Đọc "Chân trời sau chân trời", thơ Vũ Quần Phương, NXB Văn học, 2011
NGUYỄN THANH LÂM
"Chân trời sau chân trời" là những chiêm nghiệm và độc thoại của nhà thơ Vũ Quần Phương ở tuổi 72, cái tuổi xưa thì hiếm mà nay thì không hiếm. Chỉ hiếm ở tuổi 72 mà thơ vẫn đậm hương đời, tình người, vẫn săn chắc và dồn nén, trầm tĩnh mà ẩn tàng bão dông. Khác với những tập thơ trước, kể từ tập "Quên chữ quên câu" xuất bản năm 2000 đến nay, đời mở cửa, nhà thơ tự thoát mình ra khỏi mình, thật mình hơn.
Mở đầu tập thơ là cặp "Âm - Dương": Trà đạo và phản trà đạo. Trong âm có dương, trong dương có âm là bản chất của dịch lý, bản chất của mọi sự mọi vật trong đời và ngoài đời.
Nhà thơ nhẩn nha, chậm rãi, ngẫm nghĩ lẽ nhân sinh trong trà đạo:
Nước thật sôi
Trà chết một lần nữa
Lại hiện ra búp non
Đấy là lẽ "vật cùng tắc phản" trong nỗi đau và cái chết sự sống lại hóa sinh. Có điều búp non ở cấp độ này thì "Bơi trong đặc chát". Câu thơ thủng thẳng, chậm rãi, ý ở ngoài lời, lấy việc uống trà nói việc đời, không ồn ào cao khoát mà lắng sâu, hương và vị trà "Từng giọt thấm" vào tâm, tỏa lan khơi nguồn ý tưởng.
"Phản trà đạo" là khí chất nói thẳng: "Đừng nói chuyện uống trà/ Hãy đi khoan giếng". Người đàn ông đã trải đời, trải núi, trải sông nhưng vẫn phải "Tìm xuống thật sâu/ Tận lòng người/ Sâu hút". Thơ nói chuyện khoan giếng, lấy nước mạch sâu nhưng lại sâu tới "Tận lòng người sâu hút" thì nước không hẳn chỉ là nước nữa mà tìm ở lòng người sự trong và sạch. Phàm việc khoan giếng, đào giếng, việc đầu tiên là tìm đất nào có mạch nước. Mạch nước có mạch nông, mạch sâu, nước có nước đục, nước trong. Giếng có giếng ngọt giếng lành và có giếng không dùng được. "Tìm xuống thật sâu/ Tận lòng người/ Sâu hút" là cái âu lo, bất an thời nào cũng có trong mỗi con người, trong mỗi nhà thơ.
Xưa Nguyễn Trãi đã từng "Bui một lòng người cực hiểm thay", nay Vũ Quần Phương không nản lòng tìm cái thanh khiết của nước trong. Dễ thôi: "Nước trong thì không đục" nhưng cũng khó vì "Nước trong mà có khi vẫn độc", việc đời lắt léo là vậy. Câu thơ "Lưỡi người cũng không tin được đâu" có dáng dấp câu văn xuôi độc thoại và tranh luận. Nó nghi ngờ cảm quan: "Nếm không ra vị độc". Lưỡi ở đây không chỉ là cơ quan vị giác, nó còn là cái lưỡi ngụ ngôn của Ezop. Nói hay là nó mà nói dở cũng là nó, rất khó tin. Vũ Quần Phương tự hô hào ở lòng mình: "Cứu nước thời nay như cứu cháy/ may ra… may ra" mới yên ở lòng mình! Trà ngon phải có nước của trời. Nhưng với Vũ Quần Phương, nước của trời cũng cần thanh lọc mới dùng được bởi "Khí quyển nhiều ô nhiễm". Trà đạo - ngẫm đạo trong đời, thơ Vũ Quần Phương cùng thời cuộc mà mới hơn.
"Bài thơ không thành" là tâm trạng tự vấn của người làm thơ: "Tôi cúi mặt nghe lòng tôi giếng cạn". Sự cúi mặt để nhìn xuyên thấu vào lòng mình, nhận chân lẽ không thành của bài thơ: "có lẽ chỗ gọi thơ/ thì thơ lại điếc/ con dế nhỏ trong đêm âm thầm than khóc/ với vì sao thao thức xa kia/ với cả thơ/ thì thơ say giấc/ có khi còn nói mê". Bài thơ không thành vì cái bên ngoài kia và tâm hồn thi sĩ không hòa làm một, hồn thi sĩ không hoàn hảo để nhập được, để nghe ra "tiếng thì thầm của cỏ/ nỗi ngập ngừng của hương/ và ngay cả ầm ào bão tố/ ta nghe mà chẳng rõ/ rõ mà lặng thinh". Hiểu thấu lẽ không thành nhưng nhà thơ không trách những gì ở ngoài mình, chỉ tự trách mình "Không hoàn hảo tài năng" và tự an ủi mình "Bài thơ không thành thì thành chiếc gương con".
Nỗi buồn trí tuệ còn được thể hiện trong bài "Con sâu đo" và "Chữ". Mắt nhà thơ nhìn xuyên thời gian, thấu hiểu "tính nết" của lịch sử:
Lịch sử như anh mù
anh điếc
anh câm
lại hay thích nói
nhưng thơ tự biết phận thơ:
Ông nhà thơ là con sâu đo
Lấy thân mình mà đo lịch sử.
Thơ cân đo thời thế, vĩ nhân lẫn châu chấu cào cào... bằng chính thịt da và trái tim mình.
Có nỗi buồn thoát ra thành lời:
Đừng tưởng làm thơ không có tội
Trắc bằng lắm lối
Không đưa ai qua sông
Mà người chết đuối
Có nỗi buồn thành "Tiếng nói câm", nhà thơ nghe được, đọc được ở đó ý nguyện, thân phận của những người nói không thành tiếng. Bài "Tịnh khẩu", tu luyện không nói cho nỗi buồn đắc đạo, nỗi buồn không thành "tiếng nghe" mà thành "tiếng nghĩ", không tồn tại trong thanh âm mà tồn tại trong tư tưởng, thậm chí trong hành động.
Vũ Quần Phương nhiều đồng điệu và luôn tự biết mình:
Đi trong mưa thì ta vẫn ngoài mưa
Đứng trước gió nhưng lòng ta đã gió
Gió ngoài kia đâu biết gió trong này.
Buồn và cô đơn thường bay đôi, bất an và niềm tin không bay đôi mà bay lẻ. "Thơ lúc đi đường" là thơ viết trong lúc tỉnh táo - tỉnh táo cô đơn: "Tôi đi cùng khoảng trống" … "Đám đông thì không mặt/ Nào biết ai vào ai". Mới đọc tưởng là bài thơ tình nhưng không phải: "Nhìn em không thấy em" như nhìn vào cõi của khát khao, của lý tưởng. Gương mặt em "Quen như mong ước", như kỳ vọng, nay nhìn lại hóa ai khác, người đọc ngờ ngợ bắt gặp một nỗi buồn thời cuộc. Bài "Trong đêm" nội tâm hơn: "Dầu bấc cạn rồi/ Mặt trời thì vẫn ngủ/ Biết tìm đâu ra lửa?/ Thì lấy đêm mà soi". Chứ biết làm sao. Chúng ta đứng giữa đêm nhiều khi phải nhắm mắt lại rồi lại mở ra để nhìn đấy thôi. Và đã nhìn thấy.
Thành phố NewYork nổi tiếng với những nhà chọc trời, một tứ thơ hình thành: "Không thấy được chân trời/ Chân trời vào ý nghĩ/ Sau chân trời/ Lại chân trời nữa". Nhà thơ biết cái rộng của nhiều chân trời, của ngoài trời còn có trời nhưng cũng biết một cách hài hước cái sức của chân ta. Một chút chơi chữ, đối chữ, hóm mà buồn:
Nghĩ chân trời
lại nghĩ chân ta.
Bài "Đón giao thừa" cũng tâm trạng buồn - trầm tĩnh và tỉnh táo trong cảnh ngộ của mình:
Trong căn nhà này là nước Việt
Là đèn nhang con cháu giao thừa
Ngoài căn nhà này là nước Mỹ
Giữa ngày tuần phố đã vào trưa…
Ở chùm thơ viết cho cháu, Vũ Quần Phương đã hồn nhiên nhập vào hồn trẻ thơ, dịch ngôn ngữ tâm hồn trẻ thơ sang ngôn ngữ người già rất hóm:
Chưa biết nói, chưa biết đi
Nhưng cháu biết ông là người chơi được
và
Ông bồng cháu dâng cao
Cả trái đất - lúc ấy thôi - ông chỉ còn thấy cháu.
Tôi đọc tập thơ "Chân trời sau chân trời" như đọc những tâm sự sâu kín. Con chữ hàm chứa đa chiều. Chân trời và sau chân trời, mặt trái mặt phải, mặt trước mặt sau, nhịp hô nhịp hấp... Trạng thái u mặc. Trầm tĩnh. Độc thoại. Ngẫm ngợi. Buồn cô đơn mà cũng không hẳn cô đơn mà là u mặc.
Vũ Quần Phương có tài bình thơ. Giá như ông tự bình thơ của mình thì tôi tin người đọc sẽ thú hơn đọc bài viết này.
Nguồn: Văn Nghệ Công An
NGUYỄN THANH LÂM
"Chân trời sau chân trời" là những chiêm nghiệm và độc thoại của nhà thơ Vũ Quần Phương ở tuổi 72, cái tuổi xưa thì hiếm mà nay thì không hiếm. Chỉ hiếm ở tuổi 72 mà thơ vẫn đậm hương đời, tình người, vẫn săn chắc và dồn nén, trầm tĩnh mà ẩn tàng bão dông. Khác với những tập thơ trước, kể từ tập "Quên chữ quên câu" xuất bản năm 2000 đến nay, đời mở cửa, nhà thơ tự thoát mình ra khỏi mình, thật mình hơn.
Mở đầu tập thơ là cặp "Âm - Dương": Trà đạo và phản trà đạo. Trong âm có dương, trong dương có âm là bản chất của dịch lý, bản chất của mọi sự mọi vật trong đời và ngoài đời.
Nhà thơ nhẩn nha, chậm rãi, ngẫm nghĩ lẽ nhân sinh trong trà đạo:
Nước thật sôi
Trà chết một lần nữa
Lại hiện ra búp non
Đấy là lẽ "vật cùng tắc phản" trong nỗi đau và cái chết sự sống lại hóa sinh. Có điều búp non ở cấp độ này thì "Bơi trong đặc chát". Câu thơ thủng thẳng, chậm rãi, ý ở ngoài lời, lấy việc uống trà nói việc đời, không ồn ào cao khoát mà lắng sâu, hương và vị trà "Từng giọt thấm" vào tâm, tỏa lan khơi nguồn ý tưởng.
"Phản trà đạo" là khí chất nói thẳng: "Đừng nói chuyện uống trà/ Hãy đi khoan giếng". Người đàn ông đã trải đời, trải núi, trải sông nhưng vẫn phải "Tìm xuống thật sâu/ Tận lòng người/ Sâu hút". Thơ nói chuyện khoan giếng, lấy nước mạch sâu nhưng lại sâu tới "Tận lòng người sâu hút" thì nước không hẳn chỉ là nước nữa mà tìm ở lòng người sự trong và sạch. Phàm việc khoan giếng, đào giếng, việc đầu tiên là tìm đất nào có mạch nước. Mạch nước có mạch nông, mạch sâu, nước có nước đục, nước trong. Giếng có giếng ngọt giếng lành và có giếng không dùng được. "Tìm xuống thật sâu/ Tận lòng người/ Sâu hút" là cái âu lo, bất an thời nào cũng có trong mỗi con người, trong mỗi nhà thơ.
Xưa Nguyễn Trãi đã từng "Bui một lòng người cực hiểm thay", nay Vũ Quần Phương không nản lòng tìm cái thanh khiết của nước trong. Dễ thôi: "Nước trong thì không đục" nhưng cũng khó vì "Nước trong mà có khi vẫn độc", việc đời lắt léo là vậy. Câu thơ "Lưỡi người cũng không tin được đâu" có dáng dấp câu văn xuôi độc thoại và tranh luận. Nó nghi ngờ cảm quan: "Nếm không ra vị độc". Lưỡi ở đây không chỉ là cơ quan vị giác, nó còn là cái lưỡi ngụ ngôn của Ezop. Nói hay là nó mà nói dở cũng là nó, rất khó tin. Vũ Quần Phương tự hô hào ở lòng mình: "Cứu nước thời nay như cứu cháy/ may ra… may ra" mới yên ở lòng mình! Trà ngon phải có nước của trời. Nhưng với Vũ Quần Phương, nước của trời cũng cần thanh lọc mới dùng được bởi "Khí quyển nhiều ô nhiễm". Trà đạo - ngẫm đạo trong đời, thơ Vũ Quần Phương cùng thời cuộc mà mới hơn.
"Bài thơ không thành" là tâm trạng tự vấn của người làm thơ: "Tôi cúi mặt nghe lòng tôi giếng cạn". Sự cúi mặt để nhìn xuyên thấu vào lòng mình, nhận chân lẽ không thành của bài thơ: "có lẽ chỗ gọi thơ/ thì thơ lại điếc/ con dế nhỏ trong đêm âm thầm than khóc/ với vì sao thao thức xa kia/ với cả thơ/ thì thơ say giấc/ có khi còn nói mê". Bài thơ không thành vì cái bên ngoài kia và tâm hồn thi sĩ không hòa làm một, hồn thi sĩ không hoàn hảo để nhập được, để nghe ra "tiếng thì thầm của cỏ/ nỗi ngập ngừng của hương/ và ngay cả ầm ào bão tố/ ta nghe mà chẳng rõ/ rõ mà lặng thinh". Hiểu thấu lẽ không thành nhưng nhà thơ không trách những gì ở ngoài mình, chỉ tự trách mình "Không hoàn hảo tài năng" và tự an ủi mình "Bài thơ không thành thì thành chiếc gương con".
Nỗi buồn trí tuệ còn được thể hiện trong bài "Con sâu đo" và "Chữ". Mắt nhà thơ nhìn xuyên thời gian, thấu hiểu "tính nết" của lịch sử:
Lịch sử như anh mù
anh điếc
anh câm
lại hay thích nói
nhưng thơ tự biết phận thơ:
Ông nhà thơ là con sâu đo
Lấy thân mình mà đo lịch sử.
Thơ cân đo thời thế, vĩ nhân lẫn châu chấu cào cào... bằng chính thịt da và trái tim mình.
Có nỗi buồn thoát ra thành lời:
Đừng tưởng làm thơ không có tội
Trắc bằng lắm lối
Không đưa ai qua sông
Mà người chết đuối
Có nỗi buồn thành "Tiếng nói câm", nhà thơ nghe được, đọc được ở đó ý nguyện, thân phận của những người nói không thành tiếng. Bài "Tịnh khẩu", tu luyện không nói cho nỗi buồn đắc đạo, nỗi buồn không thành "tiếng nghe" mà thành "tiếng nghĩ", không tồn tại trong thanh âm mà tồn tại trong tư tưởng, thậm chí trong hành động.
Vũ Quần Phương nhiều đồng điệu và luôn tự biết mình:
Đi trong mưa thì ta vẫn ngoài mưa
Đứng trước gió nhưng lòng ta đã gió
Gió ngoài kia đâu biết gió trong này.
Buồn và cô đơn thường bay đôi, bất an và niềm tin không bay đôi mà bay lẻ. "Thơ lúc đi đường" là thơ viết trong lúc tỉnh táo - tỉnh táo cô đơn: "Tôi đi cùng khoảng trống" … "Đám đông thì không mặt/ Nào biết ai vào ai". Mới đọc tưởng là bài thơ tình nhưng không phải: "Nhìn em không thấy em" như nhìn vào cõi của khát khao, của lý tưởng. Gương mặt em "Quen như mong ước", như kỳ vọng, nay nhìn lại hóa ai khác, người đọc ngờ ngợ bắt gặp một nỗi buồn thời cuộc. Bài "Trong đêm" nội tâm hơn: "Dầu bấc cạn rồi/ Mặt trời thì vẫn ngủ/ Biết tìm đâu ra lửa?/ Thì lấy đêm mà soi". Chứ biết làm sao. Chúng ta đứng giữa đêm nhiều khi phải nhắm mắt lại rồi lại mở ra để nhìn đấy thôi. Và đã nhìn thấy.
Thành phố NewYork nổi tiếng với những nhà chọc trời, một tứ thơ hình thành: "Không thấy được chân trời/ Chân trời vào ý nghĩ/ Sau chân trời/ Lại chân trời nữa". Nhà thơ biết cái rộng của nhiều chân trời, của ngoài trời còn có trời nhưng cũng biết một cách hài hước cái sức của chân ta. Một chút chơi chữ, đối chữ, hóm mà buồn:
Nghĩ chân trời
lại nghĩ chân ta.
Bài "Đón giao thừa" cũng tâm trạng buồn - trầm tĩnh và tỉnh táo trong cảnh ngộ của mình:
Trong căn nhà này là nước Việt
Là đèn nhang con cháu giao thừa
Ngoài căn nhà này là nước Mỹ
Giữa ngày tuần phố đã vào trưa…
Ở chùm thơ viết cho cháu, Vũ Quần Phương đã hồn nhiên nhập vào hồn trẻ thơ, dịch ngôn ngữ tâm hồn trẻ thơ sang ngôn ngữ người già rất hóm:
Chưa biết nói, chưa biết đi
Nhưng cháu biết ông là người chơi được
và
Ông bồng cháu dâng cao
Cả trái đất - lúc ấy thôi - ông chỉ còn thấy cháu.
Tôi đọc tập thơ "Chân trời sau chân trời" như đọc những tâm sự sâu kín. Con chữ hàm chứa đa chiều. Chân trời và sau chân trời, mặt trái mặt phải, mặt trước mặt sau, nhịp hô nhịp hấp... Trạng thái u mặc. Trầm tĩnh. Độc thoại. Ngẫm ngợi. Buồn cô đơn mà cũng không hẳn cô đơn mà là u mặc.
Vũ Quần Phương có tài bình thơ. Giá như ông tự bình thơ của mình thì tôi tin người đọc sẽ thú hơn đọc bài viết này.
Nguồn: Văn Nghệ Công An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét