Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

“700 NĂM THƠ HUẾ” THỪA VÀ THIẾU


700 NĂM THƠ HUẾ” THỪA VÀ THIẾU

VĨNH NGUYÊN

Phải nói rằng đây là một công trình tỉnh TT- Huế đầu tư đặc biệt cho ngành văn hóa- văn học của vùng đất Thuận Hóa- Phú Xuân- Huế từ ngày khai sinh 1306 đến 2006 là tròn 700 năm.
Đầu thế kỷ 21, ban điều hành Hội văn học nghệ thuật đã đệ trình công trình dài hơi này lên tỉnh và đã được UBND tỉnh TT- Huế phê duyệt.
Nhưng mãi đến tháng 6- 2008, “700 năm thơ Huế” mới ra mắt bạn đọc (Cũng có nhiều lí do trong việc chậm trễ này).
700 năm thơ Huế” ra chậm vẫn gặp vận may, vừa đúng lúc Festival Huế lần thứ 5 diễn ra. “700 năm thơ Huế” được chưng diện trên quảng trường thi ca với hình đèn kéo quân 8 mặt là 8 bích chương giới thiệu các chương trình VHNT hưởng ứng Festival, trong đó có 2 chương trình VHNT đặc sắc là “700 năm thơ Huế” và “Thơ, văn, phê bình, nghiên cứu lý luận VHNT Thừa Thiên Huế 30 năm”. Ba quyển dày dặn đóng thành 1 hộp càng nhân lên sự tôn vinh thơ trong mùa Festival như đã từng được tôn vinh vào ngày thơ Việt Nam rằm Nguyên Tiêu trước đó. “700 năm thơ Huế” có 1218 trang, khổ 16 x 24, bìa cứng, nặng 2 kg là biểu hiện một công trình văn học có tầm cỡ.
700 năm thơ Huế” có 2 phần:
Phần I: Hán Nôm (Trung đại) có 68 tác giả và 102 tác phẩm, từ Trương Hán Siêu (?- 1354) đến Nguyễn Hy Thích (1891- 1978). Phần Hán Nôm này do ông Nguyễn Phước Hải Trung (con cố thi sĩ Hải Bằng)- là thạc sĩ ngữ văn, giỏi Hán Nôm đảm trách. Đây là phần biên soạn, dịch thơ, chú thích rất khoa học nên đạt được hiệu quả cao cho công trình. Tuy vậy, theo thiển hiểu của chúng tôi nên đưa vào hai vị nữa:
1. Hoàng Kế Viêm (1820- 1909) là phò mã, lấy công chúa Hương La thứ 15 con vua Minh Mạng. Ông có tập thơ “Chi chi thi thảo” và “Gia huấn ca họ Hoàng” đã khắc thơ vào văn bia công đức nhà thờ và lăng mộ ông ở làng Văn La, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình là di cảo duy nhất của ông còn để lại.
2. Hà Văn Quan (1827- 1888) là Hình bộ thượng thư, sung cơ mật viện đại thần triều Tự Đức. Hà Văn Quan đi sứ Yên Kinh ( Bắc Kinh) có soạn tập thơ                             
                                   (Yên hành nha ngữ thi cảo).
Phần II: Đương đại. Nhóm biên soạn gồm Hồ Thế Hà, Trương Thị Cúc, Võ Quê, Nguyễn Khắc Thạch (chủ biên chung cả hai phần). Phần này có 425 tác giả và 736 tác phẩm.
Tuy vậy, qua nhiều bạn đọc chuyên sâu, chúng tôi nhận thấy ở phần Đương đại có quá nhiều thừa và thiếu.
1. Xin nói về phần thừa:
- Có rất nhiều chùm thơ 2 bài, 3 bài nhưng nhiều bài trong đó không hề có một câu nào, một chữ nào, một không gian nào liên quan đến mảnh đất và con người TT- Huế là không đúng với tiêu chí, nên thừa.
- Phan Chu Trinh có ở Trung Đại (trang 215) và cả ở Đương đại (trang 844) cùng một tác phẩm “Ngày tết ở kinh thành”.
- Bài thơ “Trưa đơn giản” (trang 285) là của Chế Lan Viên, được viết vào khoảng 1935- 1937 trong tập “Thơ không tên”. “Trưa đơn giản” in vào tuyển tập Thơ Chế Lan Viên (tập 1) NXB Văn Học 2002 nhầm sang thơ Chử Văn Long là vừa sai vừa thừa.
- Ban biên soạn có phần lạm dụng quyền cá nhân của mình trong việc đưa vào quá nhiều tác giả thân quen của họ, mà những tác phẩm này chưa xứng đáng, chưa tiêu biểu thơ.
2. Về phần thiếu:
- Võ Liêm Sơn (1888- 1949) là bạn thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Ngạc Am, có soạn “Ngạc Am thi tập”. Mười năm ông dạy trường Quốc Học Huế (1919- 1929). Năm 1993, Hội văn nghệ Hà Tĩnh xuất bản tập thơ “Ngắm non Hồng” của ông. Cũng năm 1993, Ninh Viết Giao và Đoàn Khánh Sơn sưu tầm biên soạn và Hội văn nghệ Hà Tĩnh cùng tỉnh ủy Hà Tĩnh đã xuất bản tập “Thơ, văn Võ Liêm Sơn”. Phần thơ có 62 bài, trong đó có 4 bài viết về Huế là “Đất khách thu về” (1917), “Sông Hương” (1920), “Núi Ngự Bình” (1924), và “Chiều tối sông Hương” (1924) (Mã số 8(V)1 TH460V Thư viện tổng hợp TT- Huế.
- Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn (1897- 1947) làm thơ, làm báo trên mảnh đất Thần kinh. Không có nhà, phải ở trong chuồng ngựa của một bà chúa. Người thơ si tình yêu bà chúa nhưng không được yêu lại, mới có thơ “Người chẳng thương ta, ta cứ thương...”. Bài thơ “Năm Cụ” dậy tiếng kinh thành, ai nấy điều thuộc là nói về 5 vị thượng thư bị rớt đài cùng một lúc. Hoài Nam có tập thơ “Tiếng quốc canh khuya” biểu hiện lòng yêu nước thương nòi của tác giả.
- Thiếu các tác giả Mai Đình, Manh Manh. Thiếu Henri Guibier với tác phẩm “Nocturne sur le fleuve des parfums”, được Lệ Chi dịch là “Điệu hát đêm trên sông Hương”. Làm thơ bằng tiếng Pháp viết về Huế còn có cả vua Duy Tân nữa.
- Thiếu nhà thơ Vĩnh Mai (1916- 1981). Từ năm 1946- 1947 ông là bí thư thành ủy Huế. Sau này nhiều năm là chánh văn phòng Hội nhà văn Việt Nam. Thơ Vĩnh Mai tiêu biểu viết về Huế có bài “Khóc Hoài”:
Mi táo bạo về chi ngay Phú Lộc
Tây biết, phục kích bắn mi đi…( 1948)
và “Mừng Huế giải phóng” (1975).
- Thiếu Hồ Vi- nhà thơ quân đội ở trung đoàn 101. Thừa Thiên Huế lúc đó có 2 trung đoàn đánh Pháp nổi tiếng là trung đoàn 101 và trung đoàn 95, nổi tiếng như tiểu đoàn 307 khu 8 Nam bộ vậy. Hồ Vi có bài thơ “Gởi người 95
Chợ Mai đông lính hai miền dồn dập
Xanh áo Thừa Thiên màu lá yên lành…
Trận mô sương súng đòn triêng gẫy
Áo trấn thủ kề vai nhau ta đào bật thằng Tây…
- Thiếu Dương Tường. Dương Tường có thơ “Chiều đi qua Thanh Hương”. Thanh Hương trong bài là làng Thanh Hương, huyện Phong Điền. Có trận đánh Pháp đã đi vào sử sách. “Trận Thanh Hương” (truyện kí) của nhà văn Nguyễn Khắc Thứ được Hội Văn nghệ Việt Nam trao giải 2 (1952).
- Nguyễn Đắc Xuân trước khi trở thành nhà văn, nhà Huế Học đã từng in 3 tập thơ “Chuyện tình và thơ tình xứ Huế”.
- Nhà văn Mường Mán trước khi viết truyện ngắn, tiểu thuyết đã làm rất nhiều thơ về Huế (vừa in lại Tuyển tập thơ Mường Mán năm 2008).
- Còn thiếu các tác giả thơ như Lê Gành, Tường Phong Nguyễn Đình Niên, Nguyễn Thị Hoàng, Tống Hoàng Nguyên, Tôn Thất Lương, v.v… (không thể liệt kê)
Có đến bốn nhà sử học và nghiên cứu văn học TT- Huế cho tôi hay rằng: “700 năm thơ Huế” còn thiếu khoảng 300 tác giả mà đa phần là người Huế đã mất hoặc đang sống trên khắp mọi miền đất nước và nước ngoài.
Vậy thì câu hỏi đặt ra là tại sao một công trình văn học sáng giá cho một vùng đất vốn có truyền thống thi ca Thuận Hóa-Phú Xuân-Huế mà lại thiếu sót đến vậy? Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy nhóm biên soạn này (chủ yếu phần đương đại) đã lắp ghép thông qua thư mục tác giả- tác phẩm đã có sẵn mà không dụng công sưu tầm các nguồn tư liệu khác nên mới thiếu sót nhiều đến như vậy. Một công trình văn hóa-văn học dài hơi thì tính khoa học của nó phải đến cỡ nào, ai là người phản biện nó, tổ chức nào nghiệm thu nó?
Theo thiển nghĩ của chúng tôi, thiếu sót quá thì phải sửa. “700 năm thơ Huế” đầu tư 250 triệu đồng cũng là lớn nhưng số tiền đó đâu là gì so với một công trình văn hóa- văn học 700 năm? Nếu cần thiết cũng phải chi tiếp một số tiền tương đương để làm lại âu cũng là việc bình thường.
Theo chúng tôi, có hai cách làm. Cách một là tái bản và bổ sung. Cách hai: “700 thơ Huế- Quyển 2”. Theo nhiều hội viên văn học Thừa Thiên Huế thì đều lựa chọn phương án 2. Bởi công trình muốn mang tính khoa học cao thì trước hết phải xác lập một ban biên soạn hoàn thiện hơn hoặc bổ sung trên cơ sở ban cũ. Bản thảo đưa ra phải có người phản biện. Phải làm đúng các bước nghiệm thu. Tác phẩm hay hoặc dở cần bổ sung hay cắt bỏ để chọn lại bài hay hơn, tiêu biểu hơn của từng tác giả thì phải thống nhất trong ban biên soạn rồi mới in ấn thành sản phẩm.
Cuối cùng, chúng tôi tâm niệm: “Văn như Siêu, Quát…” mà cũng chỉ đưa vào một bài góp tiếng thơm cho 700 năm, thi hậu thế không nhất thiết in chùm 2 đến chùm 5. Tác giả in chùm là những nhà thơ có nhiều tập thơ mà độc giả đã đọc bao năm qua. Biên soạn một tập sách- một công trình với thời gian 700 năm thì một tác giả chỉ nên chọn một hai bài tiêu biểu với tiêu chí viết về vùng đất ấy là đủ. Nó lược bỏ những tác phẩm bình thường, giảm được số trang để đưa vào quyển 2 (ví dụ vậy) những gương mặt thơ và tác phẩm tiêu biểu của họ bao thời kì mà họ đang bị khuyết trong tập “700 thơ Huế” này. Đó cũng là trách nhiệm và lương tâm của những nhà soạn sách qua từng triều đại vậy.

Vĩnh Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét