Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

HUY CẬN : Đốt Lửa Thiêng – đánh thức Các Vị La Hán Chùa Tây Phương (*)



HUY CẬN : Đốt Lửa Thiêng – đánh thức Các Vị La Hán Chùa Tây Phương (*)

Lê Xuân Quang

(Kỉ niệm 7 năm ngày mất (19.2.2005 – 19.2.2012) của Thi sĩ Huy Cận, 93 năm ngày sinh (31.5.1919 – 31.5.2012)

Thấm thoát đã 7 năm trôi qua, Huy Cận , nhà thơ lớn – cây đại thụ của nền thi ca Việt Nam thế kỉ 20 đã trở thành cát bụi, về với vũ trụ bao la, làm’’Vì tinh tú’’ sang chói trên bầu trời văn chưong nước Việt, nối tiếp giọng mà hơn 70 năm trước (1940) đã từng cất lên: Vũ Trụ Ca (**).
Ông tên thật là Cù Huy Cận sinh quán tại Ân Phú, Hương Sơn, Hà Tĩnh . Qua những tác phẩm để lại cho kho tàng văn học nước nhà, có thể xem, ông là một trong số những nhà thơ, có ảnh hưởng lớn đến nền thi ca Việt Nam trong 65 năm của thế kỉ 20 , (tính từ lần đầu tiên xuất hiện tập thơ Vũ Trụ Ca 1940 đến lúc mất 2005) (1). Ngoài các tác phẩm đồ sộ, với 2 thi phẩm trác việt như Tràng Giang và Các vị La hán chùa Tây Phương, ông còn cùng những ‘’Tinh tú’’ trong Thất tinh của nhóm Tự lực văn đoàn : Xuân Diệu, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Tế Hanh... tham gia, đóng góp cổ vũ cho Phong trào Thơ Mới nhằm khẳng định vị thế của một dòng thơ, mà người đọc đương thời còn chưa quen, một số Văn Nghệ Sĩ - phản đối...
Đã có qúa nhiều bài viết ca ngợi thi tài của Huy Cận. Đặc biệt viết về bài thơ Tràng Giang in trong tập Lửa Thiêng (1940 - 1942). Hầu như các bài viết đều thống nhất: Tràng Giang đẹp, hay mang ý nghĩa thời sự, đạt được tính khái quát về thời đại mà vẫn mang vẻ cổ điển trữ tình.
Tràng Giang nghĩa đen là Sông dài, nhưng người đọc nhận ra ẩn trong đó ’’sông dài’’ chính là Dòng đời của con người. Tác gỉa đứng bên lề Tràng Giang, quan sát cảnh, vật , con người bị ’’dòng đời’’ - cuốn trôi…
Nếu cách nay hơn nửa thế kỉ, ai đã từng đứng trên bờ sông Hồng vào một buổi chiều thu (khỏang đầu tháng 7, giữa tháng 8) - đoạn từ bến Chèm xuống dưới Phà đen (nơi giòng sông phân nhánh), có rất nhiều cồn cỏ, bãi nương - cũng sẽ có cảm gíac như Thi sĩ Huy Cận. Thời gian đó, trên thượng nguồn thường có những trận mưa lớn (dân ta gọi mưa nguồn). Nước từ trên rừng chảy xuống khe suối, cuốn tất cả những gì ngăn, ngáng : Củi khô, xác người (2), xác thú vật, cụm bèo Tây (lục bình) kết bè trên sông suối - trôi ra sông cái. Những cơn lũ dữ dội của Hồng Hà cuồn cuộn chảy, ngầu đỏ phù sa. Trên giòng trôi, những ’’củi một cành khô’’ - quăng quật, xoay tròn khi gặp vùng nước xoáy (do giòng chảy tạo ra). Qua bút pháp tả thực, người đọc hình dung, mường tượng: Dòng chảy - Chính là dòng đời, những vật trôi -’’củi, cành khô, cụm bèo’’ - như những con người, nhóm người - bị sức mạnh của thiên nhiên, của xã hội nhiễu nhương cuốn đi mà không thể cuỡng lại. Tác gỉa phản ánh nỗi niềm tâm sự, ưu tư của mình trước thời cuộc nhưng đã truyền cảm cho người đọc, bắt trí tưởng tượng của họ bùng phát, liên tưởng...
Tràng giang mang vẻ đẹp cổ điển, nhưng tràn đầy chất hiện đại, bởi cấu trúc, ngôn từ và thi tứ. Cả bài gồm 4 khổ thơ thất ngôn. Trong đó, nhặt ra khá nhiều ngôn từ ‘’cổ’’: Buồn điệp điệp (trùng trùng)… gió đìu hiu... sầu chót vót… bóng cô liêu… dờn dợn… hoàng hôn, nhớ nhà. Những ngữ điệu cổ, luyến lắy - làm ta liên tưởng tới 3 bài thơ nổi tiếng của Nữ sĩ tài danh Bà Huyện Thanh Quan (BHTQ(3): Thăng Long Hoài Cổ, Chiều Hôm Nhớ Nhà, Qua Đèo Ngang. Người đọc nhận ra Tràng Giang có cùng mô típ. Huy Cận đã kế thừa thật sáng tạo vốn cổ. Đặc biệt, thi tứ Tràng Giang rất giống Chiều Hôm Nhớ Nhà (CHNN):

CHIỀU HÔM NHỚ NHÀ

Trời chiều bảng lảng bóng hoàn hôn
Tiếng ốc xa đưa lẩn trong đồn
Gác mái Ngư ông, về viễn phố
Gõ sừng Mục tử, lại cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa, khách bước dồn
Kẻ chốn Chương đài (*), Người lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.
(Bà Huyện Thanh Quan)
(Theo tích cổ Trung Hoa: Chương đài là tượng trưng địa danh - nơi vợ của người Lữ Thứ - đang sống (...).
Chiều Hôm Nhớ Nhà - là tâm sự của người Lữ khách khi chiều về - vẫn đang rong ruổi trên đường, nhìn khung cảnh ’’quê người’’... nhớ người thân yêu ’’quê mình’’ trong nỗi buồn man mác, cô quạnh...
Tràng Giang - cũng là tâm sự của Thi sĩ khi chiều về, đứng nhìn giòng nước cuồn cuộn chảy, nhớ nhà, nhớ người thân yêu, suy tư về con người trước thời cuộc xoay vần, trôi nổi với nỗi buồn mênh mang, da diết ’’dờn dợn’’.Cả bốn bài thơ: Tràng Giang - Thăng Long Hoài Cổ - Chiều Hôm Nhớ Nhà(CHNN) - Qua Đèo Ngang, đều có cùng cấu trúc, diễn đạt một ý tưởng:
Cảnh buồn khiến người cũng buồn.
Cảnh mà đìu hiu - người đâu có thể vui.
Người buồn, cảnh cũng sẽ buồn theo:’’Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (Kiều)’’ .
Những bài thơ tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc của thơ Đường luật với 4 ràng buộc: Đề - Thực - Luận - Kết (4). Tràng Giang tuy không phải là thể thơ Thất ngôn, Bát cú (bẩy chữ, tám câu), nhưng nó có 16 câu bẩy chữ, chia làm 4 khổ thơ. Cứ mỗi khổ, 4 câu - làm vai trò của 1 trong 4 ràng buộc của Thất ngôn Bát cú. Đáng chú ý những câu Luận - Kết của cả 4 bài:
Của - Chiều Hôm Nhớ Nhà:
...
Kẻ chốn Chương đài, Người Lữ thứ
Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn.

Thăng Long Hoài Cổ:
Nghìn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh ấy, người đây luống đọan trường.

Qua Đèo Ngang:
Dừng chân đứng lại: Trời, non , nước
Một mảnh tình riêng ta với ta

Còn Tràng Giang:
Lớp lớp mây cao đùn núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
Lòng quê dờn dợn vời con nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

Tuy kế thừa thi tứ của cổ nhân, nhưng sự kế thừa đã được phát triển, nâng lên. Huy Cận chọn, xử dụng ngôn từ diệu nghệ để diễn đạt tâm tình khiến người đọc đồng cảm: Từ chủ đề đến cấu trúc toàn bài, kết nối giữa ’’Tân’’ và ’’Cổ’’ - hòa trộn một cách tài tình, tạo ra sắc thái riêng theo phong cách ’’Tân Cổ Giao Duyên’’: Cổ mà không cũ, gần mà vẫn có khoảng cách, giống mà không sao y nhau. Tràng Giang nóng bỏng tính thời sự của thời đại, hiện thực, sâu rộng, khái quát hơn Chiều Hôm Nhớ Nhà.
Thời cuộc biến đổi, chiến tranh thế giới thứ 2 ập đến (1941), cũng như bao văn nghệ sĩ cùng trang lứa theo tiếng gọi của non sông’’Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu’’, Huy Cận tham gia cách mạng rồi đi kháng chiến. Suốt 9 năm kháng chiến chống Pháp (1946 - 1955) ông ít làm thơ. Các bài thơ của ông làm trong thời gian này, không gây được tiếng vang. Phải đợi đến năm 1958, Huy Cận cho xuất bản tập Trời Mỗi Ngày Lại Sáng. Trong đó khá nhiều bài hay. Đặc biệt bài Anh Tài Lạc. Bài thơ ca ngợi người công nhân mỏ than Cẩm Phả chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bị Pháp bắt, xử bắn… Theo thông lệ, tác giả thường làm người tường thuật sự tích anh hùng của đối tượng, giãi bầy cảm xúc của mình về đối tượng được quan tâm, miêu tả.. Nhưng ở Anh Tài Lạc, Huy Cận đưa anh vào làm người trực tiếp tường thuật lại hành động anh hùng của mình dù là người đã chết, anh tự kể về mình. Bằng thể thơ tự do (trước đó, Huy Cận thường xử dụng thể thơ Thất ngôn hoặc Lục bát) :
Tôi là Tài Lạc
Tôi đã chết rồi
Tôi chết ngày tháng chạp chiều hai mươi
Ngực thủng 5 lần xuyên đạn
Gió rét lùa vào lỗ bắn
Chúng bắn tôi ngày hôm ấy phát lương
Phát gạo vay cho các công trường…
Cứ thế, liệt sĩ Tài Lạc tự làm sống lại giây phút anh hùng của mình khiến người đọc xúc động... Mãi ở đoạn kết, tác gỉa mới trực tiếp giãi bày cảm xúc, gửi tới hương hồn người đã khuất những lời thương tiếc, tôn vinh.

Mùa xuân năm 1963 – như mọi người dân thường, thi sĩ đến thăm chùa Tây Phương ở tỉnh Sơn Tây (nay thuộc ngoại vi Hà Nội). Chùa Tây Phương có rất nhiều tượng phật La Hán. Điều độc đáo: Những nghệ nhân vô danh đã tạc các tượng Phật thật sống động đqạt đỉnh cao nghệ thuật điêu khắc : Vị nào ra vị ấy, từ tính cách, khuôn mặt, dáng ngồi và sự tích - không vị nào giống vị nào. Nhìn tượng, ta cảm thấy như đó là những con người đang sống ngoài đời, vào đây ngồi, chứ không phải bức tượng bằng gỗ vô tri vô gíac.
Khác hẳn mọi người khi chiêm ngưỡng tượng, Huy Cận có cảm quan sâu sắc khác thường: Ông nhìn từng pho tượng, nghiền ngẫm, suy tư - ’’đọc’’ tâm tư tượng qua nét mặt, tư thế ngồi… rút ra những kết luận để liên tưởng về Đạo - Đời, về Phật pháp - Chúng sinh rồi chuyển hóa thành triết lý, điển hình hóa, ‘’thơ hóa’’ và Các Vị La Hán Chùa Tây Phương (CVLHCTP) ra đời. Bài thơ dài 60 câu chia làm 15 khổ, thể Thất ngôn . Từ bức tượng Phật theo sự tích: Nhịn ăn mà mặc, thân gầy xác ve - ông liên tưởng, đặt câu hỏi:

Có vị phong trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi yên cho đến nay.

Mỗi vị La Hán mỗi vẻ: Người vui, người giận, người buồn… có người ngồi yên trong tĩnh lặng… tất cả đều được Huy Cận nắm bắt thần thái, phân tích, đặt ra những vấn đề, dường như Tượng và ông cùng bức xúc:

Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị run theo lòng chúng sinh?

Và, thi sĩ lại tự trả lời thay Phật:
Một câu hỏi lớn không lời đáp.
Cho đến bây giờ mặt vẫn chău.

Thi Sĩ cùng trăn trở:
Đứt ruột cha ông trong cái thưở
Cuộc sống dậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hy vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương

Nỗi đau của Chúng sinh khiến Tượng cũng đồng cảm thể hiện rõ trong ánh mắt, khuôn mặt, Thi sĩ bừng tỉnh trước hiện thực:
Hoàng hôn thế kỉ phủ bao la
Sờ soạng cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ấm, nửa sương tà.
Có thể ví Tràng Giang chỉ là ngôi biệt thư mấy tầng lầu, còn CVLHCTP chẳng những là tòa lâu đài đồ sộ nguy nga thi sĩ xây lên cho sự nghiệp thi ca của mình, mà còn là công trình to lớn của một dòng Thi ca của Việt Nam đương đại. Các Vị La Hán Chùa Tây Phương đạt được mọi yếu tố của tác phẩm gía trị: Chủ đề, tứ thơ, ngôn ngữ, tính thời sự, tính khái qúat thời đại, sự tổng hợp, hòa trộn đến nhuần nhuyễn giữa cổ điển và hiện đại…  
Thế nhưng điều đáng để hậu sinh suy tư : Dường như thi sĩ trải lòng mình bằng những dự báo vô cùng chính xác  thông qua những câu thơ khiến người đọc hiện thời phải trăn trở, ngỡ ngàng đến sửng sốt:
Một câu hỏi lớn không lời đáp.
Cho đến bây giờ mặt vẫn chău.
hoặc :
Đứt ruột cha ông trong cái thưở
Cuộc sống dậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hy vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương
Hay :
Hoàng hôn thế kỉ phủ bao la
Sờ soạng cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ấm, nửa sương tà ?
Thi sĩ hoàn thành bài thơ lúc cậu con trai Cù Huy Hà Vũ mới cắp sách tới trường (6 tuổi – 1957 – 1963). Ông đâu ngờ 47 năm sau (ở độ tuổi 53 (năm 2010 – năm xung tháng hạn), con ông do tiếp tục kế thừa sự nghiệp mà ông đi chưa tới đích : Đặt tiếp câu hỏi của ông và cũng như ông, và tổ tiên - anh lại ’’sờ soạng tìm lối ra’’… Tiếc thay con ông đã bị ngăn cản và phải trả gía cho hành động dũng cảm của người trí thức chân chính , thông minh - muốn tiếp nối theo cha ông , thực hiện lời cha ông tìm lối ra cho tổ quốc mà anh yêu qúy. Thế nhưng anh không được chấp nhận để rồi phải trả gía đắt cho hành động của mình: Nhận lấy sự đầy ải trong tù ngục…
Huy Cận viết CVLHCTP cách đâyđã trọn 49 năm (1963-2012).
Ông đã về với Hoàn Vũ để ca tiếp bài Vũ Trụ Ca mà ông đã xướng lên từ năm 1940 . Đọc lại CVLHCTP, chúng ta cảm thấy như nhà thơ đang hiển hiện tại cuộc đời này, đang tâm tình cùng độc gỉa… tiếp tục chất vấn những tượng Phật… thúc dục con trai mình’’hữu trách với quốc gia’’ ! Bức xúc của Thi sĩ 49 năm trước, làm người đọc hôm nay đồng cảm, trăn trở, như  lời‘’thúc ép –‘’bắt’’họ cùng chúng sinh tìm lối ra, trước các bế tắc nổi cộm của hiện tại và khả năng trong tương lai …
Huy Cận đã đi vào cõi vĩnh hằng nhưng để lại cho đời những vần thơ trác tuyệt . Người đọc cảm thấy như ông vừa viết xong hôm qua, hôm kia. Ngọn Lửa Thiêng được ông thắp lên từ hơn 70 năm trước đã đánh thức Các Vị La Hán Chùa Tây Phương (…). Bây giờ, hôm nay - các thế hệ người đọc Việt nối tiếp - đọc lại thơ ông, như được ngọn lửa ấy hun đúc làm bừng lên đến cháy bỏng tâm can…
Thơ Huy Cận kế thừa, sáng tạo ra trường phái Tân Cổ Đìển. Chất ‘’Tân’’ và ‘’Cổ’’ hòa quyện, làm người đọc, mẫn cảm, hài hòa, thỏa mãn - trong qúa trình đi từ cảm xúc đến nhận thức. Sau Tràng Giang - 23 năm (1940 - 1963) - Tân Cổ Điển lại được chính ông tiếp tục phát triển, nâng lên và… thành công! Đỉnh cao của sự thành công chính là Các Vị La Hán Chùa Tây Phương!  
Chúng ta cùng đọc bài thơ bất hủ của Huy Cận:

CÁC VỊ LA HÁN CHÙA TÂY PHƯƠNG

Các vị la hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về, lòng vấn vương
Há chẳng phải đây là xứ phật
Mà sao ai nấy mặt đau thương ?

Đây vị phong trần, chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi yên cho đến nay

Có vị mắt giương mày méo xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.

Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe tựa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn...

Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổi trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.

Mỗi người một vẻ mặt con người
Cuồn cuộn đau thương chảy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.

Mặt cúi, mặt ngiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn: Không lời đáp!
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.

Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quaị run lần chót
Các vị run theo lòng chúng sinh ?

Nào đâu, bác thợ cả - xưa đâu?
Sống lại cho tôi hỏi một câu
Bác tạc bao nhiêu hình khổ hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau ?

Hay bấy nhiêu hồn trong giông bão
Bãy nhiêu tâm sự bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Đã khổ không yên cả dáng ngồi.

Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can, vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu.

Đứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống dậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hy vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.

Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ấm, nửa sương tà.

Các vị La hán chùa Tây Phương
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.

Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hóa gần
Những bước mất dần trong thớ gỗ
Về đây muôn vạn dặm đường xuân.

          H. C
          (Chùa Tây Phương 1963)
          Berlin - Mùa xuân 2012
                  
          Ghi Chú:
          (*) - Tên hai tác phẩm nổi tiếng của Thi sĩ Huy Cận.
          (**) – Theo Wikipedia : Trước 1945 : Kinh cầu tự (1942, văn xuôi triết lí) , Vũ trụ ca (thơ đăng báo 1940-1942).
          (1) . Tư liệu này rút trong Thi Nhân Việt Nam, in năm 1942 do đồng tác gỉa TNVN - Nguyễn Đức Phiên (em ruột Hoài Thanh) - xuất bản.
          (2). Vào mùa nước lũ hàng năm, trên giòng Hồng Hà thường có những thây người vô thừa nhận. Ở qũang phía trên, đầu thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định - có một mỏm đất, (do giòng chảy tạo ra). Cứ như được thần linh xui khiến, các xác người trôi đến khu vực này đều dạt vào bờ… Bà con địa phương thương xót, vớt lên chôn cất ngay tại khoảnh đất sát cạnh chân đê, coi việc này là làm phúc để các thây ma được mồ yên mả đẹp, chóng siêu thoát…
          (3). Theo Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam: Bà tên thật là Nguyễn Thị Hinh (Thế kỉ 19 , thời Minh Mạng). Bà Huyện Thanh Quan là bút danh lấy từ nơi chồng bà làm Tri Huyện Thanh Quan, ngày nay là huyện Đông Hưng - Thái Bình.
Bà để lại cho hậu thế 7 bài thơ Nôm, thể Đường Luật - Thất ngôn Bát cú (…) Trong đó - theo đánh gía của dư luận: Nổi tiếng, lừng danh là 3 bài: Thăng Long Hoài Cổ, Chiều Hôm Nhớ Nhà, Qua Đèo Ngang.
          (4) . Thơ Thất ngôn, Bát cú - có những quy chuẩn rất khắt khe, cấu trúc phức tạp. Toàn bài Đường luật có 8 câu, mỗi câu 7 chữ, phân chia như sau:
Câu thứ 1 và 2: Đề (Thừa đề, Phá đề - nêu vấn đề).
Câu thứ 3 và 4: Thực (a) - hai câu đối nhau (vấn đề - a).
Câu thứ 5 và 6: Thực (b) - hai câu tiếp tục đối nhau (vần đề - b).
Câu thứ 7: Luận ( bàn vấn đề).
Câu thứ 8: Kết (kết luận vấn đề).
Ngoài ra, trong từng câu, các từ ở vị trí thứ 2, thứ 5 và thứ 7 - còn phải theo quy tắc âm luật... (Thanh Không - Thanh Bằng -Thanh Trắc)…

Berlin – mùa xuân Nhâm thin -  2012
Lê Xuân Quang
Tác giả gửi bài qua Email.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét