Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Nhà thơ Lê Đạt: “Chim gõ mõ xưa chưa giũ hết lụy tình”



Nhà thơ Lê Đạt:
“Chim gõ mõ xưa chưa giũ hết lụy tình”

VƯƠNG TÂM

Tôi chợt nhớ buổi sáng ấy, vào Ngày Thơ Việt Nam (21/2/2008, tức ngày rằm tháng giêng năm Mậu Tý), nghĩa là đúng hai tháng trước khi từ giã dương thế (21/4/2008), nhà thơ Lê Đạt đã có mặt để gặp gỡ bạn thơ nhiều thế hệ. Dường như linh tính báo trước, đây có thể là lần họp mặt cuối cùng của ông trong ngày Hội Thơ mùa xuân. Tuy sức khoẻ đã yếu nhưng ông vẫn cứ rổn rảng với tiếng cười. Và dù đôi mắt đã ẩn dấu nét trầm buồn của tuổi 80, nhưng với thơ, ông luôn luôn trẻ trung. Trẻ về sức sáng tạo, trẻ vì cảm xúc thơ nặng trĩu tình đời. Giờ đây mở lại tập thơ mới nhất, U75 từ tình, tôi đoán chắc chẳng mấy ai có thể quên những câu thơ thật sự kỳ ảo trong bài thơ

Nụ xuân của ông:
“Nụ xuân chớp đông
Hoa xuân chớp hồng
Chũm cau tứ thì chúm chím
Ú ớ mơ ngần
một giấc chim xuân”.

Ấy vậy mà, từ lâu khi sinh thời ông vẫn chỉ nhận là phu chữ và luôn luôn nói rằng chưa bao giờ nhận mình là thi sĩ. Có thể nói, ông là một hiện tượng kỳ lạ trong làng thơ Việt Nam, bởi lẽ trong ngàn trùng dâu bể một đời người, ông luôn tự vượt lên và chỉ nghĩ đến cái sự tân thời cho thơ ca. Mặc dù số lượng sách của ông không nhiều, nhưng có lẽ bắt đầu từ tập thơ Bóng chữ (1994), ông đã phát hiện ra mình và tự nguyện lao động khổ sai vì sứ mệnh lập từ. Một quan niệm mới đã được hình thành, lấp lánh từ những năm tháng xa xưa, giờ đã bật lên thành gien trội:

- Thơ tôi lấy chữ làm chính.
Một lần gặp ông ở Hội Nhà văn Hà Nội,19 Hàng Buồm, tôi có dịp trao đổi với ông về tập Bóng chữ và tỏ lời ngưỡng mộ, thì ông cười, vẫn một giọng cười sảng khoái, rồi nói:

- Thế mà có nhiều người chê đấy! Nhưng ông ạ, con đường tôi đã chọn đi và tôi tin.

- Đó là con đường nào vậy? Ông khẳng định:
- Thơ người ta lập ý, tôi lập từ, thế thôi!
Rồi ông ví von rất thú vị rằng, mỗi người đều có một dạng vân tay khác nhau, vậy mỗi nhà thơ thứ thiệt cũng cần có một dạng “vân chữ”, không thể trộn lẫn. Lại có lần ông bày tỏ
- Tôi đã nỗ lực rất nhiều để trở thành một kẻ rồ chữ. Người làm thơ hoạt động ở những vùng biên ngôn ngữ rất giống một người điên. Cái khác biệt giữa họ nằm ở chỗ, người điên thì vượt biên đi thẳng tới cõi vô thức hoàn toàn của đêm tối mù mịt và ở lại đó; còn người làm thơ thì loạng choạng bước một vài bước sang cõi vô thức thì ngừng lại và biết đằng sau quay, trở về cõi ngày của ý thức, sau khi đã lượm dăm mảng đêm của vô thức để mở rộng địa giới của cõi chữ.
- Chính vì lẽ đó mà ông làm thơ rất nặng nhọc đúng với nghĩa một hình ảnh cày ải trên cánh đồng thơ như một “phu chữ”, với đúng nghĩa của nó. Có những bài thơ ông phải mất vài ba tháng trời để hoàn chỉnh chỉ vì nhọc lòng với từ ngữ. Ông đã từng khóc và run rẩy vì cảm xúc với những chữ mới ra lò mà ông cho là thành công.
- Rồi lại có lần ông nhấn mạnh với đồng nghiệp về trách nhiệm của nhà thơ với câu chữ rằng, hành động yêu nước nghiêm túc nhất của một công dân với tư cách một người làm thơ là cúc cung tận tụy bảo vệ và mở mang bờ cõi chữ của dân tộc mình. Nghĩ tưởng như thật cứng nhắc, nhưng ngẫm lại thấy sâu sắc vô cùng. Nếu ai đọc truyện ngắn Lá thư tuyệt mệnh của ông chắc không thể quên đoạn kết có viết: “Phàm mọi việc trên đời nhất thiết không nên vội, đặc biệt khi làm chữ và khi sắp tự tử”. Vậy là ông sống, chết trong hơi thở của chữ. Việc tìm ra một chữ mới đối với ông như công việc của thợ luyện vàng mười vậy. Và ông đã làm việc đúng như ông nghĩ, chẳng ai có thể quên được những câu thơ độc đáo với chữ mới lạ của ông, như:

“Tuổi lú lẫn, ngược nhầm ga trẻ dại
Hay ngây ngô không biết lối về già
Tha thẩn chữ ngã ba…”.  

Hay như: “Mộng anh hường - tim môi em bói đỏ - Giàn trầu già - khua - những át cơ rơi”. (Trích trong U75 từ tình).

Hoặc thật thú vị với những khổ thơ đặc sắc:
“Đưa anh lần những vùng quên tuổi dại
Thuở trăng sim soi lại bãi ú tim khờ”. (Ngó lời).

Đó là sự khác nhau. Hiện đại là vậy. Lại nhớ trong ngày thơ ấy, giọng đọc thơ của ông đã khàn đi đôi chút nhưng vẫn dầy ấm và nồng nàn tình cảm toát lên từ con chữ:

“Tóc trắng tầm xanh qua cầu với gió
Đùi bãi ngô non
Ngo ngó sông đầy”. (Quan họ).

Sự chơi chữ của ông đã có nhiều ảnh hưởng với các tác giả thơ trẻ sau này. Họ cũng dấn thân tập làm phu chữ như ông và không phải ai cũng thành công. Tuy vậy ông rất khuyến khích các nhà thơ trẻ và đã có lần ông khẳng định, khi người trẻ mới bước vào đời, họ có quyền ồn ào, sau đó lắng lại, như vậy may ra mới có cái gì mới. Ông còn cho rằng cần phải chấp nhận cái nhí nhố của giới trẻ, và ông nghĩ văn chương trẻ náo động, tức là họ không bằng lòng với cái cũ. Họ tìm cách chống lại cái cũ, và có những màu sắc khác nhau là đương nhiên. Và ông đã tâm sự về nghề nghiệp lao động thơ với các nhà thơ trẻ, coi trọng cảm hứng, nhưng cảm hứng chỉ là sự khởi đầu, sau đó là mồ hôi và sự vật lộn với từng con chữ. Đúng với sự ví von, thơ là một lạng cảm xúc cộng với một tạ mồ hôi cho công việc khám phá câu chữ mới lạ.

Ông nói với các nhà thơ trẻ với sự trải nghiệm phi thường của mình với thơ ca. Âm thầm khổ luyện trong kho tàng ngôn ngữ của ông cha, tạo nên một cốt cách văn chương; mang dấu ấn riêng, dấu Vân chữ dị biệt. Có thể nói, Bóng chữ đã tạo nên một phong cách thơ mới, hoà sắc trong nền thơ ca Việt Nam khi bước vào thế kỷ XXI.
Đáng chú ý có lần khi đi bách bộ, vào một buổi sáng, quanh Hồ Gươm, tôi gặp ông đang có nét trầm tư bên gốc cây lộc vừng cổ. Nhìn tôi như lạ như quen, ông ngậm ngùi nói:
- Đúng là ký ức bao giờ cũng đẹp, ông nhỉ?
Ấy thế rồi loanh quanh lại chuyện thơ, ông đọc ngay vài câu đúng với nghĩa cuồng say của một phu chữ:

“Đời tốc hành
một ga xanh sót lại
Một góc tuổi mải tầu
Thơ dại mãi
Tìm nhà quên mất số lớn khôn”. (Kết luận).

Nhưng kỳ thực nhìn vào khoé mắt ông, tôi lại thấy như một ký ức, như ông nói bao giờ cũng đẹp, chỉ vì những ký ức ấy ẩn chứa nỗi lòng, mà ông đã đeo đuổi nó bằng cái Bóng chữ, cái hàm nghĩa, nói rõ hơn là cái miền đa nghĩa, đa chiều lung linh gợi cảm. Chữ của ông gọi chữ, gợi hình làm người đọc xao xuyến chính vì cái “bóng” của nó:

Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu”. (Bóng chữ).

Sau này khi chuẩn bị ra tập thơ U75 từ tình, một tập thơ tình dày dặn, ông vẫn tâm sự với bạn thơ rằng:

- Tình đấy nhưng chữ làm khổ tôi.
Nghĩa là nhiều thập kỷ trôi qua, ông chỉ đau đáu làm mới chữ. Có những lúc ông tự coi mình là kẻ làm khổ chữ, bởi lẽ cái sự nâng lên đặt xuống, cái sự trân trọng con chữ đã làm ông mất ngủ. Thật may sao cái U75 từ tình ấy lại có những cái mới để đọc về những cái muôn đời cũ, đó là tình yêu ở cái lão phu chữ này:

Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nỗi heo may từ đó”.
 (Thu nhà em).

Đã có ai đó kêu lên rằng thơ ông cầu kỳ, bí hiểm, nhưng không thể phủ định được một đời thơ của ông đầy gian lao, nhằm hướng tới một thiên đường thơ ca giàu nhạc tính trong con chữ như ông. Bởi lẽ mục đích cuối cùng của thơ, ông bộc lộ:
- Một nền thơ hay bao giờ cũng là hạnh phúc và cơ may của một dân tộc.
- Cuối cùng cái công làm phu chữ ấy đã làm nên một chân dung thơ Lê Đạt sống động, đầy biến ảo vì tính giải phóng của con chữ. Đồng thời lão phu chữ Lê Đạt là một sự nghiệp thơ xứng đáng với Giải thưởng Nhà nước về VHNT (2007) cho các tập thơ và truyện ngắn Bóng chữ, Ngó lời, Hèn đại nhân. Từ ngày là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957), ông đã có hơn nửa thế kỷ sáng tạo một phong cách thơ độc đáo, tạo dựng một thứ ánh sáng khác lạ. Thực ra làm phu chữ như ông lại luôn luôn bám chặt từ nguồn cảm xúc của trái tim. Ông thường cho rằng nghệ thuật căn bản đều là phát tâm, đúng với nghĩa mà ông cha ta đã từng nói “Phật tại tâm”. Cho dù mổ xẻ từ ngữ, hoặc cân đong đo đếm từng chữ, nhưng bao giờ ông cũng tìm “mã” giải phóng năng lượng cho ngôn ngữ Việt giàu có hơn. Chẳng những vậy mà ông đã quan niệm rạch ròi:
- Chữ bầu nên nhà thơ!
Đúng vậy, chữ đã tôn vinh ông, nhà thơ Lê Đạt!

Vương Tâm
Lethieunhon.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét