Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

“Tìm về cơn khát dịu êm…”


“Tìm về cơn khát dịu êm…”

Nguyễn Anh Tuấn 

Nhà thơ Lý Viễn Giao
Mãi đến tận chiều nay, “Hình như bóng dáng mùa thu/ Thấp thoáng ngoài khung cửa nhỏ”, tôi mới lại giở tập “Hình như thu”* của tác giả Lý Viễn Giao tặng hồi chớm hè để đọc một cách kỹ lưỡng…
Tôi được gặp tác giả đôi ba lần, trong mấy cuộc giao lưu ra mắt sách thơ của vợ chồng thi sĩ Nguyễn Nguyên Bảy- Lý Phương Liên, chưa có điều kiện để trò chuyện nhiều với ông và cũng bởi có cảm giác ông là người sống thu mình, không cởi mở. Nếu chưa gặp ông, chỉ đọc thơ ông, ta cũng có thể mường tượng ra một con người sống trầm lặng, không nói to bao giờ, thường xuyên mơ mộng, hay ngẫm ngợi, chỉ kín đáo quan sát để không bỏ sót một sắc thái nào của thiên nhiên, một biểu hiện nào của tâm lý những người xung quanh…
Thơ ông hé lộ ra một tâm hồn thiên về hoài niệm những vẻ đẹp xưa cũ, giản dị, rêu phong… Ông là người chờ hoa Quỳnh nở trong tâm trạng như cả cuộc đời chờ đợi, để biết rằng sau đó canh tàn thì “hồn mãi dâng khơi”… Thơ ông hình như phải đọc trong một tâm thế tĩnh lặng, trong một cảm xúc đặc biệt nào đó chợt cuốn ta vào sự hồi tưởng về những gì dịu êm, thanh cao, thậm chí nhuốm nỗi buồn, khi mà nhân tình thế thái chẳng có mấy vui vẻ dễ chịu…
Ông từng sang Nhật, sang Campuchia, tới thăm nhiều danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử trong nước, ở đâu ông cũng đều làm thơ ghi lại cảm nghĩ của mình; song tôi thiển nghĩ: những nơi đã đi qua chính là cái cớ để ông chiêm nghiệm trăn trở với những gì thân thuộc trong tâm hồn đa cảm của ông. Những bài thơ có địa danh cụ thể của ông đều có cái thú vị để nhớ, có câu để thuộc, nhưng thực ra, những bài thơ câu thơ rút ra từ cõi mông lung của tâm trạng của ông mới để lại rung cảm sâu xa, in dấu ấn sâu đậm cho người đọc ông…
Con người thơ ấy dễ bần thần khắc khoải với cái “mắc nợ” tưởng chừng không đâu, có thể thực vô nghĩa (và vô duyên) với người đời:
Nợ em một nửa dòng sông…
Nợ em một nửa giấc mơ…
Có nhiều điều rất bình thường, lại đã được thông tin hóa đến nhàm, nhưng qua hồn thơ ông, dường như chúng lại chợt mang một cái gì đó thật mới lạ, và rưng rưng. Sóng muôn đời vẫn chỉ là sóng, nhưng với ông lại thành “Sóng hờn”, “Sóng vô tình”, “Sóng nhớ”.
Sóng vẫn ngủ
Đợi người cuối bãi
Để bây giờ
Trút hết về anh…
Nhà thơ Đoàn Phú Tứ xưa có “Màu thời gian” thì bây giờ Lý Viễn Giao có “Màu nỗi nhớ” – cái nỗi nhớ tràn ngập hồi tưởng và ký ức. Ký ức trong ông tựa những giọt nước rơi tí tách; ký ức chắt lọc những gì tinh tế nhất, dễ cảm nhất, mong manh nhất và dễ bị tổn thương nhất. Có thể nói ông là một “lãng tử” cô độc của ký ức buồn:
Rèm động
Cơn mơ bỏ đi
Đêm trắng
Mọi thứ đối với ông, ở vào tuổi ông, hình như tất cả đều là “hình như”: “Hình như lòng chạm heo may”, “Hình như thu nhớ thăm người” và biết bao cái “hình như” khắc khoải mơ hồ, có mà không, không mà có, cũng bởi mọi điều mọi vật của đời thường đã tới lúc cần phải đi qua bộ lọc của ký ức, tưởng như chẳng khắt khe cao siêu gì nhưng thực ra phải tuân theo một đòi hỏi ngặt nghèo của thẩm mỹ, của lý tưởng sống thanh cao mà ông tôn thờ ; đoạn thơ sau đây có thể là tiêu biểu cho khát vọng tinh thần ấy:
Về đi em
Về với phù sa
Chân đất bùn đen tươi mầu hoa súng
Nơi ấy làm hay
Nói vụng
Nơi ấy con người
Nơi ấy tình yêu
Phải chăng, có thể dùng chính khổ thơ rất hay này của Lý Viễn Giao để “vẽ” lên được một cách sinh động chân dung tinh thần ông:
Có những hạt mưa không tên
Rơi từ miền xưa hoang vắng
Dắt ta ngược dòng năm tháng
Tìm về cơn khát dịu êm…

*
Lý Viễn Giao là nhà thơ khá tài hoa trong tả cảnh, tả tình, ông đã bắt đầu làm chủ được chữ nghĩa.Viết đến thế này có thể nói là “tuyệt bút”:
Chỉ cần gió đẩy lời sương khói
Cũng đủ lung linh lối đá mòn
Thơ ông kiệm lời, cô đọng cảm xúc, thường chỉ với mấy nét bút đơn sơ của tranh thủy mạc cũng đủ chạm tận đáy lòng người. Ta hãy thử đọc bài thơ viết trong mùa “Vu lan”:
Về thăm mẹ
Bước nhẹ
Cỏ thơm.
Lối nhỏ lên chùa
Ngày xưa
Mẹ.
Mấy dòng đơn sơ tưởng không thể đơn sơ hơn đã vẽ ra toàn bộ cảnh vật chứa đựng biết bao trân trọng, nhớ thương kỷ niệm về tuổi thơ, cũng như số phận đời người.
Rất nhiều đoạn thơ 3 câu theo thể thơ Haiku khá nhuần nhị và độc lập nằm trong tổng thể một bài thơ dài khiến bài thơ đó mang nhiều âm hưởng lạ lùng, cho thấy sự tinh tế của Lý Viễn Giao trong cảm thụ cuộc sống cũng như trong nghệ thuật làm thơ. Tôi chỉ dám xin trích hú họa vài đoạn ( giống những bài Haiku hoàn chỉnh) để người đọc chậm rãi thưởng thức:
Chiếc lá vàng/ Bay ngang/ Se lạnh
Cánh mỏng/ Lưng trời/ Mắt xa khơi
Cỏ may găm áo/ Khờ khạo/ Lời thề
Gặp lần đầu/ Đã có nhau/ Kiếp trước
Người ấy sang ngang/ Bến nước cuối làng/ Chênh chao sóng mãi…
Trang giấy học trò/ Đôi cánh bướm khô/ Dính đầy mực tím
Giọt nắng cuối ngày/ Nâng cánh vạc bay/ Dìu cò về tổ
Nắng vẫn còn kia/ Mưa đã ùa về/ Đôi bờ sợi tóc
Giá như ở hầu hết những bài có địa danh cụ thể được ông gia công nhiều hơn về tứ thơ, thoát ra khỏi ý nghĩa lịch sử hay tính chất thời sự… thì tập thơ còn có sức nặng hơn nữa. Tuy nhiên, tập “Hình như thu” của Lý Viễn Giao hình như đã có một sắc thái thật riêng biệt để khỏi bị chìm lẫn đi trong số hàng ngàn tập thơ ra đời trong những năm qua, bởi dấu ấn tâm hồn khá riêng biệt của ông in rõ nét qua một ngòi bút tinh tế, có trăn trở tìm tòi  hữu hiệu về hình thức thể hiện.
Nếu muốn tạm lảng tránh những điều dữ dằn gay gắt trong đời sống để lấy thêm nguồn dinh dưỡng cho tâm hồn và có thêm niềm tin yêu rộng lớn đặng vượt qua những nỗi thất vọng phiền muộn, ta hãy thử một lần chìm trong mạch nguồn tâm tư của nhà thơ vốn xuất thân từ nhà giáo này.
Thềm vắng
 Trăng trôi
 Thừa một chỗ ngồi
“Chỗ ngồi” đang “thừa” đó của sự thanh cao hướng về nội tâm vẫn còn ngóng chờ tôi và bạn, thưa bạn đọc!
_____________
* Nxb Hội nhà văn, Hà Nội 2010
Hà Nội, Thu 2011
Nguyễn Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét