhà văn đã phải gồng mình lên tiếng đòi “quyền được buồn” cho thơ. Song, đáng buồn hơn mọi nỗi buồn lại là sự nực cười về trò hề đội lốt tự do sáng tác trong cái mũ cối “an ninh tư tưởng”! Đến “tư tưởng” cũng phải “an ninh” thì nỗi buồn còn biết bấu víu vào đâu. Vậy nhưng trong thực tế, trên thi đàn vẫn luôn hiện diện một dòng thơ u buồn tĩnh mặc bên dòng thơ hoan hỉ chủ lưu.
Đến nay,  sau hơn hai thập kỉ tương tác trong công cuộc đổi mới đất nước, các quan niệm và quan điểm sáng tác có phần cởi mở hơn, nỗi buồn được tùy thị hơn thì bóng dáng nó không còn thấy trong thơ. Nỗi buồn đã đi đâu? Có thể có nhiều nguyên nhân nhưng chắc chắn đến giờ không còn là vấn đề cơ chế nữa (mặc dầu cơ chế đã từng làm thui chột nỗi buồn) mà có lẽ do hệ lụy tương thuộc mang tính thời đại chi phối. Nước ta thuộc hạng chậm phát triển nhưng do hiệu ứng của xu thế toàn cầu hóa nên những gì thế giới đã là thì chúng ta cũng đang là. Chức năng dự báo và tính thóc mách của sứ mệnh văn học đã sớm đưa các thủ thể sáng tạo thò tay vào văn cảnh hiện đại và kiễng chân lên sàn diễn hậu hiện đại. Các thi phái cách tân, thăm dò, thể nghiệm noi nhau ngụp lặn trên các dòng hợp lưu thơ thời thượng nhưng ở đấy họ cũng chỉ vớt lên được xác ướp những con chữ vô hồn. Nghĩa là những tác phẩm thơ ấy chỉ có xác mà không có hồn. Phần xác chỉ là phần truyền thông, phần hồn mới là phần truyền cảm. Thơ không có hồn thì không có sức lay động và năng lực chia sẻ. Chia sẻ là thuộc tính của nỗi buồn. Nỗi buồn là quyền năng của lòng quyến niệm. Một đám tang dù không có “áp lực” của thiệp mời như đám cưới nhưng người ta vẫn lặng lẽ đến phân ưu. Theo quan niệm mĩ học thì nỗi buồn là cái Đẹp trong sự đổ vỡ của nó. Thơ chính là cái đẹp nhưng khi trong thơ không  ẩn chứa nỗi buồn thì cũng có nghĩa nó đã đánh mất cái “bùa duyên” quyến rũ nội tại. Do vậy thơ không còn tư cách là đối tượng thẫm mĩ của các chủ thể thụ hưởng. Mặt khác, tâm thế con người trong xã hội tiêu dùng đã ngập ngụa thông tin như ngày nay thì dường ai ai cũng đã bị vô cảm, bị bội thực trước mọi buồn vui trần thế. Thơ hay nghệ thuật nói chung đối với họ chỉ còn là trò tiêu khiển, là một diễn trình ngữ cảnh mang tính hội hè chung cho cả “kẻ cho” và “người nhận”. Bởi vậy Nghệ thuật sắp đặt hay Thơ trình diễn đã thành “mốt” trong giới trẻ mà giới trẻ ở thời nào, ở lĩnh vực nào cũng mang trong mình sứ mệnh đào mồ chôn lớp trước. Tương lai thơ sẽ tùy thuộc vào họ.
Sự vắng mặt nỗi buồn trong thơ hiện đại là thông điệp cảnh báo trạng thái sống mất thăng bằng hay trạng thái tâm thần của xã hội. Một xã hội đã trở nên què quặt trong  tổng hòa các quan hệ giả danh tà kiến.  Nói vậy không có nghĩa thời chúng ta đang sống không có nỗi buồn. Ngược lại quá nhiều nỗi buồn. Song thật trớ trêu, đấy toàn là nỗi buồn rác, không có nỗi buồn sạch. Môi trường sống của xã hội hiện đại bị ô nhiễm từ mọi phía, mọi lĩnh vực, mọi cảnh giới và từ tâm đến vật. Nó là môi trường của chủ nghĩa vật bản chứ không phải của chủ nghĩa nhân bản. Có thể gọi đó là môi trường rác. Thơ dị ứng với những gì uế tạp giả dối. Nỗi buồn thơ phải là nỗi buồn hướng nội để thanh lọc, hướng ngoại để thăng hoa. Ai đó đã nói rằng, người ta chỉ có thể cất lên tiếng hát vì sự mất tình chứ không ai hát được vì sự mất của. Tình là cái trong mình, của là cái ngoài mình. Con người ngày nay mang vác quá nhiều thứ, quá nhiều cái ngoài mình. Họ như con lạc đà đi trong  sa mạc không có đích. Chỉ khác là lạc đà thì đi trong sa mạc cát còn con người thì đi trong sa mạc rác. Và thật bi hài cho con người vì chính cái mà họ mang vác đó có khi cũng chỉ là rác mà thôi.  Người Việt chúng ta nghèo hèn nên ngoài thứ rác do mình làm ra lại còn phải “ăn” cả rác từ nước ngoài nhập về. Những gì sản sinh từ nước ngoài đã lỗi thời họ không xài nữa mà mình đem về đều gọi là “rác ngoại”. Rác ngoại vẫn là thứ rẻ tiền được người Việt ưa chuộng.  Gần đây, một Giáo sư Hán học người Đức, ông Wolfgang Kubin đã nhận định văn học đương đại Trung Quốc chỉ là thứ rác rưởi. Tất nhiên chúng ta dịch và đọc các nhà văn Mạc Ngôn, Vệ Tuệ, Miên Miên, Thiết Ngưng, Cao Hành Kiện, v.v… trong khi tác phẩm của họ vẫn còn “đất dụng võ” ở nước sở tại.  Chỉ sợ những gì người ta đã hết thiêng mà mình tôn thờ. Sao ông GS người Đức ấy không nói ra sự thật tại Đức đã từ bỏ cái “Đại tự sự”do chính họ vẽ ra và đến giờ nó vẫn còn làm “rác thống trị” ở nước khác?  Đấy cũng là một nỗi buồn lớn nhưng nó thuộc về “cái bi hài”của sân khấu chứ không phải cái “bi” của thân phận. Có lẽ cái bi thân phận, cái “tiểu tự sự” mới là nỗi buồn của thơ. Mặt nào đó, có thể từ cửa sổ tâm linh, nỗi buồn cũng chính là Nàng Thơ trong hợp thể tình yêu ba ngôi Trao – Nhận – Trả mà Thiên Chúa đã mặc khải cho con người. Khi nỗi buồn hay nàng thơ đã mai danh ẩn tích thì quan hệ trao nhận trả ấy đã đỗ vỡ hoặc chỉ còn một phía. Chủ thể sáng tạo không còn nguồn thi hứng và họ phải vận trí lí tác nghiệp  như một diễn trình nhân bản vô tính thụ tạo tác phẩm thơ. Mọi sinh thể được phôi thai trái với tự nhiên, trái với truyền thống đều yếu ớt và đoản mệnh.
Đương nhiên thơ không thể tách ra khỏi hệ lụy chung của một tồn thể trong cùng thời gian không gian tương thuộc. Mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đều có sự tạo tác tương ưng theo luật duyên khởi hoặc theo thuyết duy thức học.  Xã hội nhân loại đến ngày hôm nay dường như đã mãn kì “sinh trụ” của nó. Một xã hội mà Đạo đã đến mạt pháp, Đời đã đến mạt kiếp thì Thơ còn có ý nghĩa gì?
 
 
trannhuong.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét