Chưa thấy Trạng nguyên nhưng nhiều tiếng bước chân đang tới
Nguyễn Bình Phương
Vậy là sau 2 năm, với hàng ngàn tác phẩm từ khắp mọi miền đất nước gửi tới tham dự, cuộc thi lục bát do Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Tạp chí Sông Hương đồng tổ chức đã đi tới hồi kết.
Rất tiếc là cuộc thi đã không tìm thấy trạng nguyên. Tiếc là tiếc thế, nhưng sâu xa trong lòng thì lại thấy một cuộc thi không có giải nhất xem ra cũng hợp với chất đa nghĩa, bổng trầm của thơ ca. Nói vậy, tuyệt không có ý phủ định chất lượng cuộc thi, trái lại, những chủ nhân của các giải đều rất xứng đáng, bởi mỗi người mỗi vị, mang tới cho diện mạo cuộc thi và diện mạo của giải thưởng những vẻ phong phú khác nhau. Một bài thơ lớn nhiều giọng đan xen, quấn quyết, không làm lu mờ nhau mà tạo nên một phức điệu, đó là cảm giác chung khi nhìn vào những tác giả, tác phẩm đoạt giải và chưa đoạt giải ở cuộc thi này.
Hai tác giả đồng giải nhì là Vũ Thiên Kiều (Kiên Giang) và Ngọc Tuyết (Sài Gòn), đều chứng tỏ được chất riêng của mình. Thơ Vũ Thiên Kiều nghiêng về mượt mà, dân dã, chứa đựng sự đằm thắm trong từng chữ, từng ý, trong cả giọng điệu. Chất dân gian truyền thống phảng phất trong thơ của chị, trong cả triết lý về nhân tình thế thái, trong cả những ẩn ức và những nỗi niềm mà chị bày tỏ. Đề tài của tác giả này rộng và mang tính chuyên nghiệp, nó không dừng ở những tình cảm, những tâm sự cá nhân, riêng tư mà vượt lên để trở thành vấn đề chung.
Đợi chờ sau chiến tranh là chủ đề quen thuộc ở đất nước có quá nhiều chiến tranh như Việt Nam, nhưng Vũ Thiên Kiều vẫn làm ta ngạc nhiên bởi qua thơ chị, đợi chờ không còn là một biến cố, mà trở thành bản tính. Chính xác hơn đợi chờ là linh hồn, là cốt lõi của người Việt.
- Người nơi gió núi mây ngàn
Có nghe nhịp thở nồng nàn hoài mong
Bình yên mùa chín thong dong
Chị bao nhiêu sóng trong lòng nổi gai
(Trễ mùa)
Sau hơn nửa thế kỷ bỏ qua chiến tranh, câu thơ vẫn làm ta nhói lòng. Trễ mùa là sự nhập tâm đến mức cả bài thơ trở thành sự mụ mị của người chờ đợi trong đêm, còn ở Ma trận tính sắc sảo lại quắc lên, rạch ròi, pha chút lạnh lùng.
Ma trận là tiếng nói, là cái nhìn riết róng về sự phân vân của lòng người trong thời thế này và điều đáng nói là nó được thể hiện vừa trực diện vừa mờ ảo:
- Ai tô được nỗi cô đơn
Để ta lẫn với rờn rờn sóng xô
Ai toan tính gột nên hồ
Bột không sạch, miệng nam mô, rồi cười
(Ma trận)
Sự đa nghĩa và trữ tình trong thơ Vũ Thiên Kiều nghiêng về âm tính, nếu có thể gọi như vậy thì cái mạnh mẽ trong thơ của Ngọc Tuyết lại trội về phần dương tính. Thơ Ngọc Tuyết khỏe khoắn, giàu tính triết luận.
Từ hệ thống ngôn ngữ tới nhịp điệu, tới hình ảnh trong thơ chị toát lên một cá tính mạnh mẽ, quyết liệt, tràn ngập sức sống.
- Đêm qua đất cũng lừng khừng
Cuộc đua khốc liệt miết từng thớ đau
…
Đêm qua mặt đất úp lưng
Ngôi nhà lật ngửa mắt trừng trừng cay
(Em về)
Những động từ, những tính từ mạnh lồng nhịp vào thơ khảng khái
- Nắng bấn loạn mưa tỉ tê
Mẹ thèm con lắm
ủ ê ngực trần
Thèm con chui rúc vào thân
Ninh nhừ cảm xúc trong ngần lời yêu
Vậy mà có lúc đột nhiên lời thơ và hình ảnh thơ chùng xuống đến nôn nao:
- Em hiền như một câu kinh
Tiếng chuông phỉnh dụ còn rình bước chân
Lời yêu mật ngọt ân cần
Sợ?
Đêm thiếu phục những lần khóc trăng
(Trăng 14)
Thơ Ngọc Tuyết là thế giới của những cảm giác và hình ảnh trực diện, đi thẳng vào trí não người đọc. Nó mang hơi hướng ngang tàng, nhưng đọng lại vẫn là một ưu tư sâu lắng về nhân tình thế thái. Có thể mạnh dạn nói rằng trong phạm vi cuộc thi này, Vũ Thiên Kiều và Ngọc Tuyết đã bổ sung cho nhau để trở thành một cặp đôi làm vững vàng cho giải Nhì. Đây cũng chính là 2 phát hiện của cuộc thi.
Giải Ba hội tụ những tác giả có độ chín cần thiết, có sự điềm tĩnh chắc chắn. Trong đó có lẽ tác giả Vũ Ngọc Thư, Hải Dương là trường hợp tới độ nhất. Thơ anh, ở từng bài, cả về ý tứ lẫn bố cục đều chặt chẽ, nhuần nhuyễn, tinh tế mà vẫn giữ được vẻ tự nhiên:
- Cha đi chiếc gậy cỏ cầm
Mẹ đi cỏ thắp nến trầm mẹ qua
Ta về những chiến trường xa
Cỏ mừng ngọn cỏ bò ra đón chào
(Chuyện trò với cỏ)
Với 2 bài đoạt giải, Toòng teng và Nhạc chiều, Nguyễn Minh Khiêm tác giả đến từ Thanh Hóa lại có diện mạo khác, sâu sắc mà cũng rất hóm hỉnh với nền tảng là không gian xóm làng của người dân Việt.
- Mẹ tôi lồng tiếng nắng mưa
Xóm làng lồng tiếng cày bừa rạ rơm
(Nhạc chiều)
Bằng giọng thơ ngang ngang pha chút u uẩn, cả nghĩ Nguyên Quân tác giả người Huế thì có sự chiêm nghiệm, đậm chất nội tâm, cả nghĩ.
- Bức tường câm
Lặng đứng nhìn
Mặt tôi đứng bóng
Ố chìm màu rêu
(Chân dung)
Riêng với tác giả tham dự nhưng chưa có giải thưởng trong cuộc thi nầy, ở phương diện nào đó, họ mới thực sự là lực lượng quan trọng kiến tạo nên thành công cho cuộc thi. Sự tham gia nhiệt tình và những tác phẩm của họ đã kích thích niềm hứng khởi sáng tạo của những người khác, trong đó chắc chắn có cả những người đoạt giải. Mỗi cuộc thi đều có những tiêu chí riêng và giới hạn riêng, vì thế có thể hiểu rằng những người không đoạt giải là những người mang tinh thần nhường nhịn, theo nghĩa thơ ca nhất.
Mỗi người mỗi vẻ, hàng trăm tác giả trên cả nước đã tụ nhau lại trong một cuộc thi mà thể thơ đã trở thành máu thịt đồng thời cũng trở thành một thách thức.
Và rồi họ, những người tham dự cuộc thi dù có đoạt giải hay không đoạt giải, dù phong cách khác nhau, thì vẫn chung một điểm: Đấy là những người đã dành cho thể lục bát truyền thống của dân tộc một tình yêu vô bờ bến. Mà thơ xét cho cùng, cũng không ra khỏi hai chữ: Tình yêu.
Hãy lắng nghe bước chân tiếp theo của họ, những người yêu thể thơ lục bát.
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương
Nguồn: vannghequandoi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét