Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Sách Thủng Thẳng với Thơ / Bài 4/ Khi ngôi sao rụng chín


14 khúc Đó Đưa về thơ của Nguyễn Nguyên Bảy, viết vào năm 1975, và gần 40 năm sau, mới in thành sách, do NXB Văn Học ấn hành tháng 6/2011.


THỦNG THẲNG VỚI THƠ

Nguyễn Nguyên Bảy
@

4/ Khi ngôi sao rụng chín

Vòm trời như một cây cổ thụ, mà những ngôi sao là những trái quả. Chỉ có điều cây trời ra hoa quanh năm và kết quả quanh năm, mỗi một quả sao khi chín rụng xuống lại nở sinh ra những cây non khác và lại ra hoa kết quả. Sự sinh sôi là không ngừng nghỉ, là mãi mãi, biết đâu chẳng có một trời sao…Trên vòm trời có những ngôi sao sáng và có những ngôi sao mờ, sao sáng tức là quả đã gần ngày chín, còn sao mờ là quả đang xanh. Một đêm hè kia, khi ta ngước mắt lên nhìn vòm trời, thấy ngàn muôn sao, và bỗng, một ngôi to như quả bưởi trời rụng xuống. Sao băng hà, một sinh mệnh đã đi vào bất tử…
Thơ kỳ lạ lắm, đúng như một vị thần, thơ đến rất bất ngờ không thể sớm hơn và cũng không thể muộn hơn, chỉ một khoảnh khắc linh thiêng rồi vụt đi. Người ta bảo: Khi sao băng, hãy nói nhanh lời nguyện cầu, nhất định lời nguyện cầu ấy linh ứng…Thơ cũng như vì sao kia, cũng băng vội vã, nhanh hơn cả vội vã nếu như người làm thơ bỏ lỡ cơ may, không dang tay đón lấy thơ mà nâng niu ru hát.
Thật khó giải thích động lực nào đã làm cho những ngôi sao thơ chín! Thời gian ư? Nhựa ư? Từ đâu có nhựa? Chẳng lẽ lại có nắng trong vòm trời đêm? Mà quả thơ thì phải chín. Và hoàn toàn không ảo chút nào, thơ đã uống nhựa, đã phơi mình trong nắng gió, và với thời gian…đã chín, chín như những quả sao trời.
Chẳng lẽ thơ lại mơ hồ mấy gió là thế? Nếu đời hơn, thì thơ chính là đôi nhũ vợ ta. Chín xanh lúc ta gặp yêu và chín mọng lúc con ta ấp môi vào để sống. Thơ là vậy, đẹp vậy, quanh ta đầu cũng bóng hình thanh sắc vợ ta. Là khi anh nói về em/ Bông hoa trước cửa tự nhiên nở bùng/ Trên cành một giọt sương rung/ Gió nhẹ vô cùng thổi mãi không rơi…(Thơ BNN)
Cái gì là đối tượng của thơ? Thực ra câu hỏi cần phải đặt lại: Ai là đối tượng của thơ? Con người là đối tượng của thơ. Câu trả lời không có ý gì mới mẻ, nhưng mãi mãi vẫn còn mới mẻ. Bởi con người là một danh từ chung trong đó vừa hàm chứa dân tộc vừa hàm chứa nhân loại, vừa là em lại vừa là bạn, vừa là Chúa Trời lại vừa là Juđa…Do ở nơi trí tuệ của mỗi người, chính thuật ngữ con người cũng bị hiểu theo nhiều cạnh khía khác nhau. Mà trong ẩn sâu con người biết bao nhiêu đặc tính: nào tình yêu, nào phẫn nộ, nào bác ái, nào tiểu nhân. Nên có khi con người là đối tượng của ngợi ca, lại có khi con người là đối tượng của bôi nhọ và xuyên tạc.
Khoan hãy nói đến mặt trái của nó. Coi như với tất thẩy người cầm bút ai cũng có tình yêu đối với con người. Nhưng con người vốn sinh ra không phải ai cũng có sự thông minh của trí tuệ, mà quảng đại đã bị Chúa Trời rút bớt những nếp phần trong đại não, nên không phải ai cũng giảng giải được mọi chuyện tồn vong của vũ trụ. Số ngu đần, sống cam chịu, vừa ý hài lòng với chính sự tồn tại ngốc nghếch của mình. Cần một sự thức tỉnh, thức tỉnh về số phận. Thơ là một trong số những loại hình xung kích làm nhiệm vụ đó. Sứ mạng thật lớn lao, nhưng khốn thay sứ mệnh lớn lao ấy đôi khi lại rơi vào tay những kẻ thiếu nhân thừa súc. Cũng như chính xã hội con người – Số quân vô lại đông đúc không thua kém những người con trung thành của Chúa – Xã hội thơ cũng vậy, tiếng lòng thơ và dã tâm thơ song hành, thích cánh chen vai. Vì thế, thơ không chỉ tụng ca con người, mà thậm chí còn báng bổ con người bằng những tụng ca, nghĩa rằng: họ tụng ca ngay cả thân phần xúc vật của con người.
Duy nhất tình yêu con người làm những quả thơ trên cây đời chín đỏ. Như thế có trừu tượng quá chăng?
Yêu cả những niềm vui của con người, yêu cả những khốn khổ của con người. Tình yêu ấy làm cho niềm vui trở nên có ý nghĩa và những khốn khổ khi ta chỉ thẳng vào mặt nó, gọi đích danh nó, khiến con người cảm nỗi xấu hổ, cảm nỗi mình bị xúc phạm và lăng nhục, những kích thích đó làm bật nổ những hành động và và những hành động ấy trôi dần đi, làm cho nó ngày một ít đi, càng còn ít khổ đau con người càng được sống trong hạnh phúc có ý nghĩa.
Có những bạn đọc phẫn nộ với tôi, coi tôi là con người tàn nhẫn và độc ác, vì tôi hay khơi lên nỗi khổ cực của con người. Đời này chẳng lẽ còn thiếu những đau khổ ư, mà cần thêm những vần thơ phanh phui đau khổ. Lời than vãn thú vị đấy. Tôi cần phải nâng chén rượu lên tụng ca nỗi đau khổ của con người! Có phải con người sẽ buồn khổ thêm khi chính ta gọi rõ tên, chỉ rõ mặt nguyên nhân đau khổ ấy? Hay con người thích một triết lý tĩnh, mọi xếp đặt cuộc đời là do một đấng linh thiêng, không thể động lên và sắp xếp lại. Thứ triết lý tĩnh là thứ triết lý không cách mạng. Cần thiết phải có một triết lý cách mạng, một triết lý động.
Tôi không sao cầm được nước mắt trước những khổ đau vô lý của con người. Nỗi đau khổ của riêng anh, trong căn nhà nhỏ của anh có thấm thía gì, chỉ cần anh ra khỏi nhà, đi hết một phố, ra với làng, lên với rừng và ra với biển…anh sẽ thấy ngay, thấy tất cả những đau khổ vô lý của con người, nơi nơi là những đau khổ về thể xác, nơi nơi là những đau khổ về tinh thần. Con người có phải là xúc vật đâu mà con người bị đọa đầy dã man đến thế. Có những người từ sinh ra cho đến khi chết chỉ mới được ăn đếm trên đầu ngón tay những bữa ăn có thực, mà ngay cả những bữa ăn ấy cũng chẳng ngon lành gì, vì liền sau đó là công nợ, là những dày vò của điều tiếng, là sự trả giá danh dự và thể xác. Có những cô gái chỉ ao ước một chiếc quần mới, có những nhà khoa học chỉ ao ước có được một chiếc bàn làm việc đúng nghĩa để  hiến dâng trí tuệ cho con người…Tiếc thay, ước mơ xưa nay vốn chỉ là mơ ước!
Xã hội con người ở dạng này hay dạng khác cũng chỉ mới thay được cái vỏ bên ngoài, chưa bao giờ thay đổi được cốt lõi của nó. Vì sự thay đổi luôn luôn là cải lương, những thành phần mới, vừa ở vị trí bạn con người đã mau chóng nhảy lên địa vị cai trị con người. Lòng tham của chúng là không cùng và thế là con người  lại lập lại mọi khổ đau. Khổ đau chỉ được thay đổi tên gọi, mầu sắc, và sự đốn mạt của nó là đau khổ mới bao giờ cũng mang những nhân danh rất hào nhoáng, những nhân danh hào nhoáng làm run động lòng người, nhưng…than ôi, cái mới còn tồi tệ hơn cái vừa bỏ đi. Do vậy phải động không ngừng, cách mạng không ngừng. Đó là qui luật mâu thuẫn của triết học và cũng chính là sứ mạng cao quí của thơ.
Sự tiến hóa của tư tưởng thường rất trì trệ. Một quá trình chín dai dẳng, nhanh nhất cũng là hàng chục năm. Thơ thường phụ họa theo những trì trệ ấy. Vì thơ có ưu thế vần điệu của mình, thơ làm say lòng người, mê hoặc những ngu si, thơ giúp vào việc kéo dài những triết học ngu muội. Đó chính là tội lỗi của những thi nô.
Chỉ còn rất ít thơ để lay thức trái tim con người. Thơ nói vào những nơi sâu kín nhất của trái tim cả niềm dũng cảm, niềm vui và những khốn cùng, tác dụng của thơ không nhỏ, bởi khi trí tuệ con người mơ hồ về những vô lý thì có một người, bằng một dẽ hiểu nhất nói lên những nghịch lý ấy, một công việc không tầm thường và không dễ dàng. Trước những phẫn nộ của cường quyền, hồi âm vô giá của thơ chính là sự đón chào của công chúng.
Duy nhất tình yêu con người làm những quả thơ trên cây đời chín đỏ.
Trong tình yêu ấy có công việc công kích và công việc ngợi ca. Người cầm bút có thể lãnh cả hai sứ mạng hoặc nhận một trong hai sứ mạng ấy. Nhưng dù nhận bất kỳ sứ mạng nào mục đích cũng là vì hạnh phúc của con người.
Ngợi ca những cái con người đang đúng và công kích những cái sai.
Đứng trên phương diện nhìn nhận sự thức tỉnh của con người, thúc đẩy tư tưởng tiến triển, loại trừ những phiền muộn nghịch lý…thì thơ luôn luôn là mũi khoan xoáy vào trái tim người đọc. Bảo với họ lời giữ gìn hạnh phúc và đấu tranh cho hạnh phúc. Đối với một chuyên chính, khi mà người ta tin tưởng ở sức mạnh chính nghĩa của nó, thì sự thực người ta rất cần sự thúc đẩy đối lập (trong đó có thơ). Còn có những chuyên chính run sợ đối lập. Không thể lấy lời lẽ nào ngụy biện cho những run sợ ấy.
Nghĩa yêu chỉ có vậy thôi/ Không tin em thử lên trời hỏi xem
Em bay lên hỏi trời/ Lời trời/ Mây mưa là chuyện của người yêu nhau
Anh tội nghiệp hạt mưa/ Vườn đời muôn hồng ngàn tía/ Sao mưa sa xuống vườn anh/ Cây hoa dại trước thềm (Thơ BNN)
Hát cộng minh có thể hay và khoa học, nhưng ca sĩ nào cũng hát cộng minh khác gì bắt tất cả các loại chim cùng hót giọng oanh vàng. Tranh phục hưng bất tử với những thiên tài của nó, nhưng vẫn cần phải có một Picatxô đồ sộ trong thế kỷ 20 này. Vì một chiều nên với chúng ta cái gì cũng mới, cái gì cũng ngỡ ngàng, cái gì cũng gây choáng. Thơ cũng nằm trong tình trạng chung như thế.
Tính kế thừa rất quan trọng đối với văn học nghệ thuật, chúng ta đã đổ mực tầu lên tất cả những trang dài rất nhiều năm của nhiều nhà hoạt động văn nghệ, chỉ bởi những nhà hoạt động văn nghệ ấy đã đứng ở phái bên kia.
Sẽ là một tổn thất lớn lao biết bao với nần văn học nghệ thuật Xô viết, nếu những Alêxxăng Tonxtôi, Xastakôvích…bỏ ra nước ngoài và đi hẳn, thì làm gì có tiểu thuyết trường ca và những giao hưởng bất hủ. Cả đến Esênhin, nếu không được đánh giá đúng mức thì biết bao nhiêu thơ tình Nga bị chôn vùi…
Tình yêu con người (người ta sợ nói như thế chung chung nhưng thực ra với một người cầm bút chân chính thì tình yêu con người nơi  họ đã hàm chứa tình yêu đối với đồng bào cụ thể của họ với vợ con, cha mẹ, bạn bè họ. Và dĩ nhiên, sâu nông tình yêu  ở mỗi người cầm bút có khác nhau. Có người có thứ tình yêu dịu ngọt, có người có thứ tình yêu chát đắng, lại có những người có tình yêu bằng cửa miệng những lời nhạo báng và chửi rủa…Không nên xếp loại những thứ tình yêu ấy – có chăng chỉ là xếp loại để dễ thông cảm hơn – chứ đã là tình yêu, thì dù cấp độ nào bản chất vẫn là tình yêu. Có tình yêu hợp với dạng này, cũng có tình yêu hợp với dạng khác. Cái đó thực không đáng kể, cần nhất là sự ích lợi của nó – sự ích lợi của thúc đẩy.
Tôi nằm trong số tình yêu không thích hợp với danh vọng và tiền tài. Do vậy, khi danh vọng và tiền tài chạm đến nó, nó dẫy nẩy lên và nhục mạ tôi không thương tiếc. Cái đó thực ra đã mang lại rất nhiều hậu quả cho tôi – Hậu quả xấu – Nhưng tôi lại lấy đó làm vui, vì ngoài đời này, cái mà quân vô lại rủa nguyền ta chính là cái ta đúng. Tôi đi theo tiếng  gọi tình yêu của mình, mô tả (có ngợi ca và phản kháng ), mô tả và sẽ còn mô tả mãi…Duy nhất tình yêu con người làm những quả thơ trên cây đời chín đỏ.
Và như sao ấy, trong một đêm mùa hạ, từng ngôi sao to như cái đấu rụng xuống, một linh hồn đá lìa đời, nhưng không phải lìa đời là mất hẳn, mà lìa đời là đá vào cõi bất tử. Thơ cũng như sao, khi chín rụng rất nhanh và ta không sao cưỡng lại được. Thần thơ đến rất bất ngờ, vì vậy khi thần thơ đã đến thì ta phải chắp vào mình đôi cánh, bay theo, đuổi và quyết bắt cho kỳ được.
Tập Cố Hương Ca tôi đã làm trong bối cảnh ấy! Cả cuốn sử thi đồ sộ Nước Nam Ta tôi cũng làm trong bối cảnh ấy. Sự gặt hái của tôi thường bội thu hơn rất nhiều so với tưởng tượng của tôi. Mỗi khi vừa xong đọc lại, tôi đều giật mình: Tại sao mình làm được một công việc vượt quá khả năng của mình đến thế?
Người này khen sức làm việc của tôi. Người khác bỉ  sức làm việc của tôi. Phạm trù này không mâu thuẫn.
Khen là bởi tình yêu nơi tôi bao giờ cũng bao trùm, tình yêu của tôi bao giờ cũng được trả giá bằng những sáng tạo không mệt mỏi. Luôn luôn mới trong cách nghĩ, cách cảm và hình thức biểu đạt. Nhưng ngược lại là những lời bỉ. Nghiêm trọng hơn cả là sự lạm dụng quá nhiều chất thạch tín, cái chất dễ gây ra chết người, và nữa, tôi vội vã, vội vã cả trong suy nghĩ và biểu đạt. Cũng may những trang thơ ấy chưa tham gia vào đời sống con người.
Để cân bằng mâu thuẫn đó – Trái tim ơi, hãy nói đi, tôi chỉ nghe tiếng nói trái tim tôi. Trái tim tôi vẫn thúc dục tôi làm việc. Người yêu ấy đã nói với tôi: Anh làm thơ không phải cho anh đâu, anh làm thơ cho em và cho muôn người, em thích và em tin là mọi người cũng thích – thích bao hàm cả sự cần, cần lắm, đừng buông tay bút nhé anh!
Trước bất kỳ một yêu cầu của ai – tôi cũng không bao giờ từ chối, huống là yêu cầu của em…
Tôi nhìn nhận lại mình và quyết định phải đi xa hơn.
Đêm ấy, khi ngôi sao trên trời chín đỏ, ngồi dưới giàn thiên lý, ngước mắt lên, chầu chực cái phút ngôi sao rơi…Và, ngôi sao đã rơi, tôi đã kịp nguyện cầu: Thơ tôi không phản bội con người!
Nghe tôi cầu nguyện lời linh thiêng ấy, người yêu của tôi – em suốt đời của anh – đã hôn rất lâu vào đôi mắt tôi, trời đầy sao chín, chúng tôi ngồi bên nhau, không nói một lời nào, chỉ có lặng im của vuốt ve và những cái hôn rất người – hai con người yêu nhau…
Từ khai thiên lập địa/ Cỏ hoa nào không hoa cỏ dại/ Không tin anh tìm đất hỏi xem
Anh về cội hỏi đất/ Đất bảo khoai lúa không tự nhiên mà có/ Giếng nước bến sông không tự nhiên mà có/ Vua chúa trẻ thơ không tự nhiên mà có
Thế mà chúng mình có nhau/ Giọt mây rơi mưa vào lá/ Mập mạp mình cây hoa nở/ Gió đưa sắc nắng hương tình…(Thơ BNN)
.
Nguyễn Nguyên Bảy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét