Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Một Hiện tượng thơ bị bỏ quên 40 năm



 MỘT HIỆN TƯỢNG THƠ BỊ BỎ QUÊN 40 NĂM

(Người Mua Đồng Nát giới thiệu)

Nữ sỹ LÝ PHƯƠNG LIÊN, là một hiện tượng thơ vào khoảng 1969 - 1971. Sau đó biến mất khi chị công bố bài thơ "Nghĩ về Thúy Kiều" nhân kỷ niệm 150 năm ngày mất của thi hào Nguyễn Du.
Bài thơ Nghĩ về Thúy Kiều có hai câu mở đầu:
- "Hai trăm năm nước chảy dài vô tận
 Thúy Kiều ơi nàng sống tháng năm dài..."
Rồi cứ thế, niềm suy tư, ray rứt, bâng khuâng của cô gái hai mươi tuổi về thân phận cô Kiều. Cô kiều ấy lại không phải của riêng Thanh tâm Tài Nhân, không của Nguyên Du. Đó là nỗi đau thân phận, nỗi đau kiếp người ở mọi xã hội khác nhau, mà xã hội nào thì cũng dư Tú Bà, thừa Sở Khanh, nhan nhản Ưng Khuyển, đồng tiền  vẫn là quỷ là ma đổi trắng thay đen. Bể trầm luân vẫn dìm, vẫn đầy đọa, bức hiếp những kiếp người; người lương thiện thời nào cũng vẫn ngoi ngóp, nổi, chìm trong cái vòng "kim cô" bất công, muốn cởi bỏ mà không đủ phép mầu, cứ: "Cái bất bông này được xóa bỏ, bất công khác lại nảy sinh" (Hê Ghen)... 
Có thông tin nói chị là người Việt gốc Hoa? Chị sinh: năm 1952, Hà Nội, cha chị làm ở ngành điện lực, hy sinh khi đang làm việc do bom Mỹ ném vào Hà Nội năm 1966; mẹ chị mất cùng 50 người trên một chuyến đò ngang khi qua Sông Hồng, cũng do bom Mỹ đánh cầu Long Biên năm 1966. Chị làm thơ từ năm 16 -17 tuổi, nổi tiếng trong 3 năm. Chị vừa làm việc nhà nước, vừa trông xe đạp thêm ngoài giờ, thay cha, mẹ nuôi 4 người em ăn học. Chùm thơ ba bài: "Lời ru với anh, Ca bình minh, Em mơ có một phiên tòa, tôi chép từ báo Nhân dân (do nhà thơ Nguyễn Đức Mậu gặp, cho tôi cuối năm 1970) vào sổ tay tại chiến trường; còn bài: Ngã ba, tôi vứa chép lại lúc 10h trưa nay ngày 2/ 3/ 2009, từ tuyển tập thơ Việt Nam 1945 - 2000, do nhà thơ Gia Dũng sưu tầm - Biên soạn, NXB Lao Động in năm 2001. Nhà thơ Đinh Nhật Hạnh cho mượn tập thơ này để tôi chép. Hình như đầu năm 1971, LÝ PHƯƠNG LIÊN  có in tập thơ riêng ở NXB Lao Động, tên tập thơ là: CA BÌNH MINH. Bạn nào còn giữ được tập thơ này hãy liên hệ với nhà văn Văn Chinh, trang web: vanchinh.net, để nhà văn Van Chinh giới thiệu rộng rãi tới bạn yêu thơ cả nước gương mặt thơ bị bỏ quên 40 năm.
 Blog 360.yahoo.com/haixuanhxh, Xin giới thiệu 4 bài thơ sau đây của LÝ PHƯƠNG LIÊN. Như nhà văn Văn Chinh viết: "để cùng nhau chia sẻ, về một giọng thơ trong trẻo và thánh thót từng làm xao xuyến văn đàn mấy năm":


1
LỚI RU VỚI ANH

Chim bằng ngoan của em ơi
Đêm nay ngon ngủ, sáng mai lên đường
Em ngồi nhìn ngắm yêu thương
Cho no mắt nhớ ngày thường chim bay.
Em muốn anh như bàn tay
Xòe ra là gặp
Chim bằng - trời biếc
Chim bằng – con trai,
Ngủ ngoan anh nhé sớm mai lên đường
Ở nhà bên cạnh người thương
Để chim nghỉ cánh dặm đường đời xa
Lồng con, phòng hẹp đôi ta
Chim bằng chẳng thể quanh ra quẩn vào
Xa anh nói nhớ làm sao
Chân đứng tổ kiến lòng chao gió cành
Lẽ nào em buộc cánh anh,
Buộc cánh anh,
Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu
Trời rộng chim reo
Mắt em mai sớm dõi theo chim bằng
Nỗi nhớ trong lòng
Cho chim cánh gió…
Cho ngày nắng nỏ
Chim bay.
Ngủ ngoan anh nhé đêm nay
Để mai xa suốt tháng ngày có em.

2
 CA BÌNH MINH

Em đi làm ca ba
Đêm buông dài đường phố
Hà Nội vào giấc say trẻ nhỏ!
Em đi giữa lòng đường
Hát khẽ
(con gái thường vẫn thế)
Tuổi ca ba rất trẻ
Đêm ca ba lại dài
Mười tám, đôi mươi
Tuổi như em khỏe ăn khỏe ngủ.
Bạn bè em có nhiều ý lạ
Khi nói tới ca ba
Ca của nhưng đêm hè trời đầy sao hoa
Ca của những đêm đông bập bùng ánh lửa
Còn em với niềm vui bé nhỏ
Em gọi ca ba là ca bình minh
Ý nghĩ ấy gặp em như một sự vô tình
Đêm ca ba đi dọc đường Nam Bộ
Tay vẫy chào những đoàn tàu rời ga Hàng Cỏ
Đưa bộ đôi lên đường
Các anh đi suốt ca ba thẳng tới chiến trường
Đón bình minh đất nước
Và một đêm ca ba hôm trước
Chị hàng xóm nhà em trở dạ đầu lòng
Nước mắt lưng tròng
Ôm bụng đau quằn quại
Miêng lẩm bẩm những lời sợ hãi
Em dìu chị đến nhà hộ sinh
Sáng hôm sau gió cao trời xanh
Chị hàng xóm đón em tiếng oa oa con khóc
Ai cũng muốn một ngày là một ngày sống đẹp,
Đêm thao thức cho ngày
Ơi ca ba, ca ba em đi vào đêm nay
Đã thấy bình minh trước mặt.

3
EM MƠ CÓ MỘT PHIÊN TÒA

Phiên tòa mở trong nhà em
Vòng trong vòng ngoài là bà con hàng phố
Cụ già, cháu nhỏ…
Nét mặt nghiêng trang
Ghế tránh án một hàng
Bạn đại biểu, dân phòng, hộ tịch…
Vành móng ngựa sát góc
Bầy tù binh Mỹ gục đầu
Năm chị em ngồi sát vào nhau
Ngực nén đầy tiếng khóc.
Những vòng hoa thơm ngát
Xếp quanh
Như tấm lòng nhân dân
Vây quanh quan tài mẹ
Sau làn hương trầm thoảng nhẹ
Mẹ em về
Mẹ em về…
Mẹ em về làm người minh chứng.
Ai đã nhìn thấy súng
Ai đã nhìn thấy bom
Ai đã nhìn thấy cảnh mẹ con
Chiều chiều vây mâm cơm có cà và rau muống.
Nhà em nghèo lắm
Nhưng ấm êm là một gia đình
Mẹ em hay lẩy Kiều sang canh
Hàng xóm nghe quen trong im lặng
Sáng nắng
Chiều mưa
Có vất vả, có ước mơ
Đời vẫn sênh sang hạnh phúc…
Thế mà súng chĩa vào lồng ngực
Nơi có quả tim.
Quả bom
Cũng ném vào nơi ấy.
Mẹ em đứng đấy
Người minh chứng của đời
Mẹ ơi,
Con đã nhìn thấy bom và súng.
Bom và súng
Giết một dòng sông
Giết một con đò
Có mẹ em và năm mươi cuộc sống
Cô gái bằng em
Mắt nhìn vào huy vọng
Có em nhỏ bằng em em
Thích chơi bi và chạy trốn…
Bom và súng
Ai dạy mi giết người
Bầy giặc lái cúi đầu câm lặng.
Có khác chăng Sông Hồng
Dòng Pô Tô Mác nước xanh như thạch
Nước xanh, nước hồng đều cùng nước dòng sông
Nếu bom đạn Việt Nam đổ xuống dòng Pô Tô Mác?
Em trừng mắt nhìn lũ người làm giặc
Chúng câm lặng cúi đầu.
Bầy giặc lái cúi đầu câm lặng
Chúng đã tắm tuổi thơ trong lòng mát dòng sông
Chúng đã ngắm biển đêm sau một ráng trời hồng
Chúng đã hái nho về ngâm rượu
Chúng biết mặc áo quần đủ kiểu
Biết hôn mẹ và hái hoa…
Nhưng tay chúng lại biết cầm cả súng.
Cầm cả súng
Tay chúng và tay ta đều cầm súng.
Chúng bắn sông Hồng
Ta không bắn dòng Pô Tô Mác
Chúng đốt nhà ta
Ta không đốt những vườn nho của chúng.
Chúng giết mẹ ta
Ta không giết mẹ chúng
Chúng đến Tổ quốc ta
Việt Nam
Ta không sang
Nước Mỹ
Không phải dài lời nói về chân lý

* * *
Mẹ của con ơi, hỡi người minh chứng
Những người sống trông lên đôi mắt cháy ngời
Bầy giặc lái cúi đầu câm lặng.

(Chép sổ tay từ báo Nhân dân cuối 1970 )

4
NGÃ  BA(*)

Nhà em chạy tới nhà anh
Vừa ra khỏi cửa đã thành ngã ba
Ngã ba ở giữa đôi ta
Em đi thẳng đến thềm nhà đón anh
Trên đầu lồng lồng trời xanh
Hình như đưa lối chúng mình tìm nhau
Phố ngang như những nhịp cầu
Phố dọc như những dài lâu đợi chờ
Lối nào cũng thấy ngã ba
Lối nào cũng thấy đôi ta trùng phùng
Vì trong tất cả riêng chung
Trái tim ta nói nhịp cùng yêu thương.
Cảm ơn đời đã mở đường
Giữa đôi ta chẳng lối mòn ngã ba.

Lý Phưương Liên
                            
-------------------
(*): Bài này rút từ tuyển tập thơ VN 1945 – 2000, Gia Dũng tuyển chọn – Biên soạn, 2001

Copy từ Hoangxuanhoa.blogspot.com 17.3.2012
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét