Thứ Sáu, 16 tháng 3, 2012

Hà Nội Bốn Mùa – Đông


Trong một thiên tuỳ bút đặc sắc viết về mùa đông Hà Nội, cố nhà văn Băng Sơn đã viết những dòng giống như lời trăng trối cho đời: “Phải cảm ơn ai đây, trái đất, vũ trụ hay thượng đế, ông trời và tổ tiên đã chọn nơi này cho ta có một đất nước quê hương mỗi năm có bốn mùa rõ rệt, nhất là Hà Nội, nắng thì thật nắng, thu thì thật thu, và mùa đông là niềm trữ tình đầy hoài niệm… Ta đang ăn mùa đông, uống mùa đông, ta giơ tay ra nhận lá thư từ trời gửi về màu đỏ lá bàng hay màu vàng cây cơm nguội, lá thư là tín sứ, là nhịp đàn thăng hoa trong không gian tìm người tri âm tri kỷ… Mùa đông Hà Nội, đến một cột đèn cũng thành kỷ niệm đời người, một tiếng rao khuya cũng rền vang tâm tưởng…”

Mùa Đông- mùa của nỗi buồn tuyệt vọng trong cuộc đời cũ, mùa dễ gợi lên sự chiêm nghiệm về những điều tàn tạ …Chúng ta hãy nhớ lại các nhạc phẩm bất hủ thời tiền chiến, như Đêm Đông, Con thuyền không bến… cùng những bức tranh Phố của danh họa Bùi Xuân Phái… Đó là mùa sương mù phủ dày đặc trên mặt nước hồ Tây- lý do để hồ được mang tên hồ Dâm Đàm, tức hồ mù sương- và cũng là một nguyên cớ để những kẻ xấu tạo dựng nên một vụ án đã vấy bùn lên thanh danh của bậc công thần ái quốc Lê Văn Thịnh trong suốt chín trăm năm…
Có ai đó đã viết: đông về, những mái nhà cổ như tựa trên vai của sự giá lạnh mà trầm ngâm suy nghĩ…Hà Nội mùa đông là Hà Nội nhớ về những ngày xưa- khi Hà Nội còn vắng lắm. Và cho đến hôm nay, khi mùa đông đến, Hà Nội vẫn có vẻ gì trầm lắng, suy tư như một người hoài cổ… Nhà thơ Lưu Trọng Lư từng nói hộ nhiều người cái khắc khoải trong những ngày và những đêm kỳ lạ của mùa đông Hà thành cũ:
Yêu hết một mùa đông
Nhìn nhau mà chẳng nói…
Dẫu buồn, nhưng đó phải chăng cũng là một sắc thái của mùa để góp phần tạo nên cái mà chúng ta vẫn gọi trân trọng là Hồn phố, Hồn sâu Hà Nội?


|Người Hà Nội đã quen với khí hậu bốn mùa, cho nên khi mùa đông trở về chỉ như gặp lại bạn cũ… Những cơn gió mùa đông bắc đột ngột tràn về, lùa vào trong da thịt cái không khí tê tái lạnh run người. Những đàn chim đang mải miết bay về phương nam tìm gió ấm. Hà Nội vào đông, ban ngày nắng ấm nhè nhẹ và trời se se lạnh như không khí khô mát của mùa thu. Rồi phố giăng lạnh trong những làn mưa phùn kèm theo gió bấc thổi như găm kim vào da thịt. Mưa không đủ làm ướt áo người đi đường, chỉ bám trên mi mắt, trên tóc như sương nhưng khiến người ta thêm lạnh và càng mong sớm trở về với sự đoàn tụ ấm áp gia đình bên nồi cơm thơm tỏa khói- như nhà văn Vũ Bằng từng ao ước trong thiên tùy bút Tháng mười- nhớ gió bấc mưa phùn… Gió đầu mùa mới về, nhưng chẳng lâu nữa, phố xá sẽ lạnh hơn, cảnh vật trở nên sầu muộn hơn với bầu trời nặng màu chì trôi lang thang cùng gió bấc ào ạt… Lúc này, rặng liễu vẫn còn duyên dáng xanh mướt trong cái lạnh đầu mùa, hững hờ rủ sát mặt nước Hồ Gươm giờ đã trở nên bình lặng hơn và đang lặng lẽ soi bóng Tháp Rùa cổ kính cùng những cành cây trụi lá… Những bông hoa điệp còn vương lại, những chùm quả bàng chín vàng ửng treo lủng lẳng trên cành ở phố Quán Thánh, Tràng Thi, những cành cây cơm nguội ở Bờ Hồ và Lý Thường Kiệt rung rinh trong gió, như có vẻ như không muốn rời đi, chúng làm dịu bớt cái màu xám của mùa đông và đem lại cảm giác ấm áp trong cái lạnh của gió mưa khi đông về ngập phố phường…

Lập đông, Hà Nội có những điều thi vị được tạo nên bởi những gam màu và hương vị say đắm là lạ, gợi cho những người con xa Hà Nội một nỗi nhớ thật khó tả. Có người đã miêu tả một cách văn vẻ nhưng khá chính xác: không ồn ào náo nhiệt như mùa Hè, không nồng nàn say đắm như mùa Thu, không tươi trẻ đầy sức sống như mùa Xuân, mùa Đông Hà Nội mang chút lạnh lùng nghiêm nghị nhưng cũng không kém phần duyên dáng như người thiếu nữ Hà Nội.
Cái lạnh kèm sương muối làm cây cối úa héo. Những hàng cây xanh bên đường ngày nào giờ đang rũ cành trút lá, vẽ lên giữa màn mây xám xịt những cành khẳng khiu tựa bức tranh thủy mặc. Cây bàng mà mới hôm nào trẻ con thường hái quả vào độ giữa thu, bây giờ trơ trọi thân với cành, chỉ còn lại một chiếc lá đỏ ối sắp rụng. Những lá me vàng rơi  lả tả trên vai áo khách bộ hành. Những con đường vắng, lá khô trút ngập trên bước đi… Tiếng chim hót vui tai thường ngày khi chúng ta dạo bước mỗi sớm mai không còn nữa. Buổi sớm tinh sương Hà thành trở nên vắng vẻ hơn bao giờ hết. Những người phải ra đường sớm thường phải chịu cái lạnh buốt của gió và mưa khắp các con phố. Sau đó, trời hửng dần. Đường khô lại trong cái rét ngọt khô khan của gió hanh. Mùa đông ở Hà Nội, mặt trời thức dậy muộn hơn. Nhưng khi đó dường như nắng cũng dịu dàng hơn, tinh khiết hơn trong những công viên, hay ở những ban công mà giọt sương đêm còn đọng lại trên những cánh hoa… Nhiều người đều có nhận xét chung: dù lạnh lẽo, nhưng gió sớm mai chưa nhuốm bụi đường lại mang trong mình cái hương vị trong trẻo, ngọt ngào rất kỳ lạ. Sương và khói của trời đất lúc này như hoà quyện nhau tạo một cảm giác lung linh, mờ ảo đối với ngay cả những người ít có tâm hồn lãng mạn nhất… Nhiều bức ảnh đẹp chụp về Hà Nội- đặc biệt là về hồ Gươm vào mùa này đều có sức gợi sâu xa, và đều mang dáng dấp của những bức tranh lụa của các họa sĩ Việt Nam bậc thầy.
Còn khi đêm xuống, mùa đông lại tạo cho Hà Nội một sắc màu và hương vị lạ lùng…Ai đó đã từng nói thật chí lý: hương đêm Hà Nội là bản giao hưởng của hoa, của gió, của sương, của đèn đường mờ tỏ và của tâm hồn con người khi yên tĩnh – nhất là trong những đêm đông…
Mùa đông Hà Nội vốn nổi tiếng với những quán vắng, những con đường mưa bụi, và chúng đã đi vào nhiều tác phẩm thơ ca, nhạc họa, nhiếp ảnh rung động lòng người:
…Hà Nội mùa này chiều không buông nắng
Phố vắng nghiêng nghiêng cành cây khô
Quán cóc liêu xiêu một câu thơ
Hồ Tây, Hồ Tây tím mờ…

Những người trẻ tuổi Hà Nội dường như luôn luôn đợi chờ cái lạnh đích thực của mùa đông để được phô diễn quần áo. Người Hà Nội tinh tế trong cách lựa chọn trang phục, những màu sắc của khăn áo đã làm cho cái lạnh của mùa đông mang một phong vị rất riêng, và phá đi cái ấn tượng xám xịt bởi không gian thiếu ánh nắng mặt trời…


Gió lạnh đầu mùa, các quán cà phê và các quán trà nóng dường như đông hơn mọi khi. Cái lạnh dường như thúc giục đôi chân đi tìm chốn xưa bạn cũ, để náu mình bên một ấm trà sen bay hơi còn thoang thoảng hương mùa hạ… Chúng ta hãy chọn một quán cà phê giản dị trong ngõ phố cổ, xoa hai bàn tay vào nhau để xua bớt giá lạnh, ngắm từng giọt cà phê rơi và liên tưởng tới cái nắng chan hòa thiêu đốt của miền Trung trung bộ…
Và ở một qúan trà nóng vỉa hè này, khi xuýt xoa nhấp từng ngụm trà nóng hổi, chúng ta hãy ngắm nhìn không khí Hà Nội đón Mùa lễ giáng sinh trong giá lạnh- cái không khí đã trở nên quen thuộc tự bao giờ khiến ai cũng phải ấm lòng! Phía trong nhà thờ Lớn thu hút rất đông người tới. Trên các đường phố, không khí đón Giáng sinh rộn ràng.Với không ít người trẻ tuổi, Giáng sinh là dịp vui vẻ gặp mặt, hội hè hay tặng quà cho những người yêu quý. Càng về khuya, đường phố càng đông hơn. Dòng người vẫn đổ về các nhà thờ của thành phố. Trời càng về đêm càng giá lạnh, làm cho đêm Giáng sinh thật gần gũi. Trên những phố lớn và tại những trung tâm vui chơi, mua sắm, vẫn có nhiều gia đình tìm đến chụp ảnh lưu niệm với ông già tuyết và cây thông khổng lồ.
Thời khắc chuông ngân từ phố Nhà Chung đồng vọng cùng nhịp chuông nhà thờ Cửa Bắc, nhà thờ Hàm Long… cũng là lúc những tràng pháo tay nổi lên cùng những lời chúc tụng. Nhiều người tranh thủ thời khắc đặc biệt này bắt đầu nhắn những dòng tin yêu thương tới cho bạn bè, người thân với những lời tốt đẹp nhất và luôn cầu chúc cho một năm mới hạnh phúc, thành đạt và yên lành.

|Mùa đông Hà Nội hôm thì rét buốt đến tê người, hôm thì ấm hơn, nhưng vẫn lạnh vượt quá sức chịu đựng của không ít người già và trẻ em. Tuy thế lại có những người yêu mùa đông cuồng nhiệt. Đó là những  chàng trai cô gái rất trẻ được biết trên Sapa lạnh tới 1 độ C, có băng tuyết, thế là rủ nhau đi du lịch- giữa ngày Hà Nội lạnh tới 5 độ C. Đi khám phá mùa đông ở nơi khác để thêm hiểu và thêm yêu mùa đông Hà Nội, đó quả là một nét tâm lý thật đặc biệt và cũng thật đáng yêu của thanh niên Hà Nội thời A- còng !
 
Những đôi tình nhân cũng là đối tượng rất yêu mùa đông Hà Nội.. Đêm đông Hà Nội dường như càng lung linh hơn và toả ra cái ấm áp từ những ngọn đèn cao áp, từ những đôi lứa say đắm bên nhau dưới những hàng ghế đá ven bờ hồ Gươm, hồ Thiền Quang, hồ Tây, hồ Thủ Lệ, sân vận động Mỹ Đình…
Thật có lý khi khẳng định:  thời tiết lạnh nhất chính là lúc mùa đông Hà Nội quyến rũ nhất… Có người đã tâm sự rằng rất thích lang thang qua những con phố vắng Hà thành để tận hưởng cái thú của người lãng tử “đêm đông lê gót phong trần tha phương”- như lời của một bài hát quen thuộc. Và có không ít người còn quả quyết: không ra thăm Hà Nội vào mùa đông, nghĩa là còn chưa biết gì về Hà Nội.
Một người xa Hà Nội nhiều năm đã nhớ lại và định nghĩa như sau về mùa đông Hà thành:
Bốn mùa trong năm, không mùa nào có nhiều tên gọi như mùa đông: Mùa khói, mùa của nỗi nhớ, mùa ấm áp – lạ thế, cái lạnh mới khiến người ta nhận ra sự ấm áp, đó còn là mùa cưới, mùa yêu, mùa kỷ niệm. Vậy nên người ta còn gọi mùa đông là mùa của cảm xúc…
Một cậu học trò mơ mộng sống ngay giữa thủ đô lại viết về mùa đông như một người dày dặn trường đời:
 Mùa đông Hà Nội thanh bình, tĩnh lặng, không ồn ào, réo rắt – chỉ một màu đơn giản – màu trầm mặc của thời gian phủ theo năm tháng, đưa Hà nội trở lại những ngày xưa êm đềm…
Một Việt kiều xa tổ quốc khi nhớ về mùa đông Hà Nội đã ngậm ngùi:
Tôi sẽ về với tách cà- phê bên hồ ngồi nhìn lá phượng úa rơi theo gió. Những con đường không có nắng, những hàng cây rụng lá, những góc phố, ngôi nhà trầm mình trong tiết trời ảm đạm…nhớ những hạt mưa lạnh thấu xương, nhớ chén trà nóng bên quán cóc ven đường, nhớ cô bạn cũ khi còn tay trong tay nồng ấm… Hình ảnh đó không nơi phồn hoa nào thay thế được…
Một người Hà Nội sống ở Sài gòn, khi đông về đã nhớ nhung:
Giữa Sài Gòn những  ngày tháng Mười hai, tôi lại nhớ Hà Nội đến cồn cào – chỉ bởi một điều rất đỗi giản đơn: Tháng Mười hai Hà Nội thực sự bắt đầu lạnh- cái lạnh nhắc nhớ cho lòng người thêm phần gần gụi và biết yêu thương nhau nhiều hơn… Chẳng phải vô lý khi nói rằng, đây là mùa của tình yêu, của hạnh phúc gia đình.


Ở Hà nội mùa đông, thành phố đi ngủ sớm. Nhưng đó cũng là lúc các bếp lửa di động của gánh hàng ăn đêm trên nhiều con đường bắt đầu hoạt động. Vẳng trong đêm khuya vài tiếng rao lảnh lót, những người bán bánh dạo còn chưa về khi thúng hàng chưa bán hết… Mùa này, người Hà Nội vẫn thường rủ nhau ăn quà vặt bằng những món ăn rất đặc trưng: ốc luộc, sắn hấp dừa , quẩy nóng, ngô nướng, nộm, bánh trôi tàu, chân gà nướng. v.v – những món quà vặt dân dã vừa rẻ lại vừa hợp với cái lạnh của không khí mùa đông Hà Nội.
Song, một bát phở nóng hay bát bún ốc cay xè vẫn là lựa chọn số một của người Hà Nội vào mỗi buổi sáng hay ban đêm lạnh giá. Và Phở Hà Nội mới thực sự là đặc sản, là món ẩm thực đặc biệt- đặc biệt từ nguyên liệu, cách chế biến, cách bán rao cho tới cách thưởng thức, khiến nhiều du khách nước ngoài ngạc nhiên thú vị và say mê… Phở là một món ăn không thể thiếu cho dù tiết trời đông hay hè, nhưng có lẽ, vào mùa đông người ta mới cảm nhận được hết hương vị của nó. Nhà văn Nguyễn Tuân đã viết về Phở Hà Nội như sau: “Mùa nắng ăn một bát, ra mồ hôi, gặp cơn gió nhẹ chạy qua mặt lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt thắm tươi lại…” Một bát phở nóng thơm ngon cần tới cách chế biến rất cầu kì. Nhà văn Vũ Bằng trong Món ngon Hà Nội đã miêu tả: “Nếu là gánh phở ngon thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh, ớt với hành tây đủ cả. Chả còn gì ngon hơn bát phở như thế nữa”. Những người lớn tuổi chắc không ai có thể quên những gánh phở rong trên đường phố và tiếng rao của người bán đêm, chúng tạo nên ký ức sâu thẳm của đời người…
Đó là nói qua về văn hóa ẩm thực tinh tế của người Hà Nội mùa đông. Còn sự sành điệu trong thưởng thức nghệ thuật-  nhất là thưởng thức hoa của người Hà Nội thì chắc chẳng đâu sánh bằng!


Trong phần phim Mùa xuân Hà Nội, chúng tôi đã có dịp nói nhiều về thú chơi hoa, cũng như cung cách chơi hoa của người Hà Nội. Còn bây giờ, vào đêm cuối năm, chúng tôi muốn đưa khán giả tới thăm một chợ hoa đêm- nơi cung cấp hoa chủ yếu cho thành phố, để mong hiểu thêm về mùa đông bình dị đất Hà Thành, và để có dịp được sống với những con người quen “ăn nửa bữa, ngủ nửa giấc” như bao đời nay: đó là chợ hoa Tứ Liên- Quảng An – quận Tây Hồ nằm ở một bãi trống đê sông Hồng, một chợ hoa tấp nập họp gần suốt đêm, vào tất cả các ngày trong năm bất kể mưa gió – chỉ trừ đêm Giao thừa. Hoa được mang đến từ các làng quanh nội thành Hà Nội: Ngọc Hà, Đại Yên, Tây Tựu, Quảng Bá, Nghi Tàm, Gia Lâm… và từ các nơi xa: Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, v.v. – những làng hoa nổi tiếng từ hàng trăm năm nay đủ sức cung cấp hoa tươi cho cả Hà Nội và góp vào đời sống văn hoá, đời sống tâm linh của Hà Nội những nét riêng biệt. Đủ các loại hoa trong chợ hoa này để phục vụ từ giới bình dân tới lớp quý tộc, thỏa mãn được tất cả mọi khiếu thưởng thức hoa và tất cả những nhu cầu của đời sống tinh thần…Tại đây, dường như cả người bán hoa lẫn người mua hoa đều quên đi cái giá lạnh đêm đông để sống với sinh mệnh của hoa tươi- cái sinh mệnh sẽ làm cả thành phố bừng sáng và rực rỡ trong buổi sớm mai…

Như thế là, mùa đông Hà Nội không chỉ gợi lên sự yên tĩnh thẳm sâu, mùa đông Hà Nội còn bộc lộ một sự sống náo nhiệt, lam lũ và khỏe khoắn của những người lao động góp phần đem lại vẻ đẹp cho Thủ đô…
Và trong khi sống với chợ hoa đêm Hà Nội, chúng ta không thể không nhớ tới một khu chợ đặc biệt giờ đã trở thành kỷ niệm khó phai mờ của người Hà Nội, đó là chợ Âm phủ- tức là Chợ 19 tháng 12- nằm ở quận Hoàn Kiếm (thuộc Liên khu I cũ). Cái tên “nghĩa địa Âm phủ” do dân gian đặt ra không phải ngẫu nhiên, khi bên cạnh nó sừng sững Tòa án thực dân và nhà tù Hỏa Lò. Từ đêm 19-12 mùa đông năm 1946, khi cả Thủ đô trở thành một pháo đài chống trả lại âm mưu thôn tính Hà Nội trong vòng 24 giờ của bọn xâm lược Pháp, khu nghĩa địa Âm phủ cũng biến thành một chiến hào thực sự. Những nấm mộ vô danh và hữu danh cũng biến thành nơi đặt ụ súng, chỗ kê bàn tủ đồ đạc làm vật chướng ngại ngăn xe thiết giáp địch của các chiến sĩ cảm tử Vệ quốc đoàn.
Cuộc chiến đấu dũng cảm và không cân sức kéo dài được gần hai tháng thì Trung đoàn Thủ đô rút đi qua gầm cầu Long Biên, để gần 10 năm sau trở về với lá cờ chiến thắng tiếp quản Thủ đô… Suốt thời gian thành phố bị địch chiếm đóng, cái nghĩa địa nhỏ ấy có tên là “Mồ nạn nhân chiến tranh.” Sau ngày Giải phóng thủ đô, nó được đổi thành: “ Mồ liệt sĩ và nhân dân Hà nội đã hy sinh trong ngày toàn quốc kháng chiến 19-12-1946”. Theo quy hoạch mới, nghĩa trang Lý Thường Kiệt được bốc đi để phố ấy bỏ không một thời gian. Rồi một cái chợ dần dần hình thành. Từ chỗ chỉ là một “chợ tạm, chợ rau xanh”, khu chợ đó trở thành một Chợ bề thế, có tên tuổi. Nhưng khu chợ vẫn mang nhiều nét dân dã đáng yêu, vẫn là một chợ dân sinh phục vụ đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố. Điều đặc biệt nhất là, ở khu chợ này, những ” đặc sản bốn mùa” của nội ngoại thành Hà Nội bao giờ cũng có đủ. Và dường như có một cái gì thiêng liêng, huyền bí từ những âm hồn liệt sĩ đã thầm bảo ban dẫn dắt người buôn bán luôn luôn hành động theo cái thiện, cái đẹp của đạo lý – bất chấp những biến thiên thời cuộc và sự báo nháo đời thường… Khu chợ nay đã trở thành dĩ vãng, song những giá trị tinh thần chúng để lại sẽ mãi mãi còn làm ấm áp lòng người…

“Đây lắng hồn núi sông ngàn năm…” Sự bất tử của sông núi không chỉ bởi vòng quay không thay đổi của bốn mùa, mà còn bởi mồ hôi xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam đã đổ xuống đất này…
 
Để chia tay mùa đông Hà Nội, chúng ta hãy đến với cái Tết cổ truyền dân tộc khi mùa xuân tới, trong vòng quay tuần hoàn của Đất – Trời…
Nhà văn Vũ Bằng khi ở phương Nam xa xôi đã nhớ về Tháng chạp – nhớ ơi chợ Tết trong tác phẩm Thương nhớ mười hai độc đáo của mình, ông  kể lại những kỷ niệm tuổi thơ mùa đông miền Bắc, mùa đông Hà Nội, trong đó có chuyện mua sắm, tranh dành những bức tranh gà lợn Đông Hồ, Hàng Trống, chuyện chuẩn bị lễ cúng tiễn ông Táo lúc giáp Tết nguyên đán- một tục lệ có xuất xứ từ một truyền thuyết dân gian Việt Nam cảm động. Với tục tiễn Táo quân lên thiên đình, Vũ Bằng đã có một khái quát xã hội mà cho đến hôm nay càng thấy rõ tính thời sự sâu sắc, thấm thía như sau: “bếp của ông Táo là tượng trưng cho gia đình, cái bếp là đơn vị nhỏ nhất của xã hội. Cái gia đình ấy, cái đơn vị ấy đồng nhất từ Bắc vào Nam cho nên không có kẻ nào chia rẽ được Nam với Bắc…”
Cùng với lễ tiễn Ông Táo, những hoạt động mua sắm, dọn dẹp, trang hoàng chuẩn bị cho Tết Âm lịch của người Hà Nội đã vô tình công bố với Thiên nhiên bốn mùa sự say sưa và kính cẩn chờ đón một mùa Xuân mới sắp sang…
.
Nguyễn Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét