Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Hà Nội Bốn Mùa – Thu


Hà Nội Bốn Mùa – Thu



Hà Nội ngàn năm tuổi lại bước vào Mùa Thu – mùa của những cảm hứng vô tận cho các tuyệt phẩm thơ ca, nhạc họa của những văn nghệ sĩ xưa nay sống trên đất Thăng Long- Hà Nội -  đó là sự thanh bình yên ả của cảnh vật, là nỗi chạnh lòng trước sự điêu tàn hoang phế của Kinh thành cũ, hay là sự biệt ly xa cách vời vợi… Nhưng mùa thu nơi đây cũng gợi nguồn cảm hứng lãng mạn cao cả về một cuộc đổi đời lớn lao trong thời hiện tại…
Mùa thu Hà Nội mang trong mình những dáng vẻ rất riêng biệt mà không đâu có. Thu về, Hà Nội khiến cho người ta say mê vì vẻ đẹp đến lạ lùng của nó trong từng góc phố… Theo quan niệm của người Hà Nội, mùa Thu là mùa đẹp nhất trong năm. Hà Nội vốn đẹp bởi sự trầm mặc và cảm giác bình yên. Và mùa thu lại  càng tô đậm thêm cảm giác đó…
Ai đi xa Hà Nội, đến mùa này lại nôn nao nỗi nhớ về cái sắc nắng như tơ từng sợi một thả xuống óng ánh, về khói sương lãng đãng mặt hồ, về những con phố trải vàng lao xao lá rụng, về một buổi sớm heo may với bầu không khí dìu dịu mát lành, về một khoảng trời xanh biếc cao vời vợi và mây trắng bồng bềnh như mơ… Tháp Rùa cổ kính rêu phong trong sương chiều phảng phất… Những cành liễu tha thướt buông rủ mang hình dáng người thiếu nữ soi bóng nước hồ thu trong như gương… Sóng nước hồ Tây mênh mang có vẻ đẹp thần thoại khi hoàng hôn đang dần buông… Bên bờ sông Hồng, từng chiếc lá tre tung mình trước khi phiêu du cùng sóng nước… Và khi những con phố nhỏ đã thưa thớt người lại qua, từng chùm đèn như lung linh hơn qua những vòm cây thơm ngát hương.
Theo cố nhà văn Băng Sơn, Mùa thu chính là mùa mà Hà Nội mang trên mình những nét yêu kiều diễm ảo và dịu dàng nhất…Lẫn trong lá vàng bay vàng rộm mặt đường và lẫn trong sương lam mơ hồ trên mặt sóng của thời tiết dìu dịu như tơ chăng, là những làn hương từ đâu đó lan tỏa vào không gian như từng sợi âm thanh của một cây vĩ cầm vô hình. Đó là làn hương của hoa dạ hợp nồng nàn trắng muốt; đó là hương sấu chín cuối mùa thoang thoảng đường Phan Đình Phùng; đó là hương ngọc lan vương vấn thoảng nhẹ từ các ngón tay tháp bút trắng ngà quyện với chút hanh hao của cái lạnh đầu thu trên những con đường rợp bóng cây. Có người đã quan sát một cách tinh tế cái háo hức của những bông hoa hải đường rung lên trước những ngọn gió heo may đầu tiên. Đó là loài hoa đặc biệt của thu Hà Nội. Đặc biệt không phải ở màu đỏ tươi đến nao lòng, sặc sỡ mà không chói lóa, cũng không phải ở màu xanh ngăn ngắt của lá, cũng không phải màu vàng óng ánh của nhụy hoa. Cái đặc biệt chính là thời gian mà bông hoa ngậm trong mình từ cuối xuân đầu hạ, phải trải qua nhiều nắng gió, chưng cất từ những tia nắng gay gắt của một mùa hè tới đầu thu mới có được vẻ đẹp ấy. Và hoa sữa. Những cây hoa sữa trổ hương sớm thường là những cây hoa sữa mới trồng, và được chính cái gió heo may đầu mùa giúp tỏa hương bay xa. Đã có biết bao bài thơ, bản nhạc, dòng văn đầy rung động của những người tài hoa ca ngợi hoa sữa Hà Nội. Nhiều người Hà Nội đi xa đã nhớ về hoa sữa, hoa hoàng lan, hoa ngọc lan để tưởng niệm thời hoa niên trong trẻo, thời học trò mơ mộng, tuổi yêu đương tinh khiết của mình. Nhất là, nếu đi trong đêm trăng đường Nguyễn Du, đường Trần Hưng Đạo, đường Bà Triệu hít thở mùi hoa sữa ngọt ngào đang trộn lẫn sương thu làm ướt tóc, không ít người đã phải nghẹn ngào ứa nước mắt vì cái vẻ đẹp nồng nàn và thanh khiết của Hà Nội. Và có người đã phải thốt lên: mùa thu bình yên và dịu dàng quá! Khi đó, người ta cũng dễ dàng mở lòng với chính mình, với những người xung quanh – dịu dàng như chính không gian thu Hà Nội. Và trong đêm sâu lắng của thu Hà Nội, bên hương hoa hải đường, hoa hoàng lan, hoa dạ lan hương, hoa sữa, người ta trở nên dễ cảm thông để hiểu nhau hơn…Người ta sẽ có cảm giác không gian và thời gian như ngưng đọng, tiết thu dịu nhẹ khiến có thể trút hết mọi ưu phiền, lo lắng của cuộc sống bộn bề…Có lẽ cũng trong không gian và thời gian này, ở một căn phòng nhỏ Hà thành, khi ngắm hình vẽ con nai trên ống bút, thi sĩ Lưu Trọng Lư đã viết nên bài Tiếng thu tuyệt tác, một trong những bài thơ hay nhất của thi ca tiền chiến:
Em không nghe mùa thu
Lá thu rơi xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô
Người ta vẫn nói, mùa thu là mùa của những hoài niệm, và như lời một bài hát: “Hà Nội mùa thu tràn nỗi nhớ….”
Một người con Hà Nội khi xa đã tâm sự: “Mình chỉ muốn khóc mỗi độ thu về . Làm sao cầm lòng được khi nhìn vạt nắng vàng nghiêng qua thảm cỏ làm dát vàng cả những gì nhỏ bé nhất, làm lung linh cả những hạt phù du trôi nổi trong không khí… Cái tĩnh lặng và không trung đưa bạn về miền hoang sơ nhất của loài người …”
Một người sống ở nơi chỉ có hai mùa mưa nắng trong năm đã viết những dòng thật xúc động: “Người phương Nam như tôi đã được tặng một món quà tuyệt đẹp của phương Bắc, của Hà Nội. Khẽ khàng, mỏng manh trong hơi sương sớm, se se trong cơn gió nhẹ đem hương mùa bảng lảng qua các con phố… Mùa thu Hà Nội như một thứ men ngọt ngào, nhấp từng giọt, từng giọt để say hồi nào không biết, và cứ muốn say mãi…”
Có người còn khẳng định rằng: “Hà Nội mùa thu như một bức tranh nghệ thuật mà trên đấy người ta có thể nhìn thấy tất cả mọi góc cạnh của cuộc sống. Và dường như mùa thu đã đẩy lùi tất cả những lo toan bộn bề của cuộc sống, để lại một cái gì đó trong sáng như kim cương…”
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn- một người Hà Nội đã có một bài thơ giản dị và miêu tả được Hà Nội mùa thu một cách chuẩn xác, như một cuốn phim tài liệu, và nói hộ được tâm tư của nhiều người:
 Một vài quán nước ánh đèn xanh
Kê ghế ra hiên đón gió lành
Vài bác về hưu ngồi đàm đạo
Thoáng nhìn như cảnh ở trong tranh…
Buổi tối mùa thu êm dịu quá
Hoa sữa thơm ngào ngạt khắp đường
Đã bao mùa đến rồi đi mất
Vẫn ngỡ ngàng mùa thu quê hương.
Tháng Tám mùa thu cũng là mùa của những ngày hội Non sông náo nức lòng người, thời gian của những sự kiện trọng đại bậc nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại diễn ra tại Thủ đô: đó là Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi Lễ tuyên ngôn Độc lập cùng sự ra đời của Nhà Nước Dân chủ nhân dân đầu tiên- trước sự chứng kiến của quốc dân đồng bào và của nắng gió Ba Đình lồng lộng…
Người Thăng Long- Kẻ Chợ từ ngàn năm qua thưởng thức hương vị mùa Thu với nhiều cách khác nhau, song có nét chung nhất là ấm cúng, nhẹ nhàng và đằm thắm; hồn dân tộc trong những nghi thức tế lễ thì vẫn được giữ gìn và phát huy.
Sử sách còn ghi lại những nghi lễ cổ diễn ra vào mùa Thu trên đất Thăng Long xưa mang đậm dấu ấn Á đông và nét cổ truyền của dân tộc Việt.
Vào ngày ngâu tháng Bảy, trẻ em đất Hà thành được mặc quần áo mới và được vui chơi thoả thích. Đây còn gọi là Tết Trung nguyên, hay Rằm tháng Bảy. Thực chất của tết này là một lễ tiết gốc từ Phật giáo. Vào Rằm tháng Bảy, người ta mở hội Vu Lan bồn, lấy việc cúng tế này nhằm vào mục đích là siêu độ cho các vong nhân. Đức Phật dạy rằng: các quan ở âm phủ xét xử những vong nhân lúc sống ở dương thế, nếu ở lành thì phong thưởng, ở ác thì bắt tội. Nhưng cả ác lẫn lành, hôm Rằm tháng Bảy đều tha cho đi chơi cả. Cho nên tục truyền theo chữ gọi là xá tội vong nhân. Vì thế vào ngày Rằm tháng Bảy ở kinh thành Thăng Long thời xưa, các tù nhân được ra khỏi trại giam, đi chơi phố xá. Còn trong dân gian, nhà nào cũng làm cỗ cúng tổ tiên bằng những đồ lễ như các thứ rau quả, bánh trái đựng vào lá sen và cũng lấy lá sen đậy lên, dùng giấy xanh đỏ làm hình nhân, đồ mã để dâng cúng tổ tiên. Còn trong hiện tại, ngày Rằm tháng bảy chủ yếu được hiểu như là ngày của mùa báo hiếu đối với cha mẹ. Trong các chùa lớn nhỏ ở Hà Nội- nhất là ở chùa Quán Sứ, lễ Rằm tháng bảy được tổ chức trang nghiêm và sinh động, thu hút không chỉ phật tử tăng ni mà cả đông đảo người dân các tầng lớp.

Tết Trung thu còn gọi là Rằm Tháng Tám, tức là tết Trông trăng. Dân gian có câu “Muốn ăn lúa tháng năm trông trăng rằm tháng tám”- nghĩa là nhìn trăng mờ tỏ, trong đục mà nhà nông tiên đoán sự được mùa hay mất mùa. Về sau, tết này trở thành tết của trẻ con. Sách xưa có ghi rằng: có con cá chép vàng thành tinh, cứ đến Tết Trung thu thì nó hiện thành người đi dỗ đàn bà trẻ con. Vua sai dân nhà nào cũng phải làm đèn cá bằng giấy treo ở cửa nhà để nó trông thấy, nếu thấy giống nó thì nó đi, không đến nữa, để dân được yên ổn. Từ đó về sau, cứ đến Rằm tháng Tám người ta lại bồi giấy làm voi, ngựa, rồng, kỳ lân, sư tử…và các thứ đèn cá cho trẻ con rước chơi. Do vậy, tục này cũng gọi là Tết Trẻ con. Đây là sự biến thể của một nghi lễ nông nghiệp cổ truyền mang mầu sắc thần thoại. Trong Tết Trung thu, nhà nào cũng ăn bánh trông  trăng: bánh dẻo mặt trăng tròn, bánh nướng thập cẩm cũng tròn, nên gọi là tết Trăng, tết Âm, cũng tức là tết Đàn bà. Mấy năm gần đây, Hà Nội đã tổ chức Trung thu trong phố cổ một cách long trọng và đầy hấp dẫn, thu hút trẻ em khắp các quận nội ngoại thành…


Hình như mùa thu mới là lúc những trái quả ở nội ngoại thành Hà Nội phô diễn hết cái sắc vị được tích tụ bằng nắng gió và tinh túy đất trời qua suốt cả mùa xuân, mùa hạ. Đây đó thấp thoáng bóng người phụ nữ quẩy đôi gánh chung chiêng, bên trong lấp ló những quả thị vàng mượt, những quả ổi tỏa mùi thơm thôn dã, bình dị … Lúc này cũng là lúc, nắng mùa thu đang vẩy những đốm trứng cuốc vào trái chuối tiêu, đang làm cho những quả hồng đỏ như môi mọng, na xanh biếc, bưởi vàng mơ, nhãn nâu đậm đà…, và đặc biệt làm cho quả sấu vàng ươm, chua ngọt- một lọai quả chỉ có ở Hà Nội, một loại quả len lỏi từ nhà hàng đặc sản đến bữa ăn đạm bạc bình dân, hấp dẫn từ quí cô quí bà đài các đến em bé bán rong trên hè phố.
Và nói đến mùa thu Hà Nội là phải nhắc đến cốm làng Vòng… Mỗi lần Hồ Gươm lăn tăn ánh vàng nắng thu, thì phố phường Hà Nội lại thấy xuất hiện cái bóng dáng của người gánh đôi thúng cốm Vòng tiến vào theo đường cửa ô Cầu Giấy. Đôi quang gánh nhẹ như gánh mây chỉ có nắm rơm xanh mướt, chiếc lá sen hồ Tây to đùng đậy hững hờ. Nếu nói rằng: cốm là một món ăn đặc trưng của nghệ thuật ẩm thực đất Hà Thành, thì làng Vòng chính là cái nôi của món ăn đặc trưng này. Nhiều người đã cảm nhận được một điều: mùa thu Hà Nội như trong hơn, tinh khiết hơn, nhờ hương thơm từ những lò cốm làng Vòng… Những hạt cốm xanh ngọc trong đến nõn nà mang hương trời khí đất, cả hồn quê và huyền thọai làng được bọc bằng lá sen phảng phất hương thơm thóat tục, bên ngòai buộc thêm một vài sợi rơm không quá chặt, không quá lỏng – trở thành một món quà dân dã mà quý của người Tràng An – Hà Nội. Dù bán ít bán nhiều, những mẻ cốm làng Vòng bao giờ cũng ngon đặc biệt, không pha tạp. Hạt cốm mềm, dịu dàng một vị ngọt tinh khiết thường được ăn kèm với chuối trứng cuốc. Người Hà Nội thường nhâm nhi từng hạt cốm để cảm hết hương vị trời, đất, đồng quê và nắng gió trong hạt cốm. Rất nhiều người xa xứ khi thăm lại Hà Nội đều muốn hít hà hương cốm để tận hưởng cảm giác trở về đất mẹ… Cốm còn được làm thành bánh chằng lên một múi lạt chữ thập nhuộm đỏ cánh sen để gửi đến ngõ nhà người yêu, để đặt trên bàn tiệc cưới, đám hỏi…Có câu chuyện kể về lai lịch cốm Vòng: từ rất lâu, vào một năm giáp hạt đói kém, một gia đình ở làng Vòng thuộc phường Dịch Vọng – quận Cầu Giấy bây giờ, vì đói quá nên phải lấy một nắm lúa nếp non rang lên để ăn tạm, thì thấy có hương vị thơm ngon lạ lùng. Nhà nọ truyền tai nhà kia, và cốm Vòng ra đời từ đó. Các nhà văn Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng đều có những trang viết thật hay về cốm làng Vòng…

Tháng chín là tháng mà nhà văn Vũ Bằng trong Thương nhớ mười hai đã phải tự hỏi: ” làm sao đến tháng chín, có nhiều cái thú ý nhị thần tiên thế nhỉ?” Trước cảnh nhà trai đem hồng đỏ chói chang và cốm xanh biêng biếc đến sêu tết nhà gái, nhà văn đã ngẩn ngơ: ” Nhìn những mâm hồng và cốm tốt đôi, ai cũng cảm thấy lòng mình nở hoa và kính sợ tổ tiên ta hơn lên một chút, vì sao các cụ lại có thể lựa chọn tài đến thế trong việc chơi màu sắc, đồng thời lại đem cho nhân duyên của trai gái một ý nghĩa đậm đà đến thế…” Và không ai miêu tả hấp dẫn hơn nhà văn Vũ Bằng cái thú săn chim ngói, và tục lệ cúng món chim ngói hầm cùng cơm mới gạo Tám Cói ở đất Bắc – Hà Nội trong tháng cuối mùa thu…


Đó cũng là tháng của những cơn mưa bóng mây… Mưa bóng mây không chỉ là một hiện tượng thời tiết quen thuộc của mùa thu, mà còn đi vào tâm hồn của người Hà Nội như một sắc thái của tình cảm:
Khoảng trời em mưa thưa bóng mây
Mưa khó hiểu như tình ta buổi ấy
Cơn mưa giận, cơn mưa thương biết mấy
Nhớ nhung gì cho ướt áo người xa…
( Thơ Quang Huy)
Nhưng cơn mưa bóng mây đa tình đó cũng còn được gọi là mưa rươi.
Rươi là thực phẩm làm ra món chả rươi – món ăn của “một thiên nhiên chuyển mùa, đẹp đến não nùng, mê đến xôn xao trong dạ”, một món ăn mà người Hà Nội vốn sành ăn mê nhất – như nhà văn Băng Sơn từng khẳng định! Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân vào cữ rươi này thế nào cũng phải có mặt ở cái quán rươi ám khói ở phố Huế, nhón hai ngón tay nâng chiếc chả rươi lên… Mùa rươi, cứ chiều chiều lại có những phụ nữ bán rươi rong rao vang khắp phố phường những lời hối thúc, mời gọi. Một cô gánh rươi đi trước, bà đứng tuổi đi sau tay cầm một cái bát đong rươi, tay kia xách chiếc liễn nước để nhúng tay…Rươi nấu cùng củ cải, hoặc cùi gấc xanh, khế mọng vàng, và không thể thiếu món đầu vị là vỏ quýt vàng ươm! Cứ tầm tháng chín, tháng mười, khi đêm về, dọc vỉa hè Hà Nội có những cô bán hàng nhanh tay đảo những hạt dẻ trên ánh than hồng. Có hai loại là hạt dẻ to và hạt dẻ nhỏ. Mỗi loại có một vị thơm đặc trưng rất thú vị, và đều là thứ hạt dân dã, mộc mạc – thứ hạt dù được chế biến thế nào cũng vẫn giữ nguyên được hương vị đặc trưng của nó… Nó là món quà dành cho nhau của mọi lứa tuổi trong tiết trời thu se lạnh đêm vắng, khi mà người ta cảm thấy cần hơn hơi ấm của người thân. Đôi tình nhân, người cha, người mẹ, người chị…dừng xe mua hạt dẻ dù đã muộn… Đây cũng là món quà vặt rất được các bạn sinh viên xa nhà ưa chuộng vì vị thơm ngon và giá cả vừa phải…
Thu Hà Nội còn là nguồn cảm hứng vô tận cho thơ ca, nhạc họa từ xa xưa tới hôm nay.
Bài thơ Nôm Mùa thu của Ngô Chi Lan trong Hồng Đức quốc âm thi tập dành trọn cho việc tả cảnh thu của kinh thành Thăng Long
Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ,
Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa
Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm,
Rừng phong lá rụng tiếng như mưa…
Trong phần phim Mùa xuân Hà Nội, chúng ta đã có dịp nói qua về Bà Huyện Thanh Quan khi dừng trước những con chim sâm cầm Hồ Tây lặn ngụp. Chính bà đã có công trong việc phá bỏ lệ tiến cống chim sâm cầm, trả lại cho Hồ Tây một vẻ đẹp  hiếm có của thiên nhiên Thăng Long- Hà Nội. Bà Huyện Thanh Quan còn là một nhà thơ người Long thành chính gốc mà lịch sử văn học cổ – trung đại Việt nam buộc phải nhắc đến. Thơ của bà là thơ mùa thu và chiều tà, và hầu hết đều mang một giá trị nghệ thuật đặc sắc. Bà đã nhiều lần Ngơ ngẩn lòng thu khách bạc đầu… Thời gian mùa thu tượng trưng cho sự tàn tạ, và sự tàn tạ đó lại gắn với một không gian đổ nát, hiu quạnh là kinh đô Thăng Long- lúc bấy giờ lại trở thành cố đô. Mặc dù trĩu buồn về những cảnh tượng đó, nhưng thi nhân vẫn thấy được vẻ đẹp của sự tiêu vong:
Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Tâm trạng này cũng giống như của các nhạc sĩ Hà thành như Văn Cao, Cung Tiến, Zoãn Mẫn trong những bài hát Tàn thu, Hương xưa, Biệt ly – đặc biệt là của thi sĩ nổi danh Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu – người huyện Ba Vì Hà Nội trong bài thơ Cảm thu tiễn thu:
Lá sen tàn tạ trong đầm
Lặng mang giọt lệ âm thầm khóc hoa
Nhưng đó là những mùa thu đã xa…Trong những mùa thu nay của Hà Nội, nhà thơ đã nghe được hương cốm mớitrong vắt nói cười thiết tha ( Thơ Nguyễn Đình Thi). Những ngươì nghệ sĩ của thời đại mới đã cảm nhận được trong mùa thu Hà Nội không chỉ vẻ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên mà còn cả cái sức sống vươn lên của một dân tộc sau khi  Rũ bùn đứng dậy sáng lòa …
Cố nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn, bằng sự rung động của một tình yêu hết sức tinh tế đã miêu tả thu Hà Nội trong hiện tại thật gợi cảm, và nói hộ nhiều người từng yêu mùa thu Hà Nội qua giọng hát của ca sĩ Cẩm Vân:
Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ,
Nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu.
Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội,
Mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió,
Mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ,
Cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua.
Hồ Tây chiều thu, mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi.
Màu sương thương nhớ, bầy sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời… 

Nguyễn Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét